Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.403
 
Nhắm Mắt Thấy Paris, Tiểu thuyết của Dương Thụy
Bùi Công Thuấn

Dương Thụy tên thật là Dương Thụy Phương Khanh, sinh năm 1975 tại Saigon. Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh Đại Học Liège-Vương Quốc Bỉ. Đã dự nhiều lớp tu nghiệp ở Tây Ban Nha. Vương Quốc Anh và Pháp. Từ 1997 đến 2010 đã in 11 tác phẩm. Nhắm Mắt Thấy Paris (NMTP) được viết với vốn sống của Dương Thụy trong quá trình học tập và làm việc của mình. Bối cảnh chính cuả tác phẩm là Paris, thành phố mà tác giả nhiều lần nhắc đến với tình cảm yêu mến. “Bản thân tôi cũng thường nhắm mắt thấy Paris và Paris từ lâu với tôi đã là một chốn đi về đầy yêu thương“ (Lời nói đầu)

 

Câu truyện kể về nhân vật Mai, một Product Manager nhãn hàng cho giới trẻ Fleuroral của công ty L’Aurore ở Saigon. Dự hội nghị của công ty ở Hong Kong, Mai quen biết với Louis De Lechamps, (Industry Manager), và Daniel Ng. đến từ Singpore, là sếp vùng (Asia Development Director). Cả hai người này đều có cảm tình với Mai khi thấy cô phát biểu ấn tượng trong hội nghị. Sau đó Louis đến Saigòn làm việc, anh tưởng có thể gắn bó với Mai nhưng lại xa Mai. Nhờ tiến cử ngầm cuả Daniel, Mai được sang Pháp tu nghiệp tại trụ sở tập đoàn L’Aurore một năm. Từ đây con đường sự nghiệp của Mai thăng tiến vùn vụt. Cô hội nhập rất nhanh và được Giám đốc nhân sự của tập đoàn đưa vào danh sách manager cao cấp đầy tiềm năng, sẽ làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hoá, sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ cao cấp của tập đoàn. Nhưng tình địch của Mai là Tuyết Hường (Pink Lady), người làm cùng công ty với Mai ở Saigon đã giành mất Louis của Mai. Pink Lady dùng scandal tình dục làm điên đảo công ty L’Aurore: Louis bị đuổi việc, suýt tự tử chết. Sếp Lafatoine tan tành sự nghiệp, thân bại danh liệt. Daniel phải nghỉ việc. Mai đau khổ chia tay với Louis. Sau cùng Mai nhận ra tình yêu của Daniel. Truyện kết thúc vui vẻ trong tha thứ. Mỗi người đều vượt qua tai nạn nghề nghiệp và tìm thấy con đường mới cho tương lai. Mai làm trưởng phòng đại diện cho công ty mỹ phẩm Sunny Hàn Quốc. Lafatoine là giám đốc chuỗi cửa hàng bán túi xách phụ nữ nhập từ Ý. Daniel thành công trong việc mở hàng loạt các cửa hàng ăn uống. Louis đã tìm được việc làm ở Úc. Mai hẹn với Maman Christine se cùng chàng (Daniel) trở lại Paris thăm bà.

 

Nếu đọc để giải trí thì Nhắm Mắt Thấy Paris là tác phẩm hấp dẫn. Độ căng của cốt truyện được giữ trong suốt tác phẩm. Mỗi chương kết thúc bằng cách mở ra một căng thẳng mới. Chương cuối cùng hoá giải tất cả các mâu thuẫn trong 21 chương trước đó. Mạch truyện kết cấu logic. Nhiêu cảnh sắc Paris được miêu tả đẹp. Nhiều chương miêu tả khá sắc xảo tâm lý, tính cách nhân vật, đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Ngôn ngữ dùng trong tiểu thuyết là ngôn ngữ của người trẻ hiện đại. Bút lực của Dương Thụy khá mạnh mẽ. Kết thúc có hậu làm người đọc yên tâm.

 

Nếu đọc Nhắm Mắt Thấy Paris để thưởng thức những giá trị văn chương thì (người đọc) có thể cần trao đổi với tác giả đôi điều.

 

Trước hết, cách kể truyện không mới nếu không nói là cấu trúc truyện khá đơn giản. Mạch thời gian và những bước thăng tiến cuả Mai là mạch chính. Không có các mạch phụ, không có nhiều tuyến đan xen nhau. Việc khai thác scandal tình dục như là cốt lõi của truyện cũng không có gì mới. Louis vì tình dục mà bị đuổi việc. Lafatoine vì tình dục mà thân bại danh liệt. Mai cũng vì tình dục mà mất đời con gái và bị tổn thương trầm trọng. Điều đáng nói là tác giả đã cổ vũ thái quá cho tự do tình dục và lối sống thực dụng phương Tây (đậm đặc ở chương 14,15) và nhất là ở nhân vật Pink Lady (chương 16). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ với người đọc trẻ Việt Nam. Bạn trẻ có thể lầm tưởng như thế mới là tự do, mời là giải phóng, là hiện đại, là tiến bộ. Maman Christine nói với Mai: “tiết hạnh chẳng là gì cả nếu sau này con lấy phải một ông chồng cục mịch và trao cho ông tiết hạnh của mình. Tình cho không biếu không, con ơi! Mình không cho xả láng, nhưng nếu mình thấy đối tác xứng đáng, hãy cho đi con, vì con sẽ nhận lại gấp bội”(172) Lan cổ vũ Mai: ”Chị không tin vào hai chữ thuỷ chung ở đàn ông. Những ông nào vẫn còn chung thuỷ thì thật ra là chưa có khả năng để ngoại tình”..”..Em nên sáng suốt với Louis và đừng đòi hỏi anh ta phải có trách nhiệm gì cả, sex không phải là trách nhiệm, đó là thú vui”(173). Tất nhiên là sau những lời cổ vũ như thế, cùng với sự cuốn hút cuả Louis, cô gái được giáo dục tử tế đã lao vào hưởng thụ sung sướng xác thịt, mà ngay sau đó Mai cũng xác nhận đó không phải là tình yêu.

 

Nhân vật Mai là nhân vật chính, lẽ ra phải là được xây dựng như một điển hình cho giới trẻ Việt nam có tài năng và phẩm chất tốt, hội nhập tốt với thế giới, nhưng trái lại, nhân vật này bị sụp đổ hoàn toàn. Hành xử của nàng như một con khùng con điên (tr.45), không bao giờ kềm chế được mình. Mai tự nhận mình là kẻ đớn hèn không hề có một hành động chủ động nào cho sự thăng tiến tương lai của mình. Số phận của Mai bị định đoạt trong tay những nhân vật khác và trôi đi theo triết lý: ”Tout s’arrangera: rồi mọi thứ sẽ tự ổn “(tr.256). Người đọc thấy Mai thăng tiến vù vù, nhưng tác giả không hề miêu tả cụ thể Mai đã làm được gì để được thăng tiến. chỉ thấy Mai đứng coi người ta làm và chạy theo các nhóm đi fiels. Sau cùng việc Mai bỏ L’Aurore để làm cho Sunny Hàn Quốc cũng không được lý giải, mặc dù L’Aurore hậu đãi Mai.

 

Đáng trách nhất ở Mai là không hề có một chút bản lĩnh văn hoá Việt Nam nào. Khi đối xử với gia đình Louis quý tộc, Mai tỏ ra hoàn toàn thiếu văn hoá. Hơn thế Mai còn nhận mình là dân Cowboy Mỹ, để rồi bị Louis nói thẳng vào mặt rằng cowboy Mỹ cũng không hành xử thiếu văn hoá như thế. Chẳng hạn, trong khi Louis đang ở trần trong phòng của anh, Mai sang để nói chuyện. Nhưng khi thấy chiếc quần đùi hiệu Hermes đắt tiền anh đang mặc trên người, cô nhào đến cố sờ cho được. Louis bỏ chạy, Mai đuổi theo. Hai người lăn lộn trên giường. Louis không cho cô chạm được vào chiếc quần ấy. Tôi không hiểu tác giả nghĩ gì khi xây dựng những tình tiết thiếu văn hoá đến thô bỉ như thế về Mai? Trong khi tác giả viết, Mai sinh ra, lớn lên trong một gia đình nề nếp, tốt nghiệp đại học ở VN, vậy mà, khi đối diện với Louis và các sếp người Pháp khác, Mai không hề tỏ lộ được nét văn hoá VN nào, trái lại Mai bị văn hoá sex và chủ nghĩa thực dụng phương Tây đánh bại.

 

Một điều phi lý khác là Mai đã để cho Pink Lady đeo bám mình, ngủ chung với mình ở Paris và theo đến Milan. Pink đóng kịch đau khổ làm Mai phải xót thương, để rồi trong khi Mai đi làm thì ở nhà Mai, Pink Lady khám phá ra việc Mai giữ hàng của công ty, khám phá ra Mai gửi hàng về cho mẹ. Pink đã dùng những chứng cớ đó để dằn mặt Mai, khiến cho Mai phải kêu lên “Lần này con chết chắc rồi. Mất danh dự, mất việc làm, con sẽ bị gởi trả về Việt Nam trong ê chề”(tr,256). Khi tác giả đã sử dụng bút pháp hiện thực thì phải tuân thủ nguyên tắc logic khách quan của bút pháp này. Không thể có một nhân vật Mai hành xử như thế trong đời thực. Một thiều sót quan trọng, theo tôi, là tác giả không hề miêu tả tâm hồn Việt Nam của Mai. Mai yêu Paris và ngày càng yêu Paris. Người đọc không gặp được dòng nào Mai yêu Saigon, yêu cha mẹ, yêu bạn bè Việt Nam. Những điều ấy hiển nhiên đọng trong tâm hồn bất kỳ ai khi đi ra nước ngoài.

 

Thất bại trong xây dựng nhân vật Mai là thất bại của cả tác phẩm

 

Bạn đọc trẻ ngỡ rằng sẽ học được ở Mai kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa quốc gia, học được cung cách hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, học được những cái tiến bộ, cái mới để về phục vụ tổ quốc, nhưng Mai đã không đáp ứng được yêu cầu ấy. Điều này xuất phát từ sự non yếu của tác giả về vốn sống và khả năng thể hiện chủ đề.

 

Nhân vật Mai thất bại, thay vào đó Pink Lady lại là nhân vật xuất sắc của Dương Thụy. Con người này là hiện thân sinh động của lối sống thực dụng. Không có khái niệm đạo đức tốt - xấu, không có thiện - ác, càng không có tình nghĩa. Với Pink, để sống còn, chỉ có thủ đoạn. Phải thủ đoạn để đạt cho được mục đích địa vị, tiền bạc. Pink đã gài bẫy sex đánh bại Louis và Lafatoine, cô đã thành công trong việc làm khuynh đảo công ty L’Aurore ở Saigon. Pink đã đeo bám Mai ở tận Paris để lấy được tài liệu răn đe Mai, đặt Mai trước sự mất trắng nhục nhã. Tài năng, tâm huyết, sức lực của Mai thành số không. Công ty L’Aurore phải đền bù Pink một số tiền khá lớn. Số tiền này sẽ giúp Pink kinh doanh, mở công ty sau này. Điều đáng nói là, Pink được trình bày như một mẫu hình của giới trẻ thực dụng, thành đạt. Triết lý sống của Pink có sức thuyết phục người đọc. Đương Thụy nhận xét” Hường chưa bao giờ ở vào thế bị động và chờ người ta ra tay trước “(251). Pink nói vào mặt Mai:”Dân Việt Nam đớn hèn hay tin vào luật nhân quả để tự an ủi khi bị đối xử bất công. Thay vì tức tối rủa xả’Nó sẽ bị trả giá’ rồi mòn mõi ngồi chờ ông Trời ra tay, sao họ không đích thân hành xử kẻ bị cho là xấu xa? Cuộc đời này khắc nghiệt lắm, không tự cứu mình thì Trời cũng không có thì giờ mà cứu đâu!”(tr.252). Một con người đáng ghê tởm như vậy, ở cuối tác phẩm lại được mọi người tha thứ. Lafatoine nói: ”..có lúc tôi cay đắng oán giận tập đoàn đã quá nặng tay đuổi việc tôi, và tôi hận Pink Lady. Nhưng giờ mới thấy tôi phải nên cám ơn cô ta”(tr.264). Dương Thụy để cho Lafatoine triết lý: ”chỉ là tôi muốn cô hiểu rằng khi tha thứ, mình sẽ được cuộc đời đền bù gấp bội.”(tr.271)

 

Gấp cuốn tiểu thuyết lại, điều gì còn đọng lại trong lòng người đọc ?

 

Đó là chất ký sự viết về những cảnh sắc đẹp, những chuyến đi Paris, Ba Lan, Hong Kong của Mai. Quảng trường Vendôme (Paris) với những cửa hàng sang trọng, cầu Mirabeau dành cho những cuộc tình trôi theo dòng nước, những lâu đài ở thung lũng sông Loire với phong thái quý tộc Pháp, Paris Noel rực rỡ, Paris mùa xuân, Paris những ngày tháng sáu, Paris tháng Bảy, cuối xuân đầu hè…có nắng hanh vàng, bầu trời trong xanh gợn những cụm mây trắng như bông, gió nhè nhẹ đủ thổi bay những chiếc lá chấp chới trong vườn Luxembourg (tr.210). Dương Thụy còn dẫn người đọc đến Otwock Balan là nơi có khí hậu trong lành nhất châu Âu, và Milan (ý)…Bối cảnh ấy có tạo ra sự mới lạ trong chất liệu của tiểu thuyết và chứng tỏ người viết đi nhiều, biết nhiều. Quả thực, châu Âu là một trong những cái nôi văn minh nhân loại, tất cả cô đọng ở Paris, vì thế Châu Âu luôn quyến rũ khách du lịch. Những cảnh sắc và sinh hoạt của Partis trong tác phẩm có đem đến những nét thoáng qua về Paris cho người đọc. Rất tiếc là tầm nhìn của Mai còn rất hẹp. “Paris! Paris! Thật ra mình đâu biết gì về nơi này ngòi đoạn đường từ các trạm metro”(tr.154) Cô chỉ biết Paris từ nhà trọ đến công ty, những cửa hàng mua sắm ở siêu thị, ngoài ra cô không biết gì về người dân Paris. Tác phẩm không hề miêu tả đời sống sinh hoạt của người dân Paris thuộc mọi thành phần, không khám phá đời sống văn hoá, xã hội, chính trị cuả Paris. Có thể nói Mai hiểu biết Paris rất hời hợt. Thực ra ngay ở Saigon là quê hương cô sinh ra và lớn lên, cô cũng không biết gì. “Mai thích khu trí trong vùng an toàn là gia đình, bạn bè thân thuộc, giới trí thức đàng hoàng và những cuốn sách văn học kinh điển “(tr,70) thậm chí không biết giữa Saigon có một nơi sang trọng mát mẻ là Saigon Domain nếu Louis không dẫn cô tới.

 

Kết thúc tác phẩm theo lối có hậu đem đến cho người đọc sự an tâm về thái độ và ý thức sáng tác của người cầm bút trẻ. Tất nhiên có hậu của Dương Thụy không phải là kết quả triết lý ở hiền gặp lành như trong truyện dân gian. Dương Thụy nghiêng về những suy gẫm triết lý. Daniel vì scandal sex mà bị mất việc, sau đó anh mở cửa hàng ăn uống và thành đạt. Anh nóì với bạn gái cũ: ”Chuá đóng cánh cửa này thì sẽ mở ra cánh cửa khác”, còn Lafatoine tan gia bại sản, thân bại danh liệt vì Pink Lady lại nói lời tha thứ Link Lay, rằng “ khi tha thứ mình sẽ đượccuộc đời đền bù gấp bội…Giờ tôi không sem thành công là cáiu đích của mỗi con người. Tất cả chỉ còn lại cái tình, và hạnh phúc được sống trong thanh thản, đó mới là điều quan trọng nhất “(tr.271). Người đọc thấy thấp thoáng tư tưởng nhân văn Thiên Chuá Giáo và triết lý an vi của Lão Trang. Rất tiếc những tư tưởng này không được thể hiện bằng hình tượng, mà chỉ được nhân vật phát ngôn, như là sự tự an ủi cho sự thất bại.

 

Còn nhân vật Mai thể hiện tư tưởng gì ? Lúc đầu Mai hăm hở làm việc cho công ty L’Aurore, làm việc miệt mài để hội nhập và thăng tiến, Mai đã đạt được điạ vị mà mọi người trẻ đếu ao ước. Mai bằng lòng với thành đạt ấy, vậy mà trong những mail gửi cho Lan, Mai lại than thở nỗi cực nhục: ”em cày như trâu, làm việc không nghỉ ngơi, lúc nào cũng cúc cung tận tuỵ. Nhiều lúc thực tình muốn chửi thề thẳng vô mặt bà sếp rồi ra sao thì ra. Nhưng đúng là dân Việt Nam mình được nuôi dạy là ‘ một câu nhịn là chín câu lành(nhất là nhịn tụi Tây). Nhịn luôn đi liền với nhục, nhục lắm chị à”(tr195). Mai cũng than thở về nạn bè phái, ô dù trong công ty và ngộ ra rằng ở đâu cũng vậy. Những tưởng Mai sẽ nung nấu lý tưởng học tập để có kinh nghiệm về Việt Nam làm việc giúp cho sự thăng tiến cuả đất nước, nhưng cuối cùng, Mai bỏ L’Aurore về làm cho Sunny Hàn Quốc tác gỉa không một lời lý gỉai. Thế nghiã là gì, nhân vật Mai chưa chuyển tải được tư tưởng gì của tác giả. Phê phán chủ nghiã Tư Bản chăng ? hay chỉ ra kinh nghiệm kinh doanh nhỏ lẻ thành công hơn như Daniel và Lafatoine? Mai không hề có lý tưởng gì, tư tưởng gì. Chẳng lẽ tuổi trẻ Việt Nam đầy tài năng, nhiệt tình, được giáo dục và đào tạo bài bản lại hời hợt đến thế sao?

 

Thấp thoáng đây đó Dương Thụy cũng phê phán xã hội Việt Nam. Điều này không công bằng khi tác giả luôn ca ngợi Paris. Trước hết, nhiều lần Louis đốp thẳng vào mặt Mai rằng cô thiếu văn hoá, dù là một cowboy Mỹ cũng không hành xử thiếu văn hoá như cô. Trước mặt giới quý tộc Pháp, Mai hiện diện như một kẻ thiếu văn hoá, một tiện dân. Tôi không rõ người trẻ Việt Nam ở nước ngoài tất cả có hành xử như Mai không, và tôi tin Mai chỉ là một trường hợp méo mó do trình độ viết của tác giả tạo ra. Mai là một hình ảnh mà tác giả viết bôi bác về giới trẻ hôm nay. Qua lời Lan động viên Mai, Dương Thụy chỉ ra bản chất của xã hội Việt Nam: “Giỏi thì có giỏi nhưng xã hội này vàng thau lẫn lộn, sâu bọ ngoi lên làm người. Đâu phải giỏi là hay, nhiểu khi còn khiến mình chết sớm”(tr.53). “ở Việt Nam có khối kẻ giàu một cách đáng kinh ngạc “(tr.105). Thái độ cần có với xã hội đó là chửi: ”Chửi đi em! Cho đời bớt khốn nạn “(tr124), rồi nhân đó Dương Thụy bôi bác quá khứ qua lời Lan an ủi Mai:”Thôi, ráng cày, ráng làm mọi, rồi có ngày mình về VN mở công ty. Lúc đó mình tuyển nhân viên Tây vô để trả thù dân tộc. Nhớ nhé ! Mình từng thắng đế quốc Mỹ, diệt thực dân Pháp. Tiến lên !”(124). Có lẽ Dương Thụy học nhiều ở nước ngoài nên có cái nhìn lệch lạc về đất nước mình chăng. Và mặc dù được giáo dục đào tạo bài bản, chẳng lẽ Dương Thụy cũng có thái độ sống và hành xử như Mai? Điều này có thể hiểu được, vì Văn là người.

 

Cũng cần nhận rõ điều này, ảnh hưởng chủ nghiã Hậu Hiện Đại có trong tư tưởng của tác phẩm qua nhân vật maman Chritine. Christine dạy Mai phải biết chửi “merde” (cứt ) vào tất cả.”Chửi thề là cách hữu hiệu để chống stress ở Paris. Nào ! hét to lên “Merde! Merde!(tr.95). Christine giải thích: ”Đừng quá băn khoăn, đừng quá nghiêm trọng hoá vấn đề, rồi mọi thứ cũng tự ổn thỏa, bởi cuộc đời này vốn không phức tạp như những triết gia thích tư duy. Sự vật hào nhoáng nếu nhìn dưới lăng kính trần tục cũng chỉ là một đống ‘merde’ mà thôi. Không phải Paris hoa lệ cũng tồn tại chung cùng những đống phân chó đó sao ?(tr.181). Đó là sự lật nhào mọi giá trị, mọi tím niệm, là sự “giải thiêng” những chân lý ở đời, là đạp đổ những “đại tự sự”. Cái gì cũng chỉ là “merde”(cứt). Cho nên việc việc giữ gìn trinh tiết và tự giải phóng mình khỏi xiềng xích của vấn đề trinh tiết cuả Mai (tr.161) cũng cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Pink Laday đã ăn nằm với bạn giai từ khi cô còn học năm 2 Đại Học, có sao đâu! Điều ấy phản ánh sự mất phương hướng, không có lý tưởng, của tuổi trẻ. Họ trở thành nạn nhân của chủ nghiã thực dụng phương Tây. Rất tiếc trong tác phẩm Dương Thụy lại cổ vũ cho những tư tưởng này một cách đậm đặc. Nếu tuổi trẻ Việt Nam đều tiêm cái tư tưởng này vào đầu và hành xử hoang tưởng như vậy, không biết xã hội Việt Nam còn tha hoá thế nào?

 

Bỏ hết những vấn đề đã nêu ở trên đi, Nhắm Mắt Thấy Paris còn lại điều gì ? Còn lại ấn tượng về sex và vấn đề trinh tiết. Dương Thụy đã cổ vũ nhiệt tình cho việc gỉai phóng xiềng xích vấn đề trinh tiết, đã miêu tả sự hoan lạc cuả sex tự do, sex lạc thú thân xác, không gắn với trách nhiệm xã hội. Mai đã chủ động đòi sex ở Louis và không ân hận gì khi cuộc tình gãy đổ. Cô chỉ trơ ra rằng: ” Đời tôi coi như xong rồi! Tôi không còn cửa để có một người chồng Việt Nam đàng hoàng nữa”(tr.228). rất may ở gần cuối tác phẩm, Dương Thụy lật mặt trái vấn đề này. Trong những phút đau đớn nhất của Louis, anh nhận ra danh dự làm người mới là giá trị quan trọng: ” Suy cho cùng, tình dục là cái thá gì! Có thì được vài khoảnh khắc hưởng thụ, không thì cũng chẳng chết ai! Thậm chí bất lực càng hay, sẽ không bị đuổi việc nhục nhãphá huỷ hết những gì đã gây dựng được”(tr.240).

 

Cũng nên ghi nhận điều này, Dương Thụy có ý thức đặt vấn đề sex gắn với những vấn đề xã hội, không miêu tả sex kích dục, sex bẩn. Những chỗ miêu tả cảnh sinh hoạt nam nữ, ngòi bút Dương Thụy có sự tế nhị văn hoá. Chỉ tiếc Dương Thụy đã không đi đến cùng minh triết vấn đề sex trong văn hoá phương Đông và văn hoá Việt Nam. Tình yêu, tình dục là vấn đề cá nhân, nhưng hậu quả cuả nó lại là hậu quả xã hội, vì thế cần thấy rõ tư tưởng thực dụng phương Tây về sex là hoàn toàn trái với truyền thống nhân văn phương Đông. Tiết trinh là một trong những giá trị bảo đảm cho hạnh phúc gia đình của người Việt Nam. Tình yêu của người Việt Nam gắn với tình nghiã và trách nhiệm xã hội. không có “tình cho không biếu không”, không có chuyện tình dục chỉ là thú vui không đòi buộc trách nhiệm xã hội. Sau cùng Mai cũng đã nhận ra điều này khi hiểu ra Daniel mới chính là tình yêu thật sự của cô. Tình yêu bao gồm trong nó sự quan tâm chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau, thuỷ chung với nhau. Daniel đạt những chuẩn mực lý tưởng đó. Là người Việt Nam trong hội nhập với thế giới, nhất thiết chúng ta phải bảo vệ những giá trị bản sắc của dân tộc. Đã qua rồi cái thời Phương Tây là văn minh, phương Tây mới là tiến bộ. Cũng cần ý thức sâu sắc cuộc xâm lăng văn hoá của phương Tây đang tràn vào Việt Nam qua cửa hội nhập, mà hậu quả của nó đối với xã hội Việt Nam đã hiển hiện nhãn tiền.

 

Nhắm Mắt Thấy Paris đã hoàn toàn khác với tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975 và thời kỳ đổi mới (những năm 1986). Khác từ đề tài, bối cảnh đến nhân vật và những vấn đề tác phẩm đặt ra. Dương Thụy viết về thời hôm nay, về những vấn đề của người trẻ hôm nay. Rất tiếc tác giả chưa làm sáng lên được những giá trị của thời đại mới, những hình mẫu tuổi trẻ trong thời đại mới.

 

Xét đến cùng, tiểu thuyết là câu chuyện của con người, là quan hệ người với người, dù thời nào, bối cảnh nào thì những mối quan hệ và những bí ẩn nhân thế vẫn cần được tiểu thuyết khám phá, để vưà khắc hoạ cho được con người của thời đại, vưà nói tiếng nói lương tri của thời đại, đem ánh sáng vào những ngõ ngách khuất tối nhất của tâm hồn con người. Dương Thụy chưa làm được những điều như vậy trong Nhắm Mắt Thấy Paris. Nhưng tôi tin rằng Dương Thụy còn tiến xa trong nghệ thuật tiểu thuyết vì Nhắm Mắt Thấy Paris đã thể hiện được nhiều tố chất của một nhà văn có cốt cách và tài năng, có vốn sống và lòng say mê văn chương, có năng lực sáng tạo dồi dào. Cái thiếu ở Dương Thụy là ánh sáng bản sắc văn hoá Việt và minh triết phương Đông để nâng giá trị tác phẩm lên ngang tầm với thời đại./.

 

Tháng 6.2010

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 2467
Ngày đăng: 04.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Noam Chomsky và những kẻ vu khống ông - Chân Phương
Tìm lại Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Bông & Giấy, Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả - Mang Viên Long
Ra mắt tập sách “Nguyễn Văn Xuân – Một người Quảng Nam” - Trần Trung Sáng
Sợi nhớ vô hình quấn theo - Lâm Xuân Vi
Người Rót Biển Vào Chai Với Nỗi Cô Đơn Tuyệt Đỉnh - Lê Khánh Mai
Thúy Liên nhọc nhằn và hạnh phúc - Nguyễn Hòa vcv
Sầu Rụng Thành Hoa,Tập Thơ Nguyên Cẩn - Mang Viên Long
Thao Thức Tình Yêu Đồng Bằng - Trần Hữu Dũng
Nhà Văn Và Lịch Sử - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)