Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.158
123.224.664
 
Rộn ràng hoa trái miền Nam
Vi Ái Dân

Kể từ lúc học giả Trương Vĩnh Ký du nhập từ Malaysia chiếc áo bà ba và một số giống cây mới như măng cụt, chôm chôm, bòn bon... vào đất Cái Mơn (Bến Tre) quê hương ông từ đầu thế kỷ trước. Đến nay, vào những năm đầu của thế kỷ 21, cây trái miền Nam đã phát triển vượt bực với đủ loại từ giống bản địa đến lai giống từ nước ngoài. Việc thu hoạch không còn chính vụ mà cả trái vụ cũng đem lại hiệu quả cao. Nhiều loại cây trái cho thu hoạch quanh năm. Trong thời kinh tế mở cửa, thị trường hoa trái miền Nam thêm sôi động. Nhất là khi phần đông các nhà vườn hiện nay thi nhau lên mạng với các trang web giới thiệu sản phẩm thương hiệu mình ra các nước trên thế giới.

 

Nhân dịp Xuân về Tết đến, trong phạm vi bài viết này chỉ xin tản mạn đôi điều về hai loại trái

cây quen thuộc ở miền Nam thường có mặt trong mâm ngũ quả chưng bàn thờ trong ngày Tết. Đó là bưởi và xoài.

 

Bưởi thì cả miền Tây và miền Đông Nam Bộ đều có với rất nhiều loại. Nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì bưởi Năm Roi là nổi tiếng nhất vì quả to, múi dài, tép mọng nước, vị ngọt thanh. Về tên gọi Năm Roi chưa ai giải thích chính xác, chỉ biết nguồn gốc xuất phát từ huyện Bình Minh (trước đây thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Tạm thời có hai giả thuyết thường được nhắc đến. Một là có người nông dân tên Năm Roi đem giống bưởi từ nơi khác đến cho lai giống với bưởi địa phương, tạo nên một loại bưởi đặc biệt. Hai là có một người quê ở Bình Minh trồng được giống bưởi tốt nên luôn canh giữ kỹ, lúc nào cũng thủ cây roi dài và dọa đám trẻ con trong xóm: “Đứa nào vô vườn hái bưởi, tao sẽ phạt đánh đòn 5 roi”.

 

Ở miền Đông Nam Bộ, bưởi cũng không chịu thua kém về chủng loại. Nào là bưởi Mỹ Quới, Lò Lu, Bình Lâm, Bình Sơn, Tân Triều, bưởi dây Long Thành. Các loại bưởi ở Biên Hòa da láng, tép khô, ít nước, ngọt thanh. Nhưng ngon nhất là bưởi Tân Triều, còn gọi là bưởi ổi, được mệnh danh là hoàng hậu trong các loại bưởi. Loại bưởi này chỉ to bằng trái bình bát lớn, khi còn xanh thì da ánh lên màu ngọc, khi chín vàng màu tựa mật ong, tỏa mùi thơm khắp vườn. Trái bưởi Tân Triều có núm cao, giống như trái lê lớn. Khi hái, nếu lỡ tuột khỏi tay, rơi xuống đất vẫn không dập hay trầy vỏ. Bưởi Tân Triều có thể để từ Tết Nguyên đán đến tháng ba, tháng tư. Tuy vậy, trồng bưởi Tân Triều đòi hỏi phải có tay nghề, phải là người mát tay mới trồng được thứ bưởi hoàng hậu này.

 

Đối với người miền Nam, trái bưởi có vị trí quan trọng trên mâm ngũ quả. Trong ba ngày Tết Nguyên đán, trên bàn thờ bao giờ cũng chưng mâm ngũ quả và vị trí chính giữa là để đặt trái bưởi. Và nếu có được trái bưởi Năm Roi hay bưởi Tân Triều thì càng sang trọng. Người ta còn dùng bưởi (một cặp hoặc hai cặp) để tặng thông gia, biếu hoặc chúc thọ những người cao tuổi. Trên trái bưởi người ta thường dán giấy đỏ in nhũ vàng các chữ “Đại Cát, Phước, Lộc, Thọ, Khang, Ninh” để cầu chúc sự may mắn.

 

Riêng đối với dân biết nhậu thì vẫn thích loại bưởi dây Long Thành vì có vị chua rất bắt rượu.

Chỉ cần bổ trái bưởi ra, tách múi thật khéo, kèm theo một chén muối ớt hoặc mắm ruốc để chấm thì còn gì bằng. Anh nào khéo tay, thích chế biến thì có thể lấy múi bưởi trộn với da heo cùng với đu đủ ương, lá rau răm, lá quế... để làm thành món gỏi thì tuyệt.

 

Nói chung ở miền Nam, bưởi được chế biến rất nhiều món đặc sản như: mứt bưởi, chè bưởi, nem bưởi... Những món chỉ cần ta thưởng thức một lần sẽ không bao giờ quên hương vị của nó. Nhưng độc đáo nhất có lẽ là món bánh canh bưởi. Đây là một món có từ xưa, từ thuở ông cha ta đi mở đất phương Nam cách đây hơn 300 năm. Trong các lễ giỗ tổ các dòng họ lớn, người ta thường làm món canh bưởi để tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Cách chế biến món này như sau: lấy vỏ bưởi, sau khi gọt sạch hết lớp vỏ xanh ngoài cùng, thái thành sợi dài, đem ngâm với nước vôi rồi nước muối, xả thật sạch, cho vào nồi luộc. Vớt ra trông như bánh canh chính cống, đem nấu với xương heo, xương gà ninh nhừ. Khi múc ra tô, ra chén cho thêm thịt

nạc, giò heo, gia vị hành ngò... trông thật bắt mắt. Món bánh canh bưởi độc đáo này thể hiện tình cảm chung thủy gắn bó của thế hệ người xưa đi khai hoang mở đất đầy gian lao vất vả, đã trở thành câu ca dao truyền tụng đến bây giờ:

 

“Bưởi em đem nấu bánh canh

Là tình em giữ với anh bạc đầu”

 

Còn xoài thì ở miền Nam cũng rất nhiều loại, nhưng chưa thứ xoài nào qua mặt được xoài cát Hòa Lộc. Loại xoài này đã có hàng trăm năm nhưng đến nay chất lượng vẫn không hề thay đổi. Quả xoài to, dài. Khi đang xanh trái lúc lỉu, bung mùi thơm nhẹ tựa mùi chanh, nhưng khi chín vỏ mọng và da mịn, ánh lên màu vàng nhạt. Xoài cát Hòa Lộc có vị thơm, ngọt dịu. Chỉ có đất phù sa pha cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) nằm bên bờ sông Tiền này mới sản sinh được loại xoài đặc biệt này.

 

Hoa trái miền Nam đã rộn ràng ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới. Mừng cho bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc và nhiều thứ hoa trái khác của miền Nam đã được online giới thiệu ra khắp năm châu bốn biển với uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng cao.
Vi Ái Dân
Số lần đọc: 2666
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Cùng một tác giả