Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.489
 
Chùa cổ Tiên Châu
Trần Thành Trung

Chùa cổ Tiên Châu được tạo dựng từ rất sớm trên Bãi Tiên xưa, nay thuộc ấp Bình Lương, xã An Bình(1), huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; đây là một ngôi chùa được xem là cổ kính nhất trên vùng đất Vĩnh Long. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Tiên Châu cổ tự vẫn mãi trầm tư bên dòng Cổ Chiên thơ mộng.

 

Bãi Tiên “ở phía Bắc Trấn Thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh hình như ngọc bích vậy... Nơi đây có cư dân của 2 thôn An Thành và Bình Lương. Bên bờ có những làng chài phơi lưới ở lưng chừng những nhành cây. Lại có thuyền câu cá hát dưới ánh trăng thu bóng liễu (cây bần sẻ), lắt lay bên cồn cắt trắng”.(2)

 

Theo truyền thuyết, xưa kia có tiên nữ xuống tắm ở cù lao Bích Trân (còn gọi là cù lao Táng, cù lao Dưa hay cù lao An Bình) vào những đêm trăng thanh, gió mát. Về sau, trên bãi tiên xưa, một ngôi chùa cổ được tạo dựng, điểm tô cho vùng đất Vĩnh Long thành một danh thắng nổi tiếng. Cảnh đẹp thiên nhiên hòa trong tiếng chuông chiều bên dòng Cổ Chiên, đã tạo nên nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân mặc khách. Đáng chú ý là bài Vịnh Chùa Tiên Châu của Nguyễn Hữu Đức. Năm 1930, nhân chuyến vào Nam, nhà văn Phan Khôi có một bài viết ngắn về bài thơ này, và khuyên rằng trước khi đọc hoặc ngâm thì phải uống chén trà ngon, tằng hắng để lấy giọng:

 

“Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành

 Đây rộn rực nhiều, đó vắng tanh.

 Khuất nửa cỏ cây, nhà trắng trắng.

Chia hai trời nước liễu (bần) xanh xanh

 Cảnh người ngày tháng ba thằng mục,

Chùa Phật hôm mai một tiếng kình.

Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng,

Bốn mùa phong cảnh có ai tranh”.

 

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết chùa Tiên Châu còn gọi là: “Chùa Di Đà ở trước bãi Bích Trân, thuộc địa phận huyện Vĩnh Bình, do Hòa thượng Hoàng Đức Hội dựng, nước chảy vòng quanh, am viện thanh u, tục gọi chùa Tiên Châu, lại gọi chùa Tô Châu” ví như thăng tích xứ lụa Tô Châu bên Trung Quốc vậy.

 

Thực tế thì, vào khoảng năm 1750, Hòa thượng Giác Nguyên(3) người gốc Thừa Thiên Huế, đệ tử của Thiền sư Liễu Quán, phái Tịnh độ Tông, thờ Phật Di Đà đến đây, thấy cảnh Bãi Tiên sông nước u nhàn, nên đã chọn nơi này làm chốn dừng chân, dựng lên một am nhỏ bằng tranh tre vách lá, gọi là Am Bãi Tiên.

 

Đến năm 1801, sau khi ngài viên tịch, Ni sư Diệu Thiện(4) đến chăm nom, và đã vận động khách thập phương quyên góp tiền của, cất lại am, đổi gọi là chùa Bãi Tiên.

 

Tiếp theo là Giáo thọ Huỳnh Văn Lương (1828), Hòa thượng Tăng Chiếu (1829 - 1858), và đến khi Hòa thượng Hoàng Đức Hội(5) trụ trì thì, chùa Bãi Tiên được tạo dựng lại bằng gỗ của những người buôn gỗ, bè từ Nam Vang (Campuchia) về, bán ở chợ Vĩnh Long, hỷ cúng, đổi gọi là Tiên Châu Di Đà Tự.

 

Chùa mới được dựng lên theo hình chữ Tam, 3 gian nối liền nhau, gồm chánh điện, hậu tổ, hậu liêu, có tất cả 96 cột gỗ tròn bằng danh mộc, các kèo, xuyên, trính bằng cam xe, gỏ đỏ được chạm trỗ khéo léo của các nghệ nhân địa phương và từ kinh đô Huế vào.

 

 

Chùa hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như 2 bức tượng Phật Di Lặc, cùng nhiều bức tranh, bao lam, liễn đối được chạm khắc rất tinh tế có từ thế kỷ XIX như Tứ linh (Long-Lân-Quy-Phượng), Tứ quý (Mai-Lan-Cúc-Trúc) v.v...

 

Sau khi Hòa thượng Hoàng Đức Hội viên tịch có các ông: Giáo thọ Bửu Đồng (1881 - 1902), Giáo thọ Huỳnh Văn Quý (1902 - 1920), Giáo thọ Lê Văn Bảy (1920 - 1925), Giáo thọ Đặng Văng Khánh (1925 - 1945), Thủ tự Huỳnh Văn Hinh (1945 - 1946), Từ niệm Lâm Hoàng Cảnh (1946 - 1947), Hòa thượng Thích Thiện Thành (1947 - 1962), Thủ tự Lê Văn Xuấn (1962), Thủ tự Nguyễn Văn Lộc (1962 - 1964), Giáo thọ Ngộ Lý (1964 - 1965), Hòa thượng Thiên Hương (1965 - 1966), Giáo thọ Thích Giác Hoàng (1966 - 1988), Thủ tự Nguyễn Văn Của (1988 - 1990), Giáo thọ Phan Văn Nhiều (1990 - 1992), Thủ tự Giác Hòa (2 tháng), kế tiếp nhau trụ trì chùa Tiên Châu. Từ năm 1992 đến nay do thầy Thích Thành Chiếu trụ trì.(6)

 

Qua các đời sư trụ trì, các ngài đều ra sức trùng tu kiến tạo, đáng chú ý là trùng tu năm Kỷ Hợi (1899). Sau Tết Mậu Thân (1968), chùa bị chiến tranh tàn phá, hư hại nhiều, ông Đốc phủ Võ Văn Châu đứng ra vận động khách thập phương, và số tiền bán 5 cây sao của chùa, để trùng tu lại, theo bản thiết kế của Hòa thượng Thiên Hương từ Sài Gòn đem về. Nội điện vẫn giữ như cũ, dựng lại mặt tiền bằng vật liệu bê tông. Chùa rộng 20 mét dài 46 mét. Trên nóc có 5 ngọn tháp, tháp ở giữa là lớn hơn cả, chánh giữa tháp treo biển Tiên Châu Tự như chúng ta thấy ngày nay. Trải qua gần hơn 250 năm lịch sử hình thành và phát triển, Tiên Châu đã tạo nên các giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Theo Quyết định số 3211 QĐ, ngày 12 tháng 12

năm 1994, chùa Tiên Châu được Bộ VHTT công nhận là “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp quốc gia.

 

Ngày nay, du khách đến với Tiên Châu bằng một chuyến đò ngang sông Cổ Chiên chừng 5 phút. Trên bến Bình Lương, trước mắt các bạn là cảnh ngôi chùa cổ uy nghi, nằm ẩn hiện dưới tán bồ đề; xung quanh là những vườn cây trái sum sê chôm chôm, sầu riêng, nhãn chín thơm lừng của xứ sở cù lao An Bình mến khách, sẽ cho các bạn một cảm giác thật tĩnh lặng và tâm hồn thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng !

 

Thới Hòa, 15 tháng 7 năm 2003

 

 

 

(1) An Bình là do gọi ghép 2 làng Bình Lương và An Thành xưa.

 

(2) Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.

 

(3) Hòa thượng Giác Nguyên (1750 - 1801) người gốc Thừa Thiên Huế, đệ tử của Thiền sư Liễu Quán, phái Tịnh độ Tông, thờ Phật Di Đà. Sau chùa có mộ tháp của ông. Theo nhà nghiên cứu rương Ngọc Tường: Sau khi Hòa thượng Đức Hội viên tịch, có Hòa thượng Tế Triệt tức Giác Nguyên ở chùa Sắc Tứ Từ Ân (Gia Định) đến hành đạo. Phải chăng ông dựa trên cơ sở suy luận? Trong sách tìm hiểu về văn hóa Vĩnh Long, trang 99, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết một chi tiết khá lý thú: “Nhóm nhà sư trong đó có Hòa thượng Giác Nguyên đã đến vùng Long Hồ vào giữa thế kỷ XVIII, dừng chân tại Bãi Tiên (...) dựng chùa Di Đà (...) làm nơi tổ chức sinh hoạt Phật giáo phong phú và đặc sắc”.

 

(4) Ni sư Diệu Thiện quản lý chùa từ 1801 - 1828.

 

(5) Hòa thượng Hoàng Đức Hội, pháp danh Tánh Minh, đời 39 phái Lâm Tế dòng Liễu Quán; trụ trì chùa từ 1858 đến 1881.

 

(6) Theo tài liệu Lược khảo chùa Tiên Châu của ông Nguyễn Văn Yên.

Trần Thành Trung
Số lần đọc: 3922
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh