Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.211.708
 
Chớp lửa đêm giông
Anh Động

Tại khu trù mật Vị Thanh (bấy giờ còn thuộc tỉnh Rạch Giá) vào buổi trưa hôm nay có hai việc khác thường cùng xảy ra một lúc. Việc thứ nhất, qua những lời bàn tán của mấy người khách “trà dư tửu hậu” rằng:

 

- Chiếc xe hơi nào nổ bánh đó thôi !

 

Rằng:

 

- Tiếng nổ của bánh xe thì không có chất thép nhức óc như vậy !

 

Rằng:

 

- Tiếng nổ nghe rất ấm, chắc chắn là nổ trong một phòng nào đó.

 

- Tiếng nổ của một trái lựu đạn, nghe đâu lối trước cửa nhà đèn.

 

- Ba, bốn thứ sắc lính kéo về bảo vệ cuộc lễ lớn, bày đặt ăn nhậu say sưa, chọi lựu đạn vào nhau chớ gì ?

 

Một người, nãy giờ ra vẻ không quan tâm, nhưng bây giờ lại nhún vai tỏ vẻ am hiểu hơn ai hết:

 

- Lính tráng nào mà đánh nhau! Có một cậu bé Việt Cộng đánh mìn trong quán Minh Tâm.

 

Nói xong, ông ta làm như bất cần đến những cặp mắt đang chồm tới định moi móc những điều bí mật gì thêm ở ông. Ông ta ngó lơ ra ngoài.

 

Nhưng rồi những ánh mắt tò mò kia lại quay sang một người đang phát ra giọng nói như tiếng thở dài:

 

- Có đánh mìn gì đâu! Quân cảnh lùng ráp quá ngặt, cậu bé bị lộ nên tự rút lựu đạn “chia hai”. Phía quân cảnh chết một, bị thương hai. Cậu ta thì bị thương, đang bị điều về bót.

 

Có những tiếng thở dài. Rồi không khí trong quán nước này... lặng lẽ.

 

Việc thứ hai thì thế này:

 

Nhiều tên lính thiết giáp đầu đội nón sắt láng bóng ngồi trên mấy chiếc ô-tô-len-đê, mặt nặng như chì, tay lăm lăm vào ổ cò súng trọng liên; nhiều tên quân cảnh đầu đội kết đỏ, mắt lấc láu, hông đeo tiểu liên bá gập ngồi trên mấy chiếc mô-tô-ặc-lây có kiếng chắn gió trước ngực. Bọn chúng từ hướng Sài Gòn đổ xuống. Đội thiết xa bảo vệ chừng vài mươi chiếc, chia nhau một tốp tiên phong, một tốp hậu vệ cho một đoàn xe du lịch chừng vài chục chiếc, đủ màu sắc láng bóng, chạy uốn lượn ở đoạn giữa đường. Trên tuyến lộ Cái Tắc - Vị Thanh, mặt lộ rải đá gồ ghề, một đám bụi tựa dãy núi tự hành cứ bốc lên ngút trời, lao tới. “Vết xe trong lớp bụi mù”. Bánh xe tăng tốc như cuồng, tuy có cự ly và trật tự nhưng trông rất hối hả. Xe chạy như trôi, như chao, như từng mảng lục bình đổ xuôi qua dòng thác. Tiếng còi xe rú inh ỏi, nghe ghê răng, choáng tai! Mấy con gà mái dẫn bầy con ăn lục tục bên đường, vỗ cánh bay quan quác. Gà con chạy lủi nhốn nháo. Những con chó chồm ra cửa, nghểnh thẳng cổ lên trời trù lên man rợ, rồi cụp đuôi chạy tuốt ra sau, chui vào chỗ kín nằm kêu ư ử.

 

Trên bầu trời có một phi đội máy bay; gồm hai chiếc “còng cọc”, một chiếc “đầm già” cứ lĩa lĩa tựa xỏ rế quanh trên đám bụi. “Còng cọc” nhào lộn như làm trò xiếc. “Đầm già”, dáng bay bê bối, nghễnh ngãng, giọng kêu ngừ ngè, nhè nhẹt tựa một thằng say.

 

Dọc theo tuyến lộ, những nơi yếu địa đều có lính dù, binh chủng “anh cả đỏ”, đầu đội mũ đỏ thiên thần, tay cầm súng mi-tuyn bá xếp, từng nhóm đứng canh phòng xa xa.

 

Từ cầu Tràm Cửa đến bờ hồ thủy tọa, đủ các loại xe dồn đặc trông như một chiếc khênh khổng lồ đựng đầy cua biển. Lính “kín” xồng xộc với những đôi mắt kính đen múp trong bộ đồ dân sự nhiều kiểu, lính “hở” tới lui quay quắt chẳng khác một bầy rối múa đến cao trào. Những chiếc tu-huýt ré điên cuồng trên môi những tên mặc đồ trắng, đeo găng tay trắng... Đó là buổi lễ khánh thành khu trù mật Vị Thanh sắp bắt đầu như vậy.

 

Quân nhạc trổi tò te, xập xình. Dưới nắng trưa, chúng lùa hàng ngàn con người ta đến phơi đầu trần. Không khí căng muốn nứt. Trong mấy chục chiếc xe du lịch từ Tổng phủ xuống, những tên tai to mặt bự lần lượt chui ra, tiến về phía lễ đài.

 

- Chắc có tổng thống Ngô Đình Diệm đi trong đám này ?

 

- Cái người vừa mập vừa lùn, tay chân ngắn ngủn, bụng chang bang, tướng đi núc ních trông tựa một con ểnh ương giữa bầy ếch bà đó !

 

Những người dân “bị” đi lễ, họ chỉ rỉ tai nhau vừa đủ nghe của từng cặp một như vậy.

 

Thiếu ta Trần Cửu Thiên, viên tỉnh trưởng Phong Dinh vừa mới được vinh thăng nguyên vì biết lập “đại công” là dùng xương trắng máu đào của người dân vùng Chương Thiện nầy làm viên gạch lót đường cho bọn xâm lược Mỹ. Trần Cửu Thiên từ trên lễ đài bước xuống đón khách. Hắn ta đi  đứng khoan thai, với tầm vóc trang nhã, đầu đội kết bi xanh, mình mặc quân phục xanh. “Cái cây” màu xanh rong ấy di động giữa khung trời chang chang nắng lửa và bụi bậm. Hôm nay trông hắn rất “mềm”. Trần Cửu Thiên “châm” mấy tiếng Mỹ bồi và nghiêng mình kính cẩn bắt tay những người đại diện nước mẹ. Kế tiếp, hắn gập người lễ phép chúc sức khỏe vị nguyên thủ quốc gia và lũ quan trường nô lệ cỡ lớn của nước con. Bấy giờ, tất cả các thứ quân được quyền mang vũ khí bảo vệ đại lễ phải đứng nghiêm trang, quay mặt ra phía khán giả, đưa đít lại lễ đài không ai được ngoái đầu hay liếc mắt vào nơi “ghê gớm” ấy. Đó là nguyên tắc cảnh giác tối đa của tổng thống Diệm,vì không muốn ăn thêm một loạt mi-más như lần ở Buôn - Ma - Thuộc.

 

Tên Võ Minh Thành, một tổng đoàn trưởng bảo an lâu nay, hiện giờ đít đã gấm ghé ngồi vào chiếc ghế quận trưởng Long Mỹ này chỉ chờ thêm tài tổ chức buổi lễ hôm nay được cấp trên khen “tuyệt vời” thì là... Hơn một năm, Võ Minh Thành “có công” lặn ngụp trong máu đồng bào sáu xã lân cận để dồn, để quét cho sạch nhân dân bỏ ruộng vườn ra ở khu trù mật. Một bóng người còn lại trong vùng mà hắn cho là ngoài quy định, lập tức được lệnh xạ kích tự do. Một ai hở môi đưa ra sự tàn ác của khu trù mật, liền bị Võ Minh Thành dùng cái luật 10/59 tròng vào cổ và xin giao cho cái mật. Tự tay hắn giết hơn ba trăm mạng người cốt để kê cao thêm chiếc ghế từ tên xã đội trưởng Việt Minh bỏ hàng ngũ, phản động đến chiếc ghế quận trưởng Long Mỹ này. Cái tuyệt vời của buổi lễ hôm nay, Võ Minh Thành nhẩm tính là nội dung tuyệt vời nhất tập trung vào tiết mục “chảy máu một cách tuyệt vời”. Tiết mục tuy nhỏ - chỉ mười người thôi - nhưng làm sao cho nó gọn, có chiều sâu, có không khí.

 

Tên Võ Minh Thành hiện giờ đang ngồi ở đâu mà giọng nói của hắn qua máy điện thoại với cuộc cảnh sát đặc biệt nghe sặc sụa mùi máu?

 

- Thiếu úy Ta đi vắng thì ai quyền cuộc trưởng? A lô! Chuẩn úy Lâm à? Này, mười con vật tế cờ hôm nay tắm rửa sạch sẽ chưa? Sao? Chỉ có được sáu nam, ba nữ à? Còn một lấy đâu ra ?

 

Võ Minh Thành cười trống rỗng qua máy - Chẳng lẽ ông thế vào ? - Một chút sau - Thằng nhỏ ? Thằng nhỏ mới làm nổ lựu đạn hồi nãy đó à ? Chưa hoàn thành hồ sơ à? Không sao. Cứ “tế” trước rồi làm hồ sơ sau. Chưa lục xoát hết người và chưa tìm được đồng phục như của bọn kia à ? Không sao. Tới giờ rồi, không chần chờ gì nữa... Lại chưa cung khai tên à ? Kệ mẹ nó! Tôi bảo: Chém ! Chém ! Chém để giữ cái bông mai trên cổ ông và cái ghế dưới đít của tôi, biết chưa ? Xong cuộc lễ, mười cái xác xuống hố, ta sẽ đặt tên cho từng đứa, cũng không sao...

 

Đêm. Qua một ngày làm việc căng thẳng, chuẩn úy Lâm trở về cuộc cảnh sát thì trời đã tối mịt. Hắn ngồi kiểm tra lại một số hồ sơ mười người bị “tế cờ” đề làm nốt cho cậu bé, người thứ mười. Thằng bé độ 15, 16 tuổi, dong dỏng cao, da trắng hồng có hoa sữa trên đôi má phủ lớp lông tơ, đôi môi đỏ, đôi mắt đen, sáng rực... Ôi, chuẩn úy Lâm rùng mình ! Thằng nhỏ mang chất nổ mưu sát đoàn Tổng thống phủ xuồng làm lễ khánh thành khu trù mật Vị Thanh. Chuẩn úy Lâm làm việc với một tinh thần hết sức nghiêm túc của một người chắc chắn rằng mình phải làm một việc thận trọng cuối cùng của cuộc đời để đi vào cõi chết. Những giờ phút cuối đời ấy, người ta tỉnh táo và công minh lắm. Thời gian ấy để cho người ta rút hết cái gì tinh túy nhất đã qua, kết luận cho mình sắc gọn một bài học cuộc đời. Chuẩn úy Lâm chắc chắn rằng mình sẽ là con người thứ mười một trong buổi “tế cờ” hôm nay. Tình đời chua chát thật ! Một cuộc lễ, thằng lên tỉnh trưởng, thằng lên quận trưởng, mình thì... xuồng mồ. Ngay bây giờ, tuy chưa có văn bản tử hình bằng giấy trắng mực đen, nhưng hắn biết, vốn là kẻ phục vụ cho chế độ này, lại nữa dưới tay của hai tên khát máu Trần Cửu Thiên, Võ Minh Thành này, hắn biết rõ về số phận của mình hơn ai hết. Một sĩ quan cộng hòa, lúc thừa hành nhiệm vụ mà để khinh xuất đến tàn tệ như thế, chỉ có lấy cái chết để chuộc lỗi mà thôi. Chính hắn làm đảo ngược nội dung cuộc lễ vừa rồi! Bãi bắn và mười việt cộng bị hành quyết trở thành những thần tượng uy nghi, hùng hồn, đi vào lòng hàng chục ngàn dân một cách rực rỡ và vững vàng, làm cho cái lễ đài của bọn hắn trơ trẽn ra, phe lũ đầu sỏ chính quyền cùng mấy tên quan thầy đờ người ra, khủng khiếp, hoảng loạn... Một điều không phải là chuyện giỡn !

 

Thằng nhỏ tên gì ? Con ai ? Ai tổ chức ám sát đoàn Tổng thống ? Tài liệu về thằng nhỏ ít quá, chỉ có mấy mảng sơ sài còn nằm đó mà chuẩn úy Lâm chưa buồn xem tới. Thôi thì, có làm xong hồ sơ thứ mười hay không, hắn cũng phải làm cho xong hồ sơ người thứ mười một. Tên Lâm bỗng giật nảy người! Hắn ư ? Lý lịch hắn đã là có liên hệ nguy hiểm rồi. Anh ruột của hắn là một Việt cộng còn “nằm vùng” hoạt động ở huyện này, nhất là lẩn quẩn sát khu trù mật Vị Thanh này: Anh Ba Sơn. Bản thân hắn cũng là lính Cụ Hồ, bảo vệ quốc đoàn ngày trước, vì tha hóa, vào giữa năm 1953 bị kỷ luật phải cải tạo ở đề lao binh. Sau hòa bình hắn ra với Quốc gia, làm lính đặc biệt này bởi vì trước kia hắn có chuyên môn ngành quân báo chống Pháp, và có “mối thù” - Hắn cố thổi phồng mối thù thật lớn - đối với Việt Minh.

 

Hồ sơ của hắn như vậy đó. Vắn tắt thôi cũng để cho người ta đặt nhiều vấn đề rắc rối, huống chi hắn lại vừa vô ý làm một việc tổn hại thể diện quốc gia đến tày đình như vừa rồi. Ơi! Cũng tại tên Võ Minh Thành tất cả. Hắn ta lóa mắt trước chiếc ghế quận trưởng tương lai, thúc bách khẩn cấp cho Lâm phải chêm nhanh một viên gạch cuối cùng vào chân ghế mới cho hắn. Bây giờ, cũng chính tên Võ Minh Thành, thúc bách mạng sống Lâm phải xong hồ sơ làm người thứ mười một, mà khỏi cần xong tuần tự ở người thứ mười...

 

Lúc áp giải thằng nhỏ đi cùng với chín người kia, Lâm cũng ngỡ nó giống như trăm người việt cộng khác; nghĩa là loại người không biết run sợ trước cái chết. Nhưng thằng bé này lại đặc biệt vô cùng! Lúc tổng thống Diệm cùng bè lũ Mỹ đứng lên để tận mắt chứng kiến hiệu lực cái luật 10/59 của chúng, thì thằng nhỏ móc ra một bức ảnh - Bởi võ Minh Thành thúc giục phải bắt thằng nhỏ nhét vào cho đủ con số mười người, và bảo Lâm không cần phải lục soát và thay đồng phục tử tội, - Thằng nhỏ vụt đưa cao bức ảnh và bảo với chín đồng chí của nó:

 

- Hãy nhìn vào đây, các đồng chí !

 

Tiếng nói của thằng nhỏ nghe sang sảng như một mệnh lênh. Qua ánh mắt của chín tử tù rực sáng, nhìn vào thằng nhỏ, rồi tất cả chồm về hướng nó. Nó bỗng vụt lớn lên tựa một thiên thần, cả mười người đồng hét to:

 

- Bác Hồ! Hồ Chí Minh muôn năm !

 

Đứng trước sự đảo lộn bất chợt đến như từ trên trời lộn cổ xuống ao, từ tên Tổng thống tới lũ binh nhì của chúng đều sững sờ một giây rồi sụp xuống một cách không chủ động, chẳng khác những quả bóng bị xì hơi. Thằng nhỏ cùng chín đồng chí của nó không hay biết gì, hay là họ biết rất nhiêu về bản chất của bọn Lâm, nhưng không thèm đếm xỉa tới. Họ cất tiếng hát vút cao theo gió:

 

 - “Miền Nam xa xôi, bao ngày đen tối hãi hùng

 Không hề gian khó, Cha dắt chúng con cùng đi...”

 

Giọng hát của họ ngân vang như có một sức mạnh vô hình nào đó xô đẩy rung rinh cả sân lễ. Những vị “chính khách” đứng trên lễ đài ngồi phịch xuống ghế. Bọn lính bảo vệ nhốn nháo lên, sấn xả lại chỗ mười người trên bãi. Hàng chục ngàn đồng bào trên sân lễ bỗng dưng nổ bùng lên một thứ âm thanh gì đó tựa như một bè trầm của không gian. Tiếng súng nổ rộ trên bãi bắn xen trong những giọng hát vang vang:

 

“- Cha quí mến ơi !

 Đây máu xương, đây đời con...”

 

Tiếng hát của những người trên bãi bắn như những chớp lửa giữa đêm mưa giông tăm tối. Tất cả những gì, dù cái phi nghĩa, hay cái chánh nghĩa đều được phơi bày theo ánh chớp trong khu trù mật Vị Thanh hôm nay...

 

Chuẩn úy Lâm tiếp tục sành soạn tài liệu. Bức ảnh Bác Hồ của thằng nhỏ còn đây. Ảnh bị vấy mấy vết máu phía sau và một vệt phía trước ngay ngực ảnh. Có lẽ máu này từ ở mấy vết thương do mảnh lựu đạn của thằng nhỏ bị từ giờ đầu, ri rỉ ra ở bàn tay cầm ảnh. Lâm mở một chiếc khăn cuộn tròn - đó là một tài liệu duy nhất tìm thấy trong túi áo thằng nhỏ - ra xem. Rơi ra một lá thư. Lâm lấy xem. Lá thư của một người chị gái gởi cho đứa em trai. Hàng đầu đề thư: “Lượng, em trai yêu quí của chị...”

 

- Lượng ?

 

Chuẩn úy Lâm kêu lên một tiếng thảng thốt! Hắn đứng bật dậy, thở hồng hộc, lại buông mình ngồi xuống. Hắn run rẩy, lụp chụp lục tiếp xem còn những gì trong khăn không. Một bức ảnh khổ 9 x 12 đã ngả màu vàng, bật ra. Bức ảnh gia đình: một người đàn ông, một người đàn bà, một thanh niên và hai đứa trẻ con. “Đây rồi”. Lâm thét lên như mơ sảng. Ngực hắn đánh thót lên một cái cực mạnh, và nghẹt thở. Hắn cũng còn giữ một bức ảnh cùng kiểu này. Vào đầu năm 1953, lúc hắn còn là chiến sĩ quân báo, một hôm hắn chụp chung với gia đình người ảnh ruột của hắn.

 

Chuẩn úy Lâm cứ ôm đầu lảo đảo, nghe như ai vừa cầm một chiếc chày dồ bổ mạnh vào gáy, hắn cố trừng mắt mà vẫn chẳng thấy được gì. Cái thau láu của đôi mắt nhìn vào màn đêm là hiện tại, sự ghi nhận xa xôi hắn mới thấy rõ mồn một từng gương mặt thân yêu. Anh, chị Ba Sơn của hắn... Một cơn sốt chín người, anh nâng đầu, chị quạt mát và rỉ vào miệng hắn nhỏ thuốc đắng... Hai đứa nhỏ, con Liệu, thằng Lượng chạy lủn đủn quanh chỗ hắn nằm, mỗi khi thấy chú mở mắt ra, hai cháu cứ sà lại, cười nói bi bô. Đôi má trẻ con múp míp hoa sữa, ánh mắt trẻ con đen ngời và mát rượi làm sao! Thằng nhỏ vừa ca trên bãi bắn một bài ca sáng chói tựa chớp lửa đêm đen kia, có phải là ?... Ôi, cầu trời nó không phải là ai hết! Hắn cứ lẩn quẩn chối bỏ sự thật, nhưng càng lẩn tránh bao nhiêu thì sự thật ác nghiệt kia nó cứ bó siết vào đầu hắn. Trời ơi! Ánh mắt nhìn hắn có cái gì quen quen, có cái gì trách móc và khinh bỉ. Thằng nhỏ nhổ nước bọt, ngẩng mặt nhìn vào bức ảnh và cất tiếng ca...Ôi, một tràng đạn tiểu liên từ đâu quạt thẳng vào đầu hắn, hắn chồm lên, đưa tay với lấy màn đêm dày đặc. Màn đêm không có điểm tựa, hắn khụy xuống, ôm ngực, gầm thét âm thầm. Răng hắn cắn chặt vào nhau đến cứng hai bên quai hàm, và hắn ngã chúi, ngất lịm...

 

Một lúc lâu, hắn nghe người nhẹ tênh. Thế là đâu đã vào đó cả rồi, không còn lùi lại được. Hồi chót của vở kịch, buông màn rồi! Tiếng xe cộ gầm rú ngoài đường phố, tiếng nhà máy đèn chạy ầm ầm bên cạnh, tiếng chàn chạt của mấy chiếc loa phóng thanh tru tréo bản tin một cuộc lễ lớn vừa rồi. Ơi, mọi thứ bu vào tra tấn cân não hắn. Hắn kiệt sức, đầu óc nhức nhối, nóng ran, tay chân rã rời. Hắn ngả lưng vào thành chiếc ghế dựa, toàn bộ thần kinh hắn mỗi lúc một nhão ra, tê liệt. Bao nỗi phũ phàng, éo le của cuộc sống đổ lên đầu hắn đến đây đủ rồi. Cái chết là sự dễ chịu nhất. Trước đây mới mấy phút, hắn còn hằn hộc cái lệnh tử hình của tên Võ Minh Thành giáng xuống, bây giờ hắn thành thật mang ơn gã bạo chúa kia. Một tên thông minh, biết giúp người đi vào cái chết đúng lúc nhất. Cố chịu đựng thêm chút nữa là mọi sự êm xuôi tất cả! Trước lúc thiếp đi, hắn mỉm cười chua chát và tự nhủ một câu rồi mang nụ cười đi luôn vào giấc ngủ.

 

Nhưng hắn chạy trốn được trách nhiệm ngoài đời, trong giấc mơ thì lương tri nhân bản không buông tha cho hắn. Một ác mộng ghê hồn chập chờn vây kín lấy tâm linh hắn! Chung quanh hắn đầy ngợp một biển máu. Bức ảnh lồng lộng như ánh mặt trời, phát ra hàng vạn tia hào quang tua tủa. Thằng nhỏ, thằng Lượng cháu của hắn trang nghiêm quì một chân, đôi tay nâng cao bức ảnh Bác Hồ, mình nó ướt sũng những máu! Những tia sáng rực rỡ trong bức ảnh, những tia sáng long lanh trong mắt thằng Lượng bắn tung tóe vào mặt hắn. Khiếp đảm quá! Hắn đưa tay chõi về phía trước. Tiếng ca của thằng Lượng dội lên không trung rồi rơi chàn chạt vào đầu hắn như từng phát đạn. Hắn ôm đầu, hoảng loạn kêu rú lên... Hắn choàng tỉnh! Mồ hôi toát ra dầm dề. Nghe người nóng nhừ và rũ riệt lạ. Bức ảnh Bác Hồ còn nằm trước mặt hắn....

 

Ngồi đối diện với bóng đêm một lúc lâu, chuẩn úy Lâm vội vã góp nhặt một số đồ đạc cần thiết. Hắn vừa làm vừa tưởng tượng lại một ngôi nhà lá trong ngọn rạch Cái Nâu, xa xa bên kia Vĩnh Hòa Hưng, nơi mà hắn đã sinh trưởng, và hiện đang có người anh, các cháu của hắn cư trú. Suốt bảy năm rồi, hắn chưa hề bước chân về nơi ấy bao giờ...

 

Vĩnh Hòa Hưng, là một xã cũng phụ cận khu trù mật Vị Thanh như nhiều xã khác. Nhà cửa bị san bằng, dân cư bị tát sạch. Dọc theo bờ kinh, ven rạch đố ai tìm thấy được một túp chòi hay một ụ chuồng gà còn sót lại. Nền nhà liền nền nhà, mặt nền trơ bụi than, vài ba cây cột cháy đen nhẽm đứng chơ vơ từ xóm này dẫn đến xóm khác. Cứ vậy, sáu xã như nhau, vùng Vị Thanh đã trở thành một bãi tha ma khổng lồ, toàn vườn hoang, cỏ rậm. Vậy mà suốt cả năm nay, tên Trần Cửu Thiên, tên Võ Minh Thành dắt quân lùng sục rình rập bắn giết nốt những ai còn sót lại. Bọn giặc làm như thế không phải là chúng dư công rỗi nghề, sự thật đúng là cũng còn một số người âm thầm bám trụ lại mảnh đất quê hương của mình mà hoạt động cách mạng, ngày đêm nhen nhóm phong trào. Cách ăn ở của những người ấy dĩ nhiên là bất hợp pháp với giặc. Họ có hầm bí mật, có những tấm vải mủ làm chòi che mưa nắng, có hũ gạo và bếp lò... Nói chung, mọi thứ sinh hoạt đời sống của họ  chỉ gói gọn trong một bòng con mang trên vai. Họ ở len lỏi trong mọi cụm rừng thanh lang, dà diệp, trong các đầu kinh, ngọn xẻo... Với kiểu sống như vậy thì tất nhiên không phải là của đàn bà và trẻ con được.

 

Vào một buổi sáng tinh mơ, một anh thanh niên tuổi vừa mới hai mươi, tay cầm một quả Ô-ép từ tiền trạm dẫn về một gã trông bộ gió là người chợ búa, gã đàn ông vóc dáng hơi gầy, mình mặc một chiếc áo sọc ca-rô dân thường, hai tay bị trói ngoặt ra sau lưng, quanh đầu bịt kính một chiếc khăn để che mắt. Đến một gò mả, anh thanh niên dừng lại đánh tín hiệu. Lát sau, một cô gái mặc đồ đen, tuổi xấp xỉ đôi mươi, xuất hiện.

 

Trông thấy người lạ, cô gái thì thào vào tai anh thanh niên:

 

- “Khách hàng” nào vậy ?

 

Anh thanh niên cười, hất hàm về phía gã đàn ông bị trói:

 

- Thân nhân của cô Liệu đó. Đồng chí bí thư chi bộ có ở “nhà” không ?

 

- Ba em hả? Ông ấy đang chờ anh.

 

- Dẫn anh vào gặp ba đi !

 

Cô gái nguýt anh thanh niên bằng ánh mắt đen láy. Hai người cùng dẫn người đàn ông bị trói đi. Qua nhiều khu vườn, vượt mấy đoạn bờ, họ đổ xuống một cụm thanh lang ở ngọn rạch Cái Nâu. Đến một giàn gừa lớn giữa đám dừa nước rậm rạp, họ dừng lại, đánh tín hiệu. Phía sau cụm cây có tiếng bảo:

 

- Vô đây !

 

Anh thanh niên và cô gái lom khom người luồn qua những thân cây gừa nằm chắn ngang, bước vào bên trong. Một tấm vải mủ được căng bên trên làm nóc chòi, một người đàn ông tuổi trên bốn mươi đang ngồi viết lách, kê cuốn tập hờ trên đầu gối. Ông cầm viết, nhìn hai đồng chí trẻ:

 

- Có việc gì ?

 

- Thưa chú... Anh thanh niên không gọi người đàn ông bằng đồng chí - có một gã đàn ông lội bộ từ ngoài Vị Thanh vào, bảo muốn gặp chú.

 

- Biết hắn yêu cầu gì không ?

 

- Hắn bảo là xin gặp cho kỳ được Ba Sơn, vì có một điều tối quan trọng mà không thể trì hoãn đến khi trời hửng nắng.

 

- Hắn đâu ?

 

- Thưa, còn để ngồi ngoài bờ.

 

- Dẫn hắn vô xem !

 

Anh thanh niên chui ra. Người đàn ông nhìn vào cô gái:

 

- Con nhận xét hắn là loại người thế nào ?

 

- Nhất định không thám báo thì cũng chỉ điểm thôi, ba ạ. Nhưng bây giờ hắn ta đã mệt đừ, đang lên cơn sốt cao, cứ thở khừ khừ.

 

Lát sau, anh thanh niên dẫn người đàn ông bị trói chui vào. Người bí thư chi bộ bảo:

 

- Cháu mở mắt cho hắn.

 

Trong lúc gã đàn ông còn bị hoa mắt trước ánh sáng bất chợt, thì người bí thư chi bộ vụt “a” lên một tiếng, ông lùi ra, chăm chăm nhìn gã. Ánh sáng khôi phục bình thường lại trước mắt gã đàn ông, hắn cứ nhìn sững vào người bí thư chi bộ. Rồi đột nhiên chồm tới, gã kêu to:

 

- Anh! Anh Sơn !

 

Hai người chồm tới ôm lấy nhau. Người bí thư chi bộ thổn thức:

 

- Tại sao... Chú bặt tăm ?...

 

Gã đàn ông nghẹn ngào, nói một câu đứt nối, khó hiểu:

 

- Gắp lắm !... Nhanh lên !... Cháu Lượng...

 

Người bí thư chi bộ nắm lấy vai đứa em trai, lúc lắc:

 

- Bình tĩnh, chú Lâm ! Hơn bảy năm qua chú đi những đâu, làm gì ?

 

- Tôi là con chó săn... Tôi cắn xé máu thịt của mình ! Anh Ba ơi ! Em... Em đã...

 

Tên Lâm té quị. Người bí thư chi bộ đỡ lấy hắn. Cô gái cũng đến kế bên:

 

- Chú Lâm ! Cháu đây... Tên Lâm quay qua cô gái:

 

- Cháu Liệu ! Lá thư nầy phải của cháu không ? Trong túi thằng Lượng đó !

 

Và hắn gục đầu khóc hu hu, làm cho anh thanh niên với hai cha con người bí thư chi bộ nhìn nhau ngơ ngác. Một lát thấy hắn bớt xúc động, ông Sơn nhỏ nhẹ bảo:

 

- Chú cứ nói cho chúng tôi nghe những gì cần thiết nhất, nói đi !

 

Tên Lâm quệt nước mắt tựa một đứa trẻ con:

 

- Anh cùng tất cả các đồng chí của anh nhanh chóng rời xa khu vực nầy trước lúc tám giờ sáng. Vì đúng bảy giờ rưỡi thì mười khẩu đại bác ở Vị Thanh sẽ khai hỏa, quét sạch khu rừng này cho bọn lính dù đánh vào. Ông Sơn nhìn đồng hồ tay, bảo em một cách ung dung:

 

- Chúng tôi đã chuẩn bị tư thế để đối phó với mọi tình huống, chú hãy nói qua những năm anh em lưu lạc đi !

 

Tên Lâm ấp úng, nói lấp bấp:

 

- Em... Em... Thằng Lượng - Hắn ném bức ảnh gia đình ra - Máu! Nhìn cho rõ đi !

 

Rồi hắn nhắm nghiền đôi mắt lại, ngã vật ra, thở khừ khừ, nói tiếp như ra lệnh - Thế đó! Thôi! Các người hãy tẩu tán nhanh lên! Chúng ta hãy tuân thủ theo số mạng riêng của mình...

 

Tên Lâm cứ gục đầu rên khừ khừ, không nói nữa. Tiếng đại bác nổ đầu nòng từ hướng Vị Thanh đã bắt đầu khai hỏa. Không còn ai lay gọi hắn dậy nổi. Hắn nắm chặt rễ cây, nằm úp mặt sát xuống bùn thét như điên:

 

- Đi đi! Hãy chạy nhanh đi! Hết rồi...!

 

Pháo nổ cấp tập vào khu vực ngọn rạch Cái Nâu. Mấy mươi phút sau đó, tiếng súng bộ binh ré lên từng loạt. Tên Lâm vẫn cứ nằm úp mặt sau gốc cây lớn mà rên rỉ. Hắn đang lên cơn sốt dữ dội. Hắn gào thét trong cơn mê lảm nhảm... Đạn bộ binh cắm đôm đốp vào những thân cây chung quanh, hắn cũng mặc. Hắn trừng trừng nhìn tận mặt những tên chiến hữu của mình một chút rồi từ từ nhắm mắt lại. Hắn ung dung thè lưỡi liếm vòng quanh đôi môi khô nứt. Báng súng, gót giày phủ lên người hắn.

 

- Mầy tên gì? Ở đâu? Làm gì ?

 

Đó là câu hỏi khùng khục trong cổ họng của một tên sĩ quan lính dù. Lâm cứ nằm nhắm mắt, trả lời bình thản:

 

- Chuẩn úy Lâm, ở Vị Thanh, Cuộc phó cuộc cảnh sát đặc biệt.

 

- Chuẩn úy Lâm, ở Vị Thanh? Cuộc phó cuộc cảnh sát đặc biệt ?

 

- Láo! Đồ bố láo !

 

Lâm không cần đáp lại, mặc cho bọn lính dù lục soát người hắn.

 

Một tên lính móc được bức ảnh trong người Lâm ra, nhìn vào, liền chạy lùi mấy bước, kêu hoảng:

 

- Ông Hồ, Ảnh của ông Cụ Hồ.

 

Tên sĩ quan bước tới gỡ lấy bức ảnh Bác Hồ trên tay tên lính, hỏi Lâm:

 

- Bức ảnh nầy của ai ?

 

- Của Bác Hồ !

 

- Tao hỏi ở đâu mầy có ?

 

Lâm vỗ ngay vào một bên ngực:

 

- Ở chỗ nầy !

 

Nòng súng lục của tên sĩ quan thọc cùm cụp vào trán Lâm:

 

- Láo! Ở đâu ?

 

Lâm bật dậy cười sằng sặc như điên:

 

- Ở đây! Ở đây! Ở đây !

 

Tên sĩ quan lính dù lãnh đủ ba quả đấm thôi sơn của Lâm giáng vào giữa mặt. Và Lâm tiếp tục cười sằng sặc, mắt hắn đỏ như hai hòn máu, cứ trợn trừng trừng. Thay vào câu hỏi tiếp của tên sĩ quan đó là ba phát súng lục nổ “đốp, đốp, đốp !” Chuẩn úy Lâm gồng người lên như định ngồi dậy, hắn thét to:

 

- Trả bức ảnh cho tao !

 

Lâm không bật dậy nổi nữa, vì ở cổ, ở ngực và trán anh đang có ba vòi máu phún ra. Lâm nằm im toàn thân rung giật. Tên sĩ quan lính dù bước tới nhìn vào xác chuẩn úy Lâm, cười khẩy:

 

- Chắc mầy yêu quí bức ảnh này lắm hử? Nào hôn đi! Hôn đi !

 

Tên sĩ quan lính dù dí bức ảnh Bác Hồ vào mũi Lâm. Dòng máu tươi thắm quanh môi Lâm thấm vào dưới bức ảnh và dính khắn lại. Tên sĩ quan lính dù chợt thấy, vội lùi lại, đứng lặng. Rồi hắn cụp đôi vai, thẩn thờ cúi mặt, lủi thủi bỏ đi.

Anh Động
Số lần đọc: 3055
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài học tuổi thơ - Nguyễn Quang Sáng
Cái gáo mù u - Nguyễn Quang Sáng
Cô giáo ấp Bần Ổi - Nguyễn Thị Kỳ
Huyền thoại về con cọp trắng - Hồ Tĩnh Tâm
Xe tăng và ruồi - Đoàn Văn Ðạt
Thuốc đắng - Anh Động
Tiếng hót trong lồng - Trinh Bửu Hoài
Ông già đến từ Busan (*) - Vũ Hồng
Không có cái truyện ngắn nào cả - Phạm Trung Khâu
Khóc hương Cau - Phan Trung Nghĩa
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)