Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.819
 
Những Con Người Gian Dối Đáng Thương.
Đặng thị Thanh Liễu

Khi mọi thứ đã đâu vào đấy. Thảo vớ vội cái nón lá cũ đội lên và gánh gánh cam ra khỏi cửa. Đi được một quãng dài, trời bỗng sụp tối xuống, vài tia chớp lóe lên, Thảo buột miệng:

- Lại mưa nữa, chưa bán được quả nào, chết thật.

 

Những hạt mưa bắt đầu rơi, Thảo chạy vội vào đứng núp trước một ngôi nhà sang trọng đang mở hé cửa, mưa càng ngày càng to, một cơn gió mạnh hắt mưa vào chỗ Thảo đứng, Thảo nép sát vào tường. Bỗng cánh cửa mở ra, một người đàn bà ló đầu ra, Thảo cười cười nói:

- Chị…cho em đứng nhờ chút. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi nhìn Thảo có vẻ thông cảm nói:

- Chị vào nhà đứng kẽo ướt hết, mưa to quá. Thảo ngại vì nhà sang trọng quá nên không dám, rụt rè nói:

- Dạ cám ơn chị, em đứng đây cũng được.

- Chị cứ vào trong nhà ngồi cho đỡ bị tạt, đợi tạnh rồi đi. Thảo e ngại chỉ cái gánh cam nói:

- Em…em còn cái gánh này nữa. Người đàn bà nhìn ra ngoài:

- Chị bán gì vậy?

- Dạ em bán cam. Chưa bán được gì đã trời mưa.

- Cam hả? Chị đem vào đây tôi coi tôi mua, cũng đang định đi chợ thì lại đỗ mưa. Thảo mau mắn gánh gánh cam vào nhà, bà chủ nhà coi qua rồi bảo cân hai ký. Còn dư vài ngàn lẻ bà bảo thôi không phải trả lại. Thảo cám ơn cúi xuống định gánh gánh cam ra ngoài. Trời vẫn mưa to như trút. Thảo lo lắm, nước thế nào cũng tràn vào nhà, may mà thằng cu Tuân đi học, chứ có nó ở nhà thế nào cũng sợ có khi khóc suốt buổi chờ mẹ về mới thôi. Bà chủ nhà kéo tay Thảo nói:

- Chị ngồi xuống ghế đây chơi nói chuyện với tôi chút cho đỡ buồn. Tôi ở nhà có một mình mà.

- Dạ

- Chị đi bán lâu chưa? Có đủ sống không? Thảo cười nhẹ:

- Dạ cũng kiếm chút đĩnh qua ngày nuôi con chị ạ.

- Chị có mấy đứa con? Chồng làm gì?

- Dạ…dạ… chồng em …mất…mất rồi chị. Người đàn bà có vẻ cảm thông:

- Chà, tội nghiệp không, còn trẻ đẹp vậy mà đã góa chồng sớm quá. Con trai được mấy tuổi rồi.?

-Dạ tám tuổi.

- Chồng mất mấy năm? Tôi hỏi là hỏi cho biết vì đã lỡ…hỏi về gia cảnh của chị rồi nên muốn biết luôn chứ không phải tôi tò mò chuyện của người khác đâu, chị đừng buồn. Thấy bà chủ nhà có vẻ thật tình Thảo không nỡ nói dối:

- Dạ không có chi ạ. Thật ra…ông ấy bỏ mẹ con em đã lâu, từ khi thằng con em mới được hai tuổi.

Thấy Thảo đượm buồn bà chủ không dám hỏi thêm về chuyện nhà nữa bà nói:

- Nãy giờ nói chuyện tôi quên mất, chị tên gì nhỉ?

- Dạ tên Thảo. Bà chủ nhà cười cười:

- Chà người đẹp mà tên cũng đẹp. Tôi là Trâm, chị chắc nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.

- Em năm nay hơn ba mươi rồi. Thảo cười nhìn ra ngoài trời:

- Bớt mưa rồi. Em cám ơn bà chủ, em xin phép…

- Ngày mốt em đem đến cân cho chị vài ký nữa nhé.

- Dạ, em nhớ. Chào chị.

 

*

 

Thảo đăm đăm nhìn vào khung cửa sổ đã đóng kín. Cái đề nghị của bà Trâm làm lòng Thảo se thắt lại. Lúc này Thảo không nhận thức được gì cả. Lo âu và hoang mang. Thảo thật sự không có khả năng tự phân tích. Lúc này đây đứng trước một người đàn bà giàu có, người có thể khiến cho số phận Thảo, một là thoát khỏi cảnh nghèo khó, hai là sẽ điêu đứng vì cái tội tráo con. Thảo đưa hai tay ôm lấy đầu. Thảo cảm thấy cuộc sống thật vượt quá sức chịu đựng của mình. Nhưng không, những lời nói thật tha thiết, đôi mắt long lanh ươn ướt của bà Trâm toát lên một vẻ chân tình. Thảo tin đây là sự thật.. Bà Trâm đang kể về cuộc đời mình cho Thảo nghe.

 

Bà Trâm từ nhỏ đã sống trong viện mồ côi, bà chẳng hề biết cha mẹ mình là ai. Sau lớn lên bà rất có khiếu về âm nhạc. Các Sơ trong viện cho bà đi học đàn Piano, đầu tiên bà đàn cho nhà thờ, sau có người giới thiệu cho bà ra đàn cho một nhà hàng lớn để thu nhập thêm và cũng để các sơ đỡ vất vã thêm một miệng ăn. Bà chăm chỉ làm việc mà quên đi cái tuổi thanh xuân của mình. Quẩn đi quẩn lại mà ba mươi tuổi đến lúc nào không hay. Cũng tại nơi đây bà đã quen và yêu một người đàn ông lịch thiệp tên An, ông là một doanh nhân sinh sống ở Mỹ, ông về Việt nam là để gặp gỡ đối tác làm ăn. Hai người lấy nhau bằng một bữa tiệc nhỏ tại nhà hàng này. Bà Trâm nghĩ rằng đã lớn tuổi rồi, hơn nữa bà cũng chẳng có họ hàng gì nên cũng chẳng cần phải tổ chức đám cưới linh đình làm chi. Hai tháng sau bà mang thai, lúc này chồng bà mới thú nhận rằng ông có vợ và ba con gái ở Mỹ, đã đến lúc ông phải về Mỹ vì cơ ngơi  gầy dựng ở đó. Bà Trâm chấp nhận tất cả, bà chỉ cần có đứa con để bầu bạn sớm hôm. Bà đã từng sống ở viện mồ côi nên rất ao ước được làm mẹ. Ong An đã về nước, nhưng vẫn chu cấp đều đặn cho bà. Khi hay tin bà sanh con trai ,ông vui mừng vô kể, ông gọi điện về thăm thường xuyên, chu cấp nhiều hơn cho bà để nuôi con. Khi thằng bé được ba tuổi rưỡi thì một cơn bệnh dịch sốt xuất huyết đã cướp thằng bé đi khỏi tay bà. Bà đau khổ vô cùng, nhưng không dám nói thật cho ông An biết, ông sẽ buồn lắm vì ông đã có một đứa con trai như mong muốn .Bà cứ đắn đo mãi không biết có nên nói thật hay không, cứ thế mà kéo dài đến nay đã ngần ấy năm rồi. Trong cách sống của mình, phải chăng bà đã mắc sai lầm? Bà đã lo lắng bối rối thật sự khi ông An bảo sẽ về Việt nam để thăm con. Nhưng con đâu nữa mà thăm, vì thế bà Trâm vô cùng lo lắng, bà bồn chồn đứng ngồi không yên, mặc dù ông An về chỉ có hai mươi mốt ngày. Ném lao thì phải theo lao. Nhưng Chúa đã thương bà thế nào mà gặp được người phụ nữ bán cam này cũng có một thằng con trai lên tám tuổi, bằng tuổi thằng cu Gin nhà bà nếu nó còn sống. Hiện tại bà rất cần có một đứa con trai để thế vào khi ông An về. Thảo cúi gằm mặt xuống suy nghĩ: Mình phải cho thuê con ư? Chỉ hai mươi mốt ngày thôi mà. Sự trao đổi giữa hai người đàn bà thì dễ, nhưng thằng bé có đóng thành công vở kịch mà hai người đàn bà” không chồng” này dàn dựng hay không. Cho thuê con thì Thảo có một số tiền lớn, Thảo sẽ sửa chữa lại căn nhà ván ọp ẹp cũ kỹ, dột nát, còn thì sẽ sắm cho cu Tuân quần áo mới để đi học.

- Chị rất tiếc đã nói lên những lời vừa rồi. Chị không có ý làm em tổn thương. Nhưng sự thật là vậy, chị rất cần em giúp. Thảo giật mình vì câu nói đột ngột của bà Trâm. Thảo ngẩng cao đầu lên nhìn bà nói:

- Dạ không sao đâu. Em hiểu mà, em tin chị. Em chỉ sợ… em sợ nhiều thứ lắm, em sợ thằng nhỏ nhà em nó bé quá …sợ nó làm lộ chuyện thì chết chị em mình.

 

Bà Trâm trấn an Thảo:

- Không sao đâu, mọi chuyện để chị lo, quan trọng là em về nói rõ sự việc và động viên thằng bé cho tốt là được. Thảo ngập ngừng hỏi:

- Nhưng sao…sao…hồi đó chị không nói sự thật cho chồng chị biết ,để…để..bây giờ…phải …phải…… Bà Trâm ngắt lời:

- Em không hiểu nổi tình cảnh của chị đâu, khó xử lắm. Đã có lần ông ấy phôn về bảo hãy chăm sóc thằng bé cho chu đáo, hao tốn bao nhiêu  ông cũng lo được, vì thằng bé là niềm mơ ước của ông, là đứa con quí nhất trên đời, nếu để sơ sẩy không biết ông sẽ thế nào. Chị nghĩ rằng nếu biết tin thằng bé không còn nữa chắc là ông cũng …bỏ chị luôn. Em thử nghĩ coi ông nói tha thiết như vậy làm sao chị dám nói thật. Chị đau khổ lắm em biết không. Thảo cúi đầu rơm rớm nước mắt. Trên đời này có những người giàu sang mà cũng  đau khổ ư!

- Em nghĩ trước sau gì ông ấy cũng biết. Nếu ông không nhìn nhận nữa chị cũng có thể sống được với cái cơ ngơi này.

- Ừ thì chị cũng sống được với phần đời của chị. Nhưng chị cần tiền, cần thật nhiều tiền để giúp đỡ cho viện mồ côi, để nuôi dưỡng những em nhỏ đáng thương khác. Hàng tháng viện vẫn tiếp nhận nhiều em nhỏ bị bỏ rơi, nhiều em đã sống trong cảnh bạo hành của gia đình và xã hội em biết không. Vì ông ấy là một doanh nhân giàu có ở Mỹ, thật sự mà nói chị không muốn để mất nguồn thu nhập quí giá này. Chị đã trích bớt một nửa số tiền mà ông ấy gởi về cho mẹ con chị sinh sống để đóng góp cho viện. Nếu như ông biết mình đã mất đứa con “ Cầu tự” , thì coi như chị mất tất cả. Em hiểu không. Vì thế chị rất cần em giúp.

 

Thảo lửng thửng ra về, đi trên phố đông nghịt người mà Thảo cứ tưởng trái đất này chỉ có một mình mình. Buổi chiều tàn dần, Thảo cảm thấy cái thế giới này là những con rối và tất cả đều là hư ảo. Cu Tuân ơi, mẹ không muốn hạ mình để đem con cho người ta mướn, nhưng người đàn bà kia cũng đáng thương như mẹ con mình con ạ. Mẹ sẽ bày cho con cách sống ở nơi giàu sang, và cách sống với cha mẹ mới con nhé./.

 

 

***               **             ***

Thảo đẩy nhẹ thằng bé vào nhà, nó nhìn quanh nhìn quất ôi thôi mọi thứ trong nhà đều đẹp quá, sang trọng quá, nó có vẻ thích thú khi đôi mắt bắt chợt chạm vào cái tủ kính chứa đầy đồ chơi, ôi thích quá có cả siêu nhân Rôbôt nữa, máy bay phản lực, xe đua chạy bằng pin được điều khiển từ xa… thích quá. Bà Trâm bước lên cười nói:

- Chào hai mẹ con, chà thằng cu bảnh trai quá, lại đây bác nào…à quên lại đây mẹ xem. Thằng bé đã được mẹ nó “ huấn luyện” kỹ ở nhà rồi nên không lạ gì khi người đàn bà xa lạ này xưng mẹ với nó. Nó bước lại gần bà Trâm, bà ôm nó vào lòng xoa đầu thân thiện:

- Con trai ngoan lắm, con có thích ăn Sôcôla không?Thằng bé nhanh nhẩu:

- Dạ có, con thèm lắm, con thích chơi Rôbôt siêu nhân nữa. Bà Trâm và Thảo cùng cười  trước những lời ngây ngô của thằng bé.

- Được rồi, con sẽ được ăn nhiều Sôcôla nè, nhiều bánh kẹo ngon nè, được xem T.V thỏa thích nữa mà không cần phải đi xem nhờ, có nhiều quần áo đẹp nữa, con thích không Nào bây giờ con hãy nhắc lại cho mẹ Trâm nghe những gì mà mẹ Thảo đã dạy cho con rồi. Bà Trâm rào đón thằng bé bằng một ngón đòn tâm lý rất hấp dẫn, thằng bé ngoan ngoãn trả lời như đang đọc bài:

- Khi nào ba An về con phải gọi bằng ba, còn mẹ là mẹ Trâm, con…con…không được nói nhiều, con không được quên, con…con…

- Sao nữa, con tên là gì? Thảo hỏi

- con là thằng cu Gin, không được vòi vĩnh, không được…không được…nhắc tên mẹ Thảo khi có ba An. Thảo và bà Trâm cười mãn nguyện. Bà Trâm đi lấy cho cu Tuân một hộp kẹo, bà nói với Thảo:

- Em giỏi lắm, mà thằng bé cũng thông minh nữa. Đây… em cầm cái này về mà lo gì thì lo, chi sẽ còn bồi dưỡng thêm. Bà Trâm dúi cái phong bì dày cộm vào tay Thảo. Thảo ngại ngần run run mở ra xem. Thảo rưng rưng nước mắt không hiểu Thảo khóc vì từ nay phải xa con hay khóc vì vui mừng khi trong đời Thảo chưa bao giờ cầm một số tiền lớn như thế này. Thảo nghẹn ngào nói:

- Em…em cám ơn chị, nhưng …nhưng sao nhiều thế này. Chị ơi em sợ lắm.

- Sợ gì? Bà Trâm hỏi

- Em sợ lỡ ông An đem thằng con em qua Mỹ luôn thì sao.

Bà Trâm cười ngặt nghẽo:

- Oi trời ơi, bộ em tưởng sang Mỹ dễ lắm hả, không có đâu. Em yên tâm đi, ông An chỉ sang thăm mẹ con chị thôi mà, có đem đi chị cũng không đi.

- Nhưng thỉnh thoảng chị cũng để em qua bán cam để…để thăm thằng bé một chút chị nhé. Bà Trâm suy nghĩ giây lát nói:

- Ừ cũng được, nhưng… nhưng phải khéo. Bà cười nói tiếp: Em nhìn kìa, trời ơi thằng nhỏ cũng có nét giống ông An đấy chứ. Chắc là Chúa thương.

Không hiểu trời đất dun rủi thế nào mà thằng bé cũng có cái cằm lèm lẹm có mái tóc quăn quăn giống hệt ông An.

- Chị ơi…rồi…rồi qua đây thằng nhỏ đi học lại xa thêm, nó…nó..đi bộ tội nghiệp.

Bà Trâm ngắt lời:

- Sao lại đi bộ. Chị sẽ thuê riêng một người đưa đi đón về chứ. Ai lại con trai cưng của Việt kiều mà đi bộ sao coi. Ba An sẽ mắng mẹ Trâm thì sao.

Lúc này Thảo có vẻ yên tâm hơn. Thằng cu Tuân mãi chơi Rôbôt không để ý đến hai người mẹ nói những gì. Thảo đứng lên:

- Thôi em về. À chừng nào thì đi đón ông ấy hả chị.

- Hai ngày nữa chị sẽ đưa thằng… cu Gin đi đón ba nó. Bất chợt bà gọi lớn:

- Cu Gin, con chơi gì đó? Thằng bé ngẩng lên ngay cười nói:

- Con chơi siêu nhân, nó bắn súng hay quá mẹ ạ. Đoàng…đoàng…

Bà Trâm cười đắc ý:

- Tốt lắm, thế là chị yên tâm rồi. Thôi em về đi, để nó ở đây cho quen rồi chị sẽ chỉ bảo thêm. Thảo nói lại lần chót:

- Cu Gin ơi mẹ về nghe, con ở đây với mẹ Trâm với ba An phải ngoan nhé, khi nào chán thì mẹ đón về. Mai con được mặc quần áo mới rồi, đi học không phải đi bộ nữa, được ăn nhiều kẹo Sôcôla có cả kẹo chinggum nữa. Con thích không?

- Con thích lắm. Mẹ cho con ở đây chơi vài ngày nghe. Thảo nói đùa:

- Ừ, cho con ở luôn đấy. Em về chị nhé. Thỉnh thoảng chị cho em qua bán cam để…

- Ừ được rồi, nhưng khéo không thì lộ mất. Coi cẩn thận kẽo mất tiền.

*     *       *

Những ngày sống ở đây thật thoải mái và bình yên.. Ong An không phải bận tâm về các doanh số thu nhập, không phải đi gặp gỡ các đối tác khó tính… nói chung rất nhiều vấn đề phải bàn bạc đến nhức đầu. Công việc kinh doanh của ông phải đi nhiều nơi để gặp gỡ các đối tác làm ăn và lần này ông về Việt nam để tìm mối hợp tác làm ăn cũng là chuyện hiển nhiên, vợ ông chẳng thắc mắc gì, bà cũng là một người có tài kinh doanh ở nước ngoài. Ong An rất vui khi được gặp lại vợ con sau chín năm xa cách. Lần đầu tiên ông gặp con trai của mình, nó lớn và khác hẳn tấm hình hồi lên ba tuổi mà bà Trâm đã gởi sang. Nói về cu Tuân bây giờ nó mang một cái tên mới là cu Gin. Gin là tên gọi ở nhà của thằng con bà Trâm còn tên khai sinh là gì nó không biết. Điều này đối với bà Trâm không phải lo nghĩ cho lắm vì ông An có nói khi con ra đời bà muốn đặt tên gì tùy ý thích của bà ,còn ở nhà thì gọi là cu Gin cho vui, Gin là tên mà ông An yêu cầu.Thằng cu Tuân thông minh lắm, nó hiểu rằng nó phải “ đóng kịch” thật tài tình để mẹ nó có tiền xây nhà. Mẹ Thảo nó bảo thế, bản thân nó cũng thích có nhà đẹp, có tiền mua thức ăn ngon, mua quần áo đẹp, nó còn ao ước có một chiếc xe đạp để đi học như thằng Thái, con Liên cùng lớp nó. Vì thế mà nó phải cố gắng làm” con người ta” để mẹ nó có tiền lo các thứ. Hơn nữa, nó là một đứa trẻ thiếu tình thương của cha từ thuở nhỏ, nó thèm được có cha như mấy đứa bạn cùng lớp, bỗng dưng có một người đàn ông giàu có làm ba nó, nên nó rất vui và quấn quít bên ông An gọi ba một cách trìu mến, ông An cũng thương nó lắm. Nhưng biết sao được, chẳng còn bao ngày nữa là ông phải về nước, lại phải xa vợ con lần nữa.

Sáng nay là chủ nhật, bà Trâm đi lễ nhà thờ rồi ghé qua viện mồ côi thăm các soeur và các em trong viện. Ong An đang ngắm các chậu kiểng trên sân thượng, chợt ông nhớ ra điều gì, à đúng rồi từ sáng đến giờ chưa thấy thằng cu Gin xuống nhà, không biết cu cậu làm gì trong phòng nhỉ. Ong An rón rén đi nhè nhẹ lên phòng xem thằng bé làm gì, chắc là mãi chơi siêu nhân đây. Oi không, nó đang học bài, ông đằng hắng một cái cho cu cậu giật mình chơi, thằng bé quay lại, ông An bước vào hỏi:

- Chà con trai ba giỏi quá. Con học bài gì đó?

-Con làm bài tập làm văn. Ong An không hiểu lắm ông hỏi lại:

- Tập làm văn là tập …làm cái gì? Có khó không con?

- không có khó đâu ba, con làm xong rồi. Tại vì ngày mai trò nào cũng phải nộp để cô giáo kiểm tra. Ong An hỏi:

- Nhưng bài tập viết về cái gì?

- Cô giáo muốn nắm rõ về gia cảnh từng em nên cô bảo các em phải viết về gia đình mình, kể thật về cuộc sống trong gia đình, nào là bố mẹ, anh chị em mình, có sao kể vậy không được kể sai cô trừ điểm. Ba biết viết như thế không ba, ở bên Mỹ cô giáo có bảo ba viết như thế không. Ong An cười xoa đầu thằng bé nói:

- Ừ có nhưng chắc ba viết không hay bằng con , đâu đưa ba coi nào. Ong An bước tới cầm bài tập cùa con lên đọc, càng đọc ông càng nhíu mày:

- Cu Gin ơi cô bảo kể về gia đình mình mà sao con kể về nhà ai vậy, mẹ con làm gì có đi bán cam, ba con còn sống sao con nói ba đã chết, nhà con có dột nát đâu mà con nói là dột nát. Thế này là sao. Thế này là con nói dối với cô à. Thằng be như muốn cãi lại, nó nói gằn từng tiếng:

- Con đâu có kể dối, cô bảo kể thật thì con kể thật. Sau câu nói này ông An chợt nhớ nhớ ra có một buổi chiều khi Trâm đi chợ, có một chị bán cam ngồi ngoài thềm thằng Gin chạy ra gọi mẹ, chị bán cam ôm đầu thằng bé hôn lấy hôn để rồi đưa bịch cam cho nó mang vào, ông đứng trên ban-công lầu nhìn xuống thấy rõ và hình như ông chứng kiến cảnh này ông nhớ không lầm thì hai lần thì phải. Ong đã định hỏi bà Trâm nhưng lại quên bẵng đi.Ngay giờ phút này đây hình ảnh ấy lại hiện đến với ông. Thế này là thế nào. Chị bán cam là gì của thằng bé? Bà con họ hàng ra sao? Tự dưng ông cảm thấy hoang mang, một cái gì đó mơ hồ như những cái gai nhọn đang chích vào da thịt ông. Ong kéo thằng bé đứng dậy, lay mạnh vai nó hỏi:

- Gin, con hãy nói thật với ba, con có phải là con của ba không, có phải con của mẹ Trâm không?

- Con là con của ba mà, con của mẹ Trâm nữa.

- Vậy bà bán cam là gì của con?

- Dạ…dạ… là bà …bán cam.

Ong An gằn từng tiếng:

- Con có nói dối ba không vậy. Ba…ba …có linh tính….Gin , con hãy nói thật đi, con là ai, cha con là ai, mẹ con là ai…là ai…

Thấy ông An đột nhiên có những thái độ giận dữ khác thường, nghe ông hỏi là ai…là ai…thằng bé sợ quá khóc òa lên mếu máo nói:

- Con là…là thằng cu Tuân, con không phải là con của ba, thằng cu Gin của ba …chết…chết rồi. Nhưng con…con thương ba, con  thương cả mẹ Trâm nữa. Ba ơi, con nói thật ba đừng đánh con. Ong An sững sờ, ông cảm thấy cả thân người như lún xuống đất, tay chân ông dư thừa, thế này là thế nào. Thằng cu Tuân vẫn khóc rấm rứt nói:

- Ba ơi ba đừng đuổi con, con thương ba, con chưa bao giờ có ba cả, con muốn có ba…ba ơi ba đừng đánh con, đừng đánh mẹ Thảo nghe ba, con là con mẹ Thảo bán cam, là con bà bán cam ba ơi…

Những lời nói của thằng bé như những nhát dao cứa vào thịt ông, ôi một thằng bé tội nghiệp, ông ôm nó vào lòng dỗ dành, giọng ông như lạc vào một cõi xa xăm nào:

- Nín đi con, ba thương, ba không đánh đâu, con vẫn là con của ba. Nín đi, lau nước mắt đi kẽo mẹ Trâm về mẹ la cho bây giờ. Thằng bé vẫn nhìn ông chằm chằm dò xét. Ong giục nó:

- Đi rửa mặt đi rồi cha con mình ra công viên chơi, con thích mua gì ba mua cho. Thằng bé đi rón rén vào phòng rửa mặt. Ong An muốn đi ra ngoài thư giãn một chút cho bớt căng thẳng trước khi đón nhận một sự thật.

Thảo nhè nhẹ bước vào nhà tới gần bộ sa lông, bà Trâm ngồi lặng lẽ ở đó tự bao giờ. Thảo đứng một hồi lâu không thấy bà Trâm nói gì, Thảo lên tiếng:

- Chị cho gọi em…có việc…gì ạ? Thảo đã linh cảm có cái gì đó không ổn khi nhìn bộ dạng bà Trâm. Bà Trâm không trả lời. Ong An từ trong phòng bước ra nói:

- Chào chị, chị là chị…bán cam, à là chị Thảo, là mẹ thằng cu …cu Tuân. Mời chị ngồi. Hôm nay cả ba chúng ta cùng nói chuyện. Thảo như bị líu lưỡi, mắt lấm lét nhìn bà Trâm ấp a ấp úng:

- Dạ…dạ…

- Tôi hỏi là hỏi vậy thôi, chị không cần phải trả lời. Nhà tôi đã kể tôi nghe hết rồi.

- Bà chủ… Thảo kêu lên sửng sốt. Ong An cố nói một cách bình tĩnh:

- Suốt hai tuần lễ qua tôi là kẻ đã sống trong lừa dối được sắp đặt một cách tinh vi của hai người đàn bà. Có đúng không chị Thảo.

- Dạ…dạ….

Lúc này bà Trâm mới mở miệng:

- Mọi việc đều do mẹ con nhà em mà ra cả.

Ong An vẫn cố giữ giọng bình tĩnh nhưng thật ra lòng ông rã rời:

- Thằng nhỏ không có tội gì cả, lỗi ở người lớn chúng ta. Nhà tôi và chị đã làm hư thằng bé, tập cho nó biết lừa dối ngay từ nhỏ, rồi sau này nó lớn lên nó sẽ lừa dối cả một đất nước… chị biết không. Thảo thút thít khóc:

- Ong biết hết mọi chuyện rồi sao. Ong chủ tha lỗi cho tôi, cũng vì…cũng vì …tôi nghèo, tôi khó khăn… quá ông chủ ơi.

- Tôi biết, và nhà tôi đã lợi dụng cái nghèo của chị để lừa tôi. Ong quay lại nhìn bà Trâm nói:- Em lừa tôi phải không Trâm. Con mình nó mất đi là do cái số của nó đoản mệnh tôi đâu thể trách em được. Ai rồi cũng một lần ra đi, có điều người đi trước kẻ đi sau thế thôi. Hay là Chúa đã trừng phạt tôi, vì tôi cũng là một kẻ lừa dối. Tôi lừa dối vợ con tôi ở một đất nước xa xôi để có em ,để có một thằng con trai như mong muốn. Chỉ còn vài ngày nữa là tôi phải rời xa cái đất nước này, cái quê hương của tôi, tôi lại xa em. Đã chín năm rồi tôi có lỗi với em và con. Nhưng trong thời gian ấy tôi vẫn chu cấp cho mẹ con em sinh sống đầy đủ, tôi đâu phải là kẻ bạc tình. Nhưng Chúa ơi tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được lòng chân thành của con người phải không Chúa. Chúa trừng phạt con đấy ư?

Thảo bỗng dưng khóc nấc lên rồi ngồi sụp xuống đất:

- Ong chủ ơi, tôi biết lỗi tôi rồi ông tha lỗi cho tôi, tôi sẽ đem thằng bé về.

- Không, tôi phải cám ơn chị mới đúng. Nhờ chị tôi mới có được những ngày sống vui cùng con trẻ. Thằng bé thông minh lắm, nó có vẻ thật thà đấy ,người lớn mình đừng làm hư nó nữa. Chị đứng lên đi. Đây, chị cầm số tiền này về lo cho thằng bé ăn học đến nơi đến chốn.

- Ong chủ…tôi…tôi…không dám. Bà chủ có cho rồi.

- Đó là phần việc của vợ tôi, còn đây là phần của tôi. Tôi rất cảm kích tình mẫu tử của chị cũng như của vợ tôi. Vợ tôi sợ tôi buồn vì nỗi mất con, nên mới làm như thế, còn chị vì cần tiền trang trãi nên mới…mới… Thảo cướp lời giọng cay đắng:

- Nên mới cho thuê con. Ong chủ cất tiền đi, tôi cám ơn ông nhiều, cám ơn lòng cao cả của ông. Khi nào thằng bé đi học về tôi sẽ sang đón nó về. Bà Trâm nói:

- Cứ để nó ở đây khi nào nhà tôi về bên ấy rồi em đón nó cũng được.. Ong nhà tôi đã có lòng giúp đỡ thằng bé ăn học em cứ nhận tiền đi không phải lo nghĩ gì cả.

- Tôi cám ơn lòng tốt của ông chủ, nhưng tôi không nhận đâu. Chào ông bà tôi về.

Thảo chạy vụt ra cửa như một cơn lốc. Một màn sương trắng tràn ngập trong đôi mắt của người mẹ trẻ khốn khổ này.

 

***                        ***                   ***

Sân bay tấp nập kẻ đưa người đón thân nhân. Ong An để chiếc vali xuống đất ôm thằng Tuân vào lòng âu yếm:

- Cu Gin của ba ở nhà ngoan nhé, cố học thật giỏi rồi có khi ba lại về thăm. À bài tập làm văn của con được mấy điểm thế mà mấy ngày qua ba quên hỏi.

- Dạ tám điểm, cô trừ hết một điểm chữ xấu. Ong An cười:

- Vậy là mày giống ba rồi, ba cũng viết chữ xấu. Nhưng quan trọng là mình đừng sống xấu như chữ con nhỉ. Thằng bé chẳng hiểu gì cũng gật đầu:

- Dạ đúng đấy ba. Nhưng ba đi con buồn lắm, chẳng có ai làm cao bồi để con bắn cả, con lại trở về tay không.

Ong An và bà Trâm không nhịn được cười, bà hỏi:

- Trở về tay không là sao?

- Là con …không có ba nữa, tụi nó thế nào cũng chọc con cho mà xem. Lòng ông An se thắt lại, tại sao thằng bé bất hạnh này lại không phải là con ông, còn người đàn ông vô danh tiểu tốt nào có được một thằng con thông minh thế này mà lại bỏ đi. Chúa ơi như thế có bất công lắm không. Ong bùi ngùi nói:

- Thỉnh thoảng ba lại về thăm con thăm mẹ Trâm.

- Mẹ Thảo nữa chứ. Ong An cười béo vào má thằng bé:

-Ừ thăm tất cả chúng ta. Ong ôm bà Trâm vào lòng nói:

- Em cố giữ gìn sức khỏe, anh đi nhé. Mọi chuyện qua rồi. Âu cũng là sự thử thách của Chúa. Anh chỉ xin em một điều luôn sống với chính mình em nhé.

Ong An bước chầm chậm vào phòng cách ly. Bà Trâm muốn nói thật nhiều nhưng không âm thanh nào có thể thốt ra được trong lúc này. Thằng cu Tuân nhìn theo, nó cố ngăn những giọt nước mắt không mong muốn đang chực trào ra. Bà Trâm lặng lẽ kéo tay thằng bé đi nhanh ra khỏi đám đông như muốn chạy trốn một cái gì mơ hồ đang xâu xé trái tim bà. Bà nhìn lên bầu trời, mây vẫn xanh, trời vẫn trong nhưng sao lòng bà trĩu nặng những đám sương mù. Tất cả đều vô tận. Chỉ có cuộc đời con người là khoảnh khắc./.
Đặng thị Thanh Liễu
Số lần đọc: 1813
Ngày đăng: 27.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Mảnh Vỡ (17) - Nguyễn Thị Hậu
Lão Trạch - Minh Diện
Cò Quăm - Nguyễn Anh Thế
Ma chó - Ngô Nhân Đức
Những Ván Cờ Cuộc Đời - Đăng Lan
Mọi Thứ Vẫn Đen Đặc - Lê Minh Phong
Cô Son - Minh Diện
Giấc Mơ Bọ Ngựa - Khải Nguyên
Quận He - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện Làng Tôi … - Trần Minh Nguyệt