Lữ Quỳnh tên thật là Phan Ngô, sinh năm 1942, tại Thừa Thiên – Huế. Đã viết trên các tạp chí Bách Khoa, Mai, Phổ Thông, Ý Thức, Thời Nay, Thời Tập, . . . và nhiều tạp chí khác trước năm 1975 ở Việt Nam và Văn Học, Khởi Hành, . . . sau năm 2001 ở hải ngoại.
Tác phẩm đã in:
- Cát Vàng (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1971)
- Sông Sương Mù (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1973)
- Những Cơn Mưa Mùa Đông (Truyện dài, Nam Giao Sài Gòn, tháng 12 năm 1974, Thư Quán Bản Thảo tái bản năm 2010)
- Vườn Trái Đắng (Truyện dài, đăng nhiều kỳ trên Ý Thức, 1971 – 1972)
Những Cơn Mưa Mùa Đông xoay quanh ba nhân vật chính, chú bé Vũ, ông già, và mẹ của Vũ. Hai nhân vật phụ là Cung (bố của Vũ) và người đồn trưởng (chồng sau của mẹ Vũ). Câu chuyện xảy ra ở một vùng quê miền Trung không tên. Những cơn mưa mùa Đông lạnh lẽo bao trùm lên vùng đất này, xóa nhòa những nét đặc thù, biến nó thành một vùng quê tổng quát hiện thân của bao nhiêu vùng quê miền Trung khác. Số phận của người ở địa phương trong quyển sách này cũng đầy cay đắng mỉa mai như số phận của đa số dân quê miền Nam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Thời điểm câu truyện xảy ra vào khoảng phân nửa cuối của thập niên 60, độ khốc liệt của chiến tranh dần dần leo thang. Truyện bắt đầu từ lúc Vũ là cậu bé mười một tuổi cho đến khi cậu sắp thi Tú Tài, chừng 16 tuổi. Bố của Vũ, ông Cung, đã vào chiến khu. Mẹ Vũ sau một thời gian chờ đợi trong vô vọng đang chuẩn bị bước thêm bước nữa. Chiến tranh trở nên sôi động, ông nội của Vũ gửi cháu lên thành phố học và nhân dịp Tết Vũ về thăm ông.
Chủ đề chính của quyển sách miêu tả sự xung đột nội tâm của ba nhân vật chính trong hoàn cảnh chiến tranh. Mỗi nhân vật bị dày vò với một nỗi khổ tâm riêng. Nếu dựa vào lý thuyết phân tích tâm lý học của Sigmund Freud người đọc dễ dàng nhận ra tâm trạng của Vũ được xây dựng trên sự biến dạng của hiện tượng Oedipus. Vũ rất yêu mẹ và sự thay đổi trong thái độ của mẹ (khi người mẹ bắt đầu yêu một người đàn ông khác) làm chú bé có cảm tưởng mình không còn được mẹ yêu thương. Người cha vắng mặt đã lâu nên không là đối tượng tranh giành tình cảm, trái lại, sự vắng mặt của ông lại là sự hiện diện thường xuyên trong tâm hồn Vũ. Trong cơn mưa dai dẳng mùa đông, nỗi nhớ bố của chú bé đủ mãnh liệt để biến thành giấc mơ gặp cha trên đồi đầy nắng.
Đứa trẻ nằm mơ thấy hắn vượt qua không biết bao nhiêu đồi cát dưới ánh sáng chói loà bởi cát và mặt trời. Hắn thấy ẩn hiện phía trước mình một người đàn ông, khi trên đồi lúc dưới lũng thấp, theo từng bước chân đứa trẻ vượt qua. hắn nghe mơ hồ trong không gian có giọng nói dội lên huyền hoặc cho hắn biết rằng: người đàn ông đang ẩn hiện phía trước là cha hắn. Đứa trẻ cố sức vượt lên, nhưng khoảng cách giữa hai người không bao giờ thu ngắn lại được.
Vũ là một chú bé nhạy cảm nên một cử chỉ vô tình hất hủi của mẹ đủ để làm tổn thương tâm hồn Vũ. Khi mẹ lập gia đình với một người đồn trưởng, người đàn ông này trở thành đối tượng chính tranh giành tình cảm với Vũ. Đồn trưởng và bố của Vũ đối nghịch nhau ở hai bờ chiến tuyến càng làm Vũ hằn học với ông đồn trưởng nhiều hơn. Đồn trưởng là hiện thân của uy quyền và tuổi trẻ thường không muốn bị uy quyền khuất phục thêm một lý do cho Vũ ghét ông chồng sau của mẹ. Ngoan ngoãn, hiền lành, nhạy cảm, Vũ mang nhiều xung đột trong nội tâm. Thương ông muốn ở với ông để giúp đỡ ông nhưng phải vâng lời ông đi học xa. Vâng lời ông, Vũ không tham gia họp kín tổ chức biểu tình chống chính phủ, điều này lại làm Vũ có mặc cảm hèn nhát với Thông, bạn học của Vũ. Thương mẹ, nhớ mẹ nên muốn đi thăm mẹ và mỗi lần thăm mẹ gặp người chồng sau của mẹ Vũ lại có cảm giác mất dần người mẹ trong tâm hồn mình. Đôi khi:
“Vũ cảm thấy thù hận mẹ. Nhưng khổ nỗi, tình thương mẹ vẫn chưa chết hẳn trong lòng hắn. Do đó, bằng tâm trạng ngồn ngang với những tình cảm mâu thuẫn đã làm Vũ khốn khổ vô cùng. Bên cạnh sự căm phẫn, đôi khi Vũ cảm thấy nhớ nhung khuôn mặt xa xưa của mẹ, khuôn mặt của những ngày hắn còn thơ dại, khuôn mặt với đôi mắt dịu hiền như dòng sông êm đềm mỗi khi bà kể câu chuyện nồng thắm về người vắng mặt. Sự ra đi của cha Vũ đầy nét hùng tráng và lãng mạn như trong những bài hát của Phạm Duy một thời. Hắn không giấu niềm hãnh diện về cha, nhưng qua thời gian, đời sống khó khăn và những khổ đau chồng chất đã làm tâm hồn hắn oằn đi, chỉ còn những dỗi hờn và những đau đớn vô cớ. Chính những phút giây nhớ nhưng hiếm hoi về khuôn mặt xa xưa của mẹ đã làm Vũ nghĩ đến việc bỏ một ngày chủ nhật tìm thăm.”
Ông nội của Vũ, được gọi là ông già, Ông, hay Thầy, sống với nỗi buồn không có con ở gần để săn sóc ông. Ông có ba con trai thì con trai đầu vào bưng, có địa vị, nhưng không thể về gặp ông. Đứa con trai và đứa út qua đời. Người con trai út chết vì bị chém. Vũ là cháu đích tôn, lại rất giống bố nên mỗi lần nhìn Vũ ông cụ lại nhớ Cung, và càng buồn cho thân phận lá vàng khóc lá xanh của mình. Ông không màng vinh quang ông chỉ muốn gia đình sum họp, để ông được con trai săn sóc, và ông được nghỉ ngơi. “Nhắn với hắn là tôi già rồi. Tôi không mơ ước gì nữa hết ngoài việc mong sao gia đình sớm đoàn tụ…Tôi khổ lắm. Ông thấy đấy, chúng tôi đề khổ lắm. Tôi không còn tha thiết gì nữa hết. Tôi chẳng muốn cách mạng cách miết gì ráo. tôi muốn sống bình yên như mọi gia địh bình thường khác.” Chẳng những ông không được săn sóc ông còn phải bảo vệ và nuôi nấng Vũ, vì người con dâu mà ông xem như con gái không chịu được sự cô đơn như nàng Tô Thị nên lập gia đình khác để cháu lại cho ông nuôi. “Rồi niềm hy vọng vào người vắng mặt là cha Vũ; niềm hy vọng như một trái cây treo mãi tên cành đã hết mùa nhưng chưa thấy chín.” Ông cụ rất hay khóc. (Ai dám bảo đàn ông không biết khóc?)
Ông già đã âm thầm khóc như thế không biết bao nhiêu đêm. Nước mắt chảy xuôi với niềm hy vọng ngày thấy mặt cùng trở về chỉ làm da ông sớm nhăn nheo, tóc mau bạc trắng hơn thôi. Thân thể ông giờ như xác ve mỏng dính. Ông tự hỏi: không biết có còn đủ sức và niềm hy vọng có còn tươi xanh mãi cho đến giờ phút mà ông hằng mong đời trong suốt mười mấy năm qua?
Mẹ Vũ, được gọi là Chị, yêu hai người đàn ông có lý tưởng và tính tình trái ngược nhau. Chị có mặc cảm tội lỗi khi nghe cơ thể mình thao thức, chị khao khát yêu thương, nhan sắc vẫn mặn mà, mà chồng chị đi biền biệt không về. Điều khốn khổ là chị yêu kẻ thù của chồng chị một phần cũng vì hắn là biểu tượng của quyền hành và hắn có thể bảo vệ chị. Chị cố cưỡng lại thèm muốn của mình nhưng chị thua cuộc.
Trong một phút, chị không hiểu nổi lòng mình. chị cố gắng chống đỡ một cách gượng gạo, để cuối cùng người đàn ông vẫn kéo sát được chị vào lòng y. Một bàn tay y đưa ra gạt những giọt nước mắt trên má chị. Bàn tay đang di chuyển trên da thịt chị. Từ bao nhiêu năm rồi mới có một bàn tay ngập ngừng trên da thịt làm sao cảm giác chị không mù lòa được. Chị nhắm mắt lại. Hình ảnh người chồng xa xăm theo thời gian đã mất hút dễ dàng. Kẻ lạ mặt trong đêm mưa gió kinh hoàng không thể níu giữ nổi một hoài niệm dù nhỏ nhoi về người chồng vắng mặt. Có thể chị có nghĩ đến đứa trẻ xanh xao sau cơn bệnh nguy khốn đang chờ chị về với hộp thuốc bổ cùng với những đồ chơi bé bỏng trong chiếc sắc kia. Hình ảnh tội nghiệp của thằng Vũ lúc đầu tưởng không thê nào xóa nhòa được trong lòng, nhưng sau đó chị thấy mình lầm. Chị đã quên tất cả. Trong chị chỉ còn có biển cảm giác hực lửa.
Những đêm mưa gió bão bùng chị lắng nghe tiếng chân hy vọng người về. Và khi Chị bắt đầu yêu người đồn trưởng những mong chờ người về khi trước biến thành nỗi hoảng sợ lo lắng. Số phận của chị sẽ chẳng ngọt ngào nếu hai người đàn ông chị yêu gặp nhau. Họ là kẻ thù của nhau vì họ chiến đấu cho hai mặt trận đối nghịch nhau. Vũ vì quá giống bố nên mỗi lần nhìn Vũ chị nghĩ đến chồng và mặc cảm tội lỗi càng xâu xé chị. Bản chất trẻ, thèm yêu khát sống của người đàn bà trẻ tuổi này càng bộc lộ mạnh hơn khi đối diện với chiến tranh, sự sống có thể bị tước đoạt trong đường tơ kẻ tóc. Đây là một hiện tượng mà Sigmund Freud trong phân tâm học đã giải thích là hiện tượng Eros và Thanatos. Trong con người luôn luôn có sự xung đột đầy mâu thuẫn của sự sống và cái chết. Sự ham sống được biểu lộ qua tình yêu và tình dục để chống lại nỗi sợ hãi cái chết luôn luôn ám ảnh con người.
Bắt đầu nói, cho dù nói bằng sự giận dữ đi nữa, tức là bắt đầu chấp nhận người đối diện mình. Y suy luận một cách dễ dàng như thế. Y đặt bàn tay xuống chỗ áo ướt của người đàn bà, miệng suýt xoa, nhưng tiếng nói chỉ còn là những âm thanh lắp bắp không thành lời. Người đàn bà nắm lấy bàn tay y định đẩy ra, nhưng chị lại giữ yên bàn tay đó trong tay mình, dù cho bàn tay đó bắt đầu không còn lễ độ nữa. Nó di chuyển trên khắp vuông ngực chị làm những cúc áo bật ra. Lúc đó người đàn bà mới vội vàng co rúm lại, đưa hai tay ôm lấy ngực và cúi người xuống. Nhưng dù sao cũng quá muộn. chị đã đốt chị và bây giờ ngọn lửa đang độ đỏ thắm.
Người đàn ông kéo chị đứng lên. Y ôm chặt lấy vòng lưng chị. Y cúi xuống hôn lên má, lên môi chị. Mái tóc chị xõa tung. Những lọn tóc vướng qua mặt, qua vai, qua ngực . . . Chị mơ hồ nhớ đến những cảm giác thật xa xưa, ngày người chông chưa thoát ly. Cái cảm giác đó đã chết trong chị từ bảy năm qua bây giờ đang trở về khốc liệt trong vòng tay kẻ khác. Chị biết con đê cuối cùng ngăn giòng nước lũ sắp vỡ. Chị biết rõ ràng điều đó, khi chị nhận ra những ngón tay chị đang bấu riết đôi vai người đàn ông.
Y dìu chị bước qua một ngưỡng cửa. Căn phòng không có ánh sáng, nhưng ánh sáng từ phòng ngoài chiếu vào cũng đủ cho chị nhận ra những gối chăn tải sẵn trên giường. còn gì quyến rũ hơn các thứ đó, khi hai người đã điên cuồng trong cảm giác.
Người đàn bà ngã xuống giường. chị buông thả cho bàn tay y tự do trên các hàng nút áo. Chị biết con đê cuối cùng đã vỡ. Nước cuồn cuộn trào ra.
Hoàn toàn trung thành với tựa đề của quyển sách “Những Cơn Mưa Mùa Đông” Lữ Quỳnh rất hào phóng trong việc miêu tả những cơn mưa.
Mưa trắng xóa cánh đồng. Cánh đồng mịt mù hơi nước. Mưa tầm tã trở lại như những ngày đầu tháng. Mưa làm bầu trời thấp hẳn xuống và ngày lúc nào cũng nhập nhòa như hoàng hôn. Những cơn mưa thê thiết kéo dài từng ngày này sang ngày khác. Những trận lụt liên tiếp hiện đến dễ dàng trong nháy mắt. Mưa ào ào đều đặn trên mái nhà. Mưa dày đặc, mưa xối xả, mưa tầm tã, mưa tóc tách, mưa nhập nhoạng, mưa mù mịt, mưa triền miên, mưa bất ngờ ào ạt, mưa xối đều đều, mưa rơi không ngớt ngoài trời, mưa trắng, mưa mù mùa đông. Những cánh đồng ngập nước trải rộng tận chân trời xám ngắt. Những giọt nước mưa từ mái nhỏ xuốn. Dãy phố đìu hiu trong mưa. Mưa vẫn tàn nhẫn quất vào người hắn. Mưa như kéo dính trời và đất lại với nhau… .
Những Cơn Mưa Mùa Đông nói về cái mỉa mai của số phận. Ông già chịu cảnh tre già khóc măng, suốt đời mong ngóng một bóng hình xa vời đang theo đuổi công danh lý tưởng bỏ vợ dại con thơ cho cha già. Số phận càng mỉa mai hơn khi ông thúc giục Vũ rời làng càng sớm càng tốt bởi vì ông biết những người đồng chí với con trai của ông lại về làng điều ấy có nghĩa là chiến tranh lại về làng. Cái lo lắng cho tính mạng đứa cháu nội ông yêu hơn cả bản thân của ông trở nên mỉa mai khi Vũ bị trúng thương tính mạng chưa biết ra sao khi xe đò đi sau đoàn công xa bị phục kích. Nếu ông không nhất định Vũ phải đi, nếu Vũ không ngoan ngoãn vâng lời ông, có lẽ chúng ta sẽ có một kết cục khác. Tấn công đoàn công xa có những người cùng lý tưởng với cha của Vũ, những người Vũ ngưỡng mộ vì đó là người thuộc về phía người cha. Tất cả niềm hy vọng cuối cùng của ông được gửi gắm vào cuộc đời Vũ. Nhân vật của Lữ Quỳnh chán ghét chiến tranh và trở nên chai lì,“Chiến tranh quá dài đã làm mọi người quen dần với mọi đổ vỡ, tan nát. Người ta chấp nhận, chịu đựng mà không hề ta thán. Chết chóc, chia lìa không còn là một vĩnh việt đớn đau.” Tuy thế họ vẫn hy vọng và mơ ước vào một ngày mai thanh bình như Vũ đã nhìn cội mai già khô héo trong mùa đông và mừng rỡ nhìn thấy chồi non như là một điềm tốt cho cuộc đời của hai ông cháu.
Trời sáng tỏ và mưa vẫn tiếp tục nặng hạt. Vũ sững sờ trước cây mai chết khô giờ mới kịp nhìn thấy rõ. hắn nhìn lớp vỏ xuv xì, từ ngọn đến gốc. chợt Vũ chú ý đến một chút màu xanh nhô ra từ một nhánh cây, để rồi cảm thấy sung sướng đến ngất ngây, suýt kêu lên thành tiếng. Cành mai khô kia vẫn chưa chết. Nó còn một chút màu xanh, còn một chút lá mầm nhú nhỏ như thể máu còn chảy, tim vẫn còn đập trong cơ thể.
Hy vọng này cũng bị tan nát theo tiếng nổ của bom đạn. Đó là sự mỉa mai của số phận người dân sống trong chiến tranh mà Lữ Quỳnh gửi đến độc giả qua giọng văn bình dị, êm đềm, chân thật hiền lành không oán thù như những nhân vật của ông. Đọc lại tác phẩm này 35 năm sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt giúp tôi nắm bắt lại hình ảnh của một thời đã qua, và hình ảnh của những người chỉ mơ ước được có một cuộc sống bình thường, một gian nhà nhỏ hai vồng khoai lang thế mà đó vẫn là những ước mơ bị vỡ nát. Tác phẩm chất chứa nhiều suy nghĩ của một người luôn luôn quan sát diễn biến nội tâm của chính mình được thể hiện qua nhân vật, với một chủ đề khó viết vì khô khan và buồn thảm, chiến tranh mà vui sao được. Thêm một điều đáng chú ý là khi tác phẩm này hoàn thành Lữ Quỳnh chỉ mới vừa quá ba mươi./.
June-2010