Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.416
 
Lãng Du Trong Văn Học Hy Lạp
Lương Văn Hồng

Theo nhà sử học Herodote thì nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer (810? -730? tr.CN)  sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên.  Ông là người được coi là tác giả 2 bản anh hùng ca nổi tiếng “Iliat”  và “Odysses”.  Cũng theo Herodote thì Homer sinh ở Smyrne (Ionie),  thân mẫu người Eodie. Lớn lên nhờ quen biết một chủ tàu thủy chở khách nên được theo tàu đi đó đây.  Sự hiểu biết của ông cũng nhờ  đó được mở rộng, ông biết sâu sắc về truyện phiêu lưu của Ulysse. Homer từng đi du lịch khắp miền Địa Trung Hải, từng sống ở Ithaque, Colophon, Eolie, Chio. Về sau, ông bị đau mắt nặng và mù. Ông lang thang kiếm sống đó đây bằng làm thơ, kể chuyện. Ông ốm chết ở đảo Ios và được chôn cất trên bãi biển.

 

Homer – cha đẻ của văn học Hy Lạp

 

Iliat có nghĩa : Bài ca về thành Troy. Tác phẩm có 24 khúc ca với 15.693 câu thơ về đề tài “Chiến trận”, kể lại lịch sử 9 năm trước cuộc chiến tranh Troy, kể lại diễn biến cuộc vây hãm thành Troy của viên tướng kiệt xuất Hy Lạp Achilles. Viên tướng này bất bình với việc viên chủ tướng Agamenon cướp đọat một nữ tỳ chiến lợi phẩm, bèn đình chỉ chiến đấu và ở lỳ trong lều.  Viên tướng Achilles hết sức xúc động khi nghe tin bạn thân của mình bị quân Troy giết chết, liền đốc quân xuất trận, giết được chủ tướng quân Troy – hoàng tử Hector để báo thù cho bạn mình.  Sử thi Iliat  tả sự khao khát lập công, tài năng xuất chúng, sự hy sinh cao cả của Asin (phía quân Hy Lạp), của Hector (phía quân thành Troy).

 

Odysses có nghĩa: Bài ca về chàng Odysses. Tác phẩm gồm 24 khúc ca với 12.110 câu thơ với đề tài “Trở về”, kể về cuộc phiêu bạt 10 năm của chiến binh Hy Lạp Ulysses (Odyssey) trên đường trở về quê hương Hy Lạp : Trên đường đi, Odysses chọc mù con mắt độc nhất người khổng lồ Polypheme –con của thần Đại Dương Poseidon, nên bị thần Đại dương thù ghét.  Chuyến trở về của Odysses vì vậy gặp nhiều trở ngại và kéo dài.

Bielinski đánh giá:

-  Homer là cha đẻ của văn học Hy Lạp.

 

 

Aeschyle/Eschyle (525-456 tr. CN) là nhà viết bi kịch Hy Lạp cổ đại.  Trong cuộc chiến tranh  của khối liên minh các thành bang Hy Lạp chống quân xâm lược Babylon (Ba Tư) vào những năm 500-449 trước Công nguyên, Eschyle là một chiến sĩ, đã tham dự các trận đánh lớn như Marathon (490TCN); Salamine (480 TCN); Plate (479 TCN).

 

Eschyle viết cho sân khấu lúc còn rất trẻ, nổi tiếng khắp vùng Địa Trung Hải.    Eschyle có cống hiến lớn đối với sân khấu Hy Lạp cổ đại. 13 lần ông được giải nhất trong hội thi diễn kịch hàng năm ở thành bang Athen.  Ông viết 80 vở kịch.  Bi kịch của Eschyle được sao chép lại, được lưu giữ trong một đền thờ.  Rất tiếc, hầu hết  bị thất lạc, ngày nay chỉ còn lưu lại 7 vở kịch: 50 cô gái chạy trốn khỏi Ai Cập, đến Argos xin sự che chở của vua Peélasgos là vở kịch “Những người thiếu nữ cầu xin”;  Sự kiêu ngạo của vua Xerxés đã dẫn tới thất trận của quân đội Ba Tư ở Salimine là vở kịch  “Quân Ba Tư”;   Tả cảnh huynh đệ tương tàn giữa Etéocle và Polynice để tranh ngôi vua ở thành bang Thebes là vở  bi kịch  “Bảy tướng đánh thành Thebes”; Ca ngợi tự do của con người là vở kịch  “Prometheus bị xiềng”;   bộ ba bi kịch liên hoàn Oresteia gồm  câu chuyện vua Agamemnon bị vợ là Clytemnestre và tình nhân của vợ là Egisthe giết là vở kịch “Agamemnon”; Câu chuyện trả thù cho cha – vua Agamemnon của Oreste.  Nhân lúc làm lễ dâng rượu, muá hát xung quanh lăng vua Agamemnon, con trai của nhà vua là Oreste đã giết Egisthe và giết luôn cả mẹ là vở kịch  “Những thiếu nữ dâng rượu”;  Oreste bị các nữ thần đuổi bắt để trừng trị vì tội giết mẹ, nhưng nhờ sự can thiệp của nữ thần Athen nên các nữ thần ân đức mới nguôi giận và tha không trị tội là vở kịch “Những nữ thần ân đức”.

 

Huyền thoại về cái chết của Eschyle

 

Có con chim phượng hoàng tha một con rùa. để ăn được thịt rùa, nó bay lên thật cao, rồi thả con mồi rơi xuống tảng đá để bể mai.  Đúng lúc chim bay qua thì Eschyle đi tới. Chim tưởng cái đầu hói kia là tảng đá liền thả rùa xuống.  Rùa rơi trúng đầu Eschyle.  Ông choáng váng ngã và không bao giờ đứng dậy.

 

Aeschyle từng tham gia các trận đánh ở  Marathon (490 tr. CN), Salamis (480 tr. CN), Plateae (479 tr. CN).  Aeschyle  được mệnh danh là “nhà thơ của thời kỳ dân chủ hình thành”. Trên mộ chí của Aeschyle khắc dòng chữ: - Nơi đây con trai của Euphorion - Aeschyle yên nghỉ.  Thi sĩ sinh ở Attique và qua đời trên cánh đồng mầu mỡ Géla.   Người Mèdes tóc dài và khu rừng thiêng Marathon sẽ nói lên đầy đủ lòng dũng cảm của thi sĩ. Mộ và tượng Aeschyle là nơi các thi nhân đương thời hay đến thăm hết sức kính cẩn.

 

Người làm nên lịch sử – Người anh hùng thời đại

 

Trong lịch sử văn minh nhân loại, việc phát hiện và sử dụng lửa là một mốc quan trọng.  Từ đó con người biết nấu chảy kim loại, chế tác các dụng cụ lao động, các loại vũ khí v.v…  Thời Aeschyle, người làm nên lịch sử là người đứng mũi chịu sào, người vì sự sinh tồn của cả cộng đồng mà hành động, chấp nhận hy sinh.  Sự hy sinh ấy được coi là nghĩa vụ thiêng liêng và đồng thời chính là bi kịch  của người anh hùng.  Vở bi kịch “Prometheus bị xiềng” là vở kịch nổi tiếng nhất của Aeschyle.  Prometheus vì tội ăn trộm lửa nên bị thần Zeus phạt, bị xiềng bằng xích trên ngọn núi.   Người anh hùng Prometheus nói:

-    Phải, chính ta cố tình phạm tội.  Việc đó ta không chối cãi.  Chính vì muốn cứu vớt loài người, nên ta tự mình chuốc lấy đau khổ hôm nay.

 

Để tri ân ngọn lửa đã mang lại hạnh phúc, đã sưởi ấm trong đêm đông giá lạnh, con người đã tôn thờ lửa là lửa thiêng, đã tưởng tượng, sáng tạo  ra nhân vật Prometheus.

 

Những cách tân của Eschyle

 

Aeschyle là nhà thơ bi kịch Hy Lạp cổ đại. Trước Aeschyle kịch Hy Lạp chỉ có một diễn viên  và mang tính tự sự.  Ông tách ở đội đồng ca ra một diễn viên nữa - diễn viên thứ hai -  nhờ có diễn viên thứ hai này đối thoại  nên kịch tính mới phát triển. Ngoài ra ông còn  cách tân mặt nạ, dàn cảnh,  trang phục diễn viên  . Ông cũng là người dựng những cảnh trí đa dạng, đưa lên sân khấu  những hoạt cảnh nhảy múa lớn. Bi kịch (tragedia) phơi bày  xung đột sâu sắc, căng thẳng đến tột đỉnh.  Nó có tính thống thiết (pathétique) khi giải quyết những vấn đề lịch sử mang tính vận mệnh  dân tộc (cộng đồng), bao giờ cũng có kết thúc bi thảm, gây ra xung đột nội tâm mạnh mẽ ở khán giả.  Bi kịch của Eschyle  phản ánh bản chất tiến trình lịch sử của đất nước Hy Lạp.  Eschyle được Engels (Anghen) đánh giá là “người sáng lập  nền bi kịch  Hy Lạp”.

 

Trong tác phẩm của mình, Eschyle ca ngợi chính nghĩa, khẳng định ý chí của con người, biểu dương lý tưởng yêu nước, dân chủ. Vì vậy ông được người đời đánh giá là “nhà thơ của thời kỳ hình thành nền dân chủ nô lệ”

 

Sophocle

 

Sophocle/Sophocles(496-406 tr. CN) là bi kịch gia lớn của Hy Lạp cổ đại.   Ông sinh ở Colonus gần thành bang Athen.

 

Sophocle viết 120 bi kịch, ngày nay chỉ còn lưu giữ được 7 vở kịch. Trong số đó có bi kịch gia đình nhà vua Créon. ( Antigone vì chống lại vua Créon nên bị chôn sống, con trai vua Créon là Hémon lại yêu Antigone, người yêu chết, Hémon tự tử. Đau khổ vì con trai chết, hoàng hậu buồn mà chết), “Antigone (442 tr.CN);   Oedipus làm vua” (430 tr.CN) tả cảnh Oedipus không hề hay biết việc giết người đàn ông kia chính là giết cha, lấy Jocaste chính là lấy mẹ đẻ.  Đến khi biết, Oedipus hối hận, móc hai mắt mình và tự đày mình biệt xứ   “Oedipus ở Colonus”,  “Electra” (420 tr. CN) là câu chuyện trả thù cho cha của Electra và em trai Oreste;  Ajax  (415 tr.CN) là câu chuyện giết người khi nổi giận của chàng Ajax. Nữ thần Athen làm cho Ajax  điên loạn, cứ nhằm cừu và dê mà giết. Tỉnh lại sau cơn chém giết vô bổ, Ajax tự tử ;  “Philocetes” (409 tr.CN) là câu chuyện lấy được thành Troy của tướng Philocetes nhờ những mũi tên thần của Heracles.  Nổi tiếng là bi kịch “Antigone”, “Oedipus làm vua”.

 

Thời đại vàng son của quốc gia thành bang Athen

 

Theo các nhà sử học, người tiền sử sống ở Hy Lạp có niên đại lên tới 100.000 năm.  Những nền văn minh  sơ kỳ là văn minh Cyclades ( xuất hiện trên quần đảo Cyclades  từ năm 3.000 tr. CN đến 1500 tr. CN);  Văn minh Minos (tập trung trên đảo Crete từ 3.000  đến 1400 tr. CN) là một cường quốc biển hùng mạnh có quan hệ buôn bán với Syria, Tây Ban Nha, Ai Cập.   Văn minh Mycenaé (trên đảo Peloponnesus, từ 1650 đến 1150 tr. CN) là thời đại Anh hùng trong loch sử Hy Lạp, thời kỳ xảy ra cuộc chiến thành Troy  (được miêu tả trong Anh hùng ca Iliad của Homer).

Vào những năm 800 tr.  CN, việc  các làng xã biệt lập tập hợp lại với nhau, phát triển thành những cộng đồng độc lập  với hệ thống chính quyền riêng đã tạo nên sự ra đời các quốc gia thành bang  như Corinth, Thebes, Delphi, Sparta, Olympia.

 

Quốc gia thành bang Athen nằm ở bán đảo  Attikas. Athen  là một bình nguyên nằm lọt thỏm giữa  dãy núi Hymette, núi Pentelique và núi Parmès, đồi Acropole, đồi Lycabette.  Chảy qua Athen có sông Cephise và sông Ilissos. Athen cách biển 5 km, cách cảng Piraeus 8 km. Trong thành bang Athen có nhiều đồi,  nổi tiếng là đồi Areopag, đồi Nymphen.  Nằm giữa trung tâm thành bang Athen là núi đá vôi Akropolis cao 156 mét. Tường thành bao bọc Athen được xây vào những năm 461-456 tr. CN.

 

Athen nổi lên như một quốc gia thành bang hùng mạnh  và trở thành trung tâm chính trị và văn hoá của Hy Lạp sau trận đánh ở Marathon chống quân Ba Tư năm 490 tr. CN và sau trận đánh ở Salamis, Platea chống quân Ba Tư năm 480 tr. CN.   Trong Thời đại Vàng của Athen, khoa học, nghệ thuật, triết học, kiến trúc phát triển mạnh và thành chuẩn mực cho các nền văn minh châu Âu sau này. Athen trở thành cái nôi của nền văn minh cổ điển. Thời đại Vàng này đồng thời là kỷ nguyên của văn học với  Homer, Sophocle, Aeschyle, Euripides, là kỷ nguyên triết học với Socrates, Plato.

 

Quân địch cũng ngưỡng mộ  Sophocle

 

Kết cấu kịch chặt chẽ, đối thoại sắc sảo, giàu kịch tính là những đặc điểm trong kịch của Sophocle.  Những đối thoại làm tăng kịch tính tạo nên “những sấm sét tâm lý”  hết sức hồi hộp và đầy hứng thú. Sophocle cho rằng:

-  Kịch phải thực sự là hình ảnh của cuộc  sống.

 

Tương truyền, giữa lúc thành bang Athen bị vây hãm, bốn bề không có lối thoát thì được tin Sophocle tạ thế.  Địch quân đã mở một lối  đi, đứng kính cẩn nghiêng mình  chào tiễn nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng.  Trên mộ của Sophocle có chạm hình mỹ nhân ngư  tượng trưng cho lối thơ duyên dáng, tươi sáng của thi sĩ.

 

Euripides

 

Euripides (480-406 tr. CN) là nhà viết bi kịch của Hy Lạp cổ đại.  Ông có kiến thức rộng, từng học tập và giao du với  nhiều người nổi tiếng đương thời như nhà triết học Anaxagoras, nhà ngụy biện Protagoras (hai người này bị chính quyền đương thời coi là những người lập dị).  Euripides sáng tác khi 25 tuổi.  Ông  sống ở Athen đến năm 408 trước Công nguyên, sau đó sống ở Pella dưới triều của vua Archelaus xứ Macedonia và mất ở đây năm 406 trước Công nguyên.

 

Kịch của Euripides miêu tả các dục vọng của con người. “Electra” (413 tr. CN) là câu chuyện người con gái hiếu thảo, trả thù vì công lý;  “Medea” (431 tr. CN) là câu chuyện một người đàn bà đánh ghen, giết tình địch, rồi giết luôn bay con của mình.,  “Hecuba”là câu chuyện tình mẫu tử.  Hecuba đau khổ vì cảnh chồng chết, các con chết gần hết chỉ còn Polyxène và Polydore. Nhưng Polyxène bị vua chúa  dùng làm tế sinh.  Polydore lại bị  vua Polymestor lệnh quăng xuống biển.  Đau đớn, hận thù, quả phụ  Hecuba móc mắt vua Polymestor và giết con nhà vua này;  “Iphigenia ở Aulis” là câu chuyện nhà vua tế sinh con gái Iphigenia để xin thần Artémis phò hộ cho đoàn thủy quân trong cuộc viễn chinh đánh thành Troy;  “Cyclops” là kịch châm biếm chàng khổng lồ một mắt Polyphème.

 

 

Euripides - chứng nhân, bi kịch gia

 

Euripides là chứng nhân của những rối ren trong xã hội, sự tan rã của nền dân chủ Athen.   Qua các bi kịch của mình, Euripides phản ánh hiện thực xã hội dân chủ chủ nô ở thời kỳ tan rã,  đánh giá chân xác tôn giáo, thần thánh, xã hội, chiến tranh, nhân tình thế thái.  Trong kịch của ông đã thấy sự hoà quyện Cái Hài với Cái Bi. Trọng tâm kịch của ông là thân phận con người, vận mệnh dân tộc. Ông là người sáng tạo ra “loại kịch tâm lý”, là “nhà thơ bi thảm nhất trong các nhà thơ”, là “họa sĩ vĩ đại”  qua mô tả vẽ lên dục vọng của tình yêu và long  ghen tuông. Vì vậy các nhà phê bình  đánh giá:

-   Toàn bộ sáng tác của Euripides là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội Hy Lạp cổ đại.

 

Aristophanes

 

Aristophanes (445-386 tr. CN)  là hài kịch gia Hy Lạp .  Aristophanes  viết tất cả 44 hài kịch. Ngày nay chỉ còn lưu laị 11 vở kịch.  “Kỵ sĩ” ( Les Chevaliers,  424 tr.CN)  là kịch công kích chính sách mị dân của Cleon; “Mây” (Nephelai, 423 tr.CN)  là kịch đả phá Sokrates và phái ngụy biện;   “Ong bò vẽ” (Sphekes, 422 tr.CN)  là kịch giễu cợt tính ưa kiện cáo của dân Athen;  “Hoà bình”  (Eirene,  421 tr.CN) là kịch đả phá chiến tranh;   “Chim”  (Ornithes, 414 tr. CN) là kịch đả phá những tổ chức chính trị, hành chính thành bang Athen;  “Lysistrata” (411 tr.CN) là kịch kết tội kẻ gây ra chiến tranh Pélopennèse làm Athen trở nên điêu tàn,  kể về việc phản kháng của phụ nữ, làm cho các ông chồng ở hai bên tham chiến phải giảng hoà;  “Ếch nhái” (405) là kịch phê bình văn chương, công kích Euripides; và các vở kịch “Hội đồng nữ giới” (392);  “Plutus” (388 tr. CN);   “Lễ tế thần” (411);    “Người Archrnien”  (425 tr. CN);

 

Lịch sử và hài kịch của Aristophanes

 

Trong số 11 vở kịch của Aristophanes còn lưu giữ tới ngày nay có 5 hài kịch châm biếm chính trị; 2 hài kịch phê bình văn chương, số còn lại thuộc về triết học và xã hội.  Kịch của Aristophanes  phản ánh đầy đủ hiện thực xã hội, chế độ chính trị ở quốc gia thành bang Athen. Plato nói:

-    Ai muốn biết lịch sử quốc gia thành bang Athen chỉ cần đọc hài kịch của Aristophanes là đủ.

 

Nguyên văn tiếng Hy Lạp thì tên nhà ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại viết là Aisopos.   Người ta biết rất ít về cuộc đời người nô lệ (ở đất Phrygie thuộc Tiểu Á) được giải phóng tên là Esope ( thế kỷ 6 tr. CN), vì vậy đời Esope mang nhiều nét truyền thuyết.  Ông từng đi chu du Athen, Corinth, Delphes.

 

Hổ chết để lại da,người ta chết để lại tiếng

 

Esope dị hình (gù lưng, bụng phệ, tay ngắn, răng thô, mũi hếch, da đen) đã thế lại nói cà lăm.   Theo luật bù trừ của Tạo hóa, bù lại các khiếm khuyết ấy, Esope có trí thông minh tuyệt vời và tài ứng đối sắc sảo. Hình như câu nói:”Dị dạng kỳ tài”cũng có lý của nó trong trường hợp Esope.  Ngụ ngôn Esope mở đầu cho truyền thống ngụ ngôn trong văn học dân gian và văn học bác học ở châu Âu và Arập.

 

Planude (thế kỷ XIV) đã sưu tập truyện ngụ ngôn viết bằng văn xuôi tiếng Hy Lạp của Esope và cho xuất bản trong cuốn sách “Cuộc đời Esope”. Theo Planude, ngụ ngôn của Esope là những câu chuyện rất ngắn gọn, không hề có tham vọng văn chương, kết thúc bằng một bài học luân lý.  Ngụ ngôn của Esope có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần đương thời.  Phải chăng vì thế  mà có hiềm khích không tuyên chiến với các thầy Tư tế của tôn giáo đương thời. Esope bị vu cáo đã xúc phạm  đến việc thờ cúng ở đền Apollo ở thành phố Delphes, bị ném từ  trên núi cao xuống vực thẳm. Thần Apollo (theo Thần thoại Hy Lạp thì Apollo là Thần Anh sáng) bất bình trước hành động tàn bạo đó, đã giáng bệnh dịch xuống trừng phạt dân thành phố Delphes (nguyên văn tiếng Hy Lạp là Delphoi, tiếng Đức lại là Delphi, tiếng Pháp là Delphes).

 

Cái hóm của Esope

 

Trong một buổi dạ tiệc, những người cùng ăn một bàn đố nhau và giải câu đố như các nhà thông thái hay làm.  Chủ của Esope cũng tham gia, nhưng tranh cãi (lấy được) như ở trường học.

Thấy chủ mình không có lý mà cứ hăng tiết, Esope nói:

-   Khi Tửu thần ban tặng rượu cho con người thì giót cho 3 ly và chỉ cho cách uống: ly thứ nhất  cho khẩu vị; ly thứ hai cho sự vui vẻ; ly thứ ba cho sự tức khí.  Ông chủ đã uống cạn 2 ly cho khẩu vị và cho sự vui vẻ.  Nếu ông chủ muốn tức khí thì hãy đến trường học.

 

Thói quen của nhà ngụ ngôn

 

Các câu chuyện ngụ ngôn hay nói về vật, nhưng ngụ ý rút ra một bài học luân lý cho con người.  Theo Esope cái gì cũng phải học, kể cả khi đã già:

-   Hãy đừng ngượng học hỏi khi về già: học muộn còn hơn là không bao giờ.

Trong cuộc sống, Esope khuyên nên biết chia vui với thành công của người khác:

-   Nếu ai đó gặp may, đừng ghen tỵ với anh ta mà hãy chia vui  cùng với anh ta. Thành công của anh ta cũng là của bạn. Kẻ nào ghen tỵ, kẻ đó tự hành hạ mình.

Esope còn cho ta  một lời khuyên về cách đối nhân xử thế giữa kẻ mạnh người yếu:

-   Hãy quan tâm tới kẻ hèn yếu, ban phước cho họ để  họ không những chịu khuất phục bạn, mà còn tôn trọng bạn như một người tốt bụng.

Theo Esope, thì hiểu biết mang lại nguy hiểm, nên khuyên:

-  Những gì bạn nghe thấy nơi cung đình thì hãy để chúng chết đi trong thâm tâm bạn, còn hơn là bạn phải chết yểu.

Ông bảo:

-  “Kẻ xấu xa”  đang và sẽ làm việc ác, không vì một cái gì cả.

 

 

LỜI BÌNH:  Theo nhiều học giả về Hy Lạp, Homer là nghệ sĩ dân gian có công sưu tầm, chỉnh lý những tác phẩm còn truyền miệng hồi đó như  bài ca  truyền thuyết “Chiến tranh thành Troy”, “Ilias”, “Odysse”. Những truyền thuyết này mãi lâu sau mới được ghi lại bằng văn tự in thành sách.

 

Hai bản anh hùng ca “Iliat”, “Odysses” từng được coi là thánh kinh của người Hy Lạp, thường được nhắc tới khi nói về văn học thế giới. Hai bộ sách “Ilias”    “Odysse” vừa có giá trị văn học, đồng thời lại có giá trị sử học, nên được gọi là Sử thi.  Nó phản ánh trình độ văn minh, phong tục tập quán, quan niệm về đạo đức, tôn giáo của Hy Lạp cổ đại.   Hai sử thi trên có ảnh hưởng  to lớn đến văn hóa, giáo dục, được xem là nền tảng đạo đức, là những tác phẩm văn học mẫu mực cho những thế hệ sau ở Hy Lạp. Bielinski đánh giá:

-  Homer là cha đẻ của văn học Hy Lạp.

 

 

*

Sophocle sống trong thời kỳ thành bang Athen phồn thịnh nhất, dưới một chính quyền dân chủ đem lại cho mọi công dân ý thức trách nhiệm.  Trong khi Aeschyle nói tới quyền lực của thần minh trong kịch thì ta thấy trong kịch của Sophocle động cơ tâm lý quyết định số phận nhân vật, qua đó quan hệ con người trong kịch trở nên thật hơn, tình tiết dẫn đến cốt truyện phong phú hơn, ngôn ngữ gần với đời sống hàng ngày, ý nghĩa nhân văn được đề cao lên một bước.

Sophocle được mệnh danh là “nhà thơ của thời kỳ dân chủ cực thịnh – thời đại Péricles”.  Trong số 6 người con của ông có Iophon, Ariston cũng là những nhà viết bi kịch nổi tiếng

*

Trong gần 50 năm sáng tác, Euripides viết 90 vở kịch, ngày nay còn lưu giữ được 18 vở.  Kịch của ông đề cập đến nhiều vấn đề chính trị đương thời, các xung đột tâm lý-xã hội như vị trí của phụ nữ, vấn đề nô lệ. Kịch của ông  phản ánh cuộc khủng hoảng xã hội, chiến tranh liên miên làm tinh thần của Athen bị giảm sút, dẫn tới sự  suy tàn của quốc gia thành bang Athen.

Lúc đương thời, kịch của Euripides không được hoan nghênh.   Euripides là hậu sinh của Aeschyle  gần nửa thế kỷ, của Sophocle gần 20 năm.  Ông sống trong thời kỳ đầy biến động: mâu thuẫn giữa các phe phái. Quân Sparta xâm lược, Athen dân chủ thua, một nền chuyên chế độc đoán thay thế.   Vì vậy ông được mệnh danh là thi sĩ thời kỳ dân chủ Athen suy tàn.   Aeschyle, Sophocle, Euripides là ba bi kịch gia lớn của Hy Lạp cổ đại.

*

Hài kịch Hy Lạp xuất hiện sau bi kịch một nửa thế kỷ.  Aristophanes được coi là cha đẻ của hài kịch.  Ông là người hay luận chiến.   Aristophanes là người phát ngôn của nông dân bảo thủ chống lại tham vọng của nhóm thiểu số cầm quyền, chống bạo lực, chính sách mị dân. Aristophanes dùng kịch làm phương tiện đấu tranh chính trị.  Trong kịch của ông đan xen cái thi vị có cả cái thô tục. Kịch ông được đông đảo công chúng hâm mộ.

Hai kịch gia Pháp Racine và Maurice Donnay  đều có chịu ảnh hưởng ít nhiều ở Aristophanes.  Ngày nay, hài kịch  “Plutus”,    “”Chim”  của Aristophane vẫn được công diễn trên sân khấu Paris, Pháp.

*

Esope để lại cho đời sau 400 ngụ ngôn. Ngụ ngôn của Esope được mến mộ ngay từ thế kỷ V  trước Công nguyên, được đưa vào tất cả các nền văn học ở châu Âu và Arập, được Demetrios sưu tập,; được Babrias kể lại bằng thơ.  Ngụ ngôn Esope trở thành mẫu mực cho các nhà ngụ ngôn các thế hệ sau này, trong số đó có Phedre, La Fontaine.

 

*

Homer, Euripides, Aristophanes, Esope, Sophocle là những người làm nên nền văn  học nhân văn “tiêu chuẩn và mẫu mực” . Văn học Hy Lạp cổ đại với hệ thống các thần là nguồn cảm hứng vô tận cho sự phát triển của văn học phương Tây.  Thực ra làm gì có thần. Cũng chưa ai nhìn thấy thần.  Chưa ai từng sống ở vương quốc của các thần. Người Hy Lạp cổ đại tránh né việc động chạm trực tiếp với con người trần tục nên đã dùng một “tấm gương” cực kỳ lớn để soi chiếu đời sống xã hội Hy Lạp với tất cả vẻ đẹp cùng những xấu xa dơ bẩn.  Họ gắn cho mỗi thần một số khả năng , đức tính cùng thói hư tật xấu mà ai cũng thấy ở xã hội người Hy Lạp, rồi bảo những gì con người ngước mắt nhìn thấy trong gương là thần và những chuyện của thần. Từ vua chúa đến thần dân, ai ai cũng cho là như vậy và chẳng ai nổi giận khi thấy thói hư tật xấu,  vì ai cũng cười xoà cho đó không phải là lỗi của mình. Ai cũng biết văn học phản ánh hiện thực. Nhưng người Hy Lạp cổ đại lấy sân khấu (hiện thực được hư cấu) làm nơi nghe dư luận xã hội, dân chúng để lựa chọn những mô hình xã hội phù hợp.  Điều này ta thấy rõ nét trong cuộc sống, lối nghĩ và hành động của các nhà thông thái Hy Lạp cổ đại.  Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic.

 

Khi trong xã hội Hy Lạp không còn tự do và dân chủ thì cũng là lúc văn học nghệ thuật Hy Lạp từ từ tàn úa. Từ khi Hy Lạp giành được  độc lập từ tay đế chế Ottomanmn Thổ Nhĩ Kỳ năm 1829, đất nước này đã trải nghiệm nhiều hình thái chính phủ nhưng vẫn chưa tạo ra được một thời vàng son như trong quá khứ - thời cổ đại.  Hy Lạp đang nỗ lực để mong có được một chỗ đứng trong cộng đồng châu Âu./.

 

 

Lương Văn Hồng
Số lần đọc: 3422
Ngày đăng: 09.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhiệt Kế - Nhiệt Kế
Phù Thăng - Xuân Sách
Một khúc sông buồn tiễn người qui cố xứ - Liêu Thái
Nghi Chép Mỗi Sớm Mai - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may - Trần Áng Sơn
Lãng Du Trong Văn Học Áo - Lương Văn Hồng
Tiễn Khương Bình - Huỳnh Thúy Kiều
Hoa Đạo Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Về tìm chiếc giày bảy dặm - Nguyễn Thánh Ngã
Ngày bãi trường - Mai Văn Sang