Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.153
 
Người hậu vệ
Nguyên Minh

Trong đội banh của ba tôi, thời ấy, còn mấy người cầu thủ nữa đã để lại cho tôi biết bao điều muốn nói. Đó là anh Chín, người hậu vệ, giữ chắc nịch phòng thủ, chận banh, anh lại có những cú đá móc ngược và chính xác. Ít có đối thủ nào lừa banh qua khỏi anh. Anh đã giúp anh Tỵ rất nhiều, để người thủ môn có đủ thì giờ và bình tỉnh đón nhận trái banh suýt vào từ đội bạn. Họ như một cặp bài trùng. Ngoài đời hai anh ấy cũng rất thân nhau, hợp ý. Nhưng cách ăn mặc thì khác nhau xa. Anh Tỵ luôn luôn mặc quần tây áo sơ mi. Còn anh Chín trên người chỉ là một bộ bà ba màu xám tro, choàng qua cổ là chiếc khăn carô xanh. Anh Tỵ nói giọng Quảng. Còn anh Chín đặc sệt giọng nam bộ, vì anh đến từ miền lục tỉnh sông nước xa xôi.

Đó là khoảng năm 1946, đoàn cải lương tôi không biết tên, từ trong Nam, ở đâu như Cần Thơ thì phải, đến diễn ở rạp hát duy nhất, mới cất cạnh nhà tôi. Anh Chín là một kép phụ, chẳng ai thèm để ý, một tên lính hầu hạ nhà vua, một tên thái giám hầu hạ công chúa. Một người ăn mày rách rưới. Một tên quan bần tiện. Tất cả các vai phụ đó anh Chín chỉ xuất hiện trên sân khấu chỉ trong khoảnh khắc. Ngoài ra anh quanh quẩn sau hậu trường làm bảo vệ an ninh cho đoàn. Thỉnh thoảng anh dạo quanh ngoài rạp xem ai có chụm đầu vào những lỗ thông hơi mà xem cọp, anh dọa nạt, đuổi đi. Còn những đứa trẻ con như tôi, anh quắt tay ra dấu theo anh vào cửa chỉ dành riêng cho đoàn hát, anh tìm một chỗ trống cho xem thoải mái.

Ban ngày, anh cùng vài thanh niên dắt nhau lên con đê, tuột dốc, lội bì bỏm con nước cạn xệch, cùng nhau đá banh trên bãi cát rộng bao la. Chúng tôi, lũ trẻ con rủ nhau đứng trên con đê reo hò vỗ tay khi anh Chín đá móc hậu trái banh. Cái chân đưa lên, trái banh bay ngược lại phía sau, và anh suýt ngã theo. Về nhà, tôi bắt chước, té đau, khóc ròng. Ba tôi hỏi học ở đâu? Tôi nói: Đoàn hát. Và, buổi chiều hôm ấy tôi dẫn ba tôi lên con đê mà nhìn anh Chín biểu diễn cú đá hậu đó. Không hiểu ba tôi làm cách nào mà đem anh Chín, tách khỏi đoàn hát, về sống trong nhà chúng tôi. Từ đó, anh thành một cầu thủ, một hậu vệ tuyệt vời của đội banh.

Anh Chín rất thương yêu chị em chúng tôi. Tôi thường quấn quít bên anh. Những buổi tối trời đen như mực, lấp lánh hàng ngàn ngôi sao, ngồi trước thềm nhà, anh Chín thường hát vài câu vọng cổ, nghe sao mà não nề. Sau đó, anh kể cho tôi nghe về quê hương anh, khác hẳn những nơi tôi đã đi qua. Nơi đó, chỉ có những sông nước bao la, nước chảy xiết, đục ngầu, cuốn trôi những đám lục bình to như những chiếc thuyền. Đồng ruộng bao la bát ngát, cò bay thẳng cánh. Những bãi chim rừng để lại hàng trăm quả trứng trên mặt đất phủ đầy lớp lá vàng khô. Những con cá sấu trong vùng đầm lầy nằm phơi mình, ngay đơ, như những khúc gỗ mục. Anh Chín đã đưa tôi đến một chân trời xa lạ. Mãi đến mấy chục năm sau tôi mới bước chân đến quê hương anh. Con sông còn đó, vẫn chảy xiết. Đám lục bình vẫn bị cuốn trôi. Ban đêm dọc theo bờ những luỹ tre dầy đặc, hàng ngàn đốm sáng, lấp lánh như những ngôi sao, gắn lên cành cây, làm tôi ngạc nhiên và một chút rợn người. Sao anh Chín không kể hoắc quên kể cho tôi chi tiết này, về những con đôm đốm, nhiều vô số không biết từ đâu tụ tập về đó. Bãi chim rừng không còn. Bầy sấu mất đi cùng bãi lầy. Làng xóm, vườn tượt chi chít những con lạch nhỏ, phương tiện giao thông chỉ là những con thuyền nhỏ. Anh Chín nói ngày đầu tiên, lúc anh 6 tuổi, lên phố thấy người ta đi xe đạp, hai bánh, chạy bon bon trên đường anh phục lăn. Cũng như tôi, lúc về gìa, sợ sệt, lo âu, chồng chềnh, lắc lư, trên con thuyền nhỏ, lúc cập bến, tấp vào bãi, bước lên bờ, vụng về suýt té.

Còn thân thế anh như thế nào, tôi chưa bao giờ nghe anh nói đến. Mà ngày đó, tôi mới chưa đầy mười tuổi, tôi không quan tâm đến đó. Tên thật của anh, chúng tôi cũng không hỏi, chỉ biết gọi là anh Chín. Chắc anh là người con thứ 9 trong gia đình. Có lẽ chỉ có chị Chi mới biết tên thật của anh Chín, nhưng giờ này chị đã lưu lạc trên đất người. Chuyện tình của hai người cũng lạ lùng lắm. Chuyện xảy ra, hình như vào những ngày đội banh của ba tôi ở lại cái làng quê, vùng ven biển, để dưỡng sức sau lần tranh giải. Chị em tôi cũng được đi theo. Hằng ngày được tắm biển. Anh Chín tập cho tôi bơi, mặc dầu tôi cứ bị uống nước mặn chằn và sặc sụa, nước mắt nước mũi túa ra. Anh bảo làm con trai phải gan lì. Mà anh Chín gan lì thật. Tôi muốn sau này, lớn lên mình cũng gan lì như anh. Nơi chúng tôi ăn ở là một tòa nhà rộng lớn, có vườn cây ăn trái, có bờ tường cao bao quanh. Nhà của ông Hội đồng Ba, ông mang ơn ba tôi đã chữa trị bệnh cho ông. Còn ông hội đồng cũng là một mạnh thường quân của đội banh mặc dầu ông không ham mê nó. Chị Chi là con gái cưng của ông Hội đồng. Chị không đẹp lắm nhưng có duyên nhất là mỗi khi chị cười, hai lúm đồng tiền sâu hiện lên ở hai má hồng hào, trông thật dễ thương. Nước da chị không trắng trẻo như chị Giỏi. Da ngâm ngâm, trông rắn chắc. Cả một sức sống mãnh liệt ẩn trong đôi mắt của chị. Anh Chín và chị quen nhau từ lúc nào tôi không biết. Chỉ thấy, những buổi chiều, mắt trời sắp lặn xuống lằn ranh giữa biển cả và trời mây, anh Chín và chị Chi rảo bước trên bãi cát còn ước mèm sau khi cơn sóng vừa rút ra khơi. Không hiểu anh Chín kể chuyện gì làm chị Chi cười nức nẻ, át cả tiếng sóng vỗ rì rào. Tôi đi theo hai người, lẻo đẻo phía sau. Cho đến khi trời đã sẩm, và tôi lạnh run bởi gió biển thổi mạnh vào. Tôi gọi tên anh Chín. Bấy giờ họ mới quay lui, dẫn tôi về.

Chị Chi thường lên phố. Tất nhiên là chị ghé lại nhà tôi. Những lần anh Chín bận tập banh ở sân bãi, chị làm bạn với chị Giỏi và chị Miên. Cả ba người cùng trang lứa nên dể thân nhau. Những lần đội banh đá giao hữu với các đội trong tỉnh, nhất là những đội có những cầu thủ người Tây trắng lẫn Tây đen, hai chị đều có mặt, cổ động cho đội banh. Hai chị cũng vỗ tay, nhảy dựng, hét lên: Dô! Dô! Lẫn vào trong tiếng hò vang dậy của khán giả. Có tiếng ai đó, khi người cầu thủ da trắng, mũi lõ, mắt xanh té lộn nhào vì dành trái banh từ chân anh Chín, hét lên: “Đáng đời thằng Tây”. Hai chị về nhà, kể cho anh Chín, anh Tý những cảnh đầy kịch tính của người xem. Những vui buồn lộ hẳn lên từng nét mặt, nụ cười, tiu nghỉu, tiếc rẻ, lo âu. Những cái dậm chân. Những tiếng vỗ tay vang dội. Đôi khi cũng có tiếng chưởi thề, văng tục. Có lúc vài thanh niên, cổ động viên cả hai đội suýt đánh nhau. Anh Chín hỏi chị Chi: “Khán giả có mấy người đẹp như chị đến xem.” Chị nguýt anh Chín, nói nhỏ: “Em đâu phải là khán giả. Em là người nhà.” Chị Giỏi chen vào: “Chi là người… của anh Chín.” Chị Chi cầm lấy tay chị Giỏi: “Giỏi là người vợ sắp cưới của anh Tý há.” Rồi hai chị cùng cười, bẻn lẻn. Anh Tý và anh Chín đều công nhận sự có mặt của hai chị đã làm tinh thần hai anh hưng phấn, hai anh biểu diễn hết mình những cú đá banh bằng chân trái rất mạnh và đường bay của nó xoáy tròn, những màn lừa banh qua đối thủ làm họ ngẩn ngơ, Những màn bay người lên chụp trái banh lắc léo ở góc trên của khung thành, nằm gọn trong hai bàn tay, rồi đưa vào lòng mình. Anh Tý bảo: “Lúc đó anh tưởng như ôm chị Giỏi vào lòng.” Chị Giỏi dẩy nẩy:" Cái ông này." Anh Tý quay qua hỏi anh Chín: "Còn mày thì sao". Anh Chín trả lời nhưng không nhìn anh Tý mà đưa mắt hướng về chị Chi: "Anh bảo vệ Chi đó chứ." Chị Chi chưa hiểu gì cả anh Tý đã cười: "Té ra, nó cứ nghĩ người thủ môn là người yêu của mình, nên nó quyết tâm bảo vệ khung thành." Hình như ba tôi nhận ra những trận đá banh có chị Giỏi và chị Chi đi theo trận đó đều mang về vinh quang cho đội banh, chỉ thắng chứ không thua. Mỗi lần chuẩn bị dự giải tòan quốc hoặc đá giao hữu ở các tỉnh lân cận, ba tôi đều đi với chị Giỏi hay chị Miên đến nhà ông Hội đồng xin phép cho chị Chi theo. Rốt cuộc ba tôi làm mai cho hai anh chị ấy. Ông hội đồng hỏi ba tôi về thân thế của anh Chín khi ba tôi gợi ý xin ông cho anh Chín cưới chị Chi. Ba tôi hơi bở ngở, sau đó lấy lại bình tỉnh: "Thằng Chín mồ côi cha mẹ, chẳng có ai thân thích, tôi xem nó như con của mình. Tôi nhận nó làm con nuôi." Ông hội đồng gật đầu: “Tôi cũng nhận ra là con Chi có thương ai đó trong đám cầu thủ đá banh của anh, té ra cậu Chín. Như vậy tôi có thằng rễ Nam bộ."

Ngày cưới của anh Chín và chị Chi diễn ra trong không khí ấm cúng và trang trọng. Người dân trong thị xã xầm xì: "Kể ra ông bầu Đào cũng lạ, nhà mới có con gái lớn, có con trai lớn chưa ai có vợ có chồng, lại làm đám cưới cho người ngoài, rước về ở trong nhà, không kiêng cử. Bộ ông ta muốn các con mình ở giá chắc." Mẹ tôi nói lại với ba tôi. Ông chỉ cười và giải thích: “Mình có cưới vợ rước dâu cho người dưng đâu. Thằng Chín là con nuôi của mình mà." Bấy giờ mẹ tôi mới yên tâm. Mấy anh cầu thủ khác, cùng ở trong nhà chúng tôi đều phân bì, đồng lọat nói đùa: "Chú Đào phải nhận tụi con làm con nuôi hết nghe." Ong không nói ra chứ thật tình ông xem họ như con của mình.

Nhà chúng tôi không rộng lắm, anh chị Chín phải ở một góc nhà sau, có bức màn che chắn. Ban đầu chị còn e ngại trước những cái nhìn tinh nghịch của các anh cầu thủ về phía chị, cũng như lời bông đùa của họ về anh Chín: “Vừa vừa thôi, còn giữ sức để đá banh nữa nghe cha nội.” Riết rồi, chị cũng quen, và chị trả lời thay cho anh Chín: “Các ông khỏi lo, anh Chín dư sức mà." Hằng ngày anh Chín vẫn theo các bạn tập dợt ngòai sân cỏ. Còn chị Chi phụ với chị Giỏi lo việc bếp núc. Ban đêm chị dành một ít thời giờ dạy tôi học thêm, nhất là tập viết. Chữ chị Chi rất đẹp và bay bướm. Thỉnh thỏang anh Chín dắt chị Chi về thăm ông hội đồng một hai hôm. Ông hội đồng gợi ý hai vợ chồng anh dọn về đó ở cho rộng rãi, có phòng ốc, giường tủ, bàn ghế sang trọng, hằng ngày anh Chín đạp xe lên phố đến nhà tôi, nhưng anh chị thối thác, nhất là chị Chi. Chị bảo với cha: "Lấy chồng thì phải theo chồng, về làm dâu ông Đào, thỏai mái, hơn nữa trong không khí ấm cúng và vui như tết của các anh em cầu thủ, cha đừng lo chi cho mệt."

 

Vào khoảng năm 1948, phong trào thể thao trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung đang phát triễn, nhất là môn đá banh. Những công sở có người Tây như lục lộ, nhà đèn đều có đội banh, công chức người Việt ở huyện, thị xã cũng thành lập đội banh, hưởng ứng phong trào thể thao do Vua Bảo Đại khởi xướng. Sân vận động được xây cất, có khán đài, có bờ tường bao bọc chung quanh. Và hàng tuần đều có những trận đá banh giao hữu giữa các đội trong tỉnh, thỉnh thoảng các đội tỉnh bạn về tham dự. Hầu hết đội banh của ba tôi được giải vô địch. Những mạnh thường quân của đội là những thương gia giàu có trong tỉnh, họ ủng hộ cho đội banh, nên đời sống của anh em cầu thủ đỡ vất vả hơn. Anh Chín được hưởng thêm một phần cho chị Chi. Những lúc về thăm nhà, chị Chi đều xin thêm tiền cha mình, để sắm sửa, bồi đắp cho tổ ấm của anh chị. Lúc này, chị nhờ anh Tý ra tiệm may lớn nhất thị xã may một lúc vài bộ quần tay áo sơ mi bằng vải ngọai đắt tiền. Chị Chi phải năn nỉ anh Chín bỏ lối ăn mặc ở miệt vườn quê anh, lúc nào cũng bộ đồ bà ba như đàn bà con gái vậy, nhất là đi chơi với vợ trẻ đẹp anh phải ăn diện chút ít, hay như các anh trong đội bóng, quần tây áo sơ mi, đóng thùng, cài nịt. Cả đội banh cũng bàn vô anh Chín mới nghe. Lúc đầu anh khó chịu, ngượng ngập, sau dần anh noi gương ba tôi, ăn mặc chỉnh tề, tóc tai chải mướt. Anh chị Chín, tôi thấy ít khi họ to tiếng, giận hờn. Vì mới lộ ra có cái gì khác lạ giữa anh chị là chúng tôi đã can thiệp rồi. Các anh trong đội banh bao giờ cũng đứng về phía chi Chi. Còn chị Giỏi, chị Miên bênh vực anh Chín. Tất cả đều giải thích, an ủi, để anh chị Chín xóa tan những bóng đen chập chờn trong lòng mỗi người. Những lúc ấy, bao giờ tôi cũng được anh chị dắt đi ăn kem ở một quán cốc, ngòai phố, sát bờ tường chùa Ong. Ba mẹ tôi đều hài lòng về anh chị Chín. "Thấy tụi nó hạnh phúc, mình cũng vui lây. Có vợ, thằng Chín yên tâm hơn, đá banh vững chắc hơn, cú đá móc tuyệt vời hơn." Ba tôi đắc ý về họ. Mẹ tôi thương chị Chin như con gái ruột: "Con bé hiền lành, con nhà giàu mà không đỏng đảnh, một mực chìu chuộng, thương yêu, sống thủy chung với cái thằng cục mịch, nhà quê chay." Mẹ tôi thường nói với ba tôi như thế. Mẹ tôi còn giao cho chị Chi trông nom, giao thiệp với bạn hàng buôn bán với mẹ tôi. Đôi khi bà dẫn theo chị Chi vào Sài Gòn bày cho chị kinh doanh. Hai người như mẹ con, ngồi lắc lư trên chuyến tàu lửa suốt cả ngày đêm mới vào được ga Sài Gòn. Những lúc ấy chị Chi thường tâm sự với mẹ tôi. mong có một ngày nào đó anh Chín dắt chị về thăm quê chồng.

Cái mơ ước được đi cùng anh Chín trên chiếc ghe chồng chành xuôi những con lạch nhỏ hai bên là lau sạch rồi luồng lách vào những khu vườn đầy cây trái. Giản dị như thế, nhưng chẳng bao giờ có được. Bởi vì, tai ương bỗng dưng chụp xuống đầu họ.

 

Đâu đuôi câu chuyện do một kẻ thứ ba chen vào. Mặc dầu biết chị Chi đã có chồng, hằng ngày ông ta đều trông thấy cảnh hai vợ chồng họ âu yếm nhau, càng làm anh ta say mê chị Chi hơn nữa. Anh ta mới dọn về ở ngay trước nhà nhà tôi, bên kia đường, con đường nhỏ hẹp, đến nỗi hai người đứng trên lề đưa tay ra có thể bắt tay nhau. Các anh cầu thủ đá banh của ba tôi, nhất là anh Tý biểu lộ thái độ khinh ghét anh ta ra mặt: "Đồ mật thám." Anh ta tên Kiện, dân miệt ngòai mới đổi đến. làm Phòng Nhì cho Tây. Chị Chi bỉu môi, chê bai: "Biết người ta có chồng rành rành trước mặt mà còn theo chọc ghẹo." Rồi chị kể cho mọi người nghe những lời đường mật hắn đã rót vào tai chị khi hắn chận đường chị gần gốc cây cạnh nhà lúc xẩm tối, vắng người. Anh Tỵ đòi chận đường đánh cho hắn một trận, nhưng anh Chín chỉ cười mà nói: "Có mất mát gì, những lời tán tỉnh. Đùa một chút cho vui."

 

Đâu phải một chút như anh Chín nói, mà suốt cả cuộc đời. Cả nước mắt, đắng cay, tủi nhục, cả anh chị đều phải trả giá.

 

Một buổi chiều, như thường lệ các anh cầu thủ tập dợt ngoài sân bãi, vừa ra sân chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, mọi người đều hớt hãi chạy về báo tin với ba mẹ tôi hay là anh Chín đã bị bắt. Bọn Tây cùng vài tên mật thám cầm súng đến vay bắt anh Chín mặc dù các anh phản đối. Họ bảo có lệnh, rồi áp vào còng tay anh Chín dẫn lên chiếc xe bịt bùng chở đi. Chị Chi từ nhà bếp chạy lên. Nghe tin, chị sửng sốt. Anh Tỵ nói nghe thằng Tây kêu anh Chín là Việt Minh. Mọi người đều nghĩ có lẽ họ nhầm người. Đến tối, ba tôi sang nhà anh Kiện hỏi thăm, về nhà ba tôi thở ra: “Đúng người, không nhầm. Nhưng ai cũng ngạc nhiên, tỏ ý không tin. Trong trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ chưa hình dung được Việt Minh là cái gì, Việt Minh là ai? Trong thị xã bé nhỏ này mọi tin tức đều được truyền đi nhanh chóng, sáng hôm sau mọi người sầm sì về anh Chín.

 

Khu tạm giam của Phòng Nhì nằm cách dãy nhà tôi không xa mấy, thỉnh thoảng, nhất là ban đêm từ đó vọng ra những tiếng thét kinh hoàng của tù nhân đang chịu những màn tra tấn dã man. Những đêm, sau khi anh Chín bị bắt, tôi cứ giật mình, mỗi khi có tiếng thét đó vang lên, không biết có phải của anh Chín không. Tôi kể lại cho chị Chi và chị ấy hằng đêm vẫn lắng nghe như tôi. Chị còn hình dung cái mặt anh sưng húp. Cả thân thể anh Chín bầm mình, những lằn roi làm rướm máu làn da sạm đen. Chị Chi khóc lóc, lẩm bẩm: "Làm sao anh Chín chịu nỗi."

 

Một vài lần chị Chi được đến thăm anh Chín nhờ sự giúp đở sốt sắng của anh Kiên. Về nhà tôi chỉ thấy chị thở ra. Thái độ chị đối với anh Kiên cũng khá hơn. Chị không lẫn tránh, mà tôi thường thấy chị qua nhà anh ấy, mọi người đều nghĩ chỉ có anh Kiên là giúp được một phần nào. Nhưng anh Chín đã bị đưa đến nhà lao của Tỉnh đã vài tháng rồi mà chẳng thấy động tỉnh gì.

 

Lúc bấy giờ trong gia đình tôi xảy ra những chuyện buồn khác. Chị Giỏi đã chết sau cơn bệnh thương hàn. Anh Tỵ bỏ đi biệt xứ. Còn chuyện làm tôi đau lòng và mang trong lòng một nổi oán hận: chị Chi bỏ nhà theo anh Kiên ra tận Huế. Các anh cầu thủ cũng lắc đầu. Mẹ tôi ngơ ngẩn, bà cứ chặc lưỡi: “Sao lại thế được.”

 

Câu hỏi này anh Chín cũng lẩm bẩm trong miệng khi biết chuyện này lúc anh được ra tù trở về nhà tôi. Mọi người mừng cho anh đã được tự do, nhưng lại buồn cho anh đã mất vợ. Ba tôi an ủi anh bằng cách phán một câu: "Bỏ đi Chín, kể gì kẻ bạc tình. Cũng may cho mày là chưa có con." Thái độ của anh Chín từ từ vui vẻ trở lại, sức khỏe của anh cũng được phục hồi, nhưng anh không còn đá móc trái banh ra đằng sau được nữa. Trái banh vừa tới anh đưa chân đón nhận và ngã người để đá ngược, anh té xuống đất, còn trái banh thì đã trợt ra ngoài. Anh tập dợt lại nhưng không thành. Điều này làm anh Chín buồn, các anh cầu thủ khác buồn. Ba tôi, ông bầu, lại buồn hơn. Rồi một hôm, anh Chín cũng bỏ gia đình tôi ra đi không một lời từ biệt.

 

Vài năm sau, đội banh ba tôi không còn, nhà tôi vắng hoe, ba tôi ở tù và bị trục xuất ra khỏi tỉnh, buộc về lại Huế, Anh Thành, anh Thương theo Việt Minh lên chiến khu, anh Chín lù lù trở về thăm. Nhìn nhà tôi tan hoang, nét mặt mặt anh càng thảm hại. Mẹ tôi hỏi thăm anh bấy lâu nay sống ra sao. Anh trả lời qua loa, nhưng mẹ tôi nhận ra anh phải lao đao lắm. Bà gợi ý anh về đây, bà sẽ tìm việc buôn bán, gầy dựng sự nghiệp. Anh thờ ơ, nhìn ra ngoài trời, nói bâng quơ: “Con về thăm, xem hai bác có khỏe không. Sáng mai con phải đi sớm.”

 

Tối hôm đó tôi quanh quẩn bên anh. Nằm lắc lư trên chiếc võng đong đưa ở ngoài sân sau nhà, dưới bóng đêm dày đặc anh Chín cất tiếng hát mấy câu vọng cổ: “Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiển, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà”. Tôi nghe buồn não ruột. Tôi cứ tưởng anh đang đóng vai Võ Đông Sơ từ chiến trường trở về tìm lại người vợ trẻ là Bạch Thu Hà sống trong cảnh đợi chờ nhớ mong chờ chồng. Võ Đông Sơ đã trở về. Còn Bạch Thu Hà đâu rồi hả chị Chi? Không biết ở phương trời nào đó chị có nhớ lại người chồng cũ. Còn anh Chín cứ hỏi tôi mãi: “Em có gặp chị Chi không? Chị ấy sống thế nào? Có hạnh phúc không bên người chồng mới? Họ đã có con chưa?” Tôi chỉ trả lời một câu làm anh Chín đau lòng: “Có gặp em cũng không nhìn mặt con người bội bac đó.”

 

Mà thật vậy, cũng có vài lần tôi gặp chi Chi rất tình cờ ở Nha Trang khi chị tìm đến thăm anh chị Miên. Nhìn thái độ thờ ơ đôi khi còn khinh bỉ nữa của tôi, chị nói: “Chị biết em giận và khinh bỉ chị. Sau này em sẽ hiểu. Còn bây giờ em cho chị hay anh Chín sống như thế nào. Anh ấy đã có vợ con gì chưa? Làm gì? Hạnh phúc không." Tôi nhìn thẳng vào mắt chị như để thăm dò trước câu nói dối của tôi: “Anh Chín chết rồi.” Chị như người mất hồn, ngơ ngẩn nhìn tôi, sửng sờ, mặt chị biến sắc, tái xanh như tàu lá. Chị ôm lấy tôi. Nước mắt chị rơi trên vai tôi bấy giờ tôi mới hả dạ. Bấy giờ tôi mới cho chị hay là tôi thỉnh thoảng có gặp anh Chín. Sức khỏe anh tốt. Vẫn còn ở vậy. Làm gì để sống thì tôi không rõ.

 

Tôi thành nhịp cầu cho anh chị hỏi thăm nhau. Những câu hỏi của anh chị đều làm tôi ngạc nhiên, khó trả lời. Chị Chi thì hỏi: “Anh Chín biết chị phụ bạc sao anh không chịu lập gia đình với người khác.” Còn anh Chín hỏi: "Sao lâu rồi mà chị Chi chưa có con." Đôi khi tôi bực tức thốt lên: “Thì hai người gặp lại nhau mà hỏi.” Vô tình tôi chạm đến vết thương lòng của họ. Cả anh chị đều im lặng.

 

Sau này, lớn lên tôi cũng xa thị trấn nhỏ này, xa ngôi nhà thân yêu đó, tôi không nghỉ đến chuyện của hai người nữa. Tôi không còn gặp anh Chín. Tôi nghe mẹ tôi bảo anh ấy đã về Nam, quê cũ. Riêng chị Chi tôi gặp lại lần cuối cùng trước khi chi cùng chồng di tản ra nước ngoài vào năm 1975. Trước khi chia tay nhau, chi mới thổ lộ tâm sự thầm kín bấy lâu nay. Điều này lúc đầu làm tôi ngạc nhiên, và sau đó những gì đã làm tôi khinh bỉ chị tan biến đi, cuối cùng tôi cảm động đến rơi nước mắt. Tôi nắm chặt tay chị nói lời xin lỗi.

 

Chi cho tôi biết. Thuở ấy anh Kiện yêu chị đến mù quáng. Anh đã tìm mọi cách chiếm đoạt chị bất kể giá nào. Anh đã tố cáo anh Chín hoạt động cho Việt Minh. Chị phải chấp nhận điều kiện theo anh Kiện để anh Chín được ra tù, khỏi đày đi Côn đảo. Đời chị có xá gì so với cái lý tưởng mà anh Chín ấp ủ. Chị tiết lộ những bí mật về anh Chín mà bấy lâu nay mọi người trong gia đình tôi, kể cả ba tôi đều mờ tịt. Năm 1945 anh Chín là một trong những người cầm đầu Bình Xuyên đánh Tây, vào rừng Sát lập chiến khu, sau sát nhập vào bộ đội Việt Minh. Bấy giờ tôi mới nhớ lại ngày còn thơ ấu anh Chín hay kể cho tôi nghe về rừng Sát, về những chiến công lừng lẫy tấn công đồn giặc Tây của những người thanh niên mặc bộ bà ba nâu… Anh đã đưa tôi vào thế giới của Lương Sơn Bạt. Hèn gì lớn lên tôi thích nhất bộ truyện Thủy Hử.

 

Chị nhờ tôi nhắn lại với anh Chín, nếu tôi gặp lại anh ấy cho chị gởi lời thăm. Chị còn dặn tôi nếu anh Chín có hỏi về chị thì em nói chị sống hạnh phúc bên người chồng mới. Anh Kiện đã thay đổi hẳn từ ngày lấy chị. Thật vậy, từ ngày anh Kiện đổi về làm ở Huế, quê anh, ở sở ai cũng bảo anh hiền lành, giúp đở những tù nhân. Tôi có gặp lại anh tại nhà chị Miên, bao nhiêu ác cảm ngày xưa của tôi đối với anh đều tiêu tan. Làm sao tôi có thể hình dung trước đó anh là một tên mật thám ác ôn, hỏi cung tù nhân bằng những trận đòn tra tấn dã man. Quê tôi lúc đó có ba tên mật thám ác ôn như anh, cuối đời đều gặp phải cảnh cơ hàn, mọi người đều xa lánh, khinh bỉ. Anh Kiện nói với tôi Chính chị Chi đã làm anh tỉnh ngộ. Anh biết không bao giờ có thể xóa tan hình bóng anh Chín trong lòng chị. Anh phải chấp nhận và cố làm việc thiện để chuộc lại lổi lầm, cố vươn mình để ngang tầm với anh Chín.

 

Trước mặt chị Chi tôi cố giấu đi những xúc động vừa chợt đến. Tôi gật đầu đồng ý. Buồn cho chị. Buồn cho tôi. Vì anh Chín đã chết lâu rồi. Anh chết vì một viên đạn bắn lén từ sau lưng khi anh trở lại khu rừng Sát.

 

Tiếc thay đến lúc anh Chín gục ngã, vĩnh biệt cõi đời này vẫn không biết gì đến sự hy sinh của chị Chi, vợ mình. Còn những kẻ phản bội đồng đội anh cũng chỉ kịp nhận ra trong tích tắc trước khi gục chết trên bờ một con kênh trong khu rừng Sát./.

 

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 2228
Ngày đăng: 25.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đám Cưới Vàng - Đỗ Ngọc Thạch
Nhật ký tình yêu - Đổ Quỳnh Anh
Vàng - Dương Phượng Toại
Anh yêu em! - Huỳnh Văn Úc
Bạn thâm giao - Phạm Thanh Phúc
Tình Rụng - Thụy Vi
Những kẻ tạm trú - Mang Viên Long
Bóng Tháp - Khuất Đẩu
Ngọc Phật - Bạch Lê Quang
Không đề - Khải Nguyên