Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.890
 
90 Năm Tác Giả “Dế Mèn” Tô Hoài
Đoàn Minh Tuấn

I/ Hàn sĩ đỏ:

 

Những ngày đầu xuân năm 2009 tôi và GS. Nguyễn Xuân Đào đến thăm và mừng thọ bác Tô Hoài.

Nhà bác ở ngoại ô Nghĩa Đô nhưng có phòng văn trên căn gác xếp ở đường Đoàn Nhữ Hài vừa là phòng ngủ vừa là phòng làm việc; Mấy kệ sách gỗ tạp, sách nhiều đã võng xuống. Một chiếc bàn con thấp, một ghế dựa và giường cá nhân. Khi viết mệt, suy tư thì ngồi dựa trên ghế, mệt nữa thì nằm dài. Bác là cây bút chuyên nghiệp có thể sống về nghề viết văn được. Nhưng không, mỗi khi có “lộc” lại chiêu đãi bạn bè. Anh em trong giới cần bác chi viện một cách vô tư “không hoàn lại”, bác chẳng giàu đâu là Hàn sĩ đỏ. Bác vừa qua một cuộc nhập viện 2008 “thập tử nhất sinh” phải cấp cứu ở bệnh viện Việt Pháp, tốn đến hàng triệu đồng một ngày. Tôi an ủi cháu Hà “của thiên trả địa”. Cháu Hà con gái đầu Tô Hoài bảo tôi: Sao chú lại nói thế!

 

Tôi bảo: Thì trời cho lộc mấy chục triệu đồng bán sách Công ty Văn hóa Phương Nam để trả viện phí cứu bố vậy! Của đi thay người mà!.

 

Mùa xuân 1955, tập kết ra Hà Nội, tôi chỉ biết bác nhưng chưa tiếp xúc lần nào, sau qua nhà văn Nguyễn Tuân, tôi hay “điếu đóm” cho nên Nguyễn Tuân giới thiệu. Rồi dần dà “nắng mưa thì nước năng đầy”, bác thương mến tôi. Tôi cũng “lếu láo” tháp tùng với bác đi đó đi đây từ biên giới đến làng quê, công trường, xí nghiệp, kể cả nước ngoài. Tôi đã cùng bác đi Phom Pênh 1979 vừa giải phóng được mấy ngày, cùng gặp bác ở Moscou, Tasken và trên tàu bay đi hàng chục ngàn cây số trên đường lữ hành từ Calcuta qua NewDhéli về Hà Nội. Tô Hoài không những viết khỏe mà đi cũng khỏe. Không vậy làm sao có ngòi bút cường tráng và hàng 180 tác phẩm ưu ái cuộc đời đến thế!.

 

Có một lần vào mùa xuân,Cam-pu-chia vừa giải phóng, đánh đuổi bọn Pôn Pốt. Bác và tôi được một Công ty giao thông cầu đường mời đi Campuchia. Lúc bấy giờ bác kiêm Tổng biên tập Người Hà Nội, tờ văn nghệ lớn Thủ đô. Họ cho chúng tôi một chiếc xe tã quá. Xe màu vàng mấy anh chị em công nhân làm đường cùng đi. Tôi bàn với bác: “Hay ta từ chối vậy!”. Nhưng Tô Hoài bảo: Cứ đi, các anh chị là người làm đường lao động chính, ta là lao động phụ ăn theo, sao lại đòi hỏi!. Vì mình là nhà báo chỉ đi để lấy tài liệu thôi mà! Tôi có ý định thì cứ đi nhưng đổi xe khác, ít nhất là xe Com-măng-ca. Bác bảo: Thôi, đừng quấy rầy… sang Công Pông Chàm mới hay ý đồ của công ty: Vì đi bằng Com-măng-ca thì bị bắn, bởi tàn quân của bọn Pôn Pốt. Còn đi xe làm đường rách tã của ta hắn biết là xe thợ cầu đường không có gì quan trọng nên không phục kích. Com-măng-ca là xe chỉ huy mà! Về sau chúng tôi mới hiểu “âm mưu” Công ty cầu đường là muốn bảo vệ Tô Hoài, nhưng lúc đầu không dám nói ra, vì nói ra hành quân sẽ lo ngại và giảm “quân uy” chăng?

 

II/ Chuyện đời, chuyện văn:

 

Những đêm dài trên các chuyến công tác, Tô Hoài kể cho tôi nghe bao chuyện làm báo viết văn ở Hà Nội trước cách mạng tháng Tám. Hồi ấy nhà văn, nhà báo còn ít lắm; nếu tòa soạn đặt bài thì trả nhuận bút rất cao, còn nếu mình gửi bài đến họ sử dụng được thì không trả nhuận bút, mà còn chẳng gửi báo hiếu nữa. Vì lý do là anh yêu cầu tòa soạn đăng mà!

 

Mỗi tờ báo, mỗi cuốn sách phải nộp lưu chiểu bốn nơi: Thứ nhất thư viện Hà Nội rồi Huế, rồi Sài Gòn và đến thư viện Paris. Cho nên chiến tranh những số báo mất thì Sài Gòn hoặc Paris cũng tìm được.

Ngày trước các nhà báo cách mạng trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương ra báo công khai; bọn mật thám Pháp phát hiện có bài vở bất lợi cho chúng thì chúng đưa ra tòa hoặc nhẹ thì tịch thu số báo ấy!. Mà tịch thu thì báo lỗ không có tài chánh để ra số khác. Chúng nó chế tài bằng cách ấy, chỉ vài tờ báo như Nam Phong, Đông Pháp thì bọn mật thám Pháp bỏ tiền ra in… Tô Hoài là một nhà văn lão luyện ở Hà Nội, ngõ ngách, phong tục, tập quán bác am hiểu tường tận. Cuốn sách Chuyện cũ Hà Nội gần 300 trang, ông viết từ phố mới, phố xưa, cho đến 36 phố phường, việc bắt rượu, tiếng rao đêm, thuế thân, thịt chó, đến trèo me, trèo sấu, rồi đào rượu, đào hát, đến bắt chuột, bẫy chim, chơi chim, rồi tàu điện đêm, đi phu mộ, chết đói… nghĩa là thượng vàng hạ cám Tô Hoài đều đưa được vào trang viết của mình. Trong chuyện Mừng ngày giáp tết: Thuở niên thiếu gia cảnh nhà bác Tô Hoài đói kém, sợ nhất là cảnh đòi nợ, không có tiền trả, chủ nợ lấy đồ đạc khuân bát hương đi. Nhà bà nội không có tiền, trong nhà không có gì đáng giá nửa hào, thì có gì mà xiết, mà trừ nợ được. Bà nội chỉ dúi vào tay người đòi nợ vài xu uống nước đi tàu điện về đỡ phải cảnh đòi nợ ngày tết dông cả năm.

Có lần có bạn đọc hỏi: Ông viết Chuyện cũ Hà Nội có mục đích gì?

Tô Hoài nghĩ suy và đáp:

- Hà Nội: Thủ đô nghìn năm của đất nước. Nơi chung đúc tinh hoa của cả nước. Mọi sự việc xảy ra ở đây đều mang tính cách tiêu biểu và điển hình văn hóa, chính trị, xã hội từng thời kỳ. Những chuyện cũ viết hầu hết khi nước ta còn bị thực dân Pháp đô hộ… Hà Nội: lầm than và quyết liệt thuở ấy, để lớp trẻ sau này có dịp so sánh đối chiếu với cuộc sống hôm nay.

 

Tô Hoài rất giản dị và chân tình. Một nhà văn lớn cỡ Tô Hoài, sự nghiệp văn chương dẫu tôi có ca vài vạn từ cũng chẳng thêm được cái gì, chỉ có một lần nhà thơ Xuân Diệu cùng đi Vĩnh Linh với tôi trong những ngày chiến tranh hạn chế “vùng cán xoong” đã nói với tôi: “Cung cách của Tô Hoài là cung cách của nhà văn lớn – mặc dầu Xuân Diệu thường ít khen ai – lớn thì phải có tác phẩm nhiều tất nhiên cả về số lượng và chất lượng. Tô Hoài đạt cả hai tiêu chuẩn đó!. Có người viết rấr giỏi nhưng chưa lớn, vì tác phẩm quá ít. Có thể đó là nhà văn tài hoa, nhà văn nổi tiếng nhưng chưa gọi là lớn”. Còn Nguyễn Tuân thì bảo: “Tô Hoài là một người có ý chí mạnh mẽ, đã viết cái gì thì không chịu bỏ dở, viết kỳ được mới thôi. Xem ra tác phẩm của anh ta tính theo đầu sách thì vô địch nhất nước đấy!”.

Có một lần ở nước ngoài, tôi và Tô Hoài gặp nhau.

 

Năm ấy mùa đông đầy tuyết trắng. Vào đầu xuân Quý Hợi (1983) tôi đi làm phim trao đổi văn hóa ở Bratislava về Liên Xô, còn bác Tô Hoài họp Hội nghị các nhà văn Á Phi Alger về; hai anh em tình cờ gặp nhau ở ga bay Maxơva, khi chuyến bay về Hà Nội, tôi đọc cho bác nghe câu “Dân ca” : “Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi/ Hể đi thực tế thì đi nước ngoài/ Nguyễn Đình Thi cùng Tô Hoài/ Hể đi thực tế nước ngoài thì đi/ Bác cười bảo rằng thì 15 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô, khi dịch “Dế mèn” thì Hội Nhà văn các nước ấy lại mời đích danh mình sang chơi, còn mình là phó Chủ tịch Nhà văn Á – Phi thì bạn bè 2 Châu lục đó lại mời mình qua lại đó thôi. Hôm nay (1983) găp bác là tình cờ trên chuyến bay của hãng hàng không Aêrô-phơlốt vừa thử đường bay Nội Bài, đến Taskent là thủ đô Udơbêkistan, máy bay “nhõng nhẽo” trục trặc xăng nhớt thế nào chưa cất cánh được, phải nằm chờ với bác ở Taskent để kiểm tra lại ngót hai ngày đêm.

 

Taskent có một sân ga đồ sộ vùng Trung Á – cầu hàng không cho Apganistan, cho cả vùng Irak, Iran và các nước Đông Dương – nhộn nhịp lạ thường, cứ vài ba phút là máy bay lên xuống, ầm ầm vang động suốt đêm ngày. Chao ôi! Tết nhất sắp tới rồi mà chúng tôi vẫn lang thang “đất khách quê người”. Tôi cũng từ ăn tết ở Trường Sơn thời chống Mỹ, nhưng đó nhiệm vụ chiến đấu, còn đây lại phải ăn chực, nằm chờ ở hải ngoại… hai anh em vẫn uống Cognac, cụng ly chào xuân. Các quan chức ngoại giao Tây có, ta có của nhiều nước đi trên máy bay, các nhà báo, thương gia… trên chuyến bay trắc trở này phải tức và “ghen” vì máy bay không cất cánh được mà chúng tôi vẫn cười vui và uống rượu tì tì. Có cậu nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ tên là Hanurít nói tiếng Pháp ngồi cạnh tôi ngạc nhiên hỏi:

- Các vị mua vé hạng nhất à?

- Đâu có, bạn mua cho, có lẽ không?

- Thế sao ghế các vị có rượu uống.

Tôi đưa chai Ararát ra mời:

- Tết dân tộc của chúng tôi mà, các bạn Nga tặng. Nếu giờ này về nhà rồi thì tưng bừng hơn… Xin mời bạn.

Anh bạn Thổ Nhĩ Kỳ hiểu ra, cười vui và chúc mừng tết của chúng tôi, nhưng anh bạn lại thắc mắc;

- Acmêni nước cộng hòa của Liên bang Xô-viết cũ – dùng nhãn hiệu Ararát là không ổn đâu. Thấy tôi hơi khó hiểu anh giải thích thêm – vì Ararát là dãy núi biên giới chung của hai nước: Thổ Nhĩ Kỳ và Acmêni lại dùng cho nhãn rượu của mình là không được đâu?

 

Một anh bạn Franxoa người Pháp gốc Phi xen vào nói đùa vui:

- Vậy cớ sao mặt trăng là chung của nhân loại, tại sao Turquie (Thổ Nhĩ Kỳ) các anh lại lấy làm biểu trưng cho lá cờ của mình. Bộ các anh “bành trướng” à?.

Những người biết tiếng Pháp dịch lại cho các bạn ngồi đợi máy bay lại cười vui, quên bớt nhọc nhằn. Mới đây nhà văn Tô Hoài photo cho tôi một đoạn ghi chép sổ tay ngày trước ở Taskent.

 

III/ Nhật ký đường xa.

 

“Vào chỗ đoạn ở sân bay – lù lù gặp Đoàn Minh Tuấn. Sự lạ diệu kỳ! IL86 có 300 chỗ ngồi, chỉ có hơn 100 người đi. Bay đúng giờ ở Moscou(*) 5 giờ, tới Taskent 8 giờ tối. Lên nghĩ rồi xuống đi, máy bay bò ra lại lùi vào, báo lại trục trặc không bay được”.

 

Bữa ấy chúng tôi mang quà tết về nhà, nên hành lý của Tô Hoài và tôi có nặng thêm năm, bảy cân. Nếu phải trả thì có đến 30USD. Cô Rima và Inia ra tiễn nói thế nào ấy, cô phiên dịch lại là: Cô cân hành lý nói các nhà văn thừa vài cân bản thảo, tôi không phải tính thêm cước làm gì! Tô Hoài hôn Rima hai lần, trả ơn

--------------------------------------

(*) Moscou, Tô Hoài dùng theo tiếng Pháp tức là Max-cơ-va.

 

việc không trả cước phí. (Đoạn nhật ký ngày Tết ở Taskent trên Tô Hoài ghi chú là tư liệu “bán” cho tôi để viết bài Tết) và Tô Hoài còn ghi:

 

“Cả đêm ngày ngồi vớ vẫn trên phòng đợi. Hết rượu rồi, mua không có gì – vì chưa tới giờ bán – Đêm Taskent nhớ lại những chuyến đi trước, xa lắm rồi. Đêm ở khách sạn chính phủ nghe gà gáy phía này. Thế là ở lại đợi. An cả hai bữa. Mua được vài trăm gam Vôtka – tiêu chuẩn hai người. Vì lúc bấy giờ ở Nga cấm rượu. Họ bảo tối nay 10 giờ 40 bay được. Nhưng rồi phải đến sáng sau”.

 

Cũng may là tết xa nhà “tha hương ngộ cố tri” chứ không thì biết làm gì cho hết thời hạn chờ đợi. Hành khách đều phản ứng cho nên hãng hàng không phải đưa khách vào thành phố, ai muốn nghỉ khách sạn thì nghỉ, ai muốn tham quan, mua sắm thì đi. Bác Tô Hoài đã ở đây rồi, nên chỉ mình tôi đi thăm các thắng cảnh và di tích quanh quẩn gần thủ đô. Đây là một thành phố mới, mới hoàn toàn. Sau trận động đất cách đó vài thập niên gần như chỉ còn gạch vụn. Cả 15 nước cộng hòa của Liên Xô lúc ấy dồn sức người, sức của xây dựng lại. Cho nên nhà cửa, trụ sở, lâu đài đồ sộ hơn, quy hoạch đường sá rộng rãi thẳng tắp cây xanh.

 

Mùa xuân các công viên hoa, cỏ mơn mởn. Tôi dừng lại ở một cửa hàng bách hóa gần công viên, tuyết vẫn mơ màng bay ngập cả lối đi, tranh thủ còn ít đồng rúp mua rượu sâm nhung, pho-mát, nho khô… về làm quà tết. Mua cho bác nguyễn Tuân được một chai Ararát – giá tiền bằng mua một chiếc quạt tai voi và một bàn là. Thế là về nhà các bạn nói vui tết này bác nguyễn uống một cái quạt nhắm với bàn là Liên Xô vào bụng rồi đó!

 

Đi dạo trên phố Taskent mùa xuân có cảm giác như mình đi kề miệng núi lửa và các dòng nham thạch chảy ngọ nguậy dưới chân mình. Vẫn có ấn tượng động đất mùa xuân năm nào!

 

Hôm sau lại lên máy bay. Đã có bia và rượu vang, với lại có chai rượu sâm dự trữ, nên không lo gì nữa. Những tưởng máy bay sẽ dừng lại ở Carachi (Pakistan) như mọi khi, nào ngờ lại về Tân Đêli (New Dhéli- An Độ) có lẽ thời tiết, hay ốc vít máy bay trục trặc mà cô nàng tóc bạch kim khổng lồ “ngúng nguẩy” không như dự định của chuyến bay lúc ban đầu.

 

Ôi, tết tha phương trên dặm dài, lữ thứ càng nhớ nước nhớ nhà như thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.

 

Tôi và bác Tô Hoài lai rai và chuyện trò trong cơ say ngây ngất của mùa xuân, máy bay đến Nội Bài lúc nào không hay biết… và xa xa phía Bắc Ninh, Đình Bảng tiếng trống hội hè đầu xuân vọng lại trong cảnh đầm ấm ở quê nhà.

 

Hôm ở Maxcơva Tô Hoài tâm sự với tôi:

“Ngày trước còn trẻ mình là tỷ phú về thời gian, nay mình tiết kiệm từng đồng xu nhỏ: Vì thế, ông có cả một pho tác phẩm đồ sộ gấp đôi tuổi mình, hơn một trăm tám mươi cuốn vừa truyện dài, bút ký, tạp văn, tự truyện, phê bình văn học, kịch bản phim… chưa nhà văn nào trên đất nước ta có sự nghiệp sáng tác đồ sộ như vậy! Ông là con ong thợ cần cù gầy mật, là trai biển ứa máu ra kết thành ngọc trai. Từ cuốn sách tiêu biểu Dế mèn Phiêu lưu ký đến cuốn tiểu thuyết lịch sử mới đây Quê nhà viết về Cao Bá Quát từ cuốn Cát bụi chân ai đến Chiều chiều hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã hiến dâng cho nền văn học nước nhà những tác phẩm để đời.

 

x

IV/ Quota thời gian:

 

Trước Cách mạng tháng Tám, ông vừa viết văn vừa tham gia các phong trào hoạt động xã hội. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tô Hoài sớm gia nhập Hội văn hóa Cứu quốc, viết báo bí mật tuyên truyền cách mạng.

 

Dù giữ nhiệm vụ quan trọng như lãnh đạo văn nghệ, tham luận ở nghị trường quốc hội hoặc diễn đàn quốc tế, khi bàn bạc công việc ở tổ dân phố, đều đầy trách nhiệm. Bên ngoài, ông có vẻ nhạt nhẽo với mọi người, nhưng kỳ thực, tâm hồn ông rất sôi nổi và trẻ trung. Ông thường bảo:”Đối với các bạn viết, bạn đọc trẻ, mình rất sẵn sàng cả ngày nói chuyện”.

 

Đi tàu xe, ở khách sạn, xuống đồng ruộng, đâu đâu ông cũng lật sổ tay ghi chép, không bao giờ phí thì giờ và ở đâu ông cũng viết được, kể cả nằm bệnh viện, đi tham quan nước ngoài!.

Tô Hoài sống rất chân tình. Có người lại nói: “Ông ấy là đương kim vô địch Bắc Hà”. Cuộc đời của Tô Hoài, có thể nói, gắn bó với Hà Nội từ thuở thiếu niên cho đến bây giờ, đã “Mười năm khúc khích cười Đỗ Phủ”(*).

 

Nhân dịp đầu hè 2010 Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội Kỷ niệm 90 năm sinh Tô Hoài, tôi điện thoại xin chúc nhà văn Tô Hoài sức khỏe như con thiên lý mã để còn hiến dâng cho đời tâm huyết của mình với văn học nghệ thuật./.

 

* Câu đối: của GS Trần Văn Giàu khi 80 tuổi.

Đoàn Minh Tuấn
Số lần đọc: 1815
Ngày đăng: 28.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quách Tấn , Người giữ đền tài hoa - Lê Ngọc Trác
La Nhiên, Người Nhạc Sĩ Tài Hoa Một Thời… - Mang Viên Long
Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao - Thái Doãn Hiểu
Nhà kỹ nghệ và doanh nghiệp Việt nam - Trương Văn Bền (1884-1956) - Nguyễn Đức Hiệp
Hoàng Cầm – Thi Sĩ Kinh Bắc thuộc Dòng Mậu Hệ -tt - Thái Doãn Hiểu
Hoàng Cầm – Thi Sĩ Kinh Bắc thuộc Dòng Mậu Hệ - Thái Doãn Hiểu
Szepes Maria - Nguyễn Hồng Nhung
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế : 1 - Trương Quang Cảm
Hà Nguyên Dũng với Cuộc Tình Thiêng. - Thái Doãn Hiểu
Giáp Văn Thạch và những giấc mơ - Từ Nguyên Thạch