Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.202.579
 
Nhà Báo Ngô Mai Phong Phải Được Bảo Vệ
Hoàng Hưng

Đúng một năm trước, nhà báo Ngô Mai Phong (báo Lao Động) tác giả chính của loạt bài “Cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh” trên Báo Lao Động đã nhận được giải A thể loại báo in tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 3 (2009). Đến đầu năm 2010, anh lại nổ phát súng mở đầu cuộc chiến với liên minh ma quỷ gây vụ cướp than động trời ở Mạo Khê, kết quả sơ bộ đã đưa hàng loạt tội phạm sa lưới pháp luật và phơi bày thực trạng vô trách nhiệm nghiêm trọng trong quản lý kho vàng đen của đất nước.

 

Là người dũng cảm kiên trì theo đuổi cuộc chiến chống nạn thổ phỉ than từ nhiều năm nay, Ngô Mai Phong đã cảnh báo: “Rõ ràng là nạn cát cứ và sự đe doạ, thao túng của “thế giới ngầm” đang lan từ chân lên đỉnh chóp. Mọi mối quan hệ trên cơ sở của nguyên tắc và luật pháp vốn dĩ rất bền vững đang bị phân rã. Ở đây, không bảo vệ được hòn than, nghĩa là cộng đồng thợ mỏ mất dần nguồn sống. Và như vậy, bao nhiêu hệ luỵ khôn lường sẽ kéo theo.” (LĐ 29/3/2010).

 

Ngô Mai Phong đã làm đúng vai trò người “chiến sĩ” của nền “báo chí cách mạng”, một nhà báo của giai cấp công nhân, giai cấp (về danh nghĩa) luôn được coi là lãnh đạo nhà nước Việt Nam hiện nay.

Thế nhưng, giờ đây, một năm sau ngày được vinh danh, nhà báo dũng cảm đang thấy mình không được an toàn. Cách đây ít ngày, có nguồn tin rất đáng tin cậy đã cảnh báo với anh về một âm mưu trả thù đang hình thành từ những lực lượng tội phạm liên quan đến vụ án than Mạo Khê. Ngô Mai Phong đã lập tức báo cáo với BBT báo Lao Động (anh là Trưởng Văn phòng Thường trú của báo này tại Quảng Ninh) và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh để đề nghị có biên pháp bảo vệ mình. BBT báo Lao động đã gửi văn bản đề nghị Công an Quảng Ninh (CAQN) xem xét vấn đề này.

Điều hết sức bất ngờ là: chỉ sau không đầy 1 tuần – ngày 18/6/2010, trên Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh (CTTĐTQN) và báo Công An Nhân Dân, đã xuất hiện tin “ PV báo Lao động bị đe dọa sát hại là không có thật”[1].  CTTĐTQN tường thuật chi tiết mọi việc, từ nội dung công văn của báo LĐ gửi CAQN, đến tên tuổi người cảnh báo cho NMP (không ai khác chính là ông Nguyễn Duy Hưng - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Nên biết bản thấn ông Hưng vào năm 2008 cũng từng bị xã hội đen đe doạ vì chỉ đạo mạnh tay trừng trị bọn than tặc[2]). Cuối cùng, bài viết kết luận: “Căn cứ tài liệu đã thu thập, ngày 17/6/2010, Công an tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 328/PV11 gửi ông Tổng biên tập Báo Lao động, khẳng định đủ cơ sở kết luận việc PV Ngô Mai Phong nhận được thông tin về việc bị đe dọa sát hại là có thật (thông tin này do ông Nguyễn Duy Hưng điện thoại thông báo). Song việc ông Phong bị các đối tượng đe dọa sát hại do viết bài phản ánh về vụ khai thác than trái phép tại Mạo Khê trong dịp Tết Nguyên đán 2010 là không có thật.”

 

Trước hết, việc hai cơ quan truyền thông đăng bản tin trên là hết sức vô nguyên tắc. Báo Lao Động gửi văn thư cho CAQN về một việc liên quan đến phóng viên của mình chỉ để yêu cầu có sự bảo vệ, đây là công văn nội bộ giữa hai cơ quan, tại sao lại được công bố huỵch toẹt qua các phương tiện truyền thông đại chúng? Không những thế, việc CTTĐTQN công bố rõ tên tuổi người cung cấp thông tin cho nhà báo NMP, lại càng vô nguyên tắc, vi phạm những quy định sơ đẳng về giữ bí mật các nguồn tin tố giác tội phạm.

 

Đó cũng là việc làm hết sức vô cảm và vô trách nhiệm, vì không những đã không có ý thức yêu thương bảo vệ một đồng nghiệp đáng quý rất có thể đang bị đe doạ, hai cơ quan truyền thông đã “vô tình” làm hại cho người bị đe doạ khi lạnh lùng phủ nhận khả năng anh bị đe doạ. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo báo CAND và CTTĐTQN cho biết: Mặc dù có thể nguồn tin cụ thể mà nhà báo NMP vừa nhận được là không chính xác, liệu các vị có dám bảo đảm chắc chắn rằng sẽ không có sự đe doạ đối với anh? Và nếu tới đây, xảy ra việc nhà báo Ngô Mai Phong bị hại thật, các vị sẽ ăn nói sao với gia đình anh, với hàng vạn đồng nghiệp đang hành nghề, với hàng triệu độc giả?

 

Còn bất ngờ hơn nữa: tác giả tin này ký tên đàng hoàng MInh Châu - PX15, Công an tỉnh,  một sĩ quan của Sở  CA Quảng Ninh!!!

 

Câu hỏi phải đặt ra: viên sĩ quan trên viết tin do cá nhân tự động hay do lệnh của cấp trên?

Nếu do cá nhân, anh ta đã phạm kỷ luật tiết lộ bí mật của cơ quan và của vụ án cướp than Mạo Khê đang trong vòng điều tra. Nhưng có lý do để tin rằng anh viết do mệnh lệnh.

Ngược về những ngày đầu vụ than Mạo Khê. Ngay sau khi bài báo của Ngô Mai Phong được công bố, ông Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc CAQN đã mời Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản VN đến trụ sở làm việc và vì nhiều lý do, trong đó có cả sự lo sợ trách nhiệm, ông này đã phủ nhận những điều bài viết đề cập. Ông Giám đốc CAQN đã cho ghi hình Phó tổng GĐ Tập đoàn Than – khoáng sản VN phát biểu và ra lệnh cho một sĩ quan tuyên truyền của CAQN viết bài ngay, nhan đề : “Vụ ăn cắp than ở Mạo Khê không nghiêm trọng như báo chí đã nêu” sau đó yêu cầu Đài PT – TH Quảng Ninh phát sóng đồng thời chuyển đến báo Quảng Ninh điện tử đề nghị cho đăng. Song cả Đài PTTH và báo QNĐT đều không sử dụng bài viết muốn phủ nhận sự thật này. Tác giả bài “báo hụt” nói trên cũng chính là tác giả bản tin mới đây phủ nhận việc nhà báo NMP bị đe doạ!

Thực tế, vụ than Mạo Khê rất nghiêm trọng và phức tạp. Nghiêm trọng bởi vì tài nguyên bị mất lớn quá. Phức tạp bởi lẽ, dư luận nhân dân địa phương và xã hội đều lên tiếng khẳng định những gì bài viết nêu là hoàn toàn không bịa đặt. Công nhân mỏ và nhân dân Mạo Khê còn tố cáo, chỉ rõ tên nhiều phần tử tha hóa trong bộ máy chính quyền cơ sở và công an làm ngơ để than thổ phỉ mặc sức hành động.

Tuy nhiên cuối cùng thì – nói như Bí thư Tỉnh ủy QN Vũ Đức Đam: “Cả hệ thống chính trị QN đã vào cuộc”. Toàn bộ Ban giám đốc mỏ Mạo Khê bị khởi tố, bắt giam. Chủ tịch thị trấn Mạo Khê bị thuyên chuyển công tác. Bí thư Đảng ủy thị trấn phải nghỉ hưu trước đại hội.

Tại thời  điểm này, tổng số người bị bắt giam đã lên tới con số 33. Nhưng nhiều nhân vật cộm cán nhất vẫn chưa bị bắt. Đặc biệt là một số cán bộ tha hóa  thuộc hệ thống chính quyền và công an huyện Đông Triều vẫn chưa ai bị xử lý.

Trong bối cảnh trên, người có trí khôn bình thường phải tin rằng khả năng nhà báo Ngô Mai Phong bị đe doạ sát hại là có thật. Vậy mà, thay vì yên lặng điều tra và áp dụng những biện pháp cần thiết đẻ bảo vệ nhà báo, CAQN lại công khai đưa tin phủ nhận. Liệu ta có nên nói: đây là phát pháo hiệu “báo yên” cho bọn trùm xã hội đen để rồi chúng có thể tùy cơ hành động?

Chưa thể nói gì hơn vào lúc này. Nhưng ngay bây giờ, đúng vào ngày “Báo chí Cách mạng VN”, tình đồng nghiệp, đồng chí với nhà báo Ngô Mai Phong thúc bách tôi phải viết ngay những dòng này để báo động với hàng vạn đồng nghiệp, hàng triệu bạn đọc và tất cả hệ thống bảo vệ công lý của Việt Nam về mối nguy hiểm đang rình rập một nhà báo dũng cảm của chúng ta. Bảo vệ Ngô Mai Phong cũng là bảo vệ những cây bút dám đứng về phía chính nghĩa, về phía nhân dân. Là tự bảo vệ chính mình./.

20/6/2010



[1] http://www.quangninh.gov.vn/congantinh/antt_cat/004c52.aspx

[2]http://f.tin247.com/7499/B%C3%AD+th%C6%B0+t%E1%BB%89nh+%E1%BB%A7y+Qu%E1%BA%A3ng+Ninh+b%E1%BB%8B+%C4%91e+d%E1%BB%8Da+kh%E1%BB%A7ng+b%E1%BB%91.html

Hoàng Hưng
Số lần đọc: 2475
Ngày đăng: 23.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kết Quả Đại Hội Nhà Văn Việt Nam Khu Vực Miền Đông Và Tây Nam Bộ - Hào Vũ
Giới thiệu trang www.hiendai.edu.vn - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Nguyễn Khương Bình đã từ trần - Nhiều Tác Giả
Chia buồn cùng NHÀ THƠ, NHÀ BÁO PHAN HOÀNG - Nhiều Tác Giả
Trò chuyện cùng nhà văn Thế Phong. - Ban Mai
Thư Gửi Lãnh Đạo BBC - Đinh Kim Phúc
Về tác quyền bộ toàn việt thi lục”? - Phùng Thành Chủng
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 2 của Hội An Việt tại Vương Quốc Anh - Vũ Khánh Thành
Kiểm duyệt Trung hoa chặn và ngáng trên internet. (tiếp theo) - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Bài Lorca: (nghệ thuật)
(tiểu luận)