Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.130
 
Hậu Hiện Đại Lè Nhè Chủ Nghĩa
Phan Huy Đường

ÐẠI TUYÊN NGÔN

 

I. LÈ NHÈ SỬ QUAN và NỀN VĂN MINH LÈ NHÈ HẬU HIỆN ÐẠI

 

CỔ NHÂN TỪNG PHÁN

Nhân chi sơ vốn lè nhè.

 

Sự Thật hiển nhiên ấy, Tạo Hoá đã khắc sâu vào xương tủy của loài người. Nói theo kiểu Sinh Học Hậu Hiện Ðại [HHÐ], qua lịch sử phát triển của Sự Sống, Tính Lè Nhè đã kết tinh thành Gien cấu tạo ra Con Người. Nội chuyện ấy thôi, đã phải mất hàng triệu năm quằn quại lai nhai. Rồi nhân loại đã phải lè nhè hàng trăm nghìn năm nữa thì Bản Chất[1] Lè Nhè của con người mới lè nhè thành ngôn ngữ, đủ thứ ngôn ngữ lao nhao. Lại phải lè nhè thêm mấy chục thế kỷ nữa, con người mới ý thức được Khái Niệm[2] Lè Nhè. Mãi tới thời Ðông Châu Liệt Quốc, sau khi chém giết nhau túi bụi, chân tình, bằng gươm giáo và bằng lời nói-ziết, người ta mới tìm lại được bản chất lè nhè của chính mình và Sự Thật hiển nhiên trên mới trở thành Danh Ngôn. Phải nói, cũng nhờ Quy Luật Vô Ðịnh[3] của Lưỡng Nghi Trèng Ðéc, Danh Ngôn kia phải hình thành trong mồm mép của một Danh Nhân mà ngày nay ai ai cũng biết là ai, không cần lè nhè lôi thôi.

 

NHƯ NƯỚC ZIAO CHỈ TA ĐÂY

dân vốn anh hùng, cần cù minh mẫn, lại được Tạo Hoá đặc ân cho khiếu lói ngọng nên chúng ta lè nhè hơn ai hết trong cõi trần gian này : Nhân chi sơ rốn lè nhè.

Bèn cắt rốn cho dễ bảo, dễ nuôi.

 
ÐÀNH PHẢI CÔNG NHẬN RẰNG

nhân loại khắp năm châu bốn biển cũng chẳng chờ đợi chúng ta để khám phá ra con đường tồn sinh và nên người ấy. Họ cũng biết cắt rốn con cháu họ. Nhưng chúng ta có quyền tự hào : chúng ta, chính chúng ta đây đã khám phá ra cơ sở sinh học của Chủ Nghĩa Lè Nhè, vạch trần một nguyên lý của tư duy, tạo một cơ sở cơ bản để hiểu biết con người toàn diện, cho phép chúng ta mau mau tiếp cận, thoăn thoắt tiếp thu những tư tưởng mới lạ trên đời ngay từ lúc chúng vừa xuất hiện trong những cõi trời Âu Á, v.v.

 

HIỂN NHIÊN LÀ

bị cắt rốn, ta mất đi một phần của chính ta. Ta trở thành một thực thể thiếu hụt. Không hề chi ? Ta có thể mất một cái đuôi, một cánh tay, một khúc cẳng. Ta chỉ trở thành một Thể Xác thiếu hụt. Tâm Hồn ta vẫn trọn vẹn. Bị cắt rốn, mất nhau thì khác hẳn, khác một cách cơ bản : ta mất đi mối liên hệ sống với con người tạo ra ta, ta mất đi cả vũ trụ lè nhè của bào thai[4], ta mất phần hồn nguyên thủy ngây thơ trong sáng lè nhè của ta, ta trở thành một Thực Thể Tâm Linh Thiếu Hụt. Ðó là cơ sở để sáng tạo vô vàn Tôn Giáo, Triết Lý, Học Thuyết về con người, văn chương và nghệ thuật, v.v.

 

HÃY THỬ XEM

học thuyết Nhân chi sơ rốn lè nhè của chúng ta vĩ đại đến mức nào so với văn học của người Phu Lăng Sa.

Họ lè nhè hơn chục thế kỷ mà vẫn không lè nhè cho ra nhẽ. Bước đầu, để khơi lên sự mất mát không gì cứu vãn được nọ, họ nhại người Latinh, tạo ra khái niệm aliéner. Aliéner nghĩa là : cắt đứt sợi dây. Giữa dì với gì ? Giữa con người với đồ vật. Aliéner un bien : cho hay bán một món đồ[5]. Hàng trăm năm sau họ mới nhại được người Ðức phát triển khái niệm aliéner thành s’aliéner (tự cắt đứt với mình) và thực thể hoá thành aliénation hay autoaliénation (sự tha hoá, sự tự tha hoá). Nhưng phải tới thế kỷ 19, cũng nhờ triết gia Ðức, những khái niệm ấy mới có nội dung cụ thể và nội dung ấy cũng chỉ giới hạn trong quan hệ giữa người với vật chất thôi : bán sức lao động của mình, bán chính mình, tự coi mình là hàng hoá, đồ vật mang ra trao đối với hàng hoá, đồ vật của người khác để tồn sinh. Từ đó nẩy ra những khái niệm réification, chosification (sự vật thể hoá con người) mà thiên hạ bàn nát nước sau này. Phải chờ tới ngày nay, với Chủ Nghĩa Lè Nhè HHÐ, người ta mới hiểu thấu quá trình vong thân của con người, mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc của luận điểm Nhân chi sơ rốn lè nhè.

 

Cái rốn, đương nhiên là một vật thể. Bị cắt rốn, đương nhiên là ta mất mát một phần của chính mình. Dám dứt khoát chấp nhận thân phận đó chẳng phải chuyện đùa ! Người quyết liệt, triệt để nhất trong công cuộc giải phóng con người khỏi giấc mơ tìm rốn hão huyền[6], chính là Descartes Chân Nhân. Vung một đường kiếm tuyệt vời[7], Descartes Chân Nhân chặt béng mọi nỗi dây dưa giữa TA và Vật Chất, biến TA thành một Thực Thể Phi Vật Chất[8], Thiêng Liêng[9], biến toàn bộ Vật Chất thành một đống Vật Thể (objet) Khách Quan[10] (objectif), đặt nền tảng cho Tư Duy Khoa Học Hiện Đại, đá phóc cái Tôi chủ quan vào cái rốn chủ thể  siêu thực của Vũ Trụ. Và hiên ngang tuyên bố câu thơ bất hủ : Je pense donc je suis. Ta tư duy, vậy ta có thực.[11]

 

Tài ba, dũng cảm như Descartes Chân Nhân mà, cơ bản, cũng chỉ mới lè nhè được vài chục trang đã tẩu hoả nhập ma. Thế mà Descartes Chân Nhân cũng chỉ gỡ được có một sợi dây trói buộc con người trong quan hệ phức tạp giữa con người với thế giới, với con người, với chính mình. Có lẽ vì, ở thời đó, chưa ai khám phá ra Chủ Nghĩa Lè Nhè Phức Tạp và Học Thuyết Cấu Trúc Lè Nhè, v.v. Dù có chăng đi nữa, cũng không thấu hiểu nổi chân lý : Nhân chi sơ rốn lè nhè.

 

HÃY NHỚ !

Nhờ võ học uyên thâm của Descartes Chân Nhân, Kant Giáo Chủ đã có nội lực thâm hậu ngay từ thuở thiếu thời. Kant Giáo Chủ đã phát huy nhân sinh quan kia trong suốt một đời người, đã lè nhè không mệt mỏi năm này qua năm khác, đều đặn, kiên trì, uyên bác[12], vét cạn tào ráo máng Không Gian và Thời Gian Lè Nhè Hiện Ðại.

 

CHO NÊN

những đệ tử xuất sắc của Descartes Chân Nhân và Kant Giáo Chủ cũng phải lè nhè ngót hai thế kỷ nữa mới đưa được tư tưởng của họ tới mức ngày nay : Tư Duy Khoa Học Lè Nhè HHÐ, với những danh nhân như Einstein, Schrödinger, Heisenberg[13], v.v.

 

VÌ VẬY

công ơn của Descartes Chân Nhân và mấy chục đời đệ tử của Ngài quả là to lớn. Họ đã chắp cánh cho con người mất rốn bay vào Vũ Trụ, tạo điều kiện để giải phóng nó khỏi sự trói buộc của tự nhiên, họ đã tạo ra khả năng Suy Luận Khoa Học Lè Nhè HHÐ đang trong đà phát triển phi thường ngày nay.

 

TIẾC THAY

thân phận làm người không chỉ có vậy. Con người không chỉ lè nhè vì kiến thức khoa học. Nó còn lè nhè vì miếng cơm, manh áo, tình yêu, lý tưởng, nghệ thuật, tâm hồn và Quyền Làm Người Lè Nhè[14]

 
DO ĐÓ

chẳng mấy ai ngạc nhiên khi Descartes Chân Nhân quy tiên chưa đầy hai thế kỷ thì Hegel Ðại Hiệp đã xuất hiện giang hồ, quyết tâm thống nhất mọi trường phái tư duy, thu về một mối, tạo dựng trở lại thể thống nhất mâu thuẫn giữa con người và cái rốn lè nhè thiêng liêng của mình.

 

MAY THAY

tục truyền rằng, thuở thiếu thời, Hegel Ðại Hiệp tình cờ tìm được trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn một nửa kinh thư của Trường Xuân Lão Quái Aristo để lại, tựa là Dialego Bất Tận Chân Kinh[15], đã thất truyền từ mấy nghìn năm. Tư chất vốn thông minh, học vấn lại uyên bác, nên Hegel Ðại Hiệp luyện tập không bao lâu đã có nội lực siêu phàm, vượt xa Kant Giáo Chủ. Chàng bèn chu du thiên hạ, thu thập trí tuệ của loài người, tổng kết lại, mang ra lè nhè không dưới trăm pho Tâm Kinh, chục triệu Ngọc Từ.

 

LÀM SAO QUÊN ÐƯỢC !

Học thức và trí tuệ của Hegel Ðại Hiệp quả kinh người, đồ sộ trong không gian, lắt léo qua thời gian, ngôn từ mới lạ, văn phong phức tạp vô cùng tận, cấu trúc này lồng vào cấu trúc nọ, ý này đan chéo ý kia, từ này đá giò lái từ nọ, khái niệm này tự sỉ vả để biến thành khái niệm kia, rồi tự tự sỉ vả để trở thành chính mình tuy đã hết là mình từ lâu[16]. Một phương pháp suy luận mầu nhiệm khủng khiếp, đầu cắn đuôi đuôi đâm đầu, lộn một vòng đuôi thành đầu đầu thành đuôi, Thiên Ðịa lộn tùng phèo, Ðất hoá Trời Trời hoá Ðất, thao túng cả Vũ Trụ, thiên nhiên vạn vật vạn niên không có gì thoát vòng kiềm toả của cái túi càn khôn ấy[17].

 

NHƯNG HỠI ƠI

đệ tử của Ðại Hiệp đông vô cùng, lao nhao như kiến vỡ tổ trên khắp năm châu bốn biển, không thể đếm xiết. Những trường phái lúc nhúc, chi chít, không ai nhường bước lè nhè cho ai. Cũng dễ hiểu. Hegel Ðại Hiệp, tiếc thay, không có được một ngoan đồ để nối chí nối nghiệp. Lúc Ðại Hiệp lâm chung, Đại Đệ Tử, trưởng môn phái Hello-Trẻ, khóc :

– Bẩm Sư Phụ, học thuyết của Sư Phụ quá bao la, hơn trăm bộ kinh thư, hàng chục triệu ngọc từ, tên bộ nào cũng đằng đẵng phức tạp, ngay con cũng không nhớ hết, xin Sư Phụ đặt cho nó một cái tên chung dễ nhớ để mai sau thiên hạ dễ nêu danh.

Hegel Ðại Hiệp ném vào mặt Đại Đệ Tử một cái nhìn[18] âu yếm, bi ai, khá HHР:

— Con theo ta học đạo suốt đời, nay râu đã bạc, đầu đã nhẵn, thế mà vẫn chưa hiểu thấu điều đơn giản ấy. Học thức bình sinh của ta tóm lại chỉ có một bí quyết, mọi thứ khác đều có thể coi như râu ria.

— Bẩm Sư Phụ, bí quyết ấy là gì ?

— Non-stop Dialego !

Hegel Ðại Hiệp thở dài :

— Có lẽ chỉ có thằng cuồng đồ của ta, Karlo Maximum, mới hiểu thấu được. Tên đó, trên không nể Trời, dưới không kiêng Đất, trong cõi Trần ai này lại chẳng phục bất cứ ai, chẳng sợ cái đếch gì, dám ngông nghênh tuyên bố : bất cứ điều gì thuộc nhân giới đều thiết thân với ta[19]. Thế nào cũng có ngày nó nổi loạn, con phải cẩn thận lắm lắm mới được. Thế nào cũng có ngày nó đi tìm Feuerbach Dị Nhân học đạo. Ngày đó, môn phái của chúng ta ắt suy vong không tài nào cứu vãn được.

— Bẩm Sư Phụ, Feuerbach Dị Nhân là ai, sao con chưa từng nghe tên tuổi ?

— Hắn là em kết nghĩa đồng môn của ta, đã từng ôm bộ kinh thứ nhất của Trường Xuân Lão Quái Aristo, tựa là Logico Hữu Thể Chân Kinh[20], vào trong hang lửa Cửu Thực Xuân Hạ Thu Ðông Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ luyện tập suốt hai mươi bốn năm ròng, sáng tạo võ công thặng thừa Duy Vật Tâm Kinh không ai bì kịp. Tiếc thay, hắn mai danh ẩn tích đã lâu nên con không hề biết đến.

— Bẩm Sư Phụ, sao Karlo Maximum biết được tên Ngài ?

— Một hôm, nó nêu một câu hỏi khá rắc rối khiến ta nhớ hiền đệ của ta, ta bèn đem chuyện xưa kể lại cho nó.

— Vì sao Feuerbach Dị Nhân lại mai danh ẩn tích ?

— Ôi bể khổ ! Ôi dây oan ! Gái chỉ được phép thờ có một chồng mà tiên sư huynh đệ ta lại chỉ có một hiền muội ! Biết làm sao ? Ta suy ngẫm mãi mà vẫn chưa tìm ra cách giải thể cái mâu thuẫn kỳ quặc này. Bây giờ thì quá muộn mất rồi, ta sẽ không bao giờ kết thúc được tác phẩm của ta, không bao giờ hoàn thành bộ kinh tối hậu : Éros-Thanatos-Dialego. Không hiểu sau này thằng Nít Khùng có làm được không[21] ? Than ôi ! Ta đã làm gì với đời của ta[22] ?

Hegel Ðại Hiệp nhắm nghiền mắt lại, thở hắt một hơi, bỏ đi lúc nào không ai biết.

Khóc lóc Sư Phụ xong xuôi, Đại Đệ Tử kêu Karlo Maximum Tục Tử vào hỏi : 

— Non-Stop Dialego là ý gì ?

— Ồ, đại ca lại đùa ngu đệ rồi !

— Không, ta hỏi thật mà.

— Ai lại không biết ? Võ công của Sư Phụ thiên biến vạn hoá vô lường chính vì mọi biến hoá đều xuất phát từ ba thế búa liên hoàn trong pho Tam Liên Hoàn Ðầu Ðộc Búa Ðơn Kinh. Búa thứ nhất, bổ vào đâu cũng được, gọi là Khẳng Ðịnh Búa. Búa thứ hai, phải bổ vào đầu búa thứ nhất, gọi là Phủ Ðịnh Búa. Búa thứ ba, bổ vào đầu búa thứ hai, gọi là Phủ Ðịnh Phủ Ðịnh Búa. Cứ thế, búa bổ đầu búa búa bổ đầu búa búa bổ đầu búa lượng biến thành chất chất biến thành lượng lượng biến thành chất liên miên vô tận thì từ cõi Hỗn Mang của Vũ Trụ tới cõi Hư Vô của Tư Duy không gì không tan tành, không gì không ý niệm, giải thích được.

— Nhưng làm sao liên miên vô tận được ?

— Nói nôm na là ba thế búa, nhưng thực chất ba thế búa ấy là một. Một là hiện thể của Vô Cùng. Một Vô Cùng hay Cùng Vô Một cũng thế thôi. Mắm sốt bớp ! Khi Trí đã lĩnh hội được chân lý ấy, Tâm sẽ tĩnh, Ðộng Tĩnh Tĩnh Ðộng, Trí Tâm Tâm Trí kết thành Một, búa chót biến thành búa đầu, trong đầu chỉ còn lại một nhát búa liên hoàn vô cùng tận. Ðơn giản thế thôi. Ý nghĩa của cái tên Tam Liên Hoàn Ðầu Ðộc Búa Ðơn Kinh là thế.

— Hiền đệ thật là cao kiến. Thế hiền đệ đã luyện tới đâu rồi ?

— Ngu đệ đã thuộc nằm lòng bí quyết Non-Stop Dialego, đã luyện nhuần nhuyễn pho Tam Liên Hoàn Ðầu Ðộc Búa Ðơn Kinh, nhưng cũng chỉ thành công một nửa, nửa ngao ngán nhất.

— Thế là thế nào ?

— Khi búa lên trời, vũ lực kinh hồn, gió tạnh, mây tan, trời thất sắc. Nhưng hễ búa xuống đất thì mềm xìu như cái chi chi bất lực, ngọn cỏ không hề lung lay, thậm chí con kiến đang bò trên ngọn cỏ cũng không thèm rùng mình. Ðệ có cảm giác học thuyết của chúng ta hơi bị thiếu một cái gì, có lẽ phải giải cấu mất.

Ðại Đệ Tử tái mặt, nhỏ nhẹ nói :

— Hiền đệ hãy ra toà nhà sau núi tĩnh tu, ráng làm rạng rỡ bổn môn, không có lịnh của huynh không được hạ sơn, nghe chưa ?

Karlo Maximum Tục Tử cau mày, đi ra sau núi. Ngay đêm đó chàng trốn khỏi Duy Tâm Tự, đi tìm Feuerbach Dị Nhân, học môn Duy Vật Tâm Kinh.

 

LẠI NHỚ

năm 25 tuổi, một đêm lang thang trong xóm chị em thành Berlino, Karlo Maximum Tục Tử bỗng giác ngộ, thả râu tóc phất phới trong gió ngàn, phóng bút thảo kinh Dialego Duy Vật Vô Thường Ðạo. Từ đó Karlo Maximum Tục Tử chu du thiên hạ, thu nhập đệ tử bốn phương, đánh đâu thắng đấy, không đối thủ nào chịu nổi ba thế Dialego Duy Vật Liên Hoàn Búa của chàng.

 

NHƯNG THAN ÔI !

Vì quá say sưa hành động, say mê tìm hiểu những điều thiên hạ chưa ai hiểu nổi, Karlo Maximum Tục Tử không chú ý đến việc ghi chép kiến thức và kinh nghiệm của mình, vùi đầu đeo đuổi tương lai. Lúc ra đi, chàng không kịp viết di chúc, để lại cho đời một đống rác khổng lồ. Lục đống rác ấy, ai cũng kinh ngạc trước khả năng lè nhè vĩ đại của chàng : nội một ngón võ Tư Bản Kỳ Kỳ Công Nhân Luận, chàng đã lè nhè suốt 8 pho kinh thư đồ sộ mà chưa hết chuyện. Trong đó chỉ có 3 pho đầu là lè nhè ra nhẽ. 5 pho sau, chàng mới lè nhè sơ sơ mà hậu sinh liếc qua đã thấy chóng mặt. Ðệ tử của chàng kiểm điểm lại di sản của thầy thì thấy kinh Dialego Duy Vật Vô Thường Ðạo đã bị chuột gặm hết 9/10, chỉ còn lại vài khúc tơi tả đó đây, còn pho Dialego Duy Vật Liên Hoàn Búa thì bị mất phần đầu, phần Dialego, chỉ còn lại phần Duy Vật Liên Hoàn Búa[23]. Tiếc thay !

 
CŨNG MAY THAY

Karlo Maximum Tục Tử có người cháu họ xa tên là Freuddy Thần Y, không giỏi võ công nhưng tinh thông y lý. Biết võ học của Bác mình gom đủ âm dương nội ngoại công, lục phủ ngũ tạng kinh mạch đều thông suốt, Freuddy Thần Y hết sức chăm chú theo học. Vốn thông minh tuyệt vời, tư duy khoa học lại có thừa, Freuddy Thần Y lĩnh hội rất nhanh sở học của Bác. Nhưng trong quá trình luyện nội công thỉnh thoảng Thần Y chựng lại, nổi cơn nhức đầu như búa bổ, ngất xỉu, ngủ vùi và tức khắc mơ, lúc lên thiên đường lúc sa địa ngục, khi gặp tiên nữ khi vấp quỷ thần. Freuddy Thần Y rất nghi hoặc, đem sự kiện ấy kể lại cho Bác và hỏi nguyên nhân. Karlo Maximum Tục Tử gãi tai, cau mày hồi lâu rồi bảo :

— Bác nhớ ra rồi. Hồi còn đang nghiên cứu võ học để sáng tác Dialego Duy Vật Vô Thường Ðạo, lúc luyện nội công, thỉnh thoảng Bác cũng nhức đầu, ngất xỉu, ngủ vùi và mơ như thế. Bác đã phải suy nghĩ ba ngày ba đêm liền mới hiểu nguyên nhân, tìm ra giải pháp. Bác đã ghi lại trên một mẩu giấy nháp 11 điều tâm niệm để đả thông kinh mạch, thống nhất nhị khí âm dương, lâu ngày rồi không nhớ nữa. Chỉ nhớ rằng tất cả tuỳ thuộc chữ Tâm. Có ba bước phát triển : Vô Tâm Thường Ðạo, Ðiểm Tâm Thực Ðạo, Tâm-Tâm Tâm Ðạo[24]. Bước thứ ba cực kỳ gian khổ. Phải nhẩy lên một cái trống đồng cổ khổng lồ mà múa võ. Lúc đầu tiếng trống vang lên đinh tai nhức óc, không sao chịu nổi, phải vận hết nội lực chống đỡ. Lâu ngày, tiếng trống dịu dần. Khi nó im thin thít nghĩa là thành công.

— Ủa, Bác quên hết thì làm sao luyện được nội công thâm hậu như vậy ?

— Kinh mạch đã thông, âm dương đã thuận hoà, nội lực cứ theo đà sự sống mà tự phát triển, luyện nữa làm gì ?

— Bác cho cháu mượn mẩu giấy nháp đó cháu học thử.

— Bác đâu còn biết hiện nay nó ở đâu mà cho cháu mượn[25] ?

— Tiếc quá !

— Hay thế này, cháu thử ghé qua bên kia núi tìm Darwin Mục Ðại Sư cầu đạo. Ông ấy lè nhè cũng có cỡ đấy. Ông chưa hề học môn Non-Stop Dialego mà phát minh ra được môn Non-Stop Evolutio thì quả là người kỳ tài trên đời. Ông ấy khó tính lắm, chưa chắc nhận thu cháu làm đồ đệ.  Dù thế nào đi nữa, cháu hãy cố gắng và nhớ rằng tất cả là ở chữ Tâm. Tâm lè nhè chưa ra nhẽ, nội công ắt thiếu hụt.

 

Quả nhiên, Freuddy Thần Y chưa trình bầy hết vấn đề và ý nguyện của mình, Darwin Mục Ðại Sư  đã rũ áo đứng dậy và quát :

— Ngươi cũng xuất thân từ danh môn chính phái, sao dám sờ mó những hang hố tối tăm bàng môn tả đạo đó ? Xéo đi ngay cho khỏi bẩn mắt ta.

Freuddy Thần Y buồn bã xéo đi nhưng, nhớ lời khuyên răn của Bác, chàng vẫn quyết chí lè nhè cho ra nhẽ. Lè nhè vừa đủ 25 năm thì chàng đắc đạo, khai sáng ra môn phái Sinh Lý Siêu Siêu Hồn, đặt nền tảng cho tất cả các môn Siêu Siêu Học sau này.

 

TỪ ẤY

những đệ tử ưu việt của các vĩ nhân trên đã phát triển tư tưởng độc đáo của họ vào hầu hết những lĩnh vực của kiến thức và tư duy, tạo ra Nền Văn Minh Lè Nhè Hiện Ðại.

Trong những vị hậu bối này, có một vị đã được người đời đặc biệt chú ý khi say mèm[26] công bố : L’Existence précède l’Essence[27]. Ðó là Jean Sol Tarte, người sáng lập ra Chủ Nghĩa Hiện Sinh Lè Nhè Hiện Ðại, Tổng biên tập tập san Thời Ðại Lè Nhè Hiện Ðại. Công lao lớn lao của Jean Sol Tarte ở đây là đã chứng minh rõ ràng rằng :

 

Con người phải lè nhè cái đã mới có thể có được bản chất của sự lè nhè, chính cái lè nhè hiện sinh của con người tạo ra cấu trúc lè nhè của Thi Ca mà người đời đã gọi là Bản Chất của Thi Ca, chứ không phải Bản Chất lè nhè của Thi Ca khiến cho thi sĩ lè nhè[28]. Vì thế Cấu Trúc lè nhè của Thi Ca bất địnhvô tận. Con người đã hiện sinh trong Không-Thời gian thì không thể lè nhè lui, chỉ có thể lè nhè tới. Vì thế Bản Chất của Thi Ca là bỏ Cũ tìm Mới, là… là… Sáng Tạo ! ! !

 

Cả hội trường chồm lên vỗ tay hò hét inh ỏi. Một thanh niên hùng dũng, tóc tết đuôi sam, vung một chiếc ghế sắt đập tan nát bức danh hoạ treo trên tường. Một Madame sắc sảo mặn mà đoan trang đứng phứt dậy, lảo đảo lùi một bước, té ngửa trên sàn gạch, hai chân búng trời lia lịa, miệng ú ớ : Em chết mất ! Em chết mất ! ! ! Cả hội trường điếng người, im bặt, cứng đờ, trố mắt nhìn…

Lời tuyên ngôn hùng hồn của Jean Sol Tarte đã làm rúng động cả Thủ Ðô Ánh Sáng, hoa mắt cả địa cầu, chấn động cả bầu trời tư duy. Phải 25 năm sau thiên hạ mới bắt đầu hoàn hồn. Ngày nay vẫn còn dư âm.

Còn nữa ![29]

 

NHƯ THẾ

rõ ràng là Lịch Sử không hề dừng lại, chưa bao giờ dừng lại, sẽ không bao giờ dừng lại. Chủ Nghĩa Lè Nhè đã không ngừng phát triển ngày càng bao la, thâm thúy, qua những hình thái lịch sử đặc thù, từ cồ tới kim, từ bé tới lớn, từ yếu tới mạnh, từ đơn giản tới phức tạp, từ cục bộ tới toàn diện, thu nhập và thống nhất được mọi phát minh của nhân loại trong mọi thời đại. Tóm lại, đã từng có những Chủ Nghĩa Lè Nhè Ngây Ngô, Trực Giác, Cổ Ðiển, Kinh Ðiển, Tân Cổ Ðiển, Tân Kinh Ðiển, Hiện Ðại và, cuối cùng, còn đang trong trạng thái phôi thai, Lè Nhè HHÐ.

 

DO ÐÓ

hôm nay chúng tôi những con người tuy khiêm tốn cung kính cổ nhân nhưng đã từng nghiên cứu cần cù liêm chính chí công vô tư trọn một đời người những học thuyết lè nhè Cổ Kim Âu Á Ðông Tây Nam Bắc Trung Phát Bạch v.v. và v.v. trong tinh thần vô cùng biết ơn tiền nhân đã lè nhè không thương tiếc từ nghìn xưa cho tới nghìn sau vô cùng quý trọng từng ước mơ nho nhỏ lè nhè trong vô vàn kiếp biển dâu vô cùng tôn thờ chữ nghĩa danh ngôn do danh nhân ủy thác chúng tôi xin lè nhè tuyên bố : đã đến lúc chúng ta phải tìm lại bản thể lè nhè Ziao Chỉ đời đời kiếp kiếp của chúng ta phải củng cố chủ nghĩa lè nhè kinh niên thiêng liêng ưu việt bất diệt của dân Ziao Chỉ phát triển nó để vươn tới khả năng lè nhè cho ra lè nhè cho ra nhẽ và trên cơ sở đời đời vững vàng sâu sắc ấy tóm cổ tất cả các học thuyết hiện đại và HHÐ hiện hữu trong cõi nhân gian lè nhè này kể cả những học thuyết lè nhè hiện sinh siêu thực phức tạp vô định rồi vận dụng phương pháp tư duy lè nhè HHÐ thu gom Trí Tuệ về một mối lè nhè thống nhất thành lập Chủ Nghĩa Lè nhè Hiện Sinh Siêu Thực Phức Tạp Vô Ðịnh và Vô Hạn Ðịnh HHÐ gọi tóm tắt là Chủ Nghĩa Lè Nhè HHÐ (Ziao Chỉ[30]) làm nền móng cho tương lai lè nhè sáng lạn của nhân loại, góp phần xứng đáng của dân Ziao Chỉ vào sự tiến bộ lè nhè của loài người

 
RÕ RÀNG

chỉ liếc qua nền văn minh HHÐ ngày nay, ta đã thấy đầy tín hiệu của Những Ngày Mai Lè Nhè Tươi Sáng.

Cứ coi Lịch Sử Thi Ca Lè Nhè HHÐ[31] thì thấy. Rất dễ hiểu : xưa nay, trong mọi nền văn hoá, không ai có thể lè nhè bằng nhà thơ. Vì thế, xưa nay, mọi quyền lực tôn giáo, khoa học, nhân văn đều ớn những anh lè nhè tận xương tận tủy này. Vì thế, trong thế kỷ 20, Thi Ca Lè Nhè HHÐ đã xuất hiện rất sớm, ngay từ những năm 60, ở chính nơi người ta phủ định tận gốc mọi thi ca ! Nếu cần chọn một tác phẩm làm cọc vạch biên giới nghìn đời giữa Thi Ca tầm thường và Thi Ca Lè Nhè HHÐ, đương nhiên chúng ta nhớ ngay tới bài Trường Ca Kiếp Sống Lè Nhè của đại thi hào Evchuleko[32]. Bài thơ tứ tuyệt này đã được diễn viên trác tuyệt Jéhova-Christo-Mohammed-Bouddha-Hambalan ngâm lên với giọng bi hùng ai oán độc nhất vô nhị của chàng tại Ðại Quảng Trường Moscowa.  Nhà phê bình lè nhè HHÐ Bulubuloa đã phải kinh ngạc thán phục :

Ngâm chưa hết câu một, cả hội trường đã ngáp !

Ngâm chưa hết câu hai, cả hội trường đã ngủ !

Ngâm chưa hết câu ba, cả hội trường roro ngáy !

Ngâm chưa hết câu bốn, CHÀNG ngáp ngủ ngáy roro !...[33]

Tiếng ngáy vĩ đại long trời lở đất ấy đã lay động hồn người, mở ra một viễn tượng lè nhè vô biên giới, vô hạn định.

 

Chưa bao giờ người đời được mục kích một cuộc ngâm thơ bi hùng như thế.

Thật là :

Ngâm một trận, vỡ tan kình ngạc

Ngâm hai trận, tan tác chim muông…

Khách quan HHÐ mà nói, bài thơ tứ tuyệt Trường Ca Kiếp Sống Lè Nhè của Evchuleko chưa đủ lè nhè tính, chưa phải là đỉnh cao của thi ca lè nhè. Tuy vậy, nó đã mang lại cho đời vài thước đo khoa học lè nhè HHÐ cơ bản để khẳng định độ lè nhè của thơ văn. Quan trọng hơn nữa, nó đã đặt ra một số tiêu chuẩn tối thiểu cho văn chương, văn học lè nhè HHÐ. Những nhà thơ tiên phong đời nay thường dùng nó như tấm gương thần để soi bóng (lè nhè) của chính mình. Những nhà phê bình văn chương, khảo luận văn học lè nhè HHÐ cũng coi đó như thử thách đầu tiên trên con đường văn nghiệp : chưa lè nhè đủ nghìn trang về bài thơ trứ danh ấy, coi như chưa hiểu biết gì cả về văn học lè nhè HHÐ.

nhân loại chỉ đặt ra cho mình những vấn đề mình có khả năng giải quyết ; vì xét cho kỹ, những vấn đề đó chỉ xuất hiện được[34] khi những điều kiện vật chất để giải quyết chúng[35] đã có hay, ít nhất, đang trong quá trình hình thành[36].

 
VÌ THẾ

ngày hôm nay, với sự phát triển vũ bão của khoa học HHÐ, trong vật lý cũng như sinh học, với sự bành trướng vô biên giới, phi chân trời của các học thuyết Linh Tinh HHÐ trong mọi lĩnh vực của kiến thức và tư duy, dựa trên sự bành trướng áp đảo của kinh tế thị trường toàn cầu lè nhè hoá, chúng ta đang có Thời Cơ HHÐ, thể thống nhất mâu thuẫn lè nhè đa nguyên linh thể giữa Thiên Cơ, Ðịa Cơ và Nhân Cơ, thế mới Tuyệt Cơ, để xây dựng nền Văn Minh Lè Nhè HHÐ.

 

II. GIÁO TRÌNH LÈ NHÈ KHỔ LUYỆN ÐẠI CƯƠNG

 

Giáo Trình này dành riêng cho cấp Giáo Chủ các khu vực lè nhè và cấp Chưởng Môn các lĩnh vực kiến thức.

Trên cơ sở Giáo Trình này, các Giáo Chủ và Chưởng Môn phải hết lòng hết sức giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt quần chúng tiến thẳng, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào con đường Lè Nhè Chính Ðạo.

 

1. Vận dụng Duy Lý Hình Thức Thần Công để nâng mọi kiến thức cổ kim lên mức Hiện Ðại.

Việc này không có điều gì khó. Nội dung cơ bản, những phương pháp huấn luyện vốn có sẵn[37].

Người có nội công siêu việt, lè nhè 7 năm là thành đạt. Người chỉ có nội công thượng thặng lè nhè độ 10 năm thì thành đạt. Ðó là trình độ sơ đẳng, nhập môn. Người đạt trình độ này gọi là Ðốc Nhè.

 

2. Vận dụng Siêu Lý Hình Thức Thần Công để siêu hình hoá kiến thức Hiện Ðại thành Hậu Hiện Ðại.

Việc này, về nội dung không có gì đáng bàn. Về hình thức thì vô cùng gai góc. Phải có gan cù ngôn ngữ, véo ngôn từ mới nên thử.

 

Người có nội công siêu việt, phải lè nhè ít nhất 10 năm mới thành đạt. Người chỉ có nội công thượng thặng phải lè nhè ít nhất 20 năm mới thành đạt.

Những người khác không nên phiêu lưu mạo hiểm.

Giữa đường đời lè nhè, nếu thấy hụt hơi, phải ngừng tức khắc không thì bị tẩu hoả nhập ma.

 

3. Vận dụng Duy Tâm Biện Chứng Thần Công, lộn một vòng, tay cắm đất chân đá trời, sẽ hữu hình hiện sinh hoá được kiến thức HHÐ thành Tối Hậu Hiện Ðại.[38]

Việc này, phải lên Non-Stop Dialego Thiền Viện tu luyện mới thành.

Người có nội công siêu việt, phải lè nhè ít nhất 20 năm mới thành đạt. Người chỉ có nội công thượng thặng phải lè nhè ít nhất 30 năm mới thành đạt.

Giữa đường đời lè nhè, nếu thấy hụt hơi, phải ngừng tức khắc không thì bị tẩu hoả nhập ma.

 

4. Vận dụng Duy Vật Biện Chứng Thần Công, lộn ngược lại một vòng, chân cắm đất tay đấm trời, sẽ hiện thực hoá được kiến thức Tối Hậu Hiện Ðại thành Tăm Tối Hậu Hiện Ðại.

Việc này, phải xuống Trường Ðại Học Nguyễn tại Hà Nội tu luyện mới đạt.

Người có nội công siêu việt, phải lè nhè ít nhất 30 năm mới thành đạt[39]. Người chỉ có nội công thượng thặng phải lè nhè ít nhất 40 năm mới thành đạt.

Giữa đường đời lè nhè, nếu thấy hụt hơi, phải ngừng tức khắc không thì bị tẩu hoả nhập ma.

 

5. Vận dụng Tự Do Linh Tinh Thần Công, tự nện vào đầu một đòn Mộc Mạc Thiết Bản, ắt giác ngộ, bay vụt vào cõi Niết Bàn, vĩnh viễn từ biệt cõi u mê vô thường vô ngã vô cùng ngứa ngáy này. Từ cõi Tăm Tối Hậu Hiện Ðại ánh sáng lè nhè lóe ra, chan hoà Vũ Trụ, báo hiệu bình minh của Chủ Nghĩa Lè Nhè HHÐ.

 

Bất kể nội công thâm hậu cường tráng đến đâu, người không có Duyên, chưa được ban bố Ân Sủng không nên gượng thử : không tẩu hoả nhập ma cũng bể đầu toi mạng.

Tất cả tuỳ thuộc vào chữ Tâm.

Một khi Tâm lè nhè ra nhẽ là có thể lên đường Hành Ðộng.

 

 


 

III. VÌ TƯƠNG LAI LÈ NHÈ TƯƠI SÁNG CỦA NHÂN LOẠI

 

Hỡi những người đồng tâm đồng chí !

Thời cơ đã đến !

Không nắm lấy Thời Cơ, không phất Ngọn Cờ Lè Nhè HHÐ là có tội với Ðồng Bào, với Tổ Quốc, với Nhân Loại !

Hỡi Nhân Dân Lè Nhè HHР!

Ðế Quốc Toàn Trị Hiện Ðại đang dẫy chết !

Chúng ta không còn con đường nào khác để tồn tại và thăng hoa hơn là con đường Lè Nhè HHР!

Lịch Sử đang cù rốn chúng ta !

Hãy dũng cảm cười ngất !

Hổng sợ gì hết ráo !

Hãy anh dũng vùng lên

rũ sạch

cô đơn

 riêng lẻ

bần cùng

quyết chí đồng tâm xây dựng Nền Văn Minh Lè Nhè HHР chung chung

tươi sáng

chói lọi

vô thường

vô ngã

trường tồn

lu bù bất tận niên !

 

Hổng có xiệc zì khó

Chỉ sợ lòng hổng bền

Ðào non và lấp biển

Nhè mãi ắt làm nên !

 

Chúng ta nhất định thắng ! Kẻ thù nhất định thua !

Ziao Chỉ Quốc vạn vạn tuế !

Nhân loại HHÐ vạn vạn tuế !

Chủ nghĩa Lè Nhè HHÐ bất ziệt muôn năm !

 

 

Ngày 0, tháng 0, Năm 0

Không Không Thiên Niên Kỷ

Thay mặt

Ủy Ban Cách Mạng Lè Nhè Toàn Cầu

Quốc Tế 0

Bố Cái Lè Nhè Ðại Vương[40]

 

Trần Đạo

 

 



[1] Essence. Coi L’existentialisme est un humanisme, Jean Sol Tarte Toàn Tập, trang 123123.

[2] Concept. La philosophie, c’est le travail du Concept. Coi Kant Toàn Tập, trang 321123, Gilles Deleuze Toàn Tập, trang 123321.

[3] Ðiều này, phải đợi vài chục thế kỷ sau, Heisenberg Tiên Sinh mới phát hiện ra, đặt nền tảng cho Học Thuyết Vật Lý Lè NhèHHÐ.

[4] Coi tranh HHÐ của Judy Chicago, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Của Ðàn Bà, Washington D.C.

[5] Trong nền Văn Minh Thị Trường Toàn Cầu Hoá HHÐ, người ta dùng khái niệm HHÐ nhị phân biện chứng : Mua-Bán, thường được biểu hiện bằng một áng văn có quy lệ, mẫu mực khắt khe gọi là Hợp Ðồng Mua-Bán HHÐ.

[6] Trong nền văn minh HHÐ, giấc mơ này nhan đề là : à la recherche de son identité, đi tìm căn cước của mình. Căn cước là một khái niệm HHÐ phức tạp, bao hàm ý : khi con người tìm lại được phần thiếu hụt của mình (cái rốn), thoát khỏi tình trạng tha hoá (aliénation) thì con người lại trở thành chính mình, lại mình. Nhà văn kinh điển Marcel Proust đã phải lò mò suốt đời mới thành công (xem A la recherche du Temps perdu). Còn nhà thơ Cộng SảnHHÐ Tố Hữu thì đã phải lò mò suốt 40 thế kỷ : Bốn nghìn năm ta lại là ta.

[7] Theo truyền thuyết HHÐ, đây là một đường kiếm ngoạn mục trong pho kiếm cổ kim độc nhất vô nhị, đã thất truyền từ lâu, tên là Ðoạn Tuyệt Âm Dương Kỳ Kiếm Pháp. Alexandre Ðại Ðế đã dùng pho kiếm này chặt bay Gút Dây Gordien. Có thể trong người Descartes có gien của Alexandre Ðại Ðế, hiện nay các đại học còn đang nghiên cứu.

[8] Do đó mà Tuyệt Ðối Thiếu Hụt (Le Manque). Coi L’Être et le Néant. Jean Sol Tarte.

[9] Coi La transcendance de l’Ego, Jean Sol Tarte.

[10] Do đó mà Tự Tại (Être-en-Soi). Coi Critique de la Raison Pure, Kant Toàn Tập và L’Être et le Néant, Jean Sol Tarte.

[11] Câu thơ này thuộc thể lục bát thơ. Bản dịch hơi kém biến nó thành song thất thơ. Chẳng hề chi vì câu bát đã thất lạc.

[12] Sử sách ghi lại : suốt đời mình, từ khi đắc đạo, Kant Giáo Chủchỉ ngưng lè nhè đúng 5 phút khi nhận tin Cách mạng tư sản Pháp vừa bùng nổ.

[13] Xem Tư Duy Khoa Học Lè NhèHHÐ Tổng Quan, Karl Popper Toàn Tập, London,  trang 3,1416…

[14] Coi Tuyên Ngôn Quyền làm Người Lè Nhè HHÐ, Paris-Washington-Hà Nội-Bắc Kinh-Moscowa.

[15] Dialego là một phương pháp lè nhè đặc thù của người Hy Lạp cổ.

[16] Một thi sĩ Ziao Chỉ hiểu nhầm Hegel Ðại Hiệp đã từng phụ hoạ như sau :

Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai

Sau này, Jean Sol Tarte phải minh oan cho Hegel Ðại Hiệp như sau : La conscience est l’être qui a à être lui-même sur le mode du n’être pas. (Ý thức là một thực thể bị bắt buộc là chính mình theo kiểu không là [cái đếch gì cả]). L’Être et le Néant. [Lè nhè đến thế là cùng ! (lời bàn của Thầy Cò)]) Người Nam Ziao Chỉ cũng biết chân lý ấy từ lâu : Dzậy mà hổng dzậy. Vừa chính xác, vừa gọn.

[17] Coi LogiquePhénoménologie de l’Esprit, Hegel Toàn Tập, Paris 2000.

[18] Bút pháp biện chứng này bừng nắng hạ từ thuở ấy.

[19] Karlo Maximum, Lè Nhè Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Tư Tưởng Lè Nhè HHÐ Trung Ương, Hà Nội, trang Y=f(X). [Bản dịch này khá độc đáo : tự động biến cấu trúc phủ định phủ định của cậu văn thành cấu trúc khẳng định : Rien de ce qui est humain ne m’est étranger]

[20] Logico cũng là một phương pháp lè nhè đặc thù của người Hy Lạp cổ.

[21] Về sau Nít Khùng thực hiện được một nửa hoài bão của ân sư. Phải đến những đời sau, đám sư huynh đệ của George Bataille mới hoàn thành.

[22] Sau này nhà thơ Verlaine đã phụ hoạ lời than đó như sau [theo trí nhớ] :

Dis, qu’as-tu fais toi que voilà

Pleurant sans cesse

Dis, qu’as-tu fais toi que voilà

De ta jeunesse ?

khiến cho một thi sĩ Ziao Chỉ nổi tiếng phải mủi lòng.

[23] 100 năm sau, Xtalin Ðông Tà Tà và đám đệ tử của ngài chỉ vận dụng nửa pho Duy Vật Liên Hoàn Búa này mà chiếm được nửa thiên hạ !

[24] Ðệ tử người Châu Phi của Ngài phát triển thành Tam-Tam Tâm Ðạo, một nền tảng cơ bản của âm nhạc phi châu.

[25] Sau này Engels Tiên Sinh tìm lại được mẩu giấy nháp ấy và đặt tên nó là : Thập Nhất Tâm Niệm Tân Nhân Kinh.

[26] Ðêm hôm trước, nhậu nhè với Camuso Học Sĩ tới gần sáng, chàng đã nốc hơn một chai whisky trước khi vào hội trường.

[27] Coi L’existentialisme est un humanisme, Jean Sol Tarte Toàn Tập, Gallimard, Paris.

[28] Thi nhân Ziao Chỉ hiểu liền, rất chính xác : phải nhậu cái đã mới có cơ biết đến bản chất của sự nhậu nhẹt. Nhậu nhẹt hiện sinh có trước, nghệ thuật nấu nướng và tán cơm có sau.

[29] Không thể nêu hết tên ở đây. Coi Chủ Nghĩa Siêu Hiện Sinh Cấu Trúc Phức Tạp Hiện Ðại và HHÐ, Toàn Tập, Paris, 1999, trang 321123. Nhiều tác giả : Husserl, Heidegger, Sartre, Lévi-Strauss, Edgar Morin, Althusser, Foucault, Lacan, Barthes, Lyotard, Baudrillard, Derrida,  etc.

[30] Nguồn gốc lịch sử của Chủ NghĩaLè Nhè là Ziao Chỉ Quận. Nay mang chia xẻ cho nhân loại, thiết nghĩ cũng không nên lè nhè quá đáng, e thiên hạ than : Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

[31] Nhà xuất bản Lè Nhè Toàn Cầu Hoá, Paris - New York – Little Saigon – Hà Nội, 2003.

[32] Phiên âm Ziao Chỉ : Ê-Chú-Le-Cô !

[33] Có nhà lý luận văn học HHĐ đã bình luận như sau về bốn câu thơ vô cùng súc tích, với cấu trúc cực kỳ HHĐ này của Bulubuloa : trong cõi u mê của vũ trụ và của cả loài người CHÀNG đã dựng đứng lên, khẳng định CON NGƯỜI ! 1,2,3,4... vô cùng... Yêu bao nhiêu cũng không đủ ! Vì CHÀNG chính NÀNG THƠ !

[34] [trong tư duy của con ngườI]

[35] [do con người tạo ra]

[36] [qua hành động của con người] Karlo Maximum, Lè Nhè Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Tư Tưởng Lè Nhè Trung Ương, Hà Nội, trang A+B=C.

 

[37] Ðịa phương nào không có Ðại Học Ðường thích đáng có thể gửi người đi du học, nhưng xin nhớ nhắc nhở du học sinh trở về để đảm bảo tính đồng bộ cho sự phát triến của Chủ Nghĩa Lè Nhè HHÐ trên toàn cầu.

[38] Ðệ tử chân truyền của Âu Dương Tiên Sinh được miễn thi môn này.

[40] Ê ! Trần Ðạo hậu bối ! Ta già nua quá rồi, không còn sức chạy cờ nữa. Ngươi thử mang Ðại Tuyên Ngôn này gõ cửa toà soạn các báo Ziao Chỉ, hỏi xem còn đứa nào dám đăng thứ văn chương này nữa không ?

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2607
Ngày đăng: 08.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chung quanh khái niệm “tầm đón nhận” của H. Jauss - Phạm Quang Trung
Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer - Hamvas Béla
Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt nam trung đại - Bùi Tuý Phượng
Đừng Làm Đau Nàng Mỵ Châu Thêm Nữa! - Hà văn Thùy
Nghệ thuật tượng trưng trong thơ Edgar Allan Poe - Hoàng Kim Oanh
Hiệu Ứng Cảnh Tỉnh của Ngụy Tạo Văn Hoá - Khoa Học - Nguyễn Văn Dân
Tham Luận Tham Dự Hội Thảo “20 Năm Thơ Đổi Mới” Suy Tưởng Về Thi Ca và Sự Vận Hành của Thi Pháp - Dương Kiều Minh
Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn - Phan Huy Đường
Vào Việt Nam (1533-1659),Công Giáo đã Tăng Rất nhanh. - Trần Văn Cảnh
Phê Bình Theo Phương Pháp Chủ Quan Và Khách Quan - Trần Văn Nam