Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.211.776
 
Hồn biển của Tuy Phong
Phan Chính

Tôi đến Tuy Phong vào những ngày hè nhưng trong tôi vẫn liên tưởng đến tựa một tập thơ của Huỳnh Hữu Võ, tác giả người Tuy Phong: “Tháng giêng gió thổi mù như khói”. Ngọn gió tháng năm ở vùng đất có khí hậu nhiệt đới và khô hạn thấp nhất nước, không những là “Tháng giêng” mà ai cũng có thể cảm nhận được cái mênh mông đất nắng gay gắt ở đây. Dọc theo đường Quốc lộ 1A, ra khỏi miền đất lưu giữ di sản vương triều Chămpa Bắc Bình hướng ra Phan Rang là đi ngang địa phận Tuy Phong như đi vào vùng sa mạc, đồi dốc là những bãi cát trắng xóa hoang sơ, những lùm cây xanh lẻ loi bóng lá. Tôi không đếm hết nhưng biết rõ bên con đường thiên lý ở địa bàn này có cái lạ là rất nhiều ngả ba hướng về biển Đông, vì đó là những làng chài của cư dân đầu tiên đến đây lập nghiệp trải dài 50 cây số và nay là thị tứ rộn ràng thuyền máy, nhà xây. Đó là Phan Rí Cửa, Chí Công, Bình Thạnh, Phước Thể…Dọc theo con đường ven biển được mở từ mấy năm gần đây mới thấy cái mịt mù gió cát không còn là sự khắc nghiệt cho mầm sống tiềm ẩn của những địa danh, di tích lịch sử có giá trị văn hóa rất đặc thù, những cảnh quan thiên nhiên độc đáo của bờ biển địa đầu tỉnh Bình Thuận. Cái lạ lẫm của Cù Lau Câu, Cổ Thạch, Mũi La Gàn, Gành Son…là những kỳ quan bằng đá với những bãi đá cuội tự nhiên như một sự xếp đặt ngẫu hứng của đất trời vừa tạo ra những vịnh biển thanh bình, yên ả.

 

Địa danh Chùa Hang (Bình Thạnh) đã trở thành quen thuộc với khách hành hương, với những tuyến du lịch tín ngưỡng của nhiều tỉnh phía Nam, cao điểm là những ngày cuối tháng 5 hàng năm, ngày Tết…Chùa Hang có một địa hình giao tiếp giữa núi rừng và biển cả. Những tảng đá chồng chất lên nhau đủ hình thù kỳ lạ chen lẫn với những cây rừng xanh rợp để lúc bình minh hoặc trong khoảnh khắc hoàng hôn người ta có thể thấy sự lung linh, huyền ảo. Ngôi Cổ Thạch Tự (Chùa Hang) ban đầu là một thảo am được thiền sư Bảo Tạng tạo lập từ năm 1835, lúc ấy chỉ là một hang đá sâu trong lòng núi. Lời truyền tụng về hang động tu thiền này có nhiều ngỏ, có thể đi luồn ra đến bờ biển. Hấp dẫn là rất nhiều con đường len trong vách đá, hang động, rồi từng bậc thềm leo lên đồi cao…mà vẫn loanh quanh trong cái không khí trầm mặc của một môi trường tinh khiết tràn ngập gió biển và tiếng sóng xa. Nhưng ngày nay với hàng loạt công trình thờ phượng có thêm nhà Tổ, gác Chuông, nhà Thiền, các tượng Phật Thích ca, Quan Thế âm …vẫn giữ được sự tĩnh lặng và nhất là một mội trường vệ sinh xanh, sạch. Hai dãy gian hàng đồ mỹ nghệ, ẩm thực, thờ cúng trong khu vực chùa ngăn nắp và thoáng sạch hơn nhiều khu du lịch cộng đồng trong tỉnh mà tôi từng đến.

 

Xóm chài hiu hắt La Gàn ngày xưa, nay chỉ còn là ký ức, những gian nhà lá cây rừng đã nối kết nhau thành những căn phố bên con đường nhựa phẳng phiu, đêm sáng điện. Nhiều ngư dân đã chuyển sang nghề làm dịch vụ du lịch, nào nhà trọ, quán ăn, giải khát…Đêm ở Bình Thạnh cũng có chợ và khách xa tấp nập bên quán cốc thưởng thức hương vị hải sản hoặc tìm mua nước mắm, mực khô, rong biển, nghêu sò…Có lẽ mũi đá Cổ Thạch và mũi La Gàn đã tạo ra một cái vịnh nước êm đềm cho Bình Thạnh nên các mùa sóng nước vẫn hiền hòa, ấm áp. Hình ảnh ngun ngút cát trắng chỉ lùi lại trên đồi động khô cằn để cho phần còn lại trải dài bờ biển ở đây là những bãi đá cuội đủ sắc màu, lặng lẽ. Những hòn đá nhẵn bóng, tròn lẵn như quả trứng lớn nhỏ và thay hình đổi dạng chồng chất lên nhau như đang lấn dần vào sóng biển. Mỗi bước chân đi dù thật nhẹ vẫn nghe được tiếng lao xao như âm thanh vang vọng của thao thức, của réo rắt từ thưở xa xưa. Ngoài cổng chào vào Khu du lịch Bình Thạnh- Chùa Cổ Thạch được xây dựng khá hoành tráng trên một con đường mới mở kéo dài cho một dự án công viên xanh hàng chục mẫu làm điểm nhấn du lịch Tuy Phong.

 

Như một lẽ công bằng của thiên nhiên, trên hai phần ba phần đất Tuy Phong là đồi núi khô khốc, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại bù vào đó những trầm tích của vùng đất biển của những bãi bờ, di tích gắn với những huyền thoại ly kỳ. Những bãi Đá Chẹt (Vĩnh Hảo), bãi Đầm (Phước Thể), bãi Trọ (Bình Thạnh), bãi Dẻ (Chí Công)…còn mang nét hoang sơ, mộc mạc. Trên 178 năm thành lập huyện Tuy Phong, qua bao chặng đường lịch sử, từ di tích sơn phòng núi Kên Kên (Phong Phú) để nhớ lại thời kỳ nghĩa quân Cần Vương trong cuộc chống Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Rồi chùa Phước An là nơi ghi dấu chân Bác trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước hồi đầu thế kỷ 20. Hào khí của một vùng đất nắng và gió cát nhưng lung linh sức sống, ý chí của con người ở đây để dần dần lớn dậy như nguồn nước hai con sông Lòng Sông, Sông Lũy đang thấm đậm vào đất rễ cho vườn xanh, bóng mát và tiến đến một “thủ phủ Liên Hương” của Tuy Phong với một diện mạo đô thị mới của Bình Thuận nay mai. /.

 

Phan Chính
Số lần đọc: 3045
Ngày đăng: 09.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhiệt Kế - Nhiệt Kế
Phù Thăng - Xuân Sách
Một khúc sông buồn tiễn người qui cố xứ - Liêu Thái
Nghi Chép Mỗi Sớm Mai - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may - Trần Áng Sơn
Lãng Du Trong Văn Học Áo - Lương Văn Hồng
Tiễn Khương Bình - Huỳnh Thúy Kiều
Hoa Đạo Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Về tìm chiếc giày bảy dặm - Nguyễn Thánh Ngã
Ngày bãi trường - Mai Văn Sang
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)