Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.732
 
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu
Nguyễn Viết Chung

Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành tác phẩm “Diện Mạo Văn học Dân gian Nam Bộ” (DMVH DGNB) vào đầu năm 2004, gồm 2 quyển 1 và 2 của cố tác giả Nguyễn Văn Hầu, nhà giáo, nhà nghiên cứu có tiếng của Nam Bộ.

 

Đây là tác phẩm cuối đời của cố tác giả Nguyễn Văn Hầu. Sau các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa” do Tân Sanh xuất bản (Sài Gòn 1959) viết về Quản cơ Trần Văn Thành thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, người đã từng theo Nguyễn Trung Trực và lập chiến khu ở Láng Linh, xã Thạnh Mỹ Tây (An Giang) chống Pháp, “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu” do Xây Dựng xuất bản (Sài Gòn 1961) ghi lại chuyện một thanh niên yêu nước ở Hồng Ngự, Cao Lãnh bị thực dân Pháp đày qua tận Cayenne (vùng Trung Mỹ Châu, thuộc địa Pháp) trốn về hoạt động trong phong trào Duy Tân, “Thoại Ngọc Hầu và Những khai phá miền Hậu Giang” (1973) và nhà xuất bản Trẻ tái bản (Sài Gòn 1969) viết về Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại với công cuộc khẩn hoang miền Hậu Giang, đào kinh Vĩnh Tế, Thoại Hà, lập làng, đắp đường, bắc cầu, xây chợ, bảo hộ Cao Miên, góp nhiều công sức trong việc dựng nước và giữ nước...

 

Theo lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam “Đây là công trình khá dày đặc, thể hiện công phu tìm tòi biên soạn trong nhiều năm. Bộ sách tuy chưa khái quát được quá trình hình thành và phát triển của văn học dân gian Nam Bộ qua các thời kỳ lịch sử, nhưng đã giúp bạn đọc hình dung được diện mạo của văn học dân gian Nam Bộ trong suốt 300 năm. Qua đó, ta có thể thấy được những đặc điểm về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ mà nó đã phản ảnh. Đây có lẽ là công trình tâm huyết nhất của Nguyễn Văn Hầu, xuất phát bởi lòng tha thiết yêu mến vốn văn hóa truyền thống của vùng đất phía Nam trong đó có quê hương An Giang của anh” (trg 7 và 8).

 

Nguyên bản thảo quyển sách mang nhan đề “Ba trăm năm Văn học dân gian Lục tỉnh”, nhưng được sự chấp thuận của gia đình cố tác giả, nhà xuất bản đổi tên lại là “DMVHDGNB”. Từ “Lục Tỉnh” (1832) đến “Nam Bộ” (1945) danh xưng khác nhau, vì thời gian lịch sử cũng khác nhau, mặc dù là cùng một vùng đất. Sự đổi tên sách như thế thiết nghĩ chưa ổn với nội dung và thời điểm mà cố tác giả đã viết.

 

Tác phẩm “DMVHDGNB” in thành 2 quyển. Quyển 1 từ chương 1 đến chương 5, gồm: 1 - Văn học và các loại văn học dân gian miền Nam: tục ngữ, câu đố, truyện cổ, ca dao. 2 - Các loại văn học dân gian miền Nam: hò, vè, nói thơ, thơ rơi và các điệu dân ca khác. 3 - Từ bước đầu của văn học nói, biểu hiện những ý chí và tình cảm trong cảnh ly hương, những đấu tranh cam go dai dẳng trên đường khai phá và những sáng tạo mới để đáp ứng kịp nhu cầu. 4 - Văn học dân gian ghi nhận những sự kiện từ thời sự, lịch sử, nhân vật, địa danh đến những sự kiện thường thức, có khả năng lưu truyền từ đời nầy sang đời kia và phổ biến từ vùng nầy sang vùng khác. 5 - Cư xử, tập quán và kinh nghiệm của người Lục Tỉnh, thấy được trong tục ngữ, câu hò và câu hát. Quyển 2 từ chương 6 đến chương 10, gồm: 6 - Vấn đề hôn nhân với các mặt tốt xấu của nó được thể hiện qua tiếng nói dân gian. 7 - Huê tình một trong các vấn đề tình cảm thể hiện phong phú nhất trong hò. 8 - Văn chương châm biếm quyết liệt tố cáo, đả phá những hành vi bê bối, những thói tật hư thúi, những áp bức bất công qua những truyện cười, câu hát, bài vè. 9 - Tinh thần yêu nước chống xâm lăng biểu lộ rất sôi nổi hào hùng trong hò, hịch, thơ, vè. 10 - Màu vẻ miền Nam trong văn học dân gian địa phương.

 

Qua những chương mà ông sắp xếp theo trình tự như trên một cách khoa học cho thấy tác giả đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, biên soạn chu đáo hoàn thành công trình nghiên cứu của mình.

 

Địa danh “Nam Kỳ Lục Tỉnh” được đặt ra từ năm 1832 dưới triều Minh Mạng nhà Nguyễn, trong đó bao gồm 6 tỉnh của chặng cuối Nam tiến và kéo dài đến năm 1867, thực dân Pháp chiếm trọn 6 tỉnh miền Nam và cắt Lục Tỉnh ra làm 20 tỉnh rồi 21 tỉnh. Riêng địa danh Nam Bộ được gọi từ khi Cách mạng tháng 8 thành công năm 1945. Trong khoảng thời gian dài từ ấy đến nay biết bao dâu biển, biến cố lịch sử, những chuyện xảy ra đổi thay không ngừng, cho nên trong lời dẫn tác giả đã nói “Đây không phải là lịch sử văn học mà chỉ là một mớ tài liệu văn học. Công việc ở đây là cố gắng sưu tầm và giới thiệu một số văn chương dân gian được phổ biến trên đất Lục Tỉnh lâu nay... Sở dĩ có việc làm nầy là vì có một khống khuyết khá lớn về sự hiện diện của thứ văn chương dân gian ấy trong các bộ sử sách viết về văn học Việt Nam. Và thêm một điều cần khác, là tính chất đặc thù của nó cũng có thể góp Thêm phần phong phong phú c h o kho tàng gia sản chung” (quyển 1, trg 12).

 

Nói về sự biến dạng, biến cách của tục ngữ, ông có cái nhìn phóng khoáng “Đó là sự hóa thân của tục ngữ qua tinh thần sáng tạo dồi dào của dân gian chứ không phải do sự lầm lẫn gây nên. Vả lại, một khi chúng ta chấp nhận “dân gian là chúa tể của ngôn ngữ”, “là tác giả của tục ngữ”, thì sự thêm vô, bớt ra, xé lẻ, biến trại là quyền năng của dân gian, miễn là câu ấy, tiếng ấy, trải qua một thời gian sàng sảy, nó vẫn chịu đựng được thì đã đủ rồi” (quyển 1, trg 29). Đồng thời, ông cũng dễ dàng chấp nhận sự giao thoa không phân biệt “Chúng ta lại còn thấy khả năng tiếp nhận và hòa hợp khá linh động của tục ngữ. Ngày nay thật khó lòng mà hiểu được câu nào gốc từ tục ngữ được “sang ngang” để “phối ngẫu” với ca dao và câu nào là ca dao, là thơ ca bác học chánh hiệu được kho tàng tục ngữ “dang tay” đón nhận. Nhưng sự thâm nhập lẫn nhau, trà trộn quấn quít lấy nhau thì quả là hiển nhiên” (quyển 1, trg 29).

 

Văn học dân gian Lục Tỉnh xuất hiện từ buổi đầu lịch sử khai hoang vùng đất phía Nam theo chiến lược “tằm ăn dâu” của Nguyễn Cư Trinh. Những người dân “đội trời đạp đất, hất mặt nhìn đời” không chỉ sống hiên ngang đấu tranh với những thử thách thiên tai địch họa mà họ cũng biết nhớ thương về nguồn cội và vẫn giữ những nền nếp, phong độ của giống nòi:

 

Dinh Trấn Biên rừng xanh đất đỏ

Bởi vận nghèo mới bỏ vô đây

Chiều chiều lên núi trông mây

Ngó về quê cũ nhớ cây da tàn!

(quyển 1, trg 146)

 

Người đến trước, kẻ tới sau. Họ đã gặp nhau trong tình người thân thiết trên vùng đất mới màu mỡ, trù phú và cũng không kém phần thơ mộng:

 

Sáng trăng giã gạo giữa trời

Cám bay phất phưởng thương người xứ xa!

(quyển 1, trg 147)

 

Những cuộc tình duyên cũng được hình thành tốt đẹp. Mối tình vạn dặm này không phải là ít trong cuộc sống của lưu dân:

 

Nồi đồng thời úp vung đồng

Con gái xứ Huế lấy chồng Đồng Nai.

(quyển 1, trg 148)

 

Kể cả những lời hò hẹn thủy chung vượt qua hoàn cảnh khốn khổ, đáng yêu:

 

Anh về ngoài Huế thắt rế tai bèo

Gởi vô em bán đỡ nghèo, đợi anh.

(quyển 1, trg 148)

 

Mặc dù vùng đất này trước đây là rừng thiêng, nước độc, thú dữ... Trên bờ, dưới sông nơi nào cũng có thể đe dọa cho sinh mạng người dân từng giờ, từng phút:

 

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

(quyển 1, trg 151)

 

Nỗi lo sợ ban đầu ấy cứ ám ảnh trong lòng người xa xứ đi mở đất:

 

Tới đây đất nước lạ lùng

Chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng.

(quyển 1, trg 151)

 

Thời gian lần lần, bước chân lưu dân đặt đến miền tận cùng của đất nước. Trong buổi đầu cũng vẫn cảnh tượng hoang dã, hiểm nguy ấy:

 

U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.

(quyển 1, trg 151)

 

Nhìn vào giai đoạn đầu của văn học dân gian Lục Tỉnh, người lưu dân phải vượt qua thiên tai

địch họa và thú dữ cho mãi đến đầu thế kỷ XX mới ngớt. Trải qua thời gian dài, người dân đã nỗ lực vượt mọi gian nan khai hoang lập làng, lập ấp để có vườn tược xanh tươi, ruộng đồng cò bay thẳng cánh:

 

Nhìn mương, nhìn đập

Nhìn cây bắp trổ cờ

Núi sông dài thượt cánh cò

Công ai xẻ rãnh, đắp bờ mà nên!

(quyển 1, trg 189)

 

Rồi đến thời kỳ Pháp thuộc, sự va chạm giữa hai nền văn hóa Đông - Tây ngay trên đất nước mình nửa sau thế kỷ XIX đã khiến người dân ngơ ngác. Nền văn minh khoa học phương Tây tràn vào đất nước ta, văn học dân gian Lục Tỉnh có phần thay đổi, chuyển biến với cách diễn đạt mới:

 

Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ

Mấy lời to nhỏ bạn bỏ sao đành!

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành

Chiếc tàu Tây kia liệt máy...

Anh mới đành bỏ em!

(quyển 1, trg 247)

 

Nếp sống một số người đua đòi chạy theo phương tiện, thời trang mà trước đây ta chưa thấy và chưa có:

 

Bước lên xe kéo còn réo xe hơi!

May thêm cái áo da trời

Đặng em bận kịp cái đời văn minh.

(quyển 1, trg 247)

 

Trước sự thắng thế của khoa học vật chất Tây phương, lúc bấy giờ có một số người chưa tin. “Khi đèn điện bật cháy lần đầu tại thành phố Sài Gòn nhiều người lo sợ, cho đó là quỉ thuật... Rồi chiếc xe đạp nhập cảng vào đầu thế kỷ (XX), càng làm kinh dị người xem. Người ta đổ đường đi bộ hàng chục cây số để coi ông Huyện Hàm nọ, ông Hương Cả kia vừa mua đặng chiếc xe “cắng keng” đem về.

 

Chuyện tập chạy xe cũng không phải là dễ. Phải vái cúng gà rượu hoặc bộ tam sên để thoát sự rủi ro và cho đừng bỏ cuộc... Rồi cái giàn hát máy, rồi chiếc máy chụp hình! Ối thôi là hoang mang dư luận. Quỉ! Đúng là yêu quỉ chớ còn bàn tán nỗi gì!

 

Chỉ nghe hơi tiếng, thấy đâu hình

Phẫn nộ, hò ca, cười, đáng kinh

Mị thuật trên đời nhiều phép lạ

Không là thần dị, cũng tà tinh!

(Khuyết danh)

 

Cái máy chụp hình

Hớp hồn bắt vía

Ai mà tin nó

Cũng có lúc điên!

Rước xui đuổi hên

Bắt đền ai đặng?

Trẻ già nghe dặn

Chớ mắc mưu thầm...

(Vè Máy chụp hình - quyển 1, trg 249).

 

Ngày nay, khoa học càng tiến xa hơn, chẳng những nghe tiếng mà thấy cả hình, không còn nghi ngờ gì nữa.

 

Sự có mặt của thực dân Pháp trên đất nước ta, làm cho người dân căm ghét, bài xích, chống đối khắp mọi lãnh vực:

 

Bánh xèo cặp đọt bằng lăng

Người Nam sao lại ưng thằng Tây Dương?

(quyển 2, trg 241)

 

Người dân Lục Tỉnh khi nghe giặc Pháp đến, đều đồng loạt đứng lên đánh giặc:

 

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ

Anh hùng Lục Tỉnh trương cờ thâu công.

(quyển 2, trg 274)

 

Cùng với các chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường, văn học dân gian cũng là vũ khí sắc bén nung đúc tư tưởng chiến đấu của toàn thể nhân dân:

 

Chim bay trong núi

Nước đổ trên nguồn

Mồ cha cái lũ Tây Dương

Mắc mớ chi nó tầm đường qua đây!

(quyển 2, trg 275)

 

Tinh thần đánh đuổi quân xâm lược không lúc nào nguôi, đánh bất kể thời gian, đánh liên tục để giải phóng đất nước:

 

Nước rông, nước kém

Một tháng hai kỳ

Đuổi loài bạch quỉ

Đâu sá gì ngày đêm.

(quyển 2, trg 276)

 

Con người sống trong hoàn cảnh, thời đại nào cũng cố giữ vững tinh thần mình trước bao giông tố thử thách. Đó là phẩm chất cao quí không gì so sánh:

 

Có gió lung mới biết tùng bá cứng

Có ngọn lửa lừng mới biết nước vàng cao!

(quyển 2, trg 369)

 

Mục đích và lý tưởng của con người trên trái đất và mọi thời đại là đấu tranh để được sống hạnh phúc, cơm no, áo ấm, lạc nghiệp âu ca:

 

Đời phải đời thạnh trị

Cuộc phải cuộc văn minh

Khắp nơi hải yếu hà thanh

Chắp tay xủ áo dân lành âu ca.

(quyển 2, trg 411)

 

Qua “DMVHDGNB” cố tác giả Nguyễn Văn Hầu đã khái quát nhận xét “Người Lục Tỉnh yêu đời, lạc quan, cần cù lao động và tin tưởng ở tương lai, họ dũng cảm tiến lên dù cho phải nhiều lúc gặp cảnh gian nan thử thách” (quyển 2, trg 410).

 

Cố tác giả Nguyễn Văn Hầu đã có công sưu tầm và biên soạn công trình nghiên cứu của mình một cách nghiêm túc, rõ ràng. Tuy không đầy đủ mà nhằm bổ sung một mớ tư liệu về văn học dân gian Lục Tỉnh. Một lãnh vực mênh mông, phong phú, nên chỉ là tư liệu tiêu biểu thôi. Đối với sự nỗ lực của một người như ông đã tham khảo trên 60 tài liệu báo chí, sách quốc ngữ, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và đi điền dã sưu tầm trong dân gian nhiều năm trong thời gian cuộc chiến tranh còn ác liệt trước đây để hoàn thành 2 quyển gồm 796 trang sách, là chuyện làm đáng khen không thể cầu toàn hơn nữa.

 

Tác giả đã để lại cho chúng ta những tư liệu quí giá, góp phần cho chúng ta soi lại diện mạo vùng đất mà mình đang sống !

Nguyễn Viết Chung
Số lần đọc: 4168
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh