Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.548
 
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà
Trần Quang Vinh

DẪN

Sử cũ chép rằng, đầu thế kỷ 16 triều Lê suy tàn. Vua Lê Tương Dực đắm chìm trong nữ sắc nên chết sớm. Lê Uy Mục lên ngôi càng tệ hại hơn. Đêm đêm cùng cung nhân uống rượu, ai say thì giết. Người trong Hoàng tộc hùa nhau hạ sát Uy Mục, lập vua mới Lê Tương Dực. Buồn thay, triều Lê đã đến hồi mạt vận! Vua mới còn đồi bại hơn. Thường bắt cung nữ cởi truồng chèo thuyền du chơi trên Hồ Tây. Hứng chí bày việc xây Cửu Trùng Đài cao chót vót. Rồi phá đi lại xây lại nhiều lần. Dân tình vô cùng khốn khổ. Bệnh dịch chết chóc tràn lan. Đục nước béo cò, giới quí tộc nội thân ngoại thích đua nhau kết thành bè phái ức hiếp dân lành .

 

Chán cảnh triều đình nhiễu nhương, hai viên quan nội thị vốn là chỗ huynh đệ bằng hữu, rủ nhau treo ấn từ quan. Đêm, họ đưa gia quyến xuống thuyền xuôi sông Cái, đi ra biển, tìm nơi sinh sống, xa lánh đô thành xa hoa đầy cạm bẫy.

 

Đến cửa Rừng thuyền hết nước ngọt. Bỗng phía trước xuất hiện gò đất nhô cao giữa rừng sú vẹt ngập nước, rộng mênh mông. Lên gò, thấy một cây si đại thụ. Tán si trùm cả mẫu đất. Hàng trăm loài chim ríu rít bay về làm  tổ. Ngay cạnh gốc si có đôi rắn trắng cực lớn đang ấp nhau. Nghe tiếng động, đôi rắn trắng vội trườn về phía biển, để lại một giếng nước trong vắt. Nếm thử, ngọt lạ lùng. Cho là đất lành, là ý trời, hai ông quyết định ở lại khoanh vùng lấn biển lập nghiệp.

 

 

1.

Ba trăm năm sau hình thành vùng dân cư đảo Hà trù phú, thấp hơn mặt nước thủy triều. Trên đảo vẫn còn gò đất cao, với cây si đại thụ, với giếng nước ngọt quanh năm không bao giờ cạn. Đã có thêm nhiều người từ các nơi đến lập nghiệp. Nhưng hai dòng họ lớn nhất ở đây vẫn là họ Lê BáNguyễn Đình, vốn là con cháu hai vị tiền bối khai phá vùng đất.

 

Năm Triệu Trị thứ ba, các cụ bô lão trưởng tộc hai dòng họ tính chuyện xây từ đường thờ cúng tổ tiên. Một thầy Tàu lên đảo xem địa lý. Đứng dưới gốc si ngắm nghía một lúc rồi bảo, đất này khí vượng. Nếu dựng từ đường phía đông tất phát văn, nhưng thất đức. Dựng từ đường phía tây, phát võ nhưng đoản lộc. Đẹp nhất là hướng nam, ở chính gốc si, con cháu đời đời phú quý, hiển vinh .

 

Thế là xảy ra tranh chấp đất dựng từ đường giữa hai dòng họ lớn. Hòn đảo đang sống quần tụ thanh bình bỗng nổi cơn giông tố. Người ta cầm dao, cầm kiếm, cầm cuốc xẻng gậy gộc… gào thét xông vào ẩu đả, đâm chém nhau. Hàng trăm người đổ máu dưới gốc si.

 

Tri phủ tỉnh Đông Ba về phân xử. Sau khi rút thăm, họ Lê Bá được phần đất phía Đông. Họ Nguyễn Đình được phần đất phía Tây. Cây si giếng nước còn đó, nhưng mối cừu hận giữa hai dòng họ thì âm ỉ truyền đời.

 

Vào những năm đầu thế kỷ 20 vùng dân cư đảo Hà đã thành một tổng lớn. Ruộng đất phì nhiêu. Nghề buôn bán, vận tải, đánh cá phát triển. Thuyền bè tấp nập qua lại bến đò Trang. Huyện lỵ Yên Hồng gần đó.

 

 

2.

Vào những năm trước cách mạng, dân đảo Hà rất kính nể Nguyễn Đình Cẩn, con trai độc nhất của chánh tổng Nguyễn Đình Cánh. Cẩn ngang tàng phóng khoáng. Nổi tiếng ăn chơi, nhưng lại hay giúp đỡ người nghèo.

 

Thời trai trẻ Cẩn từng theo học võ Thổ, võ Tàu. Sau đăng lính, đóng đội khố đỏ. Năm Nhật vào Đông Dương, về làng thừa hưởng gia sản kếch sù của bố để lại. Nhưng Cẩn không giống cha ki cóp làm giàu, mà ham ngao du chơi bời. Khách giang hồ tìm đến nhà Cẩn ăn ở hàng tháng. Đám cường hào, chức sắc trong làng đều e sợ Cẩn. Có lần lính tuần về sức thuế, Cẩn trèo lên cây si đái qua đầu lính, cười ha hả.

 

Trước ngày tổng khởi nghĩa, Cẩn gom tiền bạc thóc lúa chia hết cho dân nghèo, rồi vào rừng theo nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo. Vốn thông minh gan góc, lại có tài cầm quân, nên được tướng Nguyễn Bình tin dùng, giao chức phân đội trưởng. Trong đơn vị có Lê Bá Thích, xuất thân đầu trộm đuôi cướp, thường ăn cắp vặt, anh em rất ghét. Khi đơn vị đóng  quân ở đảo Hà, Thích lấy cắp đôi giày của nhà chủ.

Nguyễn Đình Cẩn tập hợp đơn vị hỏi:

- Lấy cắp của dân là ta hay là giặc?

Bộ đội đồng thanh trả lời:

- Là giặc!

Cẩn hỏi lại:

- Nên xử thế nào?

Bộ đội xì xào bàn tán. Ai đó ngập ngừng bảo, chém! Cẩn hỏi lại, thế nào anh em? Lập tức cả phân đội hô to :

- Xử chém!

Cẩn lôi Thích ra gốc si, rút kiếm chém. Máu phun hình cầu vòng. Bộ đội thất sắc nhìn nhau. Vài người quay mặt đi rơm rớm nước mắt.

Sau vụ ấy, đơn vị Cẩn nổi tiếng quân lệnh nghiêm minh. Nhưng cũng có dư luận  bảo Cẩn trả thù họ Lê Bá.

 

3.

Trong Chiến dịch Điện Biên, Nguyễn Đình Cẩn lên chức tiểu đoàn trưởng. Năm cải cách ruộng đất bị gọi về làng quy thành phần địa chủ. Cuộc đấu tố  diễn ra ở từ đường họ Nguyễn Đình. Lê Bá Nhũng ngồi ghế chánh án. Dãy hội thẩm là những bần cố nông cốt cán. Phía dưới dân làng đứng ngồi lộn xộn. Khẩu hiệu đả đảo địa chủ, cường hào, ác bá giăng khắp. Ngoài cổng dân quân vác súng trường mã tấu canh gác.

 

Nguyễn Đình Cẩn nổi tiếng gan góc ngang tàng, giờ ngoan ngoãn đứng cúi đầu để bần cố nông đấu tố.

Mụ Đĩ Hạnh mặt lưỡi cày, chanh chua nhất làng, khóc lóc mà tố rắng, mày có biết không? Bố mày hiếp tao ba lần ở chuồng trâu. Chồng tao nhìn thấy nên mới lôi tao vào bếp, chơi tiếp cho bõ tức (!) …

 

Lão Mõ Kèo quần ống sớ, mắt toét ba vành, đứng dạng chân hấm hứ bảo, mày vu bố mày ăn vụng thịt. Mày quật ba toong vào đít bố mày. Thành tật đây! Lão tụt ngay quần diềm bâu, quay đít cho mọi người nhìn vết thẹo to tướng ở mông.

Địa chủ Cẩn lặng thinh. Lê Bá Nhũng đập bàn quát:

- Mày đã nhận tội chưa?

Địa chủ Cẩn ngẩng đầu lễ phép thưa:

- Dạ, tôi xin nhận tội ạ!

Nhũng trợn mắt bảo:

- Chính mày chém chết cố nông Lê Bá Thích. Năm bốn nhăm, theo Quốc Dân đảng giả danh Việt Minh, chống phá cách mạng!

 

Nguyễn Đình Cẩn không kiềm chế được nữa. Nhũng dám xúc phạm người chỉ huy tài ba của chiến khu. Vị tướng lừng danh đã hy sinh ở chiến trường Nam Bộ. Cẩn quắc mắt nhổ nước bọt vào mặt Nhũng chửi, đúng là cua đồng ếch nhái nhảy lên làm người. Đồ khốn nạn!

 

Tiếng ồn ào nổi nên. Đám cốt cán đứng dậy hô khẩu hiệu, đả đảo địa chủ ngoan cố! Đả đảo cường hào phản động!

 

Nguyễn Đình Cẩn bị dân quân trói giam ở hậu cung từ đường. Mỗi ngày người nhà chỉ được phép mang cơm muối và nước lã đến hai lần.

 

 

4.

Tối đó không trăng. Con gái Nguyễn Đình Cẩn là Nguyễn Thị Bí, mười bảy tuổi, dáng nở nang xinh đẹp, đưa cơm đến nơi giam giữ bố. Lúc về qua gốc si thấy có bóng người. Cô sợ hãi dừng lại.

- Bí phải không? Anh đây mà!

 

Lê Bá Nhũng phăm phăm đi tới. Nắm bàn tay nóng hổi đang run rẩy của Bí mà bảo rằng, cho anh tý..., anh sẽ thả bố em ngay! Hắn ôm ghì lấy Bí hôn tới tấp vào ngực. Bí cố giãy giụa, định kêu nhưng lại sợ bị trả thù. Hai bàn tay nhơm nhớp mồ hôi của Nhũng luồn qua áo Bí năn nỉ, thương anh đi! Anh sẽ cưới em làm vợ. Mai anh thả bố em về!

 

Bí vừa sợ vùa ghê tởm. Nhưng nghĩ tới bố đang bị trói ở từ đường đành nín nhịn chịu đựng. Nhũng bế cô đặt nằm trên vạt cỏ dưới gốc si. Trong đêm đen, Bí cảm thấy những chiếc rễ si lòng thòng như lưỡi ma quấn chặt lấy thân thể trần truồng của cô mà hút máu.

 

Sáng hôm sau, địa chủ Nguyễn Đình Cẩn được tha. Lê Bá Nhũng gọi Nguyễn Thị Bí đi thẩm vấn thay bố. Bí nhẫn nhục phục vụ những cơn thèm khát điên cuồng của Nhũng. Hy vọng hắn sẽ cưới cô làm vợ để gia đình thoát nạn.

Rồi đội cải cách của Nhũng chuyển đi. Bí thấy cơ thể mình đổi khác. Hơi thở nặng nhọc. Ăn miếng cơm lập tức nôn oẹ. Cô có thai, nhưng Lê Bá Nhũng đã phản bội lời hứa.

 

Bí ngồi lỳ trong buồng hoang mang lo sợ. Nguyễn Đình Cẩn an ủi rằng, đừng buồn con ạ! Đảng rất công minh. Nhất định bố sẽ được giải oan! Bí oà khóc nức nở, con khổ lắm! Con không muốn sống nữa! Rồi cô kể hết sự tình với bố. Nguyễn Đình Cẩn ngồi lặng. Nước mắt lăn trên gò má hõm sâu. Ông thở dài, thật là nhục nhã. Hoá ra vì ta ư? Ông lấy khẩu súng ngắn  trong ngăn tủ, đưa lên thái dương bóp cò.

 

Đám tang Nguyễn Đình Cẩn chỉ có vài người trong họ cùng mấy người bạn chiến đấu của ông. Người làng bảo, ông Cẩn thương người, nhưng bố ông ấy ác. Thật tội! Đúng là đời cha ăn mặn, đời con khát nước!

 

Nguyễn Thị Bí ở vậy nuôi con. Sau cái chết oan nghiệt của bố, Bí quyết định sống, dù phải đương đầu với muôn vàn nỗi đau của cuộc đời.

 

Cũng may, không phải mọi người đều hắt hủi coi thường. Bí được bà Lành thương yêu, giúp đỡ. Bà Lành vốn là cố nông. Xưa cấy rẽ cho nhà Nguyễn Đình Cánh, ông nội Bí. Năm đói, gia đình bà được bố của Bí chia thóc, chia tiền. Ở đời khối kẻ ăn cháo, đái bát. Bà khác, bà vẫn ơn. Bà bảo trời có mắt đấy cháu ạ! Ở hiền sẽ gặp lành, chẳng đi đâu mà thiệt!

 

 

5.

Ngày sửa sai, Nguyễn Đình Cẩn được xuống thành phần, khôi phục đảng tịch, truy phong liệt sĩ.

 

Ông Hà Đình Thanh, trung đoàn trưởng bộ đội chủ lực, nguyên là bạn chiến đấu của Nguyễn Đình Cẩn, nhận Bí làm con nuôi, đưa cô về Hà Nội làm công nhân dệt. Ông xin cho con trai Bí một giấy khai sinh hợp pháp. Đặt tên là Hà Đình Nam, bố là liệt sĩ Hà Đình Thứ.

 

Ông gửi Nam vào trường thiếu sinh quân. Tham gia quân ngũ. Cuối năm 1975 Hà Đình Nam  xuất ngũ. Đi du học ở Đông Âu. Bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sĩ.

 

Đứa con yêu quí đã thành đạt, nhưng lòng người mẹ vẫn khắc khoải lo âu. Bà Bí luôn cảm thấy mình là kẻ có tội … Mà lẽ ra bà đã trở thành vợ Hà Đình Thứ, con trai ông Hà Đình Thanh. Ngày ấy, hai người lính  từng hứa gả con cho nhau. Nhưng Hà Đình Thứ không trở về nữa. Anh đã hy sinh ở chiến trường Thượng Lào.

 

Còn bà thì gặp hoàn cảnh oái ăm. Bà đã mất ngủ khi nghe con báo tin được phân công về tỉnh Đông Ba làm giám đốc nhà máy. Một lúc nào đó, Lê Bá Nhũng sẽ xuất hiện. Nghe nói bây giờ ông ta đang làm lớn ở đó. Quyền hành, bè cánh, ghê gớm lắm! Nếu biết Nam, chắc chắn sẽ không để mẹ con bà được sống yên lành. Bà chẳng lạ gì nhân cách kẻ đê tiện ấy.

 

Hồi nhỏ, Nhũng lếu láo, ngỗ ngược. Y thường tập hợp bọn trẻ họ Lê Bá, chặn đánh bọn trẻ họ Nguyễn Đình. Năm phá tề, Nhũng mới mười lăm tuổi. Một tối đơm cá ở đầm Sim, Nhũng bóp vú thiếu phụ nọ đang tắm. Chồng chị ta tóm được, bạt tai, dọa về mách bố mẹ. Nhũng sợ, bỏ nhà lang thang. Sau lên vùng tự do theo bộ đội. Làm liên lạc cho ông Trần Biểu, chỉ huy bộ đội địa phương.

 

Năm cải cách ruộng đất, Nhũng về làng với chức đội trưởng. Y dọa dân làng, đứa nào muốn sống yên lành thì chớ có sờ dái ngựa! Trông thấy y, dù người cùng họ cũng khúm núm sợ hãi.

 

Sau cải cách, Nhũng chuyển lên cơ quan tỉnh. Rồi về cưới cô vợ cố nông, cốt cán ở làng. Nhờ thanh thế chồng, cô ta làm đến chức hội phó phụ nữ huyện.

 

Học xong đại học tại chức, Nhũng được ông Trần Biểu đưa dần lên vị trí phó ban kiểm tra, thế lực rất lớn. Y thường tự đắc khoe khoang, đã “sờ” vào thằng nào, thằng đó phải “chết”!

 

Kể cũng sợ thật. Ở đời mấy ai nắm tay đến sáng. Nếu không tham ô, trai gái, thì vi phạm nguyên tắc chi tiêu, hoặc bất minh trong hồ sơ, lí lịch. Đợt kiểm tra huyện Sơn Hải, Nhũng đập bàn mắng bí thư :

- Chức của anh chưa to đâu! Để rồi xem!

 

Vốn là tay cứng cựa, nhưng lần này bí thư Sơn Hải phải xử mềm. Buổi tối gặp riêng Nhũng. Hứa tặng hai mươi khối gỗ lim, xe đưa tận nhà. Nhũng cười bảo, ban nãy tôi nóng, anh thông cảm nhé!

Có quyền, có uy, khắc có tiền. Nhũng xây nhà lầu, mua xe đời mới, sắm tiện nghi hiện đại. Người ta bảo, phúc bất trùng lai, có lẽ đúng. Đã ngoài tuổi ngũ tuần, Nhũng vẫn chưa có con. Người vợ khô đét của y không còn khả năng sinh nở, phải nuôi đứa cháu con cô em gái. Ông trưởng tộc bảo, làm ông giời không có con cũng vứt! Cái họ Lê Bá này thất đức thật rồi! Có người xui  kiếm vợ lẽ. Nhưng hắn chẳng dại! Gì chứ, khoản ấy mất ghế như chơi. Vả lại, con mụ yêu tinh của hắn còn dữ hơn cả sư tử Hà Đông.

 

Có lần Lê Bá Nhũng đi dò tìm mẹ con bà Bí. Biết Nam là con ruột của mình, làm giám đốc nhà máy cơ khí Đông Ba, hắn  mừng lắm. Như vậy chẳng còn lo thằng chống gậy nữa. Cuối đời hắn sẽ đòi lại đứa con  rơi.

Hôm đi Hà Nội họp, Nhũng tìm gặp riêng bà Bí van vỉ rằng, tôi có lỗi với bà, với con. Nhưng hoàn cảnh lúc ấy không thể làm khác. Giờ có tuổi nghĩ lại, tôi ân hận. Bà cho tôi chuộc lỗi, nhận thằng Nam. Nhất định tôi sẽ lo cho hai mẹ con cuộc sống đàng hoàng.

 

Là người đàn bà hiền lành nhẫn nhịn, nhưng bản năng tự vệ trỗi dậy. Bà chồm lên, dang thẳng tay tát vào mặt Nhũng gào to, cút đi! Đồ khốn nạn!

 

 

6.

Thế gian vật đổi sao dời.

Ông Trần Biểu về hưu. Rồi vỡ lở việc Lê Bá Nhũng ăn hối lộ, đồng lõa vụ tham ô lớn ở huyện Yên Hồng. Các tờ báo đang say sưa công khai đổi mới, được dịp nhảy vào, rầm rộ đăng tải những bài  phanh phui kẻ lợi dụng chức quyền, tha hóa biến chất. Lê Bá Nhũng bị  kỷ luật cách chức, khai trừ  khỏi Đảng .

 

Ở nhà máy cơ khí Đông Ba Giám đốc Hà Đình Nam bị phe cánh của Phó giám đốc Nguyễn Hạo coi là người nhà của Lê Bá Nhũng. Nghe tin Nhũng đổ, Hạo khoái chí nói với đàn em rằng, phen này cho thằng Nam lên đĩa. Mẹ, đồ hâm! Cơm không ăn, ăn cứt!

 

Từ ngày nhận chức giám đốc, Hà Đình Nam trở thành cái gai trong mắt Nguyễn Hạo. Thật không chịu nổi loại người gàn dở, chỉ biết lao vào công việc. Không trai gái! Không trà thuốc rượu bia! Vậy thì nó là con người hay cục đá?

 

Có lần Hạo tìm được mối bán ba máy tiện hỏng. Khoản hoa hồng cực sộp! Giám đốc Nam bảo, thế là ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Không được! Rồi Nam trực tiếp cùng anh em công nhân sửa máy để đưa vào sử dụng.

Đồ chó má! Nó hất đổ bát cơm của người ta. Hạo muốn phăng teo ghế giám đốc của Nam từ lâu, nhưng chưa có thời cơ.

 

Ngày còn đương chức, Lê Bá Nhũng đến thăm nhà máy. Nam bỏ xuống phân xưởng không tiếp. Tưởng như chuyện tày đình. Chưa một ai dám hỗn xược như thế. Hạo hí hửng mừng thầm. Nhưng Lê Bá Nhũng lại làm thinh. Hạo chọc một câu:

- Cha này cậy bằng cấp. Rất kiêu ngạo! Không thể chịu đựng nổi!

Nhũng từ tốn bảo, cậu ấy có khả năng, cần thông cảm giúp đỡ. Hạo tròn mắt kinh ngạc.

 

Một lần về quê, tình cờ nghe chuyện ông Nhũng có con hoang. Để ý  thấy Nam nhiều nét giống Nhũng. Thôi đúng rồi, Nam là con hoang của Nhũng. Hạo bí mật điều tra, nắm một số tin tức quan trọng. Rồi gặp ban tổ chức tỉnh ủy báo cáo. Phó ban tổ chức phụ trách công tác cán bộ Hoàng Trùng nghiêm mặt bảo, cậu phát ngôn thận trọng đấy. Chuyện này mà loang ra, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo, cậu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hạo tiu nghỉu. Trùng nói xa xôi, các cậu mắc bệnh kỹ thuật chủ nghĩa, quá đơn giản! Vuốt mặt phải nể mũi chứ! Hạo sợ tái mặt, tự chửi mình ngu. Dù căm ghét Nam, nhưng hắn biết rằng còn ông Nhũng đó, chớ dại sờ dái ngựa.

Nhưng bây giờ thời thế đã xoay vần. Hạo gặp Hoàng Trùng. Hồ sơ về Hà Đình Nam được gấp rút hoàn thành.

 

 

7.

Giám đốc Nam đang cùng anh em công nhân cặm cụi làm việc dưới gầm máy thì có điện ban tổ chức mời lên gặp.

Phó ban Hoàng Trùng lạnh lùng chỉ ghế cho Nam ngồi.

- Chúng tôi yêu cầu đồng chí phải trung thực! Bố đồng chí có phải là liệt sĩ Hà Đình Thứ hay không?

Nam vô cùng ngạc nhiên hỏi lại:

- Anh bảo sao? Chẳng lẽ tôi bịa?

Hoàng Trùng gật gù:

- Nếu đồng chí thật thà khai báo, tổ chức sẽ chiếu cố.

Rồi Hoàng Trùng gọi anh cán bộ bảo vệ vào phòng. Ném trước mặt Nam tập giấy chi chít chữ viết tay bảo, đồng chí đọc đi!

 

Nam mở tập giấy lẩm nhẩm đọc: “Xác minh của UBND xã Phương Nam… Bà Nguyễn Thị Bí là con gái Nguyễn Đình Cẩn. Năm 1956 chưa có chồng, đẻ con  không giá thú”… Hà Đinh Nam run rẩy đọc tiếp tờ trình của Lê Bá Nhũng… Lời khai của Nguyễn Thị Bí...

 

Nam lảo đảo đứng dậy. Mồ hôi toát ra đầm đìa. Anh bước khỏi phòng không chào ai. Anh muốn gào thét, đập phá cho hả dạ. Thì ra bao năm anh đã bị lừa dối. Chính người thân yêu nhất của anh lừa dối anh. Hóa ra tình cảm thiêng liêng cao quý nhất của anh đã đặt vào điều không có thực. Bố anh không phải là người chiến sĩ dũng cảm tuyệt vời như mẹ anh thường kể. Mà là Lê Bá Nhũng? Kẻ khốn nạn! Bản thân anh là hậu quả của hận thù và nhục nhã! Sự thật trần trụi đó khiến anh không đủ sức chịu đựng. Anh muốn gào khóc cho hả dạ. Nhưng nước mắt đã lặn vào con tim cạn kiệt . Anh  bước đi lang thang vô vọng như cái xác không hồn.

 

8.

Dưới gốc si đại thụ ở đảo Hà xuất hiện một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi. Thân hình tiều tụy, tay cầm một con dao rựa cùn. Anh ta giơ dao chặt. Nhựa si ứa ra. Mệt quá, anh ta đứng dựa lưng vào gốc si, thở hổn hển.

 

Bọn trẻ nghịch ngợm đứng đằng xa, hát những câu đồng dao không đầu không cuối: “Thằng Điển, thằng điên/ Mẹ mày là tiên/ Bố mày là quỷ/ Mẹ mày đánh đĩ/ Bố mày lên quan...” Hát chán, xem chán, lũ trẻ bỏ đi. Chẳng còn ai chú ý đến thằng điên.

 

Cây si chứa đầy những truyền thuyết thần bí vẫn trùm bóng ngạo nghễ. Rễ si lòng thòng rủ xuống. Thân si hang hốc, rêu phong.

 

Thằng điên đứng liền hai mươi ngày. Trên thân mọc ra những chiếc rễ. Đầu  tóp lại. Ngực nhô ra. Chỉ đôi mắt chứng tỏ còn sự sống.

 

Có một người đàn bà khoảng 50 tuổi ở xa đến. Bà run rẩy thắp nén hương lầm rầm khấn. Rồi ôm lấy thằng điên lay gọi, con ơi! Tha tội cho mẹ con ơi!… Thằng điên từ từ ngã xuống vai người mẹ ....

 

Đêm. Trời đổ mưa to. Sét đánh gãy cây si đại thụ. Thật lạ lùng! Giếng nước ngọt đã có từ ngàn xưa cạnh gốc si bỗng nổi váng. Nếm có vị mặn chát?

 

 

LỜI CỦA TÁC GIẢ

Mồng ba Tết năm Canh Ngọ tôi về đảo Hà. Ngày hôm ấy tất cả các gia tộc đều ra cỗ họ. Khói hương nghi ngút. Tế lễ ở từ đường. Các vị trưởng tộc và những người danh giá của các dòng họ lại nghễu nghện ngồi mâm trên. Vừa đánh chén vừa bàn chuyện làng, chuyện họ tộc, chuyện quốc gia đại sự…

 

Dân đảo Hà bàn tán, họ Lê Bá hơn Nguyễn Đình mười xe con. Hơn tiết mục camêra. Nhưng họ Nguyễn Đình  cũng chẳng kém cạnh. Có Vonga đen. Có dàn quân nhạc!./.

 

QN - 1990

 

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2150
Ngày đăng: 27.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc
Đầu Lâu Biết Cười - Ngô Lạp
Có Một Thời… - Nguyên Minh
Giọt máu - Trần Minh Nguyệt
Li hương - Khải Nguyên
Đêm tân hôn! - Trọng Huân
Thủ Môn - Nguyên Minh
Chó cái - Lê Minh Phong
Hoa Tường Vi Nở Sớm - Hồ Ngạc Ngữ