Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.521
 
Chuyện Làng Tôi …
Trần Minh Nguyệt

 

Quê hương là dòng sữa mẹ ngọt ngào ấp ủ bao ước mơ, bao kỉ niệm của cuộc đời mỗi con người. Dù có đi đâu, ở đâu đi nữa thì thẳm sâu trong lòng chúng ta vẫn có một quê hương như thế- nó là dòng máu ấm lưu thông trong huyết quản, và luôn là chốn bình yên nhất cho những đứa con của mình quay về…

 

Quê tôi là một làng quê nghèo nằm bên cạnh dòng sông Kôn nước chảy  êm đềm với bốn mùa đầy hoa thơm, cỏ lạ. Con đường dẫn vào làng tôi uốn lượn như hình một con rồng đang bay. Cũng chính vì vậy mà nhiều thầy Địa Lý đã nói rằng làng tôi là vùng đất của " Địa Linh Nhân kiệt". Không biết có phải vì thế mà làng tôi thế hệ nối tiếp thế hệ đều học rất giỏi, nhà nào cũng có con cháu đậu cử nhân, bác sĩ và cao hơn là Thạc sĩ, tiến  sĩ cả. Nhưng những đứa con của làng cứ thành tài là họ không về làng nữa mà sống ở những nơi phồn hoa, đô hội khác. Điều này cũng dể hiểu thôi vì khi họ thành tài kiếm ra nhiều tiền thì cuộc sống khốn khó trong làng không còn phù hợp với họ nữa. Họ muốn có cuộc sống cao hơn, đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn. Tôi ao ước muốn kể với mọi người về ngôi làng  bé nhỏ của tôi, về những con người thân thương ,về tình làng nghĩa xóm, về những chuyện vui buồn đã bao năm khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn nhưng tôi lại không biết bắt đầu từ đâu nữa? Tôi xin được bắt đầu từ tôi vậy…

 

Tôi là một đứa trẻ vô thừa nhận, là đứa trẻ được ai đó bỏ trước cổng nhà mẹ nuôi tôi khi tôi mới sinh ra. Đó là một đêm mùa đông, trời lạnh buốt, khi mẹ nuôi tôi ẳm tôi vào nhà cơ thể tôi đã tím tái cả rồi.Chính lòng nhân hậu và tình yêu thương của mẹ nuôi đã giữ tôi lại trên cõi đời này. Mẹ nuôi tôi có chồng mà cũng như không, vì mẹ tôi không sinh được  con nên ông bỏ bà sống với một người đàn bà khác.Họa hoằn lắm ông mới về nhà một hai ngày mà có khi cả năm ông ta cũng chẳng về nhà lần nào cả. Tôi dù chỉ là một đứa con nuôi nhưng mẹ tôi dồn hết tình thương yêu cho tôi, tôi có một tuổi thơ ngọt ngào và ấm áp- ngày một buổi đi học, một buổi nô đùa cùng những đứa trẻ trong làng khác. Mẹ rất nuông chìu tôi, không bao giờ bà la rầy hay đánh đập tôi cả. Nhưng, có lẽ tôi sinh ra chỉ để đem lại sự xui rủi cho mọi người hay sao đó,mà mẹ nuôi tôi  đã ra đi đột ngột khi mới 45 tuổi. Ngày mẹ nuôi tôi mất cũng là buổi cuối cùng tôi thi hết cấp hai.Ngày đó tôi còn khờ dại tôi không nghĩ mẹ có thể bỏ tôi mà đi như vậy? Tôi nghĩ mẹ tôi đau nặng, nằm một lúc rồi sẽ tỉnh dậy như bao lần khác mà thôi. Chỉ khi người ta ẳm mẹ bỏ vào quan tài rồi đậy nắp lại, đống đinh  chắc chắn- tôi mới khóc thét lên vì biết rằng từ giờ phút ấy tôi sẽ không còn gặp lại người mẹ thương yêu nữa!

Sau khi cúng thất tuần mẹ tôi xong, ba tôi bán đi ngôi nhà của mẹ và mang tôi xuống ở cùng những đứa con của ông với dì Lan. Với thân phận là con, nhưng tôi không được tiếp tục học, mà hàng ngày phải làm quần quật từ sáng đến tối, từ lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt giủ và còn phải phụ bán quán phở và rửa bát với Dì Lan cho đến khuya.. Hai tay của tôi bị nước xà phòng ăn loang lỗ và đau nhức nhưng không thể chậm chạp, hay lẫn tránh..Từ ngày có thêm tôi  công việc làm ăn của ba tôi gặp nhiều chuyện không may. Ông buôn bán gì cũng thua lỗ, và tôi trở thành cái đích  để trút những cơn giận dữ của ba tôi. Tôi sống như một cái bóng, suốt ngày không dám hé răng nói với ai nửa lời, không dám xuất hiện trước mặt ba, và dì Lan. Không chỉ vì tôi sợ những trận đòn mà tôi sợ những lời cay độc của họ, tôi sợ ánh mắt sắc lạnh của họ dành cho tôi. Khi tôi về nhà cậu làm tuần ba tháng mười ngày của mẹ tôi, tôi không về lại nhà ba và dì Lan tôi nữa. Tôi cũng không ở lại nhà cậu vì nhà cậu rất đông em và cũng nghèo. Tôi sang ở với bà Bác dâu, chồng của bà là bác ruột của mẹ nuôi tôi. Bà rất hiền lành và tốt bụng nhưng người làng tôi mỗi khi nhắc đến  bà giống như kể một giai thoại vậy.

 

Bà bác tôi làm chuyện gì cũng chầm chậm-chậm đến nỗi ai cũng phải thốt lên " Ối trời ơi, làm  vầy sao mà chịu nổi đây". Lâu dần, không hiểu ai đó trong làng đã cắc cớ đặt cho bà cái tên mới : “ Bà ba rùa”. Bà không thể tự mình thay đổi được, không làm gì được nhanh chóng như bao người khác? Có lẽ, chỉ còn một lý do duy nhất,  mà người trong làng đã giải thích mỗi khi nhắc kể lại những “  giai thoại  chậm vô địch” của bà  do “ ông trời sinh” ra vậy : Nhà trồng rau nhưng mỗi khi bà cắt ra chợ bán thì trời đã trưa trờ trưa trật ra rồi, Chợ sắp tan còn ai mà mua rau nữa? Bà xoay ra bán hàng xén nhưng  khi có ai  hỏi mua gì bà soạn tìm đồ lâu quá khách cũng buồn ý bỏ đi!. Vậy mà có bận bà xoay sang nghề bán trứng vịt lộn, nhưng chỉ một thời gian sau là bà phải nuôi một đàn vịt con vì trứng nở không kịp bán?.Trong làng tôi, cứ mỗi lần nhắc tới bà là ai cũng  cười nghiêng ngã. Họ còn “ thêu dệt “ thêm quanh bà những giai thọai tiếu lâm đẻ cười vui-trong đó có chuyện về đêm tân hôn của bà với người chồng “nóng tính.”! Tuy vậy- bà “ ba rùa” rất tốt bụng, bà giống như một bà tiên trong truyện cổ tích vậy. Ở với bà tôi không làm gì ngoài việc ngày hai bửa nấu cơm ăn thôi. Tôi sống bên sự đùm bọc thương yêu  của bà được năm năm thì bà mất- bà bị té xe ngựa và thổ huyết.  Sau tang lễ, làng họp lại và quyết định cho tôi được sở hữu ngôi nhà của bà ,vì tôi cũng không còn chổ  nào khác để đi và  cũng vì tôi rất mong dược ở gần mộ mẹ,  bà bác tôi, và bà con trong làng…

 

Mùa hè năm nay trời nóng lạ, khí trời oi bức mà không một giọt mưa.Tôi vẫn kế nghiệp bà bác bán quán nước dưới gốc cây đa cổ thụ mấy trăm tuổi ở đầu làng. Đang thiu thiu ngủ tôi bỗng giật mình tỉnh giấc vì tiếng khóc của  bé Minh con của chị Ba Lài. Con bé rất xinh, nhưng tính như con trai, chạy nhảy- hiếu động. Chị ba Lài trưa nào cũng ra quán tôi vì con bé rất thích uống nước mía. Trưa nào cũng đòi ra quán .

- Quán nước của em mát thật đó, sáng giờ quán đắt hàng không em? Chị ba Lài vừa quậy li nước mía vừa hỏi.

-Cũng tàm tạm chị à- tôi cười nhẹ-Trời nắng nên em bán nước mía và bán đá lẻ nhiều hơn.-Tôi thoáng nhìn lên gương mặt hơi xanh tái của chị- Mà sao hôm nay chị ra trễ vậy?

- Con bé này nó mê chơi quá, chị phải quất cho mấy roi nó mới về nhà ăn cơm đó! Chị thở dài, hai đứa cháu của bà Năm Lành từ Sài Gòn về chơi- cha, mẹ nó đã bỏ nhau rồi em à. Chỉ tội cho lũ trẻ thôi…

- Con của anh Thanh hả chị? Nó về với ai? Anh Thanh dẫn nó về à?

- Không phải em à, chị thấy chúng mà muốn khóc luôn. Ba chúng nghe nói đang ở Hà Nội, còn mẹ chúng đã lập gia đình khác. Chúng ở với cậu, mợ. Mợ chúng đưa chúng về ở với bà nội hè này.Im lặng một chút, chi lại thở dài- Nhưng hình như trẻ con lây lất vậy thường khôn sớm em à.

Chị đưa tay  cuốn cao lại mái tóc:

- Mà chị cũng không hiểu sao ba, mẹ chúng nghe nói đều học cao, giàu có mà lại có thể vứt bỏ con mình nhẹ nhàng như vậy.Chị thoáng cười mơ hồ- Họ đang đi tìm cái gì vậy hả em?

Tôi cảm thấy sống mũi mình cay cay- tôi chợt nghĩ đến thân phận mình cũng là một đứa trẻ mồ côi bất hạnh  Nhưng bù lại, tôi may mắn được sự thương yêu bảo bọc của những con người nghèo khó mà tấm lòng thật nhân hậu trong ngôi làng bé nhỏ này từ thuở mới mở mắt chào đời!.

 

 

Chiếc xe hơi bóng lộn đang tiến vào cổng làng, tôi và chị Lài ngước nhìn lên. Mùa hè làng tôi nhộn nhịp hẳn lên- những đứa con của làng xa quê về thăm nhà,thăm bà con. Tiếng vui đùa của trẻ nít, vẻ mặt rạng rỡ của người già làm cho làng mang một khuôn mặt mới. Chị Lài nhìn theo chiếc xe hơi một lúc và nói :

- Hình như là vợ chồng thằng Lý con của bác Bốn Biên em à? Chắc là vợ chồng nó về làm giỗ ông Biên đó. Nhanh thật - mới đây mà ông Biên mất đã được năm năm rồi!

- Ủa, ông Biên chết vào mùa hè sao chị?- Tôi kêu lên- Em nhớ lúc ông chết trời mưa mà.

-Đúng đấy em à,-Chị Lài nhếch mép cười, không hiểu sao năm ông Biên chết vào mùa hè mà có bão, kèm theo mưa lớn  nữa chứ?

 

“ Ông Biên lúc còn sống rất khổ”-Chị lài trầm ngâm, nói nhỏ.- “ ông bà không nghề,không nghiệp chỉ có một mảnh ruộng hai sào được họp tác xã phân cho, nhưng vì anh Lý đi học đại học ở xa nên ông bà đã cho mướn ruộng 10 năm để lấy một số tiền gởi cho con.” Tôi nhớ lại, bà Biên thường đau yếu suốt, nên một mình ông Biên phải làm mướn để sinh sống. Cậu Lý ra trường xin được một việc làm lí tưởng tại một công ty to ở Sài Gòn, rồi cưới con gái của một nhà giàu. Nghe đâu nhà của vợ chồng cậu ở mua 1,6 tỷ cách đây máy năm rồi. Ai cũng tưởng ông bà Biên sống sướng hơn, nhưng người ta vẫn thấy ông ngày ngày đi làm mướn hết nhà này đến nhà khác. không có thay đổi gì khác. Rồi ông ngã bệnh, bị kiệt sức và ra đi một cách thanh thản. Ông đi  ngủ và ngủ luôn một giấc đến sáng không dậy nữa.  Sau khi ông Biên mất ,cậu Lý đón bà về ở với vợ chồng cậu. Nhưng bà chỉ đi được  hai tháng là lại trở về làng. Bà nói bà nhớ làng, nhớ nhà, nhớ bà con chòm xóm không chịu được. Nhưng còn một nguyên nhân thầm kín nữa mà bà chỉ to nhỏ tâm sự với tôi khi ra ngồi uống bát nước chè- không muốn nhắc đến với ai cả, vì bà sợ mọi người chê. Đó là bà bị đói. Con trai và con dâu bà là  người thành phố nên rất khoảnh ăn -mỗi bửa chúng chỉ ăn độ lưng chén cơm. Và bà cũng phải làm  vậy vì nếu có muốn ăn thêm thì cũng có còn cơm đâu mà ăn? Bà nói  đói đến mờ cả mắt. Bà bảo- về lại làng, dù có ăn rau mắm muối tiêu nhưng cũng được ăn no. Bây giờ cuộc sống của bà cũng tạm ổn rồi bởi khoảnh ruộng của bà cho thuê đã hết hạn  Bà làm mấy công  ruộng cũng lây lất qua ngày-  không lo cái đói như xưa nữa nữa.

Chị Lài bỗng nhìn tôi-gương mặt tươi hẳn:

- À! em này, Hôm qua bà Mười kể chuyện gì mà em cười quá vậy?- Chị Lài đột nhiên hỏi

- Bà ấy kể về cậu Dư, em ruột của bà ấy mà.- Tôi cười-em không ngờ ngày nay mà còn có người tin vào chuyện như vậy nên mắc cười quá chị à!.

Bà bảo: cậu Dư với  vẻ mặt rạng rỡ chạy đến khoe với bà rằng nhà cậu sắp giàu có vì cóc tới ở nhiều. Cậu ta tin vào huyền thoại con “cóc ngậm vàng” của người Trung Quốc. Cậu nói ở Trung Quốc người ta thờ con cóc để mong được giàu có nữa. mà nhà cậu bỗng dưng rất nhiều Cóc đến ở nên đó là điềm lành.

Bà Mười phân bua với em :" Nhà nó dơ và ẩm thấp quá nên Cóc tới ở vậy mà nó còn mừng nữa, thật là hết biết.” Chị Lài nghe xong cũng cười đến chảy  nước mắt.

 

Bé Minh- con chị Lài đã dựa vào lòng chị ngủ tự bao giờ,Nhìn vẻ mặt ngây thơ của nó chị Lài vừa âu yếm nhìn con vừa cười nói :" Con bé này giống hệt ba của nó, chẳng những giống mặt, mũi,tay chân mà còn giống tính ngang bướng của cha nó nữa mới chết chứ em?".  Ngừng lại một lúc như để nhớ lại –chị nói tiếp :" Hồi còn nhỏ cũng vì ba của Bé Minh mà chị bị ba chị đánh luôn đó em!- Chị Lài lại tủm tỉm cười- Chị ghét anh ấy lắm, nhưng ghét của nào trời trao của đó thôi em à!".

- Sao vậy chị?- Tôi tò mò, Chị kể cho em nghe đi? Hai anh chị ở cùng một làng ,nhà ở cạnh nhau mà thành vợ chồng cũng khó có đó. Em yêu quý tất cả mọi người ở đây,ai cũng rất thân thương  gần gũi,nhưng còn tình yêu đôi lứa thì em thấy khó quá? Tôi phân vân-Hình như  quá quen thân nhau rồi  khó mà yêu được phải không chị ?.

Chị Lài ngó mông lung về  phía cuối làng- mơ màng như cố nhớ lại thời tuổi trẻ. Ngẫm nghĩ một chút chị kể: “Thời ấy không như bây giờ đâu em à! Trẻ con không có đồ chơi được làm sẵn bày bán  mà phải tự làm lấy để chơi thôi!  Chị là con cả nên ba, mẹ chị thương chị lắm, chị muốn gì  ba mẹ cũng chìu. Những ngày giáp Tết hồi đó vui lắm chứ không nhạt nhẽo, thờ ơ như bây giờ. Tết đến mẹ chị dẫn chị đi chợ đầu xuân mua đồ chơi, chị đòi mẹ mua cho con gà cồ đất- món đồ chơi rất quý thời đó. Chị chơi có hơn một ngày rồi đập ra lấy cái còi bằng ống trúc nhỏ thổi te te chơi. Anh Nam- chồng chị bây giờ ,cũng  được mẹ mua cho một con gà cồ đất như thế, nhưng tính anh ấy cẩn thận, chơi xong mấy ngày Tết rồi gói giấy, đem cất kỹ. Tháng ba ,anh ấy lấy con gà cồ ra thổi ngay trước mặt chị- chị thích quá nên chạy về nhà khóc đòi mẹ mua cho. Nhưng tháng ba-đã qua Tết mấy tháng rồi, còn ai bán gà cồ đất nữa đâu? Thế là chị khóc, lăn ra đất nằm vạ. Ba, mẹ chị dỗ hoài không nín. Kết quả của những lần đó là chị bị no đòn”- Chị Lài cười hồn nhiên-. “Vậy mà không hiểu sao chị lại thương anh mới lạ chứ? Tình yêu hay duyên nợ thật khó hiêu quá em nhỉ? “

Tôi bật cười : " Có duyên với nhau thì đến với nhau thôi chị à.Chị đọc Kiều rồi chắc biết sự tích Vi Cố chứ ?"

- Chắc vậy- Chúng tôi cùng nhìn nhau cười. Những chuyện không giải thích được thì cứ đổ thừa cho số mệnh trời ban- vậy là nhẹ lòng, khỏi suy nghĩ gì nữa phải không chị? Con người nhỏ bé quá mà!

 

Tôi dọn hàng sớm hơn thường lệ vì chiều nay tôi phải sang nhà cậu phụ mợ tôi làm bánh ít để cúng bà ngoại. Cậu mợ tôi nghèo nhưng tình thương cùng những lời dạy dỗ chân tình của họ đã giúp  cho tôi nên người. Sự đùm bọc, giúp đỡ-đâu chỉ phải có cơm áo, tiền bạc ? Sau khi mẹ tôi mất- lúc tôi buồn khổ nhất, thất vọng nhất ,cậu mợ tôi luôn bên cạnh an ủi tôi, dỗ dành tôi. Họ bảo mẹ tôi mất đi, không còn gì- chỉ còn lại duy nhất trên cuộc đời này là tôi thôi. Tôi mãi nhớ lời dạy của cậu : " Cháu còn trẻ, tương lai còn phía trước, con đường tương lai của cháu tự cháu quyết định. Miễn sao cháu tìm thấy được bến bình yên. Hãy cố gắng cháu nhé, đừng phụ lòng mẹ và mọi người… ". Tôi bước vào chái hiên nhà, thấy  cậu mợ tôi đang ngồi ở phòng khách, nét mặt dàu dàu. Tiếng mợ tôi nói khẽ " Má mình đã chết rồi mà còn khổ,Cũng là giỗ, mà Thằng Lý làm giỗ ông Biên mời cả làng, còn nhà mình chỉ làm có mâm cơm tôi càng nghĩ càng buồn ông à. “

Tiếng cậu tôi khẻ khàng  : " Bà nghĩ đi đâu vậy, mình nghèo má cũng biết mà. Miễn sao ngày giỗ con cháu tề tựu đông đủ thì má vui  rồi.

Khi nhìn thấy tôi- họ gượng cười, mợ Trúc đon đã :" Cháu mới đến à? Sao cháu dọn hàng sớm vậy?- Mợ cười, mợ và mấy em lo làm cũng được mà. Tối cháu sang thắp hương cũng được…"

-Dạ! Cháu nghỉ một buổi bán có sao đâu mợ-Tôi sẽ sàng cười, Mai là đám giỗ bà ngoại mà mợ…

Cậu nhìn tôi âu yếm – giọng vui vẻ: " Cháu biết nghĩ vậy là tốt, Cháu sống tốt và lương thiện như vậy chắc mẹ cháu vui lắm !"

Tôi nhìn cậu mợ-giọng ấp úng :" Cháu bán quán  gom góp cũng có một ít tiền.” – Tôi nói lí nhí- cháu gởi cậu, mợ 500 ngàn để cậu, mợ mua nhang đèn, hoa quả cúng  bà…"

Cậu mợ tôi im lặng. Dáng trầm ngâm.  Một lúc, mợ tôi cầm tay tôi  mâm mê nhẹ nhàng: " Cậu mợ nghèo không giúp gì được cho cháu, cháu hãy giữ tiền lại để phòng khi cần cháu à! Cậu, mợ lo được mà …".

Chỉ vậy thôi mà tôi không cầm được nước mắt. Hai dòng nước mắt cứ tự nhiên rơi xuống má- tôi cảm nhận được tình thương yêu mà cậu, mợ dành cho tôi thật sâu đạm, chí tình…

 

Tôi lắng nghe giọng ngâm Kiều từ nhà ông Năm vọng sang- đều đều, tha thiết. Tự nhiên một tình cảm êm ái lâng lâng len nhẹ vào lòng tôi đang khắt khoải.. Tôi tự hỏi: “ Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?” . Như bao lần, tôi mù mờ không thể nào đoán  biết được- nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, rõ như như xòe bàn tay -là tôi rất yêu quý ngôi làng của mình, yêu quá những con người, những mãnh đời truân chuyên, khốn khó ở đây.  Dù cuộc đời tôi mai này sẽ thế nào-tôi sẽ  không bao giờ rời xa nơi này được. Bởi vì đó, chính là cuộc đời hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại của tôi…/.

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1884
Ngày đăng: 22.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Người Làm Chứng - Khải Nguyên
Giấc Mộng - Âu thị Phục An
Ngày thì tối, đêm thì sáng - Nguyễn Lệ Uyên
Mẹ hay ôsin? - Khôi Vũ
Sinh ngày 13 tháng 7 - Huỳnh Văn Úc
Chúa Trịnh - Ngày Tàn… - Đỗ Ngọc Thạch
Người Bốc Cháy - Dương Đức Khánh
Dường như niềm tuyệt vọng - Nguyễn Vĩnh Căn
Hồng Nhung - Minh Hương
Tình Ơi! - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)