Thằng Sơn, cháu tôi nhắn tin ra: "bữa nay nhà con tát khẩu đìa đôi, mai cậu có rảnh, về chơi". Đó là một cái đìa nổi tiếng. Nếu như Xóm Lá là xứ nhiều cá nhất Bạc Liêu, thì khẩu đìa đôi là một cái đìa nhiều cá nhất Xóm Lá. Khẩu đìa đã làm rạng danh nghề đìa và đẻ ra sản nghiệp của dòng họ thằng Sơn.
Không đợi đến ngày mai, bởi vì tôi rất muốn sống lại cái không khí mùa tát đìa dưới quê nên vội dắt xe chạy về Xóm Lá. Mới hơn 5 giờ chiều mà đồng đã mịt mù sương khói. Nhìn cứ băn khoăn và buồn vô cớ. Xóm Lá nằm trên một con kênh nhỏ ngoằn nghoèo và dắt qua vạt đồng của Xóm Lá giống như một chiếc rốn nằm giữa hai cánh đồng nghiêng, chính vì thế mà hàng năm vào tháng tám âm lịch, mưa sụt sùi, là nước của một vạt đồng mênh mông đổ về Xóm Lá gây nên cơn lụt thường niên, nước ngập đến bụng trên. Lúa sớm, năng suất cao thì không làm đựơc, dân Xóm Lá phải cấy những giống lúa muộn, cây rạ cao, khi gặt xong là tết nhứt gần kề. Nhưng ông trời lại đối xử rất công bằng với người Xóm Lá, khi gió chướng sòng thổi, nước trên đồng bắt đầu cạn dần là cá đồng của cả vạt đồng mênh mông lũ lượt theo nước rút về Xóm Lá. Thành những xóm làng đặt biệt của Bạc Liêu. Nguồn thu lúa chỉ là thu phụ mà cá đồng mới là chính yếu. Nghề đìa cá ở đây là một nghè truyền thống, nó phát triển rất phong phú và lâu đời. Chính những cái xứ như Xóm Lá đã tạo ra cái danh tiếng lẫy lừng nhiều cá của xứ Bạc Liêu. Và cái ngày xưa ấy người ta ca một cách kiêu ngạo rằng:
"Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu
Sài Gòn thấy vậy xỏ xâu đem về"
Nghề đào đìa bắt cá ở Xóm Lá có từ bao giờ không còn ai nhớ cả. Còn khẩu đìa đôi nổi tiếng thì được đào từ thời ông cố thằng Sơn, tức là ông Chú của tôi. Những người già kể rằng: "cũng là nông dân như ông, Chú tôi tháo vác hơn người. Khẩu đìa đôi của ông ngang bốn tầm, dài một công. Khi đào, vì rộng quá nên không thể dứng dưới đìa dùng vá liệng đất lên như những cái đìa bình thường khác mà phải huy động trai tráng trong làng truyền từng cục đất từ tháng giêng cho tới sa mưa mới xong. Năm đó khi gió chướng sòng bắt đầu thổi, khẩu đìa đôi như rùng mình chuyển động, bao nhiêu cá đồng từ vạt đồng mênh mông cứ kéo về ồ ạt. Nhà ai ở gần khẩu đìa cũng không sao ngủ được, vì cá lóc táp bùm bụp suốt đêm. Năm đó tát khẩu đìa đôi phải huy động cả xóm đến làm mắm. Ông chú tôi dùng ghe lường đục đáy thật to chở cá đi Sài Gòn bán, đem về một giỏ bàn tiền , đủ cất một căn nhà cột công xe, ba căn hai chái lớn nhất xứ Xóm Lá. Từ đó ông chú tôi được dân tứ xứ trọng thị như một ông Thầy đìa thượng thặng, đi đến đâu cũng có kẻ têm trầu mời dùng, cơm rượu ngày ba bữa. Hồi đó ở xứ Bạc Liêu cũng có rất nhiều ông Thầy đìa. Họ giống như những nhà ngoại cảm, đứng trên bờ nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông rạch, nhìn hướng gió thổi...mà biết được ở dưới nước, đến mùa nước rút, cá sẽ đi đường nào. Có những ông Thầy đìa khi đêm đến thì lập bàn hương án dưới bến sông để khẩn váy âm binh, thủy thần, sau đó thì xỏa tóc, lặng một hơi xuống nước để nghe "âm thủy"mách bảo rồi lên chỉ cho gia chủ nơi định vị một khẩu đìa. chuyện này linh ứng đến cỡ nào thì tôi không biết, chỉ biết rằng cũng cùng hướng miệng đìa ra một con rạch nhưng có khẩu đìa tác vài ngàn ký cá, có khẩu đìa chỉ thu được ít trăm ký. Thầy đìa được trả công rất hậu nhưng họ chỉ lấy tiền vào mùa tát đìa năm sau, vừa tạo điều kiện cho gia chủ, vừa để chứng minh sự tài hoa của mình. Đó là cái ngày mà gia chủ trả thù lao và kiến Thầy một cặp cá lóc to nhất đìa để tạ ơn. Có những khẩu đìa"êm" tới cỡ, mùa sa mưa người ta chặt đuôi con cá lóc náy để làm dấu và đến mùa tát đìa năm sau nó lại trở về đúng cái đìa mà từ đó nó đi ra vạt đồng mênh mông để tung hoành suốt một năm trời. Sự mẫn cảm của nghề nghiệp của các ông Thầy đìa trong nghề trong nghề cá ở xứ Bạc Liêu xưa thật là khó hiểu!
Ở xóm lá và cả vùng Bạc Liêu ngày xưa nhà ít nhất cũng có một cái đìa, nhà nhiều nhất đến 5-7 cái. Khi gió bấc chớm mùa lùa về se lạnh, đồng ruộng trở nên khô ráo, hàng xo đủa nở hoa trắng bờ kinh...là bước vào mùa tát đìa ở Bạc Liêu. Bắt đầu từ tháng Chạp cho đến cuối tháng Giêng hoặc leo qua tháng Hai vài ngày. trong hai tháng trời ấy làng xóm cứ tất bậc, rộn ràng suốt ngày đêm. Trước khi tát đìa một tháng, khi đêm đến con cái trong gia dình được giao ôm nóp lên thềm đìa tuốt trên đồng xa để ngủ giữ đìa canh chừng kẻ trộm cá. Nhớ lại mùa vui, thuở nhỏ tôi cũng thường được ngủ giữ đìa. Đó là một tháng trời lũ trai tơ, gái lứa chúng tôi được tự do, mặc sức hẹn hò. Đầu hôm, nghe tiếng hò ai cất lên lan dài theo đồng rộng với ánh trăng bàng bạt là biết bên ấy đêm nay có nàng ra ngủ giữ đìa. Thế là lân la sang chơi, nói lời trăng gió suốt đêm. Đói bụng thì dùng cần câu nhấp con cá lóc bằng bắp chân đem chất rạ nướng rồi ăn với muối ớt. Còn buồn nữa thì 5-7 đứa xúm lại một thềm đìa hát hò, đàn ca đến khi buồn ngủ thì móc một lỗ rơm trong đóng rơm rồi chui vào, trong tiết trời lành lạnh của tháng chớm bấc, một giấc ngủ vô tư, huyền quặt đến tự hồi nào không làm sao biết được. Một tháng giữ đìa, đồng đất đã ghi biết bao kỷ niệm ngọt mát nhất của chúng tôi, đó là những mối tình vụn dại mà hồn nhiên trong trắng. Yêu nhau suốt 3 mùa giữ đìa cũng không dám tặng cho nhau một cái hôn đầu đời.
Hồi đó cá dữ lắm, một cái đìa có thể thu được vài ngàn ký. Với những con cá lóc có râu to 4-5 kg và vô số cá rô, trê, sặc rồi rắn, rùa, lươn...vì thế mà dân Xóm Lá chỉ còn một cách duy nhất là 5-7 gia đình luân phiên nhau tát đìa theo cách vạn vầng đổi công. Cánh đàn ông, trai tráng thì làm nhiệm vụ tát đìa bằng gàu sòng hoặc chạy máy bơm. Khi nước trong đìa gần cạn thì nhổ chà lên. Sau đó thì cánh đàn bà con nít xuống bắt cá bỏ vào giỏ, cần xé cho cánh đàn ông gánh hoặc dùng trâu "cộ" từ đồng xa về nhà. Lúc này dưới bến sông cũng tấp nập, sôi động không kém, xưa một chút thì ghe lường "đục đáy", sau này thì ghe tam bản chở cá bằng thùng sắt của các vựa cá đến ăn hàng. Chiều là kết thúc công việc của cánh đàn ông, nhưng cánh đàn bà trẻ em thì phải lao vào làm cá để "mần" mắm suốt đêm. Đèn mang song thấp lên sáng rực. Tát xong cái đìa là chủ đìa có trách nhiệm biếu người đến giúp một ít cá làm quà và tổ chức một bữa cơm thật linh đình với rùa, rắn, cá lóc thì phải thật to để đãi cho bà con đến giúp. Đêm ấy là kể như say xưa, đàn ca đến suốt dêm...ở Xóm Lá cái không khí rộn ràng như ngày hội ấy cứ kéo dài cho đến hết mùa tát đìa. Người ta vui vì biết bao hy vọng được gởi vào mùa đìa. Một cái tết vui vẻ, đủ đầy; một đôi trai gái sẽ được sống với nhau trọn đời nhà mới.. Và mùa đìa với cá tôm vô số đã giải quyết tất cả. Hầu hết những ngôi nhà tường to hiện có của Xóm Lá ngày nay đều do mùa đìa tạo ra.
Đến bây giờ tôi mới ngẫm nghĩ: Đồng ruộng giàu sản vạt chẳng những nó tạo ra vật chất nuôi nấng con người mà nó còn sinh ra một nếp sinh hoạt sôi động của nông thôn như mùa đìa ở Xóm Lá. Cái phần đời mà đồng ruộng sinh ra ấy chính là văn hóa nội sinh, đặc trưng của đồng ruộng. Gọi như các nhà thơ thì đó là hồn quê.
Người nông dân quê tôi vốn có gốc gác là những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực đến đây khai phá, lại bị thực dân phong kiến đè đầu cởi cổ, rồi chiến tranh, nghèo đói đày đọa...nên có một đời sống vô cùng tẻ nhạt và sau đó là những tâm hồn héo hon.
Thế rồi đồng đất giàu có đã mang đến cho họ một phần đời sống sôi nổi. Cái hồn quê phong phú và ấm cúng ấy đã nhập vào sưởi ấm hồn người. Những người thừa hưởng sản vật giàu có của đồng đất sáng ngủ bảnh mắt ra bổng thấy trời xanh bát ngát, người nhẹ nhàng và sản khoái lạ thường, thấy cánh đồng trước giống như người mẹ thứ hai nó đẻ ra cá, lúa nuôi mình lớn lên, nó sinh ra một phần đời sống hiền hòa của nông thôn cho mình an cư...Thế rồi tình yêu đồng ruộng, que hương thiết tha đến tự lúc nào không còn nhớ nữa. Một điều chắc chắn rằng nó đến trước khi ta nắn nót con chữ của bài học đầu đời về tình yêu quê hương đất nước. Đó, đồng đất còn dạy ta đạo làm người như thế!
Tôi đến nhà thằng Sơn thì đã bảy giờ tối. Sương xuống, gió chớm bấc lùa về lành lạnh. Mùa tát đìa mà nông thôn yên ắng đến lạ, ngoại trừ tiếng máy bơm tát đìa trên đầu đất của thằng Sơn vọng vang trên đồng như tiếng mỏ cầu kinh trong đêm trừ tịch thì làng xóm tĩnh mịt lạ thường. Tôi lội tuốt lên đầu đất và gặp thằng Sơn. Tôi hỏi nó: “Mùa tát đìa mà sao làng xóm lặng lẽ quá mậy?. Nó bảo: “Thời buổi này mà đìa bào gì nữa cậu ơi, cá mắm chẳng còn bao nhiêu như khẩu đìa đôi của con trước mỗi lần tát vài ngàn ký, nay kiếm 100 ký cá đỏ con mắt”.
Nước trong khẩu đìa đôi gần cạn, Sơn soi đèn mấy con cá lóc nhảy long lóc trên bãi sìn. Thằng Sơn bắt một con rồi chất rạ nướng, nó trãi đệm trên thềm đìa rồi hai cậu cháu nhâm nhi. Theo lời kể của thằng Sơn thì từ ngày cánh đồng này được thiết kế hệ thống thủy lợi chủ động được việc tiêu thoát nước thì không còn cơn lụt thương niên nên môi trường tốt của cá đồng bị mất đi. Thêm nữa dân ta làm lúa tăng vụ, xài thuốc sâu, phân hóa học nhiều, nên cá đồng bị tiêu diệt từ hồi chúng còn là cá con. Thêm nữa là nạn siệt điện. Vâng! nạn siệt điện đúng là đại họa của tôm cá. Hôm tôi làm việc với Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu các anh ở Chi cục cho biết mới thống kê sơ bộ thì tỉnh Bạc Liêu hiện có đến 4000 dụng cụ siệt điện. Có những ấp 80% gia đình siệt điện. Nông dân hiện nay xem đi siệt điện bắt cá bán là một cái nghề trong lúc nông nhàn . Với cường độ rất mạnh, dụng cụ siẹt điện được đưa xuống nước thì trong vùng bán kính 3-4 mét cá tom mẹ lẫn con và lẫn các vị sinh vật khác đều bị hủy diệt hoàn toàn, nó giống như trái bom nguyên tử được liệng xuống Hyrosima hồi thế chiến thứ hai bên Nhật Bản.
Mấy năm nay người Xóm Lá đã bỏ nghề đìa truyền thóng để xoay qua làm nghề khác kiếm ăn. Đời sống rộn ràng của mùa đìa ở Xóm Lá cũng mất đi. sáu tháng mùa khô đồng đất Xóm Lá trắng một màu hoang vu lạnh lẽo.
Rượu vào càng nhiều tôi càng buồn rồi nổi giận. Tôi gọi những kẻ siệt điện là những tên ám sát cánh đồng. Bởi vì chẳng những chúng hủy diệt cá tôm mà chúng còn giết chết một phần cuộc đời ấm áp của nông thôn do đồng đất giàu sản vật sinh ra. Và chúng giết luôn những tình cảm thiết tha của người quê đối với đồng ruộng, bởi trước mắt họ đồng ruộng bây giờ không còn hào phóng, thương yêu họ như người mẹ nữa rồi.