Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.715
 
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian
Trần Minh Thương

Tạp chí Nguồn sáng Dân gian, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam số 1 năm 2010 có đăng bài Thành ngữ Hán Việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây Nam Bộ  của tôi. Sau đó, tạp chí Kiến thức ngày nay có bài của thầy Nguyễn Cảnh Phức trao đổi lại cùng tác giả bài viết một số vấn đề liên quan. Đọc bài của thầy, tôi rất tâm đắc và tự nhận ra mình còn trí non, ý thiển. Song, về mặt khoa học cũng dám xin mạo muội thưa lại cùng thầy mấy ý như sau:

 

1. Về khái niệm từ Hán Việt

 

Sau khi dẫn lại ý của tôi, trích dẫn ý kiến của GS. Phan Ngọc về khái niệm từ Hán Việt, thầy Phức luận giải khá dài và sau đó nêu khái niệm: Từ Hán Việt là những từ của tiếng Hán được tiếng Việt vay mượn, tức là những từ Việt gốc Hán (Kiến thức ngày nay, số 715, trang 27).

 

Thực tình tôi rất phục cách lập luận của thầy nên không dám có ý kiến khái niệm thầy nêu ra là đúng hay chưa hay, chỉ xin thưa lại đôi dòng về vấn đề này:

 

Khái niệm từ Hán Việt xưa nay đã có nhiều giáo trình, công trình khoa học đề cập.

Trước tiên xin dẫn lại, bài học Từ Hán Việt ở sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1 (do Nguyễn Khắc Phi, tổng chủ biên), NXB Giáo Dục, H. 2003, trang 69, phần Ghi nhớ như sau:

- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt (sách giáo khoa in đậm để nhấn mạnh)

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được đứng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng, học, tập, … có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.

- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.

 

Trong công trình Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, NXB Khoa học Xã hội, H. 2008, khi đưa ra khái niệm thế nào là từ Hán Việt? PGS.TS Biện Minh Điền luận giải: Như thế nào thì gọi là từ Hán Việt? Theo Bùi Đức Tịnh, “Có thể định nghĩa một cách giản dị rằng tiếng Hán Việt là những tiếng Hán phát âm theo lối Việt. Ban đầu đó là những chữ Hán mà khi học trong sách Trung Hoa, các nhà trí thức ta đọc trại đi theo giọng Việt”..., “Những tiếng Trung Hoa học được, tổ tiên ta đã nói trại đi. Sự biến hóa các tiếng Hán theo âm hưởng Việt Nam ấy đã diễn ra bằng hai cách nói trại của dân chúng (dân hóa) và cách nói trại của các nhà trí thức (Nho hóa). Những tiếng do các nhà trí thức nói trại sẽ được gọi là tiếng Hán Việt” (Văn phạm Việt Nam, tr. 10)[1]. Nguyễn Thiện Giáp xác định: “Chỉ được phép coi là từ Việt gốc Hán những từ Hán nào thực sự nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp của tiếng Việt” (Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 276)2… Có thể đi đến xác định một cách hiểu thông dụng: Từ Hán Việt là từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, đã nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt; còn gọi là từ Việt gốc Hán3.

 

Ở chuyên đề Từ Hán Việt của TS. Hoàng Trọng Canh (chuyên đề bài giảng dành cho học viên Cao học, Đại học Vinh), ông dành chương 1 để bàn về khái niệm từ Hán Việt, trong 18 trang (từ trang 6 – trang 23). Theo đó, ông cho rằng: Quan niệm từ Hán Việt thích hợp cho đối tượng phổ thông là:

 

(…) Cho nên ở trường phổ thông, phù hợp và lợi hơn cả là nên xem từ Hán Việt bao gồm loại vay mượn từ tiếng Hán (nguyên khối) và cả loại do người Việt đã mượn các yếu tố Hán Việt để cấu tạo nên từ trong tiếng Việt

 

Riêng những đơn vị do yếu tố gốc Hán và yếu tố thuần Việt kết hợp tạo thành từ như các trường hợp sau đây thì không nên xem là từ Hán Việt (yếu tố gốc Hán in đậm – theo nguyên văn của Hoàng Trọng Canh): binh lính; cướp đoạt; đói khổ; súng trường; tàu hoả; tàu thuỷ, v.v

Mấy lời xin được bàn thêm cho tận tường một khái niệm.

 

2. Về thành ngữ “tam cương ngũ thường”

 

Chúng tôi luận giải thành ngữ này là dựa theo các tài liệu sau đây:

 

Thành ngữ điển tích của Diên Hương, sách do tác giả xuất bản tại 58, Đường Aviateur Garros, SaiGon, năm 1949, quyển hạ, trang 115, viết: Tam cang (cương): quân vi thần cang, phụ tử vi cang, phu vi thê cang. Ba mối: vua tôi, cha con, chồng vợ. Cũng sách ấy, trang 33, viết “ngũ thường”: nhơn, thương người, thương vật/ Nghĩa, biết ơn ngãi, biết bậu bạn/ Lễ, biết kẻ lớn, người nhỏ, chỗ trọng, chỗ khinh/ Trí, biết sanh phương kia, bày mưu nọ/ Tín, biết tin cậy nhau.

 

Việt Nam tự điển, quyển hạ của Lê Văn Đức cùng nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Khai Trí, Sài Gòn in năm 1970, trang 311, phần Phụ lục Tục ngữ - thành ngữ - điển tích, viết: Tam cang ngũ thường: Ba giềng mối lớn để giữ trật tự xã hội thời xưa là giềng vua tôi, giềng cha con và giềng chồng vợ và năm đạo thường để giữ giá trị của con người là nhân, nghĩa, lễ, trí và tín.

 

Chúng tôi cũng gặp trong Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS Lê Huy Tiêu biên dịch, NXB Khoa học Xã hội, H. 2001, trang 46, viết: Tam cương ngũ thường: chỉ luân lý phong kiến “Bạch hổ thông: tam cương lục kỉ” viết: “Tam cương là gì? Là quân thần, phụ tử, phu phụ”. Chú thích: “tức là quân là kỷ cương của thần, phu là kỷ cương của tử, phu là kỷ cương của phụ”. Về ngũ thường, “Thượng thư Thái thệ” viết: “phu nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu” – Chú thích: “Giữa cha con có tình thân, giữa quân thần có nghĩa, giữa vợ chồng có phân biệt, anh em có thứ bậc, bạn bè có chữ tín”. Ngũ thường tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

 

Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Khái Trí, Sài Gòn, in năm 1960, giải thích Tam cương ngũ thường, tam cương: vua tôi, cha con, chồng vợ. Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (trang 818)

 

Bửu Kế trong Tầm nguyên từ điển, Khai Trí, Sài Gòn xuất bản năm 1968, trang 440, viết Tam cương, tam: ba; cương: cái dây lớn của cái lưới thường gọi là cái giềng lưới. Hễ kéo bốn cái giềng lưới thì bao nhiêu mắt lưới đều dương ra hết. Nghĩa bóng: Ba mối quan hệ trong đạo làm người. Tam cương: vua tôi, cha con, chồng vợ.

 

3. Về điển tích “tao khang”

 

Đầu tiên xin được thưa với thầy rằng, đúng âm là tao khang chứ không phải tào khang, nhưng biết làm sao khi bản thân người viết bài này đi sưu tầm người dân miền Tây Nam Bộ, luôn đọc là tào khang, có khi đọc là tào khương (biến âm). Và, để minh chứng cho khách quan, xin được dẫn lại mấy câu ca dao do nhà sưu tầm, biên khảo Lê Giang ghi lại trong công trình Bộ hành với ca dao, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

 

- Vì em không dám phụ nghĩa tào khương

Cho nên em phải lỗi với thung đường anh biết không? (trang 61)

- Đôi ta là nghĩa tào khang

Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau (trang 69)

- Em đi qua cầu qua trăm cái nhịp

Em đi không kịp kêu bớ anh ơi!

Nghĩa tào khang sao anh đành vội dứt

Đêm em nằm ấm ức, ngày luỵ ứa tuôn rơi

Xa nhau bởi tại ông trời biểu xa (trang 69)

 

Xin được mở rộng thêm trong lời một bài tân cổ giao duyên (một loại hình nghệ thuật cải lương, rất được ưa thích ở miệt đất này) có tiêu đề Quán gấm đầu làng, do các danh ca Chí Tâm, Lệ Quyên và Minh Cảnh thể hiện, lời của Quế Chi cũng có câu:

 

Tào khang chi thê là đạo trọng

Nhưng cái nghĩa kim bằng thì bần tiện chi giao mạc khả vong.

 

Bài hát ra đời hơn bốn thập niên, nhưng vẫn còn được nhiều người thuộc, ngâm nga bên chung trà, chén rượu, …

 

Và, theo Thành ngữ cố sự của Vương An, do Nguyễn Quốc Hùng dịch, trang 41 giải thích rằng: Dưới triều vua Quang Vũ nhà Hậu Hán, có quan đại phu Tống Hoằng, tính tình chính trực, lại có tình nghĩa.

Theo đó, Quang Vũ muốn có một người bác học đa văn ở cạnh mình, Tống Hoằng bèn giới thiệu Hoàn Đàm và tâu với vua rằng:

- Học vấn của Hoàn Đàm có thể sánh được với Dương Hùng (từ phú gia) và Lưu Hoằng (kinh học gia) của thời Tây Hán.

Do đó, Hán Quang Vũ cho Hoàn Đàm làm chức Cấp sự trung, thường ngày hầu hạ bên mình. Mỗi lần có yến tiệc, nhà vua thường bảo Hoàn Đàm đánh đàn, nhưng Hoàn Đàm toàn đánh những nhạc dâm uế của nước Trịnh để làm vui cho vua. Tống Hoằng biết được, bèn cho gọi Hoàn Đàm tới trách là đã đem loại nhạc bất chính để cho hoàng đế nghe. Sau đó, Tống Hoằng vào tạ tội với vua (…) nhà vua lại càng kính phục Tống Hoằng. Lúc đó, vua có người chị là Hồ Dương công chúa, goá chồng. Công chúa rất ái mộ Tống Hoằng, Hán Quang Vũ cho gọi riêng Tống Hoằng đến bảo:

- Tục ngữ có câu giàu đổi bạn, sang đổi vợ, khanh có cho vậy là chuyện thường tình chăng?

Tống Hoằng tâu: Thần nghĩ rằng, bạn bè từng chơi với mình lúc nghèo nàn thì khi mình giàu sang cũng chẳng nên quên, còn người vợ từng chịu hoạn nạn với mình thì khi phú quý cũng không nên bỏ.

Hán Quang Vũ và Hồ Dương công chúa nghe vậy thì bỏ ngay chủ ý của mình, và càng kính phục Tống Hoằng lên thêm.

 

Sự tích này chép trong “Tống Hoằng truyện”, ở Hậu Hán thư. Người đời sau rút từ lời nói của Tống Hoằng được thành ngữ “Tao khang chi thê” (người vợ từng ăn cám và bã rượu với mình, tức người vợ lấy mình lúc nghèo hèn). Thành ngữ “tao khang chi thê” nói về người vợ lấy mình từ lúc nghèo hèn, từng cùng với mình trải qua bao gian nan khổ cực. Người vợ đó đáng quý, dù sau này mình sang tới đâu, cũng không thể bỏ được. (…)

 

Việt Nam tự điển, quyển hạ của Lê Văn Đức sách đã dẫn, trang 313, phần Phụ lục Tục ngữ - Thành ngữ - điển tích ghi: Tao (hoặc Tào) khang chi thê bất khả hạ đường/ Bần tiện chi giao mạc khả vong: Vợ chồng cưới khi còn ăn tấm mẳn chẳng nên bỏ ở nhà sau (tác giả bài viết này nhấn mạnh); anh em chơi nhau từ thuở nghèo hèn chẳng nên quên. Sau đó, sách dẫn điển tích như đã nêu, chỉ có thêm chi tiết lời của Tống Hoằng tâu vua rằng: Thần văn: Tao khang chi thê bất khả hạ đường/ Bần tiện chi giao mạc khả vong.

 

Tra thêm Thành ngữ điển tích của Diên Hương, sách dã dẫn, trang 120, cho biết: Tào khang chi thê bất khả hạ đường/ Bần tiện chi giao mạc khả vong; Tào là cám, khang là tấm, nói nghèo khổ ở cùng nhau. Sau đó, sách dẫn tích đại để như các trích dẫn vừa nêu, chỉ thêm hai dòng thơ:

 

Hồ Dương xưa cũng goá chồng

Còn mơ nhan sắc Tống Công cũng vừa.

 

Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Khái Trí, Sài Gòn, in năm 1960, giải thích tao khang: bã rượu và cám (vợ chồng lấy nhau, cùng chịu cảnh nghèo), trang 826.

 

Học giả Đào Duy Anh giải thích Tao khang: vốn là bã rượu và tấm; nghĩa bóng chỉ người vợ lấy trong cảnh hàn vi. (Từ điển truyện Kiều, NXB Khoa học, H. 1989, trang 414)

 

Sở dĩ phải dài dòng như vậy, để có cơ sở thưa với thầy Phức rằng, tác giả bài viết dẫn giải có căn cứ và không dám tự thêm tiếng “khả” ở câu Tào khang chi thê … như Thầy Phức đã cho “Trần Minh Thương lại thêm vào”, nhân tiện cũng xin được Thầy Phức cho biết tư liệu thầy dẫn giải về hai câu văn biền ngẫu: Bần tiện chi giao bất khả vong/ Tao khang chi thê bất hạ đường, nói riêng và cũng như nhiều ý trong bài viết nói chung, ở đâu, để kẻ hậu sinh có dịp tường lãm.

 

4. Điển tích “nguyệt lão”

 

Tôi hoàn toàn tán thành với ý của thầy Phức đã dẫn, giải, cũng đồng ý nốt với lời thầy đề nghị sửa lại câu đó như sau: “Hai chữ Ông Tơ cũng bởi tích ấy mà ra”. Song xin thưa thêm rằng, theo Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, in năm 2000, trang 489 cho biết:

 

“Ông Tơ bà Nguyệt [Ông Tơ hồng, bà Nguyệt lão], vị thần quyết định đến nhân duyên, xe duyên vợ chồng theo truyền thuyết

- Thương anh thương đủ mọi điều

Gió quanh em sẽ liệu chiều em che

- Ai nói chi chàng chớ có nghe

Ông Tơ bà Nguyệt đã xe ta rồi (Ca dao)

Hay:

Ông Tơ chết tiệt, bà Nguyệt chết toi

Xe sao lẫn lộn, xe tôi lấy nàng (ca dao)”

 

Sau đó, sách dẫn tích như thầy Phức lý giải. Cuối trang, nhóm tác giả Vũ Dung còn cho biết thêm có một thành ngữ khác tương tự: Ông Tơ hồng, bà Nguyệt lão.

Việt Nam tự điển, quyển hạ của Lê Văn Đức sách đã dẫn, trang 254, phần Phụ lục Tục ngữ - Thành ngữ - điển tích ghi: “Nguyệt hạ lão nhân”, ông già ngồi dưới bóng trăng, tức ông Tơ, vì tiên xe duyên cho người đời. Sau đó dẫn điển tích Vi Cố như mọi người đã biết.

 

Vấn đề ở đây chúng tôi muốn nói là người dân Tây Nam Bộ đã “khám phá” điển tích theo cách hiểu của mình và “sáng tác” ra những thành ngữ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Nội dung bài Thành ngữ Hán Việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây Nam Bộ chúng tôi muốn nói là ở điểm này!

 

5. Mấy lời thưa để thay lời kết luận

 

Thứ nhất, là kẻ hậu sinh, được thầy chỉ ra nhiều vấn đề hóc búa thì thật lấy làm cảm kích. Xin có mấy lời gọi là trao đi đổi lại để chân lý khoa học thêm sáng tỏ.

 

Thứ hai, hy vọng rằng trong một thời gian không xa, những vấn đề thầy phát hiện nếu không mang tính chủ quan thì các nhà khoa học nên sớm thẩm định để đưa vào giáo trình, vào sách giáo khoa giảng dạy cho cấp học. Đây là một việc làm thiết thực, bởi lẽ lâu nay khái niệm từ Hán Việt đối với nhiều học sinh, các em còn khá lúng túng khi tiếp cận.

 

Thứ ba, bản thân cảm thấy đôi chút hụt hẫng và nuối tiếc, bởi hai lẽ, một là không hiểu các học giả soạn các công trình như đã dẫn có tham khảo được các tư liệu quý như thầy Phức chỉ ra hay không? Bởi tài liệu, sách vở trước đây, thường mục “tài liệu tham khảo” ít có tác giả nào ghi. Hai là, phải chi những tài liệu tôi đã tin và dẫn trên được thầy Phức đọc và đưa ra những đính chính cần thiết sớm hơn (bởi theo thầy nó không chính xác) như trong bài trao đổi thầy dành cho tôi, thì có lẽ nhiều người đã không hiểu nhầm một cách “tai hại”, trong đó có bản thân tác giả Trần Minh Thương.

 

Thứ tư, là người nghiên cứu văn học dân gian, muốn hay không cũng phải chấp nhận một thực tế. Những tác phẩm tồn tại trong dân vốn có rất nhiều dị bản. Hơn thế, văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của người bình dân vùng sông nước đồng bằng cũng cần phải được tính đến khi chúng ta nghiên cứu, tiếp cận “đứa con tinh thần” của họ.

 

Mặt khác, ca dao vốn là “những câu thơ điệu nói” (dẫn theo ý kiến của TS. Phan Huy Dũng, Đại học Vinh) nên ngôn từ cũng luôn dao động. Ở đây, việc người lao động hiểu ở mức độ “hạn chế” theo ý tác giả bài viết này, nó cần được chấp nhận. Như trong bài viết Thành ngữ Hán Việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây Nam Bộ tôi đã đưa ra ý kiến, vào thế kỷ XVIII – XIX, miền Tây Nam Bộ này, Nho học có, nhưng tầm ảnh hưởng của nó là không đáng kể.

 

Họ không có nhiều điều kiện để truy tầm căn nguyên của từ ngữ, ít có điều kiện để đọc những Từ Hải tự điển, hay Tầm nguyên tự điển, … Họ hiểu nôm na, nói nôm na, … theo cách nói … đại khái như thế, nhưng xét cho tận cùng thì không phải họ không có lý!

 

Rất nhiều câu ca của họ được ngâm, đọc một cách tự nhiên, dân dã, nó chỉ thuận về ngôn từ, chứ nghĩa gốc thì … vẫn còn bỏ ngỏ!

 

Tiền Đường, Hậu Tống, Tam Quốc Châu Do

Anh thương em nói chuyện đưa đò

Mai kia mốt nọ em biết dò anh ở đâu!

 

Hay:

Hai mắt nhìn nhau ruột đau quặn thắt

Ra khỏi sông Giang Hà kẻ bắc người nam

 

Rõ ràng câu ca ở dưới thiên về nội dung tình cảm, tả cảnh chia ly. Từ Giang Hà có lẽ là một danh từ chung giang hà nghĩa là sông, thế thôi! Nó không phải là địa danh nên không cần viết hoa như nhiều tài liệu sưu tầm đã ghi.

 

Mấy lời xin được gửi gắm nỗi lòng trăn trở để tâm sự cùng thầy Phức và bạn đọc gần xa. Và nhân đây cũng xin thầy bỏ quá cho cụm từ do tác giả chưa chịu khó tra cứu các từ điển hoặc sách của Trung Quốc, tác giả của bài viết này có thể tự đánh giá mình là do xuất phát từ thực tế khách quan của những tác phẩm dân gian, tìm hiểu, sưu tầm từ cách hiểu dân gian miêu tả lại nên ít nhiều đã không thể trùng khớp với cách tầm chương trích cú điển phạm./.

 



[1],2,3 Nguyễn Như  Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 369 – 370.

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 6491
Ngày đăng: 24.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trầm Hương Vạn Giã (2) - Nguyễn Man Nhiên
Trầm Hương Vạn Giã (1) - Nguyễn Man Nhiên
Nhân cách văn hoá trong ứng xử với đối tượng nghệ thuật - văn hóa nhân gian: con người - sự nghiệp... - Hải Liên
Festival Huế với 1000 năm Thăng Long - Võ Quê
Lần giở trang truyền thuyết cũ: - Khải Nguyên
Tục Thờ Ông Nam Hải và Lễ Hội Cầu Ngư - Nguyễn Man Nhiên
Tôn Giáo Nội Sinh Đồng Hành Cùng Nông Dân Nam Bộ - Nguyễn Do Đẳng
Cao dao Khánh Hòa - Lê Khánh Mai
Quan Niệm Bình Dân Việt Nam về Hôn Nhân Gia Đình - Trần Văn Cảnh
Ca dao dưới góc nhìn giọng điệu - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)