Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.213.037
 
Cái Tổ Chim
Nguyên Minh

Thuở nhỏ bắt chim để chơi,

Lớn lên bắn chim nhấm rượu

Về già nhử chim rồi phóng sanh

 

Nằm đu đưa trên chiếc võng đặt ở một góc phòng nhà trên, tôi nói trỏng:

- Ủa sao giờ này mà chẳng thấy mặt bọn nhỏ?

Một chập sau tôi lại lập lại, cũng câu hỏi đó.

Vợ tôi đang làm bếp, nói vọng lên:

- Chứ ông không nhớ hôm nay là thứ sáu sao?

             

Khựng đi một lúc. Tôi mới gật đầu nhận ra. Thứ bảy, lũ cháu ngoại mới được mẹ chúng chở về thăm ông bà.  Như vậy đến ngày mai tôi mới được gặp chúng.

Thành một thói quen, buổi sáng tôi thức dậy sớm, ngồi nhìn xuống bãi cỏ xanh rờn, rộng mênh mông của phi đạo Tân Sơn Nhất ở sau nhà, xem lũ chồn chạy nhảy đùa giỡn. Ở thành phố, nhất là đất Sài Gòn nhà cao cửa rộng, xe cộ tràng giang, ồn ào, xô bồ, lại thấy chồn tự do chạy nhảy là một chuyện lạ khó xảy ra.

 

Ban đầu, lũ trai con tôi tìm cách bắt cho được vài con chồn, làm thịt nuớng, nhậu với rượu mạnh. Ngồi tại nhà, ngất ngư, say mèm, lại thưởng thức món thịt rừng chính cống. Nhưng thử vài lần cho biết mùi vị, rồi thôi.

 

Chỉ vì một hôm thằng con trai tôi nhử bắt được một con chồn mập ú, khi làm thịt, tôi choáng váng mặt mày khi thấy hai con chồn nhỏ xíu như con chuột nhắt, bóng lưỡng, mắt nhắm nghiền, đã bị luột chín nằm trong bụng mẹ. Mới biết là con chồn này đang mang thai sắp đến thời kỳ sinh sản. Bỗng dưng, những hình ảnh về người đàn bà đang quằn quại đau đớn trong lúc sinh nở dọc bên đường của ngày di tản năm xưa mà tôi đã chứng kiến, chập chờn, xuất hiện lại trong tôi. Tiếng khóc trẻ con vừa mới chào đời rồi tắt nghẹn cùng tiếng ú ớ của người mẹ, giãy giụa trên vũng máu. Tiếng súng nổ vang trời. Tiếng xe ầm ầm. Tiếng người kêu cứu, lạc lõng, trong rừng người xô đẩy, giành giật nhau, dẫm đạp lên thân xác mẹ con người đàn bà ấy để đi tới mà không biết nơi đó có phải là chốn an toàn.

Buổi tiệc thịt chồn mất vui. Riêng vợ tôi, đêm cứ nằm mơ, lảng vảng trong chốn âm u những bóng hình yêu tinh lướt thướt trong chiếc áo trắng, le lưỡi dài, nhăn răng, dọa nạt rồi nhào vào cắn xé. Vợ tôi ú ớ và thốt lên: Chồn tinh.

 

Từ đó, tôi cấm các con tôi săn bắt chúng, để chúng sinh sản và tự do sống.

Hết chồn lại đến chim chóc. Nhất là bầy cu rừng đậu hàng ngang trên hàng rào dây kẽm gai đang cất tiếng gáy. Cảnh con chim cúc cu đực rập mái, trợt chân rớt xuống đất, rồi vội vàng bay lên, xem như không có gì xảy ra, tiếp tục làm công việc gầy giống. Đến đàn chim sẻ cả chừng trăm con từ bãi cỏ này bay lên đảo một vòng, trong tích tắc sà xuống một bãi cỏ khác. Chỉ vài con chim sâu nhỏ bé kêu chiêm chiếp đậu trên ngọn cỏ lau ốm tong cao vút, mảnh như sợi chỉ lắc lư theo ngọn gió. Tiếng chim đủ loại cất những tiếng hót líu lo, văng vẳng từ xa, hoà lẫn vào nhau tạo thành một bản nhạc rừng. Còn tôi ngẩn ngơ chờ đợi một tiếng gà gáy từ phía nhà ai ở bên kia bờ thành mà chẳng nghe. Nhớ sao là nhớ. Như ngày nào sống ở nông thôn giật mình thức giấc giữa canh năm khi trời còn mờ mờ sáng trong tiếng gà gáy vang trời.           

 

Buổi chiều căn gác bị ánh nắng chói chang mang cái nóng oi bức áp vào. Tôi phải bỏ xuống dưới. Tôi bước xuống cầu thang xoáy là chạm chân vào thềm gạch men mát mẻ, không khí phòng khách êm dịu. Như một vở kịch, cảnh vật thay đổi trong chớp nhoáng. Tôi nằm đu đưa trên chiếc võng, đầu quay về phía nhà sau bị chắn ngăn bằng một bức tường. Cửa nhà trước mở rộng, trần nhà bằng gỗ ép, thấp xuống, trổ ra ngỏ con hẻm ngắn và hẹp, cách con đường cái chính, đủ không nghe tiếng ồn của xe cộ.

Tôi tự nhủ:

- Ừ, hôm nay thứ sáu. Thứ bảy lũ cháu mới ghé thăm mình.

Tôi nôn nóng gặp chúng để kể đoạn kết về một chuyện mình vừa làm.

 

Mới đây, tôi chợt nhận ra có một con chim se sẻ đang nhảy tung tăng trên sàn nhà, đến gần chiếc bàn ăn, nó đưa chiếc mỏ nhỏ gõ xuống thềm lượm từng hạt cơm thừa. Từng hạt. Cái đầu bé tí, hai con mắt tròn vo, láo liêng nhìn quanh. Chẳng lẽ con chim không nhận ra tôi đang nằm đu đưa trên võng cạnh nó chưa đầy một mét. Tôi nhìn nó chăm bẵm và tôi phải nín thở. Tôi nằm im, như khúc gỗ. Hai con chó kiểng đang nằm bên cạnh, im ru, trong tư thế như đang ngủ. Tất cả cũng chỉ để cho con chim sẻ yên tâm. Tôi rón rén lượm một hạt cơm bỏ trên lòng bàn tay, xòe ra. Con chim thoải mái nhảy từng bước vào bàn tay tôi. Cảm giác nhột nhột, êm ái lan khắp thân thể tôi. Nhớ lại ngày còn thơ ấu, theo lời thách đố của lũ bạn cùng xóm, tôi trèo lên cột nhà của ngôi trường nhỏ, đưa bàn tay bé bỏng lồng vào cái hốc của mái nhà để bắt được một con chim non thiếu bóng chim mẹ. Như một chiến công để chứng tỏ mình gan dạ, cùng những tiếng vỗ tay tán thưởng của bạn bè mà thôi. Còn bây giờ, tuổi đã xế chiều, tôi đang âm mưu gì đây với con chim nhỏ bé này. Tôi chưa biết. Bàn tay tôi cũng từ từ khép lại, rồi thật nhanh bóp chặt. Con chim hết đường giảy giụa. Hà! Hà! Tao đã bắt được mày. Tao sẽ khoe với mấy đứa cháu ngoại. Chúng nó sẽ thích thú và ngợi khen ông ngoại. Con chim trong lòng bàn tay tôi đang vùng vẫy như muốn thoát ra. Chỉ trong chốc lát. Cuối cùng, nó run lẩy bẩy đến nỗi làm tay tôi cũng run theo.

 

Bỗng dưng, tôi nhớ đến chuyện ngày xưa lúc tôi sống ở một vùng quê sau khi mãn tù về. Từ bỏ một đời sống sung túc ở thành phố,  cùng vợ con tôi tìm về một khu vườn nhỏ, cách xa thành phố, cuốc đất trồng rau, sống qua ngày. Tôi cố gắng thích nghi với đời sống lam lũ của người nông dân, hì hục cày bừa khuân vác. Những thèm thuồng từng miếng đường tán đen, từng miếng thịt bất kỳ của một con vật nào như ếch nhái, chim chóc, cứ thúc bách tôi, làm nước bọt cứ tuông ra, tôi đành phải nuốt xuống. Mắt tôi sáng lên khi khám phá sau gốc cây xoài cạnh ngôi nhà trét đất có một lỗ nhỏ, và một con ểnh ương nằm cú rú, ẩn mình. Tôi thò tay vào bắt gọn, sẵn bếp lửa còn những than hồng tôi liệng con ểnh ương vào, nó chỉ kịp giãy giụa rồi cháy khét. Tôi cầm chiếc que khươi ra. Hai tay xé ra từng miếng thịt nhỏ bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Bắt gặp hình ảnh này vợ tôi ngạc nhiên, nhưng chỉ trong chốc lát nàng lại rơi nước mắt.

 

Sau đó vài hôm, vào một buổi tối, trăng lưỡi liềm nằm ngang trên đỉnh trời, gió hiu hiu thổi, vợ tôi trải chiếc chiếu cũ mèm dưới giàn bầu lủng lẳng vài trái to như quả bóng tròn. Tôi ngồi dựa lưng vào tấm vách. Vợ tôi từ dưới bếp mang ra một cái chén nhỏ có một cái dĩa sành đậy lại, cùng hai cái chung nhỏ xíu và một xị rượu đế.

 

Tôi lật cái dĩa ra, trong cái chén nhỏ chỉ vỏn vẹn một con chim đã được nướng trui sát muối ớt, vàng ngậy. Mùi thơm phứt làm mắt tôi sáng lên, tôi chỉ kịp hỏi:

- Ở đâu vậy em?

Nàng giải thích:

- Em bắt đó.

- Ở đâu?

- Giàn bầu. Trên đầu chúng ta ngồi.

 

Tôi sực nhớ. Ngày đầu mới bước chân về ngôi nhà vách đất lợp tranh này, tôi bỡ ngỡ vô cùng. Tôi quấn điếu thuốc rê đưa lên môi hít một hơi, phà khói nhẹ bay lên không, chợt nhìn ra vài con chim từ đâu lượn quanh trên đầu rồi đậu trên giàn bầu, kêu chiêm chiếp. Tôi chép miệng, khi nghĩ đến con chim béo ngậy da căng lên và vàng rực thơm mùi thịt nướng. Con chim bay đi , cơn thèm ăn của tôi lặng mất. Con chim trở lại tôi lên cơn thèm. Như trò chơi cút bắt thuở ấu thơ. Tôi nghĩ cách sẽ bắn con chim bằng cái ná cao su. Quan trọng hơn hết là tôi phải tập bắn cho trúng đích. Tôi nói với vợ tôi ý nghĩ đó. Vợ tôi chỉ cười rồi nói:

- Khỏi cần. Để nó cho em.

 

Khi tôi qua nhà người bạn hàng xóm, vợ tôi thực hiện việc bắt con chim một cách dễ dàng. Không đợi tôi hỏi vợ tôi kể lại với giọng nói đầy khôi hài:

- Có gì đâu? Em theo dõi hai con chim thi nhau mang về từng cọng rơm nhỏ và đậu một chỗ nhất định trên giàn bầu. Em biết nó đang xây tổ để đẻ và ấp trứng. Ban đêm chim không thấy đường. Em thò tay nhẹ nhàng vào tổ nó rồi bất thần chụp mạnh xuống, con chim nằm gọn trong tay em. Tiếc rằng con chim trống nằm cách đó không xa nghe động vụt bay đi nơi khác. Đâu cần tốn một viên sỏi nhỏ. Đâu cần chiếc ná cao su. Đâu cần phải tập bắn. Phải không anh? Bữa nay anh xơi tạm con chim chốc quạch này cùng hai cái trứng sắp nở con. Còn con chim trống nữa. Để dành tối mai nhé.

     

Nhưng tối hôm sau và kế tiếp không bao giờ tôi được ăn thịt con chim trống đó. Cũng kể từ đó cơn thèm thịt chim của tôi cũng biến mất.

 

Sáng hôm đó, cả hai chúng tôi đều giật mình vùng dậy, ngơ ngẩn nhìn nhau, như hỏi với nhau tiếng con gì kêu lạ vậy làm chúng tôi hoảng hốt. Chúng tôi kéo nhau ra đứng trước nhà. Ngay trên đầu tôi, trên giàn bầu, nơi cái ổ chim bỏ trống, một con chim trống đang vỗ cánh loạn xạ, nhảy nhót lung tung như một người điên giữa phố chợ. Nó cất tiếng kêu khác lạ với tiếng chim hót. Tiếng kêu thất thanh. Ai oán. Xé ruột. Nát tim. Chỉ một đêm, con chim trống nằm cạnh bên cái tổ con chim mái đang ấp trứng, như để canh chừng, bảo vệ. Sáng mai thức dậy, con chim đó ngẩn ngơ không biết vì sao cái tổ ấm kia trống không. Con chim trống chỉ biết đêm qua, trong cái bóng tối mịt mùng, hình như có một vật gì to tướng giáng xuống chỗ nằm của chim mái làm xào xạc cành lá giàn bầu, nó hoảng hốt chỉ kịp vỗ cánh bay nơi khác. Bây giờ, dưới ánh sáng lờ mờ canh năm, con chim trống cất tiếng kêu quái đản. Từng hồi. Từng hồi. Vợ tôi bỗng từ từ ngồi bệt xuống đất ôm mặt, nước mắt tươm ra. Hai bàn tay run rẩy. Miệng lẩm lẩm:

- Hình như tiếng kêu này em đã nghe.

Tôi bước đến, ôm nàng vào lòng, và nói rất nhỏ:

- Anh cũng nhận ra.

           

Thật vậy. Tôi tưởng mình đã quên đi cảnh tượng hãi hùng ngày ấy. Có sá gì một tiếng rống kinh hồn trước cảnh biệt ly trong muôn ngàn tiếng khóc than trước cảnh chia lìa đau thương do chiến tranh gây nên. Thế mà tiếng rống quái dị kia cứ ám ảnh tôi mãi. Tiếng rống đó cũng làm vợ tôi kinh sợ. Tiếng rống đó không phải của loài người. Nó cũng không giống tiếng sủa của loài chó dại. Tiếng tru của lũ chó sói. Tiếng gào của loài mèo trong cơn động đực. Tiếng quạ kêu đáp xuống những xác người chết rúc rỉa. Tiếng kêu thét giãy giụa của mấy con heo khi bị chọc tiết. Tiếng hú của loài vượn bị thương. Tiếng gầm của loài cọp beo mất vợ, mất con. Hình như tất cả những  âm thanh đó trộn lẫn vào nhau tạo thành tiếng rống kỳ quái này.

Hình ảnh đoàn người chen lấn nhau trong cơn hổn loạn, tranh giành leo lên chiếc tàu hải quân còn sót lại ngoài bãi biển, chiếc thang dây oan nghiệt lắc lư theo gió đu đưa những thân người bám chặt từng bước leo lên. Người đàn ông vừa lên được thành tàu, người đàn bà bám theo, bỗng chợt chân, cả thân hình cuộn tròn từ trên cao rớt xuống biển rồi chìm lỉm. Người đàn ông hốt hoảng chỉ kịp rống lên tiếng quái dị đó. Ông ta chưa kịp phản ứng thì người sau tiếp tục leo lên. Và, trên thành tàu ông bị đẩy vào đè ấp trong rừng người. Tiếng rống hãi hùng vang lên từng chập rồi tắt nghẹn. Vợ tôi đưa đôi tay bấu chặt vào hai vai tôi, run rẩy nói: “Mình về đi anh!”

 

Năm năm rồi, bỗng dưng tiếng con chim trống mất vợ con kêu gào làm chạnh lòng cả tôi và vợ tôi. Tiếng kêu này sao giống tiếng rống của người đàn ông mất vợ năm xưa.. Vợ tôi đưa bàn tay xòe ra năm ngón đã chai lì theo tháng ngày lao động cuốc đất trồng rau. Tôi như hiểu ý, lấy bàn tay nám đen của mình đặt lên tay nàng và từ từ bóp chặt, như nói với nàng không thành tiếng: “Sá gì một tiếng chim kêu.”

 

*

 

Bây giờ. Bàn tay tôi năm ngón dài xương xẩu,  và trong lòng bàn tay đã khép lại, con chim sẻ nhỏ nhoi nằm run rẩy. Không biết là nó run vì sợ hãi hay tôi run như mình sắp làm một việc gì bất thiện. Tôi đưa nắm tay đó lên sát miệng mình. Tiếng chim kêu rất nhỏ chiêm chiếm, như tiếng nói bập bẹ của một đứa cháu: “Ông ngoại ơi!” Tôi hà hơi để sưởi ấm con chim. Tôi vỗ về, nâng niu nó như đối với đứa cháu ngoại.

 

Tôi giang tay xuống thềm nhà. Bàn tay tôi từ từ mở rộng, con chim nhảy xuống thềm rồi tung tăng từng bước, kêu vài tiếng chiêm chiếp như tiếng cám ơn rồi mới bay đi.

 

Nhưng, con chim không bay ra ngoài trời như tôi tưởng, ngược lại nó bay xuống nhà dưới bịt bùng không có một lối thoát. Tôi nghĩ là con chim sẻ này lạc hướng. Tôi vùng đứng dậy, bước xuống nhà dưới để tìm nó. Vợ tôi đang làm bếp, ngừng tay khi thấy vẻ mặt tôi còn ngơ ngác, nàng hỏi:

- Ông tìm con chim sẻ phải không?

- Phải. Sao bà biết?

- Ông đã làm gì nó?

- Tự nó vào bàn tay tôi. Tôi bắt lấy. Rồi tôi thả nó ra để nó tự do bay về vùng trời. Nó lại lạc đường rồi.

Vợ tôi mỉm cười nói khẽ:

- Nó bay về tổ đó.

Tôi còn đang thắc mắc, vợ tôi chỉ vào hốc tủ ở cuối nhà. Tôi lắng tai nghe. Thì ra những tiếng chim kêu chiêm chiếp rất khẽ thoát ra từ đó. Tôi bắt chiếc ghế, đứng lên đó mới  thấy một cái tổ chim. Trong đó hai con chim non đã mọc đủ lông cánh đưa hai cái mỏ nhỏ rúc mồi từ mỏ chim mẹ.

Tôi bước thềm nhà, thắc mắc, hỏi vợ tôi:

- Sao không thấy con chim trống.

- Lo gì. Nó sẽ về sau.

Chim làm tổ trong nhà. Té ra, vợ tôi đã biết từ lâu, nhưng nàng giữ kín.

Tôi đến sát bên nàng, nói nhỏ như sợ lũ chim kia nghe được:

- Đến tối, mình đóng hết tất cả cửa lại, tắt đèn và bắt trọn ổ nghe.

Vợ tôi giãy nẩy như bị điện giựt, đưa tay vỗ mạnh lên vai tôi, cảnh cáo:

- Tôi cấm ông đó.

Tôi nhăn răng ra cười, nắm lấy bàn tay vợ tôi thật chặt, gật đầu:

- Đùa một chút với bà thôi. Ai nỡ. Phải không?

Bấy giờ vợ tôi nhìn tôi với đôi mắt như muốn cười đầy lòng nhân ái

 

Đến chiều thứ bảy. Cũng như mọi hôm. Trời vừa tối. Không khí đã mát dịu. Tôi lên lại căn gác, bật đèn, tìm cuốn sách người bạn vừa mới xuất bản đọc vài trang. Tiếng chân gõ nhè nhẹ và đều đều trên cầu thang tôi biết ngay là của bé Khương Nhi. Tôi xếp sách lại và đợi chờ con bé vào chào ông ngoại. Không như thường lệ, việc đầu tiên gặp tôi là nó chạy đến ôm lấy hôn vào trán tôi, nhưng bây giờ nước mắt con bé chảy ràn rụa, đứng trước mặt tôi, bé nhìn tôi như trách móc điều gì. Tôi đưa bàn tay vỗ lên mái tóc mịn màng của con bé và chậm rãi hỏi:

- Sao vậy cháu, ai làm cháu khóc?

Con bé giãy nẩy hất tay tôi ra và nũng nịu nói:

- Nghỉ chơi ông ngoại.

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

- Ông ngoại có làm gì phật ý con đâu?

- Thế con chim đâu?

Tôi giả vờ làm bộ ngơ ngác hỏi:

-  Chim nào?

- Con chim sẻ ngoại bắt được hồi chiều thứ sáu đó?

Tôi chưa kịp kể lại, như đã dự định, nhưng sao con bé đã biết được. Tôi cứ đinh ninh rằng con bé sẽ xin đem về nuôi chơi. Nhưng không, con bé trách móc:

- Giận ngoại rồi. Ngoại ác quá. “Bo sì” ngoại.

“Bo sì” là từ ngữ tỏ ý không chơi của mấy đứa cháu tôi. Tôi chưng hửng:

- Sao nói ngoại ác. Lại còn “bo sì” ngoại.

Bé Nhi, xảnh xẹ hỏi gằn từng tiếng:

- Ngoại ăn thịt nó rồi phải không?

- Ai nói.

- Bà ngoại.

Thì ra vừa gặp cháu dưới nhà vợ tôi đã nói cho bé biết tôi đã bắt được con chim sẻ. Tôi phân bua:

- Bà ngoại nói đùa đó?

- Thế con chim đâu rồi?

- Ngoại thả nó bay về tổ rồi.

- Tổ nó ở đâu vậy ngoại.

Tôi đưa tay vỗ lên tóc con bé:

- Con xuống hỏi bà ngoại chỉ cho.

Con bé lau vội nước mắt và bỏ đi thật nhanh.

Tôi hình dung cảnh bà ngoại bồng đứa cháu đứng từ xa nhìn vào cái tổ chim. Đôi chim non cùng hai con chim bố và mẹ đang tỉ tê, âu yếm, ví như chị em con cháu ngoại đang làm nũng với cha mẹ chúng

Một lát sau, con bé bước từng bước chân nhẹ nhàng lên cầu thang. Bỗng dưng nó chạy đến ôm tôi, hôn liên tục lên trán, lên má tôi. Con bé nở một nụ cười và gật đầu:

- Con thương ông ngoại.

Con bé làm tôi cảm động. Nó nằm trong vòng tay tôi, như ngày nào tôi đã từng ôm ấp, tưng tiu mẹ nó.

 

Sau đó. Cái tổ chim trống không. Nhưng, chiều nào cũng vậy, một bày chim sẻ bốn con từ ngoài trời bay về, tung tăng nhảy nhót trong phòng khách nhà tôi. Chúng nó lượm từng hạt cơm khô. Tôi nằm trên võng nhìn. Tôi chu mỏ bắt chước tiếng chim kêu: chiếm chiếp. Những con chim sẻ nhảy đến bao quanh bàn tay tôi đặt trên thềm nhà, không một chút sợ sệt. Chúng nhảy ra nhảy vào như đang vui chơi trên một bãi cỏ xanh tươi.

 

Còn cháu Nhi cùng đứa em là Yến đang bắt chước bầy chim sẻ nhảy từng bước một trước mặt tôi và hát bài ca mà tôi không thể nghe rõ lời.

Tôi nói:

- Chim bay.

Hai đứa cháu ngoại giăng hai tay ra, nhảy lên và cùng kêu:

- Chim bay.

Tôi cười, nói tiếp:

- Chim đi.

Bé Yến, ba tuổi, định mở miệng nói theo và đưa chân bước tới nhưng bé Nhi nắm tay lại, xảnh xẹ mắng em.

- Chim sẻ đâu biết đi. Ông ngoại nói trật.

- Sao mới đúng

- Chim sẻ nhảy.

Cả ba ông cháu đều cười vui. Bà ngoại đang làm bếp cũng xen vào:

-  Ông ngoại thua cháu rồi nhé.

Thật vậy. Bây giờ tôi mới để ý quan sát bầy chim sẻ, nó đâu biết đi bước bằng hai chân như các các loài chim khác, nó chỉ biết nhảy cùng một lúc hai chân. Còn các cháu tôi ngay từ bé nó đã nhận ra được điều này.

 

Khi các cháu tôi đã theo mẹ nó ra về, khi các con chim sẻ đã bay xa, tôi thử nhớ lại tiếng kêu của con chim trống trên giàn bầu, cũng như tiếng rống của người đàn ông năm xưa trước cảnh biệt ly có còn làm tôi kinh hoàng nữa không?

 

Lạ thay, thế vào đó là tiếng chim sẻ hằng ngày, rất khẽ, kêu chiêm chiếp cùng tiếng hát của lũ cháu ngoại cháu nội bao quanh tôi.

 

Đến lúc này, sau 25 năm qua, tôi mới dám tiết lộ về con chim trống với vợ tôi. Vợ tôi nghĩ là con chim trống đã tìm một con chim mái khác, và nó quên hết nỗi thương đau theo ngày tháng trôi qua. Không phải thế. Ngày ấy ra sau vườn, tôi thấy núm lông chim mái mà vợ tôi vứt bừa, mới nhận ra xác con chim trống nằm chết cứng đơ cạnh đó. Tự bao giờ.

 

Còn tôi, trên chiếc võng đu đưa, tôi lẩm bẩm, như đang hát một bài ca./.

 

Ngày 12 tháng 9 năm 2009

Nguyên Minh
Số lần đọc: 2240
Ngày đăng: 28.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà - Trần Quang Vinh
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc
Đầu Lâu Biết Cười - Ngô Lạp
Có Một Thời… - Nguyên Minh
Giọt máu - Trần Minh Nguyệt
Li hương - Khải Nguyên
Đêm tân hôn! - Trọng Huân
Thủ Môn - Nguyên Minh
Chó cái - Lê Minh Phong