Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.839
 
Thiên Truyện Bỏ Dở
Khải Nguyên

Tôi được tin ông bạn tôi qua đời lúc tôi đang công cán nơi xa. Về tới nhà, chưa kịp thay quần áo tôi đã vội đến viếng bạn. Trên đường đi, tôi bỗng đâm ngại ngùng nghĩ tới lúc giáp mặt bà vợ góa bụa của bạn. Bà có chạnh lòng không? Tôi còn sống nhăn, bạn thì đã vắng mặt trên cõi đời này rồi. Trong cuộc sống trần tục, có vẻ như tôi gặp may hơn bạn tôi nhiều. Nhưng tôi đã quá lo xa. Bà tiếp tôi bình tĩnh cách lạ, cái điềm tĩnh của sự cam chịu. Bà tỏ ra cởi mở với người bạn thân nhất của chồng. Do vậy, tôi mạnh dạn hỏi về cuốn nhật kí của bạn tôi. Xưa kia, đã có lần ông bảo tôi: "Nếu mình đi trước cậu thì cậu sẽ được đọc nhật kí của mình". Nhưng khi bà vợ bạn cho tôi xem tất cả giấy tờ, sách vở chồng mình để lại thì không thấy cuốn nhật kí đâu cả. Dưới đáy chiếc rương gỗ từng đi theo bạn tôi gần như suốt các chặng đường công tác, tôi lượm được một tập mỏng giấy pơluya đã ố vàng. Mới liếc qua, tôi đã nhận ra ngay đấy là một bản thảo chép tay. Bạn tôi xưa từng nuôi mộng viết văn. Tờ giấy bọc lót tập bản thảo lấy từ một tờ họa báo. Dưới bức ảnh một đôi trai gái đang cầm tay nhau bịn rịn trước lúc chia xa trong mưa tuyết trích từ một cuốn phim nào đó có hai câu thơ:

 

Em hỏi rằng xuân ở đâu

Xuân trong ánh mắt buổi yêu đầu.

 

Hai câu thơ đã nảy ra trong phút xuất thần của bạn tôi như ông từng nói đùa, và ông đành dừng lại đấy; rặn thêm câu nào để nối vào đều gượng. Nhưng với hai câu ấy, một anh bạn của chúng tôi, như sau này anh "thú nhận", đã mạn phép sử dụng trong một cuộc "chinh phục trái tim" và đã thành công. Cái tôi chưa biết là lời ghi bên dưới bằng mực đỏ còn đậm màu: "Nếu chuyện gửi trao, -ít nhiều đều nhuốm sắc thái lãng mạn,- chỉ xảy ra trong tình yêu đôi lứa thì cuộc đời đỡ cực đi biết mấy mà cũng nghèo đi biết mấy". Trang đầu bản thảo, góc trái phía trên ghi: 15-3-1959. Vậy là thiên truyện này khởi thảo cách đây gần ba chục năm, và như thế là chẳng bao giờ hoàn thành nữa cả. Bà vợ bạn tôi vui lòng cho tôi giữ mấy tờ di bút ấy của người đã khuất để làm kỉ niệm.

 

Tập bản thảo được viết bằng nhiều loại mực khác nhau. Nhiều chỗ, nhất là chỗ mực xanh lơ, bị nhòe không đọc được nữa. Xem lướt qua mấy đoạn, tôi lấy làm mừng rằng may mà bà vợ bạn tôi xưa nay chẳng mấy quan tâm đến giấc mơ văn nghiệp của chồng. Chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, nhưng tâm lí các bà vợ son sắt với chồng thường không dễ tính cho lắm trong một số lĩnh vực nhất định, do đó không chịu đi sâu vào giữa các hàng chữ.

 

Đọc những đoạn văn chắp nối, tôi tự thẹn trong lòng. Tôi chưa thật hiểu bạn mấy nỗi. Cái văn phong lạc lõng ngay đối với thời kì cách đây ba mươi năm sao mà vẫn gợi nhiều đến thế, dĩ nhiên là chỉ với riêng tôi. Dưới đây là những gì còn lại của bản thảo.

*   *    *

Tiểu thuyết của cuộc đời. 

 

Trời đang mùa thu, nhưng buổi tối trên hồ này đã lạnh. Gió heo may lùa qua các tàu lá chuối phần phật như tiếng giặt lụa không bao giờ ngừng. Những ngọn đèn điện thưa thớt tỏa ánh sáng dè dặt trong bụi đêm. Đây là một cái gò nhỏ nổi lên giữa hồ, lối đi vào qua một chiếc cầu gỗ cũ kĩ. Giữa gò có một cái bể bơi cạn nước tự đời thuở nào. Nhưng vườn hoa xung quanh đã được tu sửa lại; và những hàng chuối bao ngoài, có lẽ do dân trồng từ hồi vườn hoa này bị bỏ hóa, tự nhiên được đóng thêm vai trò cây cảnh và cây che mát. Ở cái thị xã nhỏ này, người ta ít tìm đến đây, nhất là khi đã sang thu. Trên một chiếc ghế xi măng đặt dưới một ngọn đèn mà những tàu lá chuối trở thành một cái chao thiên nhiên có một người đang ngồi. Mái tóc không chải làm sấp bóng nửa mặt anh ta; tuy nhiên, mỗi khi điếu thuốc lá trên môi anh lóe lên, có thể nom rõ đôi mắt sáng song hiện đang trầm ngâm, và khuôn mặt bầu bĩnh hơi khắc khổ. Trước mặt anh, trên đầu gối, một cái cặp bìa để mở đỡ mấy tờ giấy xộc xệch mang mươi hàng chữ nhằng nhịt. Ghé mắt qua vai anh ta, có thể đọc được những dòng sau đây:

 

“Không biết nhà văn nào trước cách mạng đã viết: "Chờ cho đời biến thành tiểu thuyết rồi viết tiểu thuyết của cuộc đời, cái ấy hay nhưng biển lận nghĩa là không nghệ sĩ…". Có lẽ ngày nay chẳng mấy ai còn nghĩ một cách lập dị thế. Chung quanh tôi đời đẹp lắm. Cả một cuộc sống mới đang lên, sôi nổi, hào hứng và duyên dáng nữa. Làm sao bắt được cái bóng dáng tiểu thuyết trong nhịp sống ấy? Tôi sẽ viết tiểu thuyết của cuộc đời”.

 

Đấy! Hiện anh ta như thế đấy! Cái hoài bão ấy, nếu có thể gọi đó là hoài bão, đang dẫn anh ta tới đâu đây?

 

Anh là giáo viên trẻ. Tuổi trẻ bước vào đời thường mang theo nhiều ước mơ với đầy đủ mặt tốt và mặt xấu. Người giáo viên văn học như anh lại càng nhiều mơ ước. Nghề của anh buộc phải truyền lại cho học sinh ý và tình bằng tấm lòng, nhiều khi phải sáng tạo ra cả những điều mà chính tác giả chưa ngờ tới qua các câu, chữ. Cho nên cái ước mơ lớn nhất vẫn ray rứt anh là "viết". Điều kiện để viết, anh nghĩ hơi đơn giản. Khả năng ư? Anh tự cho là mình có. Lập trường, quan điểm ư? Dĩ nhiên rồi, với một người giáo viên thật sự. Còn vốn sống? Anh đã từng đi bộ đội, anh đã từng tham gia cải cách ruộng đất, anh đã từng…, tóm lại là đã có thể nói "có một số vốn liếng". Vậy thì còn chờ gì nữa cơ chứ? Bắt tay vào viết đi thôi! Thế mà cuốn "tiểu thuyết của cuộc đời" nung nấu trong anh bao lâu rồi vẫn chưa đi quá mấy dòng mở đầu cầu kì nọ. Nói của đáng tội, anh cũng đã thử…(nhòe gần nửa trang).

 

… - Đúng là những trang vừa xúc động, vừa dí dỏm về những ngày Cách mạng tháng Tám trước con mắt trẻ thơ. Nhưng cậu là ông gì mà dám đòi người ta in hồi kí cho cậu?

- Tôi có khoe đời mình đâu. Tôi chỉ làm một nhân chứng.

- Nhân với chứng! Ai người ta thèm để ý. Cậu có vẽ ra được một bức tranh khá chân thật, nó toát lên một ý nghĩa nào đấy. Nhưng đáng tiếc, cậu chỉ là một người bình thường, một kẻ vô danh, tiếng nói chẳng có mấy sức nặng. Đẻ ra một cái hồi kí, ít nhất cậu phải là… (nhòe)

 

… Mùa hè đến lúc anh ta không chờ đợi nhất. Bên trường, hoa phượng đã hé màu đỏ hắt lên trong nắng. Gió và nắng làm gợn lên những sóng bụi ánh sáng lung linh. Tâm hồn anh cũng lung linh và lòng anh rộn rực. Sân trường rồi đây sẽ vắng bóng dáng những học sinh tươi trẻ. Những tiếng cười đùa và những giọng hát rồi đây sẽ chìm đi trong một thời gian, và anh sẽ chỉ còn có thể nghe dư âm trong tiếng ríu rít của chim trên cây bàng vừa xanh lại màu lá. Một mình anh trong gian nhà lợp lá kề sát một hàng tre nhỏ cây. Mọi năm, sau những ngày làm việc mệt nhọc, anh thích những giờ tĩnh lặng như thế để đọc sách, suy ngẫm. Cũng có lần, anh ngại những ngày dài… Năm nay, bận rộn với thi cử xong, anh đang chưa biết sẽ nghỉ hè ra sao thì được trên cử đi tham gia phát động quần chúng cải tiến quản lí xí nghiệp ở một công trường xây dựng. Anh tiếp nhận tin ấy với một sự cảm ơn thành thực. Anh coi đó là một dịp để rèn luyện mình và để thu thập tài liệu. Không… (nhòe). Cũng có lúc hơi rỗi, anh về phòng được dành riêng nằm dài mệt mỏi, ý nghĩ tản mạn. Anh muốn thả hồn đến một nơi nào đó mà người bạn thân chốn xa kia rủ anh cùng đi "hưởng chút thiên nhiên trong lành trước khi về chỉnh huấn". Một người bạn với những tập sách, với những chuyện tâm tình; một cảnh sống thoải mái vừa làm việc vừa giải trí; viễn cảnh ấy gợi cho anh những ân hận không đâu. Những lúc ấy, biết sự suy tưởng và mơ mộng sẽ dẫn mình đi xa hơn, anh vùng dậy tìm đến khu công nhân ở hay nơi họ đang làm việc. Anh nhớ hình như Victo Uygô có viết, đại ý: Sự suy tưởng thôi thúc người ta làm việc, sự mơ mộng dẫn đến viển vông, buông xuôi tay. Anh muốn thêm: sự suy tưởng nếu không kèm theo hành động thiết thực và lành mạnh thì tất nhiên sẽ dẫn đến mơ mộng. Và anh cố tránh. Trong sự giằng co với bản thân, nhiều lần anh đã làm chủ được mình. Đợt công tác đột xuất hai tháng của anh kết thúc. Anh trở lại trường với tấm bằng khen và tập ghi chép dày.

Anh tranh thủ viết. Những con người và sự việc quen thân xưa nay của anh cứ hiện lên, chập vào, chen vào những con người và sự việc trong đợt xâm nhập thực tế vừa qua và nhòa vào thế giới tưởng tượng của anh…(nhòe)

 

… Anh chờ đợi, và một biên tập viên đã hạ cố trả lời: "Văn đọc được. Có những chỗ kể sinh động, biết đi vào chiều sâu tâm lí. Nhân vật chính nhớ nhung người yêu ở lại trong Nam hơi ủy mị nên không thật. Đoạn tả giám đốc xí nghiệp viết chưa tới và có hơi hướng Nhân văn - Giai phẩm vì gợi cho người ta một người lãnh đạo quan liêu, hống hách và dốt nát. Vai trò tập thể mờ nhạt. Thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Mong nhận được những truyện đạt hơn".

Người bạn thân đòi xem bản thảo. Anh nhìn ra xa nói chậm rãi: "Mình muốn quay phim cuộc đời, nhưng lại chưa học cách dàn dựng. Có gì đáng xem đâu". Bạn anh bảo rất thực lòng: "Có lẽ ông thiếu một thứ thực tế mà cũng là một thứ xúc tác mạnh: tình yêu". Anh cười to, nhưng không dài.

Bước vào năm học ấy, trường anh nhận thêm một số giáo viên mới, trong đó có một cô giáo vừa rời trường sư phạm. Một nữ sinh hơn là một cô giáo. Hoàn cảnh "tốt số" của cô giúp cho cô trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường chỉ có mỗi việc học và thêu mộng đẹp trong đầu. Cô có cái duyên cởi mở, quá cởi mở, theo ý người đời, đồng thời có cái kiêu căng của những người con gái được nhiều chàng trai để ý. Cô không từ chối mọi sự săn đón. Với mỗi người cô đều dành cho một hi vọng. Tuy nhiên, không ít người đã có dịp biết đến tính ngang bướng của cô, nhất là trong phạm vi chuyên môn. Hình như cô gái nào cũng thích được mơn trớn hơn là phải động não. Dĩ nhiên, ban đầu cô không chú ý đến anh. Dáng nghiêm nghị có vẻ thẳng thắn quá, lối nói có vẻ cứng cỏi quá chẳng thể làm cô hài lòng. Nhiều lúc cô phật ý vì tia mắt lành lạnh của anh mỗi khi bắt gặp mắt cô. Tia mắt ấy làm cô thấy khó gần, đồng thời lại có cái gì đó thu hút. Mỗi lần trong phòng đọc sách của trường chỉ có riêng cô và anh, cô đâm ra mất tự nhiên. Vào những lúc như vậy, ngoài ý định của cô, cô trở nên nhu mì và hồn hậu. Về phía anh, linh tính đàn ông mách anh rằng anh đang "bị theo dõi". Anh là một chàng trai vừa cao kì, vừa khờ khạo. Dẫu vậy, anh không thể không biết và không coi trọng cái điệu e lệ cô dành riêng cho anh tuy không rõ nét và thoáng qua. Dần dà, anh nghĩ về cô: "Sự cởi mở là đức tính phải có của một người con gái lịch thiệp; tính ngang tàng là bản lĩnh của một phụ nữ có cá tính; vậy thì cái dáng e dè kia là dấu hiệu của một tình yêu chân chính, điều cốt lõi của hạnh phúc". Thế là "điều ấy" đã bắt đầu. Nó đến chầm chậm mà bất chấp. Cô vẫn e ngại và nghi ngờ tình cảm của anh. Còn anh, đã bao lần anh tự nhủ: "Mình chưa đâu. Ai lại chóng thế được!". Anh vẫn trầm mặc một cách khó tính. Cô vẫn giữ vẻ bướng bỉnh thường lệ. Nhưng như ai đã nói: "Lửa âm ỉ là thứ lửa dễ thổi bùng". Một hôm, anh ra chỗ vườn hoa quen thuộc để đọc sách như vẫn thế mỗi tối thứ tư thì thấy cô đang ngồi tư lự đúng nơi chiếc ghế anh vẫn ngồi. Tay cô vân vê một đóa hoa mua nhỏ. Đêm ấy, mùi thơm thoang thoảng của một làn tóc và vị êm ngọt của một đóa môi theo anh vào giấc ngủ. Vậy đó, họ yêu nhau. Anh yêu tha thiết như bất cứ ai có trái tim nén lại lâu ngày. Cô cũng vậy, như đi vào một thế giới vừa quen, vừa lạ.

 

Có lẽ hắn ta đã có được chất men xúc tác cho mạch văn của hắn đây. Bạn anh nghĩ vậy. Khốn nỗi anh còn thì giờ đâu. Ngoài công việc ra, anh chỉ biết có tình yêu. Cả đến đọc sách, xem hát, đá bóng, bơi lội là những thứ trước đây anh rất ham nay anh cũng sao nhãng. Nguy hơn là khả năng cảm thụ và ghi nhận thế giới xung quanh của anh hầu như tê liệt đi. Cả những "vốn cũ" cũng có cơ trở thành "kí ức" xa xăm sẽ chìm dần trong quên lãng. "Sống đã rồi mới viết được". - Một lời tự nhủ. "Sống và viết". - Một tiếng thầm nhắc nhở. "Sẽ đến lúc tình yêu nhập vào nhịp sống bình thường và thành tiềm lực sáng tạo". - Một câu tự an ủi. Song tình yêu chẳng trở nên êm ả như anh tưởng. Bốn tháng đã qua từ ngày họ chính thức yêu  nhau. Những gì…(nhòe)

 

… Thường thì cô im lặng, không vui. Anh đã nói thiệt tình. Yêu mà tỉnh quá thì không hay. Nhưng xây hạnh phúc cũng như nhen niềm tin, không được mù quáng. Phải vậy không? Thật là khó. Nhạy cảm và nhẹ dạ, bồng bột và xốc nổi, say đắm và đam mê - ranh giới là đâu? Song le, tình yêu khó "nghe dòng đời thao thao lí sự". Những ngang trái nho nhỏ vẫn chưa làm giảm cái vị nồng ấm của cái hôn chia tay trong làn sương đêm dường như được ướp hương…(nhòe)

… Bà mẹ, hội trưởng phụ nữ một tỉnh trung du, biết rõ con gái hơn chồng. Đồng ý là "không thể kết nạp vào gia đình này một chàng rể xoàng - không là đảng viên", nhưng bà đã thấy trước mệnh lệnh của ông bố - tham mưu trưởng sư đoàn sẽ thất bại. Con bé vốn ương ngạnh. Nhưng nó lại hơi lãng mạn. Còn thằng ấy thì sao nhỉ? Đôi lứa nào mà chẳng có ít nhiều khác biệt giữa hai người. Biết điều hòa, sự khác biệt sẽ tăng thêm ý vị cho tình yêu và hạnh phúc. Trái lại, biết lái hoặc không biết lái, sự khác biệt ấy sẽ trở thành đối kháng. Phép biện chứng đã dạy như thế mà. Bà vừa theo một lớp chính trị tập trung, bà còn nhớ lắm. Vấn đề là… (nhòe)   

… Yêu anh, em khổ. Mất anh, em còn khổ hơn.

Anh chưa kịp rùng mình, cô đã ghì chặt anh hôn tới tấp lên mắt, lên môi.

324

Đêm, anh thao thức rất lâu. Bức tường đã nhú lên rồi đó, dù là trong suốt. Có lẽ họ chưa có can đảm nhìn ra sự thật đáng đau buồn. Nói đúng ra, có lúc dường như cô đã ngán anh. Khi e ấp mối tình đối với anh, cô có phần nào tiểu thuyết hóa nó. Những lời âu yếm, những cử chỉ trìu mến, những gì toát ra từ con người anh, toát ra từ cả những sự thận trọng dè giữ của anh, không như cô hằng tưởng tượng và chờ đợi. Có lần cô đã ghi vào nhật kí: "Chẳng hiểu sao trưa nay gặp anh, mình lại có cảm giác là lạ không muốn tiếp ấy". Tuy vậy, đêm đến, thế giới thuận tiện của tình yêu, cô vẫn nóng lòng chờ đến giờ hẹn và, nếu anh chậm đến, vẫn xao xuyến đón nghe từ xa bước chân anh. Cô thấy khó mà xa anh, ít ra là trong lúc này. Còn anh? Khi bị dằn vặt quá, anh muốn dứt khoát. Lí trí anh thôi thúc, nhưng anh biết mình sẽ rất đau lòng. Lần đầu tiên trong đời, anh yêu thực sự và sâu sắc. Có đêm, anh trầm ngâm lâu lâu và cô lo lắng nhìn anh. Bao lần anh định nói câu cuối cùng, nhưng nhìn đôi mắt lặng lẽ dò hỏi của cô anh lại nao nao. Đôi mắt ấy vốn hồn nhiên, hay cười và đôi khi nghịch ngợm. Đôi mắt ấy từng gửi gắm anh bao tin yêu. Anh chua xót và bất nhẫn ngay với chính mình. Thật đáng tiếc! Nếu anh biết được bởi đâu mà tấm vách ngăn vô hình đã được dựng lên, nếu anh là người từng trải… Quẩn quanh trong cuộc tình khó xử ấy, công tác của anh sút đi trông thấy. Anh cố gắng để khỏi tỏ ra uể oải, nhưng bạn đồng nghiệp cũng như học sinh của anh đều nhận thấy sự bất ổn nơi anh. Từng đêm, ánh đèn vắng lặng tỏa xuống chiếc bàn làm việc của anh trống trải. Bạn cùng phòng ở trỏ chiếc ghế bỏ không bảo nhau qua tiếng cười nửa cảm thông, nửa châm chọc: “Đấy! Chỗ của một người vốn làm việc nghiêm túc đấy! Đã thấy tác dụng của men tình chưa?”. Họ tưởng anh mải mê yêu. Có biết đâu… (nhòe)

 

… Thường là bộ mặt trầm tĩnh của anh cúi xuống trang giấy tới khuya. Anh tự thấy công việc ì ạch. Có cảm giác tù túng, bức bối của người lâu ngày không tắm, da thịt bứt rứt, ám ảnh không thôi.

 

Tối hôm ấy, trên chiếc ghế đá quen thuộc, hai người lại gặp nhau. Trăng rất sáng. Ánh trăng rải trên mặt hồ những mảnh vụn giấy trang kim lăn tăn theo gió làm xao động những ánh đèn điện vàng mờ và thưa thớt. Từ ít lâu nay, họ đã thôi cái "lệ" hôn "phủ đầu" rồi. Sau mấy câu lơ vơ, cả hai cùng im lặng. Anh đứng ghếch chân vào thành ghế, thong thả châm một điếu thuốc lá. Cô rứt rứt mấy ngọn cỏ lòa xòa bên chỗ ngồi. Một lúc lâu, nghe rõ tiếng muỗi vo ve. Đột ngột, tiếng anh cất lên, hơi rè, sẽ nhưng rành rẽ: "Em ạ, có lẽ chúng ta nên dừng lại ở đây thôi. Con đường chúng ta đang dắt nhau đi không hứa hẹn gì nhiều. Anh không phụ em. Anh rất trân trọng những gì trao đi và nhận được, và rất không muốn tình cảm một lần phải thương tổn. Nhưng biết làm thế nào! Dù sao, anh cũng không quên những kỉ niệm của chúng ta". Cô ngước cặp mắt to đen nhìn anh, như ngạc nhiên, như thảng thốt. Trong một giây, anh thấy mình như không tồn tại. Cô đã cúi xuống gục mặt trong lòng bàn tay, đôi vai mảnh mai giật giật. Anh ném điếu thuốc cháy dở xuống hồ, nhưng tay đâm ra thừa. Cô đã ngửng lên, mắt ướt nhìn thẳng và giọng bình tĩnh không ngờ, tuy môi cô hơi run: "Em đã dự cảm rằng sẽ có lúc anh nói với em câu đó. Em sợ giờ phút ấy, nhưng lại mong nó đến ngay đi. Hôm nay thế là xong. Anh đã muốn thế, em còn nên nói gì thêm nữa". Cô đứng dậy và như một cái bóng khuất vào sau hàng chuối. Cô, một người con gái vốn nhiều kiêu hãnh là thế.

 

326

Khuya, anh mới về đến phòng ở. Các bạn đã ngủ lâu rồi. Nhìn chiếc bàn của mình sách vở bề bộn, anh bâng khuâng như đứng trước một việc làm không trọn mà chẳng còn cơ hội làm lại. Anh lật tập bài làm dày cộm học sinh nộp đã ba ngày nay. Anh ngồi chấm được hơn một bài rồi lại đặt bút xuống. Anh ngồi bần thần một lúc. Anh ngả lưng xuống chiếc giường đơn của mình, nhắm mắt nằm bất động. Chợt anh choàng dậy ngồi vào bàn rút ra một tập giấy trắng và cắm cúi viết. Anh viết mê mải. Đến lúc sáng bạch thì một truyện ngắn cơ bản hoàn thành. Chuyện có vẻ là chuyện cô và anh. Nhưng chỉ mượn cái khung đó thôi. Hay đúng hơn, nó chỉ giống đoạn đầu, đoạn đẹp nhất. Lai lịch các nhân vật và sự phát triển của truyện thì khác hẳn. Chàng là công nhân, nàng là cán bộ kĩ thuật trong một nhà máy do cha nàng làm giám đốc. Mẹ nàng cũng làm cấp dưỡng tại đó. Câu chuyện tình làm nền cho sự nghiệp của bộ bốn này trong khung cảnh một nhà máy toàn vẹn. Ông bố giám đốc là bộ đội chuyển ngành, tài ba, sáng suốt, hơi gia trưởng, nhưng gần gũi công nhân và được công nhân yêu mến. Chàng có nhiều sáng kiến, đôi khi ương và nóng tính, nhưng thủ trưởng biết dùng người. Tình yêu phải vượt qua một trở ngại lớn là bà mẹ muốn gả cô con gái rượu cho một kĩ sư. Tay này "chuyên môn đơn thuần", suýt bị một tên phản động lợi dụng. Bà mẹ dẫu là chiến sĩ thi đua của nhà máy có hơi phong kiến một tí. Truyện viết khá lôi cuốn với những cảnh lao động hào hứng, những pha yêu đương, những cuộc tranh cãi về công việc bằng những lời lẽ hoặc gay gắt, hoặc dí dỏm, hoặc đằm thắm. Rồi một chút hiểu lầm, một chút giận hờn, một chút thử thách bên tình, bên nhiệm vụ. Cuối cùng vui vẻ cả. Đám cưới tổ chức cùng lúc tiếng pháo mừng công nổi lên ròn rã. Hồi đó, một cuộc thi thơ văn cấp trung ương sắp kết thúc. Bạn anh gần như ép anh gửi cái truyện ấy đi dự thi. Bất ngờ đối với chính ngay tác giả, cái truyện ấy đã được giải. Người bạn đùa anh, nhưng cũng để khích lệ anh: "Ngẫm trong lịch sử văn học thế giới, nhà văn lớn nào mà chẳng phải kinh qua đau khổ mới thành danh". Anh chỉ mỉm nụ cười buồn trước câu nói nhạt và hơi trơ của bạn. Nhưng bạn anh biết…(nhòe)

 

… Phải một lúc anh mới nhận ra người học trò cũ, cậu học trò ngỗ nghịch mà anh đã cảm hóa bằng những bài giảng và tâm sức người thầy. Trước lúc từ giã, anh trung úy quân đội nói như nói vui: "Khi hành quân ra trận, chúng em nhớ tới thầy với lòng biết ơn. Nhưng khi phải chạm trán với những cái phức tạp của cuộc sống, có lúc em đã oán thầy".

Cái vui - buồn, cái vinh - nhục của nghề thầy, nói đã nhàm rồi. Còn cái nợ giảng dạy văn chương còn lâu mới rạch ròi được. Công hay tội của người giảng, - có phần công hay tội của người làm ra tác phẩm… (nhòe)

 

… Sao anh đăm chiêu thế? Bạn anh đến bên mà anh không để ý. Qua vai anh, người bạn nhìn thấy tập bản thảo của anh vẫn chưa thêm được chữ nào kể từ ngày anh viết mấy dòng đầu tiên.

Không biết vô tình hay hữu ý, bàn tay đặt trên trang giấy nảy giờ từ từ co lại và tờ bản thảo dở dang vo tròn trong tay anh. Anh ngồi như vậy một lúc trong tư thế một người đang đuổi theo những ước mơ đẹp đẽ. Trăng đã lên cao, bầu trời xanh thẳm, những vì sao như càng lâu càng đi xa quả đất đang nhấp nháy vẫy chào trở lại. Gió rì rào trong kẽ lá những lời tình tự riêng tư. Khung cảnh thật thuận tiện cho suy tưởng hoặc cấu tứ, mà cũng thật lí tưởng cho những buổi hẹn hò.

 

Hai người bước lên cầu. Những thanh gỗ long mộng lập cập dưới những bước chân. Bóng anh đi trước đổ dài trên mặt nước rung rinh như đang nhún nhảy. Đi chếch phía sau, người bạn cứ bị ám ảnh hoài bởi cái đầu đề quá kêu: "Tiểu thuyết của cuộc đời". Anh chẳng kham nổi đâu anh ạ. Ờ, mà chuyện cậu cũng có màu tiểu thuyết đấy. Song le, văn nghệ bây giờ chẳng thể dung nạp những bi kịch cá nhân. May mà mình không ôm mộng viết văn như hắn. Bạn anh bỗng nói to cho át tiếng gió lao xao: “Hôm nọ trưởng ti hỏi cậu "nếu được đi xa thì có vướng bận gì không" là hàm ý gì nhỉ?”. Anh vung tay như để ném vật gì xuống hồ…

(Bản thảo để cách một dòng)

 

Tiểu thuyết của cuộc đời! Đâu là tiểu thuyết của mỗi con người.

 

*

Bản thảo dừng ở đây với câu cuối cùng bằng cỡ chữ to và nét mực mới hơn những dòng trên. Truyện hầu như được viết theo nguyên mẫu. Vì sao lại dành khá nhiều dòng cho mối tình hẩm hiu - không đủ nêu gương lầm lỡ cho người đến với người, cho người đi vào cuộc sống? Những chỗ nhòe có xóa mất những gì sâu kín? Vì sao bỏ dở? Tôi biết hồi ấy trưởng ti có hỏi Thí - tên bạn tôi - câu trên. Hình như nhân có đợt tuyển thực tập sinh hay nghiên cứu sinh đi Liên Xô hay sao đó. Anh bạn tôi chẳng có gì vướng bận. Vướng thì có. Bạn bè Thí thì nghĩ ngay đến cuộc đấu tranh của anh với một tay chi ủy viên phụ trách công đoàn rất oách, cuộc đấu tranh mà kết cục là Thí bị mất danh hiệu "lao động tiên tiến" do chuyện yêu đương mãi từ năm trước "thiếu nghiêm chỉnh", lại "mất đoàn kết với thư kí công đoàn". Theo dư luận chính qui thì dường như bạn tôi vướng lí lịch: Thí có ông chú làm bác sĩ ở Hải Phòng di cư vào Nam, năm 1955. Bạn tôi chưa một lần biết mặt ông chú nọ. Mãi sau này khi Thí đi công tác B (công tác trong miền Nam thời còn chiến tranh), theo lệnh tổ chức anh đã tìm cách liên lạc để kéo ông ta ra "Rờ" (căn cứ kháng chiến) nhưng ông ta thoái thác, chỉ thỉnh thoảng lén gửi ra một ít thuốc men.

Chuyện Thí đi B cũng là một chuyện hơi kì. Đi B là nghĩa vụ, chưa phải là quyền lợi. Được chọn đi B là một vinh dự đắt giá, nhất là trước năm 1973, không phải ai cũng vui lòng đón nhận. Có kẻ đã nói thẳng: "Thà mất sinh mạng chính trị, không thà mất mạng". Tổ chức đã chấm Thí, nhưng khi thấy anh "sẵn sàng" lên đường, người ta lại khoanh một dấu hỏi to tướng nơi hồ sơ anh. Anh đến gặp trưởng ti: "Tôi là tôi, chú tôi là chú tôi. Các anh hãy cân nhắc con người tôi, đừng mất công đắn đo vì một ông chú không chắc biết có tôi ở trên đời này. Tôi không nài đi để kiếm chút vốn liếng chính trị đâu".

 

Sau năm 1975, Thí được chọn cử đi học ở một nước Đông Âu. Các anh phải qua một lớp tập huấn. Một lần, đáng lẽ đi nghe giảng, Thí lại bỏ đi dự một buổi sinh hoạt thiếu nhi. Trưởng lớp phê bình anh, anh nói: "Chẳng lẽ anh không biết ai giảng cho chúng ta hôm nay? Anh ta, anh và tôi vào giải phóng Sài Gòn cùng một ngày. Anh và tôi ra đây với chiếc ba lô lép. Còn anh ta thì vét rỗng ruột cả một biệt thự của một đại tá ngụy, thứ thì chuyển ra Bắc bằng xe con "công tác khẩn", thứ thì gửi người bà con buôn to trong đó. Bây giờ, anh ta lại lên lớp về đạo đức cách mạng cho chúng ta. Anh ngồi nghe mà lọt tai ư?".

 

Thí được gửi trả lại nơi anh đã vào tiếp quản và được cử làm hiệu phó một trường trung học giúp bà hiệu trưởng vốn là trưởng ban điều hành nhà trường dưới chế độ cũ. Trong trường, số học sinh từ ngoài Bắc vào theo bố mẹ dần tăng lên. Anh có nhận xét là khá nhiều trong số này không có nề nếp và không chăm ngoan bằng số đông học sinh tại chỗ. Cái phiền là anh đã nói lên điều đó trong nhận định hàng tuần trước toàn trường. Rủi cho anh, có mấy học sinh "con nhà", trong đó có đứa hễ mở mồm là văng tục bị bạn học tẩy chay đã kết bè gây sự đánh nhau và đã bị kỉ luật - nhẹ thôi. Chính anh đã bảo vệ bà hiệu trưởng chống lại sức ép đòi bỏ qua chuyện đó. Không có "sự cố" kia thì "vạ miệng" của Thí cũng đủ bất hạnh rồi. Huống chi nó lại đến tai ông bố của trò nọ. Ông bố ngồi gật gù theo nhịp xỉa răng sau bữa cơm tối, nghe ông con tường thuật một cách hài hước xong, chau mày nói với vợ cũng là một bà làm to: "Giáo viên gì mà ý thức chính trị non quá". Bà vợ khịt mũi: "Non chán đấy! Khéo lại mất cảnh giác". Hôm sau, trong buổi nghe thỉnh thị, báo cáo gì đó, ông ta chỉ cần "nhân tiện nói thêm" về một số vấn đề "đáng quan tâm" cũng đủ để các bộ phận khoa giáo, an ninh phải động. Thí được mời lên ăn ở tại một phòng "dành riêng" của tổ chức để bình tâm mà viết "tường trình" sự việc. Coi đây là một dịp để đề đạt những suy nghĩ hằng nung nấu về chiều hướng xấu của chất lượng giáo dục, anh sử dụng gần như toàn bộ luận chứng của một luận văn mà anh đã bỏ ra gần một năm thời giờ rảnh hiếm hoi để viết, định gửi cho tạp chí "Nghiên cứu giáo dục" (Giá anh biết được cái việc "nghiên" ấy chưa hề "cứu" được cái gì!). Nhưng người ta chẳng quan tâm điều anh đã nói ở trường đúng hay sai mà hỏi những chuyện khác hẳn, chủ yếu xoay quanh việc ông chú anh trốn  sang Mĩ sau ngày giải phóng và quan hệ giữa anh và bà hiệu trưởng độc thân. Bà này hơn anh năm tuổi, sống với một người cháu gái trong một biệt thự khá sang mà anh chưa một lần bước chân vào. Chuyện có cơ xé ra to. May thay! Các vị cha mẹ học sinh nọ được đề bạt lên trung ương. Người ta bèn nhãng chuyện Thí, bởi xét cho cùng, nhận định của anh chỉ khó nghe thôi chứ chẳng đụng mảy may đến cái ghế và cái thế làm ăn của một ai cả.

 

Anh xin trở về Bắc. Người ta không khoái nhận lại anh lắm. Anh tự nguyện làm một giáo viên thường. Và anh được cử về trường do ai lãnh đạo các bạn có đoán ra không? Chính là nhân vật "cô" trong thiên truyện bỏ dở của anh. Thiên truyện của anh thì bỏ dở mà chuyện đời cứ vần xoay. Muốn viết tiếp "tiểu thuyết của cuộc đời" hẳn phải sửa sang lại nhiều thứ. Cô giáo non trẻ không đáng tin về chính trị vì "yêu đương lãng mạn" ngày nào giờ đây là bà hiệu trưởng già dặn một trường trung học trọng điểm được cấp trên ưa. Buổi anh trình diện nhậm chức diễn ra hoàn toàn hợp với "tinh thần đồng chí đồng nghiệp". Giữa hai người là mặt bàn nhẵn lì, chủ nhân đã gạt sang bên mọi sổ sách, giấy tờ và đặt lên đó một tách nước hình như không được nóng lắm. Anh nhắc đến kỉ niệm về một người bạn chung đã khuất của hai người, nhưng cô, à bà, nhíu mãi trán mà chẳng nhớ ra. Anh bèn chủ động thôi các câu giao đãi. Chẳng có gì oái oăm cả đâu. Trong bộ não con người đâu có góc nhớ của bộ óc điện tử. Mà nếu có thì nó mang "chất người" chứ không phải "chất máy". Máy không biết linh hoạt như người, không biết khi nào thì cần viện dẫn quá khứ, khi nào thì nên xóa toẹt đi.

 

Dạo ấy, tôi ít gặp Thí. Tôi được "vinh thăng" nhiều nhiều. Nếu gặp anh luôn, tôi ngại sẽ hết chuyện để nói. Hôm anh cưới vợ, tôi có được mời. Anh lấy một cô kĩ sư, học trò cũ của anh. Ngày trước, cô đã rất mến anh, nhưng anh không bước qua ranh giới. Cô gặp lại anh khi về nước và nhận công tác gần chỗ anh. Thí được một bạn đời chân chất và đôn hậu. Song chẳng bao lâu, anh phải mang một nỗi khổ tâm: bà vợ nhìn nhận cuộc đời quá ư đơn giản. Một cách bất tự giác, bà muốn truyền cho chồng triết lí thỏa hiệp. Chẳng biết có lúc nào bà tự hỏi: Nếu chồng bà luôn luôn "ngoan ngoãn với cuộc đời" thì hồi xưa bà có "thương" được hay không?

 

Tôi vẫn không quên cái mộng văn chương của Thí. Tôi nhớ tới nó với cái cười thầm khoái chí, song cũng thương hại bạn. Tội nghiệp hắn ta! Giá vào thời văn chương tư sản thì có khi hắn vớ to. Đời hắn toàn bị kịch. Tôi tưởng vậy. Hắn yêu cũng lẩm cẩm. Trong cuộc tình của Thí năm xưa, tôi cứ đinh ninh là anh bị "một cú chân guốc sút tung lưới". Con người ấy thuộc tạng người cạn nghĩ, ít hiểu đời, không biết cách sống, lạc lõng ngay đối với người vợ yêu thương. Cái nghiệp của hắn, nói mạn phép cụ Nguyễn Du, xem ra "ở không yên ổn, ngồi không vững vàng". Tôi tự hài lòng mình và tự hào về mình.

 

Mấy năm sau, vận may không cười với tôi nữa. Những bạn cánh hẩu lần lượt quay lưng lại khi tôi vấp với một cấp trên quyền thế. Cái thang lợi và danh, nó cũng hẹp và khúc mắc. Leo mà không biết đội, chen và huých thì có ngày lộn cổ. Tôi chồn chân và cũng dẫn tỉnh ngộ ra: Tim mình chưa đủ lạnh, óc mình chưa đủ đen để bon chen. Tôi muốn yên phận và mới thấy rằng sống như Thí chẳng dễ chút nào. Tôi năng đến với anh. Và anh như không hề biết đến cái cao ngạo của tôi những lúc nào đó. Chẳng phải vì anh có ít bạn thân. Có quá nhiều bạn thân thì có khi chẳng thật sự thân với ai theo đúng nghĩa của từ đó cả. Dù rất quí anh, tôi vẫn nghĩ tiếc cho anh. Anh có khả năng, có chí, có lòng. Anh không thức thời chăng? Có lẽ anh ngây thơ. Hình như người trung thực nào cũng có chút ngây thơ. Và cả tin, có khi cả nể nữa. Thế giới này hẳn sẽ buồn đi biết mấy nếu không có những người ngây thơ và cả tin. Tôi mơ hồ cảm thấy anh vừa cả tin, vừa cố chấp, ngay trong tình yêu. Có phải vậy không? Nhưng mà thôi!

 

Giờ đây, con người ấy chẳng cần gì những suy đoán, những đánh giá của tôi. Cũng như trước đây, những suy đoán, những đánh giá theo thói thường ít bận đến anh.

 

Giữ cho "mình vẫn là mình", cái ấy đắt giá làm sao, mà lại vô nghĩa lí làm sao!

Tôi ra chốn cũ. Sau chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ, vườn hoa được sửa sang tạm bợ trong khi chờ qui hoạch hoàn chỉnh mở mang thị xã. Một thời, đó vẫn là nơi tình tự lứa đôi. Dăm năm trở lại đây, chốn ấy không còn an toàn vào ban đêm, ngay cả khi chiều vắng, nên trở thành hoang lạnh. Cái ghế thân thuộc của bạn tôi xưa kia vẫn còn đó, lưng bị sứt và chân bị lún sâu trong cỏ, phơi ra dưới ánh trăng. Không còn những bụi chuối. Không một ngọn đèn điện. Tôi ghé ngồi xuống ghế đá muốn mường tượng ra bóng dáng bạn ngồi trầm tư nơi đây ngày nào mà không sao hình dung nổi. Bởi kí ức về bạn cứ loang loáng như ánh trăng trên mặt hồ kia.

 

Nếu ông còn có thể nghe được lời tôi, liệu tôi có nỡ và dám nói với ông: "Dù sao thì anh cũng hơi gàn. Làm gì mà cứ phải loay hoay với tiểu thuyết của cuộc đời. Các tấn kịch chưa đủ sao?". Nghĩ đến đây, tôi giật mình. Tôi có tham gia vào vở bi kịch đời nào không? Hài kịch nữa? Bỗng dưng tôi thấy thương mình vô hạn, rồi tại tự giận mình. Bạn có thấu hay chăng?./.

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2078
Ngày đăng: 08.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải cứu nàng ma nơ canh - Nguyễn Hiếu
Một Câu Chuyện Tình - Trần Minh Nguyệt
Gãy cánh uyên ương-1 - Kahlil Gibran
Gãy cánh uyên ương-2 - Kahlil Gibran
Cô Dâu Gặp Nạn - Đỗ Ngọc Thạch
Nhạc Mơ - Yến Lan
Thần Kim Quy Chưa Chết - Nguyễn Viện
Về một buổi chiều ở bờ biển cực nam - Lữ Kiều
Vua và thằng ăn cắp - Nguyễn Hiếu
Dây Mơ - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)