Từ khi kết thúc chiến tranh phía nam với Chúa Nguyễn (Trịnh – Nguyễn phân tranh) và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc, các chúa Trịnh là Tây Định vương Trịnh Tạc và Định Nam vương Trịnh Căn ra sức củng cố chính quyền ở Đàng Ngoài (Bắc Hà).
Năm 1729, An Đô vương Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương. Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Năm 1732, Giang phế bỏ vua Lê Duy Phường và sau đó giết chết vua, lập anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Các đại thần của Vua Lê như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn cũng bị giết hại. Giang sống xa xỉ, vì thế thuế má ngày càng nhiều, sưu dịch ngày càng nặng khiến dân chúng Đàng Ngoài vô cùng cực khổ, cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Ăn xin, ăn mày đầy đường, tình cảnh thật thê thảm. “Bần cùng sinh đạo tặc” - nông dân Đàng Ngoài nổi lên khởi nghĩa khắp nơi.
Năm 1737, nhà sư Nguyễn Dương Hưng nổi dậy khởi nghĩa ở Tam Đảo. Năm 1739, Vũ Đình Dung nổi dậy ở Ngân Già, hậu duệ nhà Mạc (đã bị đổi họ) là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cùng Vũ Trác Oánh nổi dậy ở Hải Dương. Theo "Lê Triều dã sử", Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển tin theo Sấm Trạng Trình: "Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành" (Vỡ ruộng thiên tử ra, không đánh tự nhiên thành) nên dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa này sau đó không lâu bị dẹp nhưng thuộc hạ của hai người là Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục tập hợp lực lượng và trở thành hai cánh quân khởi nghĩa lớn và làm hao binh tổn tướng của chúa Trịnh nhiều hơn cả.
Tại Tam Đảo, sau khi Nguyễn Dương Hưng thất bại, Nguyễn Danh Phương nổi dậy và cũng trở thành một cuộc khởi nghĩa lớn trong nhiều năm. Tôn thất nhà Lê là Lê Duy Mật cũng định làm binh biến ở Thăng Long để lật đổ họ Trịnh nhưng không thành nên rút ra ngoài khởi nghĩa, cát cứ suốt 30 năm.
Phong trào khởi nghĩa trải rộng khắp Bắc bộ vào tới Thanh Hoá, Nghệ An. Các cuộc khởi nghĩa phần đông lấy tiếng "phù Lê diệt Trịnh" làm cớ. Nhân dân mặt đông nam mang bừa vác gậy đi theo quân khởi nghĩa, đông thì có hàng vạn người, ít thì cũng có đến hàng trăm hàng nghìn người, rồi đi cướp phá ở các hương thôn và vây các thành ấp, quân triều đình đánh dẹp không được…
Trong cung, Trịnh Giang xa xỉ, bại hoại, gian dâm với cung nữ của cha, lại bị sét đánh nên tin theo lời hoạn quan, làm nhà hầm ở luôn dưới đất để tránh sét, còn việc chính trị thì để cho các hoạn quan là bọn Hoàng Công Phụ chuyên quyền làm bậy.
Trước tình hình đó, gia tộc họ Trịnh quyết định phế truất Giang, lập em Giang là Trịnh Doanh lên ngôi, ấy là vào năm 1740. Là người “hữu trách”, Trịnh Doanh bắt đầu chỉnh đốn tình hình trong nước, ra tay đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa.
Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển giữ đất Đỗ Lâm ở Gia Phúc, núi Phao Sơn ở Chí Linh, làm đồn, xây lũy liên lạc với nhau, lực lượng nghĩa quân có tới hàng mấy vạn, quân triều đình đi đánh, rất khó khăn. Mãi đến năm 1741, thống lĩnh Hải Dương là Hoàng Nghĩa Bá mới phá được các đồn quân khởi nghĩa ở Phao Sơn, ở Ninh Xá và Gia Phúc; Nguyễn Tuyển thua chạy rồi chết, Vũ Trác Oánh trốn đi mất tích. Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn được mấy tháng, lại về Đông Triều, nhưng vì hết lương phải vào nấp ở núi Ngọa Vân, bị Phạm Đình Trọng bắt được đóng cũi đem về kinh hành hình…
*
Nguyễn Hữu Cầu (1) xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, văn võ kiêm toàn, lại bơi lội rất giỏi nên người đời gọi là Quận He. He (2) là tên loài cá ở biển Đông. Còn Quận là tước phong của triều đình cho những quan lại có công lớn gọi là Quận công. Nguyễn Hữu Cầu được dân gian phong tước “Quận công” là sự mến mộ đặc biệt, cũng giống như bên Văn, dân gian sẽ phong danh hiệu Trạng cho ai thực sự giỏi giang!
Thuở hàn vi, Hữu Cầu vì nhà nghèo nên thường đi theo bọn cướp. Lúc đó, có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân(3), một thủ lĩnh là Nguyễn Cừ mến tài Cầu nên thu nhận Cầu. Cầu được Cừ tin tưởng gả con gái yêu là Nguyễn Ngọc Quỳnh cho. Chẳng bao lâu Cầu nổi tiếng là một viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm gan dạ và nhiều mưu lược.
Khi Nguyễn Cừ bị Phạm Đình Trọng bắt ở núi Ngọa Vân, Nguyễn Hữu Cầu thay vị trí Thủ lĩnh nghĩa quân của Nguyễn Cừ, đem thủ hạ về chiếm giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He Hữu Cầu giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế rất lớn. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc. Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương Đề đem quân đánh Cầu ở Thị Cầu nhưng đại bại, phải bỏ ấn tín mà chạy. Thăng Long được tin ấy, triều đình rất lo lắng.
*
Bấy giờ Trịnh Doanh (4) mới lên ngôi, đêm ngày cùng triều đình lo việc đánh dẹp. Tháng 2 năm 1743 Hoàng Ngũ Phúc (5) dâng 12 điều về “binh pháp dẹp loạn” lên chúa Trịnh. Trịnh Doanh biết Phúc là người có tài, nên rất ưng ý, liền sai Phúc thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng thống tướng Hoàng Công Kỳ đánh Nguyễn Hữu Cầu.
Hoàng Ngũ Phúc liền cùng với Trương Khuông tiến đánh Cầu và lấy lại thành Kinh Bắc, nhưng thế lực Hữu Cầu vẫn mạnh: phá quân của Trương Khuông ở làng Ngọc Lâm (thuộc huyện Yên Dũng), đuổi quân của quan thống lĩnh Đinh Văn Giai ở Xương Giang (thuộc huyện Bảo Lộc) rồi lại về vây dinh Thị Cầu. Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đem binh đến đánh Hữu Cầu ở Xương Giang. Hai bên vẫn ở thế giằng co…
Vì ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên quận He đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu được người đời đánh giá là bậc anh hùng kiệt hiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Có khi bị vây hàng mấy vòng, Cầu chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo.
Các tướng sĩ họ Trịnh ai cũng ngại đụng độ với Quận He, duy chỉ có Phạm Đình Trọng là bạn học thuở nhỏ là người hiểu rất kỹ Quận He. Hai người đố kỵ nhau từ trước sau đó lại thành đối địch, Hữu Cầu đào mồ mẹ Trọng đổ xuống sông. Từ đó Phạm Đình Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn Hữu Cầu.
Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một thầy. Trọng hay được thầy khen nhưng Cầu không phục. Một hôm đi đám ma về, thày cho cả hai người đi theo. Nhà đám biếu thủ lợn, Cầu và Trọng đùn đẩy nhau không ai chịu xách. Thầy bèn ra vế đối, bảo ai đối được thì không phải xách: Huề trư thủ (xách đầu lợn).
Trọng đối lại: Phan long lân (Vịn vây rồng). Còn Cầu đối: Diệt Tần phá Sở.
Thầy gõ quạt lên đầu Cầu, nói : “Câu đối không chuẩn, lại thừa chữ! Trò Cầu phải xách thủ lợn rồi!”. Nhưng Cầu vẫn gân cổ cãi: “Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vây rồng như Trọng”! Thầy giật mình bảo: “Trò ăn nói phạm thượng như vậy tất có ngày mang vạ!”.
Một lần khác thầy lại ra vế đối: Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo. Trọng đối: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc. Cầu lại đối rằng: Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động.
Thầy nghe xong bảo: “Thằng Trọng có khẩu khí làm quan, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc”!
Rồi từ đó ông Thầy sợ không dám nhận dạy Cầu nữa. Sau này quả nhiên Trọng làm quan cho nhà Lê còn Cầu gia nhập quân khởi nghĩa chống lại triều đình.
*
Năm 1746, quận He cho người đem vàng về đút lót cho Đỗ Thế Giai và người nội giám là Nguyễn Phương Đĩnh để xin hàng, Trịnh Doanh thuận cho và lại phong cho làm Hướng Nghĩa Hầu.
Nguyễn Hữu Cầu tuy đã xin về hàng, nhưng vẫn cứ cướp phá các nơi, sau lại về đánh phá ở đất Sơn Nam. Phạm Đình Trọng đánh đuổi Hữu Cầu ở Cẩm Giàng. Hữu Cầu nhân lúc kinh thành không ai phòng bị, nên lẻn về đánh, ngay đêm hôm ấy kéo quân về bến Bồ Đề. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu Cầu lại thua bỏ chạy, về cùng với Hoàng Công Chất đánh cướp ở huyện Thần Khê và Thanh Quan. Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi. Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, Hữu Cầu chạy vào Nghệ An.
Chúa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa từ năm 1740, được chục năm rồi mà vẫn chưa dẹp được Hữu Cầu, lấy làm buồn bực, nói với Phạm Đình Trọng: “Ta cứ nghĩ tại sao chỉ tên giặc Cầu mà hai đại tướng của ta là Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đánh mãi tới chục năm trời mà vẫn chưa xong, cứ để nó chạy quanh như đèn kéo quân?”. Trọng thưa: “Bẩm Chúa công! Thực ra chỉ cần một mình thần là có thể bắt được Cầu. Hoàng Ngũ Phúc nhiều lúc muốn tranh công mà làm lỡ chuyện! Nay xin Chúa giao việc này cho thần, chỉ nay mai là có thể bắt Cầu dâng Chúa bởi Cầu chạy vào Nghệ An là chạy vào tử địa, sẽ không còn ai theo Cầu nữa mà còn có thể bắt Cầu giao nộp cho triều đình lĩnh thưởng!”. Chúa Trịnh Doanh cho là phải, liền bảo Hoàng Ngũ Phúc cùng Chúa đi đánh Nguyễn Danh Phương và giục Trọng kéo quân vào Nghệ An đánh Cầu.
Phạm Đình Trọng tức tốc kéo quân vào Nghệ An tiến đánh Cầu rất gấp. Hữu Cầu quân ít, tướng ít không cự nổi, chạy đến làng Hoàng Mai thì bị bắt, ấy là vào năm 1751. Trọng đóng cũi giải Cầu về nộp chúa Trịnh. Trịnh Doanh cùng lúc đó bắt được Nguyễn Danh Phương, giải về Kinh đô, đi đến làng Xuân Hi, huyện Kim Anh, gặp Phạm Đình Trọng giải Nguyễn Hữu Cầu đến. Trịnh Doanh bèn mở tiệc khao quân, bắt Danh Phương dâng rượu, Hữu Cầu thổi kèn…
Khi Cầu bị giải về kinh thành, vượt ngục nhưng trời không giúp: Lính canh ngục đã bí mật giúp Cầu và cả Danh Phương thoát ra khỏi ngục, nhưng khi trèo qua một đoạn tường thành thì do hai người quá nặng mà đoạn tường thành đổ sập, quân lính thấy động đổ xô tới bắt!...Tháng 3 năm 1751, Hữu Cầu bị hành hình. Phạm Đình Trọng mang quân về quê Hữu Cầu, quật mộ bố Nguyễn Hữu Cầu, giết 3 họ gia quyến của Cầu, không sót người nào.
*
Chim trong lồng là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Hữu Cầu làm trước khi bị đem hành hình còn lưu truyền đến ngày nay. Bài thơ làm bằng tiếng Hán và cả tiếng Nôm, ai đọc cũng đều thương cảm…
Khi Cầu bị bắt, Trọng lại gần xem “bạn học cũ” có yêu cầu gì không, nhưng thấy Cầu ngồi hát xướng rất bình thản. Trọng hỏi: “Anh bây giờ như con chim trong lồng, còn gì mà hát? Nghe nói anh có tài xuất khẩu thành thơ, trong trường hợp nào cũng làm được! Vậy anh thử làm bài thơ “Chim trong lồng” xem sao?”
Cầu không cần đợi giục tới lần thứ hai, liền ngâm một mach:
…Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán
Phá vòng vây làm bạn kim ô
Giang sơn khách diệc tri hồ?
Trọng nghe Cầu đọc thì đứng lặng hồi lâu, đoạn bỏ đi mà không nói gì.
*
Dẹp được Cầu, Trọng được phong làm Binh Bộ thượng thư. Nhưng cũng chỉ 3 năm sau (1754), Trọng chết lúc mới 40 tuổi. Có Cầu thì có Trọng đối địch, Cầu không còn thì Trọng cũng ra đi, cũng không khác chuyện Trạng Quỳnh: "Trạng chết thì chúa băng hà".
Ngày nay có nhiều nơi thờ Nguyễn Hữu Cầu. Tại thôn Cựu Điện, xã Nhân Hoà, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có đền thờ Nguyễn Hữu Cầu rất lớn. Tại Đồ Sơn, Nguyễn Hữu Cầu được thờ ở miếu Ngọc Xuyên, trong 6 vị tiên công và 2 vị thần có Nguyễn Hữu Cầu (gọi là "bát bộ tôn thần"). Cũng tại Đồ Sơn có "đài lên ngôi" của quận He.
Tại thôn Kinh Giao (An Hưng, An Nại, Hải Phòng) quê của Phạm Đình Trọng, bên cạnh đền thờ Đình Trọng có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu.
Trên đường Yên Tử, gần Suối Tăm, có miếu nhỏ thờ Nguyễn Thị Quán (được tôn là Nguyệt Nga công chúa) là em gái quận He - người cũng tham gia khởi nghĩa, vợ của bộ tướng Giang Tâm. Tương truyền bà tự vẫn ở bến Đầu Cầu.
Giữa cánh đồng xã Lôi Động, gần sông Ngựa Lồng (Thanh Hà, Hải Dương), có đền thờ nơi phát tích của quận He, có bia ghi: "Tiên triều Ninh Đông vương phát tích mộ".
Tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) có đình Trà Cổ thờ các vị tổ (Thành Hoàng làng), đồng thời là nơi thờ Quận He…
Sài Gòn, tháng 7-2010
(1) Nguyễn Hữu Cầu: Nguyễn Hữu Cầu (?– 1751) là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn vào giữa thế kỷ 18, người xã Lôi Động, huyện Thanh Hà, Hải Dương…
(2) Cá He: Đặc điểm hình thái của cá He: Đầu nhỏ, nhọn. Mõm ngắn. Miệng trước co duỗi được. Có 2 đôi râu, râu mép dài hơn râu mõm và tương đương với đương kính của mắt. Mắt to hơi lồi ra ngoài và hơi lệch về phía lưng của đầu, gần chót mõm hơn gần điểm cuối của nắp mang. Phần trán giữa hai mắt gần như cong lồi nhưng ở những cá thể nhỏ gần như phẳng.Thân cao, dẹp bên. Cao thân tương đương 1/2 dài chuẩn. Lưng gù. Vảy tròn, to, phủ khắp thân. Mặt lưng của thân và đầu màu xanh rêu, lợt dần xuống hai bên hông và bụng có màu trắng bạc. Toàn thân ánh lên màu vàng, mép sau lỗ mang, rải rác trên nắp mang có sắc tố đen. Vây ngực màu vàng, các vây khác màu đỏ son.
(3) Khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài : Khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài là phong trào nổi dậy của nông dân miền Bắc nước Đại Việt giữa thế kỷ 18 thời vua Lê Chúa Trịnh, hay thời Lê mạt, bắt đầu từ khoảng năm 1739 và kết thúc năm 1769, trong 2 đời vua Lê là Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông, 3 đời chúa Trịnh là Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Các cuộc khởi nghĩa nông dân đáng chú ý hơn cả là:
Nguyễn Hữu Cầu (quận He), người huyện Thanh Hà (Hải Dương), trước vì nghèo nên đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa. Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế rất lớn…
.Nguyễn Danh Phương (quận Hẻo), trước là thủ hạ của các thủ lĩnh Tế và Bồng khởi nghĩa ở Sơn Tây. Năm 1740, tướng Vũ Tá Lý đánh bắt được Tế và Bồng ở huyện An Lạc. Nguyễn Danh Phương đem thủ hạ về giữ núi Tam Đảo, một mặt thì mộ quân trữ lương và một mặt thì cho người về nói dối xin hàng. Bấy giờ Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất đang hoạt động mạnh ở phía đông nam nên Trịnh Doanh cho hàng.
Năm 1744, quận Hẻo đem hơn một vạn quân về giữ đất Việt Trì, sang cướp phá ở bên huyện Bạch Hạc. Bấy giờ Đốc suất Sơn Tây là Văn Đình Ức đem binh đến vây đánh, Danh Phương chạy sang giữ làng Thanh Linh (huyện Bình Xuyên, đất Thái Nguyên). Từ đó quận Hẻo lập đại đồn ở núi Ngọc Bội (giáp huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương), trung đồn ở đất Hương Canh, ngoại đồn ở đất Ức Kỳ, rồi tự xưng là Thuận Thiên Khải Vận Đại Nhân, làm cung điện, đặt quan thuộc, thu các thứ thuế ở đất Tuyên Quang, thanh thế lừng lẫy.
Năm 1750, Trịnh Doanh cùng Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân đi đường Thái Nguyên đến đánh phá được đồn Ức Kỳ. Khi quân tiến lên đến đồn Hương Canh, quân khởi nghĩa bắn súng, đạn ra như mưa, quân triều đình hơi lùi. Trịnh Doanh ra lệnh nghiêm ngặt khiến quân lính mạnh dạn xông vào, phá được đồn Hương Canh. Quận Hẻo rút quân về giữ đồn Ngọc Bội, quân Trịnh tiến lên đuổi đánh. Tướng Nguyễn Phan sai thủ hạ cầm đồ đoản binh cho tự tiện đi trước mà vào, đại quân theo sau. Quận Hẻo giữ không nổi bỏ chạy tan vỡ. Nguyễn Danh Phương chạy vào núi Độc Tôn, quân Trịnh đuổi đến làng Tĩnh Luyện ở huyện Lập Thạch thì bắt được. Trịnh Doanh giải Phương về kinh đô xử tử.
Lê Duy Mật là con thứ vua Lê Dụ Tông. Năm 1738 đời vua Ý Tông, ông cùng các hoàng thân Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng không thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Quy và Duy Chúc bị bệnh mất, Duy Mật giữ đất thượng du phía tây nam. Những người đồng mưu với Duy Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả.
Lê Duy Mật đánh thắng quân Trịnh vài trận, bắt giết được tướng Phạm Công Thế. Từ khi chạy về Thanh Hóa, Duy Mật chiêu tập binh sĩ. Năm 1740, Duy Mật mang quân đánh ở Hưng Hóa và Sơn Tây, sau lại cùng với thủ lĩnh quân khởi nghĩa nông dân tên là Tương giữ đồn Ngọc Lâu (thuộc huyện Thạch Thành). Đến khi tướng họ Trịnh phá được đồn Ngọc Lâu, Tương tử trận, Lê Duy Mật lại chạy vào Nghệ An, rồi sang Trấn Ninh giữ núi Trình Quang làm căn cứ lâu dài.
Năm 1764, Lê Duy Mật sai người đem thư vào cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Khoát nhưng chúa Nguyễn không muốn gây sự với họ Trịnh nên không giúp.
Năm 1767, được tin Trịnh Doanh vừa mất, con là Trịnh Sâm lên làm chúa, Lê Duy Mật đem quân về đánh ở huyện Hương Sơn và Thanh Chương rồi lại rút về Trấn Ninh. Trịnh Sâm cho người đưa thư sang vỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để dứt mối loạn.
Năm 1769, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt làm thống lĩnh đất Nghệ An, Nguyễn Phan làm chánh đốc lĩnh Thanh Hóa, Hoàng Đình Thể làm đốc binh đất Hưng Hóa, cả ba đạo đều tiến sang đánh Trấn Ninh. Khi quân Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan đến vây Trình Quang. Lê Duy Mật định cứ giữ hiểm không ra đánh. Không ngờ là người con rể là Lại Thế Chiêu làm phản, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh vào. Duy Mật biết có nội biến, bèn cùng với vợ con tự thiêu mà chết.
(4) Trịnh Doanh: Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1720-1767) là vị chúa Trịnh thứ tám thời Lê Trung Hưng, ở ngôi từ năm 1740 đến 1767, đồng thời là một nhà thơ Việt Nam.
Quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Trịnh Doanh là người có công đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, ổn định lại chính trị ở Bắc Hà vốn suy yếu trầm trọng thời Trịnh Giang.
Trịnh Doanh là con thứ 3 của An Đô Vương Trịnh Cương, đồng thời là em của Uy Nam Vương Trịnh Giang. Từ khi còn trẻ Doanh đã sớm bộc lộ là người có vǎn tài võ lược, được Trịnh Giang rất tin tưởng, phong làm Khâm Sai Tiết Chế các xứ thủy bộ chủ quân, thái úy An Quốc Công, cho mở phủ đệ riêng để phòng có người nối ngôi.
Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc, từ nǎm 1736 đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó mới 17 tuổi. Mỗi tháng ba lần, Doanh thay Giang triều kiến trǎm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc. Giang bị bệnh, tin dùng hoạn quan nịnh thần Hoàng Công Phụ, làm nhà dưới đất ở không ra ngoài; lại tăng thuế và lao dịch khiến dân chúng bất bình nổi dậy khởi nghĩa, triều đình bất lực, không trị nổi.
Khi mới lên nắm quyền nhiếp chính, Trịnh Doanh phải đối phó với sự ganh ghét của Hoàng Công Phụ. Công Phụ hạ lệnh cho các quan khi muốn tâu việc gì với Doanh không được dùng chữ “bẩm” mà phải dùng chữ “thân” (trình). Hơn nữa Phụ chỉ để cho ông một căn nhà nhỏ phía nam phủ chúa gọi là “để”.
Biết Công Phụ muốn hại mình, Trịnh Doanh kín đáo nín nhịn. Năm 1740, Trịnh thái phi họ Vũ triệu các đại thần Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Công Thái, Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đình Hoàn họp trừ khử Phụ để đưa Doanh lên ngôi. Nhân lúc Phụ mang quân bản bộ đi dẹp quân khởi nghĩa Nguyễn Tuyển, Nguyễn Quý Cảnh mang hương binh vào bảo vệ phủ chúa rồi chầu vua Lê, xin chỉ lập Trịnh Doanh, sau đó điều quân giết hết bè
cánh của Công Phụ. Trịnh Doanh thay quyền ngôi chúa, lấy hiệu là Minh Đô Vương, tôn Trịnh Giang làm Thái Thượng Vương.
Ngay khi lên ngôi, Minh Đô Vương Trịnh Doanh lập tức chấn chỉnh bộ máy cai trị, bãi bỏ việc xây dựng chùa chiền, đường sá của Trịnh Giang, trả lại ruộng đất cho dân cày cấy và dùng nhiều biện pháp khác để nới sức dân. Nhiều sắc chỉ quy định dưới thời Trịnh Cương bị Trịnh Giang bãi bỏ nay được dùng lại.
Để dẹp loạn, Trịnh Doanh đã trọng dụng, cất nhắc các nhân tài như Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng, Hoàng Nghĩa Bá,…
Năm 1740, ngay sau khi lên ngôi, Trịnh Doanh tự cầm quân đi dẹp quân khởi nghĩa của Vũ Đình Dung ở Ngân Già (Sơn Nam), bắt được Dung đem chém, đổi tên đất ấy là Lai Cách.
Sau khi Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển bị Hoàng Nghĩa Bá và Phạm Đình Trọng dẹp được, thủ hạ là Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu lại nổi dậy, thanh thế rất lớn. Cùng lúc tại Tam Đảo, Nguyễn Danh Phương cũng khởi nghĩa. Trước tình thế phải đối phó với nhiều cánh quân mạnh, Trịnh Doanh cho Danh Phương đầu hàng dù biết Danh
Phương chỉ muốn tạm hàng để củng cố lực lượng. Tạm yên mặt bắc, Doanh dồn sức đánh Hữu Cầu và Công Chất ở phía đông nam.
Có người gièm pha Phạm Đình Trọng khi Trọng đang cầm quân đánh dẹp. Trịnh Doanh vẫn tin tưởng Trọng, còn gửi một bài thơ trấn an động viên.
Nhờ sức hai tướng giỏi là Đình Trọng và Ngũ Phúc, Trịnh Doanh đánh bại cả hai cánh quân khiến Cầu phải bỏ chạy vào Nghệ An, Chất chạy vào Thanh Hóa. Từ đó hai cánh quân này bị tách rời nhau không hợp sức tác chiến được nữa. Công Chất chạy lên phía tây bắc chiếm cứ Mường Thanh xa xôi hẻo lánh, Hữu Cầu cô thế nhiều lần bị đánh bại.
Trong khi Trịnh Doanh dồn sức đánh Hữu Cầu và Công Chất thì Danh Phương xưng hiệu, đặt cung điện, thanh thế lớn mạnh. Trịnh Doanh để Đình Trọng đánh Cầu, còn mình mang quân sang dẹp Phương. Năm 1751, thúc đại quân đánh Phương ở đồn Ức Kỳ và Hương Canh. Do sự nghiêm khắc với tướng sĩ của Trịnh Doanh, quân Trịnh liều mình lăn xả vào trận đánh địch, phá được Danh Phương. Khi Trịnh Doanh bắt được Phương mang về kinh thì Đình Trọng cũng bắt được Hữu Cầu giải đến. Thế là hai cánh quân khởi nghĩa lớn bị dẹp cùng lúc. Các cánh quân của thủ lĩnh Thành, thủ lĩnh Tương cũng bị trấn áp.
Tới năm 1751, chỉ còn hai cánh quân của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật chiếm cứ những nơi xa và hiểm trở, những vùng đông dân cư đều yên ổn trở lại. Cánh quân Công Chất ở quá xa, còn cánh Duy Mật vốn xuất thân là hoàng tộc nhà Lê nên Trịnh Doanh cũng không muốn dồn bức quá gắt gao.
Để có lực lượng đối phó với các cuộc khởi nghĩa, Trịnh Doanh ưu đãi tướng sĩ để khuyến khích sự hăng hái của họ. Binh lính nòng cốt là lính Thanh – Nghệ, vì cậy có công nên trở thành kiêu binh. Mặt khác, vì muốn dẹp loạn bằng mọi giá, Trịnh Doanh đã hạ lệnh đốt hết sổ sách thư từ, thu nhặt hết chuông khánh trong các chùa để đúc binh khí.
Trịnh Doanh là người chǎm chỉ lo việc chính sự: cho đặt ống đồng ở cửa phủ để nhận thư từ dân chúng tố cáo việc làm sai trái của quan lại, định lệ các quan từ tam phẩm đến nhất phẩm, mỗi ngày lần lượt thứ tự hai người vào phủ chúa để hỏi về chính sự và mưu sách việc quân việc nước.
Nǎm 1755, vua Lê Hiển Tông gia phong cho Trịnh Doanh là Thượng Sư Thượng Phụ Anh Đoán Vǎn Trị Võ Công Minh Vương.
Một điều đáng chú ý là mỗi khi tuyển chọn và cất nhắc quan lại, Trịnh Doanh rất coi trọng thực tài. Trịnh Doanh là người đầu tiên quy định: bất cứ ai, trước khi bộ Lại bổ dụng cất nhắc, phải dẫn vào phủ đường yết kiến để chúa trực tiếp hỏi về việc làm, ai có khả nǎng mới trao cho chức quyền. Trịnh Doanh nổi tiếng thưởng phạt công minh. Nhiều danh sĩ xuất thân khoa bảng được trọng dụng, như là Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ,…
Tháng giêng năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, ở ngôi chúa được 28 năm (1740-1767), được tôn là Nghị Tổ Ân Vương. Trịnh Sâm lên nối ngôi, tức là Tĩnh Đô Vương.
Giống như Định Nam Vương Trịnh Căn trước đây, Trịnh Doanh không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự, mà còn là một nhà thơ. Thơ của Trịnh Doanh thiên về thơ nôm. Tập thơ nôm mà Trịnh Doanh để lại có tên “Càn nguyên ngự chế thi tập” hiện nay vẫn còn lưu bản chép tay, do con trai là Trịnh Sâm đặt tên và quan Thị thư Viện hàn lâm kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Phan Lê Phiên biên soạn, viết tựa.
Nội dung của tập thơ phần lớn do yêu cầu chính trị, quân sự và hoàn cảnh cụ hể quy định. Trịnh Doanh tỏ ra là người coi trọng sử dụng chữ nôm. Thể thơ chủ yếu mà ông áp dụng là thơ Đường luật, đôi lúc xen với câu 6 chữ, một số ít làm theo thể thơ lục bát hoặc thơ song thất lục bát. Các nhà nghiên cứu văn học đánh giá Trịnh Doanh xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các tác gia có tên tuổi của Việt Nam.
(5) Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776) là danh tướng thời Lê Mạt . Quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng , Bắc Giang. Hoàng Ngũ Phúc có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài và là tổng chỉ huy cuộc Nam tiến đánh Đàng Trong, mở mang đất đai Bắc Hà tới Quảng Nam.
Hoàng Ngũ Phúc xuất thân là hoạn quan, nổi tiếng là người có nhiều mưu kế.
Bấy giờ Trịnh Doanh mới lên ngôi, khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài bùng nổ khắp nơi. Trong lúc triều đình lo việc đánh dẹp, tháng 2 năm 1743 Hoàng Ngũ Phúc dâng 12 điều về “binh pháp dẹp loạn” lên chúa Trịnh. Trịnh Doanh xem rất ưng ý, cho đem thi hành, rồi sai Phúc thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng thống tướng Hoàng Công Kỳ đánh Nguyễn Hữu Cầu.
Tháng 6 năm 1743, Nguyễn Hữu Cầu đóng trại ở Đồ Sơn, hoạt động khắp vùng Hải Dương. Hoàng Ngũ Phúc theo Hoàng Công Kỳ cùng tiến đánh Đồ Sơn, Hữu Cầu phải chạy ra biển.
Năm sau, Hoàng Ngũ Phúc lại đem quân vây Hữu Cầu ở Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vòng vây ra, chạy đến Kinh Bắc, đánh chiếm vùng Thọ Xương. Trấn thủ Kinh Bắc là Trần Đình Cẩm đại bại, cùng đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín mà chạy. Nửa đêm tin báo đến kinh, trong kinh thành nhốn nháo kinh sợ. Hoàng Ngũ Phúc được tin Kinh Bắc thất thủ, bèn dẫn quân tiến đến đóng ở Võ Giàng.
Trịnh Doanh sai Cổn quận công Trương Khuông phối hợp cùng Ngũ Phúc họp quân tiến đánh, Hữu Cầu thua chạy, Ngũ Phúc lấy lại được thành Kinh Bắc. Trịnh Doanh bèn điều thêm các tướng cùng đánh Hữu Cầu.
Tháng 11, Trương Khuông đánh nhau với Nguyễn Hữu Cầu ở Ngọc Lâm, bị bại trận. Đinh Văn Giai lại bị bại trận ở Xương Giang, đều cho triệu về; bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc làm thống lãnh Bắc Đạo, trấn thủ Kinh Bắc, kiêm trấn thủ Hải Dương. Hoàng Ngũ Phúc cùng Trương Khuông, Vũ Tá Liễn hẹn nhau cùng vây đánh Hữu Cầu. Khuông tự đem quân bản bộ đánh mặt trước. Hữu Cầu giữ nơi hiểm trở, đặt quân mai phục, dử quân Trương Khuông vào trong chỗ hiểm trở, quân của Khuông thua to. Quân Trịnh bốn đạo không đánh tự vỡ, thế quân Hữu Cầu lại mạnh lên.
Sau đó, Hữu Cầu vây doanh trại Thị Cầu. Hoàng Ngũ Phúc chia ra ba cánh để tiến quân: Phúc tự mình đem quân bản bộ đánh mặt trước, Đàm Xuân Vực đánh mặt tả, Nguyễn Danh Lệ đánh mặt hữu. Hữu Cầu bị thua, phải chạy qua sông, mới giải được vây. Trịnh Doanh bổ dụng Ngũ Phúc làm thống lãnh đạo Kinh Bắc, sau lại kiêm trấn thủ Hải Dương.
Tháng 1 năm 1745, tàn dư họ Mạc từ Trung Quốc về đánh chiếm Thái Nguyên. Hoàng Ngũ Phúc cùng lưu thủ Văn Đình Ức cùng đem quân tiến đánh, phá được giặc, thu phục lại trấn thành.
Tháng 8 năm 1745, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng cùng tiến đánh Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. Hữu Cầu phải phá vây chạy ra Yên Quảng, chiếm cứ Hạc Động, nhờ vào địa thế đảo-biển quanh co khúc khuỷu để hoạt động, thường dùng loại thuyền gọn nhẹ đánh phá vùng đông nam. Hoàng Ngũ Phúc cùng Đình Trọng đem quân đi đánh, chém được thủ hạ tâm phúc của Hữu Cầu là Thông và hơn 10 người, thu được nhiều quân nhu và ngựa chiến. Từ khi Thông chết, thế lực Hữu Cầu suy yếu dần…
Tháng 12 năm 1750, Hoàng Ngũ Phúc được lệnh cùng Đỗ Thế Giai định ra 37 điều quân lệnh, chia quân sĩ làm 4 đạo, sau đó chúa Trịnh Doanh bổ dụng Ngũ Phúc trông coi việc quân cùng đi đánh Nguyễn Danh Phương. Tháng 2 năm 1751, quân Trịnh đánh bại Nguyễn Danh Phương. Phương bị bắt mang về kinh xử tử cùng Nguyễn Hữu Cầu, cũng đã bị Phạm Đình Trọng bắt sống giải về kinh...
Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong làm Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Năm 1754, Thượng thư bộ Binh Phạm Đình Trọng chết sớm, Hoàng Ngũ Phúc trở thành vị tướng quan trọng nhất của triều đình.