Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.388
 
Vua một năm
Nguyễn Ước

Truyện dân gian Do Thái: Nguyễn Ước dịch và ghi chú

 

Thuở đó từng sống một người nhà giàu và quảng đại. Ông có một người nô lệ rất trung thành. Bù lại, ông hết lòng yêu thương hắn tới độ suy tính rằng:

- Tại sao ta không làm cho cuộc đời của hắn chẳng còn khổ sở như những kẻ nô lệ khác.

Và như thế, ông trả tự do cho hắn, cấp cho hắn một số hàng hóa để đem ra bán nơi hải ngoại, thuê cho hắn một con tàu và nói:

- Chúc anh đi bình an, và Thượng đế ở cùng anh!

 

Người nô lệ cúi rạp mình trước ông chủ rồi lên tàu giong buồm ra đi.

 

Trong khi hắn đang lênh đênh trên biển, gió phương bắc nổi lên thành một cơn bão, thổi con tàu ra khỏi hải trình, văng vào bờ biển lởm chởm, va trúng ghềnh đá vỡ tan từng mảnh. Đoàn thủy thủ mất mạng dưới lòng đại dương chỉ còn lại một mình người nô lệ. Nhờ ân sủng của Thượng đế, hắn bám được một tấm ván cho tới khi bị sóng đánh dạt vào bờ của một hòn đảo vắng vẻ. Hàng hóa chìm hết dưới đáy biển còn hắn nằm trơ trọi trên bờ cát suốt mấy ngày cho tới lúc thân thể tả tơi bầm dập dần dần hồi phục.

 

Sau khi lấy lại sức lực, người nô lệ nhận ra mình đang ở trong hoàn cảnh khốn khó và tuyệt vọng. Tìm cách cứu lấy mình, hắn cất chân bước và đi cho tới khi gặp một đường mòn, và hắn hết sức vui mừng vì thấy ở đó có dấu chân người. Hắn đi theo dấu chân ấy suốt một ngày một đêm rồi thấy xa xa có bóng dáng một thành phố.

 

Trong khi tới gần nơi đó, hắn ngạc nhiên thấy mọi cư dân trong thành đua nhau chạy ra chào mừng hắn. Những kẻ cai quản thành phố lớn tiếng kêu gọi hào đám dân chúng đông đảo đang tụ tập:

- Nghe đây, nghe đây! Nhìn kìa, nhìn kìa! Hãy nhìn đức vua của các ngươi, kẻ vừa được Thượng đế gởi tới cho các ngươi!

 

Mọi người hân hoan hồ hởi tung hô:

- Van tuế đức vua! Vạn tuế đức vua!

Kế đó, người nô lệ được mang tới một lâu đài tráng lệ, mặc vào người áo bào màu tía, đội lên đầu vương miện hoàng kim và đặt lên ngồi trên ngai vàng. Vừa ngơ ngác ngồi xuống, hắn thấy các thủ lãnh của dân chúng tiến lên gần mình, hết người này tới người khác, lần lượt thề trung thành với hắn như kẻ nô lệ trung thành với chủ nhân.

 

Nhìn thấy vinh dự vô cùng to tát dành cho mình, nhà vua mới ấy đưa tay lên dụi cả hai mắt và nghĩ trong bụng:

- Chắc chắn mình đang ngủ và mọi sự này chỉ là một giấc mộng.

 

Thế nhưng nhiều ngày rồi nhiều tuần lễ trôi qua, thấy mình vẫn là đức vua của vùng đất này nên hắn hiểu rằng đây chắc chắn là thật. Hắn thắc mắc:

- Nhưng mà ta đã làm gì xứng đáng với chức danh này? Đây chắc chắn là một loại thử thách nào đó!

Nghĩ thế, nhà vua, vì dù sao hắn cũng đang là một vị vua, cho gọi một quan thượng thư tới và nói:

- Xin vui lòng nói cho tôi biết cái gì nơi tôi khiến cho ông cùng hết thảy cư dân trên đảo này phong tôi lên làm vua của các người? Và tôi còn trị vì như thế này trong bao lâu nữa?

 

Quan thượng thư trả lời:

"Tâu Hoàng thượng, tôi thấy mình cũng không có gì phải e ngại khi thưa với ngài rằng vị Thần Chủ quản đất này đã cầu khẩn Thượng đế ban cho chúng tôi mỗi năm một đức vua mới; Thượng đế đã nghe lời cầu nguyện ấy nên cứ mỗi mười hai tháng lại gởi tới cho chúng tôi một người như ngài. Khi kẻ ấy tới, mọi người từ quan tới dân đua chạy ra nghênh đón, như ngài đã thấy, và y được tiếp rước với nghi vệ vương giả, tấn phong làm vua. Tuy thế, nhà vua đó chỉ trị vì một năm thôi. Tới hết năm, y bị truất phế khỏi ngai vàng, bị tước hết trang phục quân vương, bị ăn mặc rách rưới rồi trao cho quân đội. Binh lính sẽ mang y ra bờ biển đưa lên một con thuyền rồi chở y tới một hòn đảo hoang.

 

"Và như thế, cũng chính con người đó mới hôm trước là một đức vua oai nghiêm, hôm sau không tìm thấy một người bạn nào, dù ở đẳng cấp thấp nhất, để có mặt bên cạnh y trong giờ y cần tới! Y bị sa xuống một cuộc sống đau khổ và khốn cùng, không còn ai quan tâm tới y, vì cũng chính đám dân chúng một năm trước đây hồ hởi tấn phong y giờ đây đua nhau chạy đi tấn phong một đức vua mới, kẻ cũng được Thượng đế hằng năm gởi tới cho họ.

"Tâu Hoàng thượng, đó là tục lệ của vùng đất chúng tôi; nó bắt đầu có từ lúc không ai nhớ nổi và không cách gì có thể thay đổi nó."

 

Nghe như vậy, nhà vua hỏi:

- Mấy lời vừa rồi cho thấy ông là một người tốt bụng. Vậy xin hãy nói cho tôi biết những kẻ làm vua trước tôi, trong khi vẫn còn ngồi trên ngai vàng này, có biết kết cuộc của họ sẽ ra sao không?

 

Quan thượng thư nói:

- Ai cũng biết kết cuộc như thế nhưng tình trạng thoải mái nhất thời khiến cho họ mù lòa trước tương lai nên chẳng chút suy nghĩ tới việc đó.

 

Nhà vua trầm ngâm với tâm trạng hoàn toàn cảnh giác:

- Trong trường hợp này tôi không thể bỏ phí thời gian. Trong khi còn có thể làm một cái gì đó, tôi phải làm hết sức mình.

 

Và như thế, nhà vua nói thật lòng với quan thượng thư:

- Vì ông đã tiết lộ mọi sự với tôi, cho nên ông chính là người tôi nên hỏi phải làm thế nào để tự cứu mình khỏi số phận cay đắng ấy?

 

Quan thượng thư nói:

- Tâu Hoàng thượng, xin ngài hãy ghi khắc trong tâm trí rằng ngài đã tới đất này với hai bàn tay không và rằng ngài phải ra đi với hai bàn tay không, không bao giờ trở lại. Tuy vậy, có cách duy nhất để tránh khỏi số phận đó là hãy lập tức sai những người đáng tin tới hoang đảo mà ngài sẽ bị trục xuất ra đó, để họ dựng lên các nhà kho chứa thực phẩm và bất cứ đồ dự trữ nào ngài sẽ cần tới. Xin nhớ cho rằng ngài sẽ chẳng tìm thấy thứ gì ngoài những thứ đã được chính ngài trang bị cho mình trước đó.

Nhà vua chấp nhận lời khuyên ấy và phái người ra hoang đảo. Ở đó họ xây nhà cửa, trang trí nội thất, đào đất trồng cây và biến chốn hoang vu cô tịch ấy thành một nơi cư trú sầm uất. Quả thật, khi tới gần thời điểm rời ngai vàng, nhà vua nói với quan thượng thư:

- Ta mong ước biết bao được thấy ngày không làm vua nữa để ra hòn đảo trục xuất mà ta đã kiến thiết!

 

Cuối cùng, hết thời hạn một năm: nhà vua bị truất phế khỏi ngai vàng, tước hết trang phục quân vương, quấn vào mình giẻ rách và cho lên thuyền ra hoang đảo. Thế nhưng dù không còn là một đức vua, kẻ từng làm nô lệ cũng như từng làm vua ấy tới nơi đó với tâm trạng của một người mãn nguyện và kể từ đó, hắn sống sung sướng.

 

Câu truyện này được kể bởi Thầy cả chính trực Nachman ở Horodenka*, ông nội của Thầy cả vĩ đại Nachman* ở Bratslav*.

 

Ghi chú:

* Horodenka. Tên một thành phố tọa lạc tại Ivano-Frankivsk Oblast ở miền tây Ukraine.

* Nachman ở Bratslav (1772-1810). Ông là một đại thầy cả, chắt của tôn sư Baal Shem Tov (1698-1760), người sáng lập phái Hasid Do Thái giáo ở Đông Âu. Nachman cũng là một trong những người thành lập nền móng của phái Hasid ở Bratslav, ông truyền sức sống mới vào phong trào Hasid bằng việc phối hợp giữa bí pháp Do Thái giáo (Kabbalah) và chiều sâu của nền bác học Torah.

*Bratsav. Tức là thành phố Breslov ở Ukraine, tọa lạc bên bờ sông Bug. Từ thế kỷ 18 về trước, nó rất quan trọng ở châu Âu. Nay chỉ còn là một thị trấn nhỏ với khoảng 6.000 dân.

* Văn bản của truyện này lấy từ một tác phẩm được xuất bản tại Warsaw, Ba Lan vào đầu thế kỷ 20. Có các truyện tương tự trong nhiều cộng đồng Do Thái và không Do Thái.

Dù đây có lẽ chỉ là một truyện ngụ ngôn giản dị về chuyến đi của linh hồn qua thế giới này, nhưng ta cũng có thể nhận ra nguồn gốc xa xưa của nó trong huyền thoại và thực hành thời cổ đại. Thuở đó tại Hi Lạp và những phần đất khác của thế giới, từng có chung tục lệ là phong một kẻ lên làm một vị vua cực kỳ tôn kính nhưng với nhiệm kỳ một năm; tới hết thời hạn đó, hắn hoặc người đại diện cho hắn bị xử tử. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, câu truyện này có thể cũng hàm ý truyền đạt một thông điệp chính trị nào đó.

Nguồn: Trích từ Kho tàng truyện dân gian Do Thái, sắp xuất bản.

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2496
Ngày đăng: 04.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gặp, ngoài những giấc mơ - Âu thị Phục An
Mối tình xa cách - Dương Phượng Toại
Đạo diễn và bi kịch - Đặng thị Thanh Liễu
Địa sứ - Đỗ Ngọc Thạch
Ngôi Nhà Trên Dốc - Ngô Thị Ý Nhi
Trong số họ không có kẻ nào đồng lõa với tôi - Lê Minh Phong
Họa Tiết Của Mùi - Nguyễn Viện
Mẹ - Ngô Thị Ý Nhi
Cái Tổ Chim - Nguyên Minh
Gặp lại người xưa! - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)