Một vùng quê mênh mông cát là cát, những đụn trắng trải dài nối nhau bởi những con đường khúc khuỷu lát lưa thưa vài cục đá. Mùa hè nắng đổ lửa, cát dưới chân nóng như rang trên chảo. Thằng Hùng vẫn hì hục đào bới những cái hố nho nhỏ mỗi chiều vài gang tay rồi lót xuống một cành gai dại – những cái bẩy để sập mấy đứa bạn cùng trang lứa hay chọc ghẹo nó: - “ Nhà mày vô phúc rồi ! Ông bà nội thì giàu, bố mẹ mày thì nghèo”.
Bố mẹ nó nổi danh cả vùng này về việc ăn ở chung với ông bà nội nhưng không hiểu ai xúi bậy mà đấu tố cha mẹ mình rằng họ là những kẻ bóc lột, rằng bố mẹ nó ở đợ cho ông bà Phước rồi bị bắt làm lụng tối mặt tối mày mà ăn uống thì kham khổ đạm bạc,… Nói thật, đất mênh mông cát là cát, trồng cây gì cũng chẳng lớn nổi, mùa màng thì thất bát liên miên nên có ăn là may mắn lắm rồi. Có chút của ăn là do ông nội nó buôn bè, buôn đò dọc mà có chứ nào bóc lột của ai đâu. Nhưng kết quả sau vụ đó là căn nhà ngói ba gian của ông bà Phước được chia cho ba gia đình cốt cán trong đợt cải cách, bố mẹ Hùng cũng được một gian. Người quê gọi những thứ trên trời rơi xuống đó là “ quả thực” – nó như một món qùa không xứng đáng hoặc nó là món nợ ở đời. Cái chái bếp nằm ngang phía đầu dãy nhà chính cũng đươc chia cho Cháu Cơ - người không có bố mẹ gốc tích mà ông bà Phước nhặt từ chợ khi còn nhỏ về cho chăn trâu cắt cỏ rồi dựng vợ gả chồng. Còn ông bà nội và chú ruột cô ruột của hắn thì phải qua nhà ông Tư Niệm tá túc. Ông Tư Niệm là bạn buôn bè với ông Phước, thương bạn mà cưu mang chứ tiếng ong tiếng ve nghe đến nhức óc. Thỉnh thoảng thằng Hùng cũng chạy lên thăm ông bà nội, nhưng bố mẹ hắn thì cấm tiệt.
Lớn lên chút nữa, nhờ xuất thân từ thành phần bần cố nông của bố mẹ nên Hùng rất hãnh diện với đám bạn bè. Người làng nói rằng thằng Hùng có tố chất của ông nội nó: thông minh, cần cù chịu khó và rồi nó không thành công thì cũng thành nhân trong đời. Hùng học thông minh nên một mạch lên đại học mà là đại học ở vùng Viễn Đông Liên Xô hẳn hoi. Tốt nghiệp ngành vận tải biển, Hùng về nước đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Một thời hắn cũng ngang dọc bôn ba mà buôn thứ này, bán thứ nọ. Gặp chiến hữu như bọn chúng tôi, Hùng thường thanh minh:
- Tụi tao phải nhặt tiền cắc, tất cả cũng chỉ “Cốc mò, Cò xơi thôi!”. Hải quan cửa khẩu chẳng bỏ vốn mà lãi ròng.
- Nhưng họ cũng mất tiền mua nghề hái tiền. Cậu Nam đế vào.
- Chúng nó toàn ăn tiền bẩn. Hùng khẳng định.
- Sao mày tài thế? Tiền nào thì sạch, tiền nào thì bẩn? Tôi ngạc nhiên.
- Thằng Bình “tồ” chẳng lẫn đi đâu được. Mày chỉ xứng danh con mọt sách thôi. Sao mày có thể phân biệt được mùi tiền! - Hùng cao giọng với tôi.
Hùng lênh đênh trên biển mấy năm ròng, hắn đã mua được căn nhà phố ở Bùi Thị Xuân, quận Nhất thuộc làng viễn dương hẳn hoi, lại nghe đâu còn mấy lô đất bên Thảo Điền. Thỉnh thoảng có gặp bạn bè thì Hùng lại than thở: “Chiều chiều nhìn mây nước cũng đủ ớn lạnh. Chẳng qua là cái nợ đời thôi. Nghĩ cũng kinh! ”. Có dạo Hùng và mấy tay cùng tàu liên kết với khách trên bờ làm một vụ lớn, đến nỗi bị khởi tố về tội buôn lậu. Được chồng và con bà Lành ở Viện kiểm sát lo giùm. “Rẻ thôi!” - Hùng thường thanh minh với mọi người mỗi khi hắn lo chuyện đại loại như thế.
Sau vụ đó Hùng lên bờ và chạy được một chân phó giám đốc xí nghiệp sửa chữa tàu thuyền, theo lời Hùng: “ Rẻ thôi, chỉ mất vài chai!”. Có trời mới hiểu hết tiếng lóng của thằng bạn nối khổ thuở thiếu thời. Hùng vốn năng động và thông minh, người làng vẫn bảo rằng nó có gốc ông nội nó trong người, nghĩa là Hùng được hưởng những đặc tính tốt từ gene di truyền của ông nội. Hắn làm kinh tế thuộc loại pro (professional - có nghề). Bắt đầu mở cửa, Hùng lập tức bay sang Viễn Đông thăm dò. Liên Xô đang tan rã, người ta tha hồ tư nhân hoá hoặc tranh thủ chia chác. Mỗi người dân được phát cho một “ tài sản” bằng tờ giấy và chúng mất giá ngay khi vừa nhận từ tay Tổng thống. Dịp đó Hùng rước về bốn cái tàu cánh ngầm hiệu “ Hải Âu” (Traika) để phát triển du lịch. Hùng lại phải thanh minh cho mọi người trong ngành: “ Chẳng qua cũng vì cái nợ đời mà em phải bươn chải !”. Bốn chiếc tàu cánh ngầm mua hết 200 ngàn Mỹ kim được Hùng mua bảo hiểm ngay cho mỗi cái 100 ngàn. Ba tháng sau khi chạy thử, công ty bắt đầu khai thác thì một tàu “ tình cờ” không may va phải đá ngầm hỏng hết. Hùng thắng quả đậm, thu về một nửa số vốn mà còn dư những ba tàu. Vốn liếng đã xủng xẻng, hai năm sau thì Hùng tự nguyện về hưu sớm rồi thành lập một công ty dịch vụ sửa chữa và vận tải thủy. “Mình là dân quê, nên công ty phải đóng ở tỉnh lẻ thôi” – Hùng tâm sự với đám bạn bè, “ Ra ngoài đó dễ thở hơn mà công việc thì đâu có khan hiếm gì”. Hàng tuần nó bỏ hẳn thú ăn chơi ở thành phồ để về tỉnh lẻ, như nó nói, để điều hành công ty, thi thoảng lắm mới gặp hắn và lại được nghe câu than: -“ Chao ôi, nợ đời cả thôi!”. Ừ nhĩ, hắn giàu có ai bằng. - “ Của nả của mày có khi dùng sang đời chắt đời chiu vẫn chưa hết cơ mà! ”. Nghe tôi đùa, hắn nói: - “ Miệng ăn núi cũng lở mà Bình!”.
Nước Nga một thời kỳ cái gì cũng thiếu, Hùng nói: - “ Chỉ có nơi lộn xộn, buổi giao thời mới có thể phát triển kinh doanh được”. Nói là làm, bản tính Hùng là vậy. Vài ngày sau đã nghe nói hắn bay sang Nga làm ăn. Những chuyến hàng tiểu ngạch của người Việt chuyển qua được Hùng chú ý nhất. Ban đầu chỉ là thăm dò thị trường, nhưng rồi cậu ta trở thành cánh tay đắc lực của hải quan Nga khi nào không hay. Kinh nghiệm buôn bán mà Hùng học từ những người làm thuế dạo ấy đã được áp dụng triệt để. Hùng lại là người không phải bỏ vốn mà vẫn có lãi. Hùng giàu lên một cách nhanh chóng, thành nguyên soái như người Việt vẫn gọi các đại gia. Nhưng ở đời sự giàu không đi liền với hạnh phúc. Hùng có vợ bé. Cô gái Nga sinh cho Hùng một cậu bé lai kháu khỉnh. Nhưng rồi những chuyến làm ăn vùng Viễn Đông xa xôi không giữ được người vợ xinh đẹp. Hùng bình thản thanh minh: - “ Nợ đời cả thôi!”. Rồi Hùng lại có vợ mới – một cô gái vùng châu thổ sông Hồng xinh đẹp. Thanh là một cô gái mới lớn, theo bạn bè sang Nga lập nghiệp ngay sau khi vừa học xong ngành báo chí. Tính Thanh thích phiêu lưu và lang thang đây đó. Dù ở Matxcova này Thanh chỉ là người kinh doanh quần áo và vài thứ hàng mỹ phẩm. Sau khi sinh con đầu lòng Thanh càng xinh đẹp. Gái một con trông mòn con mắt – như thành ngữ tiếng Việt đã nói. Hùng thường bận việc ở các cảng và sân bay, nhưng kể từ khi bị gãy chân do chơi bóng đá cậu ta chỉ biết nằm nhà. Những buổi chiều hè dài dằng dẳng tận 22 giờ đêm mà trời vẫn sáng, cậu ta không ngủ được chỉ vì Thanh chưa về. Những buổi chiều mùa đông tắt sớm, tuyết rơi trắng xóa cả khu vườn, Hùng ta cũng chỉ một mình. Thanh đi đâu và làm gì? – Đó là những câu hỏi triền miên trong đầu cậu ta. Tiếng đồn phong phanh rằng Thanh cặp bồ với ông Khánh bên Cửu Long càng làm cho Hùng tức tối: “ Một lũ ăn cháo đá bát! Hùng từng cưu mang chúng nó những buổi đầu tới Nga làm ăn. Giờ giàu có lại dở quẻ. Ngay đến cả vợ bạn mà chẳng tha,…”. Cứ thế, đầu óc Hùng rối bời. Trong samsonite của cậu ta có gần triệu đôla, vậy mà về tình cảm thì bất lực. Gần cả năm nay Thanh xem Hùng như người thừa. Hận thật! Lại nợ đời cả thôi! Cuối thu trời se lạnh, Thanh về sớm và báo tin với Hùng rằng Hùng phải tự chăm sóc mình. Từ ngày mai trở đi Thanh không về căn hộ này nữa và đương nhiên bé Bình Minh cũng phải được gửi nhờ mấy dì chăm sóc. Đến nước này thì cùng đường. Hai vợ chồng cãi vả khá lâu. Thanh thách Hùng làm gì được thì làm. Hùng ngồi xe lăn cố đến gần Thanh, nhưng cô ta chủ động tấn công, xô ngã cả chiếc xe. Tiện tay, Hùng cầm bình xịt của Đức bơm xối xả vào mặt Thanh. Thứ thuốc mê liều mạnh đã làm Thanh ngất xỉu. Sự thù hận lâu ngày không thể kiềm chế, cứ thế bùng lên. Hùng không tha mà còn xịt thêm. Thanh lịm dần, lịm dần rồi ngưng thở. Căn phòng trở nên tỉnh lặng. Hùng ngồi ngây người dễ đến nửa tiếng đồng hồ mà chẳng biết làm gì. Sự thù hận và độc ác tự nhiên biến mất. Một nỗi buồn và sợ hãi lấn chiếm cả tâm hồn hắn. Làm gì đây? Báo công an ư? – Không được! Nó sẽ bị bắt ngay cùng triệu đôla. Hùng cứ suy tính mãi, cuối cùng lóe lên tia hy vọng: phi tang rồi loan tin rằng Thanh đã bỏ đi theo trai. Nghĩ tới đó là hắn làm. Hùng dã man đến độ cứ việc xẻ vợ như làm một con lợn vậy. Ba cái bao đựng xác được hắn chở đi vứt lung tung. Hùng lái xe đến một vài người bạn thông báo: “ Cô ấy đã bỏ đi”.
Hùng sắp xếp chuyến bay về nước thật trọn vẹn. Vài chiến hữu lái xe đưa cậu ta ra sân bay. Các thủ tục xuất cảnh làm đã xong, chỉ chờ bước qua đồn biên phòng nữa là thoát. Nhưng Hùng bị công an giữ lại, họ còng tay hắn ngay. Mọi việc thế là hết. Người ta đọc lệnh bắt giam kẻ sát nhân. Hắn cúi gầm xuống nghe lệnh. Thì ra có người dân Nga vớt bao tải xác vợ hắn và đọc được số điện thoại của Khánh trong túi áo. Khánh thông báo ngay cho Sứ quán và cho công an Nga về sự cố này.
Hôm Tòa thành phố xử vụ án giết vợ của Hùng, nhiều người vừa thương vừa giận. Mấy đứa con bà vợ cả và tôi ngồi ngay sau lưng cậu ta. Thỉnh thoảng Hùng có ngoảnh đầu lại chào chúng tôi. Bây giờ thì câu nói cửa miệng của Hùng lại vấn vào mạng sống của hắn. Chủ tọa phiên tòa có đưa ra lý do dẫn đến tai nạn đáng tiếc, chứ không phải tội cố ý. Hùng bị tuyên án chung thân. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi thăm hắn ở trại Bố Lá. Hùng rắn rõi và nghiêm nhị hơn xưa. Cũng may cho hắn vẫn còn có cơ hội sống để chiêm nghiệm lời nói cửa miệng: Nợ đời cả thôi!./.
(Truyện đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ CN, số 47).