Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.761
 
Nghĩ Gì..?
Phạm Tấn Dũng

Nhắc đến nhà thơ Phùng tấn Đông Quảng Nam chắc hẳn bè bạn rãi rác khắp nơi trong cả nuớc đều đôi lần gặp gỡ ...nhất là dân văn nghệ “Quảng Nôm” chẳng ai lạ lẫm gì nhà thơ này với ánh nhìn sắc lẽm, nửa đùa nửa thật như muốn bạn bè “hiện nguyên hình nguyên khổ” cho dù rất thân tình... và đầy sự chia xẻ ...

Ở tạng thế hệ 6x không mấy người... kể cả thế hệ 8x cũng chỉ vài... Là tôi muốn nói đến khả năng thẩm định của con người nhiều tố chất đất Quảng Nam...

Phùng Tấn Đông là hình mẫu của người làm văn nghệ luôn có cái tra vấn thường trực của người sáng tác... Hơn thế nữa, theo tôi, anh là người có không ít trách nhiệm thực thụ và nghiêm túc đối với Văn học Nghệ thuật Quảng Nam...

Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết anh đem chuông đi “rung” xứ người bằng cái “do dự nhận định về thi ca” trong bối cảnh hiện tại của thơ Việt... Nhưng trong khi đó anh em văn nghệ Quảng Nam ít được dịp chia xẻ và trao đổi trong lĩnh vực này...

Thật vậy, đã cầm bút thì ai mà không muốn đặt câu hỏi “ Thơ đến từ đâu ?” nhất là câu hỏi ấy nói theo Phùng Tấn Đông là vẫn không cũ và muôn đời không thể cũ....

Để hiểu thêm thế nào về thơ...hiểu thêm sự do dự trong nhận định ...Tôi xin trích nguyên tham luận của anh tại đất Huế “NGHĨ GÌ NÓI NẤY”nhân hội thảo “Thơ đến từ đâu” tại fetival Huế 2010... đồng thời mong được chia sẻ với anh em văn nghệ Quảng Nam về đề tài này ,về hình thái tư duy ,Các trào lưu Thơ... ,Thơ đến từ đâu ? Có phải Thơ không ?Thơ trẻ hậu đổi mới ,thơ Tân hình thức...và về một trong những môi trường hấp thụ..  

 

PHẠM TẤN DŨNG

 

 

( THAM LUẬN CỦA PHÙNG TÂN ĐÔNG)

 

Nghĩ gì nói nấy…

 

Trước khi đến với buổi tọa đàm này, một vài người bạn và tôi băn khoăn về tính chất của cuộc bàn thảo. Nếu là một buổi tọa đàm, trao đổi, không nặng tính học thuật (nghiêm trọng hay mẫu mực) thì việc viết một tham luận (hay một văn bản có tính học thuật) e rằng to tát quá. Thôi thì tạm chọn cái tựa “Nghĩ gì nói nấy…” theo gợi ý chủ đề “Thơ đến từ đâu?” (cũng là tựa tập sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng) của ban tổ chức. Trong chừng mực sự hiểu biết của mình, việc bày tỏ ý kiến trong buổi tọa đàm này là một hân hạnh và như vậy rất mong được sự quan tâm chia sẻ của quý vị và các bạn.

Đặt trong bối cảnh hiện tại – ngày hôm nay – câu hỏi “Thơ đến từ đâu?” vẫn không cũ, không bao giờ cũ. Đó là tra vấn thường trực của người sáng tác, người tiếp nhận, có gì đó như con người thường truy cầu ý nghĩa hiện hữu của mình trong thế giới này, đại loại “ta là ai?, ta từ đâu đến? đến để làm chi?”. Vấn đề không cũ huống hồ trong tình cảnh thơ Việt hôm nay “đang có vấn đề”… Chúng tôi không dám kết luận là “khủng hoảng về mặt bản thể” nhưng việc hiểu thế nào là thơ đang là việc khá bức xúc. Thơ trẻ hậu đổi mới – nhất là lối tân hình thức – như “thể tám chữ mang giọng kể là thi pháp tự nhiên của đời thường (tính truyện) sử dụng kỹ thuật vắt dòng (enjambment), đọc liên tục từ dòng (line) này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ (như nhạc Rap) để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách” (1) có phải là thơ không? Thơ giễu nhại, thơ rác “ngoài luồng” có phải là thơ không? Một số tập thơ của các giải thơ tư nhân như Lá Trầu, Bách Việt “đọc không hiểu” có phải là thơ không?...

Nhớ lại những năm đầu đổi mới, sinh viên chúng tôi từng tròn xoe mắt thán phục phát kiến của giáo sư Phan Ngọc khi ông định nghĩa về thơ, rằng thơ là “một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này”, ông cũng giải thích “trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế”, đồng thời ông cũng nhắc đến “sự đối lập thích đáng giữa thơ và văn xuôi”(2). Một thời gian sau, thật hiếm hoi, tác giả trẻ, nhà phê bình Ngô Tự Lập đã phản bác về định nghĩa ấy, rằng như thế là chưa đủ, chưa xác lập hệ tiêu chí đặc trưng để phân biệt được thơ là thơ và đâu là chỗ thơ khác với các thể loại kể cả tiểu thuyết. Cho đến hôm nay, một trong những điểm quan trọng nhất trong lý thuyết của F. Saussure mà chúng tôi học trong nhà trường – là sự phân biệt giữa hành ngôn (parole) tức hành vi nói trong thực tiễn và ngôn ngữ (langue), tức một hệ thống khách quan chung cho mọi thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ - xuất phát điểm quan niệm phân biệt, đối lập ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ phi văn học vẫn là chỗ dựa “vững chắc”  của những công trình nghiên cứu thi pháp trong nước hiện tại, mặc cho những năm 30 của thế kỷ trước, Medvedev và Bakhtin đã cho rằng sự đối lập ấy là “ảo tưởng” bởi “một phát ngôn sơ đẳng, một biểu đạt đúng mực nhất vẫn có thể được tiếp nhận một cách nghệ thuật. Thậm chí một từ độc lập cũng có thể được tiếp nhận như một phát ngôn thi ca, có điều, dĩ nhiên, ở những tình huống trong đó nó liên hệ với một bối cảnh cụ thể và được gán cho một chủ đề hay các yếu tố khác”(3).

Nếu hiểu để khoan dung, để “hội nhập và phát triển” như slogan của Festival Huế 2010 thì việc tranh luận bài thơ Con Cóc là bài thơ hay nhất viết về cái dở hay một bài dở mẫu mực, dở tệ để phân biệt với thơ hay, cả hai đều có cái lý của nó. Trong bối cảnh thông tin “toàn cầu hóa” như hiện nay, sự phát triển đa dạng của thơ ca khiến cho”định nghĩa” về thơ luôn luôn được bổ sung, luôn luôn được “triển hạn” trước những khế ước hình thức đã xơ cứng, đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” , một “thành tựu kéo dài có nguy cơ bảo thủ”… Nhận định của Medvedev, Bakhtin vì thế theo chúng tôi vẫn mang tính “thời sự nóng hổi” đối với việc nhận diện thơ hôm nay, vì nói như J. Hillis “thơ là mọi khối kết hợp từ ngữ, được đánh dấu bởi sự lặp đi lặp lại về nhịp điệu, về âm thanh và được in theo một kiểu kỳ lạ hoặc quy ước, liên tiếp xuống dòng, với những khoảng trống…(4). Nhắc lại những vấn đề học thuật như trên chúng tôi chỉ mong muốn có một cái nhìn góp về việc nhận diện thơ Việt trong nước hôm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến các địa phương (dù cho đến hôm nay nhiều người viết vẫn ảo tưởng rằng “thơ trung ương” mang “tính chuyên nghiệp”  hơn các địa phương và cái quan niệm trung tâm và phi trung tâm này Inrasara đã đề cập), rằng thơ hôm nay vẫn trong bầu khí quyển của quan niệm về ngữ pháp, ngữ nghĩa cũ (mà một trong những ngón nghề tủ của quan niệm này là các thao tác tổ chức câu chữ tạo cú sốc về mặt ý nghĩa, lộng lẫy “tầng tầng lớp lớp” nghĩa hay đạt đến độ nhòe mờ, bất định…trong sự phân biệt giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ văn chương). Câu chuyện còn dài này xin dành cho các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, có điều, chúng tôi thấy – như một “ẩn ức xã hội” trong tiếp nhận – không thể kéo dài mãi một cung cách như thế. Đã nhiều người viết lên tiếng về không khí tiểu nông, nhịp điệu mùa thu, sự ngưng đọng đến mòn nhàm của thơ hôm nay, đó có thể là một giọng điệu trịnh trọng, nghiêm cẩn (nhưng rất đáng ngờ) có thể là những câu chữ tạo dáng làm ra vẻ nghiệm sinh với một ít triết lý vụn “chống tha hóa về mặt tinh thần” hoặc giả là một nhịp quân hành đầy tính lên gân, khẳng định vẻ đoan chính về mặt tinh thần…v.v…Phía khác thơ của những người viết trẻ, đầy ắp chất liệu đời thường, cực thực và giễu nhại, tạo những đột biến không những về mặt ý nghĩa mà còn tạo sự đột biến về mặt hình ảnh (chúng tôi chia sẻ với sự đọc thơ trên mạng của Phạm Xuân Nguyên rằng có thể đến một lúc nào đó người đọc sẽ đọc thơ 3D) về không gian (nhiều những cảnh giới thơ), về nhịp, về kiến trúc hình ảnh câu thơ, bài thơ… và nhiều thể dạng thông tin mới như sắp đặt, trình diễn (chúng tôi chia sẻ với quan niệm thơ là phù du, hư ảo để chống lại cái quan niệm thơ là vĩnh cửu…). Rất tiếc, phần lớn các nhà phê bình đều im lặng với thơ trẻ, một số nhân danh truyền thống, “bản sắc dân tộc”, quy kết các tác giả trẻ là lai căng, học đòi, là bọn mất dạy và nhiều, thật nhiều những quy kết “phi văn học”. Nếu nói theo kiểu cái gì tồn tại là hợp lý và ngược lại thì theo chúng tôi mọi hiện tượng văn học cần phải được mổ xẻ và phân tích thấu đáo để đỡ phải vất vả trên lộ trình hội nhập với thế giới vì hơn lúc nào hết chúng ta cùng chia sẻ rằng những giá trị truyền thống không phải bất biến mà phải “tiếp biến” để phát triển. Trong các hiện tượng thơ trẻ cũng đã dần hiển lộ những điều quan ngại như thơ hậu đổi mới, thơ “hậu hiện đại” cũng có nguy cơ trở thành một “đại tự sự”, nguy cơ toàn trị với quan niệm “người đọc tinh tuyển” (chúng tôi chia sẻ nhận định rằng thơ trẻ hôm nay và trong tương lai là thơ của những người có học vấn cao, nhưng, quan niệm những người không thích “hậu hiện đại” là những người tầm thường thì phải coi lại), một sự giễu nhại tất tần tật mọi thứ khiến tiếng nói của thơ trước hết mắc “lỗi kết nối” với người tiếp nhận (mà trước hết với chính người sáng tác) dẫu có thể đó là trò chơi vô tăm tích, phù ảo, “tiêu dùng” và vứt…

Thơ trẻ hôm nay hiện diện khá đa dạng cách thế thông tin, đề cập đến nhiều những vấn đề nhân sinh hiện tại như thơ đô thị (nhận định của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến), thơ sinh thái, môi trường, thơ về những vấn đề toàn cầu… Nhiều nhà nghiên cứu chọn con đường khá an toàn để góp phần “định hướng” thơ hôm nay đó là hướng đến một chủ nghĩa cổ điển mới, tân cổ điển. Liệu đó có phải là một sản phẩm tích hợp quan niệm thi pháp truyền thống và các giá trị hiện đại/ hậu hiện đại của thơ hay không giữa bao nhiêu trì níu đầy hệ lụy không những của người viết mà còn là của con người hôm nay như nhà thơ trẻ Như Huy đề cập:

Quả vậy, thi sĩ, nhiệm vụ của anh chỉ là: Sống – Vào- Những – Thời – Mỏi – Mệt

Thời của những độ chênh kinh hoảng

Độ chênh kinh hoảng của các định nghĩa khác nhau về không gian và lịch sử

Độ chênh kinh hoảng của các cắt nghĩa khác nhau, dẫu chỉ về một ngón tay buông hờ hay về một con dao rọc giấy nhỏ

Độ chênh kinh hoảng trong các nỗ lực của ngôn ngữ, luôn đuối sức, song cũng luôn gắng gượng rướn mình vào hiện thực

Độ chênh kinh hoảng của những thái độ đã mãi mãi mất đi mọi tham chiếu.

(Sống- vào- những – thời – mỏi – mệt)

Có lẽ chúng ta cùng tham chiếu một đề nghị diễn tả về nghệ thuật của Robert Irwin, rằng nghệ thuật trong đó có thơ là “một khảo sát liên tiếp vào nhận thức tri giác của chúng ta và là một nới rộng liên tiếp cho nhận thức của chúng ta về thế giới chung quanh”(5).

Cuối cùng xin cám ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe với tất cả sự do dự của chúng tôi trong nhận định, nói như câu thơ của Bảo Sinh “Suốt đời nghĩ mãi không ra/ Đến khi nghĩ được người ta nghĩ rồi”.

 

Chú thích:

1: Khế Iêm – Tân hình thức, tứ khúc và những tiểu luận khác – Văn mới (Hoa Kỳ) xuất bản, 2003, tr12 và xem thêm “Thơ không vần – tuyển tập Tân hình thức – nhà xuất bản Tân hình thức (Hoa Kỳ) xuất bản 2006 (Khế Iêm chủ biên).

2: Phan Ngọc – Thơ là gì, trong “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học”, Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh, 2000, Tr.29

3: Dẫn theo Ngô Tự Lập – Hàn thử biểu tâm hồn - NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2008, tr.107

4: J.Hillis Miller – trong “Deconstruction and a Poem” -  dẫn theo Ngô Tự Lập sđd… trong 35.

5: Dẫn theo Cynthia Freeland- Thế mà là nghệ thuật ư ? (Như Huy dịch) – NXB Tri Thức Hà Nội 2009 trang 324.

 

Phạm Tấn Dũng
Số lần đọc: 2443
Ngày đăng: 16.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ Về Tính Mênh Mông Trời Đất, Tính Cục Diện Thế Sự,Tính Vô Thường Của Cấu Tạo Vật Chất - Trần Văn Nam
Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế - 1 - Nguyễn Cung Thông
Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế - 2 - Nguyễn Cung Thông
Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua - Đỗ Quyên
Huyền Ảo Do Tương Phản - Trần Văn Nam
Những Thành Tựu Văn Xuôi Phú Yên Qua Các Tác Phẩm Đoạt Giải Cấp Quốc Gia - Phạm Ngọc Hiền
Vận Mệnh Thơ Như Con Người - Hoàng Vũ Thuật
Thơ Giai Đoạn, Thơ Ngàn Năm - Trần Văn Nam
Cần Dứt Khoát Đổi Mới Tổ Chức Hội - Bùi Minh Quốc
Cánh Đồng Bất Tận - Từ Góc Nhìn Phân Tâm Học - Hoàng Đăng Khoa