Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau, đó là: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
HỒ CHÍ MINH
Từ ngày 1-1-2004, ĐBSCL có thêm một tỉnh mới. Cái tên “Hậu Giang” đã có ngay sau giải phóng (1976) nhưng lúc đó rộng lắm, bao gồm cả tỉnh Sóc Trăng, TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang bây giờ (có lúc còn cả Côn Đảo). Trong nhiều cuộc trưng cầu ý kiến trước khi tách tỉnh, nhiều vị lão thành cách mạng và các bậc kỳ lão tỏ ra tâm đắc khi nhắc đến tên này: gợi tính lịch sử, hàm chứa đặc trưng sông nước Nam Bộ...
Thị xã Vị Thanh, tỉnh lỵ của Hậu Giang mới nằm ngay trung tâm hai tiểu vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, giáp với các huyện vùng sâu của Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu. Đây cũng là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng: quốc lộ 61, tỉnh lộ 933 thọc sang huyện Giồng Riềng – Gò Quao của Kiên Giang, tỉnh lộ 932 qua Vàm Xáng nối với Cần Thơ, tỉnh lộ 931 nối với Thạnh Trị - Sóc Trăng rồi tuyến kênh xáng Xà No có thể lưu thông dễ dàng từ Cần Thơ đi Vị Thanh, đến Rạch Giá, Hà Tiên, Cà Mau... Chính do vị thế đặc biệt này, dưới trào Mỹ - Diệm, chỉ sau mấy tháng bỏ cấp quân khu thành vùng chiến thuật kẻ địch đã ra nghị định thành lập tỉnh Chương Thiện (21-12-1961), tỉnh lỵ đặt ngay tại thị xã Vị Thanh nhằm khống chế cho được vùng sâu, căn cứ cách mạng của ta tại bán đảo Cà Mau.
Thị xã Vị Thanh khi còn là tỉnh lỵ Chương Thiện được xây dựng vào những năm sáu mươi theo đồ án quy hoạch của KTS Ngô Viết Thụ mang nhiều tính năng phục vụ cho mục đích quân sự. Sau giải phóng, có thời gian khá dài nhiều người đã ngậm ngùi cho một “thị xã bị lãng quên”. Từ 1975 đến 1999, qua ba lần tách nhập, điều chỉnh ranh giới hành chánh khiến quy mô và tốc độ phát triển bị chựng lại; công tác quy hoạch, xây dựng bị buông lỏng, bộ mặt đô thị bị xuống cấp. Tỉnh lộ 61 nối Cái Tắc với Vị Thanh lắc lư như cánh võng và con phà Cái Tư thọc sang Kiên Giang ì ạch trên sóng nước những năm đó là nỗi ám ảnh không nguôi cho một vùng sâu căn cứ cách mạng thủa trước. Sau khi được tái lập “chức danh”, lên cấp thị xã (1-7-1999), chỉ trong vòng 5 năm, với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, tính chất đô thị đã dần vụt hiện rõ. Những hàng đèn cao áp trên con đường tráng nhựa phẳng lỳ ngay từ cửa ô uốn lượn qua trụ sở UBND thị xã (nay là UBND tỉnh) chỉ là một minh chứng khiến bất kỳ ai quan tâm đến Vị Thanh đều cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng này. Tuy nhiên, nếu so với thị xã Sóc Trăng khi chia tách (1992) thì cơ sở hạ tầng của Vị Thanh hiện tại vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm, chắc bởi cái tiêu chí “thị xã” của tỉnh bạn hầu như không bao giờ đứt đoạn trong hàng chục năm trời, cho đến tận hôm nay? Nhắc lại để thấy rõ hơn điểm xuất phát và đường đi hôm nay của tỉnh mới.
Tách tỉnh để tập trung đầu tư và phát triển hơn nữa. Hậu Giang phát triển sẽ kích thích tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, đô thị hóa, CNH-HĐH và làm bật dậy cả vùng sâu Tây Nam Bộ. Những khởi đầu hôm nay để nhắm tới thay đổi ngày mai, không chỉ cho Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang mới có quy mô diện tích, dân số (rộng 160.772,49 ha, 766.105 người) tương đương với một số tỉnh trong vùng, nhưng xét về dân số thì ngang bằng với 24 tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy nhiên, ngay khi “ra riêng”, đã có những thống kê, nhận xét về một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội rất đáng phấn khởi: giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 7/13 tỉnh trong khu vực (2003: 2.060 tỷ đồng, dự kiến 2004: 2.320 tỷ đồng), trên cả Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu; giá trị nội thương đạt 7.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu (2004) dự kiến đạt 152 triệu USD đứng hàng thứ 5-13 tỉnh, chỉ sau TP. Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau; 100% số xã có điện lưới quốc gia (tỉ lệ hộ dân sử dụng điện năm 2003 là 86,2%, dự kiến 2004 là 90,3%), 100% xã có bưu cục... Nhiều sản phẩm chủ yếu như sản lượng lúa (930.000 tấn), thủy sản chế biến xuất khẩu (22.000 tấn), đường (112.000 tấn trong đó 42.000 tấn đường thô)... cũng tạo đà rất tích cực cho sau này.
Là một tỉnh mới lại đang trong giai đoạn “khởi động” nên Hậu Giang phải đối mặt ngay với nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất hầu như làm lại từ đầu, sắp xếp, bố trí nơi ăn ở, làm việc cho gần 2000 người dồn về tỉnh lỵ trong khi giá đất giá nhà tăng ảo, vọt trên 50% là một công việc khá nan giải, chưa kể đang cần trên 50 tỷ đồng mua sắm chỉ riêng phương tiện làm việc để phục vụ các ban ngành cấp tỉnh đi vào hoạt động khi mà số thu ngân sách mới xấp xỉ 170 tỷ... Hiện tại chín ban ngành cấp tỉnh “chen vai thích cánh” trong khu công vụ 406, trụ sở HĐND tỉnh, Sở KHĐT đang gấp rút xây dựng; Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã nằm giường
xếp ngay nơi làm việc, thư ký riêng Bí thư Tỉnh ủy nghỉ trên ghế tiếp khách, 10 người thuê căn nhà nhỏ tại thị xã phải mất 3-4 triệu đồng/tháng trong khi chỉ mấy tháng trước chưa tới 1 triệu đồng... “Ở tạm dựng tạm” để nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định là điều dễ thấy khi về Hậu Giang những ngày này. Vốn, mặt bằng, cán bộ là ba cái khó cơ bản nhất của Hậu Giang hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Phong Tranh trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn giải phóng như vậy. Đồng thời ông cũng kêu gọi tất cả cán bộ công chức hãy “Đoàn kết, chịu đựng,
đồng tâm vượt khó”.
Trong tình hình cán bộ “ăn bụi, ngủ bàn, làm việc đứng, vừa làm vừa chạy” như hiện nay mà chỉ trong một thời gian ngắn đã triển khai đồng bộ các giải pháp đưa bộ máy đi vào hoạt động, tập trung chỉ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy tính năng động, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân Hậu Giang.
Khi đã trở thành tỉnh lỵ mới, phải quy hoạch thị xã Vị Thanh trở thành trung tâm, là đầu mối giao lưu khu vực bờ Tây sông Hậu nối tiếp bán đảo Cà Mau, đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi về thăm và làm việc tại thị xã Vị Thanh những ngày cuối năm Quý Mùi. Thị xã Vị Thanh trong vị thế mới sẽ được mở rộng không gian đô thị với diện tích nội ô khoảng 3.000 ha (gấp 3 lần hiện nay và giai đoạn tiếp theo sẽ đạt gần 5.000 ha); các cửa ngõ giao lưu sẽ thông thoáng hơn theo trục phát triển trung tâm kinh Xà No và quốc lộ 61 (Hậu Giang sau này sẽ có “hai mặt tiền” bao gồm quốc lộ 61 - đang được tích cực nâng cấp trở thành cấp 3 đồng bằng - tiếp giáp quốc lộ I và đường Hồ Chí Minh, chỉ cách khoảng 8 km) cùng một con đường rộng hơn 15m khác cặp theo kinh Xà No rút ngắn gần 20 km khi nối với Cần Thơ; nâng cấp một số tỉnh lộ lên quốc lộ; quy hoạch thêm các khu dân cư, tái định cư, khu công vụ; nâng cấp bệnh viện thị xã thành bệnh viện đa khoa Hậu Giang lên 500 giường (hiện 250 giường), cùng xây mới trung tâm huyết học, phòng xét nghiệm; thành lập Đài PT-TH, các trường Cao đẳng cộng đồng, dạy nghề, dân tộc nội trú, đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước 10.000 m3/ngày, Bưu điện Hậu Giang sẽ được xây mới khang trang và được Bộ Bưu chính viễn thông đầu tư trên 20 tỷ đồng nâng cấp phát triển hệ thống viễn thông... Một đô thị xanh, sạch, đẹp theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ lại những nét đẹp cảnh quan sông nước lượn lờ ngay trong lòng nội ô kết hợp cùng các vườn cây ăn trái sẽ tạo cho Vị Thanh một dáng vóc riêng, sánh vai cùng 70 thành viên trong Hiệp hội đô thị Việt Nam.
“Tách tỉnh nhưng không tách tình”. Hơn 10 km dọc sông Hậu, phần còn lại duy nhất của tỉnh nằm sát ngay cảng biển Cái Cui lớn nhất ĐBSCL thuộc TP. Cần Thơ sẽ trở thành một trong hai khu công nghiệp mới (khu công nghiệp sông Hậu và Cái Tắc, không kể khu công nghiệp Vị Thanh) có vị trí đặc biệt quan trọng của Hậu Giang. Tỉnh mới còn ẩn chứa hai tiềm năng lớn: quỹ đất địa phương còn lớn, người dân hừng hực quyết tâm cho cái mới, vì cái mới. Chỉ mới hơn hai tháng tách tỉnh, hàng chục đoàn công tác của Chính phủ - Bộ, ngành Trung ương cùng nhiều nhà đầu tư đã về đây. Công tác quy hoạch mặt bằng đang chuyển động nhanh chóng. Ông Lữ Viễn, đã ngoài 70 tuổi, sống ngay bên hông nhà lồng chợ Vị Thanh từ những năm 50 phấn khởi: “Cái chợ trước mặt chú trào Pháp có tên là chợ Cái Nhum, hai bên hông chợ chỉ toàn sình lầy, trào Mỹ cũng chỉ được nống ra chút đỉnh. Nay nơi đây thành hai dãy phố chợ khang trang, đường đi rộng rãi, nghe đâu sắp tới được quy hoạch thành trung tâm thương mại - siêu thị gì đó lớn lắm của tỉnh...”. Bài toán “Tam nông” (Nông nghiệp-nông thôn-nông dân) vẫn là trọng yếu, nhưng lời giải đã khá rõ bởi địa phương đã nhắm tới một nền nông nghiệp chất lượng cao, một chất lượng cuộc sống mới.
“Văn hóa là động lực phát triển xã hội”, ông Trịnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói vậy. Chỉ chưa tròn hai tháng sau khi tách tỉnh đã có hai sự kiện văn hóa được người dân Hậu Giang ngất ngây, ghi nhận: cầu truyền hình trực tiếp Cần Thơ - Hậu Giang đêm giao thừa và đêm văn nghệ tại Hồ Sen 12-2-2004 với các ngôi sao ca nhạc, cải lương thu hút trên chục ngàn người quanh vùng đến dự. Rạp hát Mỹ Thanh ngay trung tâm thị xã thuở trước đang được nâng cấp cùng một chương trình xóa đói thông tin rộng khắp, ngày 5-3-2004 báo Hậu Giang đã ra mắt bạn đọc số đầu tiên với 5000 bản... Hậu Giang còn có đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm – Long Mỹ), có di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn địch, có Lung Ngọc Hoàng đầy nguyên sơ quyến rũ và có cả cái tình tứ lãng mạn của ngày hôm qua “Công danh chi nữa mà chờ/Về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em”(!)... Vùng sâu căn cứ cách mạng Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), Phương Bình (Phụng Hiệp)... đã đổi thay nhiều lắm; “Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu” khét tiếng ngày nào nay đã là “xã Văn hóa”.
“5 năm nữa bộ mặt Hậu Giang sẽ có thay đổi lớn”, ngày 11-3-2004, Giám đốc Sở KHĐT Trần Thành Lập phát biểu với báo giới như vậy. Hậu Giang không phải là một “Cần Thơ yếu”. Hậu Giang sẽ có những bước đi kỳ diệu, theo cách của mình, điều đó đã rõ. Đàn sáo Hậu Giang đã bay lên rồi.