Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.336
 
Lệnh Phải Thi Đỗ
Đỗ Ngọc Thạch

Ông Lý Trần Vương Gia chưa tới 50 tuổi nhưng đã là một đại gia thuộc Top 10 của Tỉnh H. Nhìn tên ông cũng có thể đoán ra ông là hậu duệ của hai dòng họ đã làm sáng chói những trang sử của người dân nước Việt: đó là hai họ Lý và họ Trần. Nói về hai vương triều Lý - Trần oanh liệt này, các sử gia đã có rất nhiều sách, nhiều đến nỗi nếu có ai tò mò hỏi ông Lý Trần Vương Gia rằng ông thuộc chi nào, nhánh nào của hai dòng họ này thì ông nói, hãy cứ đọc hết những sử sách viết về hai vương triều Lý, Trần thì sẽ thấy ngay, song không ai đủ kiên nhẫn đọc hết cả! Vì thế, chưa có ai biết rõ ràng ông Vương Gia thuộc chi nào, nhánh nào của hai dòng họ Lý, Trần.

 

Thông thường, đã là người có gốc tích cao sang thì thích khoe ra cho mọi người biết, nhưng không hiểu vì sao ông Lý Trần Vương Gia không thích khoe. Không ai biết lý do tại sao mà chỉ đoán mò: chắc chắn trong dòng họ nhà ông ta có quá nhiều người mất gốc, thậm chí còn gây nhiều tội ác! Sự đoán mò này có lẽ đúng vì nếu chỉ nhìn sơ qua nơi sinh, quê quán của hai vợ chồng ông cũng thấy đó là những vùng đất địa linh nhân kiệt, bên văn thì đỗ Tiến sĩ, Trạng Nguyên, bên võ thì đỗ Tạo sĩ, Võ Trạng Nguyên không ít, nhưng hai đời rồi, ông và cha ông không đỗ đạt gì mà chỉ tiến thân bằng con đường mượn tiếng con nhà danh gia vọng tộc và sống lâu lên lão làng. Đây cũng là một con đường tiến thân có khá đông người đua chen, vì thế mới có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”!

 

Vợ chồng ông Lý Trần Vương Gia có ba người con, hai cô con gái đầu đều không thích học đại học (thực ra đều thi trượt, tới hai lần), nhưng có tướng làm quan nên cô chị thì làm phó Bí thư Đoàn TNCS HCM của Phường, cô em thì làm phó chủ tịch Hội Phụ nữ Phường, đương nhiên, với loại chức danh này, hai chị em đều đã được kết nạp Đảng. Với cách vào đời kiểu này, sau khi cô chị cưới chồng là Bí thư Quận Đoàn, cô em cưới chồng là Bí thư kiêm chủ tịch Phường thì hai chị em còn thăng quan tiến chức dài dài và biết đâu sau này cũng thành những đại gia như người cha. Người con trai thứ ba của ông Vương Gia gọi là Tam Thái Tử. Người ta cứ tưởng đó là “biệt danh” gọi theo phim ảnh cho vui, nhưng nhìn vào giấy khai sinh của cậu bé thì đó cũng chính là tên khai sinh: Lý Trần Tam Thái Tử! Năm nay, Thái Tử học lớp 12 Phổ thông Trung học.

 

*

Trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ba tháng, cũng là ngày sinh thứ 18 của Tam Thái Tử, ông Lý Trần Vương Gia làm lễ mừng sinh nhật Tam Thái Tử rất lớn và tuyên bố: “Năm nay Tam Thái Tử nhất định phải đỗ đại học. Đây là lệnh, nếu làm trái lệnh sẽ bị xử trảm!”. Tất cả không ai nói gì, im thin thít! Thấy vậy, ông Lý Trần Vương Gia nói tiếp: “Tất cả im lặng tức là chấp nhận lệnh của ta! Khá lắm! Để làm tốt lệnh này, ta đã mời về đây ba thầy giáo luyện thi rất có uy tín của ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Ba thầy giáo luyện thi này thuộc Top 10 cao thủ luyện thi không đỗ không lấy tiền! Vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực của bản thân Tam Thái Tử! Việc này phi người mẹ hiền của Tam Thái Tử, không ai có thể giúp Tam Thái Tử!”. Hai mẹ con Tam Thái Tử nhìn nhau, không nói gì (thực ra là không biết nói gì). Ông Lý Trần Vương Gia thấy vậy thì lại nói: “Như vậy Lệnh phải thi đỗ có hiệu lực từ hôm nay! Bây giờ mọi ý nghĩ, mọi hành động đều phải tuân theo nguyên tắc chỉ có tiến chứ không có lùi, ai bàn lùi sẽ bị…trảm!”.

 

Bữa tiệc sinh nhật đó, tôi (người viết truyện ngắn này) không tham dự. Tôi chỉ ngẫu nhiên biết được câu chuyện “Lệnh phải thi đỗ” này là do người nhận luyện thi môn Toán cho Tam Thái Tử là bạn học cùng lớp với tôi ở Khoa Toán Đại học Tổng hợp ngày xưa, tên là Toán. Gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT thì tôi ngẫu nhiên gặp lại người bạn này trong một đám tang của mẹ một người bạn khác. Vừa nhìn thấy tôi, Toán không hỏi han gì tôi lâu nay sống thế nào, sức khỏe ra sao mà nói luôn: “Có một quả bóng rất khó sút vào khung thành, đang không biết chuyền cho ai thì gặp ông, thật là vừa khéo!”. Tôi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, định hỏi thì Toán đã nói ngay: “Nhiều khi ta không thể chọn việc mà việc nó chọn ta. Việc này nó đã chọn ông, ai bảo chúng ta đã từng là bạn học!”. Rồi Toán kể cho tôi nghe từ đầu câu chuyện “Lệnh phải thi đỗ” của ông Vương Gia rồi nói: “Tớ chỉ là dân Phổ thông Trung học, luyện thi và đảm bảo cho học trò của mình thi đỗ thì không khó, có 1001 cách! Nhưng thi vào đại học thì lại khác và tớ không thích dính vào cái chuyện này! Vì thế, hôm nay tớ “bán cái” cái vụ “Lệnh phải thi đỗ” của Tam Thái Tử này cho cậu, bởi hai lẽ: Thứ nhất, Cậu sẽ có được một khoản thù lao đủ dưỡng già. Thứ hai, bạn bè chiến hữu của cậu còn đang dạy ở các trường Đại học nhiều, có thể “liên kết” không khó khăn gì!”. Nói xong, Toán bảo tôi rút lui khỏi đám tang lễ và dẫn tôi đến ngay nhà ông Lý Trần Vương Gia.

 

Xin mở ngoặc là từ trước tới nay, tôi không bao  giờ từ chối những yêu cầu dù lớn dù nhỏ của bạn bè, đó gọi là tính cả nể, mặc dù chưa biết mình có làm được hay không, tôi cũng nhận lời. Lần này cũng không ngoại lệ. Toán dẫn tôi tới gặp ông Lý Trần Vương Gia rồi nói ngay: “Tôi xin tiến cử người bạn của tôi sẽ làm tiếp phần hai của “Lệnh phải thi đỗ” là thi vào đại học. Phần thi tốt nghiệp THPT coi như tôi đã hoàn thành và xin lấy đầu ra bảo đảm!”. Nói như đinh đóng cột như thế thì ai mà chẳng nghe theo! Và cũng phải nói thực rằng, lúc đó, tôi cũng chưa biết sẽ làm cách nào để cho cậu bé Tam Thái Tử đỗ vào đại học, bởi tôi theo trường phái “Bất khả tri”, tức ai đã dốt nát thì không thể nhồi nhét gì được, tức đã học dốt thì chỉ có một cách là đi cày ruộng chứ học thêm chỉ tốn công vô ích! Song, như đã nói trên, tôi không thể từ chối cái việc mà còn khó hơn Nữ Oa vá Trời đó, thực ra thì phải nói là anh bạn Toán và sau đó là ông Vương Gia, không cho tôi thời gian để mà suy nghĩ rồi mới quyết định nhận lời hay từ chối!

*

Đã thành một phản xạ tự nhiên, mỗi khi gặp một công việc khó khăn tôi đều lẩm nhẩm cầu khấn Bồ Tát và sau đó thì …đi xem bói! Nếu như quẻ bói mà nói tốt thì tôi sẽ nghĩ cách thực hiện, bằng cách lấy cuốn “Tam thập lục kế” ra nghiên cứu. Nếu chưa tìm được kế nào khả thi thì đọc “Binh pháp Tôn Tử”, rồi “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Đông Chu Liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”,v.v… Phải thừa nhận rằng, khi tư duy bị bế tắc, đọc những kiệt tác “văn sử bất phân đó”, tôi thường có được những gợi ý, sự mách bảo rất hiệu nghiệm. Nếu quẻ bói nói xấu thì tôi sẽ nghĩ cách từ chối, “khua chiêng thu quân”! Lần này, sau khi chia tay với ông Vương Gia và anh bạn Toán, tôi vừa lẩm nhẩm cầu Bồ Tát vừa đến chỗ ông thầy Bói quen biết. Vừa nhìn thấy tôi, ông thầy bói đã reo lên: “Chúc mừng ông có lộc lớn! Ông cứ vừa bước vừa nghĩ ra bài thơ như Tào Thực, chẳng việc gì phải lo xa, tính toán chi li làm gì cho mệt!”. Tôi nói ngay: “Ông chưa xem quẻ mà đã nói vậy làm sao tôi tin được! Tôi có việc này cực khó, không thể dỡn chơi được! Bây giờ ông phải xem lại cho tôi thật kỹ, không thể sai một ly!”. Ông thầy bói lấy quẻ cho tôi, lẩm nhẩm một hồi rồi nói: “Vẫn là những câu đó! Kỳ này ông gặp may tới mức có bị ném xuống sông cũng rơi trúng Thủy cung, có nhảy vào biển lửa cũng trúng lửa… tình ái!”.

 

Tuy có tin ông thầy bói phần nào nhưng tôi cũng về nhà lục hết những số điện thoại, địa chỉ của bạn bè, chiến hữu ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam ra xem có thể “liên kết” với ai trong vụ này? Đang cân nhắc đắn đo thì tôi nhận được điện thoại của một người em họ, con ông chú nói mấy ngày tới sẽ đưa thằng con trai, vừa học xong lớp 11, vào Sài Gòn chơi nhân kỳ nghỉ hè. Vừa nhận được điện thoại hôm trước thì hôm sau, người em con ông chú và đứa con trai đã xuất hiện ngay trước mặt.

 

Vừa nhìn thấy thằng bé con người em họ, tôi kinh ngạc tới mức bị á khẩu mất ba phút! Người em họ thấy vậy thì ngạc nhiên hỏi: “Ông anh sao vậy? Thằng con em nó là yêu quái hay sao mà làm bác kinh ngạc như thế?”. Tôi lại tròn mắt chỉ nó nói: “Tam Thái Tử!”. Người em họ nói: “Tam Thái Tử, chào bác đi con!”. Thằng bé lễ phép chào tôi rồi ngồi nép bên bố nó! Tôi thoáng nghĩ: chỉ là  một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên mà thôi, có gì mà hết hồn như thế? Rồi tôi  nói với người em họ: “Này, có một sự giống nhau kỳ lạ: Thằng con chú nó rất giống với một thằng con một người quen mà anh mới gặp, cũng tên là Tam Thái Tử!”. Hai bố con người em họ nghe vậy thì cùng thở phào và nói: “Thế thì bác phải dẫn bố con em tới chơi cho biết người đồng dạng như thế nào!”.

 

Tôi ngồi uống bia với bố con người em họ được năm phút thì một ý tưởng xuất hiện: Thằng bé Tam Thái Tử con trai người em họ tôi tuy mới học lớp 11 nhưng nó học rất giỏi, vào loại Thần đồng, nhưng bố nó muốn nó học thêm nhiều thứ khác như cầm kỳ thi họa nên cứ túc tắc học đủ 12 năm qua 12 lớp, sau này vào đại học thì trổ tài cũng chưa muộn. Vì thế, thằng Tam Thái Tử học giỏi này có thể vào vai đóng thế thằng Tam Thái Tử học dốt con ông Lý Trần Vương Gia ở kỳ thi đại học sắp tới. Có là mắt ở giữa trán như của Nhị Lang Thần thì các vị giám thị cũng không thể phát hiện ra! Tôi đem ý nghĩ này nói với bố con người em họ thì cả hai bố con đều OK ngay. Người bố nói: “Được giúp bác dù bất cứ việc gì bố con em cũng sẵn lòng! Mặt khác, đây là cơ hội cho thằng con em nó thử sức, vì dù sao cũng phải có sự tập dượt trước, càng học giỏi càng không được chủ quan!”. Thằng con Tam Thái Tử cũng nhẹ nhàng nói: “Cháu xin đảm bảo với bác là cháu sẽ đạt điểm tối đa. Bác không phải lo vì chương trình lớp 12 cháu cũng đã tự học từ sau Tết và xin thề là nắm rất vững. Bác có thể kiểm tra ngay!”. Tôi hỏi thử hai câu về toán và hai câu về Văn thì quả nhiên thằng Tam Thái Tử nói rất mạch lạc, lưu loát!

 

*

 

Tới ngày thi, hai bố con ông Lý Trần Vương Gia và Lý Trần Tam Thái Tử đã có mặt trên Đà Lạt, có thể đến vãn cảnh ở Thung lũng Tình yêu hoặc vào chơi ở Biệt điện Bảo Đại. Còn tôi thì cùng thằng Tam Thái Tử con người em họ đến phòng thi ở điểm thi trường Lê Quý Đôn. Hình như thí sinh nào đi thi cũng có một đoàn “tháp tùng” khá đông nên xung quanh trường thi đông đúc, chen chúc như hội chợ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra trôi chảy như  tất cả các dòng sông đều chảy…

 

Thi xong, cả tôi và bố con người em họ lên Đà Lạt gặp bố con ông Lý Trần Vương Gia để ăn mừng thắng lợi. Hai thằng Tam Thái Tử líu ríu bên nhau như là một cặp sinh đôi. Nếu như hai đứa mặc quần áo giống nhau thì hai người bố chưa chắc đã nhận ra đâu là con mình!

 

Tới nửa bữa tiệc thì thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi nói: “Con nói chuyện này chắc bố và các bác không tin được đâu!”. Ông Lý Trần Vương Gia giật mình (những người có tật hay giật mình) hỏi dồn: “Chuyện gì? Có gì bất trắc hay sao?”. Thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi từ tốn nói: “Không phải chuyện bất trắc mà là chuyện lạ. Con đã gặp một đứa bạn nữ ở phòng thi!”. Ông Lý Trần Vương Gia hoảng hốt: “Trời đất! Thế thì chuyện con đi thi hộ người đồng dạng bị lộ rồi sao? Làm thế nào bây giờ?”. Thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi nhoẻn miệng cười rất ngộ, nói tiếp: “Không sợ lộ đâu vì đứa bạn nữ đó của con cũng tới phòng thi với nhiệm vụ đặc biệt như là con vậy. Tức là nó cũng đi thi hộ người đồng dạng với nó! Nó nói thi xong thì cũng đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Nếu muốn gặp nó thì hãy đến Thung Lũng Tình Yêu, sẽ có cả người đồng dạng với nó ở đó!”.

 

Không ai có thể chờ đợi được và đều muốn thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi dẫn đến ngay Thung Lũng Tình yêu để gặp đứa bạn nữ của nó và người đồng dạng của nó. Đến Thung Lũng Tình Yêu, lúc đó khá đông người đi lại, đều áo quần sặc sỡ, mặt mày đều hớn hở! Không hẹn điểm nào cụ thể thì tìm đến bao giờ? Tôi đang định nói với thằng Tam Thái Tử cháu sao không hẹn một điểm cụ thể thì có tiếng gọi lanh lảnh của một cô gái: “Tam Thái Tử! Diễm Quỳnh ở đây cơ mà!”. Tất cả tốp người chúng tôi cùng hướng cái nhìn về phía có tiếng nói thì thấy trên một cái xích đu, có hai cô gái giống nhau như hai bông hoa (cùng loại, đương nhiên) đang giơ tay vẫy vẫy! Chúng tôi cùng đi lại, khi cách hai cô bé khoảng năm mét thì một cô nói: “Khoan đã! Bây giờ chúng tôi sẽ xoay lưng lại. Bạn Tam Thái Tử phải làm sao để người bạn học của bạn đứng lên. Thời gian là một phút! Nếu không làm được thì sẽ bị phạt nặng! … Một phút bắt đầu!”. Tất cả đều nghĩ không biết cậu bé  Tam Thái Tử sẽ làm thế nào thì cậu bé bất thình lình nói giọng nghiêm nghị như giọng các giám thị coi thi: “Số 18, đứng lên!”. Tiếng nói ngắn gọn, nghiêm nghị vừa dứt thì một trong hai cô gái đang ngồi đứng bật dậy!...

 

*

 

Mãi đến khi chia tay với thằng cháu Tam Thái Tử, tôi mới hỏi nó: “Số 18 có ý nghĩa gì mà cô bé lại đứng bật dậy như thế!”. Thằng cháu Tam Thái Tử nói: “Đó là số báo danh ở phòng thi. Lúc ở phòng thi, cháu thấy nó làm bài xong rồi mà không chịu nộp bài, cứ ngồi giơ bài lên cho mấy đứa xung quanh coi, bị giám thị gọi tới hai lần! Cháu cũng bị gọi hai lần!”.

 

Chuyện người đồng dạng này đến nay đã “mãn tang”, tức đã qua ba năm, đã trở thành “chuyện ngày xưa” nên tôi mới có thể “công bố nửa vời” bằng hình thức “Truyện ngắn” như thế này. Tam Thái Tử con ông Lý Trần Vương Gia đã là sinh viên năm thứ Tư của của một trường Đại học mà ra trường là đi làm quan ngay nên vấn đề “học lực” không quan trọng. Ở đây, không ai bị coi là dốt, là kém cả vì vào được đây là giỏi rồi! Còn thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi thì lại chui vào một cái trường Đại học rất ít người ngó ngàng mà lại học cái môn học rất khó nhai, nhai rồi rất khó nuốt, đó là Toán học! ./.

 

Sài Gòn, cuối tháng 5-2010

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3486
Ngày đăng: 02.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tội lỗi nguyên thủy - Khải Nguyên
Người Mất Tích - Nguyễn Viện
Niềm tin yêu còn lại - Trần Minh Nguyệt
Món nợ trần gian - Trần Quang Vinh
Bác Sĩ Thú Y - Đỗ Ngọc Thạch
Phượng - Vinh Anh
Phận - Khải Nguyên
Gío và Cánh Diều - Đổ Quỳnh Anh
Trăng mười sáu - Trần Quang Lộc
Người hậu vệ - Nguyên Minh
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)