Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.631
 
Mối tình xa cách
Dương Phượng Toại

- Thời gian trôi nhanh quá! Từ ngày B52 Mỹ đánh Hải Phòng, cả nhà em về đây sơ tán, đến giờ, hơn ba mươi năm em mới được ngồi chờ nồi bánh chưng đón giao thừa ở quê hương… Tuy nhà nội ở xóm Cung Đường làng Cốc, nhưng tuổi thơ em hầu như gắn bó với nhà ngoại, với căn nhà ngang cũ, cũng chỗ này, cạnh cối giã gạo, cạnh thùng trấu là góc bếp, mảng tường và nền đất khói hun đen nhẻm, rắn đanh...

 

Bà Khương nheo mắt nhìn ngọn lửa trong bếp tạt ra, vừa hơ tay vừa thủ thỉ nói chuyện với vợ chồng tôi. Đã ở tuổi bảy mươi, nhưng bà vẫn còn vẻ thuần hậu của một thời con gái xinh đẹp. Bà hơn tôi tới hai chục tuổi, nhưng là em, con cô ruột tôi. Tôi là anh, con ông bác trưởng. Mẹ Khương là cô Bằng. Tuổi trăng tròn, cô Bằng đẹp nhất làng với gương mặt đầy đặn, lộng lẫy như Phật bà Quan Âm. Hằng năm cô luôn được chọn đứng ngôi tướng cờ trong Lễ hội Tiên Công. Người ta bảo con gái đẹp làm tướng cờ thường “hồng nhan bạc phận”. Nhưng cụ Lễ- (bà nội tôi, bà ngoại của Khương) gạt đi mà nói chắn một cách tự hào cho con gái rượu rằng: Đời con gái như bông hoa. Có đẹp, có thơm thì bướm ong nó mới đến. “Đức năng thắng số” con ạ! Xấu gái chỉ có ma nó dòm!

 

Cô Bằng đã đẹp người lại đẹp nết. Năm ấy, sớm mồng 7 tết, hội miếu Tiên Công, trống giục từng hồi mà cô vẫn cố cày xong sào ruộng ven cửa miếu mới về nhập bàn cờ. Một chàng trai trông dáng thị thành đi qua, lấy làm lạ: cơ này hội mở rồi sao cô thôn nữ kia vẫn mải mê cày ruộng? Cô còn mặc chiếc áo nâu có những nốt vá rất khéo. Biết đây là con nhà nền nếp gia phong, nên chàng dựa “xe lết” xuống vệ đường và đứng nhìn hồi lâu. Cuối cùng chàng đã làm quen, xin cô được theo về nhà thăm vấn...

 

Chàng trai đó là người họ Ngô làng Cốc sang Hải Phòng làm cầu thủ đội bóng đá Đông Dương đầu tiên ở xứ Bắc Kỳ. Sau đã trở thành chồng của cô tôi. Năm trước hợp hôn thì năm sau họ sinh một cô con gái, tức Khương bây giờ. Cầu thủ bóng đá, nhưng cha Khương được vua Bảo Đại phong hàm Cửu phẩm, nên người làng thường gọi ông là ông Cửu Yên. Ông Cửu Yên tính cách hào hoa phong nhã, nói tiếng Pháp thạo như gió. Tiền thù lao đá bóng không đủ cho mấy tối kéo đám bạn bè đi hát cô đầu… Khi Khương bảy tuổi, bà Cửu Yên bỗng dưng mắc bệnh tràng nhạc. Những chuỗi hạch mọc và chạy đầy quanh cổ, nhức buốt. Cụ Lễ đón con gái về quê chăm sóc, phải bán hàng mẫu ruộng để chạy thuốc, nhưng vẫn không khỏi. Cuối cùng, căn bệnh quái ác đã cướp cô tôi khỏi cuộc đời giữa lúc xuân xanh, bỏ lại người chồng trẻ cùng đứa con gái thơ ngây. Khương ở lại nhà quê với bà ngoại. Sau đó ít lâu thì ông Cửu Yên lấy vợ kế, sinh được một đàn bẩy, tám người con.

 

- Chiều qua, xuống chợ Cốc, em ghé thăm mảnh đất bên nội ở xóm Cung Đường, chả còn nhận ra mô mốc gì ngôi nhà cũ. Cây găng to già cốc đế cùng cái cổng xây cuốn vòm “ngũ phúc” đắp năm con dơi chầu cũng biến đâu mất. Chỉ toàn nhà mái bằng, nhà cao tầng sít như xếp hộp. Thời buổi đổi thay chóng mặt! Bà Khương cời than hồng ra cửa bếp và nhanh tay mở nồi bánh đang sôi sùng sục cho vợ tôi đổ thêm nước. Bếp lửa cháy reo lên thành tiếng phừng phừng. Bà chuyển mạch tâm sự:

 

- Không hiểu sao lúc đến thắp nhang ở đền Ngõ Đá, tự dưng người em cứ run cầm cập như cái đêm… Đêm ấy, dưới gốc cây duối già, anh Quỳnh Giao đã ngỏ lời hỏi em. Anh gọi em là Mỹ Khương. Trống ngực em cứ đập thình thình. Chân tay run như lá lúa trước gió. Hồi học cùng trường Kim Bị, chúng em với các anh con trai chơi thân với nhau vô tư như tờ giấy trắng. Bọn nữ sinh, nhất là cái Xứng, cái Trâm, cái Nhuận…cậy được chiều chuộng, luôn làm nũng các anh. Các anh thường cho chúng em những chiếc compa, những chiếc thước gỗ tự gọt lấy rất khéo, hoặc giúi vào cặp những chùm quả me tròn, nắm hạt dẻ, nắm cốm xanh giã chập chuội… Đi chặt củi ngoài núi đá, bao giờ anh Quỳnh Giao cũng giành chân lái thuyền, rồi lo cơm nước tinh tươm cho cả bọn được nằm ngơi về tới tận bến. Nhiều khi bắt gặp ánh mắt anh trong sáng và nồng nàn, má em chợt nóng bừng như người hơ lửa. Sau ngày cướp chính quyền Tỉnh lỵ Quảng Yên, Quỳnh Giao tham gia thanh niên cứu quốc rồi lên Chiến khu Đông Triều. Hôm anh về thăm nhà, nhà đã bị Tây đốt, phải tá túc tạm nhà ông chú. Anh đã nhắn qua cái Nhuận hẹn gặp em ở đền Ngõ Đá. Trong thâm tâm, em biết anh để ý em từ lâu. Nhưng em vẫn thổn thức và lo sợ, ánh mắt anh càng nồng nàn bao nhiêu càng mong manh, xa vời bấy nhiêu… Đêm ấy, tình thực, em rất yêu và thương anh, nhưng lại nghẹn lời. Để anh cầm tay mình một lúc lâu, em như một người quá nhỏ bé, run rẩy nép vào ngực anh ấm áp, cậy tin. Em muốn khóc. Rồi bỗng dưng bỏ chạy một mạch về nhà. Nghe rõ tiếng bước chân anh đuổi đằng sau. Nhưng đến ngõ, quay lại chỉ thấy mảnh trăng treo nghiêng trên ngọn tre. Em thầm gọi: Quỳnh Giao ơi! Em… Em sẽ chờ anh!

 

Sau đêm đó, Quỳnh Giao phải lên gấp chiến khu. Không thể chờ hôm sau định gặp lại Khương, anh chỉ kịp viết vội mấy dòng mực tím nhờ qua Nhuận: “…Mỹ Khương! Trên đời này, anh đã tìm được em, vầng trăng quê xứ đảo mà anh chờ bấy lâu. Hẹn ngày gần đây anh sẽ về đón em!..”

 

Thừa hưởng vẻ trời phú của mẹ, Mỹ Khương cũng ngày càng xinh đẹp. Mặt trái xoan. Làn da trắng ngần như hạt gạo tám thơm mới bóc. Mái tóc dài chấm gót, thướt tha theo dáng đi cũng đủ làm các trai làng mê mệt. Đám con cái nhà giàu ngấp nghé nhìn trộm, thi nhau lượn quanh, săn đón. Nhưng cô chỉ sớm ngoài ruộng, tối trong nhà. Bà ngoại hết lòng trông nom, chăm sóc. Hình như tâm tư của Khương không giấu nổi mắt bà. Nhân một hôm ngồi khâu vá, thấy những đường kim của cô cháu gái xâu chệch choạc, bà âu yếm thăm dò:

 - Người dưng nào nó thả bùa yêu làm cháu bà thơ thẩn mất rồi? Khương ngừng tay, nhìn bà, thú thực:

 - Anh ấy con ông bà…ở làng Cốc…cùng trường với cháu…Anh rất hiền, rất tốt, rất…yêu cháu. Chỉ hiềm nỗi nhà nghèo và anh còn lang bạt trên đường cứu nước. Nhưng cháu thương anh ấy lắm bà ơi!

- Thôi, bà hiểu, bà biết rồi. Tông giống nhà ấy là dòng tử tế. Dẫu nghèo, nhưng người ta có đạo con ạ! Gái ngoan không lụy của nhà chồng. Hoà thuận lứa đôi, tự tay gieo ươm thì mới nhiều quả hạnh! Mắt bà rớm ngấn nước, nhìn rất xa lên những đám mây trắng. Thương cô cháu ngoại sớm mồ côi mẹ; cha thì đã lâu không thấy đoái hoài…bà cố xua đi những linh cảm bất chợt từ đâu sa xuống cõi lòng. Chao ôi! Cầu trời phù hộ cháu tôi…Bà đau nhói nhớ tới người con gái út sớm đoản mệnh. Nhưng cháu ơi, đức năng thắng số! Bà sẽ che chở cho cháu suốt đời!

 

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Giặc biến đảo Hà Nam thành vùng tề ngụy, ra sức càn quét, xây đồn bốt phong toả Việt Minh. Đám con cái nhà giàu, chức sắc các làng và cả bên phố huyện vẫn tìm cách ve vãn Khương, nhờ người đánh tiếng với đủ lời thề thốt. Nhưng ngõ hồng vẫn khép kín! Có việc ra đường, Khương quệt hẳn nhọ nồi cho bẩn mặt để qua những con mắt thèm khát.

 

Ông bà tuổi cao, lâm bệnh, lần lượt qua đời. Phút lâm chung, bà nhìn Khương đau đáu như người có lỗi: Cháu ơi! Trời không cho bà ở lại để chở che cho cháu! Hàng tháng ròng, Khương như kẻ mất hồn. Nhà tôi lại bất ngờ xảy ra việc anh con trai lớn chết đuối bên đầm Nhà Mạc. Cha tôi đau đớn, bỏ cả chức lý trưởng và cũng là để tránh bọn tề ngụy nhũng nhiễu, bèn đi buôn bán thuốc lào ngoài chợ Hồng Gai. Ngày ông định đưa cả cháu gái đi cùng thì không ngờ cha Khương về. Ông dẫn theo một võ binh khá điển trai, đạo mạo và có lẽ con nhà có học, không tỏ vẻ thô thiển, lố bịch như những tên quan nhà binh mà Khương từng biết. Cha Khương khấp khởi giới thiệu với bác trưởng: - Đây là ngài Quận Hoàn, quận trưởng Cát Hải…Ông quay sang Khương: Người đã cứu cha khỏi tù vì trận tranh bóng cha vô ý đá gẫy chân một thằng cầu thủ đối phương đó con ạ!

 

Lần ấy, không ngờ cha ép cô phải lấy quận Hoàn để trả ơn. Khương oà khóc:

- Không! Không! Cha ơi! Xin cha đừng làm khổ con! Con đã có người…

- Không người nào bằng người này! Ông Cửu Yên quắc mắt: - Con gái phải biết vâng lời cha mẹ đặt đâu ngồi đấy!

- Con chẳng lấy chồng nhà binh đâu! Con chẳng lấy chồng xa đâu!

- Xa đâu mà xa! Đóng ở Hải Phòng, nhưng ông ta là người làng La Khê bên kia sông Chanh, cũng ở huyện mình!

- Nhưng con… không… không yêu được…

 

Thấy hai cha con căng thẳng, cha tôi từ tốn khuyên em rể và khách:

- Chú hãy thư thư cho cháu nó nghĩ…Cũng xin ngài quận trưởng tha lỗi thông cảm cho em nó còn dại lắm!

Tay quận trưởng không nói gì. Nét mặt chỉ thoáng thất vọng. Gã gượng cười: Tiểu thư cứ bình tâm. Tôi sang thăm cho biết cửa biết nhà thôi mà! Không sao, ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên! Nói vậy, chứ thực ra ngay phút đầu tiên gã đã nao người trước cô gái quê mà gã không ngờ lại đẹp đến thế. Gái quê, nhưng nàng lại mang vẻ đẹp kiều diễm của con nhà khuê các! Nghề nhà binh đã cho gã tính thận trọng hơn trước tửu sắc và tình huống bất ngờ. Gã luôn biết tự mình ghìm giữ và cũng thừa hiểu ông Cửu Yên là người trọng thể diện. Hôm sau, trước lúc hai người về Hải Phòng, cha Khương dành một lúc gặp riêng con gái với mọi lý lẽ thuyết phục, dỗ dành: Chỗ này người ta là con nhà có thế lực! Gái tỉnh thành đầy ra đấy mà người ta đâu thèm ngỏ! Đây là một cơ hội. Nếu mày chống lại, tao sẽ từ. Không cha con gì hết!

 

Khương khóc sướt mướt. Cha tôi cũng không tài nào lay chuyển được ý của cha Khương. Ông đành nói vừa để hòa dịu vừa để “hoãn binh”: - Thôi, chú cho cháu nó tĩnh tâm ít bữa. Tôi còn đi trẩy hàng, rồi sẽ tính sau!

 

Như người đang đi chợt gặp cây cầu gẫy, Khương tê dại, héo nát ruột gan vì tuyệt vọng. Trong đêm, cô thảng thốt gọi Quỳnh Giao: Anh ơi! Anh ở nơi nào? Có biết không, em đang bị đe doạ tước đoạt khỏi trái tim anh? Khương nhờ bạn bè tìm cách nhắn tin cho Quỳnh Giao biết, hy vọng anh sẽ về cứu vớt cô… Chiều chiều, cô ngẩn ngơ ra ngõ nhìn về phía trời xa phương bắc, nơi ấy sẫm một màu núi biếc và ngọn Yên Tử cao ngất khuất trong mây trắng. Chiếc khăn mùi xoa Khương thêu hình hai con chim én bay trên làn mây, ướt đẫm bao lần nước mắt. Những cánh én xa mờ theo chiếc khăn rơi xuống đất. Thế rồi, một ngày…Đoàn tuỳ tùng, gia nhân từ Hải Phòng sang. Những chiếc đò dọc chở đầy lễ vật đậu vào bến Cổ Luỹ. Lễ cưới cô Khương của nhà quận Hoàn trịnh trọng rước vào ngõ ông bác trưởng.

- Nhưng sao cô lại thoát được khỏi tay quận Hoàn? Tôi nóng ruột ngắt lời.

- Lúc ấy, bác chưa đẻ anh. Anh không thể hiểu nổi nỗi vật vã ê chề của em đâu. Chờ mãi vẫn không thấy Quỳnh Giao về. Rơi vào vòng luỵ khổ đến nơi, em định mặc con tạo xoay vần đến đâu thì đến. Nhưng anh chị ạ, cũng phải thừa nhận là tay quận Hoàn nó cao thủ. Hắn không hề động gì đến em. Hình như hắn cố tỏ cho em sẽ dần hiểu hắn là đấng quân tử, chứ không phải bọn phàm phu…

 

Bến Cống Mương. Nắng chiều thu nhạt thếch trên những cánh buồm nâu bạc. Khương mặc cho quận Hoàn nắm tay dắt xuống thuyền hoa là một chiếc ca nô nhỏ sẽ đón dâu xuôi dòng sông Chanh xuống Cát Hải. Quận Hoàn thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn Khương. Khuôn mặt cô ủ dột, rầu rĩ bao nhiêu, hình như càng tăng thêm vẻ đẹp nghiêng trời của một đoá hoa vùng đồng nội bấy nhiêu. Gã càng tỏ ra cao thượng, nâng đỡ Khương lê từng bước một, nhẹ nhàng. Gã cảm thấy mình là một bóng tùng che chở cho tấm thân thục nữ yếu mềm. Đời nhà binh, nhưng là kẻ có học, gã cũng đâu kém phần lãng mạn. Gã thẽ thọt rót vào tai Khương:

- Nào, nàng hãy vui lên đi. Cuộc đời này, gia nghiệp này sẽ là của nàng tất cả!…Rõ ràng bước trên sạp gỗ mà Khương như người mang mang trong mây khói. Giờ này Quỳnh Giao ở đâu? Có hay em đang bước vào hang hùm miệng sói? Chả lẽ hết rồi ư anh ơi!

 

Đám tuỳ tùng và gia nhân xúm lại đỡ cô dâu, chú rể vào khoang. Đến cửa Cống Quỳnh thì trời ngả tối. Nắng tắt sau ngọn sóng, để lại mấy vì sao thưa thớt trên vòm trời se lạnh. Ăn uống no say, gió cợp mi mắt. Đám người bắt đầu la ngà ngủ. Quận Hoàn cũng thiếp vì mệt mỏi. Chỉ còn bác lái vẫn đăm đăm phía trước. Khương lấy cớ ra ngoài. Cô lên trước mũi ca nô, ngơ ngác nhìn xung quanh trời nước một màu đen thẫm. Thuỷ triều đang rút xuống ào ào bên mạn ca nô như xói vào lòng từng mảng, hụt hẫng. Một nỗi buồn ngao ngán xâm chiếm trong cơ thể vô hồn. Mẹ ơi! Mẹ hãy đón con! Quỳnh Giao ơi! Anh hãy tha thứ cho em! Em đành phụ anh. Nhưng không thể phản bội anh…Chưa dứt suy nghĩ, Khương lao thẳng người xuống dòng sông. Chỉ nghe một tiếng “tùm” trong gió sóng.

- Có người nhảy xuống sông! Bác lái giật mình hô hoán.

 

Cả bầy nhốn nháo. Chiếc ca nô tròng trành, mất hướng. Quờ quạng, không thấy Khương bên cạnh, quận Hoàn kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Gã lảo đảo hò hét lính tráng, gia nhân vòng ca nô tìm đi tìm lại trên sông. Gã hú gọi cả những chiếc thuyền câu nhấp nháy đèn ngoài xa đến trợ giúp. Mặt sông vẫn chảy xiết, cuồn cuộn như sôi réo, giấu bặt đi vết tích. Gã không ngờ cô gái quê mùa thiểu não thế, lại to gan thế! Vàng cầm trong tay còn mất hay sao? Gã điên cuồng gầm thét và rút súng bắn chỉ thiên mấy phát liền cho hả. Hai, ba ngày sau gã vẫn cho ca nô quần đảo tìm xem thi thể Khương dạt vào đâu. Trước mặt gã, cửa biển mênh mông trắng những ngọn sóng, lạnh ngắt. Lạy Chúa! Ta mang hạnh phúc đến mà sao nàng không nhận? Xin Chúa hãy cho nàng còn sống!

 

Đêm ấy, nhờ nước rặc nhanh, dòng sông phăng phăng đưa Khương dạt ngay vào một vạt sú vẹt bên bờ đoạn Cái Tráp. Cô nằm bất tỉnh cạnh mép bãi trong khi nước triều vẫn đang xuống mớn. May mắn có hai mẹ con bà soi cáy trong ánh đuốc cháy bập bùng đã phát hiện bóng người nằm sóng soài, quần áo trắng toát trên đám bùn phù sa ướt nháng. Họ quăng cả giọng giỏ, chạy đến. Thấy ngực cô gái còn thoi thóp thở, họ liền vực dậy, khiêng cô xuống chiếc thuyền nan, rồi hớt hải chèo thẳng về làng.

Khương được cứu sống. Cô lơ mơ như người ở cõi khác. Mẹ con bà soi cáy thương cô lắm: - Trời ơi, người thế này mà suýt nữa… Nhà tôi chỉ có một mụn con gái, hay là cô ở lại với chúng tôi? Rau cháo có nhau! Khương thều thào cảm ơn và xin họ giữ kín, đừng hở cho ai biết: - Cháu không thể!…Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho lại hồn độ một tháng, Khương xin phép từ biệt họ để ra đi và hẹn sẽ có ngày trở lại. Cô không về nhà bác, cũng không cho các bạn gái biết. Bịt khăn kín mặt như một người ốm yếu kỵ gió máy, cô xuống đò, qua sông Chanh, rồi cắt lối Uông Bí lên Đông Triều và cứ thế lặng lẽ băng rừng. Khương quyết chí đi tìm Quỳnh Giao trên chiến khu…

- Đận ấy, một mình thân gái dặm trường mà sao em lại khoẻ thế? Hình ảnh Quỳnh Giao cứ hiện lên vẫy em. Anh đang đứng bên kia núi hú gọi. Em cũng gọi vang rừng, âm âm vào vách núi: Quỳnh Giao ơi… Quỳnh… Quỳnh… Giao… Giao… Nhưng em đi được đoạn nào, anh lại lùi xa đoạn ấy. Em nhớ có lẽ phải lội tới chín, mười con suối; luồn mấy cánh rừng, vắt bám đầy chân, lua tua như lá chuối tướp. Phải chui bờ bụi tránh năm, sáu chặng đồn bốt của địch. Đến đâu em vào nhà dân nhờ đến đấy. Như có quí nhân phù trợ. Ai cũng thương hại, cũng giúp em, không gặp gì trở ngại. Mà em cũng chẳng biết sợ là gì…Chẳng thấy thú dữ nào. Chẳng thấy rắn rết nào. Hay là có, mà em không biết? Có lẽ bà và mẹ đã phù hộ cho em? Có lẽ ngọn lửa tình yêu đã soi đường vạch lối? Khương nhìn chúng tôi tự hỏi. Bếp lửa bỗng reo rừng rực, xoáy lên từng ngọn. Làn gió tạt vào, lửa nở thành những đoá hoa ôm lấy nồi bánh đang sôi bốc. Nhưng anh chị ơi!…

 

Chuyến đó, khi cô tới một lán nhỏ bìa rừng thì gặp các chiến sĩ du kích. Họ bất ngờ bịt mắt bắt cô lại, dìu vào lán chỉ huy trong rừng sâu. Dứt khoát cô gái đẹp này là do thám của địch đưa vào! Khương vừa khóc vừa kể rõ sự tình đi tìm Quỳnh Giao cho các anh hay và mong được giúp đỡ… Nhưng buồn thay, cô được tin Quỳnh Giao vừa đi khỏi, mới hôm qua. Nhiệm vụ chiến đấu bí mật không biết cơ nào anh về được. Các đồng đội của Quỳnh Giao giữ Khương ở lại một tuần. Không thể chờ được nữa, Khương đành xin về. Mãi sau này gặp Nhuận và Xứng, Khương mới biết chính những ngày cô lên rừng chiến khu lại là những ngày Quỳnh Giao bí mật tranh thủ về quê tìm gặp Mỹ Khương. Quỳnh Giao vô cùng đau đớn trước tin mất người yêu. Anh đã lặn lội xuống tận Cát Hải định bí mật cướp Khương lại từ tay quận Hoàn. Nhưng thất vọng, vì người của anh lẻn vào dinh quận Hoàn trinh sát, được biết chính hắn cũng tin là Khương đã chết đuối, mất tích từ cái đêm đón dâu ấy. Tức giận, vì quận Hoàn mà anh mất Mỹ Khương, Quỳnh Giao định khử gã. Nhưng nhiệm vụ còn bí mật, không cho phép anh làm điều đó…

 

Khương sang Hải Phòng, không đến nhà cha. Lúc này ông Cửu Yên đã lấy vợ kế và nghiện nặng thuốc phiện, khiến cửa nhà lâm vào cảnh khuynh gia bại sản. Khương đến nương nhờ một bà cô họ dưới Lạc Viên. Hai năm liền Khương ẩn dật ở đây và tìm bắt liên lạc về quê. Lạ thay, hai người vẫn không gặp được nhau! Năm tiếp quản Quảng Yên, Khương mang niềm hy vọng về làng trong không gian phơi phới của quê hương giải phóng. Thì lúc này Quỳnh Giao lại tiếp tục hành quân ra miền Đông tiễu phỉ. Sau về làm bí thư huyện uỷ một huyện lúa miền Tây. Hai người vẫn như cá nước chim trời. Người đến, kẻ đi. Hai cái bóng cứ vô tình trêu ngươi đuổi nhau, mỗi ngày một xa đăm đắm... Khương dừng kể, thở dài: - Người ta bảo quả đất xoay tròn. Vậy mà mỗi đây Hà Nam với Hải Phòng, Đông Triều, tưởng sải tay ra cũng chạm vào nhau; mà chúng em lạc nhau mất mấy chục năm trời! Đúng ra cho đến bây giờ là hơn năm chục năm! Đêm đêm hình ảnh anh cứ chập chờn ẩn hiện trong em. Hay là anh đã hy sinh? Em nghĩ mà ân hận cái đêm dưới gốc cây duối đền Ngõ Đá đã ngốc nghếch chạy về. Mãi sau em vẫn dằn vặt: không hiểu sao mình lại như thế? Em đã từng đến nhà cũ hỏi thăm thì cha mẹ anh đều mất cả. Họ hàng cũng chẳng biết anh ở nơi nao, lâu rồi không thấy về quê.

 

Mười năm đi tìm, mười năm ngóng đợi, là mười năm nước sông qua bến. Một chàng trai làm nghề đạp xích lô đã quen Khương trong những chuyến cô trẩy hoa quả về bán trong chợ Sắt. Một năm sau, Khương đành như đũa có đôi với người phu xích lô ấy trong bàn tay vun vào của bà cô họ. Hai người kéo lê chiếc xe cùng mẹt hàng trên đất Hải Phòng và những đứa con của họ ra đời. Nhiều khi trong giấc mơ, Khương vẫn chới với nghe tiếng Giao gọi xa ngái.

 

 Chao ôi! Trớ trêu thay! Một lần, Xứng bất ngờ gặp Quỳnh Giao trong một phái đoàn Tỉnh uỷ về kiểm tra công tác đảng ở Yên Hưng. Cô kể hết sự tình Khương đã chung thuỷ đợi anh suốt một thời thanh xuân như thế nào. Quỳnh Giao cũng thuật lại mình đã chờ và cũng tìm Khương ra sao. Cho đến lúc nghe tin Khương đã yên bề gia thất, họ đã dành thì giờ sang Hải Phòng, tìm cô. Quỳnh Giao chỉ muốn nói một lời cuối cho Mỹ Khương hiểu cõi lòng mình…Nhưng vợ chồng Khương lại đi mua nhãn tận Hưng Yên. Anh buồn bã quay về, giấu hình ảnh cô gái thời nữ sinh trường Kim Bị vào một góc trái tim, không thể khuấy động lại tình xưa! Thời gian sau Quỳnh Giao mới chịu xây dựng gia đình với một phụ nữ nơi công tác.

 

Hạnh phúc của vợ chồng Khương nào có mặn mà! Nghề đạp xích lô của Cơ ở đất cảng lăn theo những tháng năm cực nhọc. Khương gánh hàng hoa quả ế ẩm dọc các dãy phố kiếm thêm. Họ phải nhặt nhạnh từng đồng xu đồng hào mới có được một xép nhà nhỏ ở ngõ Thanh Quan. Tính Cơ lại hay ghen, một tính ghen thật kinh khủng. Cơ cảm thấy trong đời sống vợ chồng, trái tim Khương như để ở chỗ khác, chỗ cái người mà Khương thường ú ớ trong mơ! Cơ nghi ngờ sắc đẹp của Khương. Làm sao bọn trai phố có thể đứng yên trước một bông hoa đồng nội giữa chốn phố phường? Nhiều lúc Khương thật thà kể những thằng giở say giở tỉnh trêu ghẹo. Cơ giận tái mặt và ngày càng tích tụ sự ghen tuông, hằn học. Những cái tát đầu tiên đã hằn lên đôi má của Khương. Rồi những trận mưa đòn vô cớ xuất hiện trong hóc nhà nhỏ bé, sau những cút rượu đổ vào ruột Cơ… Cơ bắt vợ mặc áo vá, vá nhiều vào, thậm chí tóc không cần chải… cho xấu đi. Ra đường phải cúi xuống, không đứng lâu bất cứ chỗ nào. Nhưng hình như ngược lại, càng thế, Khương càng đẹp thêm! Nhiều lần say quá, Cơ đánh Khương sưng tím bầm mặt mũi kèm những lời đay nghiến thật độc địa: Sao mày lại đẹp thế này? Đến chó nó cũng không chịu nổi! Trời ơi! Liệu cái nghèo có giữ được vợ cho ta? Khương cắn răng chịu đòn, nuốt nước mắt vào lòng. Bịt khăn kín mặt bước ra ngõ, cô lại cất tiếng rao hàng để kiếm cơm về cho đàn con. Không người hàng xóm nào biết. Đánh Khương cho hả giận đời, Cơ lại ngồi khóc một mình như con nhện bò ngôm trong góc nhà tối. Thật ra Cơ rất thương vợ. Nhưng càng thương bao nhiêu, Cơ càng ích kỷ, càng day dứt cơn ghen bấy nhiêu, như thể trên đời này chỉ một mình Cơ được hưởng sắc đẹp của nàng mà thôi. Không kẻ nào được nhìn vẻ đẹp của Khương. Đã có lúc, Khương buộc phải cãi: - Hay là cấm cung em? Anh có nuôi được vợ con không? Nhưng Cơ lại không thể lấy bàn tay che được sắc đẹp, càng không thể biến xép nhà này thành toà lâu đài nhốt được nàng! Trong lòng Cơ ngự trị cả hai cái bóng của mê muội và quỷ dữ, của độc đoán và hèn kém, trùm xuống đời Khương…

 

- Anh chị ạ! Thiên hạ có ai ghen tuông đặc biệt như nhà em? Nhiều lúc đang đêm anh giật mình vồ vập, hớt hải lục lọi khắp người em như tìm một thứ gì đánh mất. Cả quãng đời chung sống, em phải chiều chuộng, ý tứ giữ gìn từng ly từng tý để bớt đi những hờn ghen. Đến nỗi, nỗi nhớ Quỳnh Giao cũng lặn tự lúc nào vào thời gian bươn trải và cay nghiệt… Khương rút khăn lau mắt: - Em sinh ra để hứng chịu những cay đắng đó ư? Cứ đẹp là dạt trôi mười hai bến nước ư? May mà nhà em qua đời vì hỏng gan! Chứ không đời em còn khổ đến đâu? Nói thế, anh chị thông cảm, đừng cho là em mừng vì chồng chết. Chẳng người vợ nào lại nhẫn tâm thế đâu. Những cơn bão không còn hiện hữu trong xép nhà nữa. Nhưng thế vào đó là những đêm buồn nhớ vô hạn. Trống trải và cô đơn. Sợ hãi và yếu mềm! Trong đêm em tự hỏi: Giá ngày ấy em ở lại chiến khu và dâng hiến? Giá em cam chịu làm một bà quận Hoàn? Biết đâu cuộc đời sẽ là bước ngoặt khác? Chả lẽ vì em đẹp mà những người đàn ông phải chịu mỗi kẻ một cách thiệt thòi? Mỗi kẻ một cách đau đớn? Em khuỵu xuống tưởng không thể dậy được. Nhưng tiếng bà ngoại chợt văng vẳng: Đức năng thắng số cháu ơi! Tiếng của Quỳnh Giao bỗng gọi bên kia núi: Đứng dậy nào Khương ơi! Những đôi mắt đen tròn của các con trong xép nhà nhìn em tội nghiệp. Tất cả đã nâng em đứng lên thắt lưng cho chặt để đàn con em có ngày mai! Ngày mai, mặt đất và bầu trời, cuộc đời và hạnh phúc của chúng nó phải khác! Cái đẹp của chúng nó phải khác!…Anh chị có xem hoa hậu trên ti vi không? Cái đẹp bây giờ đã lên ngôi! Cầu mong cho hoa hậu, cho cái đẹp thời nay đậu vào những bến bình yên!

 

Nồi bánh chưng được bắc khỏi bếp. Vầng than toả hồng rực. Chúng tôi nhanh nhẹn vớt bánh xếp lên bàn, lèn chặt lại cho mịn. Vừa xuýt xoa nâng những chiếc bánh nóng rẫy, bà Khương vừa bồi hồi:

- Cho đến bây giờ, như một con chim bước khỏi cửa lồng, ngơ ngác, em vẫn chưa biết anh ấy với gia đình ra sao!

 Bỗng ngoài ngõ có tiếng gọi. Con chó Mắc sủa ran. Tôi vội ra mở cổng. Trước mặt tôi, một thanh niên dáng vẻ bảnh bao, không phải người ở quê, lễ phép chào hỏi:

- Dạ thưa bác! Đây có phải nhà bác Nguyện không ạ?

- Vâng! Nhà tôi đây! Tôi chính là Nguyện!

- Dạ! thế là may cho cháu rồi!

 

Tôi đưa anh vào nhà. Anh bẽn lẽn chào mọi người và thưa:

- Cháu muốn gặp bà Mỹ Khương vì cháu được biết bà đang ở đây.

- Sao anh biết bà Mỹ Khương? Tôi hỏi lại và nhanh miệng giới thiệu luôn: Đây là bà Khương em gái con cô ruột tôi. Bà ở Hải Phòng về đã mấy hôm để ăn Tết ở quê! Bà Khương cũng ngạc nhiên:

- Chào cậu. Cậu ở đâu? Tôi không quen cậu. Sao cậu lại biết tôi? Chắc có việc gì?

- Dạ! Cháu trên Đông Triều về quê nội ở làng Cốc ăn Tết. Cha mẹ cháu chẳng còn ai. Cháu tìm mãi mới gặp được ông chú họ. Hôm mới về, cháu nhờ ông tìm đến đất cũ của cụ Cửu Yên hỏi thăm ai biết bà Mỹ Khương thì mách cháu. May quá, mấy bà hàng xóm bảo có gặp bà về trên chợ Đông và hình như bà ở nhà ông Nguyện làng Cẩm. Cháu đánh liều tìm đến đây…

- Ra vậy! Tôi thở phào, nhưng vẫn không khỏi lo lắng: Nhưng chắc cháu có việc gì liên quan tới bà Khương? Ba chục năm nay bà ấy mới về đây! Chàng thanh niên ngồi xuống ghế rồi rút trong túi xách một bọc giấy bóng đã ố mờ, mở ra một tệp phong bì cũ cái màu vàng, cái màu trắng đã sờn mép đưa cho bà Khương:

- Dạ thưa mợ! Cháu là con trai bố Quỳnh Giao…Lê Quỳnh Giao! Đây là những lá thư của bố cháu viết cho mợ từ ngày xưa mà không gửi được.

 

Bà Khương giật mình đứng dậy, lảo đảo suýt ngã. Vợ tôi vội giữ lấy bà. Lát sau trấn tĩnh, bà thều thào trong xúc động quá bất ngờ:

- Con là con trai…anh…anh Quỳnh Giao ư?

- Vâng! Vâng! Bố cháu mất cách đây đã mấy năm! Trước khi mất, bố cháu đã kể cho cháu nghe về mợ. Thực tình bố cháu rất yêu mợ, đi tìm mợ rất nhiều lần không thấy. Cuối cùng mới lấy mẹ cháu và sinh được cháu. Bố cháu đã giữ những lá thư này, mãi đến những phút giây cuối cùng ông mới dặn cháu bằng mọi giá phải tìm được mợ và trao tận tay cho mợ. Mợ ơi! Thế này chắc là bố cháu sẽ mừng lắm nơi suối vàng! Bà Khương kêu lên thảng thốt:

- Trời ơi! Đến lúc được tin nhau…thì cũng…là lúc…mất nhau!

 

Trại sáng tác VHNT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng

Thái Bình 10- 2004

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

(Truyện ngắn MỐI TÌNH XA CÁCH

- Đã đăng báo Văn Nghệ số đặc biệt 35+36 (2389+2381) ngày 27- 8- 2005)

Dương Phượng Toại
Số lần đọc: 1902
Ngày đăng: 03.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Địa sứ - Đỗ Ngọc Thạch
Ngôi Nhà Trên Dốc - Ngô Thị Ý Nhi
Trong số họ không có kẻ nào đồng lõa với tôi - Lê Minh Phong
Họa Tiết Của Mùi - Nguyễn Viện
Mẹ - Ngô Thị Ý Nhi
Cái Tổ Chim - Nguyên Minh
Gặp lại người xưa! - Trọng Huân
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà - Trần Quang Vinh
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Bóc lại màn đêm (truyện ngắn)
Trăng cuối đông (truyện ngắn)
Người bán bún (truyện ngắn)
Vàng (truyện ngắn)
Bụi tre xanh (truyện ngắn)
Chênh vênh vực thẳm (truyện ngắn)
Cái cổng ngõ (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)