Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.160
123.224.470
 
Vào Hang Bắt Cọp
Khải Nguyên

Một sáng thu đẹp, năm 194…, một người cưỡi một con ngựa hồng phi nước kiệu theo con đường gồ ghề đến trước dinh thự họ Vương, bấy giờ là một "bản doanh" được canh gác cẩn mật. Vương là một thủ lĩnh vùng cao biên giới phía bắc nước ta, một thứ "vua Mèo" như một số tự xưng hoặc cho phao tin để mê hoặc dân chúng. Con ngựa đang đà phóng nhanh bị gò cương đột ngột chồm hai chân trước hí một tiếng vang động. Kị sĩ xuống ngựa, quẳng dây cương cho người lính canh vừa chạy ra rồi đi thẳng vào trong. Người này còn trẻ, tầm thước, mặc bộ quần áo thể thao ngắn màu trắng, đội mũ lưỡi trai màu ghi, đi hài sảo, một bao súng lục xệ bên hông trái. Đáp lời kêu gọi hòa hợp của chính quyền cách mạng, Vương bắn tin sẵn sàng tiếp người của Việt Minh. Và hôm nay, một phái viên của Việt Minh đã đến như đã báo trước. Ông ta đi giữa hai hàng lính đứng nghiêm oai khí đằng đằng.

 

Vương bước từ thềm xuống đón khách cùng Chu, "cánh tay phải" của ông ta. Vương trạc ngoài ba mươi, rắn rỏi, gân guốc. Chu có lẽ ít tuổi hơn, cao to, mắt rất sắc. Cả hai đều mặc trang phục Mông.

 

Một tiệc rượu đã dọn sẵn. Bốn người hầu đứng trực xung quanh. Sau mấy lời tự giới thiệu qua lại, chủ đưa ngay khách vào việc. Một người hầu vừa cầm bình rượu, Chu đưa tay ra hiệu, anh ta bèn rót một ít ra đĩa. Chu xòe diêm, một ngọn lửa xanh mờ gần trong suốt loang phần phật trên mặt đĩa. Sau đó, rượu mới được rót vào bát, thứ bát cổ sâu và rộng miệng. Gần tràn. Vương hô lên: "Xin mời!". Hai chủ và một khách hai tay nâng bát lên ngang mặt, cùng gật đầu thi lễ. Chủ ghé mồm vào miệng bát. Chiếc bát nghiêng dần theo cái đầu từ từ ngửa lên, trên cổ cục yết hầu chạy lên chạy xuống, cho đến lúc bát dốc ngược. Chủ quẹt miệng, nhìn khách. Khách đưa bát lên miệng lặp lại động tác của chủ. Bát vừa đặt xuống, lập tức rượu lại được tiếp vào, gần tràn như trước. Lại "xin mời". Và lại cạn bát. Lần này, chủ và khách cùng một lúc. Sau đợt thứ ba, Vương đặt bát hướng về khách, vòng tay, nghiêng đầu, rồi ngửa mặt cười ha hả. Chu chỉ hơi nhếch mép.

Vương đứng lên đưa tay mời khách ra trường bắn cạnh nhà. Chu ra lệnh cho người hầu mang đến một cái chai đặt đứng có gá giữ chặt trên một cái bệ cao tầm ngực người đứng. Mọi người ra đứng trước một cái vạch vôi cách bệ chừng ba mươi bước chân. Chu giơ súng bắn gần như không ngắm. "Pằng!", cái chai bị tiện ngang cổ. Ông ta quay nhìn khách ra ý hỏi. Khách gật đầu. Người hầu đưa ra một cái chai khác đặt y như cũ. Khách ra hiệu đặt nằm xuống, miệng hướng phía người bắn. Đoạn rút súng bật khóa hãm vẩy một phát. Cái chai vẫn nằm nguyên. Vương cố giấu nụ cười. Chu thì vuốt ria mép. Người hầu lại gần cái chai. Y bỗng kêu lên một tiếng vội lấy cái chai mang đến cho chủ. Vương và Chu cùng mở to mắt. Đít chai đã văng đâu mất, viên đạn chui qua cổ chai rất ngọt.

 

Chủ lại đưa khách ra bãi cỏ rộng gần đấy. Một người vạm vỡ nai nịt theo lối kị mã dắt đến một con ngựa ô cao lớn, yên cương tề chỉnh. Theo hiệu của Chu, anh ta nhảy lên lưng ngựa rất điệu nghệ. Nhưng con ngựa hí lên một tiếng dài, cất mình gần như dựng đứng trên hai chân sau. Kị sĩ kẹp chặt hai đùi vào mình ngựa, cố điều khiển dây cương. Con ngựa bắt đầu điệu vũ của nó: hết hất mông lên cao lại chồm hai chân trước, vừa lắc mình rất dữ. Huỵch! Kị mã lăn ra đất. Con ngựa thản nhiên đứng yên giương mắt nhìn. Vương cười xòa trỏ con ngựa bảo khách:

- Nó bất kham lắm, chưa có ai trị được. Nhờ ngài một tay, được chăng?

 

Khách thong thả đi đến trước con ngựa ô, cách ba bước chân. Con vật tròn mắt nhìn người lạ, cảnh giác, ánh mắt chẳng hứa hẹn điều gì đáng chờ đợi. Khách im lặng chiếu mắt mình nhìn thẳng vào mắt con vật. Nó dậm dật hai chân trước. Mấy phút trôi qua. Con vật thở phì phì, dần đứng yên, rồi run nhẹ toàn thân và mồ hôi toát ra. Bấy giờ, người khách mới lại gần đưa tay xoa đầu, vuốt bờm con vật. Nó thôi run rẩy, ánh mắt dịu hẳn. Khách nắm dây cương, yên và đặt chân lên bàn đạp. Hấp! Khách đã ngồi gọn trên lưng ngựa. Con ngựa chạy chậm rồi phi nước kiệu vòng quanh bãi cỏ. Vương đưa mắt dõi theo người và ngựa, nét mặt lộ vẻ tán thưởng. Chu thì mắt tối sầm, một bên má, chỗ góc hàm bạnh ra giật giật. Khi cuộc "biểu diễn" ngừng và khách cho ngựa lại gần, Vương chắp tay xá một cái theo lối người Kinh. Khách vội xuống ngựa, xá đáp lại rồi cả hai cùng cả cười sánh vai nhau đi vào phòng khách. Chu đi hơi lùi sau một chút, mặt lạnh.

 

Tối hôm đó, trong biệt thự có đại tiệc đánh dấu bước qui thuận chính quyền cách mạng của họ Vương.

Tiệc tan, Chu đã biến mất…

 

*

Tôi đọc xong, gấp bản thảo, nhìn ông già chờ đợi. Nãy giờ ông vẫn ngồi yên xoay chén trà trong tay, nghiêng đầu lắng nghe. Lúc này, ông đưa chén lên miệng làm một hớp, trên mép thoáng một nét cười.

 

Tôi làm quen với ông trong một tình huống không lấy gì làm vui. Sáng ấy, xe đạp của hai chúng tôi bị nhóm tuần tra cảnh sát giao thông hốt lên xe tải đưa về giam ở kho của họ. Tôi thì vì tắt qua một đoạn đường ngắn ngược chiều để về nhà. Ông thì vì ít khi đến khu vực này nên lớ ngớ không nhìn ra đường một chiều. Tôi nói với viên sĩ quan cảnh sát: "Các anh cứ bắt xe tôi, còn bác này bác ấy không biết". Thêm mấy người từ những nhà kề đấy ra nói nữa nhưng vô hiệu. Mà ông thì đang cần vào chợ bốc thuốc cho người nhà. Họ hẹn ba giờ chiều đến nộp phạt. Đúng giờ, chúng tôi gặp nhau ở điểm không do chúng tôi hẹn. Tôi bàn với ông: "Nhận giấy phạt ở đây xong còn phải đi nửa cây số nữa để nộp tiền rồi mới trở lại đây lấy xe được. Người ta bảo cứ xin nộp phạt không biên lai tại đây thì khỏi phải đi lại phiền phức. Bác già, đi lại vất vả, cứ nộp quách đây cho xong, bác ạ". Ông tỏ ra ngạc nhiên: "Có thể có chuyện ấy sao?". Tôi nói: "Kẽ hở tâm lí khôn vặt của người mình mà bác. Bác không thấy trong kho chỉ còn lèo tèo mấy chiếc xe thôi à. Cháu ở gần đây cháu biết, buổi sáng họ gom về đây bốn chuyến xe tải, mỗi chuyến chứa ít nhất hai mươi xe đạp. Vậy số xe đạp ấy đi đâu? Chỉ mới thấy bác và cháu đến nhận giấy phạt. Những khổ chủ còn lại biến đi đâu cùng xe của họ nhanh thế?". Ông tặc lưỡi: "Chắc là họ tranh thủ giải quyết cả buổi trưa". Tôi cãi: "Với ai họ cũng hẹn ba giờ chiều. Bây giờ đúng ba giờ chiều!". Ông lắc đầu: "Thôi, ta cứ làm đúng qui định". Tôi bảo ông cứ ngồi chờ tại đó để tôi đi nộp phạt cho luôn thể nhưng ông bảo để cùng đi cho vui. Sau khi đã lấy lại được xe, tôi mời ông về nhà tôi uống nước và nghỉ qua cho lại sức. Chúng tôi quen nhau từ đấy. Hôm lần đầu đến chơi nhà ông, tôi ngỡ ông là một kĩ sư trồng trọt về hưu. Khu vườn nhỏ ven thành phố của ông đầy các cây giống do ông chiết, ghép từ các cây đặc sản, chuẩn bị bán cho người ta. Trong nhà ông, xế góc phòng, treo một con dao cắm trong vỏ, loại dao đi rừng của người miền ngược. Vỏ dao, chuôi dao nom đã cũ lắm. Nhờ qua con dao này, tôi mới gợi chuyện ông mà được biết ông đã từng là sĩ quan an ninh và từng tham gia bình ổn vùng biên ải phía bắc. Điều này thật bất ngờ đối với tôi. Ông chẳng có tí gì tướng con nhà võ. Trái lại, ông có dáng một hương sư. Thêm nữa, hôm cùng tôi "lâm nạn" tại trụ sở cảnh sát giao thông nom ông có vẻ người quen nhẫn nhục ở các cửa công. Tôi mừng húm, bởi tôi được một tờ báo có uy tín đặt viết một bài về thời kì cách mạng còn trứng nước nhưng phải lạ một chút. Tôi lục sổ ghi, moi trí nhớ, may vớ được mẩu chuyện nghe được từ lâu. Tôi đã viết ra dưới cái đầu đề "Vào hang bắt cọp" nhưng còn hồ nghi nên viết dở dang rồi ngâm đó. Nay gặp người cùng thời của câu chuyện, đúng chuyện an ninh, và biết ông cũng thích văn chương, thật hơn bắt được vàng, tôi bèn hẹn ngày đến nhà ông nhờ góp ý.

 

Ông già thong thả vê một mồi thuốc lào cho vào nõ điếu, đoạn xòe diêm kéo một hơi dài. Tôi mang đến một bao "ba số 5" nhưng ông bảo chỉ quen hút thuốc lào.

311

- Anh viết theo bút pháp "yêng hùng ca" - Ông già cười hóm nói - như những giai thoại về ông Tạ ngày nào. Vương, Chu là những nhân vật có thật. Như anh đã biết tại một số địa phương miền núi có những loại tù trưởng - "ông vua con". Thời thuộc Pháp họ còn được cưng chiều hơn để đối phó với các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng. Một số trong bọn họ có học. Họ có cái gan dạ, liều lĩnh, cả tinh thần thượng võ của người miền núi bị dồn ép từ Trung Quốc du cư xuống nước ta, các thế kỉ trước. Ranh giới giữa tù tưởng và trùm phỉ chỉ là gang tấc. Vương là một tù trưởng có thế lực vào loại bậc nhất. Chẳng lẽ thu phục ông ta, chính quyền cách mạng chỉ cần cho một người có bản lĩnh đến ttrổ tài là xong? Đầu đề bài viết của anh chưa đắt lắm. Người phái viên một mình đến bản doanh của họ Vương có phần mạo hiểm thật nhưng không phải là liều mạng. Những điều anh vừa đọc cho tôi nghe nói là "thật" cũng đúng mà cho là "không thật" cũng có lí. Mời rượu có thể là một cách nắn gân nhau. Cái trò "trăm phần trăm" bên các bàn nhậu ngày nay nhiều khi cũng là trò nắn gân nhau trong chuyện "làm ăn" các loại. Song cũng nên biết, với đồng bào miền núi, với người một số nước như Lào, buổi họp mặt uống không kể say mới là tin nhau. Thật ra, đọ sức rượu nào có khó gì. Người tửu lượng cao thì khỏi nói. Tửu lượng kém thì cũng có những cách để không "xỉn", chẳng hạn dùng đọt lá dong. Mà này! Trong trò "ngoại giao rượu" này, anh cho tửu lượng là chính à? Hà…, nhầm đấy! Cái chính là tư thế, thần thái khi bước vào cuộc. Không làm ra vẻ ngang tàng kiểu anh chị mà những kẻ mang máu anh chị phải nể. Bắn súng cũng là một vấn đề. Người của cách mạng "đi sứ" thường là cán bộ an ninh, trong tình huống ấy mà không biết bắn súng hoặc bắn súng tồi thì còn ra cái mẽ gì trong con mắt bọn tay chân, chưa chưa nói bọn Vương, Chu. Hơi "giật gân" như anh viết thì cũng có thể nhưng không dám chắc. Còn cưỡi ngựa thì… - Ông già tủm tỉm - chính tôi đã một lần cưỡi con ngựa ô của họ Vương.

 

Cái gì! Đã cưỡi con ngựa ô của họ Vương! Chính ông lão đang ngồi trước mặt tôi ư! Thêm một điều không ngờ nữa đối với tôi. Ông già bỗng cười thành tiếng

- Anh thấy khó tin, phỏng? Tôi không biết người trong tác phẩm của anh có làm y như anh tả không. Nhưng đúng là con ngựa rất bất kham. Hôm ây, tôi tháp tùng một cán bộ chính trị đến gặp Vương để bàn việc. Đang lúc ông ta tập ngựa sau dinh. Hai chúng tôi bảo dẫn thẳng ra đấy. Vương có nhiều ngựa nhưng có hai con tuyệt hay mà con ô là một. Y đã cưỡi được nó nhưng lắm khi còn phải mệt vì nó. Y bảo tôi cưỡi thử, giọng nói chẳng có vẻ gì là thách thức. Với các giống vật khôn, người ta thường có hai cách trị: hoặc làm cho sợ, hoặc làm cho cảm mến. Cũng phải kể tới người có cái uy riêng hoặc có sức cảm hóa tự nhiên. Trường hợp như "nhân vật" của anh cũng có thể là thật. Chẳng phải là thôi miên mà khuất phục bằng uy, rồi thuần phục bằng ân. Tôi ngày nhỏ đã đi chăn ngựa đua cho người ta, tôi chẳng mấy lạ các trò của mấy con ngựa dữ. Tôi làm thân với chúng không mất nhiều công sức lắm. Cho nên việc tôi cưỡi ngựa ô của Vương chẳng là một chiến công. Anh chớ vội mừng. - Ông bỗng cười khà. - Tôi chẳng làm được nhân vật "hảo hớn" trong trang văn của anh đâu.

 

Tiếng cười của ông làm cho tôi đâm ngượng, lại cảm thấy hụt hẫng. Tôi cố gỡ gạc:

- Thưa bác, chắc bác có tham gia vào việc thu phục Vương.

- Vương thì không, một đồng bọn của y thì có, nhưng chẳng thể gọi là thu phục.

- Như thế nào ạ? - Tôi reo thầm: trúng tủ rồi!

Ông già lắc đầu, cười trách:

- Tôi đã rất cảnh giác với bọn viết các anh, vậy mà tự mình lại thòi đuôi ra cho anh nắm. Chỗ anh viết: "Tiệc tan, Chu đã biến mất" gần đúng sự thật đấy. Chu là thủ hạ số một và là quân sư của Vương. Hắn klhông tán thành qui thuận chính quyền cách mạng, kéo một nhóm tay chân thân tín ra rừng làm phỉ. Song không phải là bỏ đi ngay. Chỉ một nhóm nhỏ nhưng khá phiền. Chúng phá phách, khống chế và kích động đồng bào thiểu số. Đằng sau chúng đang lấp ló cái mũi ngoại bang đánh hơi. Phải giải quyết tốt, không để loang ra, không để dây dưa. Tôi đang làm công tác an ninh ở một địa bàn khác được điều về phối hợp với bộ đội biên phòng. Ta chủ trương bắt sống tên đầu sỏ, tạo điều kiện gọi hàng bọn lâu la. Bọn này có những tên khi bị truy đuổi gắt dám ôm súng lăn nhào theo dốc, bất chấp có thể tan xác dưới vực như chơi. Tên Chu rất ranh ma, xảo quyệt. Chuyện lùng nó dài lắm và cũng mệt lắm, có thể viết được một pho sách. Lâu ngày, tôi chẳng còn nhớ kĩ. Nhưng có một chuyện thì tôi chẳng quên một chi tiết nào. Lần đó, tôi nắm một tổ sục tìm hắn. Bị dồn, Chu không dám để bọn phỉ chụm lại, dù chúng chỉ còn một dúm. Hắn chia lẻ ra và hắn cũng tách ra một mình. Chỉ một tên đàn em tin cẩn làm nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế là biết nơi hắn ẩn. Mà hắn đổi chỗ luôn. Được dân mách hướng, chúng tôi chia nhau phục năm ngày đêm liền mới lần ra tung tích hắn tại một vùng rừng ít ai ngờ. Dấu chân tên bộ hạ dẫn chúng tôi tới một núi đá. Núi đá, nhưng phần nằm ngang kéo dài có xen những thẻo đất nên cây mọc che kín. Phần nhô lên thì toàn đá hiểm trở, tận cùng là một sườn phẳng thẳng đứng hơi ưỡn ra như ức rùa, nên có người gọi là núi Ức Rùa. Chúng tôi bám tên tay chân của Chu thấy hắn chui vào một cái khe đá bé như một cái hốc rất khó thấy bên sườn núi đầy cây. Chốn này khá xa nơi dân ở nên chúng tôi tìm mãi mới được một người cho biết đó là cái cửa duy nhất vào được cái hang rất kín trên ức rùa. Theo lời ông ta, lối đi bên trong nhỏ hẹp, có chỗ phải bò,dài ước chừng trăm bước chân. Hang rộng đủ chỗ cho nửa tiểu đội trú, còn có một miệng trổ ra ức rùa. Dưới chân núi trông lên có thể thấy lưng chừng ức rùa cao ngang tầm ba cây cổ thụ chồng lên nhau có một đám rậm rịt cây nhỏ bám cheo leo vách đá. Nhìn kĩ mới thấy một lỗ đen thấp thoáng sau tán lá xanh. Không có cách nào đột nhập vào hang hoặc thoát ra theo cửa đó. "Thế này thì mày có chạy đằng trời, nếu chúng ông vào nhẹm từ lối kia". Ai trong chúng tôi cũng đều nghĩ vậy. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết, trước hết là đèn pin và còng tay để "vào hang bắt cọp". (Hồi đó, chúng tôi bảo nhau vậy, nhưng giờ nghĩ lại thì thấy câu ấy, nghĩa đen hay nghĩa bóng, áp dụng vào đây đều khập khiễng). Tối hôm đó, chúng tôi chộp "tên dẫn đường bất tự giác" khi nó vừa ở chỗ tên trùm phỉ ra. Hỏi cung sơ bộ tên này và cho giải đi xong, chúng tôi ém lại chờ khuya mới hành động. Anh đã chui đoạn địa đạo Củ Chi dành cho du khách chưa? Ở đây cũng chật hẹp như thế, trừ đôi chỗ hơi phình ra, toàn là đá lởm chởm. Chúng tôi phải vận dụng mọi kĩ năng, kĩ xảo để không đánh động kẻ địch. Vào tới hang, chúng tôi nghe mơ hồ tiếng ngáy. Chẳng cần "dàn trận", ba chúng tôi đã ở thế "chịt hang rắn". Chỉ cần tước được khẩu súng tên phỉ vẫn để kè kè bên chỗ nằm là hắn phải chìa tay chịu trói. Nhưng thật bất ngờ, ánh đèn pin của chúng tôi chưa kịp lia tới chỗ hắn nằm thì tên trùm phỉ đã chồm dậy, vớ ngay khẩu súng, bắn một phát về phía chúng tôi rồi lao tới miệng hang trên ức rùa và biến ra ngoài. Thằng cha định làm gì vậy? Cùng đường, định tự tử chắc! Chúng tôi chẳng ai bắn theo. Mà có bắn cũng không kịp. Chúng tôi thận trọng lần tới lỗ thoát hang, e tên phỉ còn nấp phía ngoài. Trống trơ! Chẳng có ma nào. Tập trung đèn pin rọi xuống chân núi xem có xác người không, chúng tôi nhìn thấy một cái dây từ miệng hang thòng xuống sâu hút phía dưới. Đoạn dây đang rung rinh như nhạo chúng tôi. Thì ra tên Chu đã buộc sẵn một dây "cứu hộ" nơi miệng hang giấu kín sau lùm cây. Lục soát trong hang chẳng thu được gì đáng kể, chúng tôi đành lủi thủi luồn trở ra. Lần này thì cảm thấygian nan, mệt mỏi bằng ba khi vào.

- Sao các bác không tụt dây leo xuống như tên phỉ cho chóng và thoải mái? - Tôi hỏi một câu chẳng lấy gì làm thông minh.

- Leo thế phải tập chứ. - Ông già cười hiền - Vả lại, không cấp bách, không cần thiết thì mạo hiểm làm gì.

Ông già cầm điếu ung dung hút thuốc. Xong, ông lại nhẩn nha pha nước, dường như ông coi chẳng còn chuyện gì để nói nữa. Tôi sốt ruột bèn nói đưa đà:

- Được mẻ sợ, chắc là tên Chu trốn sang Tàu. - Một câu gợi ý đến là vụng.

Ông già lơ đãng lắc đầu. Sợ lỡ dịp may, tôi cố gợi:

-Thế nào hắn cũng bị tóm.

Ông già lại lắc đầu:

- Không. - Giọng ông rầu rầu - Hắn lẻn về nhà người bị hắn ép làm vợ. Bị lộ và bị vây chặt, hắn tự đốt nhà, thiêu luôn cả chị kia. Ta chỉ cứu được đứa em trai của chị ta, một đứa bé còi cọc. Lần ấy, một bộ đội biên phòng hi sinh, một chiến sĩ an ninh bị thương.

- Cháu rất muốn viết những chuyện như vậy, - tôi dè dặt nói, tự thấy ham hố và quấy rầy - nhưng sợ quá phiền bác. Vả, hôm nay đã muộn rồi.

- Các anh viết được thì nên viết. Tất nhiên không chỉ các chiến công. Chiến công nào mà chẳng phải trả giá. Hình như bây giờ người ta ngại kể lại chuyện cách mạng thời qua, sợ "biết rồi! khổ lắm! nói mãi". Ở nước ngoài, người ta vẫn dựng lại thời gian khó hoặc oanh liệt cũ mà người nước họ đâu có cho là nhàm. Vừa qua, anh có xem bộ phim về những người anh hùng trong thế chiến thứ hai của nước Úc chiếu trên truyền hình của ta không? Vấn đề là kể sao cho hay, không hay lắm thì cũng xem được, nghe được. Khi nào thích thì mời anh đến đây. Nhưng đừng có viết về tôi đấy anh bạn nhà văn ạ. - Ông nghiêm nghị nhìn tôi nhấn mạnh hai tiếng "nhà văn" làm tôi đỏ cả mặt - Tôi bây giờ, ngay đối với các cháu tôi, chỉ là một người già vô hại, ngại cả tiếng la to của con nít.

 

Tôi nhớ đến thái độ nhẫn nhịn mà bỉnh thản của ông trước "người thi hành công vụ" khá hách hôm xe đạp của ông và của tôi cùng bị nhốt. Nhưng cách hành xử của ông trước "sự cố" và trước các lời "khuyên" của tôi hôm đó lại chứng tỏ ông vẫn là con người "đàng hoàng", nói theo ngôn từ của giới trẻ trong Nam./.

 

7.1996

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2148
Ngày đăng: 21.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hãy Làm Tình Trước Đám Đông - Lê Minh Phong
Cưỡi Gió Qua Đèo - Lê Trâm
Thõng Tay Vào Chợ - Bạch Lê Quang
Vườn mê 2 - Nguyễn Anh Thế
Lấy Vợ Xấu - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện người thổi sáo - Nguyễn Ước
Ốm vì làm tình - Nguyễn Viện
Trạm Cuối - Âu thị Phục An
Đám tang - Hoa Quỳnh
Ngoài Kia Trời Đã Sáng - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)