Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.250
 
Những Người Làm Chứng
Khải Nguyên

Tặng những trí thức lương thiện

 

Họ ngồi trong phòng trực phân xưởng. Bốn người rải quanh một chiếc bàn lớn: trưởng ban thanh tra Dinh, giám đốc xí nghiệp Văn, quản đốc Kim, đội trưởng Mậu và nữ thư kí công đoàn phân xưởng Tiến. Gần như ngồi nép trong góc phòng trên một chiếc ghế đẩu là nữ kỹ sư Lan. Họ sắp họp xét vụ kỹ sư Đình chống đối và xúc phạm cán bộ cấp trên, theo yêu cầu của nguyên cáo Quang, trưởng phòng chuyên môn của cục.

 

Chuyện vốn chẳng là cái gì cả, như người ta có thể nói, chỉ vì cái tay Đình không biết điều nên mới ra chuyện. Số là lần ấy Quang từ trên cục về thẩm tra và góp ý kiến chỉ đạo việc mở rộng một phân xưởng quan trọng. Việc này yêu cầu thì khẩn trương mà tiến độ thi công lề dề vì nhiều lí do khách quan theo như báo cáo chính thức đã nhấn mạnh. Bước vào giai đoạn kết thúc thì có chuyện khó xử: một tấm bê tông ở vị trí xung yếu bị sai qui cách và kém chất lượng. Chính kỹ sư Đình, người chịu trách nhiệm thi công, đã phát hiện ra và đề nghị huỷ để làm lại. Đây là một công trình nằm trong đồ án thực nghiệm của Bộ. Giám đốc Văn bèn báo cáo lên cục. Cục phái trưởng phòng Quang về xem xét. Quang đến tận nơi đi một vòng ngắm nghía rồi về phòng giám đốc nói với Văn: "Cứ cho làm tiếp đi. Làm lại vừa chậm kế hoạch, vừa tốn công, tốn của Nhà nước". Để lời nói mình thêm sức nặng, anh ta nói cho nghe bằng một giọng rất đỗi tự hào, một chuyện tương tự đã xảy ra trước đây hồi anh ta còn công tác ở thành phố này. Hồi đó, anh ta tham gia xây dựng một trại chăn nuôi qui mô công nghiệp do một nước bạn giúp vốn và kỹ thuật. Một lần, chuyên gia bạn nhận thấy một tấm bê-tông đúc hỏng, yêu cầu đúc lại. Thời kì này, việc làm ăn của chúng ta còn khá suôn sẻ, kế hoạch ít phải điều chỉnh và chưa lắm trường hợp "nghiệm thu ma". Cho nên sự cố nói trên khá là phiền phức. Chỉ huy trưởng công trình bèn xin ý kiến người phụ trách cao nhất của thành phố. Ông cấp trên này ngẫm nghĩ mấy giây rồi khoát tay: "Đưa các đồng chí chuyên gia bạn phiếu nghỉ mát hai tuần ở Tam Đảo, kể từ ngày mai. Chừng ấy ngày đủ cho các cậu chứ gì?". Quang trầm trồ kết thúc câu chuyện: "Thật là một người sắc sảo, kiên quyết mà lại nhạy bén, linh hoạt. Đấy! Mấy chục năm rồi mà công trình kia suy suyển chẳng bao nhiêu. Phải mạnh tay mới được". Với những chứng lí làm vậy ai mà chẳng phải bùi tai! Thế mà cái tay kỹ sư Đình lại không chịu nghe thủng cho. Anh ta dám trực tiếp gặp Quang khi trưởng phòng đang ngồi ngơi tại chính phòng trực phân xưởng này. Quang đã lạnh mặt không muốn tiếp. Đình không chịu rút lui. Vậy là một cuộc to tiếng nổ ra, dữ dội đến nỗi ngay hôm ấy câu chuyện đã lan ra toàn xí nghiệp, và hình như đã bay sang cả các xí nghiệp bạn và lên tận cục. Tất nhiên, câu chuyện càng đi xa thì càng có thêm mắm muối, nói theo ngôn ngữ nhà bếp, hay là được hư cấu thêm, nói theo kiểu sính văn nghệ.

 

Bây giờ thì mấy người đang ngồi đó chờ Quang tới để bắt đầu. Thành phần dự họp khá hạn chế, có chọn lọc, chủ yếu là những người làm chứng. Đình không được mời. Một cán bộ thường sao được dàn mặt đối chất với một cán bộ lãnh đạo! Còn ra cái thể thống gì nữa? Ở đâu không biết, chứ ở nước ta thì tuyệt đối không có cái chuyện kỉ cương điên đảo như vậy. Cuộc họp do trưởng ban thanh tra Dinh chủ trì cốt để tìm hiểu, chuẩn bị cho những nhận định, chủ trương của các bậc lãnh đạo. Còn Đình thì hẳn là sẽ phải trải qua các bước: tự kiểm điểm, tập thể góp ý, vân vân..., rồi nhẹ ra, nhẹ ra thì cũng bị phê bình công khai trong toàn xí nghiệp. Đó là dự kiến khoan dung nhất của trưởng phòng Quang. Quang đã đề nghị trưởng ban thanh tra chủ trì với chủ đích riêng, sau khi đã cân nhắc mọi nhẽ.

 

Gian phòng khá rộng được ngăn ra một khoảng nhỏ bằng một bức vách thấp để làm chỗ hậu cần. Nói hậu cần cho oai, chứ thực ra đó là nơi bà lao công Minh, với cái bếp điện của bà, lo nước nôi cho các cuộc họp. Bà Minh nguyên là công nhân quốc phòng, đã từng là phó thư kí công đoàn của một nhà máy lớn. Sau vì mắt kém dần, bà xin chuyển ngành. Người ta ngần ngại vì khó bố trí công tác cho xứng với công lao và cương vị cũ của bà. Nhưng bà tự nguyện xin làm lao công xí nghiệp này cho gần đứa con ruột.

 

Trong khi chờ đợi, mọi người nói chuyện tào lao. Có hai người hầu như không tham gia: Mậu và Lan. Cô kỹ sư Lan mới ra trường, chưa lập gia đình, chật vật lắm mới xin được về đây. Tuy phải tạm làm một nhân viên "đa năng", nhưng được ở lại thành phố quê hương. Cô là người kín đáo, hơi rụt rè. Mậu trạc ngoài bốn mươi, trước đã là thợ, đi bộ đội sáu năm, được kết nạp đảng ngay trên chiến hào; sau khi xuất ngũ, lại trở về xí nghiệp cũ. Mậu ít sắc sảo, nhưng cần cù, chín chắn, chịu khó học hỏi. Hiện tại, khó mà nói trong con người Mậu chất thợ nhiều hơn hay chất lính nhiều hơn. Dẫu sao, hai chất đó đã không để anh yên, hiểu theo một nghĩa nào đó. Đến dự họp, Mậu vẫn chưa xác định được cho mình ý kiến dứt khoát về sự việc đã xảy ra. Anh thừa nhận Đình có lí. Nhưng "có lí" chưa hẳn đã là "phải". Ấy, sự đời nó vậy! Một quyết định ảnh hưởng đến kế hoạch, đến thành tích thi đua, đụng chạm đến quyền lợi cán bộ, công nhân viên là khá gay go. Mà ít ai dám chắc công trình sẽ hỏng ngay? Xem ra ít người dám ủng hộ Đình. Trong cuộc họp này, liệu những ai có thể bênh vực anh ta? Giám đốc Văn là người cơ trí, cẩn thận, hơi cứng nhắc, biết giữ dây cương cho cỗ xe sự nghiệp của mình đi đúng con đường ít gồ ghề nhất. Trưởng ban thanh tra Dinh từ cán bộ kiểm tra được bầu lên do sự giới thiệu của cấp uỷ. Phương châm của Dinh là xí nghiệp càng ít tai tiếng càng tốt, sao cho ai cũng có phần thưởng là vui vẻ cả. Dinh vẫn tỏ ra thân ái với Đình. Còn quản đốc Kim thì... Mậu nhớ lại lần cách đây mấy năm chiếc cần cẩu do đội anh phụ trách bị cháy mô-tơ. Anh xem xét kỹ thấy vì điện áp tăng đột ngột. Nhưng Quang bấy giờ là phó giám đốc kỹ thuật của xí nghiệp thì cứ một mực cho là vận hành quá tải. Mậu không chịu, chỉ cho Quang thấy tải còn dưới mức tiêu chuẩn, và nêu ra những chứng lí kỹ thuật bảo vệ ý kiến mình. Quang nghiêm mặt, cằm bạnh ra:

- Anh hiểu kỹ thuật không đến nơi đến chốn, lại quan niệm máy móc, hỏng việc là phải. Bên nước bạn là xứ lạnh; bên ta khí hậu nóng ẩm, cần cẩu lại phơi suốt ngày ngoài nắng dễ đến bốn mươi độ thế kia, vậy mà cứ làm hùng hục, gì mà chả cháy!

 

Vừa lúc Kim đi qua. Kim là một kỹ sư vào loại giỏi. Mậu vội kéo Kim đến bên máy chỉ cho xem và trình bày suy nghĩ của mình. Mậu xưa nay vẫn phục Kim về chuyên môn. Kim không biết Mậu và Quang vừa tranh luận với nhau, gật gật đầu:

-Ừ, điện áp hôm nay...

Chợt anh ta liếc thấy Quang sạm mặt lại, vội ngừng câu nói giữa chừng ngửng lên hỏi Quang:

- Anh đã xem chưa?

Quang lạnh lùng.

- Vận hành quá tải, còn phải xem với xét gì nữa.

Kim cũng lại gật gật đầu:

- Có thể, có thể... ừ, mà có khi quá tải thật.

 

Anh ta quay lại, thấy Đình đã đến từ lúc nào, bèn nói thêm:

- Hôm nay điện áp có lúc cao thật, nhưng nếu biết vận hành thì có thể không cháy.

Mậu vốn tự tin, nhưng lúc này đâm ra hoài nghi cả chính mình. Còn Quang thì vội nói nhanh, làm ra vẻ không chú ý đến sự có mặt của Đình:

- Các anh liệu làm tờ trình chi tiết lên ban giám đốc để xử lí.

Nói rồi, anh ta đi ngay. Đình chợt lên tiếng:

- Anh Kim nói nước đôi thế không được, là bất chấp kỹ thuật. Rõ ràng là tại điện áp cao; anh vận hành sao để không cháy nào?

 

Kim tuyên bố tỉnh bơ:

- Việc này phải đưa ra hội đồng kỹ thuật.

Đình cau mày nhìn theo Quang buông một câu:

- Những ông lãnh đạo kém đức mà võ vẽ chuyên môn thì chỉ nhạo báng kỹ thuật, làm khổ cấp dưới. Thà các ông ấy mù tịt, cứ lãnh đạo chung chung lại hay.

Mậu đang đứng trầm ngâm bên máy, bỗng quay lại trừng mắt với Đình:

- Luận điệu phản động.

Đình nhìn Mậu như lạ lẫm rồi lẳng lặng bỏ đi.

 

Lúc này, Kim đang hào hứng nói về chiếc xe gắn máy mới toanh mà anh ta vừa sắm được. Hắn ta là người như thế nào? - Mậu tự hỏi. Bất giác anh muốn nhìn mặt Kim. Anh quay sang và bắt gặp cái nhìn dò hỏi của Tiến.  Anh cảm thấy yên tâm hơn: ít ra sẽ có một tiếng nói phải chăng. Tiến trước đây phụ trách tổ nữ trong đội của Mậu. Anh đã quan tâm dìu dắt Tiến. Đối với Mậu, Tiến tỏ ra chân tình và quí trọng một điều xưng em, hai điều xưng em. Với mọi người, Tiến cũng xử sự rất biết điều. Khi tổ chức gợi ý đề cử Tiến làm thư kí công đoàn phân xưởng do Kim làm quản đốc thì Mậu ủng hộ ngay. Sau khi trúng cử, Tiến hay chăm lo đến sự đoàn kết nội bộ. Hiện tại, Tiến ngồi đây, tươi tỉnh, nhũn nhặn, đón nghe mọi câu nói, biết hưởng ứng rất đúng lúc bằng cái gật đầu, nụ cười hoặc câu đỡ ngắn gọn. Hẳn là Tiến cũng đồng quan điểm với mình trong vụ này, Mậu nghĩ.

 

*

Trưởng phòng Quang có thói quen đến sớm trong các cuộc họp có mặt các nhân vật quan trọng; còn thì anh ta chỉ vừa khít giờ. Hôm nay, khi câu chuyện trong phòng bắt đầu rời rạc thì Quang đĩnh đạc bước vào.

 

Quang là một người khá chững, to con, mặt hồng hào phẳng phiu, cằm bạnh và trơn tru như chưa hề có râu. Quang chẳng phải là loại trưởng phòng xoàng, ít ra là anh ta tự đánh giá thế. Anh ta còn nhòm cái ghế cục phó sắp khuyết nữa kia. Song le, quan niệm thế nào là khả năng thì thiên hạ, nhất là cái đám trí thức táp nham hay tự kiêu, cứ có ý kiến bát nháo. May mà Quang có đức tự tin rất ghê nên chẳng lấy làm điều. Cách đây hơn hai mươi năm, khi không may là người duy nhất bị rớt kì thi lên năm thứ hai đại học hàm thụ, anh ta đã tỉnh ra nhiều. Cái buổi chiều ủ dột một ngày đầu thu ấy, đứng trong hiên nhà ở tập thể vắng lặng của các sinh viên hàm thụ, - mọi người đều đang lên lớp - chờ ngớt mưa để ra tàu về nhà học lại năm đầu, nhìn những đám bong bóng nước phồng lên rồi vỡ ra liên tiếp, anh ta cảm thấy một cách sâu sắc cái bất trắc và bất ưng của con đường học vấn. "Ta cũng phải cố giật cho được mảnh bằng đại học, nhưng đó chỉ là cái cớ, không thể là cứu cánh. Dù các người có học giỏi đến đâu mà thiếu những cái khác thì cũng chỉ có thể làm người thừa hành, chứ khó có thể là người ra lệnh". Quả nhiên rồi anh ta giật được bằng đại học. Cũng quả nhiên, anh ta cởi được cái lốt cán bộ thường khá nhanh, không phải bằng khả năng chuyên môn, nhưng đã có cái vỏ để dẹp mọi điều tiếng. Công bằng mà nói thì Quang là người biết xoay xở. Nhưng, như kỹ sư Đình từng nói trong một cuộc họp có cán bộ cục dự, "giá không có phòng chuyên môn của cục thì các cơ sở cũng chẳng tồi hơn, mà có khi còn đỡ rắc rối". Nói vậy thì có khi oan, bởi lẽ tìm cho ra các nguyên nhân khiến phòng chuyên môn của Quang chẳng có mấy tác dụng rất không dễ, do không muốn hoặc không dám. Quang là người luôn luôn có ý thức về sự quan trọng của mình, của phòng chuyên môn mình phụ trách, do đó tất nhiên ý kiến của Đình không thể lọt lỗ tai. Càng có lí do để Quang nhận định về Đình: một tay "hấp", gai góc, tự cao tự đại, khó tính hay chống đối. Hừ! Đồ "chuyên môn thuần túy"! Những lời lẽ ấy, anh ta có thể phát biểu thoải mái vì chẳng bao giờ Đình được nghe trực tiếp. Khi còn là cán bộ kỹ thuật, Quang vẫn được Đình chỉ vẽ, nên bây giờ đối với Đình, anh ta cũng còn nể và gờm đôi chút. Thảng hoặc gặp Đình thì Quang bao giờ cũng chìa tay trước tỏ ra niềm nở, che hờ cái vẻ hạ cố và giấu kín cái tiềm thức nể gờm. Nhưng nếu có dính chuyện công tác thì Quang chỉ làm việc với lãnh đạo của Đình chứ chẳng bao giờ trao đổi thẳng với Đình. Ấy thế mà "sự cố" vẫn cứ xảy ra. Rõ là tại cái tay Đình lắm chuyện. Càng nghĩ, Quang càng tức. Trưởng phòng vốn nóng tính, đành hay anh ta chẳng nóng với cấp trên trên bao giờ. Một tay kỹ sư quèn mà lại dám làm sượng mặt một trưởng phòng có tầm cỡ của cục thì thật tầm bậy hết chỗ nói!

 

*

Tuy nhiên, sự thực như thế nào thì cũng khó mà biết rõ ngay được. Những người có mặt lúc đó chẳng phải ai cũng quan tâm ngay từ đầu. Còn những người có theo dõi mọi diễn biến của cuộc xung đột thì mỗi người có một góc độ để nhìn, nghe và nghĩ, rồi nói ra hoặc để bụng theo cái góc độ nhìn, nghe và nghĩ ấy. Dư luận thì lắm vẻ. Số đông lấy đó làm một dịp để đàm tiếu quanh ấm chè, và ngay cả nơi làm việc, nặng nề chê bai, hết cái "gàn" của Đình đến cái hách của Quang. Cũng có người dẫn ra những chuyện lên mặt, lạm quyền, tư túi của Quang để họa thêm, nhưng khi người ta hỏi lại thì vội vàng chối phắt. Riêng những người trực tiếp xây dựng thì hầu hết không bằng lòng Đình, mặc dù họ cảm nhận được đó là chuyện nghiêm túc. Điều ấy cũng dễ hiểu: ai lại muốn thêm việc, nhất là muốn món tiền thưởng bị đụng chạm? Do vậy, chuyện bất hòa giữa Đình và Quang được họ phóng tác lại trên cái nền tâm trạng ấy. Lạ một điều là ít ai bàn tán đến những cái mà Đình đang cố bảo vệ. Có lẽ họ không thật rõ chuyện chăng?

 

Thế thì những ai thực sự rõ chuyện? Cũng nhiêu khê lắm kia! Đến như kỹ sư Lan cả buổi hôm ấy ngồi đọc tài liệu tại nơi xảy ra sự việc mà có lúc tưởng đâu mình chẳng biết gì cả. Ngay buổi chiều hôm đó, Lan đi qua căng-tin phân xưởng thì bị một người gọi lại:

- Này! Cô biết chuyện chưa? Ông Đình hôm nay nhổ vào mặt tay Quang đấy.

- Thế ạ! Lan đã nhếch môi cười, nhưng rồi giữ được.

- Chứ còn gì nữa! Lúc ấy, tôi ở ngay trước cửa phòng. Thằng cha Quang cứ muốn trương quyền uy ra, bị một vố nhá. Đáng đời? Nhỉ, anh Kim nhỉ?

 

Bây giờ Lan mới để ý thấy Kim ngồi cùng bàn uống bia hơi với người vừa nói. Hẳn là người này đang chiêu đãi Kim. Kim mủm mỉm cười, gật gật đầu.  Vừa lúc, một người xồng xộc đi vào:

- Ông bạn vừa nói tay Đình phỏng? Phải, thật tay ấy chẳng coi ai ra gì.

- Có ra gì thì mới coi ra gì được chứ.

- Ông Quang quát tay Đình dốt nát là đáng quá đi rồi. Chính tai tôi nghe thấy.

- Bậy! Ông Đình quát thằng Quang thì có. "Anh vừa dốt, vừa nát mà cứ lên mặt cha bố người ta". Ha, ha! Vừa dốt lại vừa nát. Đúng quá đi mất! Xoáy vào tim đen nhá! Ha, ha!

- Bởi thế mới xơi một quả tống của ông Quang vào cằm.

Xế bên, một cậu thanh niên đang hoa tay minh họa cho lời nói:

- Ông Đình và ông Quang "uýnh" nhau trên mười hiệp. Ông Đình nhỏ con hơn mà hai bên bất phân thắng phụ. Ông giám đốc cầm còi mà suýt rơi cả…

 

Bỗng anh ta im bặt. Văn vừa đi đến. Văn đã nghe các câu nói trên, song anh chau mặt từ từ quay gót, Văn có chỗ để không ưa Quang. Văn xuất thân cán bộ đoàn và thuộc loại giám đốc hiếm hoi không có bằng đại học về chuyên môn còn trụ được đến bây giờ. Trên tín nhiệm Văn là người "đoàn kết nội bộ được". Quang hơi coi thường Văn, tuy không lộ liễu, nhưng hay đưa những vấn đề kỹ thuật ra trộ khéo. Hừ! Cái thằng ấy cứ cậy mảnh bằng đại học. Ai còn lạ gì "dốt chuyên tu, ngu tại chức" nữa kia chứ! Bực thì nghĩ vậy, chứ Văn cũng biết có người chỉ học hàm thụ thôi mà lắm kỹ sư học chính qui theo còn mệt. Nhưng Văn cũng chẳng khoái Đình. Đình là người không biết "Dạ, thưa anh" với bất cứ cấp trên nào. Chuyện ấy kể cũng chương chướng. Mà thôi! Lâu rồi cũng quen đi. Đình thuộc loại cán bộ đã nhận việc là làm nhiệt tình, có sáng kiến, nhất là có lương tâm. Song giao việc cho Đình cũng lắm khi bực mình, vì Đình hay hỏi đi hỏi lại, đề xuất này nọ hoặc thắc mắc kia khác. Hừm! Việc của anh là chấp hành thì cứ lo mà làm đi đã. Lắm ý kiến, đến là nhiễu sự! Đình lại thiếu "tế nhị". Xưa nay, tỏ ra thông hiểu hơn cấp trên là điều tối kị. Người "biết sống" bao giờ cũng lựa lúc và nơi mà phô hay không phô cái sắc sảo của mình ra. Anh chàng Đình quả là quan niệm cuộc đời đơn giản quá! Văn chẳng có lí do gì để ưu ái Đình, cũng khó có lí do gì để trù dập Đình. Để tỏ ra công bằng, cũng có khi Văn nói tốt về Đình, song nói vào những lúc vô thưởng, vô phạt; vô thưởng cho Đình và vô phạt cho mình. Về chuyện va chạm giữa Đình và Quang, Văn nghĩ ngay: một là, phải khoanh vùng lại, không để gây ra phiền phức thêm; hai là, đây không chỉ là chuyện cá nhân một tay Quang nào đó mà còn là chuyện bảo vệ kỉ cương; ba là, chính tính cách của Đình sẽ phản anh ta, ai cũng sẽ yên trí phần chắc là lỗi tại Đình rồi; bốn là, công việc là công việc. Những suy nghĩ ấy ít nhiều chi phối cách tìm hiểu và hướng giải quyết của Văn. Chúng giúp anh ta vững tâm giữa các luồng dư luận có khi rất trái nhau, nhưng đồng thời cũng ngăn anh đi vào cái lõi của vấn đề.

Cái lõi của vấn đề! Với Đình, nó như cái lõi bút chì. Với Quang, nó như cái lõi củ sắn luộc.

Sau cuộc "đụng độ", Đình mải lo tìm phương án thi công sao cho việc chờ quyết định về khối bê-tông hẩm hiu kia không làm đình trệ công việc.  Còn Quang thì, trái với ý nghĩ nhiều người, càng năng tạo cớ để về xí nghiệp hỏi han việc nọ, kiểm tra việc kia. Dường như sự hiện diện có tư thế, có cương vị càng nhiều thì da mặt càng mỏng bớt đi vậy.

 

*

Trưởng phòng Quang chưa kịp ngồi xuống thì trưởng ban Dinh đã đưa mời chén nước và nói nhỏ:

- Trên cục lưu ý cho là thằng cháu tôi năm nay thi ra đấy.

Quang vừa gật đầu với Dinh, vừa đưa mắt điểm một vòng trong phòng và hài lòng ngồi xuống. Chờ cho Quang uống nước xong, Dinh đứng lên:

- Hôm nay, ta họp các đồng chí có chứng kiến vụ anh Đình va vấp với đồng chí Quang. Chúng ta sẽ tìm hiểu thật khách quan và sẽ thống nhất một số ý kiến để chỉ đạo dư luận cùng dự kiến những đề nghị cần thiết phòng những hậu quả xấu.

 

Mậu có một thoáng ngạc nhiên, nhưng anh đã cúi xuống nhìn dưới gậm bàn tìm cái điếu cày. Một phút yên lặng. Kim ngồi nhổ râu mép. Quang xoa xoa cái cằm nhẵn thín. Lan chăm chú nhìn đôi que đan đang thoăn thoắt trong tay. Tiến thì hết nhìn Văn và Quang lại đến Kim và Mậu. Giám đốc Văn tự thấy phải lên tiếng trước. Anh ta rút từ cặp ra một tờ giấy đánh máy rồi hắng giọng nói: "Đây là bản lưu báo cáo của tôi gửi lãnh đạo cục. Xin đọc nguyên văn để các đồng chí nghe". Bản báo cáo kể rằng Đình đã gây tranh cãi với Quang khi đồng chí này về xí nghiệp công tác, mà Đình thì không có nhiệm vụ trực tiếp với trưởng phòng chuyên môn của cục khiến Quang phải nổi nóng. Báo cáo nhấn mạnh: "Sau việc xảy ra, tôi đã nhân danh giám đốc xí nghiệp gọi kỹ sư Đình lên phân tích sai sót và phê bình trực tiếp" (Sự thực thì chính Đình đã chủ động đến gặp giám đốc. Đình kể lại vụ va chạm, nhưng cái chính là nói về công việc và yêu cầu xí nghiệp không nên bị động với ý kiến chỉ đạo của Quang. Văn tỏ ra không bằng lòng Đình vì đã có chuyện to tiếng khiến lãnh đạo xí nghiệp khó xử. Đình nói: "Nếu anh muốn nói về thái độ cá nhân thì tôi xin nói thẳng là anh Quang rất hống hách, nếu không muốn nói là hung hăng", rồi đứng dậy đi ra).

 

Nghe Văn đọc xong, Mậu thấy ngay là Văn có ý khéo léo xoa dịu Quang và giữ thế cho mình, mà không đến nỗi vùi dập Đình. Mậu nhớ lại câu Văn nói vừa đây ở chỗ riêng tư với một ẩn ý mà Mậu chưa đoán ra: "Nếu hôm ấy mà nổ ra to hơn, tôi sẽ trả ông Đình về cục và cấm ông Quang đến xí nghiệp". Có cái gì đó lấn cấn khiến Mậu bật ra một câu không định trước vào lúc chưa định lên tiếng:

- Cái ông Đình thật thân làm tội đời.

Câu nói có vẻ chẳng ăn nhập vào đâu cả. Mọi người còn hơi ngỡ ngàng thì Tiến với cái nhạy bén cố hữu đoán bắt được hàm ý của Mậu, và vì thấy không khí cuộc họp có vẻ dịu, bèn đưa một câu:

- Tôi thấy ông Đình trực tính, nhiệt tình công tác. Rất tiếc là đã vô tình gây ra mất đoàn kết.

Trước đây, Tiến thầm mến Đình, nay vẫn còn giữ cảm tình với Đình.

 

Bà Minh tiếp nước sôi. Văn chế vào ấm chuyên, giơ ấm lên lắc lắc, rồi rót đều ra các chén, nâng một chén lên môi, chẹp chẹp miệng:

- Chà! Chè này thế mà hương vị khá ra phết.

Mậu cũng nhắc chén làm một hớp:

- Ừm! Bằng thế nào được cái anh chè Thái ướp sen.

Kim ngừng nhổ râu nhìn giám đốc cười hóm:

- Chắc là thua xa chè ở chỗ thủ trưởng.

Chè thì bắt đầu uống trước khi họp mà đến đây mới bàn hương vị. Tiến nhận thấy ngay điều đó và cũng đang định góp một câu thì Dinh đọc được vẻ thắc thỏm của Quang, sẽ sàng nhắc:

- Đề nghị chúng ta tiếp tục phát biểu, kẻo lại muộn quá.

Kim đút cái nhíp vào túi, ngồi thẳng lên:

- Kể ra anh Đình đặt vấn đề thảo luận với anh Quang rất thẳng thắn, lí lẽ đâu vào đấy cả...

 

Tiến nhẹ mặt nhìn mọi người nhưng thấy Quang nhăn trán bèn sửa tư thế ngồi nghiêm chỉnh. Văn gật gù nhưng nét mặt không biểu lộ gì. Mậu thì cảm thấy khó hiểu. Kim không thích Đình, cái đó rõ rồi. Không chỉ vì Đình có uy tín về chuyên môn hơn Kim, lương danh nghĩa cao hơn Kim. Điều gai mắt Kim hơn cả là tư thế sống đàng hoàng của Đình trong cảnh thanh bạch, điều mà Kim luôn luôn tìm dịp đưa ra dè bỉu sau lưng Đình. "Kể ra người ta cũng khéo cao đạo để tự an ủi và ngạo đời". Nhưng với các tham vọng của mình, Kim không coi Đình là đối thủ. Một trong những vật cản đối với Kim chính là Quang, một kẻ mà về khả năng mọi mặt Kim đều đặt dưới tầm của mình. "Một kẻ vận đỏ, nhờ thủ đoạn!" Kim quên rằng đó cũng là một loại "khả năng" mà chính mình có lúc cần thi thố. Vậy thì trong vụ này, Kim đứng về phía Đình là phải chứ nhỉ! Có gì khó hiểu đâu?

 

Quang nói, giọng khàn khàn:

- Tôi đã bảo anh ta rằng tôi không có gì để nói với anh ta cả. Mọi việc tôi đã thống nhất với đồng chí giám đốc rồi, không biết anh ta có đến gặp anh Văn không?

"Hắn ta có ý trách mình dung túng Đình chăng?" - Văn nghĩ. Thật ra, đúng là Văn không muốn trực tiếp bác bỏ đề nghị của Đình mà chỉ nêu ý kiến chỉ đạo của cục - hay của Quang? - nên Đình mới tìm đến Quang. Văn cũng biết nếu như Quang đã không thuyết phục được Đình thì đó không phải là lỗi của Đình, nhưng Văn chỉ nói:

- Như tôi đã viết trong báo cáo, thái độ của anh Đình là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, anh ta đã nói những lời có tính chất mạt sát.

Dinh nãy giờ chờ đợi và thăm dò, lái luôn:

- Đề nghị chúng ta phân tích kỹ thái độ anh Đình.

Quang:

- Các đồng chí còn lạ gì anh ta nữa. Ở đâu mà anh ta chẳng gây với lãnh đạo? Thế mà trên Bộ có người còn đưa ra câu hỏi là đã sử dụng đúng anh ta chưa. Có khi còn muốn đề bạt vượt cấp chưa biết chừng.

 

Quang nói mấy câu cuối với một cái nhếch mép mỉa mai và phủ định, nhưng cũng làm cho Kim tai vểnh lên và một nháy sầm tối trong mắt. Mậu thì nghĩ thầm: "Họ định dẫn đến đâu nhỉ?" Anh nói dè dặt:

- Hôm ấy, rõ ràng anh Đình nôn nóng vì công việc.

Dinh hơi sẵng giọng:

- Công việc thì ở ngay hiện trường ấy chứ đâu ở nơi phái viên của cục đang ngồi tập trung suy nghĩ để chỉ đạo?

Trên mặt Mậu một nét bất bình lướt nhanh rất khó nhận thấy. Anh bình tĩnh nói tiếp:

- Anh Đình có nhược điểm là hay nói bốp chát. Còn đồng chí Quang lúc ấy hơi nóng.

 

Quang khăng khăng:

- Tôi có muốn nói với anh ta đâu. Kiểu nói của anh ta chẳng ai chịu được; cũng khó chịu như quan điểm của anh ta vậy.

Kim nhẹ nhàng:

- Kể ra anh Đình như thế thì khó mà không nổi nóng thật.

Mậu nhìn Kim:

- Hình như vừa rồi anh nói khác.

- Chẳng khác gì cả. Tôi có nói anh Đình đặt vấn đề thắng thắn, lí lẽ đanh thép, nhưng điều chủ yếu lại là anh ta nói để làm gì? Kế hoạch đang thúc, lãnh đạo đã chỉ thị, vấn đề là làm chứ không phải là nói. Chỉ đạo thi công như vậy là đẩy hay là cản?

Ít khi Tiến dự đoán sai chiều hướng của các cuộc thảo luận, thậm chí cả của các câu chuyện phiếm, thế mà lần này... Chị ta rầu rầu nét mặt:

- Thật đáng tiếc! Đúng lúc cần phải tăng cường đoàn kết để hoàn thành kế hoạch thì đồng chí Đình lại gây nên chuyện. Báo hại cho chính đồng chí ấy là năm nay anh ta được vào diện xét lên lương.

 

Mậu nhìn Tiến hơi ngớ ra, lạ lùng. Mậu lạ cũng phải. Mậu chẳng mấy để ý những việc vặt vãnh đại loại như sự quan tâm đặc biệt Tiến dành cho Kim. Chỉ một lần anh thấy hơi lạ. Bữa đó, bộ phận phụ trách đời sống của phân xưởng chia cá "đối lưu" được. Tiến lo lấy phần cho Kim, rồi sốt sắng gói cẩn thận và buộc tử tế vào xe đạp cho Kim, vừa làm vừa ca cẩm: "Tội nghiệp! Đàn ông, đàn ang lớ quớ không khéo thì rơi vãi dọc đường hết". Tình cờ Mậu đi qua bèn hỏi dở đùa, dở thật: "Trong phân xưởng ta chỉ mỗi ông Kim là "đàn ang" tội nghiệp thôi hở cô Tiến?" Tiến nghiêng mặt nhìn lên cười rất tươi, đáp rất dẻo: "Nhưng anh ấy yếu, nhà lại xa, anh ạ". Mậu thoáng nghĩ: "Thiếu gì người yếu hơn, xa hơn". Nhưng anh không nghĩ tiếp nữa. Tính anh dễ tin người. Chính vì vậy, anh không biết người ta gọi Tiến là bà Tiến Thân (Nguyên họ gọi là "bà Tiến Thân bằng mọi giá". Về sau, không hiểu vì thấy dài quá hoặc vì thấy bất nhã, họ gọi tắt đi). Chẳng biết Tiến có để tai hay không, chỉ biết chị ta vẫn năng nổ, xăng xái. Câu nói cửa miệng của Tiến là: "Ấy! đừng làm thế ảnh hưởng đến đoàn kết". Có lần Tiến phân phối cam bồi dưỡng xong còn thừa ra hơn chục quả. Tiến đã cất kỹ trong tủ riêng của thư kí công đoàn. Một thợ trẻ đến gặp xin giấy tờ gì đó; Tiến vô tình mở tủ, cậu thanh niên nhanh mắt nhìn thấy "Ơ!" lên một tiếng. Tiến ung dung giải quyết công việc cho cậu ta xong rồi tỉ tê: "Em ạ, phân xưởng ta có truyền thống đoàn kết nhiều năm. Em mới về, đừng làm gì ảnh hưởng xấu đến đoàn kết. Có gì vướng mắc cứ bảo chị. Tương lai em còn dài lắm". Mậu tất nhiên mù tịt những chuyện đó.

Kim nói như người ta chán ngán mọi sự:

- Đề nghị kết luận đi thôi.

 

Dinh đứng dậy, trịnh trọng:

- Như vậy là anh Đình đã gây xung đột với đồng chí Quang, phái viên của cục, lúc đồng chí về xí nghiệp góp ý chỉ đạo thi công. Anh Đình có thái độ gây gổ, thiếu xây dựng, bảo thủ quan điểm phi thực tế của mình, coi thường mọi người. Đề nghị ban giám đốc xử lí thích đáng và xét xem có nên để anh Đình tiếp tục chỉ đạo thi công nữa hay thôi. Kết luận vậy được chưa các đồng chí?

Quang nhìn đâu đó ngoài cửa sổ, mặt dãn ra. Kim xòe diêm đốt thuốc lá. Tiến tránh tia mắt của Mậu. Văn ngồi cúi đầu, xoay xoay chén nước trong tay. "Coi thường mọi người!" Trong kí ức Văn chợt diễn lại một cảnh chưa xa xôi lắm. Một ngôi chùa cổ kính ở một tỉnh phía nam mới được giải phóng vài năm. Một pho tượng người trong một tủ kính đặt cao chính giữa một căn phòng rộng. Tượng to gần bằng người thật, nửa nằm, nửa ngồi, phô cái bụng vĩ đại ra, miệng cười loe hết cỡ. Đoàn tham quan có tính chất du lịch của xí nghiệp đến vây quanh. Văn bình luôn một câu: "Chà! Thằng cha này đúng là quân ăn bám. Ăn gì mà béo ú lại còn phởn toét miệng ra cười nữa kia! Sao chùa lại thờ một anh to bụng nhỉ?". Đình đứng cạnh huých nhẹ Văn bảo khẽ: "Nói thế họ cười cho đấy. Đây là tượng Phật Di Lặc". Văn vội lét mắt nhìn quanh. Người nhà chùa không có ai đứng gần. Cái lo xẹp đi thì cái ức ập đến. Tay này bỉ mình thật! Đình sẽ sàng và vắn tắt nói ý nghĩa triết lí nơi dáng ngồi, cái bụng bự, cùng nụ cười của pho tượng, nhưng Văn chẳng buồn nghe, bứt lên trước xem chỗ khác. "Coi thường ư?" Văn lắc mạnh đầu như xua đi một cái ám ảnh, ngả người vào lưng ghế, đầu vẫn không ngửng lên.

 

Dinh nói nhanh:

- Nếu không ai có ý kiến nữa thì chúng ta nghỉ được rồi chứ anh Văn, anh Quang nhỉ.

Chưa ngồi xuống hẳn, anh ta vội ghé gần Quang:

- Trên cục lưu ý cho nhé!

Nhưng Mậu đã xin nói:

- Tôi muốn có ý kiến thêm một chút. Tôi thấy nên góp ý với anh Đình về thái độ, tác phong. Nhưng tôi e rằng nãy giờ ta chỉ xoáy vào những cái chưa phải là thực chất của vấn đề.

Quang xịu mặt đưa mắt nhìn nhanh Mậu rồi liếc sang Văn và Dinh.  Dinh chau mày: "Mình đã tưởng nhẹ nợ, thế mà thằng cha này!" Đôi môi mỏng của Kim phác một nụ cười khó hiểu. Tiến chăm chăm nhìn Văn. Còn Văn thì lúng túng thực sự. Tuy là người luôn luôn muốn rằng mọi sự dưới quyền mình đều xuôi chèo mát mái, dẫu là bề ngoài, Văn chỉ "thí tốt" khi chằng thể đừng. Nghe Dinh kết luận, thâm tâm Văn có cái gì cộm lên, một cái gì đó chưa thật rõ ràng mà bản thân Văn không muốn soi kỹ, - Văn không có thói quen ấy trước những việc chẳng quan trọng đối với mình. - Câu nói của Mậu lay chút lương tri còn sót của Văn. Một tiếng nói mơ hồ bên trong Văn muốn hàm ơn Mậu, song Văn lại nói một cách nghiêm nghị:

- Sao lại đặt vấn đề như vậy nhỉ? Có ai không nói đến thực chất đâu.

Mậu:

- Nãy giờ chúng ta chỉ xoay quanh những sơ hở của đồng chí Đình như kiến nghị và tranh luận không đúng chỗ và không đúng lúc, nói năng bộc trực, tác phong khó gần, vân vân... để qui kết về thái độ, quan điểm. Nếu chỉ có vậy thì chẳng cần cuộc họp này.

 

Dinh bắt đầu để lộ sự bực bội:

- Đồng chí Mậu ngủ gật hay sao? Tôi đã xác định nội dung cuộc họp rồi.

- Ngủ gật hay không thì đồng chí tự thấy. Xin nói để đồng chí biết là tôi rất ngạc nhiên về lời mở đầu của đồng chí.

- Nếu đồng chí biết cái này thì chắc đồng chí ít ngạc nhiên hơn. - Dinh rút ra một tờ giấy có chữ, - đây là đơn của một công nhân trong đội đồng chí tố cáo kỹ sư Đình cản trở việc hoàn thành kế hoạch, gửi ban thanh tra.

Mậu thảng thốt:

- Trong đội tôi? Lạ nhỉ! Thế mà tôi không biết đấy.

- Đồng chí không biết cũng phải thôi. Giờ thì đồng chí đã thấy tôi đặt vấn đề như vậy là nhẹ, là có thiện chí rồi chứ?

- À, ra thế! Thú thật tôi vẫn chưa thấy được thiện chí của đồng chí. Tiếc rằng hôm nay không có mặt đồng chí Đình. Còn đơn thì... một ngày nào đó có thể có đơn chống cả tôi.

- Anh Đình sẽ được phát biểu tại một cuộc họp thích hợp. Tôi nhắc lại, hôm nay chỉ họp những người làm chứng, một hội nghị có tính chất tư vấn. Các đồng chí khác ai có ý kiến gì nữa không? Cô kỹ sư, thế nào? Cô có mặt từ đầu đến cuối cơ mà.

Lan nhìn mọi người bằng đôi mắt thỏ rồi bấp búng:

- Lúc ấy em còn mải đọc tài liệu.

 

Kim bỗ bã:

- Hay còn mải nghĩ đến ai? - Anh ta nháy mắt thân tình với Lan nhưng chẳng thèm biết cô có hưởng ứng hay không đã vội quay sang Dinh:

- Có lẽ cứ vỡ vạc thế đã. Kết thúc được rồi đấy.

Kim đồ chừng để "vỡ vạc" như vậy thì Mậu không yên tâm đã đành, mà Quang cũng không yên tâm; còn Đình thì chắc khó yên thân. Nói xong, anh ta rập rình đứng dậy. Dinh chưa kịp nói câu bế mạc thì bỗng một tiếng nói vang lên:

- Tôi có ý kiến được không ạ.

 

Bà Minh đứng cạnh vách ngăn theo dõi tự lúc nào, bây giờ lên tiếng,     Dinh cố nén bực dọc, nhìn Văn và Quang ra ý hỏi. Quang vồn vã:

- Mời, mời bác Minh. Quên mất! Suýt nữa thì bỏ qua một nhân chứng quan trọng.

Dinh xem đồng hồ tay, gượng tươi:

- Ta ngồi thêm một lát nữa các đồng chí ạ, mới hơn mười giờ thôi. Mời bác Minh lại gần đây phát biểu.

 

Bà Minh đến đứng tựa vào bàn:

- Hôm ấy, tôi ra căng-tin lấy bia cho anh Quang và anh Kim, về thấy anh Đình đang đứng ở chỗ này này - Bà trỏ xế bàn gần cửa ra vào - vừa nói với anh Quang điều gì đó. Anh Quang thì đang ngồi ngả lưng trong chiếc ghế bành gần chỗ anh Dinh và anh Quang bây giờ đây. Anh Quang trả lời cũng từ tốn thôi: "Tôi đã bàn kỹ với đồng chí giám đốc rồi. Anh cứ gặp anh Văn ấy". Anh Đình nói: "Anh Văn bảo tôi có vướng mắc gì thì bàn thêm với anh. Các anh có tính rằng độ rung sẽ rất lớn và chỗ bê-tông ấy sẽ không chịu được không?" Anh Quang gạt đi, bảo anh Đình không phải lo chuyện đó. Cái đáng lo là phải làm xong vượt kế hoạch. Sau làm lại cũng được. (Chỗ này bà Minh không kể hết. Lúc ấy, Quang cao giọng bảo Đình: "Anh không phải lo. Cái đáng lo là công trình này không thể nghiệm thu trên đại thể sau đó tiếp tục hoàn thành nốt như vẫn quen làm thế, mà phải xong hoàn chỉnh đúng kế hoạch, vượt càng tốt. Sẽ có các quan khách dự lễ khánh thành, sẽ có quay phim, chụp ảnh. Mở rộng theo hướng qui mô và hiện đại một phân xưởng mà tự thiết kế và thi công lấy nào phải chuyện xoàng! Vì đại sự có khi phải hi sinh tiểu tiết. Rồi đây hỏng đâu chữa đấy. Nếu cần thì làm lại cũng có sao). Anh Đình không tán thành cách làm dối lấy thành tích. (Chỗ này bà Minh cũng kể lướt đi. Đúng ra thì Đình đã cười nhạt bảo Quang: "Thế nghĩa là đốt pháo ăn mừng, liên hoan, lĩnh thưởng xong, ta lại lên kế hoạch gia cố, đại tu, và sau đó lại báo cáo hoàn thành vượt mức kế hoạch tu sửa, để rồi lại lĩnh thưởng, lại được đề bạt nữa chứ gì?". Ý cuối làm Quang chạm nọc tợn). Anh Quang khoát tay:"Thôi! Xin lỗi! Tôi đang bận. Tôi chẳng có gì phải tranh cãi với anh cả". Anh Đình có vẻ nóng mặt, gằn giọng: "Các anh có nghĩ rằng như thế là vạch đường cho hươu chạy, nêu gương làm ăn tùy tiện, dối trá cho công nhân không? Nước ta chẳng đang khốn khổ vì lối làm ăn thiếu tác phong công nghiệp đó sao?" Anh Quang trừng mắt: "Anh không phải dạy lãnh đạo! Không phải thứ anh lên lớp giai cấp công nhân". Rồi quay đi rót bia uống với anh Kim. Lúc bấy giờ có thêm mấy người nữa bước vào phòng. Anh Đình tiến đến tì tay vào bàn cúi nhìn thẳng vào mặt anh Quang nói: "Nào đã biết ai dạy được ai? Nhưng ít nhất thì các anh cũng phải thấy công trình này không đứng nổi vài năm chứ?". Anh Quang thủng thẳng nói: "Vài năm nữa thì biết đâu chẳng ra kế hoạch khác, với những người phụ trách khác. Còn anh thì đã chắc gì ở đây được đến sang năm".

 

Dinh sốt ruột ngồi nhăn nhó, mấy lần định dùng quyền chủ tọa, nhưng bà Minh cứ nói thao thao. Đến lúc này, nhân bà Minh lấy hơi, Dinh vội khoa tay:

- Đang xét thái độ, ý thức anh Đình kia mà!

Bà Minh hơi khựng một tí:

- Vâng, nói về thái độ thì anh Đình cũng nói khí qúa. Anh ấy bảo: "Chỉ những kẻ vừa dốt, vừa nát thì mới bĩnh bừa ra mặc ai hót".

Dinh la lên:

- Ấy đấy!

Bà Minh điềm nhiên tiếp:

- Nhưng tôi thấy anh Quang cũng không phải, nóng quá.

Quang, một bên cằm bạnh ra, nói buông thõng:

- Không nóng không được.

- Giá anh đừng đập tay xuống bàn đánh "rầm" rồi đứng bật dậy chìa nắm đấm ra trước mặt anh Đình và quát: "Mẹ mày! Tao sẽ cho mày biết tay!" thì hay hơn. Nếu anh Đình không đứng khoanh tay trước ngực cười mũi mà cũng giơ nắm đấm ra thì cơ sự sẽ dẫn đến đâu? Thế mà anh còn nói vung lên áp đảo bôi xấu anh Đình. Anh Văn đến kéo anh đi, anh vẫn chưa chịu thôi.

Quang quay mặt đi, nói trong kẽ răng:

- Bà về hưu được rồi đấy!

 

Bộ mặt hiền hòa của bà Minh bỗng đanh lại:

- Nói cho anh biết tôi giờ mà xin nghỉ hưu thì không thiếu việc kiếm ra tiền đâu. Xoàng ra thì chỉ cần cái quán nước hoặc một vại dưa, cà bán cò con cũng sống ung dung chán. Các anh thì cần bám cái ghế, còn tôi chỉ cần là một người lao động ngay thẳng.

Quang lầu bầu:

- Muốn là người ngay thẳng thì phải ăn nói sao cho ngay thẳng. Chẳng ai làm chứng như bà cả.

- Tôi nói điêu cho anh à? Các người thực sự chứng kiến hôm đó hãy nói xem nào!

 

Kim xuýt xoa:

- Chà! Bà Minh tài thật! Những câu qua lại có tính chất chuyên môn giữa ông Quang và ông Đình đến như tôi đây là kỹ sư bậc ba cũng chẳng nhớ nổi. Phục bà thật!

Mậu không hiểu ý ngầm của Kim:

- Anh Kim quên rằng bác Minh từng là phó thư kí công đoàn một xí nghiệp lớn à?

Bà Minh quay nhìn xoáy vào mắt Kim:

- Có thật là anh không nhớ không? Còn tôi thì anh nghĩ chỉ việc lo nước nôi, quét dọn thôi chứ gì?

Quang vẫn không nhìn bà Minh:

- Bà nói những cái không đúng. Tỉ như tôi không nói "vài năm nữa ra kế hoạch khác, người phụ trách khác" Tôi không chửi bậy, cũng không xưng "mày tao". Còn tay Đình thì "văng" ra sao không thấy bà nhắc đến?

 

Kim nhịp nhịp cái đầu, nói kéo dài giọng vẻ xuê xoa:

- Lúc đó láo nháo, hình như hai bên đều "mày tao" cả.

Mậu thực thà:

- Đúng nguyên văn thì anh Quang nói: "Biết đâu kế hoạch và người phụ trách chẳng thay đổi", thì cũng thế. Tôi cũng có nghe anh Quang chửi và "mày, tao". Còn anh Đình quả có nói, xin lỗi các đồng chí "ỉa bậy ra kệ người khác dọn". Bà Minh đổi lại cho dễ nghe hơn chắc chẳng phải vì muốn bao che đâu.

 

Quang liếc xéo Mậu rất nhanh:

- Bà ấy không bao che thì chính anh bao che.

Mậu cứ bị đẩy dần vào cái thế mà anh không muốn chút nào. Anh quắc mắt:

- Anh nói cái gì? - Anh lại tự kìm được, dịu giọng: - Những điều đã buông ra, cố vớt vát lại thì chỉ càng bé người đi. Nhưng thôi! Những cái đáng nói không phải chỗ đó.

Văn gõ gõ ngón tay xuống bàn, giọng dàn hòa:

- Thôi! Thôi! Chứng kiến không có nghĩa là thấy hết. - Rồi như tìm đến một cái van xả hơi, Văn quay sang Lan - Nào! Cô kỹ sư thực sự chứng kiến, cô hãy nói xem có đồng ý với kết luận của chủ tọa không nào?

 

Lan buông cái áo len đan dở lên lòng, ngửng đầu thoáng chút bối rối. Bà Minh nhìn cô, nét mặt đã dịu lại, không nói gì. Bà lẳng lặng vào cái góc của bà xách thùng nước đi ra. Lan nhìn theo bà, sửa tư thế ngồi, mặt hơi ửng đỏ, rồi nói như nín hơi:

- Em... à tôi đồng ý với bác Minh.

Phòng họp lao nhao. Kim nói đổng:

- Thế mà khi nãy "em mải đọc tài liệu".

Dinh làu nhàu:

- Đoàn viên gì mà chẳng có chủ định gì cả.

 

Lan trở nên cứng cỏi hẳn lên:

- Không phải là tôi không có chủ định. Nhưng tôi lạ quá.

Tiến Thân nhỏ nhẹ:

- Lan này! Em lạ cái gì? Đừng nói lấp lửng mà thêm mất đoàn kết, em ạ.

- Tôi không ngờ. Tôi những tưởng được nghe một cuộc tranh luận nghiêm chỉnh về kỹ thuật và công việc. Hôm ấy... - Lan ngừng lời e dè nhìn quanh. Chừng như cô chợt nhận ra sự bạo phổi của mình, nên đâm hoảng, đang nói rành rẽ, bỗng trở nên vấp váp. - À, hôm nay… Còn thái độ thì…

 

Dinh cắt ngang:

- Thôi! Không bàn thái độ nữa. Chủ yếu là công việc. Để bảo đảm đoàn kết mà hoàn thành kế hoạch, cuộc họp này đã đề xuất là nên thay người chỉ huy thi công.

Mậu cười khẩy:

- Bây giờ lại "chủ yếu là công việc"! Nếu chủ yếu là công việc thì không thể bỏ qua thực chất những vấn đề kỹ sư Đình đã nêu ra.

Kim nói như bâng quơ:

- Có cái "thực chất vấn đề" dựa vào thực tế, thật sự vì công việc. Có cái "thực chất vấn đề" thiên về sách vở, lắm khi chỉ để thoả mãn ý đồ riêng. - Kim đã thấy rõ là những lời của bà Minh đã làm cho cán cân uy tín nghiêng thêm về phía Đình.

 

Mậu đã không thể giữ kẽ nữa:

- Cái ấy còn để xem. Chúng ta làm chứng cái gì? Và vì cái gì? Nhìn mà không muốn thấy, hoặc chỉ thấy những gì định thấy thì làm chứng cái gì?

Văn nhướng mắt nhìn Mậu:

- Đồng chí Mậu muốn ám chỉ cái gì vậy?

- Báo cáo anh chẳng có gì phải ám chỉ cả. Tôi chỉ phát triển một ý của anh khi nãy thôi. Tôi nghĩ vấn đề không phải là cách nói của anh Đình như thế nào? Mà là anh ta nói cái gì? Không phải là thái độ của anh ta có vừa lòng ai đó không? Mà là anh ta có công tâm và có làm được việc không? Nếu chân lí cần một cái vỏ dễ thương, và nếu những nhược điểm về thái độ, tác phong, cá tính đủ sổ toẹt một nhân cách, thì bao giờ cũng sẵn chứng cớ.

Kim:

- Thì có làm được việc hay không đã sờ sờ ra đó. Thế là xí nghiệp ta năm nay không hoàn thành kế hoạch. Lại còn phải tốn thêm biết bao công của.

- Anh nói cứ như chúng ta tiết kiệm lao động và tiền của lắm ấy, và năm nào chúng ta cũng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch ấy. Thử hỏi được mấy năm chúng ta không phải è cổ ra làm đậy những chỗ đã hoàn thành trên giấy đến tận ngoài Tết âm lịch?

 

Văn đưa tay sờ chỗ hói trên đỉnh đầu mình rồi thả tay:

- Đồng chí Mậu đừng nóng. Thật việc chẳng có gì mà cứ sinh chuyện cho hoá to ra. Rức cả đầu! - Văn không nói rõ ai sinh chuyện.

Mậu đang đà nói:

- Ta cho cái gì là nhỏ thì nó là nhỏ; cho cái gì là to thì nó là to. - Anh lầm bầm nói thêm như tự nói với mình - Có những sự phán xét đơn giản lạ lùng mà cũng ngoắt ngoéo lạ lùng.

Dinh trề môi:

- Theo anh Mậu thì chúng ta nát bét cả. Chỉ anh ta và anh Đình là đáng kể thôi, - Dinh có ý kích mọi người, nhất là Văn.

Mậu giọng buồn buồn:

- Không! Tôi ngán phải như anh Đình, nhưng cũng lại mong được như anh ta. - Anh đứng dậy - Tôi xin phép ra công trường.

 

Chưa dứt lời, Mậu không nhìn ai xoay người ra thẳng. Trong phòng yên lặng, chỉ nghe tiếng quạt vù vù. Tiến Thân chợt cười xoà:

- Thêm một ông hâm. Chắc lại ăn phải đũa ông Đình.

Văn đang ngồi chống tay vào má, bỗng cất đầu lên nghiêm khắc nhìn Tiến, rồi ngoảnh sang Kim:

- Liệu anh Kim có trực tiếp chỉ đạo thi công được không?

Kim múm môi, nhịp nhịp đầu, rồi với một động tác dứt khoát ngửng nhìn Văn:

- Nếu lãnh đạo giao thì tôi chấp hành. Nhưng đề nghị có văn bản quyết định cứ tiếp tục thi công.

Văn nhíu mày, vừa nói vừa đứng dậy:

- Thì ra anh cũng thích nắm đằng chuôi đấy nhỉ.

Không chờ cuộc họp tuyên bố kết thúc. Văn ra luôn. Anh ta bước chầm chậm, trong đầu cứ vướng các câu nói của Mậu: Chúng ta làm chứng cái gì?... Có những phán xử đơn giản lạ lùng mà cũng ngoắt ngoéo lạ lùng.  Không phải cách nói, thái độ anh Đình, mà là thực chất ý kiến cùng việc làm của anh ta. Văn bực mình phẩy mạnh tay một cái và đi nhanh về phòng giám đốc. Song mới đi được một đoạn, bước chân anh ta trở nên phân vân. Rồi đáng lẽ đi thẳng, anh rẽ trái.

 

Mậu rời phòng họp, đôi chân tự dẫn theo lối quen. Anh cảm thấy cái vị đắng cay của một lần lui quân thất bại trước đây trong đời lính của anh. Nhưng hồi đó, anh và đồng đội đã lại tiến lên và chiến thắng. Còn bây giờ? Chẳng phải là đơn giản... Nhưng tránh né là có tội. Chà! Xem xét con người và đánh giá sự việc kiểu này thì trách chi đạo lí con phe? Trong cách nghĩ của một số người, Đình là người không bình thường, - không phải là khác thường - một người không thuần tính. Giữa Đình và những kẻ như Quang có một vách ngăn. Quang khó mà vượt qua vách ngăn để nhìn nhận Đình. Và Đình, nếu vượt qua vách ngăn thì không còn là anh ta nữa. Ờ, mà nếu Quang vượt được vách ngăn thì anh ta cũng sẽ không còn là anh ta nữa! Mình cũng là người không bình thường chăng? Không! Hồi mình còn ở chiến trường chẳng ai coi mình như vậy cả. Bây giờ mình "thuần tính" hơn chứ! Thế còn cái vách ngăn? Chẳng có vách ngăn nào tự dựng lên. Nếu là thứ áp đặt thì nó chỉ như vách ngăn cái góc của bà Minh. Ai ngăn được bà Minh nhìn vượt qua cái vách đó? Tại sao mình lại vội bỏ phòng họp? Bây giờ mà trở lại thì không tiện, nhưng sẽ phải trở lại.

 

Ra tới công trường, Mậu thấy Đình đang mải trình bày dự kiến khắc phục chỗ hỏng với đội phó và một số công nhân lành nghề. Mậu không lên tiếng, lẳng lặng bỏ đi. Đến một chỗ ngoặt, anh suýt đâm sầm vào Văn. Nhìn vẻ mặt đăm chiêu của giám đốc, anh im lặng đứng tránh sang một bên. Nhưng Văn đã ra hiệu bảo Mậu cùng đi đến nơi mà trước đó mấy phút anh đã rất ngại phải nhìn thẳng vào mắt Đình./.

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 21.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ hay ôsin? - Khôi Vũ
Sinh ngày 13 tháng 7 - Huỳnh Văn Úc
Chúa Trịnh - Ngày Tàn… - Đỗ Ngọc Thạch
Người Bốc Cháy - Dương Đức Khánh
Dường như niềm tuyệt vọng - Nguyễn Vĩnh Căn
Hồng Nhung - Minh Hương
Tình Ơi! - Thụy Vi
Viếng ma (!) - Trọng Huân
Mù Mờ Váy - Nguyễn Viện
Lòng Ái Quốc - Nguyễn Vạn Lý
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)