Ấp Một của xã Phú Cường còn gọi là “ấp Bần Ổi” vì lẽ đi khắp ấp ở đâu cũng thấy cây bần, nhưng sâu xa hơn: Ấp toàn những hộ nghèo lưu niên. Nhà chủ tịch xã cũng thuộc loại gia đình nghèo có “đẳng cấp”. Biết làm sao được! Vốn liếng chỉ có ba công đất ruộng xấu do cha mẹ để lại, có người vợ hiền lành, đảm đang thì đã chết vì băng huyết khi sanh thằng Côi. Ba công ruộng xấu ít thấy mặt chủ nên hạt lúa cũng lép xẹp như cha con thằng Côi vậy. Thạch - Chủ tịch xã Phú Cường lại không phải loại quan làng xã có thể giàu đột biến vì tích góp, vơ vét của công. Đành chịu. Thôi cũng được, nhờ vậy mà dân thương. Vui lắm!
Nhưng mấy tháng nay Thạch buồn nẫu cả ruột. Vào năm học hơn hai tháng rồi mà cái trường tre lá xinh xinh, cái trường chỉ có một phòng học duy nhất nằm giữa ấp Bần Ổi vẫn vắng vẻ im lìm vì... không có giáo viên. Xã vùng sâu nghèo, ấp càng heo hút. Mùa nắng thì đồng đất nứt nẻ, kênh rạch xanh lè nước phèn; mùa mưa thì nước ngập, trẻ con cởi quần đội lên đầu cùng với tập vở để lội nước, loi ngoi đến lớp. Thương tụi nhỏ, xã vận động bà con làm một phòng học dành cho lớp một. Nhưng đến... tỉnh còn thiếu giáo viên cấp một nữa là... ấp! Thành ra đã hơn hai tháng vào năm học mới rồi mà “Trường lớp một” - tụi trẻ con gọi thế – vẫn đóng cửa!
Buồn buồn, đang cắm đầu đi trên bờ thửa, Thạch tạt ngang qua nhà má Chín - bà mẹ liệt sĩ, có đứa con trai duy nhất đã hy sinh ở chiến trường K. Anh ấy là bạn cùng chăn trâu, tát đìa với Thạch, cùng chiến đấu chung một đơn vị...
- Má Chín ơi! Má Chín à...!
- Tao đây! Cái thằng... chưa thấy người đã rống tiếng, hệt thằng Sơn!
Thạch cười toe toét bước vào và ngớ người khi thấy má Chín đang ngồi bên một cô gái trẻ, rất “mô đen”, da trắng nõn, môi đỏ chót, đặc biệt là đôi mắt lóng lánh có cái nhìn như soi rõ ruột gan người ta.
- Con chào má... chào... chị!
- “Xã trưởng” đó nghen Oanh - Má Chín nhai trầu bõm bẽm giới thiệu tỉnh rụi - Còn con Oanh này lá cháu gọi má bằng dì đó Thạch. Thằng Thạch là bạn sinh tử với thằng anh mày đó nghen Oanh.
- Dạ, em chào “xã trưởng”.
Thạch ngượng ngùng, anh bắt sang chuyện khác.
- Căng quá má Chín, con sợ bị bà con chửi quá!
- Vụ cái “Trường lớp một” đó hả?
- Dạ phải. Mình hô hào bà con cho đã, bây giờ có trường, có trò mà không có thầy cô mới căng chớ!
Oanh cười cười:
- Cái trường tre lá tí hon nằm sau rặng bần ổi đó hả?
- Thì ấp này đi đâu cũng thấy bần ổi mà cô Oanh... cái trường đó...
- Em dạy cho, được hông?
Thạch tròn mắt – Oanh cười, nhưng không gợn chút đùa cợt.
- Em mới ra trường đang chờ phân công. Em giúp trong thời gian mấy anh tìm hoặc xin Ban giáo dục cho giáo viên về. Để cái trường đẹp như tổ chim vậy phải đóng cửa, buồn lắm.
Thạch sững người rồi đầu óc sáng ra, anh mừng đến nỗi thiếu điều nhảy dựng lên.
- Cô Oanh hứa chắc nghen, mai là dạy liền đó. Má Chín đừng để cổ trốn mất nghen má.
- Ừa - Má Chín cười móm mém.
- Thì anh trốn theo chớ có sao - Oanh nháy mắt.
Thạch đỏ mặt. Mấy cô ở thành phố về bạo miệng quá. Đối đáp kiểu nầy thì anh thua.
Oanh nói sao, làm vậy. Sáng sớm cô đến lớp quét dọn sạch sẽ rồi đứng tận ngoài cổng đón học trò. Tụi nhóc nhìn cô mê mẩn. Cô giáo đẹp quá, lại diện ngất trời, bôi nước hoa thơm phức. Cô dạy có lý lắm, dạy chữ, dạy cả hát nữa nên bà con thương cô không để đâu cho hết. Chỉ có điều... vùng quê nghèo hết biết mà cô phất phới như bà hoàng nên các cô gái quê nhìn Oanh vừa thích, vừa sợ; các cán bộ nữ xã thì có vẻ “hổng ưa”! Chẳng biết có ai nói gì không mà một hôm Thạch gặp Oanh:
- Cô Oanh dạy giỏi, bà con mình khen lắm nha. Oanh đang chấm bài tập viết của học trò, ngẩng đầu lên cười tủm tỉm.
- Nhưng... cô giáo Oanh... ít chịu mặc áo bà ba quá hén! Dáng cô Oanh mà mặc áo bà ba thì đẹp phải biết... đàn bà con gái ở đây ai cũng...
- Thôi!
Oanh ngắt ngang. Mắt cô như có đốm lửa.
- Anh rào đón làm chi. Em hổng có quần đen áo bà ba chắc phải nghỉ dạy thôi.
Thạch chột dạ định năn nỉ, nhưng anh... không quen năn nỉ phụ nữ... không biết cách nói ngọt ngào cho họ xiêu lòng. Oanh bỏ vô nhà trong và Thạch lủi thủi đi về. Bữa cơm trưa vẫn hai cha con lặng lẽ ăn. Thằng Côi rụt rè.
- Cha ăn cá con kho có ngon không?
- Ngon!
- Cô Oanh chỉ con làm đó.
Thằng Côi là học trò của cô Oanh. Oanh đi dạy luôn mang theo kim, chỉ, nút áo... cô đã vá, đơm lại nhiều nút áo cho học trò trong đó có Côi.
- Ừ, ngon lắm! Thạch nói lần nữa vì ngẫm lại anh thấy cá kho hôm nay quả là ngon
hơn mọi khi thật.
Ăn xong, anh định ra đầu hồi múc nước mưa trong lu uống như mọi khi thì thằng Côi thỏ thẻ.
- Nước con nấu để nguội trong ấm đó cha. Cô Oanh nói đừng uống nước sống mà sôi
bụng.
- Ừ... con giỏi lắm!
Thạch xoa đầu con. Oanh cũng giỏi thật! Thạch tự nhủ. Con gái thành phố mà giỏi chịu đựng vất vả. Oanh đã dạy được ba tháng rồi. Ba tháng không có lương. Xã xin mấy lần huyện còn “để đó”. Kỳ cục quá, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Oanh không phải “người của huyện”, không phải “người của xã”. Lương bổng tính kiểu nào người ta chưa nghĩ ra!.
Chuyện phân công tác của Oanh ở thành phố chẳng biết ra sao. Cô vẫn tươi tắn, thong dong sống giữa vùng quê heo hút. Mỗi tháng cô về thăm nhà một lần. Lần nào Thạch cũng sợ cô đi luôn. Công bằng mà nói: có gì ràng buộc cô đâu! Oanh không biết có người nhìn theo cô lúc cô xuống đò ra huyện để về thành phố, trí óc lửng lơ cho đến lúc thấy cô bước từ đò lên bến sông, mặt tươi roi rói.
- Làm xã trưởng ở quê là chức lớn lắm đó nha, anh đẹp trai, chị mất đã sáu năm rồi,
thiếu gì đám sao chưa chịu lấy vợ?
Một lần Thạch đến thăm má Chín, Oanh đã không e dè hỏi thẳng anh như thế. Trả lời sao? Tại mình nghèo hay tại mình không nghĩ đến? Thạch im lặng, anh nhìn Oanh và thấy cô thật xa cách với mình. Tự nhiên anh buồn lạ lùng, lần đầu tiên kể từ ngày vợ mất Thạch thấy mình lẻ loi, côi cút. Nếu trước đây công việc lôi kéo anh suốt ngày là vì anh thích làm việc, thích bận rộn đầu làng cuối xóm nhưng sống khác hơn, rảnh rang hơn là buồn chết người đi được thì bây giờ anh lao vào công việc còn là để không còn phút giây độc thoại với mình.
Ngày kết thúc năm học đã đến. Thạch đón hai tin mới trong một buổi sáng: phòng Giáo dục huyện sẽ xuống ấp Bần Ổi để dự lễ tổng kết năm học và công bố quyết định giải quyết lương cho Oanh. Nghĩa là Oanh được truy lãnh lương suốt 7 tháng trừ hai tháng trường đóng cửa vì thiếu giáo viên. Tiền thì giải quyết, còn Oanh vẫn nằm ngoài biên chế, định xuất vì “không phải là người của huyện, của xã”; chuyện thứ hai: anh xã đội trưởng, con của chủ máy xay xát lúa giàu nhất xã thương thầm Oanh đã lâu, nhờ Thạch “đánh tiếng” giùm: “Cô ấy là em thằng Sơn, cũng là em mày, ráng nói giùm tao một tiếng. Tao là con một, ông bà già đã hứa giao nhà máy lại cho tao khi lập gia đình. Làm bà chủ nhà máy hổng sướng hơn làm cô giáo hoặc về thành phố làm công nhân viên lương rẻ rề sao?”. Chà, chuyện này...
Thằng Côi đi chơi xóm, trời mưa lâm râm, Thạch leo lên mái nhà sửa vài tấm lá kẽo nữa mưa gió mùa hè rủ nhau tới thì tốc mái như chơi. “Anh Thạch ơi!”. Oanh lò dò bước qua cầu khỉ. Chiếc áo bà ba tím tỏa màu dìu dịu như bông lục bình. Ở quê đã lâu nhưng Oanh không tiến bộ mấy trong việc qua cầu khỉ. Bước chân cô run muốn xiêu. “Chờ đó đi!” Thạch sốt ruột nhảy phóc xuống chạy ra giữa cầu dắt tay Oanh. Tiếng cười của cô trong veo.
- Anh sửa nhà hả?
- Ừa, tranh thủ ngày chủ nhật giặm lại mái lá chút xíu. Vô nhà uống nước cô Oanh. Thằng Côi biến đi đâu từ sáng rồi.
- Vậy hả.
Oanh ngồi trên chõng tre. Tự nhiên màu đỏ lan dần trên má cô. Trông cô xinh đến nỗi Thạch phải nhìn đi hướng khác.
- Em mượn máy may của cô Tư để cắt may cho thằng Côi cái áo, tính đến cho nó thử coi vừa hông.
- Cám ơn cô Oanh...
Hay là nói quách chuyện thằng Bằng đó nhờ?
- Oanh nè...
- Dạ... chi vậy anh?
Giọng Oanh nhỏ nhẻ dễ thương và đôi mắt lóng lánh của cô đốt cháy anh. Thạch hít một hơi đầy lồng ngực để lấy can đảm.
- Có chuyện này định nói với Oanh mà... ngại quá... Nếu cô không chịu, Oanh cũng đừng giận tôi...
Đôi má Oanh càng đỏ hồng, cô cúi đầu mân mê tà áo bà ba, lí nhí trả lời:
- Thì... anh cứ nói đi... Oanh nghe.
Thạch nói một hơi:
- Thằng Bằng, xã đội trưởng nó muốn được hỏi cưới cô làm vợ. Nó nói thương cô lâu lắm rồi mà không dám ngỏ. Nó nói nếu được cô đồng ý thì cả đời yêu thương, chung thủy với cô, quyết không để cô nhỏ một giọt nước mắt.
Thạch nói liền mạch như đã nhẩm thuộc, như sợ không còn dịp nào để nói nữa. Oanh ngồi im, đầu cúi gầm. Căn nhà lạnh ngắt, Thạch cầm điếu thuốc mà run lên không sao châm lửa được. Thời gian trôi qua nặng nề và Oanh từ từ ngẩng đầu lên, cô mỉm cười, gương mặt tái nhợt.
- Anh nói thì em chỉ biết nghe chứ chưa biết trả lời sao. Thôi em về.
Oanh đi rất nhanh, cô qua cầu khỉ thoăn thoắt. Màu áo tím khuất dần sau rặng cây bần ổi. Thạch ngẩn ngơ nhìn theo và một nỗi đau chia ly chợt ập đến làm anh choáng váng muốn nghẹn thở. Anh nghĩ sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy cô, vĩnh viễn... Thạch hoảng hốt băng mình chạy theo. “Oanh ơi, Oanh à... nghe tôi nói...”. Bóng áo tím thấp thoáng nơi mé sông, Oanh gỡ dây cột chiếc xuồng quen thuộc của má Chín và chèo ra giữa dòng. “Oanh ơi!” Thạch nhảy xuống nước bơi theo. Mưa bỗng mạnh hơn, mặt sông cau có, đen sẫm. “Oanh ơi!”. Thạch nắm được be xuồng “nghe anh nói nè, Oanh!” Oanh quay lại dang tay tát cho Thạch một cái nháng lửa rồi òa khóc tức tửi. Thạch leo lên xuồng, dằng cây chèo khỏi tay cô rồi ôm chặt lấy cô thảng thốt: “Đừng đi, em đừng đi!...” Oanh vẫn khóc, hai nắm tay đấm vào ngực Thạch... nhè nhẹ.
Chiếc xuồng xoay tròn...xoay tròn...