Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.234.204
 
Cà Mau, với cái nhìn 300 năm trước
Hồng Hạnh

Trong lúc đi tìm mọi cứ liệu liên quan đến 300 năm khai phá, khẩn hoang miền Tây, chợt nghĩ - Cà Mau cách Sài Gòn hơn 300 cây, nghe nói mỗi năm mũi đất chót vót này được bồi thêm vài chục thước nữa. Vậy liệu 300 năm trước khi Sài Gòn đã định hình phố xá? Cà Mau đã có trong bản đồ chưa? Liệu hồi đó mũi đất này ra sao?

 

 

CÀ MAU vốn được xem là xứ sở của những lưu dân đi khai khẩn, mở đất. Mọi người gắn cho Cà Mau những danh xưng - “vùng đất trẻ”, “bãi phù sa mới bồi tụ”... Trong “Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ” (Petit cours Géographie de la Basse - Cochinchine) của Trương Vĩnh Ký ấn hành năm 1875, có đoạn: “... đa phần đất đai miền này là thứ đất phù sa gồm bùn và cát do tác động của dòng nước đem tới, rồi bị ngăn chặn hoặc giữ lại bởi rễ của các thứ cây đước, vẹt, dà, bần...”. Thế nhưng, qua những giai thoại, những câu chuyện dân gian thì nào chỉ có vậy. Tất cả đã phủ lên vùng đất vốn bí hiểm này những dấu hỏi đậm chất sử thi. Liệu lịch sử của vùng đất này sẽ bắt đầu từ đâu.

 

Từ những trang địa bạ hiếm hoi

 

Đã có lần tôi đặt câu hỏi này với nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - tác giả công trình “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn” – ông đã không trả lời ngay. Ông cho rằng, khi nghiên cứu lại lịch sử, nhất thiết phải đi theo dòng lịch sử của cha ông đi khẩn hoang với những di tích lịch sử cụ thể. Điều đặc biệt, những di tích ở đây không chỉ là những giá trị vật chất như đình chùa, miếu mạo. Di tích đó còn là những giá trị tinh thần như mô hình làng xã, mối dây ràng buộc các thế hệ. Có vậy mới có một cái nhìn về lịch sử khách quan nhất.

 

Theo những tư liệu hiếm hoi để lại thì “công cuộc đạc điền” quy mô nhất vài ba trăm năm trước được tiến hành suốt 31 năm, từ Gia Long năm thứ tư (1805) đến Minh Mạng năm thứ 17 (1836) mới hoàn thành. Triều đình Huế còn giữ 10.044 tập địa bạ, gồm 16 ngàn quyển trong tổng số 18 ngàn xã, thôn lúc bấy giờ - điểm đáng quý những bản này đều là bản chép tay, không có bản thứ hai. Địa bạ quyển sổ ghi chép và mô tả từ tổng quát đến chi tiết địa phận của làng. Theo đó, chúng ta có thể hình thành được một bản đồ địa lý thật sự cho làng, xã đó. Qua những tài liệu hiếm hoi đó cho thấy, nước Đại Việt lúc bấy giờ là một xứ nông nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, lấy xã thôn làm đơn vị cơ sở. Từ đầu thế kỷ thứ 19, thống nhất về mặt hành chính từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, gồm 18 ngàn làng với các tên gọi như xã, thôn, phường, giáp, điếm, ấp, lân, trang, trại, man, sách... Riêng Nam Kỳ, đến năm 1835 được chia làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên (nay là Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu). Rất may là Địa bạ tỉnh Hà Tiên vẫn còn đủ 35 tập gồm 144 quyển, đều được lập năm 1836. Qua địa bạ, lúc này Hà Tiên là một tỉnh đất rộng mà thưa dân nhất nước, chưa được “khẩn hoang, lập ấp triệt để”. Hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu nằm trên toàn bộ huyện Long Xuyên (tổng Long Thủy có 23 làng và tổng Quảng Xuyên có 9 làng) và trên một phần đất của huyện Vĩnh Định thuộc tỉnh An Giang cũ.

 

Riêng Cà Mau, lúc bấy giờ tuy là vùng đất mới bồi tụ nhưng đã có nhiều vị trí, nhiều tài nguyên rất đáng chú ý và được liệt kê cụ thể ở các địa bạ. Hòn Khoai (Pulo Obi) lúc bấy giờ có tên gọi là Đảo Vu, dân dã thì gọi là Ba Tiêu Viên (vườn chuối - có lẽ nơi đây chuối mọc bạt ngàn). Đảo Vu rộng ước vài mươi dặm, có suối treo, nước ngọt, bốn màu không khô cạn, thuyền buôn các nước qua lại phải đậu ở đây để lấy củi, nước. Thông thường thuyền nào đến trước rồi chạy đi nơi khác buôn bán phải khắc chữ vào một thẻ cây để lại cho thuyền khác đến sau biết tin tức. Cũng theo Địa bạ, biển Cà Mau lúc bấy giờ có nhiều cồn, vực sâu và rất nổi tiếng với những sản vật như: hải sâm, đồi mồi, hàu, sò, tôm, cá cơm, ốc tai voi... Cà Mau cũng có rất nhiều bảo lũy, cửa tấn. Thủ sở Bình Giang (theo ông Nguyễn Đình Đầu có lẽ ở ngay thành phố Cà Mau bây giờ) là nơi quan yếu, có đặt thủ ngự trú phòng.

 

Các cửa tấn quan trọng như  Bồ Đề, Tam Giang, Hiệp Phố (tục danh Phú Cáp - gọi Bảy Háp hay Bảy Hợp thì đúng hơn), Hoàng Giang (nguyên tên Đốc Huỳnh - vàm Ông Đốc). Lúc đó, cả tỉnh Hà Tiên chỉ có 3 chợ lớn, quan trọng.

 

Điều lạ là ngoài 2 chợ Mỹ Đức (nay thị xã Hà Tiên) và Sái Phu (tục danh là chợ Rạch Giá) chợ còn lại là chợ Hoàng Giang (chợ Sông Đốc hiện nay). Cách đây mấy trăm năm, nơi đây thường xuyên có thuyền buôn tụ tập, quán xá đông đúc. Tên Ông Đốc lấy từ tên Đốc Huỳnh, dân thường gọi là Đốc Binh. Tương truyền đây là Tân Khánh Huỳnh - một vị tướng của Nguyễn Ánh, không thấy tên họ trong chính sử. Từ đó mà có tên sông Đốc Huỳnh, Huỳnh Giang, chợ Hoàng Giang. Vào năm 1929 có tên xã Tam Khánh (Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Bình) có lẽ có liên quan đến những danh xưng kể trên.

 

Cũng theo địa bạ thì lúc bấy giờ ở Cà Mau có rất nhiều lâm tẩu (rừng chằm, rừng sác), rộng nhất là rừng U Minh có nhiều đước, sú, nhất là tràm. Dân địa phương làm nghề ăn ong, những làng làm nghề đó gọi là “thuộc hoàng lạp” được miễn các loại thuế khác nhau chỉ nộp sáp ong vàng. Có đến 33/44 làng thuộc huyện Long Xuyên phải chịu nộp thuế hoàng lạp “bản huyện lệ trưng phong sào thuế ngạch” (huyện nhà ra lệ ngạch thuế khai thác tổ ong). Có vậy cũng đủ thấy sản vật lúc bấy giờ như thế nào. Một điểm đáng chú ý khác, 44 xã của huyện Long Xuyên lúc đó có diện tích thực canh gần 2 ngàn mẫu nhưng chỉ có 4 chủ điền, Cà Mau bây giờ có một đó là Nguyễn Văn Cường (thôn Tân Hưng, tổng Quảng Xuyên). Hà Tiên, nhưng ngoài chủ điền kể trên, các chủ điền khác chỉ sở hữu khoảng độ 10 - 20 mẫu. Hãy thử xem một mẫu địa bạ xưa: “Tân Đức thôn, ở xứ Thị Huy: Đông giáp địa phận các thôn: Tân Thuộc, Tân Xuyên, Tân An. Tây giáp thôn Đại Hữu có rạch Thủy Liễu làm giới. Nam giáp các thôn Tân Xuyên, Tân An và sông Khơ Mao. Bắc giáp địa phận thôn Tân Ngãi. Sơn điền mới khẩn 47.3.1.0 (47 mẫu, 3 sào, 1 thước). Dân cư thổ (đất để dân chúng ở) 2.8.5.0. Đất hoang nhàn 2 khoảnh, rừng chằm 3 khoảnh có chịu lệ thuế tổ ong của huyện. Thôn trưởng: Nguyễn Văn Bình (ấn ký). Dịch mục: Huỳnh Văn Nghĩa (điểm chỉ)”.

 

Tìm lại dấu xưa

 

Không chỉ ở những trang địa bạ hiếm hoi được tìm thấy, nhiều tư liệu khác cũng nói rất nhiều về xứ Cà Mau những ngày mới khẩn khoang, lập ấp. Ngược dòng lịch sử một chút, sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ, ngày 5-1-1876, Đô đốc Duperrae ra nghị định phân chia 6 tỉnh Nam Kỳ thành 19 tiểu khu hành chính. Và đến 18-12-1882, Thống đốc Le Myre Vilers ra nghị định lấy một phần đất của hai tiểu khu Sóc Trăng, Rạch Giá lập thêm tiểu khu Bac Liêu với viên chủ tỉnh đầu tiên là Lamothe de Carrier. Đến ngày 20-12-1889, toàn quyền Paul Doumer lại Chủ điền này được xem là sở hữu ruộng đất nhiều nhất cả tỉnh Hà Tiên với 80 mẫu. Cần nói thêm toàn tỉnh Hà Tiên chỉ có 5 chủ điền ngoài 4 của huyện Long Xuyên (3 ở Bạc Liêu, 1 ở Cà Mau) chỉ có 1 ở đổi khu thành tỉnh - lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau. Và còn rất nhiều lần tách nhập khác, mãi đến năm 1947, quận Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá cũ nhập vào Bạc Liêu và quận Cà Mau thành tỉnh mới. Cà Mau lúc bấy giờ có 6 quận: Quản Long, Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn. Đến ngày 25-10-1956 đổi tên thành tỉnh An Xuyên.

 

Theo một tài liệu khác của hai tác giả biên khảo khá nổi tiếng trước đây là Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh - cuốn “Cà Mau xưa” - đã đề cập đến mốc thời gian sớm hơn. Theo đó, vào cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu dẫn một số người Trung Hoa bài Thanh phục Minh đến xứ Hà Tiên, tụ hội những lưu dân khẩn hoang lập nên 7 xã dọc theo bờ biển và 2 xã cực Nam là Rạch Giá và Cà Mau. Đến năm 1714, Mạc Cửu đã dâng phần đất này cho chúa Nguyễn và Mạc Thiên Tứ - con trai Mạc Cửu - đã vâng lệnh triều đình để lập ra đèo Long Xuyên (ở vùng Cà Mau nay) mang tính chất tổ chức quân sự. Năm Gia Long thứ 7 (1808) đã đổi ra huyện Long Xuyên. Lúc bị Tây Sơn đánh đuổi, vua Gia Long đã trú ngụ tại đây. Theo ông Huỳnh Minh, thì tại Cà Mau có rất nhiều địa danh gắn với tích xưa. Như Cái Tàu (xã Khánh An) có “Nền công chúa” - chôn cất một nàng công chúa chạy theo Nguyễn Ánh. Tại Cái Rắn (xã Phú Hưng) có “Ao ngự” - gần đồn dựng binh của vua Gia Long và nghi là nơi cung cấp nước ngọt cho vua. Kế đó vẫn còn những địa danh mang tên rạch “Long Ẩn”, xóm “Long Ẩn”.

 

Nhưng dù có đổi tên gì đi nữa thì dân các xứ vẫn rất ấn tượng với miền cuối đất qua danh xưng Cà Mau. Cà Mau hiểu theo một nghĩa nào đó là đọc trại từ “Khơ Mau” - xứ nước đen. Dân cố cựu diễn giải, hồi đó ở xứ này đước, tràm, vẹt rụng xuống đầy sông mục nát tạo nên màu đen cố hữu cho các kênh, rạch. Đường từ Sài Gòn về Cà Mau lúc bấy giờ dài 346 cây số nhưng chỉ có 6 thước bề ngang. Mãi đến lúc đó cửa biển Sông Đốc vẫn là một xứ rất phồn thịnh và được đánh giá là phồn thịnh nhất miền Hậu Giang. Tàu đánh cá nước ngoài thường đến mua cá chở qua Tân Gia Ba (Singapor). Nhưng hồi đó cá đồng vẫn chiếm một lượng đáng kể nhất. Theo ước tính, hàng năm Cà Mau bắt được 1.500 tấn cá biển, với 3 ngàn miệng đáy bắt tôm tươi ở sông sẽ có khoảng 2.000 tấn tôm khô. Thế nhưng lượng cá đồng lại lên đến 10 ngàn tấn và 8 ngàn tấn mắm khác. Ở xã Thới Bình còn có một “khoáng sản” gọi là “than đất” nhưng chưa được khai thác đúng mức.

 

Một vị trí địa lý khác cũng được nhắc đến nhiều - quận Năm Căn. Vào khoảng năm 1802 vùng này còn chưa có nhà cửa nhiều, chỉ có một thiểu số làm nghề săn thú, hạ bạc rải rác ở các rạch, xẻo. Ở con đường duy nhất đi Cà Mau từ vàm con Rạch Tắt đi ngang sông Bảy Háp chỉ có một trại đáy có 5 căn - có lẽ tên Năm Căn từ đó mà thành. Có một giai thoại bà mụ Trời đỡ sanh cho cọp ở Rạch Bần, quận Cái Nước gần đó. Dân gian lưu truyền cọp biếu thịt rừng cho bà mụ đến khi mãn phần. Loại đi yếu tố hoang đường thì rõ ràng thiên nhiên và con người ở đây vốn rất gần gũi, quen thuộc. Thiên nhiên đã hào phóng cung cấp sản vật cho người dân ở đây đến mức “hào phóng”. Năm Căn bấy giờ được coi là mỏ “vàng đen”, cung cấp than đước cho cả Nam Kỳ lục tỉnh. Với lối 71 ngàn mẫu rừng ở 4 khu (354, 353, 355, 534) Năm Căn đã cung cấp khoảng 240 ngàn steres củi hầm than, 50 ngàn steres củi vẹt đốt, 720 ngàn tạ than.

 

Một nguồn lợi khác của Cà Mau xưa vài trăm năm trước thấy được nhắc đến là “điểu đình”. Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Những chim ở ngoài biển đến đậu từng bầy không biết muôn ngàn nào mà kể. Thường năm, đến kỳ đẻ trứng có trà hộ ngạch bao lãnh nạp thuế ấy, gọi là thuế điểu đình và lấy cánh lông bán cho người Trung Hoa”. Những vườn chim lớn nằm ở Rạch Thứ Nhứt, Kinh Dài, Thầy Quơn, Chắc Băng, Đầm Dơi, Cổ Cò. Lớn nhất là sân ở Cái Nước rộng hơn 7 hecta (Bà Hính dọc theo sông Bảy Háp). Bấy giờ người ta bắt chim chỉ để nhổ lông bán, mỗi bó 30 lông lớn hoặc 35 lông nhỏ dùng bó quạt. Mỗi năm người ta giết chim 3 lần (cuối tháng Giêng, tháng 3 âm lịch) mỗi kỳ khoảng từ 1 - 5 ngàn con. Dân lúc đó chỉ ăn thịt rừng, cá, tôm chứ ít khi ăn thịt chim, đôi lúc họ nướng một hai con chim ra ràng để chỉ nhậu chơi. Do vậy, dân khai thác chim ngán nhất là... chở thịt chim đi đổ sông sau khi nhổ lông (!) - bởi lẽ, họ sợ xác chim thối rữa tại sân, chim sẽ không về. Phân chim lúc bấy giờ ngập đến 4, 5 tấc tây, cá, tôm chim tha về người coi sân chim lượm mỗi ngày chỉ non... năm bảy giạ, riêng trứng phải lượm hàng ghe (!). Rồi nhiều sản vật được gắn liền với địa danh như: than Năm Căn, chiếu Tân Duyệt, mật U Minh, ba khía Rạch Gốc, sấu Đầm Bà Tường, choại Cà Mau, cá thác lác Cái Tàu, than Tân Bằng, rau cải Cái Keo. Mỗi một sản vật, mỗi một địa danh được nghe tiếng đều nhờ vào công sức khai khẩn rất sớm của những lưu dân từ cách đây mấy trăm năm. Tiếng là lưu dân nhưng ở trong dòng máu của họ pha rất nhiều nghĩa khí, hiếu để.

 

“Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá, ở gần núi, rừng thì bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng năng việc công. Kẻ tiểu nhân (ý nói người bình dân) thì an thường, thủ phận, không gian tham trộm cướp... Đàn ông ra đường hay che dù, đàn bà, con gái trùm đầu bằng khăn vải dài, con trai bới tóc cho khỏi sổ, con gái trang sức sơ đạm, bới tóc thả thòng ra đằng sau. Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo, hay đi thuyền, giỏi nghề bơi nước, ưa nóng, ghét lạnh... Gặp tang chế, lễ nghi theo Nho và cũng theo Phật” (Theo Đại Nam nhất thống chí).

 

Trải qua hàng trăm năm dâu bể, Cà Mau bây giờ đã khác xưa. Chót mũi đã được bồi tụ hơn xưa, người dân các nơi đổ về sinh sống. Có một điều đau lòng nhất là sản vật, thiên nhiên không còn như xưa. Những chuyện rất thật kể trên, nếu không có những số liệu xác thực, có lẽ, đến thêm một hai thế hệ nữa chỉ còn là những chất liệu đẫm chất “thần thoại”. Duy có điều, khí chất của người đất Mũi vẫn vậy. Hậu duệ của những lưu dân đi khẩn hoang mấy trăm năm trước vẫn hào sảng, vẫn phóng khoáng như cha ông. Phải chăng, đó chính là bản sắc đã tạo nên sức hút cho một Cà Mau tươi trẻ bây giờ.

 

NHỮNG SẢN VẬT CỦA XỨ CÀ MAU:

 

- Nước ngọt của Hòn Khoai. - Mắm ruột (mắm lòng) ở Tân Điền, Phú Mỹ và Tân Hưng Đông.

 

- Mắm lóc, mắm trê.

 

- Cá dầy và lươn ở xã Tân Hưng.

 

- Cá bông ở Cái Tàu.

 

- Khô bẹ, khô cá chét, khô gộc và nước mắm ở Vàm Sông Đốc.

 

- Cá vược, cá bống mú, cá dứa, cá buôi ở Năm Căn và Ông Trang.

 

- Vi cá, bong bóng cá mè đường ở Rạch Gốc và Vàm Sông Đốc.

 

- Cá bống kèo, bống dừa ở các trại đáy.

 

- Sò huyết, mực tươi ở Ông Trang.

 

- Nghêu ở Rẫy Chệc (Viên An).

 

- Vọp ở Rạch Vọp và Ông Tự.

 

- Hàu ở Hòn Đá Bạc và Thọ Mai.

 

- Ba khía, ốc len ở Rạch Gốc.

 

- Cua gạch son (cua đầm) ở Đầm Dơi.

 

- Tôm khô, tôm luội ở Năm Căn, Xóm Lớn, Hàng Vịnh.

 

- Tép mòng, con ruốc ở Rạch Gốc.

 

- Kỳ đà ở Xóm Thủ và Đầm Chim.

 

- Sấu ở Dày Chảo và sông Cửa Lớn.

 

- Rùa vàng ở đồng Cái Rắn và Rau Dừa.

 

- Cần đước ở Cái Tàu và Khánh Lâm.

 

- Khỉ ở khắp các rừng cấm.

 

- Lọ nồi ở Năm Căn, Nhưng Miên, Xóm Thủ và Cái Bát.

 

- Đuôn chà là ở Cái Keo và Đầm Dơi.

 

- Sân chim ở dớn Rạch Giếng.

 

- Mật ong và sáp ở rừng cấm Thới Bình, Tân An, và Khánh An.

 

- Chiếu lẫy ở Đầm Chim, Cái Rắn, Cái Nhút và Rạch Nhà.

 

- Cây mốp (làm nón), cây vông rừng (làm guốc), cây kè (làm liễn) ở Trèm Trẹm và Tân Bằng.

 

- Than đước và vẹt, vỏ dà, vỏ dước ở rừng cấm Năm Căn, Tân An và Nhưng Miên.

 

- Dây choại ở miệt dớn Rạch Giếng, Thới Bình.

 

- Lá tàu, lá bó, lá chằm, lá cần đóp ở khắp các rừng cấm, bờ sông lớn.

 

- Bồn bồn, môn nước ở nơi đất thấp.

 

- Sầu riêng, trầu vàng ở Cái Tàu.

 

- Khóm ở Trèm Trẹm.

 

- Dưa hấu ở Rẫy Chệc.

 

Tài liệu của Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh sưu khảo vào lối những năm 50 - in trong cuốn “Cà Mau xưa”. Trải qua bao dâu bể cuộc đời, hai tác giả đã hóa thành người thiên cổ. Riêng những sản vật vừa kê dẫn, rất nhiều thứ chỉ còn trong ký ức của những bậc lão niên vốn sống chết cả đời với đất rừng phương Nam. Chép lại để tự hào mà cũng để hoài nhớ, tiếc nuối một ngày xưa.

 

Hồng Hạnh
Số lần đọc: 2628
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Cùng một tác giả