Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.222.793
 
Xuân Diệu, Trong Những Năm 1954-58 -3
Lại Nguyên Ân

 “Nguyên Hồng phản ứng mạnh với cái khuynh hướng máy móc, giáo điều nó quan niệm con người mới trong văn học nghệ thuật như một thứ người gỗ, mà không hiểu nổi cái phức tạp phong phú của đời sống và tâm hồn con người, nó cũng không hiểu văn học nghệ thuật và không nắm được cái thực tế đang chuyển biến của sự sáng tác. Cái khuynh hướng cứng nhắc ấy, chúng ta đã phê phán nó khá nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng không phải đã hết. Nó duy trì những bệnh sơ lược, khái niệm, những thái độ đơn giản và độc đoán trong vấn đề tư tưởng và nghệ thuật. Cái khuynh hướng máy móc đơn giản ấy đã có biểu hiện trong bài của Thế Toàn, rõ rệt nhất là trong những nhận xét của Thế Toàn về mấy bài như Phở, Gió, Bích-xu-ra, v.v… Và cái thái độ gò ép, áp đảo ấy cũng thấy trong một bài của Hồng Chương và Trịnh Xuân An tiếp theo bài của Thế Toàn trên tạp chí Học tập số 8. Tôi cho thái độ đó là không đúng”.(12)

 

Chỉ tìm hiểu qua những gì đăng báo còn lại đến hôm nay thì hẳn là khó có thể biết hết những gì đã thực sự diễn ra trong đời sống thực của văn nghệ một thời đã qua. Nhưng người đang viết những dòng này chưa có thêm phương tiện gì khác hơn là tài liệu in công khai còn lại trên giấy báo. Dù sao cũng có thể thấy những thị uy và uốn nắn đối với tuần báo Văn đã không gây được hiệu quả cụ thể. Nói như Tế Hanh, trong số bài vở đăng trên tuần báo “Văn”, “những bài Nguyễn Đình Thi cho tốt không phải ít hơn những bài xấu, kể cả trong 10 số đầu. Thế thì nên kết luận thế nào?”

 

Rất có thể vì vậy, tuần báo Văn cứ đi tiếp nhịp đi của mình. Trong số những tác phẩm được đăng trên tờ này sẽ có thêm khá nhiều những thảo luận về các vấn đề của thơ, thảo luận về việc nên hay không nên tái bản các tác phẩm ra đời trước cách mạng, sẽ đăng thơ của Xuân Diệu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Dần, Lê Đạt…, văn của Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh, Thụy An, Nguyễn Dậu, Trần Dũng Tiến,…, tiểu luận phê bình của Nguyễn Tuân, Trương Chính, Trần Thanh Mại, v.v…  Trong số những tác phẩm đăng lần đầu ở đây, sẽ được nhắc nhở sau này là các tác phẩm như thơ Hãy đi mãi (Trần Dần, s. 28, ngày 15/11/1957), Lời mẹ dặn (Phùng Quán, s. 21, ngày 27/9/1957), Bão (Tế Hanh, s. 32, ngày 13/12/1957), văn: Đống máy (Minh Hoàng, s. 34, ngày 27/12/1957), Ông Năm Chuột (Phan Khôi, s. 36, ngày 10/1/1958), là truyện dịch Phòng số 6 của Chékhov đăng liền hơn 10 số đầu, là các tiểu luận Nguyễn Tuân viết về văn Thạch Lam, về Kim tiền  của Vi Huyền Đắc, v.v…

 

Tất nhiên không khó để trừng trị những nhà văn cứng đầu ở tuần báo “Văn”; và trong việc này, tờ Học tập ra hàng tháng không thể thuận lợi so với tờ Nhân dân ra hàng ngày. Từ cuối tháng 11/1957, hàng loạt bài vở các loại từ tờ nhật báo lớn nhất miền Bắc lúc ấy chĩa mũi nhọn vào báo Văn. Ban đầu nhắm vào từng tác phẩm cụ thể, ví dụ thơ Lời mẹ dặn (bài của Trúc Chi, Nhân dân, 24/11/1957), tranh biếm họa “Phương pháp xây dựng văn nghệ” của Trần Duy (bài của Phượng Kim, Nhân dân 8/12/1957), truyện ngắn “Đống máy” (bài của Đặng Phò, Nhân dân 12/1/1957), gợi cho dư luận sự gắn nối “Văn” với “Nhân văn”  (Chiến Kỳ: Chặn ngay những quan điểm nghệ thuật của nhóm “Nhân văn” đang định sống lại trên báo “Văn”, Quân đội nhân dân, 21/1 và 24/1/1958; Vũ Đức Phúc: Từ “Con người Trần Dần” đến “Đống máy”, Nhân dân 2/2 và 3/2/1958). Lại còn mượn đến những tên tuổi nào đó, nói rằng đó là của “anh em ở miền Nam” (Một bức thư của anh em từ Sài Gòn gửi cho chúng ta: D. và T.: Chúng tôi không đồng ý với báo “Văn”/ Nhân dân 17/1 và 18/1/1958). Rồi tiến tới nhận định bao quát (bài của Như Phong: Góp ý kiến với các đồng chí có trách nhiệm ở báo “Văn”/ Nhân dân, 9/2, 10/2, 11/2 và 12/2/1958). Sau nữa là đăng tự kiểm điểm của một số “yếu nhân” của báo “Văn” dưới tiêu đề Các đồng chí ở báo “Văn” bắt đầu tự phê bình, lần lượt là Nguyên Hồng (Nhân dân 2/3/1958), Tô Hoài (Nhân dân 12/3/1958), Tế Hanh (Nhân dân 14/3/1958); lại nữa, không kiềm chế lời mạ lỵ nếu sự tự phê bình của họ chưa được coi là thành khẩn (câu viết sau đây cho thấy sự hạ nhục người bị phê bình:“trường hợp Nguyên Hồng, vì thái độ chưa thật thà thành khẩn và cũng vì trình độ nhận thức quá thấp nên mức tiếp thu rất hời hợt” − N.D., Để chuẩn bị một thời kỳ văn học nghệ thuật phát triển tươi tốt hơn nữa/ Nhân dân 9/3/1958).

 

Bên cạnh báo Nhân dân, tham gia phê bình báo “Văn” còn có nhiều báo khác: báo Quân đội nhân dân với các bài của Hồng Cương, Chiến Kỳ; báo Cứu quốc với các bài của Đông Hoài, Bùi Huy Phồn, Đặng Vũ Khiêu, Tú Mỡ, Nguyễn Mạnh Hào, Nguyễn Kiến Giang, v.v…; báo Tổ quốc với các bài của Ngô Linh Ngọc, Thiếu Khanh, Bảo Nguyên, Phi Trưởng, v.v…; báo Thống nhất với các bài của Trịnh Xuân An, Hồng Chương, Vũ Đức Phúc, Lê Xuân Vũ, v.v…

 

Trên thực tế, việc phê bình tuần báo “Văn” chuyển dần hòa dần vào đợt đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm diễn ra liền sau đó.    

 

Ở tuần báo “Văn” số 37 (ngày 17/1/1958), tòa soạn có lời “kính gửi các bạn yêu quý của báo Văn”, theo đó, “sau 8 tháng làm việc, báo Văn thấy cần phải kiểm điểm công tác trong thời gian qua, rút kinh nghiệm cho công việc mới, chấn chỉnh mọi mặt,… vì lẽ đó, báo sẽ nghỉ 2 kỳ ….”  Trên thực tế, đấy chính là lời cáo chung của tờ tuần báo này; lời hẹn của báo về tờ “Văn” số tết cũng không thành sự thực vì BCH Hội nhà văn không cho phép thực hiện.(12b)

 

Ngày 6/1/1958, Bộ chính trị trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết Về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ, phát động một chiến dịch đấu tranh tư tưởng “quét sạch tư tưởng “Nhân văn” là biểu hiện của tư tưởng thù địch về mặt chính trị, đồng thời cũng là biểu hiện nghiêm trọng của quan điểm văn nghệ tư sản”.(13) Những đợt học tập tập trung dài ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức sau đó, − mà về sự việc này người ta chỉ được biết qua một vài hàng tin vắn trên một số tờ báo, − có thể đã là diễn trường chính của cuộc đấu tranh theo chủ trương nói trên; thật ra, người ta chỉ có thể biết đến chúng thông qua phần nổi là những phê phán rầm rộ trên báo chí miền Bắc từ khoảng giữa tháng 2/1958 đến tháng 6/1958.

 

 Sự phê phán, rủa sả và đấu tố rầm rộ này là sự tiếp tục những phê phán đã có từ vài năm trước, nhất là vào cuối năm 1956; song, suốt thời kỳ đó dù sao vẫn nằm trong quy ước của sự phê bình “trong nội bộ nhân dân”, tức là ít nhiều còn tôn trọng đối tượng bị phê phán, thậm chí ít nhiều chấp nhận có ý kiến trao đổi qua lại. Nhưng đến lúc này, khi mà người ta đã tuyên bố gạt phía bị phê phán sang hàng ngũ kẻ thù thì chỉ còn sự biểu dương lực lượng của một phía: phía những người phê phán, với số lượng hết sức đông đảo. Trong hàng loạt những ý kiến bày tỏ một phẫn nộ đại chúng này rất khó thẩm định sự thật của những nội dung tố giác, dù nó hệ trọng đến đâu; sự kiện thấy được chỉ là sự tố giác.

 

Riêng ở giới văn nghệ, có thể hình dung cuộc phê phán này trên Tạp chí Văn nghệ các số 10 (tháng 3/1958), 11 (tháng 4/1958), 12 (tháng 5/1958), 13 (tháng 6/1958), mở đầu bằng bài của Đặng Thai Mai: Căn bản vẫn là vấn đề lập trường tư tưởng, và tạm kết bằng báo cáo của Tố Hữu đọc tại cuộc họp tổng kết hôm 5/6/1958. Trên các bài đấu tranh ấy, những thành viên bị coi là đầu sỏ của nhóm Nhân văn như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trần Duy, Thụy An, Trần Thiếu Bảo bị phê phán như đấu tố kẻ thù, những cây bút liên quan như Phùng Cung, Phùng Quán, Văn Cao, Hoàng Tích Linh, Đặng Đình Hưng, Trần Lê Văn, v. v… cũng không được đối xử tốt hơn.

 

Như đã biết, sau sự kiện này, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo,(13b) Phùng Cung bị ngồi tù nhiều năm (có nguồn tin cho rằng những người bị tù này là thuộc một vụ án khác, không gắn trực tiếp với các hoạt động Nhân văn, Giai phẩm, song cho đến nay vẫn chưa có sự công khai hóa các tài liệu an ninh và tư pháp liên quan nên chưa thể xác nhận điều này). Riêng trong Hội nhà văn: 3 người gồm Trương Tửu, Thụy An, Phan Khôi “bị khai trừ hẳn ra khỏi hội”; 2 người gồm Trần Dần, Lê Đạt bị khai trừ khỏi hội trong thời hạn 3 năm; Hoàng Cầm bị khai trừ khỏi Ban chấp hành; Hoàng Tích Linh bị cảnh cáo và được rút khỏi Ban chấp hành; Trần Duy bị khai trừ (vĩnh viễn?) ra khỏi hội Mỹ thuật; Tử Phác, Đặng Đình Hưng bị khai trừ 3 năm ra khỏi hội Nhạc sỹ sáng tác; các hội viên khác từng tham gia các số Nhân văn và các tập Giai phẩm (các văn bản thường không nêu tên) bị cảnh cáo.(14) Tuy nhiên, những hình phạt mà ban đầu hoặc mang dạng án phạt của luật pháp, hoặc có khi chỉ là kỷ luật trong nội bộ đoàn thể (khai trừ, treo bút,…) kết hợp với xử lý hành chính (buộc cư trú xa thủ đô, bị theo dõi bí mật, buộc theo các nhóm văn nghệ sĩ đi lao động thực tế xuống các địa phương …) trong thực tế đời sống miền Bắc những năm về sau (1958-85) sẽ trở thành những trừng phạt vĩnh viễn về mặt xã hội và công dân. Ấy là chưa nói đến không ít những người khác, vốn không dính líu gì tới sự kiện này, về sau sẽ vô tình trở thành liên lụy, bị tù đày hoặc phân biệt đối xử.(15)

 

Một vài diễn biến bề sâu của cuộc đấu tranh ấy, từ khoảng những năm 1990 cũng đôi khi được hé lộ lẻ tẻ qua một vài hồi ức.

 

Sau đợt đấu tranh này, từ 25/5/1958, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản báo Văn học với thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi (chức thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ từ tháng 6/1958 chuyển sang cho Hoài Thanh), tự coi là tờ báo hoàn toàn mới “với tinh thần mới và tên mới”; khẩu hiệu “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” được gắn lên manchette tờ báo của Hội Nhà văn VN kể từ thời điểm ấy. Trong lời ra mắt của mình, báo Văn học tuyên bố rằng tuần báo Văn trước đây đã “bị tư tưởng Nhân văn lũng đoạn” nên đã xa rời đường lối văn nghệ của Đảng, rằng các trang báo Văn “đã bị hoen ố vì những bài của nhóm Nhân văn”  mà sự độc hại của chúng còn cần tiếp tục diệt trừ! Nghĩa là tuần báo Văn không xứng đáng để được kế tục!

 

Có lẽ, trong lịch sử các cơ quan báo chí của Hội Nhà văn Việt Nam, nếu hầu hết các cơ quan đều được vinh danh, thì chỉ có riêng tuần báo Văn là bị nguyền rủa ngay cả khi nó đã không còn tồn tại.

 

 

4b. Bước vào năm 1957, ngòi bút Xuân Diệu hoạt động hăng hái hơn năm trước, với thiên hướng nghiêng hẳn về văn xuôi bút ký, tiểu luận. Bài bút ký Mùa xuân thắng đăng dịp tết (Nhân dân 3/2/1957), một bút ký chính luận, chất ký thua chất luận, in rõ nếp nghĩ của một người sống ở một phe nhìn vào cái thế giới hai phe đối đầu nhau, một người sống ở nửa nước chia cắt nhìn sang nửa nước bên kia theo tầm mắt chính thống của phía bên này, giữa thời chiến tranh lạnh, có lẽ báo trước điều đó.

 

Xuân Diệu đã dự hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam, đọc tham luận Vài ý kiến về vấn đề viết sự thật (đăng Nhân dân, 21/4/1957), được bầu vào ban chấp hành đầu tiên, và như vậy Xuân Diệu là một trong 25 hội viên sáng lập. Nhưng Xuân Diệu không tham gia ban biên tập tuần báo Văn, cũng không tham gia ban phụ trách nhà xuất bản Hội nhà văn. Ông có cộng tác gửi một số bài đăng tuần báo Văn, nhưng nơi ông cộng tác chặt chẽ hơn lại là Tạp chí Văn nghệ của trung ương Hội LHVHNTVN mà Tổng thư ký Hội LHVHNTVN Nguyễn Đình Thi kiêm chức Thư ký tòa soạn, bắt đầu hoạt động chỉ sau tuần báo Văn khoảng nửa tháng.   

 

Trong năm mới này ông vẫn có ít thơ đăng báo, trên tuần báo Văn hầu như chỉ thấy 3 bài: Gió (s. 3), Chuyên chính (s. 26), Hỏi (s. 32) trong đó Chuyên chính là bài thơ nghị luận (… Mặc những kêu rêu lá rụng hoa tàn / Tôi thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính!); trên Tạp chí Văn nghệ cũng thấy có các bài Gửi sông Hiền Lương (s. 2, th. 7/1957), Đi với giòng người (s. 9, th. 2/1958). Một bài như Lệ (Nhân dân, 3/11/1957) có lời đề từ “Tặng Cách mạng tháng Tám và Cách mạng tháng Mười” cho thấy rõ cái tứ chính luận của nó. Trên tờ Văn học mà Hội Nhà văn Việt Nam mới lập ra từ 25/5/1958, Xuân Diệu đã kịp đăng thơ sáng tác (Bia Việt Nam, s. 12, ngày 15/9/58) hoặc thơ dịch (Người vô sản, dịch thơ Ch. Smirnenski, nhà thơ Bulgary, s. 16, ngày 25/10/58). Nhưng chiếm số lượng nhiều nhất trong thời gian này vẫn là các bài bút ký, tiểu luận.

Xin kể các bài chính.

 

Vài ý kiến về vấn đề viết sự thật (Nhân dân, 21/4/1957),

Tuyển tập “Thơ Việt Nam” đối với phong trào thơ (Tạp chí Văn nghệ, s. 1, th. 6/1957),  

Mùa đông 1919, mùa hè 1957 (Văn, s. 8, ngày 28/6/1957),

Nguyễn Trãi, nhà thơ mở đầu nền văn học cổ điển Việt Nam (Tạp chí Văn nghệ, s. 3, th. 8/1957; bài này đứng tên chung với Huy Cận),

Cảm tình với Ấn Độ (bút ký, Nhân dân, 14/9/1957),

Thế nào là cái mới (Tạp chí Văn nghệ, s. 4, th. 9/1957),

Những bước đường tư tưởng của tôi (Tạp chí Văn nghệ, s. 6, th. 11/1957),

Nhà thi hào Pháp A-ra-gông sáu mươi tuổi (Tạp chí Văn nghệ, s. 7, th. 12/1957),

Cái mới của văn học chúng ta (Tạp chí Văn nghệ, s. 8, th. 1/1958),

Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ (Tạp chí Văn nghệ, s. 10, th. 3/1958),

Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt (Tạp chí Văn nghệ, s. 13, th. 6/1958),

Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao (Tạp chí Văn nghệ, s. 14, th. 7/1958),

13 tuổi Tiếng nói Việt Nam (Tạp chí Văn nghệ, s. 17, th. 9/1958).

Kỷ niệm nhà thơ thiên tài dân tộc Nguyễn Du (nói chuyện tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 26/9/1958 trong lễ kỷ niệm 138 năm ngày mất Nguyễn Du; đăng Tạp chí Văn nghệ, s. 18, tháng 11/1958)

 

Phần lớn các bài viết này đến giữa năm 1958 sẽ được in thành cuốn Những bước đường tư tưởng của tôi (tiểu luận phê bình văn học của Xuân Diệu, Nxb. Văn hóa, 159 tr. 13x19cm; in xong ngày 8/5/1958), nằm trong loại sách thời sự, phục vụ cuộc đấu tranh tư tưởng thời gian ấy.

 

Hãy đọc lướt những điều được đề cập trong loạt bài này.

Vài ý kiến về vấn đề viết sự thật là tham luận tại hội nghị thành lập Hội nhà văn.

 

“Chúng ta nói những sự thật là có một mục đích, mục đích làm công tác tư tưởng bằng văn học, nên ta không phải là một người cầm cái máy ảnh tốt rồi bạ cái gì cũng chụp ảnh, cũng in ra. Chúng ta không hoàn toàn đi theo cái chủ nghĩa thành thật, vì chủ nghĩa đó chỉ đúng có một nửa. Nhất định những thơ văn nào chúng ta viết ra đều là máu là huyết của ta, đều là thiết tha, thành thật, mà có thiết tha thành thật thì mới hay được. Nhưng không phải những tình cảm nào thiết tha thành thật đều nên đưa vào thơ văn.”

 

Vì sao vậy? Vì, theo Xuân Diệu, nhà văn không chỉ cần phải là “kỹ sư tâm hồn” mà còn cần phải là “bác sĩ tâm hồn” nữa, cho nên không được để những buồn rầu, tan rã trong hồn mình lây nhiễm sang người đọc.

 

“Nhà văn hiện nay nên phát hiện nhiều vấn đề mới; nhưng nêu vấn đề ra, nếu chưa giải quyết dứt khoát được, thì ít nhất cũng bao hàm một hướng giải quyết, một thái độ giải quyết. Nếu chỉ nêu vấn đề rồi vứt giữa xã hội thì chỉ tổ gây hoang mang. Vào trong xã hội mà chỉ tin ở sự thành thật theo cảm tính của mình, thậm chí cố tình không mang theo những thứ mà mình cho là tầm thường, như lập trường, như đảng tính, v.v…, thì càng tưởng rằng viết theo sự thật lại càng sai lạc.”

 

Trong một bài rất ngắn, Xuân Diệu đã làm bật được một số ý niệm vốn là chủ trương của cấp trên, lại kết hợp liên hệ phê bình được tư tưởng của Nguyễn Tuân “nhà văn chỉ cần nêu vấn đề”, “nhà văn có thể là bác sĩ gọi ra bệnh của bệnh nhân, không nhất thiết phải kê đơn bốc thuốc”, mỉa mai được “tiếng sáo tiền kiếp” của Trần Duy, đả kích được Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, chê trách được Một trò chơi nguy hiểm của Nguyễn Thành Long, − những hiện tượng do những người khác phát giác và đã trở thành đối tượng phê phán chung.

 

Tuyển tập “Thơ Việt Nam” đối với phong trào thơ  là bài nhận xét tuyển tập “Thơ Việt Nam 1945-56”; cách làm của ban tuyển thơ này dựa vào đơn vị tác giả, theo Xuân Diệu nhận định, là không hợp với sự phát triển thơ ca thời kỳ 1945-1956; vì thế ông cho cuốn tuyển này không phản ánh được phong trào thơ của quần chúng, theo ông, là nét nổi trội của thơ Việt Nam thời kỳ 1945-56.

           

“Ban làm tuyển tập cố nhấn mạnh vào các tài tử đơn ca, trong khi đơn ca chưa nổi bật, mà cái hay, cái đặc điểm của phong trào thì lại là một cuộc hòa tấu phong phú hơn nhiều. Tuyển tập “Thơ Việt Nam” là một cái gương chưa thật đúng và bẻ một nửa của phong trào thơ.”

 

Xuân Diệu dẫn khá nhiều thơ ca ngoài tuyển tập trên để cho thấy là đừng nên vướng vì quan niệm ‘tác giả’ như ban tuyển này đã mắc, mà nên lấy trọng tâm  là phản ánh phong trào thơ; thậm chí ông đưa ra một ý tưởng cực đoan về cách làm tuyển thơ:

 

“Đến việc sắp xếp các người thơ, tưởng không nên xếp theo a,b,c, mời họ ngồi bàn tròn như thế. Làm như vậy cầu an, tắc trách. Mà phải cố gắng xếp các bài thơ và tác giả theo khuynh hướng, theo thời kỳ, theo nội dung….”

 

Sau cuốn tuyển mà Xuân Diệu điểm sách như trên, người ta biết,“Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960” (Hà Nội: Nxb. Văn học, 1960) mà Xuân Diệu tham gia tuyển chọn và chính ông viết lời nói đầu, thì thơ trong tuyển ấy vẫn sắp xếp theo thứ tự a,b,c tên tác giả. Như thế, những đề xuất Xuân Diệu nêu ra ở bài này, in ra vào năm 1957, có lẽ chỉ là một ý thoáng qua nhằm thỏa mãn cái tư tưởng thời thượng vốn đề cao các từ ngữ “quần chúng”, “công nông binh”, cốt nói sao cho gây được ấn tượng, chứ không phải ý kiến có giá trị chỉ dẫn thao tác làm sách tuyển thơ thực sự.

 

Mùa đông 1919, mùa hè 1957 là bài dịch đồng thời nói về việc dịch thơ Maiakovski; tựu trung là: bài Mùa đông 1919 của nhà thơ Nga được Xuân Diệu dịch vào mùa hè 1957, thế thôi. Nhưng đây là chỗ để Xuân Diệu phê phán Trần Dần, Lê Đạt. Ông lên lớp Trần Dần:

 

“Nếu Mai-a sống ở đất nước Việt Nam khi hòa bình vừa lập lại, khi khu vực ba trăm ngày quân Pháp chưa rút hết, còn đóng sát nách tại Hải Phòng, tôi quả quyết rằng, giả sử như Mai-a có trong hoàn cảnh chưa tìm được việc cho vợ làm, cũng không bao giờ Mai-a nỡ như Trần Dần, hạ những câu:

                        Tôi bước đi

                                    không thấy phố

                                                            không thấy nhà

                        Chỉ thấy mưa sa

                                                trên màu cờ đỏ

Những câu thơ như vậy học tập Mai-a-kốp-ski ở chỗ nào?”

 

Và Xuân Diệu nhắc nhở cả Trần Dần, Lê Đạt lẫn số đông người làm thơ:

           

“Vâng, không nên học tập Mai-a-kốp-ski một cách giáo điều! Mà trước tiên, phải học cái hồn thơ, cái lòng yêu nước, cái lập trường cách mạng không gì lay chuyển nổi của Mai-a-kốp-ski”

 

Ông nhắc lại lời K. Simonov:

 

“Truyền thống của Mai-a-kốp-ski không phải là ở chỗ bài thơ Lê-nin hoặc bài thơ Được! [có lẽ định nói đến bài Tốt lắm − LNA chú] viết bằng lối ‘leo thang’ hay không ‘leo thang’, mà là ở chỗ Mai-a-kốp-ski đã viết bài thơ về Lê-nin, về Đảng và Tổ quốc!”

 

Thế nào là cái mới thực chất là bài trao đổi với quan niệm nghệ thuật của Văn Cao, từng được tác giả này bộc lộ trong bài Một vài ý nghĩ về thơ (Tạp chí Văn nghệ, s. 3, th. 8/1957). Ý tưởng của Văn Cao “chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới”, theo sự phân tích vòng vo của Xuân Diệu, chứa đựng cái “tự huyễn diệu của sự kiêu căng cá nhân”; tình cảm của Văn Cao “Yêu những người biết thất bại mà dám mở đường”, được Xuân Diệu khuyên nhủ là đừng mở đường liều, đừng “anh hùng chủ nghĩa rẻ tiền mà ta không dung thứ”! Điều được Xuân Diệu cho in nghiêng để nhấn mạnh là câu khẳng định sẽ mau chóng biến thành công thức như sau:

           

“Cái mới vô cùng, không văn nghệ cũ nào, không văn nghệ tư sản nào bì nổi, của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa chúng ta, là đấu tranh cho Đảng kiểu mới, chính quyền kiểu mới, con người kiểu mới, và lao động kiểu mới.”

 

 Những bước đường tư tưởng của tôi là một bản tự kiểm thảo về nhân sinh quan và thẩm mỹ quan của tác giả Thơ thơ, Gửi hương cho gió… Thật ra thì từ năm 1953 ở Việt Bắc kháng chiến, Xuân Diệu đã có một lần dự chỉnh huấn và làm kiểm thảo (xem bài văn xuôi Dứt khoát và bài thơ Trước đây bốn tháng của Xuân Diệu đăng tạp chí Văn nghệ số 41, tháng 7/1953, số về chỉnh huấn) nên, có thể nói, Xuân Diệu đã biết phép ứng xử. Là người đã thành danh trong văn chương tiền chiến, Xuân Diệu có “thi pháp” kiểm thảo riêng, tựu trung là nói cho thật đậm hai ý, một là “chúng tôi” đã ngụp lặn quá sâu vào vũng bùn nghệ thuật tư sản, rất khó sửa chữa, trước ma lực của hào quang cá nhân chủ nghĩa, chúng tôi rất dễ bỏ con đường sáng, “lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”; hai là ơn của Đảng đối với chúng tôi là ơn cứu mạng, “càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông”, tình cảm chúng tôi với Đảng là “từ phen đá biết tuổi vàng, tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ”! Nhưng cái phía láu cá tự biện hộ của Xuân Diệu thì không qua được con mắt bạn văn đương thời; chẳng hạn, đây là nhận xét ngay trong năm 1958 của Nguyễn Bao: “Thực ra cách mạng đã cứu vớt cái tôi của Xuân Diệu khỏi chết chìm chứ không phải là cái tôi ấy đủ sức mà bơi tới cách mạng. Qua sự trình bày ấy ta thấy Xuân Diệu chưa nhận rõ được mọi cạnh khía tinh vi của cái tôi cũ và ở một điểm nào đấy còn bào chữa cho nó nữa!” (16)

 

 Cái mới của văn học chúng ta thảo luận với đồng nghiệp quanh câu hỏi: vì sao văn học cách mạng chưa có tác phẩm lớn? Theo Xuân Diệu, lý do là “Các nhà văn thời đại của ta chưa chín, và vì thế, các tác phẩm của ta chưa chín”. Lớp nhà văn cũ thì đang tiếp tục tự cải tạo mình để thành nhà văn mới, tức là chưa chín; lớp nhà văn vào nghề cùng với cách mạng thì còn đang cần học tập nhiều về nghề nghiệp, tức là tài năng chưa chín; còn lớp nhà văn sẽ xuất hiện trong chế độ mới thì “họ lại thuộc những giai cấp từ xưa chưa bao giờ được rèn luyện để viết văn”, đào tạo họ thành nhà văn sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

 

Một phần đáng kể của bài này, Xuân Diệu giành để thảo luận với ý kiến Nguyễn Tuân trong lời nói đầu tập truyện dịch của Sê-khốp. Xuân Diệu không chỉ nhắc lại cái quan niệm đã hơn một lần ông đem bàn với Nguyễn Tuân: nhà văn cần phải như người bác sĩ, “gọi ra được bệnh và đề ra được cách chữa, ít nhất là hướng chữa”, chứ không thể chỉ gọi ra bệnh mà thôi.

 

“Nhà văn ta có thể đặt vấn đề có tệ quan liêu, chứ không thể đặt vấn đề chính quyền dân chủ nhân dân là một bộ máy quan liêu, có thể hỏi là: Đảng làm thế nào lãnh đạo văn nghệ cho tốt?, chứ không thể hỏi là: Đảng có thể lãnh đạo văn nghệ được không? Nghĩa là nhà văn có thể đặt những vấn đề ra để cho nhân dân càng tăng cường cảnh giác, càng tự nghiêm khắc với những tệ lậu còn lại, càng thấy làm cách mạng không phải là đi ngao du, v.v… chứ không phải là buông thõng ra rất nhiều câu hỏi đặt rất sai để gieo rắc hoang mang vào quần chúng!”  

 

Với những nỗ lực như trên này, có thể thấy vào thời điểm này nhà thơ đang góp phần đặt ra những quan niệm quy phạm nhằm thu hẹp quyền nhận xét và suy nghĩ về đời sống thực tế đương thời của giới văn nghệ sĩ và trí thức nói chung. Có lẽ, qua trường hợp Xuân Diệu, người ta lại thấy rõ, mỗi hạn chế, mỗi trói buộc mà ba chục năm sau mới được thừa nhận, đã định hình theo cung cách như thế nào, và lịch sử của sự đánh mất tự do cũng đồng thời là lịch sử của sự tự nguyện từ bỏ từng phần tự do ra sao.

 

Xuân Diệu còn giành một phần nữa của bài này để thuyết phục Nguyễn Tuân: không nên xem Sê-khốp như mẫu mực mà phải thấy Sê-khốp chỉ dừng lại ở hiện thực phê bình, không hữu ích bằng Gorki với Người mẹ, tức là Gorki đã đi tới hiện thực xã hội chủ nghĩa, đi xa hơn Sê-khốp! Cố nhiên, đây là điều không chỉ để nói với Nguyễn Tuân mà chủ yếu là điều cần khẳng định như một định đề lớn về nền nghệ thuật mới, lớn lao, đang được xây dựng.    

 

Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ  là bài báo được công bố khi các hiện tượng Nhân văn, Giai phẩm đã được tuyên bố công nhiên trên công luận như là hoạt động chống Đảng chống chế độ, khi những người tham gia các ấn phẩm đó đã bị tuyên bố là kẻ thù ở bên kia chiến tuyến. Bài này của Xuân Diệu và các bài khác của ông như Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn, Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt, Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao, − đều thuộc phần đóng góp của Xuân Diệu vào đợt tổng công kích Nhân văn – Giai phẩm, diễn ra trên nhiều tờ báo ở miền Bắc trong quý II/1958.

 

Bằng vào loạt bài viết này của Xuân Diệu, có thể dự đoán rằng, trong cuộc tổng  công kích này, Xuân Diệu được phân công, − hay là ông tự chọn lấy cũng vậy, − mấy mục tiêu chính: khu vực thơ như một chiến trận tư tưởng, với các cứ điểm cần công kích là Lê Đạt, Văn Cao, bên cạnh đó là Nguyễn Tuân với tùy bút Phở  và với quan niệm bị coi là sai lầm nghiêm trọng: coi viết văn giống như bác sĩ, chỉ cần gọi ra đúng bệnh, không cần kê đơn bốc thuốc.

 

Phải sòng phẳng nhận rằng, Xuân Diệu đã tham dự cuộc tấn công này một cách hết sức hăng hái. Ông không phải người phát hiện nhưng là người phác họa lại rõ nét “một luồng thơ chống Đảng, chống chế độ”, là người đã đem tất cả uy tín của một nhà “thơ mới” hàng đầu hồi những năm 1940 để kết tội những cây bút  vào giữa những năm 1950, theo ông nhận xét, đã “cố nặn ra một chất thơ ác, đập vào giác quan bằng mọi cách, cố giật gân người đọc như Trần Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ giả trá như Hoàng Cầm”.

 

Xuân Diệu dành cho hai tác giả Lê Đạt và Văn Cao mỗi người một bài viết riêng. Nếu bài về Lê Đạt thiên về chửi bới sỉ nhục, thì bài viết về Văn Cao lại thiên về giọng điệu mỉa mai cay độc. Dưới ngòi bút Xuân Diệu, Lê Đạt chỉ là một nhà thơ cao bồi:

 

“Một anh cán bộ văn hóa đã bộc lộ rằng khi anh đọc thơ Lê Đạt cho một số thanh niên cao bồi ở Hà Nội thì họ mới nghe thoáng qua, chưa cần hiểu rõ từng câu, họ đã thích ngay. Cái máu cá nhân anh hùng rẻ tiền càn quấy ngổ ngáo của cao bồi đã gặp Lê Đạt là kẻ phát ngôn của họ”.       

 

Nhưng trong mắt Xuân Diệu, Văn Cao lại như một “đại ca” nằm vùng, “giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt”, “hiểm độc”, “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”, “giọng tiên tri”, v.v… Tất nhiên, điều chính yếu mà Xuân Diệu phải vạch ra bằng được ở Văn Cao là “cái duy tâm chủ quan, cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc, cái tìm tòi lập dị, cái khinh thường quần chúng, một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích”! Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình:

 

“Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ là ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại còn phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp.” 

 

Tất nhiên, con người Xuân Diệu vốn không ham đấu đá, đấu tố, dù khi bị cuốn vào, khi được phân công viết phê phán những người và việc cụ thể, ông không thể không thực hiện, hơn thế, ông còn phải tỏ rõ sự nhất trí với chính thống cả về quan niệm lẫn thái độ, nên đã tỏ rõ nhiệt tình khi đang trong cuộc. Nhưng khi đợt đấu tranh đã chấm dứt, khi Xuân Diệu được bắt tay vào viết về thi hào dân tộc Nguyễn Du, ông đã không dấu nổi cái thở phào ngay ở phần đầu bài viết. Công việc làm thơ và tìm lại các giá trị thơ cổ điển dân tộc của ông, vài năm sau, sẽ thành tựu trong tập thơ Riêng chung, trong tập tiểu luận Ba thi hào dân tộc, v.v…

 

4c. Điều cần thiết sau cùng của bài này, theo đề tài tôi đã chọn, là cần kiểm điểm lại các xuất bản phẩm của Xuân Diệu trong những năm 1954-58.

 

Dưới đây là theo nguồn của Thư viện Quốc gia ở Hà Nội.

 

Các sách in riêng:

- Tiếng thơ, Hà Nội, Nxb. Văn nghệ, in lần thứ hai, 1954, 112 tr. 19cm.

- Ngôi sao, tập thơ 1945-1954, Hà Nội, Nxb. Văn nghệ, 1956, 97 tr. 19cm.

- Ký sự thăm nước Hung, Hà Nội, Nxb. Văn nghệ, 1956, 67 tr. 19cm.

- Mẹ con, thơ ca phát động, Hà Nội: Nxb. Văn nghệ, 1957, 36 tr. 18cm.

- Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam, bút ký, Hà Nội: Nxb. Xây dựng in lần thứ tư, 1957, 30 tr. 19cm. (in lần đầu: 1945)

- Triều lên, tập văn 1945-1957, Hà Nội, Nxb. Hội Nhà Văn, 1957, 161 tr. 19cm.

- Những bước đường tư tưởng của tôi, tiểu luận phê bình văn học, Hà Nội: Nxb. Văn hóa, 1958, 158 tr. 18cm.

Các sách in chung:

- Truyện bảy anh hùng / tập truyện anh hùng của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, v.v../ Hà Nội: Nxb Văn nghệ, in lần thứ hai, 1954, 144 tr. 19cm.

- Chúng tôi thăm Liên Xô / tập thơ văn của Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Xuân Diệu, v.v../ Hà Nội: Nxb. Văn nghệ, 1956, 47 tr. 26 cm.

- Nhìn sang bên kia, / tập thơ văn của Xuân Diệu, Lương An, Vĩnh Mai…/, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 1957, 65 tr. 23 cm.

 

Nhìn vào danh mục trên, ta thấy rõ, trong những năm này, Xuân Diệu vẫn đang là một tác gia văn học sung sức, tuy rằng sự đóng góp cho văn học của ông không còn chủ yếu là ở lĩnh vực sáng tác thơ nữa./.

                                                                                               

Tháng 8 – tháng 10/2008



(12) Bài viết này khi đưa vào cuốn Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (Hà Nội: Nxb. Văn hóa, 1957, tr. 55-94) Nguyễn Đình Thi đã xóa bỏ những câu phê bình 2 ký giả tạp chí Học tập (trong đó có câu dẫn trên), đồng thời xóa bỏ những đoạn đồng tình với các nhà văn khác của tuần báo Văn khi họ bênh vực nội dung lành mạnh ở truyện ngắn Bích-xu-ra của Thụy An, − một trong những tác phẩm đăng báo Văn bị ký giả Thế Toàn nêu đích danh để phân tích chỉ trích trên tạp chí Học tập.

(12b) Ví dụ ít ra có 2 lần, những nội dung của tuần báo Văn số Tết Mậu Tuất 1958 (tức số 38+39) được quảng cáo trên báo Quân đội nhân dân (số 416, ngày 24/1/1958, tr. 5, và số 419, ngày 4/2/1958, tr. 4); thế nhưng trên thực tế thì số báo ấy đã không được xuất bản.

(13) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19: 1958. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 2002, tr. 6-7.

(13b) Phiên tòa liên quan đến vụ việc này được gọi là vụ án gián điệp, xử tại Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 19/01/1960, tuyên phạt 5 người: Nguyễn Hữu Đang: 15 năm tù giam cộng thêm 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An: 15 năm tù giam cộng thêm 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức: 10 năm tù giam cộng 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại: 6 năm tù giam cộng thêm 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí: 5 năm tù giam cộng 3 năm mất quyền công dân. (Xem tường thuật của báo Nhân dân, 21/01/1960, tr. 1, 6; của báo Thời mới, 21/01/1960, tr. 4; bài của Hồng Chương, tuần báo Văn học, số 80, ngày 5/2/1960, tr. 11, 14). Như vậy, có lẽ Phùng Cung và một số người khác bị xử trong một vụ khác chăng?

(14) Từ nguồn báo chí đương thời, các thông tin xử phạt cụ thể này khá mờ nhạt, rất ít rõ ràng, và hoàn toàn không đầy đủ. Điều đáng kể nữa là thường có sự mâu thuẫn lẫn nhau giữa các nguồn tin. Chẳng hạn, sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (biên soạn và in năm 1992 đã dẫn trên) không ghi tên Thụy An và Trương Tửu trong danh sách hội viên, nhưng thông báo của Hội nghị BCH HNV khóa I ngày 2&3/7/1958 (đăng báo Văn học số 5, ngày 5/7/1958) lại cho biết Thụy An và Trương Tửu bị khai trừ; vậy điều hiển nhiên là 2 người ấy đã từng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam!

(15) Những trường hợp loại này, xảy ra ở các địa phương khác nhau, là không ít; ví dụ sinh viên Trần Niêm của khoa ngữ văn ĐHTH Hà Nội, nhà báo Tuân Nguyễn (1933-83; xem cuốn Nhớ Tuân Nguyễn, Hà Nội, Nxb. Hội Nhà Văn, 2008); hoặc một trường hợp theo lời kể của nhà thơ Tế Hanh: người thợ đã may complet cho Phan Khôi và Tế Hanh đi Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Lỗ Tấn năm 1956, sau này nhân lúc tình cờ gặp lại Tế Hanh đã cho biết ông ta bị đưa đi cải tạo gần 10 năm chỉ với lý do: đã từng may quần áo cho Phan Khôi, một phần tử Nhân văn – Giai phẩm! Tế Hanh đã kể chuyện này nhiều lần với nhiều người, trong số đó có tôi; và tôi được biết, có cả nhà thơ Thanh Thảo (Hồ Thành Công). 

(16) Nguyễn Bao: Đọc sách: “Những bước đường tư tưởng của tôi” của Xuân Diệu, Nxb. Văn hóa // Tổ quốc, Hà Nội, s. 106 (1/7/1958), tr. 23.

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 3154
Ngày đăng: 26.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trò Chơi Ẩn Dụ Trong Tháp Nghiêng - Hoàng Thụy Anh
Nguyễn Hồng Quang Trong Bóng Tối Nhìn Ra Ánh Sáng - Lương Văn Chi
Người “sục tìm trong khoảng biếc” thi ca - Nguyễn Hoàng Sơn
Ám ảnh thời gian trong thơ Trương Đăng Dung - Hoàng Thụy Anh
Đến Với “Điềm Nhiên Cỏ” Của Hoàng Công Hảo - Võ Thị Như Mai
Thơ ẩn hiện giữa đời (*) - Huỳnh Như Phương
Món Quà Của Tình Yêu - Trần Hữu Dũng
Mưa Hai Mặt - "Nơi Sấp Ngửa Những Trò Chơi" - Hoàng Thụy Anh
Cô Gái Bị Bịnh Cùi Thoát Y Dưới Trăng - Bùi Công Thuấn
Đọc “Lục Bình Ngẫu Khúc” Của Nguyễn Văn - Nguyễn Tam Phù Sa
Cùng một tác giả