Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.281
 
Khalil, tên dị giáo 1
Kahlil Gibran

Nguyên tác: Kahil Gibran

Bản tiếng Việt: Nguyễn Ước

 

Lời người dịch

Ðây là một trong bốn truyện ngắn do Kahlil Gibran (1883-1931) viết bằng tiếng A-rập, với văn phong cổ điển và mang tính sứ ngôn, hợp thành cuốn Spirits Rebellious (Các tinh thần nổi loạn), xuất bản năm 1908, chín năm trước cuộc Cách mạng Nga 1917.

Chuyện xảy ra tại một làng quê heo hút ở Li-băng, khoảng 70 năm sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Nơi giả tưởng đó, theo Gibran, tiêu biểu cho xứ sở Li-băng đang chịu áp bức lưu niên của quí tộc và tăng lữ. Mọi nỗ lực cải cách đều vô ích vì đối với tầng lớp bóc lột và dân chúng “tấm màng dày cộm mà các thời đại dệt nên, đang bọc kín con mắt họ; nó không thể bị xé tan trong một thời gian ngắn. Và lớp vữa mà ngu dốt và mông muội trét xi-măng hai tai họ đã khô cứng; nó không thể bị bóc ra bằng cái chạm vào của những ngón tay dịu dàng”.

Thế rồi sự xuất hiện của một thanh niên bị cáo gian là vô đạo và dị giáo đã tạo được thay đổi toàn diện. Ðó là cuộc cách mạng triệt để nhưng không hận thù và bất bạo động. Nó diễn ra dưới ánh sáng của Tự do và Chân lý, với tâm linh dũng cảm và am hiểu thấu đáo. Như thế, tiến độ của cách mạng ấy tương ứng với cường độ tâm linh và trình độ dân trí.

Tới nay đã hơn 100 năm, một số chi tiết trong Khalil, tên dị giáo đã trở thành lịch sử, tuy thế, nhiều vấn đề được  nêu lên trong đó cùng những biến hóa tinh vi của chúng vẫn đeo đuổi, làm đau khổ người dân thời nay tại xứ sở phương Ðông nào dân trí bị kềm hãm và tôn giáo bị nhà cầm quyền biến thành công cụ chính trị.

Gibran là tín đồ thuộc Giáo hội Công giáo Phái Maronite tại Li-băng mà từ năm 1736 đã hội nhập vào Giáo hội Công giáo La Mã. Ðức Kitô và Phúc âm trong mắt ông là ánh sáng, niềm hứng khởi, nguồn sinh lực và cẩm nang để xây dựng một cộng đoàn Tự do và Hạnh phúc. Và chỉ trong bầu không khí độc lập và nhập thế, tôn giáo mới có khả năng tự thanh tấy và thể hiện chức năng cứu độ của nó. Ông dành phần lớn đời mình để cổ vũ cho thuần khiết tôn giáo và giải phóng con người. Ngay từ thập niên 1910, chính quyền và giáo quyền ở Li-băng đã đốt tác phẩm của Gibran ở giữa chợ tại Beyrouth, và biến đời di dân tại phương Tây của ông thành lưu đày.

Ông qua đời năm 1931 với một đám tang đầy đủ lễ nghi Công giáo, có đủ đại diện các giáo hội Kitô giáo, Do thái giáo và cả hai chi phái Hồi giáo Sunnite - Shiite, v.v. tại Hoa Kỳ lẫn Li-băng. Thi hài ông đưa về quê, được dân chúng Li-băng tiếp rước trọng thể và hân hoan như nghênh đón một ngôn sứ bất tử của thế giới và dân tộc. Ông được an táng trong Tu viện Mar-Sarkis, ngôi nhà thờ thời thơ ấu của ông. Vách bên phải nhà mồ có khắc mấy dòng chữ A-rập, “Tôi muốn được viết trên mồ mình lời này: Tôi đang sống như bạn và lúc này ở cạnh bạn, vậy bạn hãy nhắm mắt và nhìn quanh, sẽ thấy tôi ở trước mặt.”

Và thật lạ thường, tên tu sĩ Mobarak của nhân vật chính trong Khalil, tên dị giáo lại ngẫu nhiên trùng hợp với Tổng giám mục Ignatius Mobarak, nhà thờ chánh toà St. George ở Beyrouth,  năm 1931, đã đón thi hài của Gibran và làm lễ an táng cho ông.

N. Ư

 

Khalil, tên dị giáo

 

1

           

Tộc trưởng Abbas được dân trong một làng hẻo lánh tại Bắc Li-băng ngưỡng vọng như một ông hoàng. Dinh thự của y đứng lừng lững giữa những túp lều lụp xụp của dân chúng nghèo khó, trông như một gã khổng lồ cường tráng giữa những người lùn quặt quẹo. Abbas sống xa hoa trong khi dân làng không thoát nổi tình trạng cơ cực. Họ tuân phục y và gập mình tôn kính khi nghe y phát biểu. Dường như Sức mạnh của tâm trí đã chỉ định Tộc trưởng Abbas làm kẻ thông giải và phát ngôn cho nó.

           

Khi Tộc trưởng nổi cơn thịnh nộ, dân làng run lẩy bẩy và tan tác như lá mùa thu trước luồng gió mạnh. Nếu có kẻ nào thấy mình sắp bị Abbas vả vào mặt mà tìm cách né tránh, ngẩng đầu lên nhìn y hoặc tìm cách biết cho ra lý do của cú bạt tai ấy, chắc chắn kẻ đó là một tên dị giáo. Nếu có kẻ nào được Abbas mỉm cười, dân làng sẽ xem kẻ đó có vinh dự lớn, gặp hồi cực kỳ may mắn.

           

Sự sợ hãi và đầu hàng của dân chúng đối với Tộc trưởng không do yếu đuối nhưng vì hoàn cảnh túng thiếu lưu niên khiến họ phải cần tới y, đưa đến tình trạng bị sỉ nhục trường kỳ. Nơi dựng lên căn lều họ đang sống, thậm chí đồng ruộng họ đang cày cấy đều là đất của Abbas, kế thừa từ tổ tiên y.

           

Việc canh tác đất đai, gieo hạt, thu hoạch mùa màng đều diễn ra dưới mắt nhìn chằm chặp của Tộc trưởng. Y đền đáp công lao cực nhọc của dân làng bằng cách đưa lại cho họ một phần nhỏ hoa lợi, vừa đủ để giữ họ khỏi phải làm nạn nhân cho cơn đói đang ăn mòn cơ thể mình.

           

Thông thường, nhiều dân làng cần cái ăn trong những ngày giáp hạt. Họ lên gặp Tôc trưởng Abbas, ứa nước mắt năn nỉ y ứng trước vài đồng bạc hoặc một giạ thóc. Tộc trưởng hớn hở chấp nhận lời thỉnh cầu ấy vì y biết rõ khi tới mùa gặt, họ sẽ trả gấp đôi số nợ. Dân làng cứ sống như thế cho hết kiếp của mình rồi truyền lại cho con cháu công nợ cùng lòng phục tùng Tộc trưởng. Run sợ mỗi lần thấy Ông chủ nổi giận, họ ra sức tìm đủ cách thu phục tình thân hữu, thiện chí của Abbas, nhưng hoàn toàn vô ích.

 

 

2

           

Mùa đông đến mang theo tuyết dày đặc và gió mạnh. Các thung lũng và thảo nguyên trở thành nơi hoang vắng mọi sự, chỉ còn cây cối trụi lá, đứng như những bóng ma trên những cánh đồng không một chút sự sống.

           

Sau khi mang các sản phẩm của đất cất vào kho lẫm của Tộc trưởng và đổ đầy rượu vào các bình chứa của y, dân làng lui về túp lều của mình để trải qua mấy tháng không có việc gì làm, chỉ ngồi bên lò sưỡi nhớ tưởng các thời đại đã qua, kể cho nhau nghe chuyện những ngày cực nhọc và những đêm dài dằng dặc.

           

Năm cũ vừa hắt hơi thở cuối cùng vào bầu trời màu xám. Ðêm đã đến trong khi Năm mới sắp được tấn phong và đặt lên ngai của Vũ trụ. Tuyết bắt đầu rơi nặng hạt. Từ các đỉnh núi cao ngất, gió vừa cất tiếng hú vừa xô đuổi nhau chạy xuống vực sâu, thổi dồn tuyết thành từng đống để được cất giữ kỹ lưỡng dưới các thung lũng.

           

Cây ngả nghiêng trong bão tố ào ạt. Thảo nguyên và gò đống nằm dưới một lớp sàn màu trắng trên đó Thần chết vừa viết vừa xóa những chữ mơ hồ. Mù sương đứng như tường thành ngăn giữa các làng mạc nằm rải rác ven bờ thung lũng. Ánh sáng trong các túp lều xiêu vẹo, le lói xuyên qua cửa sổ rồi biến mất đằng sau tấm mạng thịnh nộ và dày cộm của mẹ Thiên nhiên.

           

Cơn sợ hãi len thật sâu vào trái tim của các nông dân, súc vật đứng im, nép sát người canh giữ chúng trong khi chó núp mình rất kỹ trong góc nhà. Người ta có thể nghe âm thanh của các luồng gió đang gào thét và của sấm sét bão tố đang rền lại từ những chốn thẳm sâu nơi thung lũng. Dường như Thiên nhiên nổi cơn giận dữ thấy năm cũ đang đi qua và cố moi cho ra sự phục hận từ những linh hồn yên lặng bằng cách dùng băng giá như một vũ khí chiến đấu.

           

Ðêm đó, dưới bầu trời thịnh nộ, một thanh niên đang ra sức lê bước trên con đường lộng gió, nối từ tu viện Deir Kizhaya (Ðịa đàng của cuộc đời) tới làng của Tộc trưởng Abbas. Chân tay của người tuổi trẻ ấy tê dại vì lạnh trong khi cơn đói thắt ruột đang cướp hết sức lực của hắn. Chiếc áo chùng đen mang trên người bạc xóa với tuyết đang rơi như thể toàn thân hắn bị bọc trong tấm vải liệm màu trắng của thần chết khi chưa tới giờ lìa đời. Hắn đang vật lộn với gió. Càng cất chân đi tới càng thấy khó khăn, hắn gượng người lần từng bước một. Bỗng hắn la lên cầu cứu rồi đứng yên, người run lẩy bẩy trong đêm lạnh cóng. Hy vọng của hắn mỏng manh, tàn dần giữa thất vọng lớn lao và khổ não thấm thía. Hắn như chim gãy cánh rơi xuống một dòng nước mà những vòng xoáy của nó sẽ kéo hắn chìm tận đáy sâu.

           

Người thanh niên tiếp tục bước, té xuống rồi lại đứng lên, cố sức đi tiếp, cho tới khi máu trong cơ thể ngưng lưu thông và người ngã quị. Hắn thét lên hãi hùng... tiếng của một linh hồn đang gặp bộ mặt sâu hoắm của Thần chết... tiếng của thanh xuân đang hấp hối, bị con người vắt kiệt và sập bẫy thiên nhiên... tiếng của tình yêu cuộc sống trong một không gian hư không.

 

 

3

 

            Trong xóm phía bắc của làng, giữa đồng ruộng xé gió, có nơi ở heo hút của một phụ nữ tên Rachel và cô con gái Miriam tuổi lúc ấy sắp đủ mười tám. Rachel là quả phụ của Samaan Ramy, kẻ bị giết sáu năm trước nhưng luật lệ của loài người không tìm thấy kẻ sát nhân.

           

Giống mọi phụ nữ góa bụa khác của Li-băng, Rachel chịu đựng cuộc đời bằng lao động khổ nhọc và dài ngày. Trong mùa gặt, trên cánh đồng, bà mót từng nhánh lúa người khác bỏ lại. Trong mùa thu, bà lượm lặt một số trái cây bỏ sót trong vườn tược. Trong mùa đông, bà kéo sợi len và đan áo, đem đổi lấy vài đồng bạc hoặc một giạ thóc. Miriam, con gái bà, là một thiếu nữ xinh đẹp; cô chung chia với mẹ gánh nặng cơ cực đó.

           

Trong trời đêm rét buốt, hai mẹ con ngồi sát lò sưỡi mà hơi của nó không đều sức ấm vì sương giá và củi đang bị vùi dưới tro. Bên cạnh họ, cây đèn dầu leo lét chiếu các tia sáng vàng vọt, khi tỏ khi mờ vào các tâm điểm của đêm đen, giống như lời cầu nguyện gởi những hình bóng của hy vọng vào các tâm điểm của đau khổ.

           

Tới nửa đêm, cả hai lắng nghe tiếng gió kêu than bên ngoài. Thỉnh thoảng Miriam lại đứng lên, mở cánh cửa sổ nhỏ nhìn ra bầu trời mịt mùng. Rồi cô quay lại ghế ngồi, lo lắng và run sợ vì các hiện tượng giận dữ của thiên nhiên. Thình lình Miriam giật mình như bị đánh thức ra khỏi cơn lịm thiếp của một giấc ngủ say. Cô xao xuyến nhìn mẹ và nói:

           

“Mẹ ơi, mẹ có nghe gì không? Hình như có tiếng kêu cứu, mẹ có nghe không?”

           

“Con gái của mẹ ạ, mẹ nghe chỉ có tiếng gió đang than khóc thôi.”

           

Lúc đó, Miriam kêu lên:

           

“Con vừa nghe có tiếng ai thét rất lớn, hãi hùng hơn tiếng sấm sét trên trời và đau thương hơn tiếng than khóc của bão tố.”

           

Thốt xong những lời đó, cô đứng dậy, mở cửa và lắng tai nghe một chốc. Rồi cô nói:

           

“Mẹ ơi, con lại nghe tiếng thét đó nữa!”

           

Nghe thế, Rachel vội vàng chạy tới cánh cửa lớn mỏng manh. Sau vài khoảnh khắc lưỡng lự, bà nói:

           

“Mẹ cũng nghe nữa; ta đi xem sao.”

           

Bà lấy áo khoác mặc vào, mở cửa và thận trọng bước ra ngoài. Trong khi đó, Miriam ở lại nơi cửa, gió mạnh thổi tung mái tóc dài của cô.

           

Rachel cố nhấc từng bước một trên mặt tuyết dày. Cứ vài bước, bà lại dừng chân, la lớn:

           

“Ai kêu cứu thế? Ở đâu vậy?”

           

Không một tiếng trả lời. Rachel lại réo lớn hơn, lặp lại nhiều lần câu hỏi đó nhưng chỉ nghe tiếng đáp của sấm. Thu hết can đảm bà bước tới nữa. Ði thêm một quãng, bà thấy có một số dấu chân hằn sâu trên tuyết. Rachel vừa sợ hãi vừa lần theo chúng. Chỉ lát sau, bà thấy có ai đó nằm trước mặt mình, nửa người ngập tuyết, giống như khoảnh đất rất nhỏ mang hình một thân thể lốm đốm trắng.

           

Khi tới gần hình nhân đó và cúi xuống thật thấp, Rachel cảm giác được nhịp rung của cơ thể, tỏ cho thấy những tiếng đập thoi thóp của trái tim và cơ hội sống mong manh. Quay mặt về phía có túp lều của mình, bà gọi:

           

“Rachel, mẹ thấy rồi, ra đây ngay. Con tới tiếp mẹ một tay.”

           

Miriam chạy ào ra. Cô đi theo dấu chân của mẹ, rùng mình với gió và run rẩy vì sợ hãi. Khi tới gần chỗ mẹ, thấy có một thanh niên đang nằm bất động, cô thét lên. Rachel vừa luồn tay vào xốc nách kẻ đó vừa trấn tĩnh con gái:

           

“Con đừng sợ, hắn còn sống. Con túm chặt phía dưới áo chùng của hắn; hai mẹ con mình khiêng hắn về nhà.”

           

Ðương đầu với gió mạnh và mưa tuyết nặng hạt, hai mẹ con nhấc thanh niên ấy lên, lễ mễ đi về phía có túp lều của mình. Khi vào được nơi ở nhỏ hẹp ấy, họ đặt hắn nằm xuống, kế bên lò sưỡi. Rachel khởi sự chà xát hai bàn tay tê cóng của hắn còn Miriam vén chéo áo lau khô tóc hắn.

           

Sau vài phút, người tuổi trẻ bắt đầu nhúc nhích. Mi mắt động đậy, hắn thở ra một hơi dài – hơi thở ấy mang theo niềm hy vọng cho sự an toàn của hắn và cho trái tim của hai phụ nữ lòng đầy thương xót.

           

Hai mẹ con phụ nhau cỡi chiếc áo chùng đen. Miriam nhìn mẹ và nói:

           

“Mẹ ơi, mẹ nhìn y phục của người này. Ðây là loại áo các tu sĩ thường mặc.”

           

Sau khi cho thêm một bó củi khô vào lò sưỡi, Rachel hoang mang nhìn con gái và nói:

           

“Các tu sĩ không rời tu viện vào một đêm kinh khủng như thế này.”

           

Miriam thắc mắc:

           

“Nhưng mặt người này chẳng có sợi râu nào, các tu sĩ đều để râu.”

           

Rachel chăm chú nhìn thanh niên với đôi mắt chan chứa tình thương như đang nhìn con trai của mình. Rồi quay sang con gái, bà nói:

           

“Con gái ạ, hắn là tu sĩ hay tội đồ cũng thế thôi. Con cứ lau chân hắn cho khô.”

           

Rachel mở cái chạn nhỏ, lấy ra bình rượu nho và rót vào chiếc chén làm bằng đất. Miriam nâng đầu người tuổi trẻ ấy lên để mẹ cho hắn uống đôi chút nhằm kích thích trái tim hắn đập mạnh hơn. Khi nhắp rượu, hắn mở mắt lần đầu tiên. Hắn nhìn hai phụ nữ giải cứu mình bằng tia nhìn khổ sở pha lẫn những giọt lệ biết ơn – ánh mắt của một người vừa cảm giác cái chạm vào êm ái của sự sống sau khi bản thân bị kẹp chặt trong hàm răng nhọn hoắt của sự chết. Môi hắn rung rung khi thốt lên một lời nguyện:

           

“Xin Thiên Chúa ban phước cho hai người.”

           

Rachel đặt tay lên vai hắn và nói:

           

“Người anh em ạ, cứ nằm im. Ðừng nói chuyện mà người thêm mệt. Cứ chờ cho tới khi mạnh trở lại đã.”

           

Miriam thêm vào:

           

“Kê đầu lên chiếc gối này, người anh em ạ. Chúng tôi sẽ đặt anh nằm gần lò sưỡi hơn.”

           

Người mẹ rót thêm rượu vào chén đất rồi đưa cho hắn. Bà nhìn con gái và nói:

           

“Con treo áo của hắn lên kế bên lò sưỡi cho mau khô.”

           

Sau khi làm theo lời mẹ, Miriam quay sang đưa mắt nhìn người thanh niên như có ý tiếp sức bằng cách rót vào trái tim hắn tất cả hơi ấm của linh hồn mình. Rachel mang ra hai ổ bánh mì với một ít đồ khô. Ngồi bên hắn, bà đút cho ăn từng chút một như người mẹ cho con nhỏ ăn. Lập tức, hắn cảm thấy khỏe ra đôi chút. Hắn nhỏm dậy, ngồi lên tấm đệm trải gần bực thềm lò sưỡi, với khuôn mặt buồn bã phản chiếu ánh lửa bập bùng. Hai mắt sáng dần, hắn chầm chậm lúc lắc đầu và nói:

           

“Tình thương và độc ác đang vật lộn trong trái tim con người chẳng khác gì những hiện tượng thời tiết trên bầu trời trong đêm kinh hoàng này. Nhưng tình thương sẽ chế ngự độc ác vì nó vốn thiêng liêng, và kinh hoàng đêm nay sẽ tự nó qua hẳn khi xuất hiện ánh sáng ban ngày.”

           

Trong một phút, im lặng lan khắp căn lều. Kế đó, hắn nói thêm với giọng thì thầm:

           

“Bàn tay con người xô đuổi tôi vào tình thế tuyệt vọng, và cũng chính bàn tay con người cứu thoát tôi. Con người hà khắc biết bao nhưng con người cũng đầy lòng thương biết bao!”

           

Nghe vậy, Rachel thắc mắc:

            “Người anh em ạ, anh mạo hiểm vô cùng khi rời tu viện trong một đêm kinh khủng như thế này vì ngay cả dã thú cũng không dám đặt chân ra ngoài!”

           

Người tuổi trẻ nhắm mắt, như thể muốn thu hồi những giọt lệ, cho vào lại chốn sâu thẳm trong tâm hồn mình nơi chúng vừa ứa ra. Hắn nói:

           

“Loài vật có hang của chúng, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ gối đầu.”

           

Rachel bắt bẻ:

           

“Ðó là lời Ðức Giêsu nói về ngài.”

           

Thanh niên ấy không cãi lại, và tiếp tục:

           

“Ðó là câu trả lời cho hết thảy những ai muốn đi theo Tinh thần và Chân lý trong thời đại dối trá, đạo đức giả và băng hoại này.”

           

Nghĩ ngợi một lát, Rachel nói:

           

“Nhưng trong tu viện có các phòng ốc đủ tiện nghi, rương két của nó đầy vàng bạc và nó có nhiều loại thực phẩm dự phòng; chuồng của tu viện chứa toàn dê béo và cừu. Cái gì xui khiến anh rời một chỗ ở như thế trong đêm chết chóc này?”

           

Hắn thở ra thật dài và nói:

           

“Tôi rời nơi đó vì tôi ghét nó.”

           

Rachel cãi lại:

           

“Một tu sĩ trong tu viện chẳng khác nào người lính ngoài mặt trận. Y bị buộc phải tuân lệnh cấp chỉ huy, bất chấp bản tính của mình. Tôi nghe rằng người ta không thể trở thành tu sĩ nếu không từ bỏ các ý muốn, ý nghĩ, khát vọng và mọi thứ gắn liền với tâm trí cá nhân. Có điều, một linh mục bề trên tốt lành thì không đòi hỏi các tu sĩ của ông làm những việc vô lý. Vậy làm sao cha bề trên của tu viện Deir Kizhaya lại yêu cầu anh buông bỏ sự sống trong cơn bão tuyết?”

           

Hắn đáp lại:

           

“Cũng theo ý kiến của cha bề trên, người ta không thể trở thành tu sĩ nếu không mù lòa và mông muội, vô cảm và câm điếc. Tôi rời tu viện vì tôi là người nhạy cảm, có thể thấy, nghe và cảm giác.”

           

Miriam và Rachel nhìn hắn chằm chặp như thể hai mẹ con vừa nhận ra trên khuôn mặt người thanh niên này đang ẩn giấu một bí mật. Sau một lúc nghĩ ngợi, người mẹ nói:

           

“Người có thể thấy và có thể nghe sao lại đi ra ngoài trong một đêm làm mù mắt và làm điếc tai như thế này?”

           

Hắn lẹ làng thú thật:

           

“Tôi bị trục xuất khỏi tu viện”

           

“Trục xuất!”

           

Rachel thảng thốt kêu lên hai tiếng ấy, và Miriam lặp lại, chung một xúc động với mẹ.

           

Người tuổi trẻ ngước mặt nhìn lên, có vẻ hối tiếc hai tiếng vừa buột miệng của mình. Hắn sợ chúng khiến cho lòng thương và cảm tình của hai mẹ con biến thành thiếu tôn trọng, thậm chí ghét bỏ. Nhưng khi nhìn họ, hắn cảm thấy từ mắt họ vẫn phát ra tia nhìn thương xót, và người họ như đang dao động, khắc khoải muốn nghe thêm. Hăn bắt đầu câu chuyện với giọng uất nghẹn:

           

“Ðúng thế. Tôi bị trục xuất khỏi tu viện vì tôi không thể đào huyệt mộ cho mình bằng chính bàn tay của mình và tâm hồn tôi càng ngày càng mệt mỏi chuyện nói dối và ăn cắp vặt. Tôi bị trục xuất khỏi tu viện vì linh hồn tôi từ chối hưởng thụ lòng hào phóng của dân chúng đang đầu hàng sự ngu dốt. Tôi bị đuổi vì tôi không thể cảm thấy thoải mái trong các phòng đầy đủ tiện nghi, được xây bằng tiền bạc của dân nghèo. Dạ dày tôi không thể giữ lại những khúc bánh mì nướng bằng nước mắt của trẻ mồ côi. Miệng tôi không thể thốt ra lời cầu nguyện đang được những kẻ đứng đầu bán cho dân chúng mộc mạc và trung thành để lấy vàng bạc và thực phẩm. Tôi bị trục xuất khỏi tu viện, như một người cùi hủi dơ dáy, vì tôi nhắc cho các tu sĩ nhớ những lề luật buộc họ phải giữ để đủ tiêu chuẩn cho địa vị hiện thời.”

           

Im lặng lại tỏa khắp căn lều trong khi Rachel và Miriam nhìn hắn chằm chặp và nghĩ ngợi về những lời hắn vừa nói. Rồi cả hai mẹ con thắc mắc:

           

“Cha mẹ của anh còn sống không?”

           

Hắn trả lời:

           

“Tôi không cha không mẹ, cũng chẳng có nơi nào là nhà của mình.”

           

Rachel thở ra một hơi thật dài. Miriam quay mặt vào vách, cố giấu những giọt nước mắt xúc động và thương cảm.

            Như đoá hoa đang tàn tạ được mang trở lại cuộc sống nhờ những giọt sương rơi mà bình minh rót xuống các cánh đang khẩn nài của nó, trái tim khắc khoải của người thanh niên cũng thế, nó được làm cho sinh động trở lại nhờ tình thương và lòng tử tế của hai kẻ ra ơn cho mình. Nhìn họ với ánh mắt của người lính nhìn kẻ giải phóng tới cứu thoát mình khỏi nanh vuốt của quân thù, hắn tiếp tục câu chuyện:

           

“Chưa đủ bảy tuổi, tôi đã mất hết cha mẹ. Cha sở của làng mang tôi tới tu viện Deir Kizhaya và để tôi ở lại đó dưới sự tùy nghi sử dụng của các tu sĩ. Họ sung sướng tiếp nhận tôi, cho tôi chăn bò với cừu, và hằng ngày tôi dẫn chúng ra đồng cỏ.

           

“Khi tới tuổi mười lăm, họ khoác vào cổ tôi chiếc áo chùng thâm, dẫn tôi tới bàn thờ. Ở đó, linh mục bề trên nói với tôi rằng:

           

“‘Con hãy khấn hứa nhân danh Thiên Chúa và toàn thể các thánh và hãy lặp lại lời thề sẽ sống suốt đời đức hạnh trong nghèo khó và vâng lời.’

           

“Tôi lặp lại lời thề khấn ấy trước khi biết rõ ý nghĩa của chúng hoặc lĩnh hội lối thông giải riêng biệt của ông ấy về nghèo khó, đức hạnh và vâng lời.

           

“Tên của tôi là Khalil. Từ thời điểm đó, các tu sĩ gọi tôi là Sư huynh Mobaarak nhưng họ chưa bao giờ đối xử với tôi như một người anh em. Họ ăn những thực phẩm ngon lành nhất, uống loại rượu nho đậm đà nhất trong khi tôi sống bằng rau quả khô và nước lã trộn với nước mắt. Họ ngủ trên những chiếc giường êm ái trong khi tôi nằm trên phiến đá trong một buồng nhỏ, tối tăm và lạnh lẽo, kế bên chuồng súc vật. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi:

           

“‘Tới khi nào mình sẽ trở thành một tu sĩ và chung chia với các linh mục may mắn đó sự dư dật của họ? Tới khi nào tâm hồn của mình sẽ thôi khao khát thực phẩm họ đang ăn và rượu nho họ đang uống? Tới khi nào mình sẽ thôi run rẩy trước các tu sĩ bề trên mình?’

           

“Nhưng mọi hi vọng của tôi đều vô ích vì tôi bị giữ mãi trong tình cảnh đó. Và thêm vào việc chăn súc vật, tôi bị buộc phải khuân vác các tảng đá nặng cùng đào hầm, đào hào. Tôi kéo dài cuộc sống nhờ vào vài mẩu bánh mì người ta cho tôi để báo đáp công sức lao động cực nhọc của tôi. Tôi biết rằng chẳng có chỗ nào khác cho mình có thể đi trong khi các tu sĩ của tu viện gây cho tôi cảm giác ghét cay ghét đắng những gì họ đang làm.

           

“Họ đầu độc tâm trí tôi cho tới khi tôi bắt đầu nghĩ rằng trọn cả thế giới này là một đại dương đau đớn khốn khổ, và rằng tu viện là bến cảng cứu độ độc nhất. Nhưng khi khám phá ra nguồn gốc thực phẩm và vàng bạc của họ, tôi cảm thấy vui mừng là mình đã không chia sẻ những thứ ấy.”

           

Khalil duỗi thẳng người, kinh ngạc nhìn chung quanh như thể hắn vừa nhận ra điều gì đó rất đẹp ngay trước mắt mình, trong túp lều tồi tàn này. Rachel và Miriam vẫn giữ im lặng. Khalil nói tiếp:

           

“Thượng đế, đấng đã lấy đi cha mẹ của tôi và đày ải tôi làm trẻ mồ côi bị mang cho tu viện, không muốn tôi bỏ trọn cuộc đời để bước đi mù lòa tới một rừng rậm nguy hiểm. Ngài cũng không muốn tôi làm một tên nô lệ suốt phần đời còn lại của mình. Thượng đế đã mở mắt và mở tai tôi, tỏ cho tôi thấy ánh sáng chói lọi và làm cho tôi nghe Chân lý khi Chân lý lên tiếng.”

           

Rachel nói thành lời ý nghĩ của mình:

           

“Ngoài mặt trời ra, liệu còn có ánh sáng nào chiếu soi khắp hết người đời? Và con người có khả năng am hiểu Chân lý không?”

           

Khalil đáp lại:

           

“Ánh sáng chân chính là cái phát sinh từ bên trong con người, nó vén lộ những bí mật của tâm hồn cho linh hồn, làm cho con người hạnh phúc và toại nguyện với cuộc sống. Chân lý giống như các ngôi sao, nó chỉ xuất hiện từ đằng sau bóng đêm mịt mùng. Chân lý giống như mọi vật đẹp đẽ trong thế giới này, nó chỉ tiết lộ tính đáng khát khao của nó cho những kẻ trước hết cảm giác ảnh hưởng của dối trá. Chân lý là sự ân cần sâu xa, nó dạy cho chúng ta biết bằng lòng với cuộc sống hằng ngày và chia sẻ với người đời một hạnh phúc như nhau.”

           

Rachel phản bác:

            “Nhiều người sống theo sự thiện hảo của họ và nhiều người tin rằng lòng yêu thương kẻ khác là chiếc bóng của luật lệ mà Thượng đế đã đặt ra cho loài người, thế nhưng họ vẫn không được vui sướng trong cuộc đời vì họ vẫn tiếp tục bị khốn khổ cho tới chết.”

           

Khalil đáp lại:

           

“Thật vô ích những niềm tin và những lời giảng nào làm cho con người khốn khổ, và thật giả dối sự thiện hảo nào dẫn con người tới khổ não và thất vọng, vì cứu cánh của con người là được sống hạnh phúc ngay ở trần gian này và được theo đuổi con đường dẫn tới việc trình bày cùng rao giảng những điều nó tin tưởng, ở bất cứ nơi nào nó đi. Kẻ không thấy vương quốc thiên đàng trong cuộc đời này sẽ không bao giờ thấy nước trời trong cuộc sống sắp tới.

           

“Chúng ta không đi vào cuộc đời này bằng con đường đày ải. Chúng ta đến đây như một tạo vật vô tội của Thượng đế, để học cách thờ phượng tinh thần thiêng liêng và hằng cửu đó, và để tìm kiếm những bí mật ẩn giấu bên trong con người đang làm cho chúng ta không thấy ra vẻ đẹp của cuộc đời. Ðó là chân lý tôi học được từ lời giảng của Người Nadarét. Ðó là chân lý đến với tôi từ bên trong tôi. Ðó là bí mật sâu xa các thung lũng và các đồng cỏ đã vén lộ cho tôi khi tôi bụng đói cồn cào, ngồi cô đơn và chảy nước mắt dưới bóng cây.

           

“Ðó mới là tôn giáo mà tu viện phải dự phần vào; nó đúng với ý muốn của Thượng đế và lời giảng dạy của Ðức Giêsu. Ngày nọ, trong khi linh hồn ngất ngây với cơn say đắm tuyệt vời cái đẹp của Chân lý, tôi mạnh dạn đứng lên, trước các tu sĩ đang tụ họp trong vườn, cất tiếng phê bình những hành động sai lầm của họ. Tôi nói rằng:

           

“‘Tại sao các người trải qua ngày tháng của mình ở đây trong hưởng thụ lòng hào phóng của người nghèo mà bánh mì các người đang ăn được làm với mồ hôi của thể xác họ cùng nước mắt của con tim họ? Tại sao các người sống với bóng tối trong tình trạng ăn bám, tách rời bản thân với người đời, những kẻ đang cần tới sự hiểu biết? Tại sao các người tước đoạt của đất nước đang giúp đỡ các người? Ðức Giêsu gởi các người tới như những con cừu giữa bầy sói nhưng cái gì đã biến các người thành như bầy sói giữa những con cừu? Tại sao các người chạy trốn loài người và chạy trốn Thượng đế, đấng đã tạo ra các người?

           

“‘Nếu các người tốt hơn dân chúng, những kẻ đang bước đi trong đám rước cuộc đời, các người nên tới với họ và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn. Nhưng nếu các người nghĩ rằng họ tốt hơn các người, các người nên khao khát học hỏi họ. Làm thế nào các người thề nguyền khấn hứa vâng lời Thiên Chúa và rồi nổi loạn chống lại tất cả những điều tôn giáo muốn nói? Làm thế nào các người chấp nhận đức hạnh như lề luật của mình trong khi tâm hồn các người đầy ắp dục vọng? Các người giả vờ giết chết thể xác của mình trong khi thực tế, các người đang giết chết linh hồn mình. Các người giả vờ ghê tởm của cải trần thế nhưng trái tim các người trương phồng với tham lam. Các người được dân chúng tin tưởng như những bậc thầy tôn giáo nhưng thật sự mà nói, các người như trâu bò chạy lăng xăng, tự tách mình ra khỏi tri thức và nâng cao sự am hiểu của dân chúng, bằng cách chỉ chăm chú nhìn đồng cỏ tươi xanh mơn mởn.

           

“‘Chúng ta hãy hoàn trả cho người nghèo khổ đất đai mênh mông của tu viện và đưa lại cho họ vàng bạc chúng ta đã lấy từ họ. Chúng ta hãy giải quyết tình trạng sống tách biệt của mình để phục vụ người yếu, những kẻ đã làm cho chúng ta thành kẻ mạnh, và thanh tẩy cái xứ sở chúng ta đang sống trên đó. Chúng ta hãy dạy cho dân tộc khốn khổ này mỉm cười và hoan hỉ với sự hào phóng của trời cùng vinh quang của sự sống và tự do.

           

“‘Những giọt nước mắt của dân chúng đẹp đẽ hơn và hiệp làm một với Thiên Chúa hơn tình trạng thoải mái và tĩnh lặng mà các người đã quen thuộc tại nơi này. Tình cảm làm xúc động con tim người bên cạnh thì tối thượng hơn đức hạnh khuất tất trong các xó xỉnh không ai thấy của tu viện. Lời nhân ái nói với kẻ tội phạm yếu đuối hoặc với người mãi dâm thì cao thượng hơn những câu kinh dài dằng dặc trong nhà thờ hằng ngày miệng chúng ta đọc tới đọc lui mà lòng chúng ta trống rỗng!’”

           

Nói tới đây, Khalil hít vào một hơi thở rất sâu. Rồi hắn ngước mắt nhìn Rachel cùng Miriam và nói:

           

“Tôi nói tất cả những lời đó với các tu sĩ. Trong bầu không khí bối rối, họ đứng yên nhìn tôi như thể không tin rằng một người như tôi lại dám đứng trước mặt họ, thốt ra những lời táo bạo đó. Nhưng khi tôi vừa dứt lời, một tu sĩ bước tới gần, giận dữ nói với tôi:

           

“‘Sao ngươi dám nói kiểu đó trước mặt chúng ta?’

           

“Và một người khác cười thành tiếng, phụ họa:

           

“‘Có phải ngươi học mấy thứ đó từ lũ bò lũ lợn ngươi chăn dắt ngoài đồng?’

           

“Người thứ ba đứng bật dậy, hăm dọa tôi rằng:

           

“‘Ðồ dị giáo, ngươi sẽ bị trừng phạt!’

           

“Rồi họ tản ra như chạy trốn người cùi hủi. Một số tu sĩ khiếu nại với linh mục bề trên. Chiều hôm đó, ông gọi tôi lên trình diện. Thấy trước thế nào tôi cũng sẽ chịu khổ sở, các tu sĩ cảm thấy hả hê. Mắt họ ánh lên vẻ khoái trá khi được lệnh trừng trị tôi và nhốt tôi vào nhà ngục bốn mươi ngày đêm. Họ dẫn tôi vào một xà lim tối thui, và tôi trải qua thời gian đó như ngồi dưới lòng mộ sâu, hoàn toàn không thấy ánh sáng. Tôi không phân biệt được lúc nào ngày vừa hết và lúc nào đêm đã qua. Tôi chỉ có thể cảm giác lũ côn trùng đang bò và mặt đất dưới chân mình. Tôi chẳng thể nghe gì ngoài tiếng chân bước rầm rập của tu sĩ khi mẩu bánh mì và đĩa nước lã pha giấm được ai đó mang tới cho tôi vào những khoảng thời gian nhất định.

           

“Khi ra khỏi nhà tù, tôi kiệt sức, xanh mướt. Các tu sĩ tin rằng họ đã chữa lành tư duy của tôi và giết tuyệt khát vọng của linh hồn tôi. Họ nghĩ rằng đói khát đã bóp chết lòng tử tế Thượng đế đặt trong trái tim tôi. Trong bốn mươi ngày cô độc ấy, tôi cố sức tìm cho ra phương pháp nào đó có thể giúp các tu sĩ thấy ánh sáng và nghe bài ca chân chính của sự sống. Nhưng mọi suy nghĩ ấy của tôi đều vô ích vì tấm màng dày cộm mà các thời đại dệt nên, đang bọc kín con mắt họ; nó không thể bị xé tan trong một thời gian ngắn. Và lớp vữa mà ngu dốt và mông muội trét xi-măng hai tai họ đã khô cứng; nó không thể bị bóc ra bằng cái chạm vào của những ngón tay dịu dàng.”

           

Khắp căn lều phủ một bầu khí im lặng. Rồi Miriam nhìn mẹ như thể xin phép lên tiếng. Cô nói:

           

“Anh phải nói với các tu sĩ ấy thêm lần nữa, xem có phải chính họ cố ý chọn đêm kinh hoàng này để tống xuất anh ra khỏi tu viện. Họ phải học cách đối xử tử tế với ngay cả kẻ thù của mình.”

           

Khalil trả lời:

           

“Tối nay, trong lúc bão tố sấm sét cùng các hiện tượng thiên nhiên đang hổn chiến hãi hùng trên bầu trời, và các tu sĩ đang co người sưỡi ấm, kể cho nhau nghe chuyện xưa tích cũ cùng truyện khôi hài, tôi rút ra một góc. Khi thấy tôi ngồi một mình, họ bắt đầu suy mưu tính kế bắt tôi phải trả giá. Tôi đang đọc cuốn Phúc âm của mình và chiêm nghiệm những lời nói tuyệt vời của Ðức Giêsu để tạm thời quên đi thiên nhiên thịnh nộ và những hiện tượng ác liệt thì họ tới gần tôi với một tinh thần nhạo báng mới.

           

“Tôi để mặc họ muốn làm gì thì làm bằng các tự giữ yên mình và thay vì ngó họ, tôi nhìn qua cửa sổ. Nhưng họ càng lúc càng điên tiết vì sự im lặng của tôi làm vô vị những tiếng cười nhạo trong tâm hồn họ đồng thời như quở trách môi miệng của họ. Một người trong bọn họ nói:

           

“‘Này Nhà đại cải cách, ngươi đang đọc gì đấy?’

           

“Trả lời thắc mắc của tu sĩ đó, tôi mở sách ra đọc lớn trích đoạn sau đây:

           

“‘Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: ‘Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Ðừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho các hòn đá này trở nên con cháu của Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.’

           

“Khi tôi đọc cho họ nghe những lời ấy của Gioan Tẩy giả, các tu sĩ lặng người như thể có một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt tinh thần họ. Nhưng rồi họ giả bộ can đảm và bắt đầu cười thành tiếng. Một người trong bọn họ nói:

           

“‘Chúng ta đã nhiều lần đọc các lời ấy và chẳng cần một gã chăn bò như ngươi lặp lại cho chúng ta nghe.’

           

“Tôi phản đối:

           

“‘Nếu các anh đã đọc các lời ấy và am hiểu ý nghĩa của chúng thì dân làng nghèo khổ hẳn không lạnh cóng và đói tới chết?’

           

“Nghe tôi nói như vậy, một tu sĩ xông tới vã vào mặt tôi như thể tôi đã vạch ra cái ác của các linh mục. Kẻ thứ hai nhấc chân đá tôi. Kẻ thứ ba giật lấy cuốn sách của tôi. Kẻ thứ tư đi gọi linh mục bề trên. Ông lật đật chạy tới hiện trường, người rung lên vì tức giận. Ông quát lớn:

           

“‘Hãy túm lấy tên nổi loạn và lôi hắn ra khỏi nơi thiêng liêng này. Hãy để cho cơn bão ác liệt kia dạy hắn đức vâng lời. Hãy đuổi hắn đi ngay và hãy để thiên nhiên thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Rồi các anh em hãy đi rửa tay cho sạch những con vi trùng dị giáo độc hại đang lây lan trên quần áo của hắn. Nếu hắn quay lại cầu xin tha thứ, đừng mở cửa cho hắn, vì rắn độc sẽ chẳng trở thành bồ câu nếu cho vào lồng chim, và cây tầm xuân cũng sẽ không sinh trái vả nếu đem trồng trong vườn nho.’

           

“Thi hành lệnh, các tu sĩ vừa cười vui vẻ vừa kéo tôi ra ngoài. Trước khi bị cửa tu viện khóa lại sau lưng, tôi nghe họ nói:

           

“‘Hôm qua mày là vua bò vua lợn, hôm nay mày mất ngôi rồi, ôi Nhà đại cải cách. Lúc này, đi đi, và hãy là vua của chó sói để dạy chúng làm thế nào sống trong hang của chúng.’”

           

Nói tới đây, Khalil hít vào và thở ra một hơi thật dài rồi quay sang nhìn ngọn lửa bập bùng. Với giọng chan chứa tình yêu thương và rất ngọt ngào, hắn tiếp tục:

           

“Như thế, tôi bị tống xuất khỏi tu viện, và như thế, các tu sĩ trao tôi cho bàn tay của Thần chết. Tôi đã chiến đấu giữa trời đêm một cách mù lòa. Gió mạnh xé áo chùng đen của tôi. Tuyết rơi chất chồng đánh sụp chân tôi. Cả hai hiệp nhau kéo tôi khuỵu xuống cho tới khi chúi đầu ngã quị, tuyệt vọng thét lên kêu cứu.

           

“Tôi đã cảm thấy không một ai nghe ra mình ngoại trừ Thần chết, thế nhưng Sức mạnh toàn tri và đầy lòng thương xót đã biết tới tiếng tôi kêu. Sức mạnh ấy không muốn tôi phải chết trước khi hiểu biết thêm nữa những bí mật còn lại của sự sống. Sức mạnh ấy gởi cả hai vị tới với tôi để cứu vớt sự sống của tôi thoát khỏi vực sâu của thần chết và của phi hiện hữu.”

           

Rachel và Miriam cảm thấy như thể tinh thần mình thấu hiểu những bí nhiệm của linh hồn Khalil. Cả hai trở thành người chia sẻ với hắn cơn xúc động và sự am hiểu. Bất giác, Rachel đưa tay chạm dịu dàng vào cánh tay hắn. Lệ từ mắt bà chảy xuống thành dòng và bà nói:

           

“Kẻ được trời chọn làm người bảo vệ Chân lý sẽ không bị tàn lụi bởi bão tuyết của trời.”

           

Miriam tiếp lời mẹ:

           

“Bão tố và tuyết có thể làm chết các đoá hoa nhưng không thể giết chết hạt mầm, vì tuyết giữ cho chúng ấm, khỏi bị sương giá đang tìm cách tiêu diệt.”

           

Vẻ mặt Khalil bừng sáng khi nghe những lời khích lệ ấy. Hắn nói:

           

“Nếu cô không nhìn tôi như một tên nổi loạn và dị giáo như các tu sĩ đã nhìn, tình trạng ngược đãi tôi vừa chịu trong tu viện là biểu tượng cho một quốc gia bị áp bức và chưa đạt tới am hiểu. Ðêm nay, sau khi gục bên bờ tử sinh và rất cận kề cái chết, tôi thấy nó giống như một cuộc cách mạng trước khi có được công lý trọn vẹn. Từ con tim nhạy cảm của phụ nữ xuất phát hạnh phúc của loài người, và từ lòng ân cần tử tế trong tinh thần cao nhã của phụ nữ xuất hiện tình thương cảm của loài người.”

           

Nhắm mắt lại, hắn ngã đầu ra sau. Hai phụ nữ không muốn làm rộn hắn bằng chuyện trò thêm nữa. Họ biết rằng cơn đuối sức do tình trạng bị vứt bỏ quá lâu ngoài đường đã cám dỗ và túm lấy hai con mắt hắn. Khalil đi vào giấc ngủ như một đứa bé lạc loài, sau cùng được an toàn trong cánh tay mẹ hiền.

           

Rachel và con gái chầm chậm đi tới giường của mình. Hai mẹ con ngồi ở đó, đưa mắt nhìn như thể tìm thấy trên bộ mặt phiền muộn và xiêu lệch của Khalil một sức hấp dẫn, mang linh hồn và tâm hồn của họ tới gần hắn hơn. Với tiếng thì thầm, người mẹ nói:

           

“Trong đôi mắt nhắm lại của hắn có một sức mạnh lạ thường; nó nói bằng im lặng và kích thích cơn khát khao của linh hồn.”

           

Miriam tiếp lời mẹ:

            “Mẹ ạ, bàn tay của anh ấy trông giống như bàn tay của Ðức Kitô trong nhà thờ làng mình.”

           

Người mẹ đáp lại:

           

“Và đồng thời bộ mặt của hắn có đầy đủ vẻ dịu dàng của một người nữ và lòng dũng cảm của một người nam.”

           

Kế đó, đôi cánh của giấc ngủ mang tinh thần của hai mẹ con vào thế giới các giấc mộng. Lửa lụi tàn thành tro và ánh sáng của ngọn đèn cũng leo lét dần rồi biến mất. Cơn bão cuồng nộ tiếp tục chuỗi gầm thét của nó trong khi bầu trời mịt mùng tiếp tục trải hết lớp tuyết này tới lớp tuyết khác cho gió mạnh tiếp tục thổi tan tác, hết lật qua bên phải lại dồn về bên trái.

 

 

4

           

Ðã qua năm ngày. Bầu trời vẫn nặng trỉu tuyết, không ngớt vùi lấp núi non và các đồng cỏ. Khalil cũng đã ba lần toan tính tiếp tục cuộc hành trình vượt thảo nguyên nhưng mỗi lần như thế, Rachel cố ngăn hắn. Bà nói:

 

“Người anh em ạ, đừng phó thác sự sống của mình cho những hiện tượng thiên nhiên mù lòa. Hãy nán lại đây, vì bánh mì đủ dùng cho hai người thì cũng đủ dùng cho cả ba. Và sau khi anh ra đi, lửa vẫn tiếp tục cháy như nó đã cháy trước khi anh tới đây. Mẹ con tôi nghèo, người anh em ạ, nhưng giống với mọi người nghèo khác, chúng tôi sống cuộc đời mình trước mặt trời và loài người, và Thiên Chúa ban cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ.”

           

Còn Miriam, cô nài nỉ hắn bằng những liếc mắt ân cần và khẩn khoản hắn bằng những những tiếng thở rất dài. Vì từ khi hắn có mặt trong túp lều này, cô cảm thấy có sự hiện diện của một sức mạnh thiêng liêng trong linh hồn mình, nó gởi sự sống và ánh sáng vào tâm hồn, đồng thời đánh thức một mến cảm mới mẻ ở chốn Cực thiêng liêng trong tinh thần. Ðây là lần đầu tiên trong đời, Miriam trải nghiệm cảm giác biến trái tim cô thành một đóa hồng trắng đang uống sương sớm bình minh và thở hương thơm của nó vào bầu trời vô tận.

           

Ðối với tinh thần, không có tình cảm nào thuần khiết hơn cái ẩn mật trong trái tim thiếu nữ, kẻ chợt thức giấc, thấy tinh thần mình chan chứa âm nhạc tuyệt trần, biến ngày ngày của mình thành như giấc mộng của thi sĩ và đêm đêm của mình thành như mang tính tiên tri. Không có niềm bí ẩn nào trong bí nhiệm của sự sống mạnh mẽ hơn và tuyệt diệu hơn lòng quyến luyến ấy, nó chuyển đổi trạng thái tịch lặng tinh thần của một trinh nữ thành trạng thái nhận biết miên viễn khiến linh hồn quên quá khứ, vì nó đang làm ngời lên, một cách mãnh liệt, trong tâm hồn ánh hi vọng ngọt ngào, nồng ấm và ngây ngất về một tương lai đang đến.

           

Phụ nữ Li-băng phân biệt mình với phụ nữ của các xứ sở khác bằng tính hồn nhiên mộc mạc. Cung cách giáo dục tại đây đã hạn chế tiến trình học hành của phụ nữ và nó đứng như một chướng ngại cho tương lai của họ. Tuy thế, có lẽ đó cũng là lý do khiến cho họ tự tra vấn mình hơn về thiên hướng của giới tính và bí nhiệm của tâm hồn. Thiếu nữ Li-băng như con suối phun nước từ trung tâm của quả đất rồi theo dòng chảy qua những chỗ trủng lộng gió nhưng không tìm được lối thoát ra biển cả nên quay về hồ nước tĩnh lặng, phản chiếu trên mặt hồ đang dâng tràn của nó những ngôi sao trời lấp lánh và mặt trăng lung linh soi chiếu.

           

Khalil cảm nhận những rung động của tâm hồn Miriam đang lượn vòng đều đặn quanh linh hồn hắn. Hắn biết rằng ngọn đuốc thiêng liêng chiếu sáng trái tim hắn cũng đã chạm tới trái tim Miriam. Lần đầu tiên trong đời, hắn vui sướng, tựa con suối khô hạn đón chào cơn mưa, nhưng rồi hắn tự trách mình đã quá nóng vội trong khi tin rằng niềm cảm thông tinh thần ấy sẽ qua nhanh như mây trời một khi hắn cất bước đi khỏi làng này. Khalil tự thì thầm vừa đủ cho mình nghe rằng:

           

“Bí nhiệm này là gì mà đóng vai trò quá lớn lao trong cuộc sống của chúng ta? Luật lệ này là gì mà dồn ép chúng ta vào con đường gập ghềnh và ngăn chận chúng ta trước khi với tới khuôn mặt của mặt trời, là nơi chúng ta có thể vui mừng? Sức mạnh này là gì mà nâng đỡ tinh thần chúng ta cho tới khi lên tới đỉnh núi đang mỉm cười và lộng lẫy kia rồi đột nhiên ném chúng ta xuống vực sâu dưới thung lũng đang đau khổ và khóc lóc kia? Ðời sống này là gì mà hôm trước ôm ấp chúng ta như một người yêu rồi hôm sau đánh phá chúng ta như một kẻ thù?

           

“Có phải hôm qua tôi không bị ngược đãi? Có phải tôi vừa sống sót qua cơn đói, cơn khát, đau đớn và nhạo báng vì Chân lý mà trời đánh thức trong tâm hồn tôi? Có phải tôi đã không nói với các tu sĩ rằng Chân lý là ý muốn và cứu cánh của Thượng đế trong con người? Thế thì nỗi sợ hãi này là gì? Và tại sao tôi nhắm hai mắt mình trước ánh sáng phát sinh từ đôi mắt người thiếu nữ này?

           

“Tôi bị trục xuất còn cô ấy nghèo khó, nhưng có phải con người chỉ sống bằng bánh mì? Có phải giữa đói kém và no đủ, chúng ta giống như cây giữa mùa đông và mùa hạ? Và Rachel sẽ nói thế nào nếu bà ấy biết trái tim tôi và trái tim con gái bà ngày càng am hiểu nhau trong im lặng, tiến tới bên nhau và lên tới gần vòng tròn của Sự sáng Tối cao? Bà ấy sẽ nói gì nếu phát hiện gã thanh niên được bà cứu sống đang đăm đăm nhìn con gái mình với ánh mắt khao khát? Dân làng chất phác này sẽ nói gì nếu họ biết rằng gã thanh niên từng ở bên cạnh họ trong tu viện, tới làng này vì bị xô đuổi và có nhu cầu, đang ao ước được sống gần một cô thôn nữ xinh đẹp của họ?

           

“Liệu dân làng có lắng nghe tôi nếu tôi nói với họ rằng hắn rời tu viện để sống giữa người đời như con chim thoát ra những bức vách thâm tím của một chiếc lồng, để bay tới ánh sáng của tự do? Tộc trưởng Abbas sẽ nói gì khi ông ấy biết được câu chuyện của tôi? Linh mục quản xứ của làng này sẽ nói gì nếu ông ấy biết được lý do khiến tôi bị trục xuất khỏi tu viện?”

           

Khalil tự nói với mình theo cách đó khi ngồi bên lò sưỡi trầm ngâm nhìn ngọn lửa, và Miriam thỉnh thoảng lại liếc trộm khuôn mặt hắn, đọc các giấc mơ của hắn qua đôi mắt hắn, lắng nghe tiếng vọng các ý nghĩ của hắn và cảm nhận tình yêu của hắn đang chạm vào đôi má mình, cho dẫu không một lời nào được thốt ra.

           

Một đêm, khi Khalil đứng nơi cửa sổ nhìn thẳng ra thung lũng ở đó cỏ cây và sỏi đá bị liệm dưới tấm mền trắng dày cộm, Miriam tới đứng cạnh hắn và nhìn bầu trời. Khi ánh mắt của đôi bên hướng về nhau và gặp nhau, hắn thở ra một hơi thật dài như thể hai linh hồn đang dong buồm trong bầu trời bao la để tìm cho ra một lời. Nhưng rồi hắn thấy ngôn từ không cần thiết nữa vì im lặng đã nói dùm cho cả hai.

           

Còn Miriam, cô đánh bạo lên tiếng:

           

“Anh dự tính đi đâu khi tuyết chảy thành dòng nước và các lối đi không còn ướt át?”

           

Mắt mở lớn nhìn tới quá bên kia đường chân trời, hắn giải thích:

            “Tôi sẽ lên đường tới bất cứ nơi nào mà định mệnh và sứ mệnh phục vụ Chân lý đưa tôi đi.”

           

Miriam buồn bã thở dài, ướm lời:

           

“Tại sao anh không nghĩ tới việc ở lại đây và sống gần chúng tôi? Có phải anh bị bắt buộc phải đi sang nơi khác?”

           

Xúc động vì lòng ân cần và tiếng nói ngọt ngào của cô gái nhưng hắn phản đối:

           

“Dân làng ở đây sẽ không chấp nhận một tu sĩ bị trục xuất làm người hàng xóm của họ, và sẽ không cho phép hắn thở không khí họ đang thở vì họ tin rằng kẻ thù của tu viện ắt phải là một tên vô đạo, bị Thiên Chúa và các thánh của ngài nguyền rủa.”

           

Miriam chỉ còn biết im lặng vì sự thật đó làm cô đau lòng và ngăn không cho cô nói thêm gì nữa. Lúc đó, Khalil quay sang nhìn nơi khác và giải thích:

           

“Miriam ạ, dân làng bị những kẻ có thẩm quyền dạy phải căm ghét những ai suy nghĩ tự do. Họ bị huấn luyện để giữ mình cách xa những ai có tâm trí bay vút lên cao. Thế nhưng, Thượng đế lại không thích được thờ phượng bởi những người ngu dốt, mông muội theo kiểu bắt chước một kẻ nào khác. Nếu tôi tiếp tục ở lại trong làng này và yêu cầu dân chúng thờ phượng Thượng đế theo chủ ý của họ, họ sẽ nói tôi là một tên vô đạo, không tuân phục thẩm quyền đã được Thiên Chúa ban cho linh mục. Nếu tôi yêu cầu dân chúng lắng nghe tiếng nói của tâm hồn mình và làm theo ý muốn của tinh thần bên trong mình, họ sẽ nói rằng tôi là một gã độc dữ, muốn họ từ bỏ tầng lớp tăng lữ đã được Thượng đế đặt lên giữa trời và đất.”

           

Khalil nhìn thẳng vào mắt của Miriam và với giọng ngân lên nghe như âm thanh của những dây đàn bằng bạc, hắn nói:

           

“Nhưng Miriam ạ, trong làng này có một sức mạnh đang nắm lấy tôi và làm chìm đắm tâm hồn tôi. Một sức mạnh rất thiêng liêng khiến tôi quên hết đau đớn. Trong làng này, tôi gặp Thần chết tận mặt nó. Và tại nơi này linh hồn tôi được Thượng đế ôm ấp. Trong làng này có một đoá hoa xinh xắn mọc vượt lên trên cỏ úa với cái đẹp cuốn hút trái tim tôi và hương thơm tràn ngập tâm hồn tôi. Không biết tôi có sẽ bỏ lại đóa hoa thắm thiết ấy để ra đi rao giảng các ý tưởng đã khiến tôi bị trục xuất khỏi tu viện, hay tôi sẽ ở lại bên cạnh đóa hoa ấy để đào huyệt mộ chôn các ý tưởng và các chân lý của mình giữa những cây gai mọc kế bên nó? Miriam ơi, tôi biết làm sao đây?”

           

Vừa nghe những lời ấy, Miriam run rẩy như hoa huệ trước làn gió vờn nhẹ trong sáng tinh sương. Trái tim cô bừng đỏ, chiếu lên ánh mắt khi cô ấp úng:

           

“Cả hai chúng ta đang ở trong bàn tay của Sức mạnh bí nhiệm và đầy lòng thương xót. Hãy để Quyền năng đó làm theo ý muốn của nó.”

           

Vào khoảnh khắc ấy, hai trái tim hiệp nhất và từ đó về sau, hai tinh thần trở nên một ngọn đuốc duy nhất, đang bừng cháy và soi sáng cuộc đời họ.

 

 

5

 

            Từ lúc mới bắt đầu cuộc sáng thế cho tới thời buổi hiện nay của chúng ta, các thị tộc nào đó giàu nhờ kế thừa và trong sự cộng tác của giới tăng lữ, đã tự chỉ định mình là người cai quản dân chúng. Ðó là một vết thương hở miệng và lâu đời trong trái tim của xã hội tới độ chỉ có thể loại bỏ nó bằng cách quyết liệt thủ tiêu sự ngu dốt, mông muội.

           

Người cai quản sở đắc tài sản qua kế thừa và với quyền thế, xây lên cung điện bằng đồng tiền của người nghèo khó yếu ớt. Tăng lữ dựng lên đền đài trên nấm mồ và xương cốt của tín đồ ngoan đạo. Ông hoàng túm lấy cánh tay của nông dân trong khi linh mục làm rỗng túi của họ. Nhà cai trị nhìn những đứa con của đồng ruộng bằng bộ mặt cau mày và giám mục an ủi họ bằng nụ cười. Giữa cái cau mày của con hổ và nụ cười của con sói là đàn chiên xơ xác. Nhà cai trị tự tuyên bố mình là vua của Luật pháp và linh mục xem mình là đại diện của Thượng đế. Và giữa cả hai là các thể xác bị hủy hoại và các linh hồn tiêu tan vào hư không.

           

Tại Li-băng, nơi ngọn núi giàu trong ánh sáng mặt trời và nghèo trong hiểu biết, giới quí tộc và giới tư tế liên thủ bóc lột nông dân, kẻ cày bừa và thu hoạch mùa màng nhằm tự vệ trước thanh gươm của người cai trị và lời nguyền rủa của linh mục.

           

Người giàu ở Li-băng hãnh diện đứng trong dinh thự của y, lớn tiếng với đám đông rằng:

           

“Quốc vương đã chỉ định ta làm Ông chủ của các ngươi!”

           

Và linh mục đứng trước bàn thờ nói rằng:

           

“Thiên Chúa đã ủy thác tôi làm người xử lý linh hồn của các người!”

           

Còn dân chúng Li-băng chỉ còn biết im lặng vì người chết không thể nói.

           

Tộc trưởng Abbas có tình bằng hữu tận tâm can với tăng lữ vì họ là đồng minh chung sức bóp nghẹt sự am hiểu của dân chúng và làm sống lại tinh thần tuân phục nghiêm khắc và chặt chẽ trong tầng lớp lao động.

           

Tối hôm đó, trong khi Khalil cùng Miriam tới gần ngai Tình yêu và Rachel đang nhìn họ với ánh mắt thương cảm, Cha quản xứ Elias thông báo với Tộc trưởng Abbas rằng linh mục bề trên đã trục xuất một thanh niên nổi loạn khỏi tu viện và rằng hắn đang lánh nạn tại nhà Rachel, góa phụ của Samaan Ramy. Tuy thế, linh mục chưa cảm thấy hài lòng với tin tức ít ỏi mình vừa cung cấp cho Tộc trưởng nên ông thêm:

           

“Con quỉ bị họ trục xuất khỏi tu viện thì không thể trở thành thiên thần trong làng này; cây vả bị đốn và ném vào lửa thì không thể sinh quả lúc đang cháy. Nếu muốn thanh tẩy làng này khỏi sự ô uế của con quái vật đó, chúng ta phải đuổi hắn đi, như các tu sĩ đã làm.”

           

Tộc trưởng hỏi lại:

           

“Cha có chắc chắn rằng gã thanh niên đó sẽ gây ảnh hưởng xấu cho dân làng? Không phải cách tốt là chúng ta giữ hắn lại và biến hắn thành người làm việc trong các vườn nho của chúng ta sao? Chúng tôi đang cần đàn ông khỏe mạnh.”

           

Linh mục tỏ vẻ không đồng ý ra mặt. Ðưa tay lên chải bộ râu, ông nói khéo léo:

 

“Nếu gã thanh niên ấy lao động được việc thì hắn đã không bị trục xuất khỏi tu viện. Ðêm qua, một sinh viên đang giúp việc tại tu viện, tình cờ ở lại nhà tôi, bảo cho tôi biết rằng hắn vi phạm các phép tắc của linh mục bề trên bằng cách gieo rắc những ý tưởng xách động nguy hiểm trong các tu sĩ. Và anh sinh viên ấy trích lời hắn đã nói, rằng:

           

“‘Hãy trả lại đồng ruộng, vườn nho và vàng bạc của tu viện cho người nghèo cùng phân tán tu sĩ ra mọi hướng, và hãy giúp cho người dân đang cần tới sự am hiểu; bằng cách đó, các người sẽ làm vừa lòng Cha trên trời của các người.’”

           

Vừa nghe xong những lời ấy, Tộc trưởng nhảy đựng, giống như con hổ sẵn sàng vồ mồi. Y soãi chân bước tới cửa ra vào, lớn tiếng gọi người giúp việc, bảo họ phải tới gặp chủ ngay. Ba người phục vụ đi vào và Tộc trưởng xuống lệnh:

           

“Trong nhà Rachel, góa phụ của Samaan Ramy, có một gã thanh niên mặc y phục tu sĩ. Chúng mày tới trói hắn lại, mang về đây. Nếu người đàn bà đó chống lại việc bắt hắn, chúng mày túm búi tóc nó lôi ra ngoài tuyết, mang nó về đây chung một lượt với hắn, vì đứa nào giúp cho quỉ sứ thì cũng là quỉ sứ.”

           

Cả ba người giúp việc cúi mình tuân lệnh. Họ tất tưởi đi tới nhà Rachel trong khi cha quản xứ và Tộc trưởng cùng nhau thảo luận loại hình phạt nào dành sẵn cho Khalil và Rachel.

 

 

6

           

Ngày vừa hết và đêm đến, đang trải bóng tối lên các túp lều tồi tàn, tuyết chất chồng nặng trỉu. Cuối cùng, các ngôi sao xuất hiện trên bầu trời như những niềm hy vọng vào cuộc vĩnh hằng đang tới sau bao đau đớn thống khổ của cái chết. Cửa lớn cùng cửa sổ khép lại, đèn được thắp lên và nông dân tới ngồi bên lò sưỡi hơ ấm cơ thể.

           

Trong khi Rachel, Miriam và Khalil đang ở bên chiếc bàn gỗ thô tháp ăn bữa tối, có tiếng đập cửa thật gấp rồi ba người đàn ông tự động đẩy cửa, bước vào. Rachel và Miriam run lẩy bẩy còn Khalil vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, như thể hắn đang chờ những kẻ đó. Một trong ba người giúp việc của Tộc trưởng bước tới phía Khalil, đặt tay lên vai hắn và hỏi:

           

“Có phải anh là kẻ bị trục xuất khỏi tu viện?”

           

Khalil đáp:

           

“Ðúng, tôi chính là người đó. Anh muốn gì?”

           

Người ấy trả lời:

            “Chúng tôi được lệnh tới đây bắt anh và mang anh đi theo chúng tôi tới nhà của Tộc trưởng Abbas. Nếu anh chống cự, chúng tôi sẽ kéo lê anh trên tuyết như lôi một con cừu đem đi làm thịt.”

           

Nghe vậy, Rachel xanh mặt, kêu lên:

           

“Hắn phạm tội gì? Tại sao các anh muốn trói hắn và lôi hắn đi?”

           

Bà vừa nói xong, cả hai mẹ con cùng năn nỉ, giọng vỡ òa nước mắt:

           

“Hắn chỉ có một mình trong bàn tay của cả ba người; nếu các anh làm cho hắn đau đớn thì thật là hèn nhát.”

           

Người tôi tớ lớn tuổi nhất nổi giận, thét lớn:

           

“Có đàn bà nào trong làng này dám chống lại lệnh của Tộc trưởng không?”

           

Quát xong, anh ta rút ra một sợi lòi tói, bắt đầu trói tay người thanh niên. Khalil ngước mặt lên kiêu hãnh. Và hắn nói với nụ cười xót xa xuất hiện trên môi:

           

“Tôi cảm thấy tiếc cho các anh vì các anh là công cụ mạnh mẽ và mù quáng trong bàn tay của kẻ đàn áp người yếu bằng sức mạnh của chính cánh tay các anh. Các anh là những người nô lệ cho sự ngu dốt. Hôm qua, tôi từng là người như các anh, nhưng ngày mai tôi được tự do trong tâm trí y hệt tôi lúc này. Giữa chúng ta đang đứng một bức vách kiên cố, nó ngăn trở lời kêu gọi của tôi và che giấu các anh thực tại của tôi, khiến các anh không thể nghe, không thể thấy. Ðây, tôi đây, các anh cứ việc trói tôi và cứ việc làm vừa lòng mình.”

           

Cả ba người giúp việc cảm thấy xúc động khi nghe Khalil nói. Dường như tiếng nói của hắn đánh thức trong họ một tinh thần mới, nhưng giọng nói của Tộc trưởng vẫn rền lên trong tâm trí họ, cảnh giác họ phải hoàn tất nhiệm vụ. Với lương tâm nặng trỉu, họ trói quặt hai tay Khalil và dẫn hắn ra ngoài. Rachel cùng Miriam đi theo họ tới dinh cơ của Tộc trưởng, như các nữ tử của Giêrusalem đi theo Ðức Kitô lên Núi Sọ.

Kahlil Gibran
Số lần đọc: 2013
Ngày đăng: 16.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nụ hôn với quỉ II - Nguyễn Ước
Kỳ phùng địch thủ - Hồ Ngạc Ngữ
Nụ hôn với quỉ -1 - Nguyễn Ước
Nếm người - Quỳnh Linh
“I” Ngắn Hay “Y” Dài - Nguyễn Đình Phư
Ngày xửa ngày xưa - Trần Quang Vinh
Hoà thượng Thích Hoan Hô - Huỳnh Văn Úc
Nhắc chi ngày xưa đó - Thụy Vi
Trộm long tráo phụng - Đỗ Ngọc Thạch
Căn lều của người anh họ - Mang Viên Long