Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.206.251
 
Bài viết về hậu duệ họ Lê
Diệp Hồng Phương

HẬU DUỆ CỦA TẢ DINH ĐÔ THỐNG CHẾ LÊ VĂN PHONG HIỆN Ở ĐÂU?

 

Trong các cuộc di dân từ miền ngoài vào phương Nam diễn ra đầu những năm 1700- 1720, có gia đình ông Lê Văn Hiếu từ làng Bồ Đề huyện Chương Nghĩa, (nay là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), vốn giỏi nghề chài lưới, nên theo sông Cái (tức sông Tiền) ngược vào vùng vàm Trà Lọt, rồi dừng chân ở làng Hòa Khánh, Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Theo sách sử ghi chép, con trai ông Lê Văn Hiếu là Lê Văn Toại lớn lên ở làng Hòa Khánh, lấy vợ là bà Phúc Thị Hào, vào năm Quý Mùi (1763) sanh con đầu lòng đặt tên là Lê Văn Duyệt. Khoảng năm 1765, ông Lê Văn Toại dời gia đình về vùng Rạch Gầm, thuộc tổng Long Hưng, Định Tường (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ở đây, khoảng năm 1766-1767, ông bà Lê Văn Toại sanh thêm một người con trai nữa đặt tên là Lê Văn Phong

 

Về việc dựng nghiệp và công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt, sách sử ghi chép rất nhiều từ việc phò Nguyễn Ánh, chỉ huy các trận đánh thủy binh Tây Sơn ở Quy Nhơn, cho đến cùng với Tiền quân Nguyễn Văn Thành tiến quân ra Bắc thu phục đất Bắc Hà và hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành. Trong bài viết này chỉ muốn nói thêm về Tả dinh Đô Thống chế, Hiệp trấn Bắc Thành Lê Văn Phong, em ruột của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và lớp hậu duệ họ Lê sau ngày Lê Văn Khôi nổi dậy gây ra vụ án Lê Văn Khôi - Lê Văn Duyệt năm 1835.

 

VÀI NÉT VỀ TẢ DINH ĐÔ THỐNG CHẾ LÊ VĂN PHONG

 

Ông Lê Văn Phong theo anh mình phò chúa Nguyễn, đánh giặc lập công được phong Tả dinh Đô Thống chế. Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm 1802, Lê Văn Phong được cử ra Bắc làm Hiệp trấn Bắc thành (cùng thời Hậu quân Lê Chất làm Tổng trấn Bắc thành).

 

Ông Lê Văn Phong, có 3 người con. Tư liệu lịch sử chỉ biết hai người là Lê Văn Yên, Lê Văn Tề; người thứ ba là Lê Văn Dược sanh năm Canh Thân (1800) thì ít người biết đến.

 

Năm 1803, ông Lê Văn Toại, thân sinh của Lê Văn Duyệt và Lê Văn Phong, từ Gia Định ra Phú Xuân, được yết kiến vua Gia Long. Vua Gia Long hỏi chuyện rất lâu rồi dạy Tả Quân Lê Văn Duyệt nên dùng Lê Văn Yên (con của Tả Dinh Đô thống chế Lê Văn Phong) làm con nuôi: “Con của em cũng như con của mình. Thế là Duyệt có con rồi vậy”.

(Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian – Sơn Nam)

 

Lê Văn Yên được phong Kiêu kỵ Đô uý năm 1817. Năm Quý Mùi (1823), dưới thời vua Minh Mạng, Lê Văn Yên được vua Minh Mạng gả công chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn (con thứ 10 của vua Gia Long) và phong làm phò mã.

 

Ở đất Bắc, ông Lê Văn Phong tự nghĩ mình ít học, khó giữ chức lớn nên xin về quê ngơi nghỉ. Vua Gia Long nhứt quyết không chịu. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 4 (1824 -Giáp Thân), Lê Văn Phong về Huế dự chầu, sau đó xin về quê thăm gia đình, rồi bị bệnh qua đời.

 

Sách Gia Định Xưa của Huỳnh Minh xuất bản trước năm 1975, ghi:“Ít ai biết đến người em trai của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ấy là Lê Văn Phong, từng được vua Gia Long trọng dụng, lãnh chức Chưởng Tả Dinh. Nay hãy còn lăng mộ của ông tại Gia Định.

 

Lăng Tả Dinh Lê Văn Phong, em ruột Tả Quân Lê Văn Duyệt, tọa lạc tại phía hữu đại lộ Cách mạng, trong phạm vị xã Tân Sơn Hòa. Tương truyền lăng này do Lê Tả Quân đứng trông nom xây cất, nên lăng này kiên cố và hùng vĩ”.

Song, trải qua gần hai trăm năm với bao cuộc chiến tranh, loạn lạc, vật đổi, sao dời; dấu tích lăng mộ ông Lê Văn Phong nay ở đâu con cháu họ Lê không tìm ra được.

 

CON CHÁU HỌ LÊ VÀ CUỘC ĐÀO TẨU - MAI DANH ẨN TÍCH

 

Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), sau đó không lâu xảy ra vụ Lê Văn Khôi cất binh chiếm giữ thành Phiên An -Gia Định, chống lại binh triều.

 

Lê Văn Khôi tên là Bế Văn Khôi, người dân tộc Tày, là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt, được ngài thu nạp từ cuộc nổi loạn chống vương triều ngoài đất Bắc. Lê Văn Khôi theo vào Nam, được Tả Quân Lê Văn Duyệt phong cho chức Phó Vệ úy, rồi lại phong cho chức Minh nghĩa vệ Chánh vệ úy sai lên rừng Tây Ninh thuộc đất Quang Hóa, Trảng Bàng khai mở rừng, lấy gỗ đem về cất đồn lũy và dinh thự vốn bị hư hại trong lúc can qua, cùng là đóng chiến thuyền ngừa giặc Xiêm.

 

Cuộc chiến đẫm máu của quân Lê Văn Khôi chưa có hồi kết thì tháng 12 năm 1833, Lê Văn Khôi mắc bệnh mà chết. Quan quân vẫn giữ được thành Phiên An mãi đến năm 1835, quân triều đình mới chiếm được.

 

Con trai Lê Văn Khôi mới 6 tuổi cùng 5 người khác bị bắt giải về kinh khép tội chủ mưu làm loạn mà xử lăng trì. 1831 “loạn quân” bị giết đem chôn chung một chỗ, gọi là "mả ngụy"(Mả ngụy sau gọi là Đồng mả lạn, là vùng đất rộng tính từ Ngả sáu đường Cách mạng tháng Tám, qua đường 3 tháng 2, đường Điện Biên Phủ đoạn bệnh viện Bình Dân, kéo dài qua đến Kỳ Hòa)

 

Lê Văn Duyệt dù chết đã lâu vẫn không tránh khỏi liên lụy. Mồ mả bị san bằng và khắc đá dựng bia viết những chữ "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử".

 

Sau vụ án Lê Văn Khôi - Lê Văn Duyệt, phò mã Lê Văn Yên bị anh vợ là vua Minh Mạng ra lệnh chém vào năm Ất Mùi 1835. Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn được miễn tội chết. Em ruột của Lê Văn Yên là Lê Văn Tề cũng bị giết một lần với anh. Vợ con hai ông Lê Văn Yên, Lê Văn Tề đều bị đưa lên Cao Bằng, con trai thì sung vào quân ngũ ở miền biên viễn. Thân phụ của họ là Lê Văn Phong, qua đời đã lâu, cũng bị tước hết phẩm hàm.

 

Riêng Lê Văn Dược, con trai Tả Dinh Thống chế Lê Văn Phong lúc đó khoảng từ 30-34 tuổi, ở Gia Định, đã đưa vợ, các con và một số thân tộc lánh nạn ở vùng rừng hoang vu phía bắc Gia Định, chôn giấu gươm đao, áo mão; đổi họ Lê sang họ Nguyễn, tránh họa tru di.

 

Năm 1849, sau khi xóa bỏ tội trạng Lê Văn Duyệt, vua Tự Đức cũng đã quyết định truy phục nguyên hàm Thống chế cho Lê Văn Phong, bổ dụng làm quan hai người con trai của Lê Văn Yên là Lê Văn Diễn và Lê Văn Minh, cũng như hai người con trai của Lê Văn Tề là Lê Văn Dũng và Lê Văn Hợp. Dân làng Long Hưng đem trình quan sở tại một người cháu nội của Tả Dinh Thống chế Lê Văn Phong tên Lê Văn Thi bấy lâu sợ tội với triều đình nên mãi trốn tránh. Lê Văn Thi đến chợ Bà Chiểu, lo việc xây cất miếu thờ Đức Tả Quân.Trước năm 1975 ở Lăng Ông vẫn còn thờ ông Lê Văn Thi là bậc Tiền hiền có công xây cất “Thượng Công Linh Miếu”

(Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian – Sơn Nam)

 

Theo tập Lược sử họ Lê – Hậu duệ ông Tổ Lê Văn Dược, trong phần ghi chép về gia phả, đã xác định ông Lê Văn Dược là ông Tổ của chi họ Lê và nói rõ ông Lê Văn Dược và vợ là bà Nguyễn Thị Niên có 9 người con, sau biến cố Lê Văn Khôi năm 1835, có người theo ông bà lánh nạn, có người lẩn tránh về quê Long Hưng - Định Tường, có người lánh đi nơi khác nay không dò ra tung tích. Những người con trai của ông bà được biết là Lê Văn Tư (thứ tư), Lê Văn Nguyên (thứ sáu), Lê Văn Tám (thứ tám), Lê Văn Thành (thứ mười một), Lê Văn Thi (thứ mười hai) sau đều hội tụ về sống với cha mẹ, lấy vợ, sanh con cháu, truyền đến ngày nay.

 

Vậy vùng đất phía bắc Gia Định nơi ông Lê Văn Dược mai danh ẩn tích và lập nghiệp là vùng đất nào?

 

Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859 và đặt nền móng cai trị lên xứ Gia Định vào năm 1862, đã thiết lập các đơn vị hành chánh gọi là Tổng. Tỉnh Gia Định lúc đó có 5 tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Long Tuy Hạ và Long Tuy Thượng. Vùng đất con cháu họ Lê lánh nạn là vùng gò tháp của phum sóc người Khmer, thuộc Tổng Long Tuy Hạ. Vào năm 1940 ba làng Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ và Mỹ Khánh của Long Tuy Hạ do dân cư còn thưa thớt nên người Pháp sát nhập thành xã Thái Mỹ, thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh)

 

Các con của ông Lê Văn Dược dốc sức khai khẩn đất hoang, làm ruộng, sống hòa đồng cùng cư dân tại đây. Đất đai mở rộng, con cháu họ Lê ngày càng đông nhưng ít người biết rõ nguồn gốc của mình. Các hậu duệ họ Lê như Lê Văn Thi (con út cụ Lê Văn Dược) sau này về sống ở ấp Tháp, Lê Văn Ngọt (con cụ Lê Văn Thi) và Lê Văn Huyền (con cụ Lê Văn Ngọt) đều lập nghiệp ở ấp Tháp xã Thái Mỹ và mang họ Nguyễn.

 

Tập sơ thảo “Lịch sử Đảng bộ và truyền thống yêu nước của nhân dân xã Thái Mỹ Anh hùng” ghi rõ: “Con cháu họ Lê mang họ Nguyễn thời kỳ đầu sống ở ấp Tháp, về sau khai phá đất hoang, làm ruộng nên chuyển sang các vùng lân cận cùng với cư dân miền ngoài vô, Bến Nghé lên tạo thành các xóm ấp mới Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ, Mỹ Khánh…

 

Ông Lê Văn Dược được biết là bậc “tiền hiền khai khẩn” của vùng đất Thái Mỹ…”

 

HẬU DUỆ HỌ LÊ MỘT LÒNG VÌ NƯỚC

 

Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, con cháu chi họ Lê ở Thái Mỹ Củ Chi đều tham gia kháng chiến, một lòng vì nước. Năm 1936, ông Hai Tạo từ Đức Hòa sang Thái Mỹ dạy võ cho thanh niên trong làng, lấy vợ là con gái ông Cả Hiệp, đã cùng với ông Lê Lâm (Tư Lâm, hậu duệ Đời 5) là anh em cột chèo, ông Lê Văn Tất, ông Lê Văn Trừu (Hai Trừu), ông Lê Văn Nguy (Hai Nguy), ông Tám Bộ… tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, vận động quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Năm 1942, ông Trà Văn Phụ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, thành lập tổ đảng bí mật với các ông Lê Văn Khiêm (Hai Khiêm), Lê Lâm (Tư Lâm) là hậu duệ Đời 5 của họ Lê. Giặc Pháp đánh hơi, rình mò tìm bắt. Ông Lê Lâm lánh qua Đức Huệ, được kết nạp đảng tại nhà ông Lê Văn Khạo (Ba Khạo, hậu duệ Đời 5- cháu nội ông Lê Văn Bức) vào năm 1944, sau đó trở về Thái Mỹ tiếp tục hoạt động.

Sau khi giành chánh quyền tháng tám năm 1945, đầu tháng 9, ông Lê Văn Trừu (tức Lê Thanh Dân) triệu tập nhân dân trong xã thành lập mặt trận Việt Minh. Ông Lê Văn Trừu làm chủ nhiệm, ông Lê Văn Nguy làm thơ ký Ban chấp hành, chủ tịch ban Nông hội xã.

 

Năm 1946, chi bộ đảng đầu tiên của xã Thái Mỹ được thành lập với ông Lê Văn Trừu làm bí thư, ông Lê Văn Sống (Sáu Sống, hậu duệ họ Lê Đời 5) phó bí thư, Lê Văn Tất (Năm Tất) ủy viên thường vụ.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, cùng với con cháu các dòng họ Dương, Vương, Cao…; nhiều cán bộ chiến sĩ là con cháu của họ Lê vẫn bám đất Thái Mỹ hoạt động, chiến đấu, vì nước quên thân.

 

Ông Lê Văn Cửa tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh năm 1953. Ông Lê Văn Dệt hy sinh năm 1958. Ông Lê Văn Sống (Sáu Sống) hậu duệ Đời 5, được bầu phó bí thư chi bộ đảng lúc mới thành lập (năm 1947). Ông hy sinh tại Phước Hiệp-Củ Chi, năm 1967, trước đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Ông Lê Văn Tiển tham gia cách mạng tại Thái Mỹ, chuyên chế tạo mìn trái tại công trường xã, hy sinh năm 1969. Ông Lê Văn Dìa bí thư xã đoàn, hy sinh 1971

 

Bà Nguyễn Thị Lan, tức Lê Thị Lan và chồng là ông Nguyễn Văn Mười bám đất giữ làng, động viên các con cầm súng đánh giặc. Ông bà có 3 người con lần lượt hy sinh, được công nhận liệt sĩ. Sau năm 1975, bà Lê Thị Lan được nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

Do Thái Mỹ giáp ranh đồng bưng Tân Mỹ (Đức Hòa) và An Tịnh (Trảng Bàng), với địa thế cách xa Quốc lộ 22, nên thời chiến tranh ác liệt, dân chúng tản cư và cán bộ cách mạng điều lắng qua Đức Hòa, hay lánh qua An Tịnh rồi trở thành cán bộ của của tỉnh bạn. Trên đất Tây Ninh, hậu duệ họ Lê các Đời 5-6 nhiều người giữ vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp tỉnh như bà Lê Thị Bân, Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh là con ông Lê Văn Miền; ông Lê Văn Bầu (Lê Minh Thành) nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh là con ông Lê Văn Sẳng; ông Lê Tấn An (Chín Dựng), nguyên phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Tây Ninh, sau là trưởng ban Quản lý các khu Di tích lịch sử cách mạng miền Nam; ông Lê Minh Trọng phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Lê Hồng Châu, nguyên tỉnh ủy viên, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh…

 

Hai người con của bà Lê Thị Bia và ông Nguyễn Văn Thuấn là bà Nguyễn Thị Thu Hà là phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Thu Thủy, ủy viên thường vụ tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.

 

TÌM VỀ NGUỒN GỐC HỌ LÊ- ÔNG TỔ LÊ VĂN DƯỢC

 

Họ Lê xã Thái Mỹ có nguồn gốc từ ông Tổ Lê Văn Dược, lúc mới lập nghiệp tại Thái Mỹ (tức Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ, Mỹ Khánh) con cháu và thân tộc họ Lê trên dưới 10 người. Cho đến hôm nay, họ Lê đã truyền đến Đời thứ 7, cháu con ở nhiều nơi như Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, cộng lại đã vượt con số ba trăm.

Trong lúc tìm hiểu về sự phát triển của dòng họ, có người kể lại ngày xưa gươm, áo, mão của ông Tổ Lê Văn Dược lúc về đây ẩn cư đã chôn giấu tại bìa ranh bàu ông Sáu Ngăn, sau này do lính Mỹ ủi phá nên mất dấu tích. Thật đáng tiếc!

 

Qua dò hỏi, con cháu họ Lê ở Thái Mỹ được biết hiện ở vùng Long Hưng, tỉnh Định Tường xưa, không còn ai là hậu duệ họ Lê có nguồn gốc tổ tiên là ông Lê Văn Toại, Lê Văn Phong…! Con cháu họ Lê ở ngoài Bắc có nguồn gốc ông Lê Văn Phong, với hai người con là Lê Văn Yên, Lê Văn Tề (bị vua Minh Mạng xử chém) và hậu duệ Đời 3 là Lê Văn Diễn, Lê Văn Minh, Lê Văn Dũng, Lê Văn Hợp; các đời 4-5 chưa liên lạc được.

 

Sau ngày hòa bình rất lâu, con cháu họ Lê ở Thái Mỹ, Đức Hòa và Tây Ninh đã tìm đến nhau, nhận ra bà con dòng họ, phân thế thứ rõ ràng và cùng xác định ông Tổ họ Lê của mình là ông Lê Văn Dược. Mộ ông Tổ Lê Văn Dược và bà Tổ Nguyễn Thị Niên hiện còn ở ấp Tháp, được con cháu xây lại gọi là Mộ Tổ.

 

Nhà thờ Tổ được ông Lê Văn Huyền và ông Lê Văn Tạc (Đời 4) cất bên cạnh khu vực mộ ông bà Tổ, tại ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Khởi công xây dựng ngày 4 tháng 11 năm Tân Mùi (1991), an vị ngày 26 tháng chạp năm Tân Mùi (1991). Trước nhà thờ, phía trên ghi rõ ngày giỗ ông Tổ Lê Văn Dược là ngày 13 tháng 3. Bàn thờ giữa thờ Cửu huyền Thất tổ, bên hữu thờ Nội Tổ Tông Đường, ghi ý “Hải Đông Như Phúc”; bên tả thờ Ngoại Tổ Tông đường, ghi rõ “Sơn Nam Tỷ Thọ”.

 

Trong ngày giỗ ông Tổ-bà Tổ, con cháu họ Lê tề tựu về nhà thờ họ Lê tại ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh rất đông. Con cháu họ Lê ở Tây Ninh cúng giỗ trước một ngày, hôm sau cùng với cánh Long An, Củ Chi cùng về thắp hương cúng bái Cửu huyền Thất tổ, ăn uống, chuyện trò; nhắc nhớ truyền thống cha ông, nhận ra bà con họ tộc.

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 4406
Ngày đăng: 29.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
6 Chữ và 16 Chữ - Đinh Kim Phúc
Về Địa Danh Vịnh Vân Phong - Nguyễn Man Nhiên
Hài cốt cụ Nguyễn hay xương thằng Tây? - Nguyễn Văn Dũng
Địa danh Khánh Hòa thời mở đất - Nguyễn Man Nhiên
Văn Miếu Diên Khánh - Nguyễn Man Nhiên
Đạo Công Giáo vào Việt Nam (1533-1659) thế nào ? - Trần Văn Cảnh
Thư Ngỏ gửi Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Bích (Đại Học Yale) - Đinh Kim Phúc
Bình Tuy, những ngày cuối cùng. - Phan Chính
Một đề xuất lạ ? - Đinh Kim Phúc
Đất của người tứ xứ - Phan Chính