Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.259
 
Đến Với “Điềm Nhiên Cỏ” Của Hoàng Công Hảo
Võ Thị Như Mai

Tháng 10 này thấy giáo dạy văn thời cấp ba của tôi sẽ về hưu, thầy Nguyễn Văn Trung của trường THPT Bùi Thị Xuân – Đà Lạt. Thầy bảo có thể sẽ tiếp tục dạy hợp đồng một số tiết, sẽ tiếp tục chơi tennis, tham gia huấn luyện Huynh Trưởng và dành nhiều thời gian nghiên cứu sách Phật. Tôi vẫn nhớ loáng thoáng trong cuộc nói chuyện, thầy đề cao nguyên lý và giáo lý nhà Phật, rằng đấy là một kho tàng tri thức vô giá và vi diệu. Tôi có nói với thầy rằng tôi ít đọc các tài liệu tôn giáo với lý do là không có thời gian và chắc là chưa có … duyên (tôi nói “ít” như là một cách chống chế chứ thật ra tôi chả đọc gì cả). Ngày còn ở Đà Lạt tôi có tham gia GĐPT một vài năm và sau này ngẫm lại, tất cả những kỹ năng sinh hoạt tập thể mà tôi dùng rất nhiều trong các tình huống sư phạm đều tích tụ từ những ngày tham gia GĐPT thời ấy, qua những kỹ năng cắm và nhổ trại, lắng nghe tín hiệu morse để đi tìm mật thư, cách thắt và gỡ gút (kể cả cách thắt cravat), các bài hát và trò chơi tập thể. Tôi xin được chúc mừng thầy giáo của tôi, luôn luôn là một người thầy được yêu mến bởi nhiều lớp học sinh qua các bài giảng du dương tuyệt vời, kết hợp lòng say mê nghề nghiệp, kiến thức uyên thâm trong ngành và nhiều lãnh vực, để những giờ giảng văn luôn trôi qua nhẹ nhàng và luôn đọng lại trong lòng học sinh niềm tin, tri thức và tình yêu thương bao la.

 

Giữa thầy giáo sắp về hưu và tôi, ba mươi mấy tuổi, và các lớp trẻ sau thế hệ của tôi, dĩ nhiên, được sanh ra vào những thời điểm khác nhau nên quan điểm sống cũng có phần khác nhau. Nguyễn Đình Tú với tác phẩm có tựa đề “Nháp” nói về một số người trẻ tuổi, “lost generation” kiểu Việt Nam, họ thuộc về thế hệ chịu sự đổi thay đến chóng mặt với những nỗi lo của thời đại. Gần đây blogger Mai Xuân Dũng đang đăng dần các chương của một truyện ngắn anh viết cũng có đề tài tương tự như thế. Tôi xin trích một phần lời bình phản hồi gần đây nhất “Giới trẻ đang là một ẩn số lớn. Họ thể hiện lối sống hiện sinh, thông minh nhưng hình như thiếu đi phẩm chất lý tưởng mà lớp cha anh có thừa. Quan điểm sống của họ thực dụng hơn. Nhân sinh quan có nhiều dấu hiệu rời bỏ tư tưởng Á Đông. Các thế hệ dần dần mất tiếng nói chung” (Nguyễn Văn Thịnh).

Đề cập đến điều này, tôi nghĩ đến bản thân mình và đôi khi tự hỏi tôi thuộc về phạm vi nào, hay đang ở giữa, một kiểu “nửa mùa”. Tôi  trân trọng niềm tin tôn giáo và các giá trị đạo đức mà ông bà vẫn lưu truyền cho con cháu. Chẳng hạn tôi không ăn chay trường như Bố và cũng không ăn chay vào ngày rằm hay mùng một nhưng tôi quyết định ăn chay vào những ngày thích hợp cho gia đình của mình, những ngày cảm thấy mình cần nhiều rau cải và trái cây hơn thường lệ, và quả thật sau những ngày ăn chay như thế, mọi người cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn nhiều. Hay tôi không bao giờ đem thức ăn mặn lên trường để ăn trưa vì cảm thấy chỉ cần bữa ăn nhẹ và một phần nữa là do thầy Hiệu Trưởng người Úc ăn chay trường. Tôi có những quy tắc nhất định nhưng tất nhiên, tôi cũng bị cuộc sống đang trôi rất vội ngoài kia níu bên này kéo bên kia. Tôi có thể lao vào thời trang như điên hoặc xem những tin giật gân, những phim hành động đánh nhau ì xèo hoặc đọc ngấu nghiến các tạp chí nói nhiều về đời tư của các cô ca sĩ, chàng diễn viên. Tôi cũng phải xếp hàng xem cho được bộ phim 3D mới ra hoặc lặn lội thiệt xa để nếm cho được một món ăn ngon được quảng cáo cầu kỳ trên tờ báo cuối tuần. Nhưng tôi cũng phản đối kịch liệt việc dùng tivi để làm người giữ trẻ bởi tôi tin tưởng vào nghiên cứu của Pagini, rằng tivi làm trẻ kém tập trung và gây hại cho não.

 

Chính vì thế hệ chúng tôi ngày nay phải đối mặt với những vấn đề mới của xã hội mới, giữ cân bằng cho một nếp sống hài hòa là điều tối quan trọng, để thấy được giá trị của cuộc sống hiện tại và hướng về những điều tốt đẹp trong tương lai. Trạng thái cân bằng này cũng là cảm giác tôi có được sau khi đọc tập thơ  Điềm Nhiên Cỏ (NXB Đà Nẵng, 2010) của thầy giáo dạy văn – nhà thơ Hoàng Công Hảo. (Công tác tại trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Đà Nẳng)

 

Trước Điềm Nhiên Cỏ là  Đi Tìm Khoảng Lặng (NXB Thuận Hóa, 2005). Trong tập thơ đầu tiên này, Hoàng Công Hảo gửi tâm tư, tình cảm của anh vào những bài thơ ca ngợi những địa danh mà anh đã đi qua, tự tìm cho mình một khoảng lặng trong tâm tưởng sau mỗi giờ lên lớp, sau những trò nghịch phá loảng xoảng của đám học trò vô tư; trăn trở về kỷ niệm, con người, thiên nhiên và những mộng mơ ngày trước.

Điềm Nhiên Cỏ mang dáng dấp mới của một Hoàng Công Hảo kiệm lời hơn và thanh thản hơn nhưng không kém phần bóng bẩy và du dương qua những vần thơ đẹp mượt mà của một nhà thơ tài hoa gốc Huế.

.

1.

 Trước hết là nói đến chất thơ trong Điềm Nhiên Cỏ, những bài thơ gọn gàng và luôn có vần có điệu của anh mang nét trữ tình diễn tả những cảm xúc, rung động và suy tư của mình về cuộc đời. Anh mượn sự kiện làm cái cớ để bày tỏ lòng mình:

Ai vẫn chờ ai nơi góc chợ

Tôi vể nghe buốt một hồn côi

Đêm vắng đường xa sầu lỡ độ

Trống sải sao bằng sống thiếu đôi

(Cảm Nhận Buồn)

 .

2.

Ngôn ngữ trong thơ anh rất sáng tạo, vừa mang tính tạo hình, vừa mang tính biểu hiện. Anh mở ra trước mắt người đọc  hình ảnh, sự vật của đối tượng trong thực tế, từ một hình thức biểu đạt nhưng tạo nên lượng ngữ nghĩa đa dạng:

Cỏ từ trong đất cỏ mọc lên

Hạt giống ai gieo sức sống bền

Mặc kệ bao phen người dẫy cỏ

Cỏ vẫn vương mình rất điềm nhiên

(Điềm Nhiên Cỏ)

 .

3.

Nếu như thể thơ tự do câu ngắn dài xuất hiện gần đây có đôi bài làm bạn mệt mỏi và hụt hơi thì những vần thơ trong Điềm Nhiên Cỏ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, có lẽ do đặc điểm nhạc trong thơ của tác giả.  Tôi không muốn đi sâu vào phân tích âm thanh, tiết tấu và ngôn ngữ trình bày nhưng khi nói đến nhạc trong thơ, tôi thích nhất bài “Vu Vơ Cùng Ai” rất dễ thương:

Thế giới bây giờ trong bàn tay

Bàn tay năm ngón giữa ánh ngày

Ánh ngày soi rọi từng chân tóc

Chân tóc trở mình gọi tôi nay

 

Tôi nay luôn có mặt với đời

Đời xoay chong chóng ở khắp nơi

Nơi đó nơi đây không chi khác

Khác chăng là sáng tối đất trời

 

Đất trời chỉ một chỉ một thôi

Một thôi em hỡi giữa cõi người

Cõi người hữu hạn hay vô hạn

Vô hạn cho mình mãi sánh đôi.

(Vu Vơ Cùng Ai)

 

Bạn có thấy nghệ thuật dùng từ cuối của câu này làm từ đầu tiên cho câu tiếp vừa khéo lại vừa tạo ra một nhạc điệu rất chi là bay bổng không? và tôi tin chắc rằng bạn cũng có sự đồng cảm với ý thơ của tác giả trong bài này. Rải rác trong toàn tập thơ là cách dùng các phép điệp, phép đối, cách phối thanh, phối vần, phối nghĩa tạo giá trị gợi cảm rất riêng của Hoàng Công Hảo (Có phải bạn đang  nheo mày giống tôi và phán một câu rằng “thơ của thầy giáo dạy văn có khác”? Nhưng tôi cũng nói nhỏ là không phải ai dạy văn cũng khoái làm thơ đâu nghen, và tôi không dại gì mà phân tích các biện pháp tu từ hay các biểu tượng nghệ thuật trong thơ của thầy giáo đâu).

 .

4.

Một điểm nổi bậc trong thơ Hoàng Công Hảo là tình cảm anh dành cho xứ Huế, là nỗi nhớ khôn nguôi trải dài qua hai tập thơ. Tôi cứ ngỡ đi xa như mình thì mới nhớ da diết miền quê mình được sanh ra, lớn lên và những xứ sở trên quê hương Việt Nam mà mình chưa từng được đặt chân đến. Bài nào viết về Huế của anh cũng đầytrìu mến và ngậm ngùi. Anh yêu thương Huế khi xa Huế và ngay cả khi đang ở trong lòng Huế:

 

Đường lên Linh Mụ trưa đầy gió

Ngang Phú Văn Lâu vọng điệu hò

Bến cũ ai ngồi câu ở đó

Văng vẳng xa xăm tiếng gọi đò

(Về Huế Một Ngày Rong Chơi Cùng Bạn)

 

Em hiện hữu cho cuộc đời trẻ mãi

Ai một lần hòa nhập với dòng em

Như quê anh với dòng Hương vạn đại

Tỏa men thơm trời đất cũng say mèm

(Sông Tiên Thuở Mới Gặp)

 

 Qua cầu Trường Tiền lơ đãng nhìn sông

Dòng Hương lăn tăn con sóng phập phồng

(Huế Xa Làm Sao Quên)

 

Tôi cứ ngỡ ở gần Huế như anh thì khi nhớ chỉ cần ra sân ga lên chuyến tàu từ Tam Kỳ ra Huế rồi đi xe ra làng Kế Môn là hết nhớ chứ gì, nhưng hết nhớ không có nghĩa là hết yêu, Huế đã là máu mủ trong con người anh rồi. Cũng như tôi, khi xa quê, ngẫm lại, tôi được sanh ra ở Đà Lạt, sống ở đó hơn 15 năm, ở Mỹ Chánh bốn năm và Châu Đức 5 năm, nhưng khi đi xa, những hình ảnh tủn mủn ton mon gợi cho tôi nhiều kỷ niệm nhất cũng là Mỹ Chánh, bởi vậy tôi luôn xem nơi đó là máu thịt của mình và tôi luôn tự hào vì mình là người con của cái làng Mỹ Chánh be bé ấy.

.

5.

Đến với Điềm Nhiên Cỏ nói chung, những bài thơ nho nhỏ ngăn ngắn của tác giả lại mang nghĩa bao la và rất thiền. Phải nói là thơ của anh đẹp lắm. Nếu như những bài thơ trước của Hoàng Công Hảo cầu kỳ hơn và diễn giải nhiều hơn thì những bài thơ mới này rất gọn gàng và súc tích. Thể hiện trạng thái thong dong của con người khi bước vào giai đoạn ngẫm nhiều hơn nói, an nhiên tự tại và nghiệm ra rằng thế gian không gì khác hơn là tự tâm của mình.

 

Nằm trong lốc xoáy thời gian

Ngồi trên sóng cuộn pháp thân luân hồi

Đứng ngoài ảo ảnh kiếp người

Ngao du giữa cõi khóc cười trăm năm

(Nhìn Ra Tự Tánh)

 

Tôi lại nhớ đến những lời răn dạy của bố, rằng ngay cả hòn núi hay hạt cát cũng không bao giờ tách ra khỏi bộ tộc của chúng để khoe khoang mình lớn hơn hay bé hơn bởi vì cát hay núi thì cũng từ núi và cát mà ra. Bởi vậy đừng bao giờ khoe khoang cho rằng mình hơn người hay quá mặc cảm tự ti mà hạ thấp bản thân mình.

.

6.

Đọc Điềm Nhiên Cỏ để một người chẳng bao giờ đọc sách Phật như tôi cũng lọ mọ tìm ra mấy câu trong bài kệ của kinh Kim Cương: Nhất thiết hữu vi pháp – Như mộng, huyễn, bào, ảnh – Như lộ diệc như điện – Ưng tác như thị quán (Tất cả các pháp hữu vi – Như bóng, bọt nước có gì khác đâu – Như sương, như điện loé mau – Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng).

 

Sau cùng xin được trích lại một bài thơ mà tôi tâm đắc nhất trong Điềm Nhiên Cỏ, để rồi bạn cũng sẽ tìm thấy được sự cân bằng trong tâm hồn, dù chỉ là một thoáng chốc, và thoáng chốc này biết đâu sẽ là cầu nối cho một cái nhìn vị tha hơn, bớt hời hợt hơn, bớt chán chường hơn, bớt thất vọng hơn trong xã hội đang quay cuồng rất nhanh này.

 

Đứng thiền khi dạy học sinh

Hoát nhiên đại ngộ: nghiệp mình giáo viên

Văn chương cốt cách thần tiên

Cớ sao mang nặng lụy phiền thế gian

 

Ngồi thiền khi họp cơ quan

Chung quanh đồng nghiệp râm ran chuyện đời

Gạo tiền cơm áo hụt hơi

Hoát nhiên đại ngộ: riêng tôi vô tình

 

Nằm thiền khi ở nhà mình

Lặng trong tổ ấm gia đình thiết thân

Thương con yêu vợ bội phần

Hoát nhiên đại ngộ: sống cần có đôi

 

Đi thiền khi chỉ một tôi

Bốn phương tám hướng đất trời lặng thinh

Nửa đời nghiệm lẽ tử sinh

Hoát nhiên đại ngộ: chữ tình muôn năm

(Tập Thiền Chơi)

 

Xin cảm ơn tác giả Hoàng Công Hảo về tập thơ hay. Chúc anh và gia đình luôn vui khoẻ.

 

Tây Úc 21/7/2010

 

Võ Thị Như Mai
Số lần đọc: 1691
Ngày đăng: 23.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Món Quà Của Tình Yêu - Trần Hữu Dũng
Mưa Hai Mặt - "Nơi Sấp Ngửa Những Trò Chơi" - Hoàng Thụy Anh
Cô Gái Bị Bịnh Cùi Thoát Y Dưới Trăng - Bùi Công Thuấn
Đọc “Lục Bình Ngẫu Khúc” Của Nguyễn Văn - Nguyễn Tam Phù Sa
Huỳnh Thúy Kiều Giấu Anh Vào Cỏ Xanh - Nhị Ka
Nguyên Minh và những khúc hoài niệm - Nguyễn Lệ Uyên
Nhắm Mắt Thấy Paris, Tiểu thuyết của Dương Thụy - Bùi Công Thuấn
Noam Chomsky và những kẻ vu khống ông - Chân Phương
Tìm lại Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Bông & Giấy, Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả - Mang Viên Long