Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.206.962
 
Trầm Hương Vạn Giã (1)
Nguyễn Man Nhiên

cùng viết  với VÕ KHOA CHÂU

 

Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ. Cây dó có 2 loại: dó bầu (tên khoa học là Aquilaria agallocha) và dó gạch hay còn gọi là dó niệt (Aquilaria malaccensis). Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có dó bầu mới cho ta trầm tốt và kỳ nam. Về nguyên nhân tạo trầm kỳ của cây dó, có nhiều giả thuyết khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong sách Phủ biên tạp lục: “Hương ấy là do ở ruột cây dó kết thành. Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”.

Trước đây cây dó bầu mọc nhiều ở các vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hoà cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Trầm Khánh Hòa tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng núi Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh) mà danh tiếng đã đi vào ca dao: “Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm”. 

1. NGƯỜI XƯA ĐI ĐỊU:

Theo các cụ cao niên ở Vạn Giã, mà ngày nay có con cháu nối đời theo nghề đi địu (nghề khai thác trầm kỳ), cho biết nơi phát tích nghề đi địu là từ thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa, rồi sau mới lan dần ra huyện Vạn Ninh. Còn trước nữa, nghĩa là người huyện Tân Định (Ninh Hòa) học nghề này từ đâu, thì việc ấy không ai biết một cách tường tận.

Khi được hỏi về ông tổ của nghề, các cụ lớn tuổi cho biết, nghề này không có ông tổ, cũng tương tự như các nghề đi củi, đốt than, chặt cây, đẵn gỗ, làm súc, chặt củi kèo, củi thước, gài bẫy, đi săn...

Có thể kể ra đây những lớp người tiên phong từ thời xa xưa, đó là ông Thừa Lương (con ông xã Cửu, ở Vạn Giã), kế tiếp là Bảy Lùn, Bảy Ba, ông Bớt (Nguyễn Hường), rồi đến ông Phạm Hỉnh (tên thường gọi là ông Điền) ở xã Vạn Bình, ông Giỏi, và lớp gần nhất là ông Sáu Mùi (Nguyễn Mùi). Tất cả những người ấy đều đi tìm trầm kỳ từ thời trước 1975. Đến những năm 80 (thế kỷ XX) ở huyện Vạn Ninh, các xã Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Hưng... và nhất là tại thị trấn Vạn Giã, số người đi núi tìm trầm hương nhiều lắm. Họ ra đến La Hai, Phước Lãnh (Phú Yên), An Khê (Bình Định), rồi Ba Tơ (Quảng Ngãi), đến tận Quế Sơn, Trung Phước, Trà My, Tác Bỏ (Quảng Nam), lặn lội vào tận rừng sâu, lên tít núi cao, hợp tác với người dân tộc tại địa phương để tìm trầm hương. Ở Vạn Ninh, mãi đến tận ngày hôm nay, vẫn còn nhiều người đi tìm trầm kỳ, lục lạo, đào xới các gốc cây dó mà ngày trước họ đã tìm gặp, với hy vọng còn sót lại chút gì. Đây là một nghề hết sức cam go, nguy hiểm, có khi còn mất cả tính mạng: sốt rét vì muỗi rừng, gặp ác thú, lạc đường, bị nước lũ cuốn trôi... Vì thế mới có chuyện “ngậm ngãi tìm trầm”, rồi hóa thành người rừng như lời kể lại của các cụ ngày xưa. Đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”!

2. PHÂN LOẠI TRẦM KỲ:

Cách phân loại trầm kỳ từng được người xưa xem xét tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai...Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm với kỳ nam thì lấy hình, chất, khí vị mà phân biệt. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng;, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay ngọt, chua, đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí, kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng. Kiêng nhất là bọc giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc vào cho kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Cũng không nên phơi luôn”.

Gần đây, khi trầm hương có giá trị xuất khẩu cao trên thị trường thế giới, đã có nhiều công trình khoa học đề cập đến hương liệu quý này. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng trầm hương là một sản phẩm do bệnh lý cộng sinh với tế bào gỗ tạo thành. Dân đi địu chuyên nghiệp cũng cho rằng muốn xác định cây dó bầu có trầm hay kỳ thì trước hết nhìn mặt bì (vỏ) cây dó đó. Mặt bì có dạng kết cấu như thế nào đó thì bên trong mới có trầm kỳ. Người ta nghiệm rằng trên cây dó nơi nào có những chỗ lõm vào hoặc lồi ra mà da cây khô nứt, nổi lên những chấm màu tím, đỏ nâu là dấu hiệu có kỳ nam. Như vậy, mặt bì có thể là một lớp nấm cộng sinh ở vỏ cây báo hiệu bên trong thân cây đã có trầm kỳ.

Theo các nhà khoa học, sự hình thành trầm hương có liên quan chặt chẽ tới cấu trúc di truyền của loài, tuổi cây và một loạt các tiêu chí sinh thái khác như cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, thành phần đất đai... Về nguyên lý, để cây dó tạo thành trầm phải có hai yếu tố:

- Chấn thương cơ giới mạnh, như bị mảnh bom đạn khi nổ găm vào thân cây, hoặc do con người dùng rìu, rựa chặt sâu vào thân cây, những lỗ hổng lớn do sâu bệnh đục khoét, hoặc những vị trí gãy cành, gãy ngọn do gió bão gây ra, hoặc những vị trí tỉa cành tự nhiên của cây.

- Tại những nơi chấn thương ấy, sau một thời gian dài từ 10 - 15 năm, dưới tác đông mỗi ngày một ít của những chỉ tiêu sinh thái vừa kể trên, những bào tử sẵn có nằm trong không gian môi trường tác động vào vết thương gây ra những phản  ứng hóa học bên trong cây dó và từ đó tạo thành trầm hương, tùy theo mức độ tác động mà cho ta trầm tốt hay xấu.

Trong thực tế, không phải vết thương nào trên cây dó cũng tạo trầm, nhưng cách lý giải này xem ra có độ xác thực hơn cả, chẳng thế mà xưa nay những những người đi địu khi gặp những cây dó bầu chưa ăn trầm, đã biết tác động vào nó (tiếng nghề là mở miệng) bằng cách chém vài nhát rìu (chành) sâu vào rễ, thân hoặc nhánh cây - là những nơi có nhiều khả năng tạo trầm - để tạo ra vết thương, với hy vọng sau đó một thời gian cây sẽ được tạo trầm.

Khi mở miệng cây dó, dân địu không bao giờ mở quá một nửa của các bộ phận nói trên. Vì mở quá sâu, thân cây sẽ dễ bị ngã đổ, rễ không còn nhựa sống. Hơn nữa, mở miệng phải dưỡng cây. Thông thường tỷ lệ không bao giờ vượt quá 4/6, tốt nhất là già hơn 3/7.

Do người đi địu mở miệng trên cây dó tạo vết sẹo để có trầm, nên tùy theo vị trí trên thân, rễ cây dó mà từ đó trầm hương có tên gọi khác nhau:

- Trầm rễ: do con người tạo vết miệng ở phần rễ. Loại này rất tốt, có giá trị cao.

- Trầm mặt nhang: mở miệng giữa thân.

- Trầm mặt thốn: là trầm ở gần mặt dưới của phần gốc.

- Trầm mắt tử: kết tạo trên nhánh cây.

Người ta thường đánh giá, phân biệt và xếp hạng trầm kỳ theo màu sắc, hương thơm, độ cứng, mềm. Giá cả cũng từ đó mà có khác nhau. Đây là kinh nghiệm truyền đời trong dân gian, cũng như theo cách tuyển chọn tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trầm hương ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt lấy hương trong các dịp cúng tế, lễ lạc, giá trị thua kỳ nam nhưng thông dụng hơn. Hình dáng, màu sắc của một miếng trầm rất đa dạng, có khi là một miếng gỗ hình trụ hoặc hình chóp nón, có miếng màu nâu nhạt, miếng màu đen sẫm, miếng màu vàng bợt… Dân gian thường chia trầm hương làm nhiều loại:

+ Trầm rễ: do rễ cây sinh ra, loại này rất tốt, có giá trị cao.

+ Trầm kiến: có lỗ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm (dân đi địu có câu: “nhất kỳ, nhì kiến”).

Loại này lại được chia thành:

- Kiến xanh: từ thân cây dó sinh ra, màu xanh đậm, cứng.

- Kiến điệp: mềm hơn, có rất nhiều dạng.

- Kiến kim: chạy đường vân nhỏ, dẹp, giống đường kim may.

- Kiến vách lầu: ăn theo đường vân có hình nhà tầng, trông thoạt như vách nhà lầu xây.

- Kiến gai: hay còn gọi là kiến cây trường lão, còn có tên là kiến ông. Kiến ăn giữa ruột cây Dó, chạy sợi vân có hình cây gậy “nam cực tiên ông”.

- Kiến lỗ: ăn đục thành từng lỗ trong ruột cây dó.

- Kiến trắng: gọi theo màu sắc. Loại này có giá tiền cao hơn, vì tạo nên trầm tốt.

- Kiến đen đụp: chỉ có trầm ở hai đầu, giữa thân toàn là cơm, trong giới đi địu, gọi là kiến tà ha.

+ Trầm tốc: ở nơi thân cây sinh ra, miếng trầm đặc, không có lỗ. Trầm tốc có nhiều nhất và được ưa chuộng trên thị trường, chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau:

- Tốc bông: màu vàng lợt, có đường vân tạo giống như hình bông hoa.

- Tốc đá: có màu đen, sẫm, cứng, dáng hình kiến ăn dày như tán đường đinh. Lúc xoi trong cây dó, tốc đá có màu đen. Tuy nhiên, để một lát sau, do ảnh hưởng không khí tác động, tốc đá có màu bợt.

- Tốc lọ nghẹ: màu đen đen như bồ hóng và nặng.

- Tốc xám: màu xam xám như tro.

- Tốc nước: mềm, áo đen, màu vàng lợt, ngoài mỏng. Sau khi dạt ra, tốc nước có mùi thơm dịu dàng.

- Tốc ớt: có mùi hăng hăng, màu vàng bợt.

- Tốc hương: sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào.

- Tốc thẻ: kiến ăn chạy theo đường vân giống như tấm thẻ.

- Tốc lưới: đường vân chằng chịt như mắt lưới đánh cá.

- Tốc phao: có hình tròn, giống phao lưới, màu vàng bợt. Tốc này có mùi thơm nhẹ nhàng và dịu.

- Tốc cá ngừ: Trông dáng hình ba khoanh tròn đồng tâm, màu sám giống thịt màu cá ngừ.

- Tốc da: do kiến ăn ngoài da cây dó, nổi từng đường vân trông thấy ngay ở ngoài da, vì thế rất dễ nhận biết.

Kỳ nam được phân biệt với trầm hương ở mùi thơm và lượng dầu kết tinh. Dầu ở kỳ nam kết tinh giống như sáp ong, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Dựa vào màu sắc, người ta chia kỳ nam thành 4 loại theo thứ tự giá trị: “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Kỳ bạch có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; kỳ thanh có màu xanh bóng, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; kỳ huỳnh vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; kỳ hắc có màu đen bóng, ít mùi thơm. Theo kinh nghiệm dân gian, kỳ nam là vị thuốc quý dùng trị các chứng đau bụng kèm ói mửa, tiêu chảy rất hay (mài với nước hoặc ngâm rượu mà uống) hoặc dùng trong trường hợp người bị trúng gió, bất tỉnh, cấm khẩu (mài với nước cạy miệng đổ vào hoặc đốt xông vào lỗ mũi) hiệu nghiệm như thần. Phụ nữ có thai kỵ kỳ nam, không nên uống hoặc mang theo trong người vì có thể bị sẩy thai.

Kỳ nam là do thiên tạo, khác với trầm hương là do con người mở miệng cây dó. Chính vì thế mà kỳ nam vô cùng quý hiếm. Rất ít gia đình có được sản vật này, nếu có thì họ cất giữ đề phòng những khi bất trắc ngộ độc, trúng gió, hoặc để cứu người. Lại có ý kiến cho rằng kỳ nam còn có tác dụng xua đuổi những điều xấu, đem lại điều lành trong việc làm ăn.

3. ĐỒ NGHỀ KHAI THÁC TRẦM KỲ:

Có thể nói rằng các đồ dùng cho nghề đi địu trầm kỳ rất gọn nhẹ và đơn giản. Tất cả được đựng trong cái bài, tương tự như chiếc gùi của người dân tộc, mang qua vai. Ngoài những vật dụng tối cần thiết như gạo, thực phẩm, thuốc lá, thuốc phòng bệnh, các dụng cụ làm nghề gồm có:

- Dũm: để xoi trầm.

- Rìu, rựa xuồng, cúp: dùng chặt cây, moi đào đất.

- Đá mài.

Dũm cũng có nhiều loại: dũm trung, dũm đại và dũm tiểu. Trong loại dũm đại cũng có nhiều cỡ lớn, nhỏ. Công dụng của dũm đại là dùng để phá xác, “dớt” phần ngoài của vỏ cây dó, phá dần vào bên trong. Càng vào sâu, mạch trầm ăn càng rộng, đến lượt dùng dũm trung dũm tiểu. Dũm tiểu cũng gồm nhiều cỡ lớn, nhỏ, dùng để xoi, xỉa mạch trầm, đường vân có thể rất nhỏ. Sau cùng là cây móc bé hơn, để móc những vệt trắng nhỏ còn dính sát với trầm.

Có nhiều mạch trầm ăn rất nhỏ, kết thành viên tròn, bầu dục, trong giới đi địu gọi là trầm hột mít hoặc những trầm có hình dáng hang lỗ gọi là trầm ổ qua, nên lúc xoi xỉa rất cần đến những loại dũm nhỏ. Ngày nay, dân đi địu còn chế thêm dụng cụ móc trầm.

4. CÁC LỄ CÚNG:

Dân đi địu luôn tin rằng trầm kỳ là của Bà Thiên Y A Na, Bà cho ai gặp, ai được là ơn của Bà. Cho nên trước khi đi phải cúng Bà, đến nơi tìm trầm cũng phải bày lễ xin Bà cho được trầm, và ngay khi tìm thấy cây dó có trầm cũng phải bày lễ cúng tạ ơn trước khi đốn cây tìm trầm. Sự gắn kết giữa trầm kỳ với nữ thần Thiên Y A Na còn được thể hiện trong truyền thuyết về Bà lưu truyền tại Khánh Hòa (đã được Phan Thanh Giản ghi chép và cho khắc lên văn bia dựng tại Tháp Bà Nha Trang năm 1876, dưới triều vua Tự Đức), khi Bà nhập vào cây trầm, rồi từ cây trầm Bà hiện thân ra.

Dân đi địu kể lại, có một vị sư ở thôn Vĩnh Huề, xã Vạn Phú đi bứt mây rừng tại vùng núi Hòn Am, nơi gần nguồn sông Gốc chảy về xã Vạn Bình, thấy một cây dó tỏa hương trầm ngào ngạt. Ông bèn cột dây làm dấu, về nhà, rủ người lên khai thác. Nhưng khi lên đến nơi, cây làm dấu không phải là cây dó và không có hương gì cả. Có người cho rằng Bà Thiên Y không ban ơn cho vị sư nọ. Tương tự, ông Trợ ở xã Vạn Phú cũng phát hiện cây dó, vỏ cây nổi u bướu, thoảng mùi thơm. Ông cũng làm dấu, móc cả bi đông nước vào cây, nhưng hôm sau, đoàn người lên khai thác thì cây dó cũng không phải là cây dó.

Việc cúng bái trong nghề đi địu là hết sức quan trọng, thiêng liêng, vô cùng chu đáo. Mặc dầu không có nhiều lễ lạt như cúng đầm đăng, nhưng cách bày biện thì gồm rất nhiều bàn cúng.

1. Cúng tại núi:

Thường thường, phải đốt một đống lửa lớn trước nơi dựng trại, vừa để soi sáng nơi ở trong thời gian làm trầm vừa ngăn giữ thú rừng. Lễ vật dâng tại núi, gồm: chè xôi, nhang đèn, gạo muối.

Đặt tất cả 15 bàn. Chọn những viên đá núi, đá suối có bề mặt bằng phẳng ở gần đấy kê bàn cúng cho thẳng thớm, không được gập ghềnh. Cụ thể về cách sắp xếp như sau:

- Bàn Bà (Thiên Y A Na Thánh Mẫu)

- Bên tả: Bàn Cậu Hai, có 3 điếu thuốc, kèm với hai bàn bộ hạ, đặt nhang, vàng, rượu.

- Bên hữu: Bàn Chúa thượng đường rừng, Bàn Sơn lâm chúa tướng kèm với hai bàn bộ hạ.

- Bàn giữa: Tam cõi hội đồng, cũng có đặt bàn hai bên, gồm tả hữu ban liệt vị. Tiếp theo một bàn nữa, có thể cao bằng bàn cúng Bà, đặt nhang, vàng, giấy tiền. Cùng với hai bàn hai bên, đặt cháo nhão, chè xôi.

- Bàn cuối: Vái các bác, liệt vị, âm hồn, cô hồn.

- Bàn Sơn thần, thổ địa là bàn riêng... và được vái trước. Tương tự như lễ khai sơn, khai lạch bên nghề đầm đăng.

Dưới đây là sơ đồ bàn cúng được sắp xếp theo trình tự từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp ( Xem ảnh)

- Bài văn cúng tại núi:

 (Vị chánh tế - ông trưởng bầu - khấn):

Hôm nay, ngày... tháng... năm... (âm lịch)

Thành tâm phụng thỉnh ơn trên lịnh Bà Thiên Y Thánh Mẫu, chứng minh hộ trì cho con: làm đâu đặng đó, may mắn được nhiều. Lớn nói nhỏ nghe, nhỏ nói lớn nghe. Điều lành đem tới, điều dữ lánh xa. Nam Mô... (Lạy ba lạy, vái ba vái).

(Vái bên hữu):

Ngày... tháng... năm...

Phụng thỉnh lệnh ngài chúa thượng đường rừng. Sơn lâm chúa tướng, tôn vị linh thần chứng minh.

(Vái trước bàn liệt vị):

Thành tâm phụng thỉnh: Tả ban liệt vị chư thần, hữu ban liệt vị chư thần. Các bác âm hồn, cô hồn ở năm phương hướng. Trên dương dưới thế, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh. Các vị xiêu mồ, lạc mả. Kẻ chết sông, chết suối. Người chết bụi, chết bờ, mồ ly mả loạn, anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ trận vong, chứng minh: điều lành đem tới, điều dữ tránh xa. (Ba bái, ba lạy).

(Lời khấn trước bàn sơn thần, thổ địa):

Hôm nay, ngày... tháng... năm...

Lịnh ngài sơn thần, thổ địa, thần hoàng bổn xứ, tục danh Chão Lót, Vạn Ninh, Khánh Hòa, chứng minh cho con, nhờ ngài triệu thỉnh trong tam cõi hội đồng, thượng giới, trung giới, hạ giới và lịnh Bà Thiên Y Thánh Mẫu, chứng minh cho con được hưởng lộc mùi thơm của Bà.

2. Cúng hạ ban:

Lễ cúng sau khi đã về nhà, mục đích cúng tạ ơn và xin trong nội gia viên trạch nhiều may mắn, phúc lộc, thuận hòa... Tùy theo lời hứa trước khi đi, nếu được lộc lớn hoặc nhỏ, vật cúng có thể đơn giản hoặc trang trọng.

Thông thường lễ vật gồm có:

- Một con heo đực, toàn sắc đen.

- Hai con gà cồ đã biết gáy.

- Hoa đăng, chè xôi, nhang vàng, tiền giấy.

Cách bày biện bàn cúng như sau:

- Bàn giữa cúng Bà.

- Hai bàn tả ban hữu ban đặt hai bên.

- Dưới bàn Bà là bàn Cậu Hai. Bàn này, lễ vật gồm một cái xương (phần dưới nọng con heo đực), một tợ ba sườn, đồ xào nấu, cúng theo hai con gà cồ.

- Dưới bàn Cậu Hai, trải chiếu đặt lễ vật cúng Các Bác.

- Bàn Ông Chúa đặt riêng bên ngoài.

5. KIÊNG CỮ VÀ NÓI TRẠI TRONG NGHỀ  ĐI ĐỊU:

Hầu hết trong các nghề truyền thống, nhất là đối với những nghề nghiệp thường gây rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng, công việc càng khó khăn, càng nguy hiểm, thì sự kiêng cử lại càng nhiều. Trong nghề đi địu tìm trầm, ông cha ta thuở xưa đặt ra nhiều điều kiêng cữ, nhất là trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngoài việc giữ gìn không xúc phạm đến chư vị Thần linh và người khuất mặt, dân đi địu có tục nói trại tức là không nói trực tiếp mà nói lệch sang một từ khác tương đương ngữ nghĩa, hoặc có thể dùng một biệt ngữ để ám chỉ về công việc trong lúc đang thao tác, hoặc tránh né các danh từ chung, tên riêng vì sợ “phạm húy”, chẳng hạn gạo nói là mễ, muối: diêm, đồng hồ: đồng ảnh, cái võng: cái đưa, té: nhễu, con rắn hoặc trăn: râu dài…

Tuy nhiên nếu chẳng may, hoặc bất ngờ vô ý, theo phản xạ, mà đã lỡ lời trong câu chuyện hay trong việc sinh hoạt hàng ngày thì cũng không có gì đáng ngại. Nếu rủi ro như vậy, khi được hỏi có cách nào chế giảm hay không, thì các cụ nói rằng nếu vô ý lỡ lời thì không bị thần linh quở trách. Ai có trách chi đối với những người không biết. Tuy nhiên, vẫn có lệ phạt một cách tượng trưng người chủ bầu trong đoàn đi địu, bằng cách người chủ bầu tự nằm xuống để cho người nói lỡ lời ấy đánh ba roi! Một ý nghĩa tự phạt, tự nhận lỗi lầm vì đã không biết nhắc nhở người trong đoàn giữ dè lời ăn tiếng nói. Đây cũng là ý niệm xưa trong việc thầy dạy học trò không nên, trước hết người thầy tự nhận sai trái về mình...

Những từ nói trại mang tính thiêng liêng, mà ông cha ta đã quy ước “bất thành văn”, được nối đời sử dụng, tạo thành kho từ vựng độc đáo của nghề đi địu.

- Ăn: chuyển thành xóc (xóc xóc rồi lại nằm ình =  ăn rồi lại nằm nghỉ). Từ này, còn được nói là “xực phàn”, tiếng Quảng Đông, có nghĩa là ăn.

- Bao tử: nói là bao tải, hàm ý tránh chữ tử, sợ điều chết chóc.

- Bệnh (đau, ốm): nói là se. Đau bao tử chuyển thành se bao tải.

- Bị: có hai cách dùng. Khi với nghĩa là “mắc phải, gặp phải”, thì nói là bợi. Nếu dùng để ám chỉ ông cọp, phải gọi là ông Ba, ông Tư, hoặc ông Thầy, tỏ ý kính nể, sợ sệt vì cọp thường bắt người ăn thịt.

- Cái võng: gọi là cái đưa, gọi lệch như thế là vì sợ phải nằm võng khiêng về. Hơn nữa trên núi cao có nhiều sợi dây rừng cổ thụ rất to, người đi núi không dám quở, họ ngầm bảo là “võng của Bà”.

- Cá: gọi là rau.

- Chạy: nói lệch là sãi.

- Cháo = Nhão.

- Chết = trẫu (trỗi).

- Chó: gọi là cẩu, ý sợ chó sói, chó rừng.

- Cầu: nói thành kiều.

- Cọp: có nhiều tên thay thế: ông Ba, ông Bốn, ông Thầy.

- Dời (dời trại): chuyển trại đến nơi khác gọi là lấn trại.

- Đá (hòn đá): = hòn đớ. Hòn đá dùng làm bàn cúng.

- Đi tìm cây dó: gọi là đi dạo.

- Đi ăn của Ông Bà: đi địu

- Đói: nói là xót.

- Đồng hồ = đồng ảnh.

- Đường = đàng.

- Gà =  kê.

- Gạo = mễ.

- Gối = đầu kê.

- Heo rừng: gọi là con dũi.

- Hổ (cọp) = hảo.

- Khỉ = khởi, hoặc hón. Loài khỉ thường hay phá phách, đập chén bát, lục lạo nồi niêu, phải kiêng nể.

- Kiến: gọi là rát.

- Kỳ nam: gọi là hàng.

- Lạc đường: trong rừng sâu, trên núi cao, rất dễ bị đi lạc, phải dùng hai chữ lục xính (tiếng Quảng Đông).

- Lạt (trong mặn, lạt): nói là nhẹ.

- Lương: do trùng tên của Cậu Hai (Nguyễn Lương), nên chuyển thành lang (sông Hiền Lương = sông Hiền Lang).

- Ly (ly uống nước): nói là lơi, do sợ điều ly tán, chia lìa.

- Máu (bị chảy máu): gọi là mắm.

- Mặn (mặn, lạt): nói là nặng

- Mót trầm (đi mót): đi tìm lại gốc trầm cũ gọi là giũ rơm.

- Muối = diêm.

- Mưa = rơi.

- Ngủ lỡ đường giữa rừng: lạc đường về trại không kịp, phải ngủ trên cây để tránh thú dữ, gọi là ngủ khởi (khỉ).

- Nồi: gọi là niêu.

- Ong = con uông.

- Rắn, trăn = gọi là con dài, râu dài, hoặc ngựa Bà.

- Rít = râu ngắn, hoặc con tôm.

- Sạp ngủ: = cái đoan ( lót đoan, nằm đoan).

- Té (trợt té) = nhễu.

- Trăng (mặt trăng): gọi là nàng nàng (Đêm nay, nàng nàng sáng quá). Những từ con trăn, mặt trăng đồng âm với trăn trối, phải tránh né.

- Trầm; gọi là kiến.

- Tử: làm liên tưởng đến chết chóc, cho nên nói là trỗi hoặc trẫu.

- Về = trở (về nhà = trở chợ)

- Voi = ông Lớn

- Võng: gọi là cái đưa.

- Xa = khơi       

- Y: mỗi khi hàm ý so sánh, phải gọi là giống, vì kiêng tên Bà Thiên Y A Na.

Những người đi địu lâu năm còn nói rằng nghe tiếng chim kêu trên rừng có thể biết điềm lành dữ: 

- Nếu nghe tiếng con chim Chuông kêu “uông, uông” thì đó là tiếng báo hiệu canh giữ cửa rừng của chim Chuông, cho biết có của quý. Chim này thường kêu vào ban đêm.

- Nếu nghe tiếng con chim Nhang kêu “ tu oa, tu oa” vào giấc xẩm tối hoặc trước lúc rạng sáng là báo hiệu vùng quanh nơi ấy có mùi thơm của Bà ban tặng.

- Nếu nghe tiếng chim Lệnh dội vào vách núi âm vọng “thùng, thùng”, thường phát ra  từ 9 đến 11 giờ đêm thì đấy là tiếng “đánh trống”của chim canh giữ của rừng thiêng.

- Nếu nghe tiếng kêu từ trên thinh không vang ra “cà rắc, cà rắc” thì đó là tin báo có ông Ba, ông Bốn (cọp) đang đi tìm mồi.

Tất cả những loài chim (Chuông, Lệnh, Nhang) nói trên đều kêu vào ban đêm hoặc rạng sáng, rất ít người nhìn thấy....

Xem tiếp phần 2.

 

Nguyễn Man Nhiên
Số lần đọc: 3419
Ngày đăng: 27.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân cách văn hoá trong ứng xử với đối tượng nghệ thuật - văn hóa nhân gian: con người - sự nghiệp... - Hải Liên
Festival Huế với 1000 năm Thăng Long - Võ Quê
Lần giở trang truyền thuyết cũ: - Khải Nguyên
Tục Thờ Ông Nam Hải và Lễ Hội Cầu Ngư - Nguyễn Man Nhiên
Tôn Giáo Nội Sinh Đồng Hành Cùng Nông Dân Nam Bộ - Nguyễn Do Đẳng
Cao dao Khánh Hòa - Lê Khánh Mai
Quan Niệm Bình Dân Việt Nam về Hôn Nhân Gia Đình - Trần Văn Cảnh
Ca dao dưới góc nhìn giọng điệu - Trần Minh Thương
Múa Tứ linh ở xứ Quảng - Văn Thành Lê
Thể Loại Văn Bia và Các Bài Bia Tạc Công Đức Thoại Ngọc Hầu - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Rồng Việt (dân gian)