Sau tiểu thuyết Hư thực khá ấn tượng thu hút sự quan tâm của độc giả và bạn viết, nhà văn Phùng Văn Khai đang triển khai một tiểu thuyết mới (Hồ đồ), tôi đã đọc khoảng trên 100 trang, vẫn là lối viết mới mẻ với phong cách hiện thực huyền ảo tinh tế. Ngoài sáng tác, anh còn rất say mê khảo sát các chân dung văn học. Anh đã in hai tập sách mỏng về chân dung nhà văn Lê Lựu và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Thời gian gần đây, anh công bố một loạt phác thảo các chân dung văn học trên báo và các trang mạng khá ấn tượng về Nguyễn Thi, Xuân Sách, Vũ Cao, Vũ Trọng Phụng, Thanh Tùng, Hoàng Quốc Hải, Đoàn Văn Cừ, Dương Hướng, Lê Kim, Nguyễn Minh Châu, Ngân Giang, Thanh Giang, Xuân Thiêm, Đỗ Trung Lai, Đào Bá Đoàn, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Anh Nông… Anh có ý định nối nhà văn với đời sống và tác phẩm, trong đó nòng cốt là đời sống nhân dân, đời sống dân tộc. Anh khẳng định, trong một nhà văn có hai con người, con người xã hội và con người văn chương. Anh kiên trì hé mở sự thật về lương tâm, nỗi đau, bản lĩnh, chuyện riêng tư của họ. Theo anh, quan tâm đến nhà văn là điều cần thiết, thiết thân của người yêu mến văn chương.
Trong phác họa chân dung văn học, Phùng Văn Khai luôn đặt tài năng nhà văn lên trên hết, sau tài năng là nhân cách. Anh đi vào bản chất vấn đề để nhận định chuẩn xác về văn chương và tài năng. Các nhà văn với một trái tim và khối óc sáng tạo không ngừng. Con đường văn chương là con đường của nhân cách và tình người, của lương tâm đối với xã hội. Tình yêu văn học là hy sinh, dấn thân, chịu thiệt thòi, gian khổ. Phùng Văn Khai lấy nguyên tắc và chuẩn mực riêng về cái đẹp của bản thân làm tọa độ soi chiếu những chân dung. Anh đưa ra cụm từ điện năng sáng tác của các nhà văn. Vì điện năng này mà nhà văn có thể tỏa sáng, hoặc lụi tắt, và cũng có thể trau dồi, nạp thêm năng lượng, giữ gìn năng lượng đó. Nhà văn cô độc với sứ mệnh cứu rỗi của họ. Dù là sống ở thời nào, nhà văn cũng nên đem cái nhân văn và tình yêu thương con người ra mà sống với đời. Phùng Văn Khai muốn bật lên một ánh lửa, thúc giục các nhà văn chia sẻ, động viên nhau trong cuộc đời và nghệ thuật. Anh cũng có ý thức gieo vào lòng người khác những sự thực về cuộc đời, về xã hội đôi khi rất khó nói. Anh luôn đánh giá cao sự tìm tòi độc lập của các nhà văn.
Phùng Văn Khai luôn lấy nhân vật này để soi chiếu nhân vật khác. Mỗi chân dung văn học có một phương pháp khai thác và tiếp cận riêng. Con đường của người sáng tạo là con đường vác thập giá đớn đau. Vũ Trọng Phụng, Vũ Cao, Thanh Giang, Thanh Tùng, Ngân Giang... là những nhà văn đi trước. Họ luôn sống với quá khứ hào hùng của dân tộc, truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau. Di sản của các nhà văn này là những thành tựu văn học, giá trị quen thuộc của đời sống tinh thần, đã được thời gian, lịch sử khẳng định. Phùng Văn Khai chỉ tập trung vào những giá trị nổi bật. Những chân dung ấn tượng là chân dung Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Quốc Hải, Đào Bá Đoàn... Lê Lựu một nhà văn nông dân đôn hậu chất phác. Chân dung Hoàng Quốc Hải đề cao sức lao động và nghị lực của nhà văn. Nguyễn Hoàng Đức người viết dấn thân - người nghệ sĩ chân chính dám hy sinh đời mình cho nghệ thuật, chấp nhận thử thách thiệt thòi và cô đơn đau khổ để khai phá con đường cứu rỗi. Cốt cách văn chương Nguyễn Bình Phương là văn chương bản năng, rỉ máu trí tuệ, tơ trời khí nước. Cây bút Đào Bá Đoàn tư duy lạ, có sự đổi mới về thi pháp, thể loại. Hình như, Đào Bá Đoàn có khả năng khiêu vũ bằng ngôn ngữ. Phùng Văn Khai khá gần gũi những nhân vật của mình, nên hiểu rõ tính cách, tài năng, khát vọng của họ, biết chắt chiu những chi tiết, ấn tượng nhỏ để dựng nên một chân dung văn học. Anh có sở trường nói về cái vừa thực tế vừa mờ ảo; anh không hứng thú với cõi đời trần trụi, cũng không đam mê cái khuất lấp xa vời, anh trung hòa ở giữa và say mê với nó. Anh cứ rủ rỉ rù rì như thế mà nói được bao nhiêu vấn đề về văn học và cuộc sống.
Anh nhìn nhận và tiên cảm về cuộc chiến đấu sống còn cho lý tưởng nghệ thuật: “
Cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu không cân sức, đó, đang và sẽ diễn ra âm thầm, khốc liệt, năm ăn năm thua, được làm vua thua làm giặc, lành làm gáo vỡ làm muôi..., tóc tai dựng đứng quyết đem tất cả đời sống nhân sinh, kiến văn đ ông t ây kim cổ mà gi áp chiến.” . Anh hộ lộ sự trải nghiệm của một người cầm bỳt. Anh muốn thắp lên một ngọn lửa tinh thần, niềm tin tưởng ấm áp mà anh và bạn bố anh đang nhen l ên, đang hướng tới.
Ở đây, ta thấy cái dí dỏm, linh hoạt, quyến rũ rất riêng của Phùng Văn Khai, cũng như ánh sáng soi rọi của lương tâm nhà văn anh muốn gửi gắm vào đó.
Phùng Văn Khai đánh giá cao sứ mệnh và giá trị của nền văn học cách mạng. Theo anh, những cá nhân và tổ chức phủ nhận nền văn học cách mạng là lố lăng và ảo tưởng. “Trong nhiều điều then chốt, chỉ riêng một điều sự phục vụ vĩ đại của các tác phẩm văn học vì Tổ quốc, sự hy sinh những chức năng quyết định, cốt cán của đặc điểm văn học vì nhân dân, sự tự nâng mình lên, dẹp bỏ cái tôi, dẹp bỏ cá tính, thậm chí hy sinh xương máu, đi ngược lại chính mình của những người viết đã là một sáng tạo mang tính thần thánh của nền văn học thời kỳ này. (Tản mạn Nguyễn Bình Phương).
Khi viết các chân dung, Phùng Văn Khai có ý thức đặt nhà văn và tác phẩm cũng như giá trị của nó trong bối cảnh một nền văn hóa và lịch sử của dân tộc. Lợi ích và giá trị chân chính của dân tộc được đặt lên trên hết, là điểm tựa để đánh giá tầm vóc, tài năng, tâm huyết của nhà văn. Đôi khi Phùng Văn Khai khảo sát được cả vấn đề thể loại. Các chân dung mà anh đề cập đến, mỗi người một góc cạnh, chiều sâu và hấp lực riêng. Chân dung văn học của Phùng Văn Khai không có kết cấu rõ ràng nhưng mạch lạc. Các chân dung luôn vẫn ánh lên vẻ tươi mới của cảm xúc, màu sắc, không gò bó vào khuôn khổ. Có thể, trong mỗi chân dung anh chưa thống kê đầy đủ, dày dặn, mà chỉ phác họa những gì cơ bản nhất, giản dị đời thường. Cuộc sống mưu sinh cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nhà văn đương thời. Họ cũng có thể bị cám dỗ, tha hoá, bị sự cản trở từ một thế lực xã hội, đó là thực trạng phải nhìn nhận. Anh muốn đời sống của các nhà văn cũng được quan tâm như tác phẩm của họ vậy.
Cuộc sống có lý lẽ của riêng mình, văn chương so với cuộc sống nhỏ bé biết bao. Giá trị của nhà văn không chỉ là tài năng, tác phẩm, mà còn là cách ứng xử của các nhà văn với đời, với nghệ thuật. Các nhà văn nhà thơ đến với nghệ thuật còn do tiếng gọi của tình yêu nghệ thuật. “Thân phận con người là mối quan tâm vĩnh cửu của các nhà văn chân chính.”. Văn chương của mỗi người có tồn tại, tỏa sáng được còn do khách quan và chủ quan, vị thế và văn tài của các nhà văn.
Ngoài đời, Phùng Văn Khai ấm áp, đùm bọc, tri kỷ với bè bạn. Đối với tôi, anh luôn là người bạn, người anh lớn. Anh luôn có ý thức gieo vào lòng người khác những sự thực về cuộc đời, về xã hội. Đôi khi vấn đề rất khó nói anh lại dễ dàng nói được ra. Anh rất hiểu tâm lý con người. Cái khụng khiệng và hóm hỉnh rất Phùng Văn Khai, ngôn từ của anh đầy tình người, chắt lọc. Phùng Văn Khai thấu hiểu về nghề viết văn, “Cái sự văn chương là một sự dài, phải cày sâu cuốc bẫm, phải lăn lóc, phải biết giết đi chính mình mới mong có một cái gỡ.”. Và chính bản thân anh cũng đã “Viết theo bản năng sống cộng với cả kinh nghiệm cộng với cả vấp ngã của mình của người còn tự ví mình như dòng sông cứ lặng thầm chảy ắt ra đến biển.”
Phùng Văn Khai đã có những khai thác chân dung rất khéo léo và ấm áp. Anh mở rộng đôi tai ra nghe ngóng, những nghe ngóng về bí mật thực sự của con người. Các từ mới của anh xuất hiện và được trở đi trở lại trong các chân dung: Vân vi, lao tác, tối tác, thị phi, mông muội... Anh hay nhắc đến thị phi, sao lắm thị phi thế? Tôi thán phục tài khéo léo và kiên nhẫn của anh, đôi khi anh chạy quanh, nghi binh, đánh vu hồi, để chạm vào sự thật.
Có nhiều chân dung anh viết hay là chân dung Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Quốc Hải và Đào Bá Đoàn... Tác giả lấy nhân vật này để soi chiếu nhân vật khác, như ba bức chân dung tương đồng: Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Minh Châu. Anh viết rất tự nhiên về Lê Lựu: “Gia đình tổ tông Lê Lựu từng danh gia vọng tộc hồi nào rồi sa sút do biến cải của đất trời vần vũ thì mặc nhiên ông vẫn bộc lộ rõ tư chất của người hiền.”
Tản mạn Nguyễn Bình Phương là chân dung hay nhất, thể hiện năng khiếu viết chân dung của Phùng Văn Khai rõ ràng nhất. Anh đặt bút viết như một người tri âm tri kỷ: “Anh cứ việc đi vào con đường văn chương đang rất thuận đà của anh đi, bậu xậu như tôi còn đi và đến nữa là anh, một con người âm thầm kiêu hãnh với những việc mình đang đi, đang chảy, dù đương nhiên đơn độc, thiếu gì oan khuất đâu đó sẽ vạ vào anh, chảy ngược anh. Anh cứ nên đi mà viết ra những Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi… đi anh. Và một hôm tôi đã chả đe anh rằng: Nguyễn Bình Phương chết rồi. Phen này thì ông chết. Tôi sẽ viết một cuốn đập chết cuốn của ông. Cuốn của tôi là Nửa nằm nửa ngồi, nhân vật của tôi là giở giăng giở đèn, tranh tối tranh sáng, năm ăn năm thua, tai bay vạ gió, vớ va vớ vẩn, nhập nhà nhập nhằng, nửa người ngửa ngợm, vừa đái vừa dòm, du thủ du thực… thì ông chết chắc rồi ông ạ. Ông cứ cốc cốc cốc… cốc cốc cốc... chán bỏ mẹ. Tôi sẽ giết ông…”.
Những dòng phê bình tự tin, ấm áp, kiêu hãnh. Phùng Văn Khai viết rất hay về nỗi lo mơ hồ, dự cảm sợ hãi của nhà văn.
Phùng Văn Khai rất khéo dẫn chuyện, bày vẽ trước mắt người đọc một cõi đời luôn xáo xào, luân chuyển. Các nhà văn trước mắt anh với một trái tim và khối óc biến hóa khôn lường, con đường văn chương là con đường của nhân cách và tình người, của lương tâm đối với xã hội. Anh luôn cảnh báo các thế lực cám dỗ và tha hóa các nhà văn.
Tư duy tổng hợp và khả năng dung nạp, phân tích vấn đề của Phùng Văn Khai có phần đáng nể. Đọc anh, ai yêu văn chương sẽ càng say mê với nghề viết, với việc tìm hiểu văn nghệ sĩ, yêu thương văn chương, dù văn chương ấy cũng đem lại cho người nghệ sĩ không ít thiệt thòi. Tiếp nối các nhà văn xưa kể chuyện viết văn, anh cũng ý thức về nghề nghiệp nghiêm túc về chuyện làm văn của mọi người. Mỗi chân dung một màu sắc, đậm nhạt vui buồn, hài hước, u uất. Nó tồn tại, tỏa sáng được còn do khách quan và chủ quan, vị thế và văn tài của các nhà văn, anh chỉ nương theo đó vẽ chân dung họ. Anh có đôi tai lắng nghe nhiều thanh âm từng rạn vỡ thì thầm của cuộc sống, cả những biến ảo và mưu mô của con người. “Dẫu nhiều ít, lúc này lúc khác, nhưng mình vẫn luôn luôn đóng góp”, anh nói với tôi, mắt lim dim, đầu gục gặc. Mỗi người một đóng góp, nó mới tạo nên vườn hoa muôn vàn màu sắc. Ta không thể đòi hỏi quá đáng ở các nhà văn. Đóng góp của họ còn tùy cuộc đời, số phận và tài năng, nhưng chỉ có những con người có lương tâm và trách nhiệm mới làm nên những sản phẩm tốt nhất phục vụ con người.
Phùng Văn Khai chịu trách nhiệm và tin tưởng về những nhận định, xúc cảm của mình khi viết về các nhà văn, đọc anh luôn nhận ra điều đó. Các chân dung luôn ánh lên vẻ tươi mới của cảm xúc, màu sắc và lòng yêu mến, không gò bó vào khuôn khổ. Có thể trong mỗi chân dung anh chưa thống kê đầy đủ, dày dặn, mà chỉ phác họa những gì cơ bản nhất và đơn sơ nhất. Anh muốn đời sống của các nhà văn cũng được quan tâm như tác phẩm của họ vậy. Tôi thấy Phùng Văn Khai không chịu ở trong khuôn khổ cũ kỹ giáo điều, song anh cũng chưa phá rào chui ra bên ngoài, anh đang loay hoay ở giữa. Tình trạng đó chắc làm anh rất khó chịu, u uất, và hứa hẹn một ngày mai anh sẽ phóng ra, đi xa hơn.
Đọc những chi tiết, những khuất khúc của Phùng Văn Khai thú vị như đọc sáng tác. Giá như người viết văn trẻ một lần tin vào nó để học hỏi cho riêng mình thì họ sẽ biết cách lớn lên. Phùng Văn Khai không quá quan trọng những tài năng trí tuệ, mà là anh đặt lên cao tấm lòng của các nhà văn đối với cuộc sống, và sự làm chứng của anh cho cuộc sống của các văn nghệ sĩ lớn nhỏ đang tồn tại quanh anh. Theo tôi những chân dung dài ngắn, kỹ lưỡng và sơ sài là không tương đương với nhau, anh còn kém dụng công chăng? Thời gian gần đây, Phùng Văn Khai liên tục có những đóng góp về sáng tác, phê bình, cũng như vượt hẳn trong khai phá văn chương làm tôi cảm thấy ngạc nhiên, thấy sức sáng tạo của anh dường như không hề mệt mỏi.
Năm năm trở lại đây, Phùng Văn Khai chuyển biến khá nhanh, mạnh mẽ tách mình khỏi cuộc sống ồn ào đi một con đường riêng. Anh rất tin ở chính mình, tin ở sự đổi mới của các nhà văn hôm nay. Anh có đôi tai lắng nghe nhiều thanh âm từng rạn vỡ thì thầm của cuộc sống, cả những biến ảo và mưu mô của con người. Văn anh nhân hậu và ấp iu bao thân phận con người. Chân dung văn học của Phùng Văn Khai rất gần với sáng tác, hấp dẫn, linh hoạt, đầy ngã rẽ. Thông qua mỗi chân dung, anh thể hiện quan niệm đối với nghề viết và một niềm yêu văn chương nồng thắm. Những người sáng tác trẻ nhận được trong đó những kinh nghiệm, bài học bổ ích, trung thực về văn học và quá trình sáng tạo, cũng như cách ứng xử đối với nghề văn. Có lẽ anh nhất trí với quan điểm cho rằng, không nên đem cái cá nhân nhỏ lẻ cảm tính để ôm chứa cái chỉnh thể văn chương đã khá độc lập và hoàn thiện.
Từ những chân dung văn học viết khá công phu, tâm huyết, nhà văn Phùng Văn Khai đã dụng công khảo sát đời sống tâm tư của các nhà văn cũng như các tác phẩm văn chương - những đứa con tinh thần của họ. Qua đó, anh bộc lộ tình yêu văn chương, sự tin tưởng và khích lệ đối với những người cùng sự nghiệp. Nguồn tư liệu đáng tin cậy, dồi dào, anh đã xử lý khéo léo và nhuần nhuyễn bằng cách khai thác riêng. Mỗi bức chân dung văn học hiện lên với dung lượng và góc độ không giống nhau nhưng nhất quán. Góc nhìn của anh, tinh thần anh thổi vào đó, khiến các chân dung trở nên mới mẻ, gần gụi và ấm áp hơn đối với người yêu văn chương nghệ thuật./.