Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.208.950
 
Lê Khánh Mai đau đáu phận người
Trần Thị Thắng

Lê Khánh Mai đau đáu thơ, đau đáu mình, đau đáu đời, nói như vậy mới chính xác tạng thơ của chị. Đã xuất bản sáu tập thơ, một tập truyện ngắn, một tiểu thuyết và một tập phê bình, nhưng chị vẫn coi thơ là “thước đo” cho sáng tạo của chính mình. Thơ Khánh Mai luôn luôn tỉnh táo trong cái say, trong tình yêu và ngay cả khi sinh nở. Chị không muốn thơ mình giống ai đó, hoặc lặp lại thơ của những người đi trước. Chị luôn ở trong tâm thế đau đáu thơ là gì?  Đó là đặc tính trội để khẳng định một Lê Khánh Mai trong nền thơ Việt Nam sau 1975. Người đọc biết đến chị qua những trang truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học nhưng chị yêu thơ, nghiêng về phía thơ nhiều hơn và chị đã tạo nên một giọng điệu riêng không thể nhầm lẫn với thơ của người khác. Một giọng thơ nữ bộc trực, khỏe khoắn với lối diễn đạt hiện đại : Không thể lựa chọn số phận/ khi sinh ra/ ta cũng như một nửa loài người trên trái đất/ là đàn bà/… Đôi vai oằn bổn phận/ chông chênh đỉnh cô đơn/ áo cơm loay hoay hố thẳm/…Làm người ai cũng có trái tim/ sao trái tim đàn bà đau nhiều đến thế (Bổn phận).

 

Thơ Lê Khánh Mai có nhiều phát hiện. Dường như trong chị luôn có một nỗi trăn trở thường trực mang ý thức trách nhiệm của người cầm bút, mỗi câu chữ phải chuyển tải được điều gì đó có liên quan đến số phận con người và điều đó đã thôi thúc chị tìm tòi những phương thức biểu đạt mới. Trong bài Cổ tích buồn chị không theo thói thường đứng về “ phe” cô Tấm, để bênh vực, ngợi ca. Chị viết về mặt trái của sự vinh quang, phê phán thứ ngai vàng được làm nên bằng tội ác và đề xuất một giải pháp cho Tấm mà cũng là cho một vấn đề mang tính xã hội: Thôi khước từ áo khăn hoàng hậu/ bả vinh hoa gác tía lầu son/ chị cứ là chị Tấm trắng trong/ của đồng quê bùn đất/ dẫu  rằng cổ tích sẽ buồn hơn. Đó cũng là một cách nhận chân lại những giá trị tưởng như đã được mặc định. Với kiểu tư duy phản biện như thế, Lê Khánh Mai thường bất ngờ nảy sinh tứ thơ mới lạ. Tứ thơ này hầu như đến sau cái chủ ý ban đầu, khiến cho ý tưởng được triển khai ở tầng sâu hơn. Chẳng hạn như khi chị viết về người đàn bà sinh con: Người đàn bà trong cơn sinh nở/ đẹp như một thiên thần/...Dường như trái đất mang thai/ sắp sinh nở một bình minh bé bỏng/ dường như bầu trời là chiếc chong chóng/ xoáy lên trận bão kinh hoàng/...Chị một mình bước lên bàn sinh/ với tình yêu mang hình hài vũ trụ ( Cánh buồm). Tôi cho rằng đây là những câu thơ  hay nhất viết về chuyện sinh con của người mẹ. Bởi vì Lê Khánh Mai là người đầu tiên nâng cái thiên chức phụ nữ lên tầm vũ trụ. Để viết được những câu thơ như thế, nhà thơ phải là người trải nghiệm, phải đau đáu vì thơ mới xuất thần mà có được. Với lối viết như trên, Lê Khánh Mai đã không ngừng làm mới thơ. Điều quan tâm trước nhất của chị là nói lên được những gì muốn nói ( tức là nội dung thơ) rồi sau đó mới tìm đến hình thức thơ. Cách viết này ta thường gặp nhiều trong thơ phương Tây, rất chú trọng về ý tưởng, đòi hỏi người viết không chỉ có cảm xúc mà còn phải có một tầm tư duy.

 

Lê Khánh Mai là Thạc sĩ Văn học, từng là giáo viên dạy văn, sau chuyển sang làm lãnh đạo Hội: Phó chủ tịch Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Nha Trang rồi Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa. Học vấn và môi trường hoạt động là tác nhân quan trọng hình thành ý thức nghệ thuật ở chị. Thơ Lê Khánh Mai đau đáu thân phận con người, nhất là thân phận người phụ nữ trong đó có thân phận mình. Đây là những câu thơ đau nỗi bơ vơ của đứa con gái mồ côi cha: Con từng níu thinh không, ngỡ như hành tinh lệch/ Nhưng trong con một niềm tin bất tuyệt/ con sẽ hái những vì sao xa lắc, bởi có cha nâng  cánh cho con ( Cha ơi). Dẫu có những lúc mệt mỏi, có níu thinh không/ hành tinh lệch chị vẫn tin vào sức mạnh tinh thần bởi linh cảm người cha vẫn âm thầm nâng cánh cho mình. Viết về mẹ già sống trong cảnh cô đơn, góa bụa chị cảm nhận, thấm thía sự lặp lại như định mệnh trong vòng quay luân hồi của kiếp người: con đang sống những ngày xưa đời mẹ/ lặp lại những yêu thương, giận hờn/ cả những tiếng thở dài cùng nỗi cô đơn/  Cả cơn đau kinh hoàng khi vượt cạn ( Trái chín). Lê Khánh Mai nhiều khi muốn vượt thoát, muốn bước ra khỏi những lối mòn nhưng dường như không thể, chị đành chấp nhận số phận và “ru trái tim buồn”: Trái tim ơi hãy ngủ yên/ bận chi bao nỗi ưu phiền chúng sinh/ Đau chi thế thái nhân tình/ nhỏ nhoi hạt cát phận mình mà thôi/...Ngủ đi hỡi trái tim buồn/ kiếp người muôn thuở vẫn còn oan khiên.

Trong cuộc đời, Lê Khánh Mai may mắn được sống ở nhiều vùng miền khác nhau: Thanh hóa, Hà Nam, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nha Trang… dẫu có cố ru trái tim mình ngủ yên, nhưng cảnh đời trớ trêu của những kiếp người vẫn trỗi dậy, tác động vào ý thức công dân của nhà thơ. Chị luôn tìm về những mảnh đất một thời mình đã sống như tìm lại chính mình: Hà Nội trong tiền kiếp của tôi/ ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm/ căn nhà tập thể chín mét vuông/ tôi chen nhau với sách vở, bếp dầu, chai lọ/ mẹ tôi gương mặt mùa đông góa bụa/..Tuổi thơ tôi côi cút co ro/ quẩn quanh tem phiếu thực phẩm/ còi báo động, báo yên cắt vụn ước mơ/... Hà Nội đã tái sinh/ sao người không sống lại/ tôi biết cất vào đâu quả tim mười sáu tuổi?( Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ). Những vùng đất đi qua, những con người từng gặp đã để lại trong tâm hồn nhà thơ những dấu ấn sâu đậm, những kỷ niệm buồn vui để từ đó thơ được nuôi dưỡng, sinh thành. Trong bài “Ga Tiên Kiên” chị viết: Ga xép- Những con tầu chẳng đỗ/ rầm rập đi/ rầm rập đến/ rồi xa/...Đi cuối đất cùng trời/ giấc mơ tôi vỡ/ một mảnh buồn/ tôi cất giữ/ ga Tiên kiên.  Nhà thơ thường tìm về bản ngã của chính mình, có khi soi với bản ngã của người, nhưng đa phần tìm về bản ngã để có thêm bản ngã làm thơ. Chị nhận diện chính mình: Tôi lớn lên từ bầu sữa thơm ngon/ ủ trong vạt áo nâu của mẹ/ cái vạt áo giấu hương bùn oi ả/ ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu (Tôi sinh ra từ bùn). Nhiều khi Lê Khánh Mai phân thân mình thành lá, cỏ, mùa đông, cánh đồng , dòng sông, ngọn núi, con sóng, biển khơi….để rồi tự vấn về những điều hy sinh thầm lặng của thiên nhiên: Phải kiếm tìm đâu xa lạ/ thiên nhiên đạo đức cao vời/ khi tôi rạp mình trước cỏ/ nhận ra ý nghĩa làm người (Lá và cỏ).

 

Đọc thơ Lê Khánh Mai ta thấy nổi lên một mảng thơ quan trọng nhất như thể chị giành nhiều tâm huyết nhất, đó là mảng thơ viết về thân phận người phụ nữ. Hàng loạt những bài thơ như: Kiếp vọng phu, Cho một người một người dàn bà, Người đàn bà lặng im như cát, Người đàn bà đi chợ, Người đàn bà bán rau, Người đàn bà gom rác, Nhà thơ nữ bứt phá, Bàn tay chị Xuân Quỳnh, Bạn gái, cánh buồm, bổn phận…tạo nên một hệ thống hình tượng người phụ nữ với nhiều cảnh ngộ và nỗi buồn số phận khác nhau.

-“Người đàn bà đi chợ” không một lời thở than:

 

Nắm chặt trong tay đồng tiền ướt đẫm mồ hôi/ Chị len lỏi qua hàng cá, hàng rau, hàng thịt/ Chị hiểu gía đồng tiền kiếm được/ Sau những đêm thức trắng bên bàn may.

-“Người đàn bà gom rác” đối diện với rác rưởi mà tấm lòng sạch trong:

Từ rác thải/ Người đàn bà nhận mặt cuộc đời/ Vỏ bia lon/ đồ hộp/ Những đôi giày lỗi mốt/ Những cọng rau đứt bữa xác xơ...

 

-Người đàn bà đơn thân “ nhẫn nại cưu mang nỗi mặc cảm không lời” ( trong bài “cho một người đàn bà”):

 

Em lặng lẽ yêu/ để hồi sinh người đàn bà trong em bấy lâu yên ngủ/ thắp giấc mơ tìm kiếm chính mình/ hát ru thầm một kiếp vùi quên

 

-Người bạn gái trắc trở tình duyên:

 

Mang thân đàn bà phận lá/ nào ai lường hết nẻo tình/ đã đau đến cùng sỏi đá/ thì thôi mình thương lấy mình.

 

-Nhà thơ nữ với bi kịch của khát vọng bứt phá (trong bài “Nhà thơ nữ bứt phá):

 

Sông đấy như ta lững lờ/ cây kia giống mình tù hãm/ bao đền đài thơ sừng sững/ ta gieo xác chữ ích gì/…Ta ru bình yên ngày thường/ oan nghiệt phận thơ tiếng kêu máu vỡ.

 

Đã là nhà thơ, nhưng chị gắn với cuộc đời bằng những dấu nối là Người đàn bà đi chợ làm việc kiệt sức sau những đêm thức trắng trên bàn may; người đàn bà gom rác với vẻ đẹp lặng thầm. Nhưng khi chạm đến Nhà thơ nữ bứt phá thì sự đồng cảm được nhân gấp bội bởi sự đồng điệu của “nòi” đa tình, đa đoan. Chị đau đớn ngộ ra cuộc “thử nghiệm” bứt phá mình, bứt phá thơ đôi khi phải trả giá đắt trong cuộc đời. Mơ hồ tiếng gọi phía chân trời/ nhưng tiếng gọi từ máu là rất thật. Và cũng thật trớ trêu, oan nghiệt muôn đời vẫn giành cho những người đàn bà làm thơ mà số phận Xuân Quỳnh là một điển hình: Người đàn bà đẹp/ Yêu và làm thơ/…số phận kêu lên từ bàn tay nhàu nát/ đường gân xanh, vệt chai thô ráp/ suốt một đời lận đận áo cơm (Bàn tay chị Xuân Quỳnh).

 

Thơ của Lê Khánh Mai không chỉ nói tới những số phận buồn của những người phụ nữ bởi đức tính yêu người hơn người yêu mình, trong sạch và bằng lòng sống lương thiện. Đôi khi muốn bứt phá lên, thì phải nhận về bao khổ đau hệ lụy. Ngoài mảng thơ về thân phận con người, Lê Khánh Mai viết khá nhiều về quê hương và những miền đất nước. Chị luôn cảm thấy mắc nợ, có lỗi với mảnh đất đã sinh ra, đã cưu mang mình. Đây là hình ảnh quê hương Tu Bông của chị gồng mình trong những trận gió khắc nghiệt: Xa hai mươi năm, giờ trở lại Tu Bông/ Tôi đâu ngờ quê tôi nhiều gió thế/ Gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ/ Giật mái tranh nghèo/ Giằng cây trái vẹo nghiêng/ Lúa xác xơ oằn rạp trên đồng/ Con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối (Gió Tu Bông). Thành phố Nha Trang hiện lên trong thơ chị với nhiều đoản khúc nhiều gam màu khác nhau, nhưng nó không phải là bức tranh tô vẽ một thiên đường mà là một thành phố trẻ đầy sức sống, nhiều lo toan vất vả đang tự vượt mình. Những câu thơ của chị rưng rưng kỷ niệm một phần đời thơ bé và chan chứa yêu thương: Ngôi nhà này mẹ đã sinh tôi/ Cá nục kho tiêu thơm lừng ngõ nhỏ/...lũ trẻ chân đất, cởi trần và đông như kiến cỏ/ đối với chúng biển chỉ là một đứa trẻ con/...người đàn bà xứ biển hằng đêm mất ngủ/ đợi chồng về từ phía hừng đông/...người mẹ tóc sương bàn chân gầy guộc/ mười ngón xương bấm trên vỉa hè nóng rát/ gánh hàng rong vất vưởng kiếp phù sinh/...Thơm nhức nhối là cái mùi nước mắm/ cứ quẩn quanh, váng vất say nồng.

 

Chị tự thú với lòng mình, với quê hương rồi tự vấn về trách nhiệm làm người: Tôi yêu Nha Trang một  tình yêu suốt đời mắc nợ/ Bao nhiêu năm đất người tôi cày vỡ/ Tôi đã hái quả đắng chát và ngọt thơm/ Lẽ nào mùa màng tôi thất bát giữa quê hương? ( Nha Trang của tôi). Câu hỏi thốt ra từ tinh thần công dân tự nhiên và sâu nặng. Như vậy, ý thức công dân trong thơ không phải là cái gì xa vời mà nó hòa quyện trong máu thịt nhà thơ.

 

Dù viết về mảng đề tài gì, với chiều kích không gian, thời gian nào thì cuối cùng thơ Lê Khánh Mai vẫn chủ yếu nhằm đi sâu khám phá thân phận con người bằng hồn thơ đau đáu tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ và niềm tin bất tuyệt ở cuộc đời./.

 

T.P Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2010

Trần Thị Thắng
Số lần đọc: 1883
Ngày đăng: 17.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm Sự Cùng Phạm Văn Nhàn Qua “Màu Thời Gian” - Mang Viên Long
Đọc Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh. - Nguyễn Thị Hải Hà
Đọc Bảy trích đoạn mùa xuân màu cam của Bùi Hoằng Vị - Nguyễn Hồng Nhung
Nồng Nàn Nắng Và Thơ - Trần Hữu Dũng
Ma của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Lữ Quỳnh và “Những cơn mưa mùa đông”. - Du Tử Lê
Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn - Lâm Xuân Vi
Sinh Nhật của Một Người Không Còn Trẻ - Lữ Quỳnh - Nguyễn Thị Hải Hà
Ngọc, thơ Hạnh Phương - Mang Viên Long
văn chương mỗi người mỗi giọng* - Lưu Quốc Hoà
Cùng một tác giả