Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.965
 
Tình Người Trí Thức Nghèo
Lâm Bích Thủy

(Hồi ức về Nhà thơ Quang Dũng)

 

Ba tôi có rất nhiếu bạn tốt. Nhưng không hiểu tại sao trong tôi luôn hiện lên hình ảnh của bác Quang Dũng hơn cả. Nhớ về bác, tôi nhớ cái tình của ba dành cho bác và ngược lại. Đó là tình của những người trí thức nghèo, không tiệc tùng bia rượu chỉ tấm chân tình và đồng lương ba đồng ba cọc của thời bao cấp ba bốn chục năm trước.

 

Thời mà trong làng văn có nhiều lý do để người này đến thăm và tâm sự với người kia. Trong những dịp như thế, tôi có sự liên hệ bạn của ba ở hai khoảng thời gian trước, sau ngày đi tập kết:

 

- Hồi còn ở miền Nam, bạn thường đến với ba là những chú bác làm công tác văn hóa nghệ thuật. Lúc đó, có người ở lại hàng tuần lễ, vì tiện đường công tác, có người chỉ đến một lúc để bàn với ba về thế sự, về thơ văn hiện đại hoặc tranh luận về thế giới văn minh ...xom tụ lắm. Bây giờ, ra Bắc các chú ở xa! thời chiến mà có lẽ vì bận công việc quang trọng nên tôi ít gặp lại!

- Ra Bắc, những năm 55-70 của thế kỷ 20, nhà tôi ở 37 Hàng Quạt, ba lại có thêm bạn tốt mới! Một trong số đó là bác Quang Dũng. Lẽ ra tôi gọi là chú Dũng, so tuổi thì ba lớn hơn  những 4 -5 tuổi. Tính ba khác người, ông xưng hô không theo tuổi mà theo sự tôn trọng của ông đối với từng người. Và tôi cứ theo đó mà quen; bác Quang Dũng!

 

Lần đầu gặp bác Quang Dũng, tôi hết sức kinh ngạc và tỏ ra lúng túng “sao ba dám đưa người nước ngoài về nhà riêng?” Thời đó, nếu cán bộ nhà nước mà quan hệ mật thiết tây thì rầy rà lắm; bị hàng xóm dòm ngó, theo dõi và có khi cảnh sát khu vực đến thẩm tra. Ba tôi nhận ra vẻ lo lắng của tôi, ông phì cười “đây là bác Quang Dũng, không phải ông tây đâu mà con sợ”.

 

Thế rồi tôi nhìn dáng người cao, to chắc nịch, khỏe khoắn của bác mà phân bác vào loại hình “Thô săn”.  Dựa vào trực giác, tôi thấy bác có hệ thần kinh cân bằng tốt. Cử chỉ  nhanh nhẹn, tính tình vui vẻ, chân thật không sáo rỗng lại và dễ gần. Không thấy dấu hiệu  ức chê. Tóc bác có vài sợi bạc chen lẫn tóc đen trong như muối tiêu. Ánh mắt chứa chan tình cảm, màu xám tro. Nhìn kỹ thì bác giống tây Ấn Độ hơn tây Pháp.

Sở dĩ tôi phân loại cho bác là do hai chị em gái tôi thường bị bài học về ngành nghề ám ảnh. Tôi học khoa Chăn Nuôi Thú Y, Trường Đại học Nông nghiệp; còn em gái tôi học ở Trường Đại học Y. Sau mỗi bài học của cô em thì thế nào nhà tôi cũng có người bị bệnh này hay bệnh kia.

 

Hôm học về bệnh “Cường tuyến giáp trạng” về nhà thấy tôi đang cáu, nó bảo: “Cái bà này bị bệnh ba-dơ-đô nên hay cau có”. Tiết học về thần kinh, nó qui cho thằng em trai thứ Ba bị bệnh “Tâm thần phân lập”, học về xương nó bảo “thằng Tư  (Lâm Huy Nhuận) bệnh thiếu xương”. Nghĩa là trong ngành y có bệnh gì thì nhà tôi có bệnh đó, ngay sau bài học của nó.

 

Còn tôi, sau bài “Phân loại hình thần kinh”, người nào đến nhà đều không tránh khỏi sự phân loại của tôi. Nhất là mấy chú, bác bạn của ba. Để bạn biết mình thuộc loại nào, tôi mách cho:

 

– Loại “Thanh săn”- là loại hình thần kinh lý tưởng. Có ngoại hình đẹp, dáng thanh tú, gọn gàng. Thần kinh thăng bằng tốt; tự điều chỉnh được hành động của mình; muốn ngủ, thức được ngay. không bị ngoại cảnh chi phối. Tính tình hoạt bát, năng động, tác phong nhanh nhẹn v.v... Nếu trong ngành chăn nuôi, các con vật có loại thần kinh này ta dùng cho thi đấu; như ngựa đua, khuyển đua, hay để làm giống , .

Ở người thì làm phi công, người mẫu, diễn viên, dẫn chương trình, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, đấu bò tót v.v..

 

- Loại “Thanh sổi” Chỉ kém hơn loại trên một chút; dáng to cao, thô, thần kinh thăng bằng tốt, không bị ức chế hay hưng phấn quá, tính tình thận trọng, làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm, có hiệu quả. Trong chăn nuôi loại này dùng để sinh sản và lấy sữa như bò Hà Lan. Còn ở người thì thường làm giám đốc, làm công tác nghiên cứu, nhà sử học...

 

Loại “Thô săn”- Là loại hình có kết cấu cơ thể thô, nhưng chắc khỏe. Thần kinh dễ bị ngoại cảnh chi phối, hay cảm xúc, hay suy nghĩ, khó ngủ.  Ở người, thường làm công việc viết văn, biên tập, phóng viên nhà báo, nhạc sĩ...

 

Có điều gì đó, rất đặt biệt mà tôi cảm nhận được ở cái tình từ hai con người này dành cho nhau. Ba nói  “bác Dũng tội lắm...” Chẳng thế mà có lần trên báo Tuổi Trẻ có câu trả lời của ba về bác Quang Dũng: “Gia đình tôi rất thân với anh Quang Dũng. Dũng người to lớn, trông như võ sĩ nhưng tính thì hiền, nghe chuyện buồn lại hay mau nước  mắt. Thời đó, mỗi  tháng cán bộ chỉ được mua 13 ký gạo, tôi và bà nhà tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to, khỏe, ăn nhiều, nên anh thường xuyên bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn thêm, lần nào nhận gạo anh cũng khóc.

Tôi còn biết hoàn cảnh nhà bác: Cũng như bao cán bộ khác ở Hà Nội thời chiến, song hoàn cảnh nhà bác khó khăn hơn, vì vợ là người dân tộc Tày, vụng việc nội trợ và tính toán, cái khổ càng kiên trì đeo bám vào tới tận ngóc ngách nhà bác. Thật trớ trêu, bác thì to lớn, con đông, thế mà hàng ngày chỉ chui ra chui vào ở căn phòng nhỏ, trên gác ba của ngôi nhà cuối phố Bà Triệu. Cầu thang lên xuống vốn đã hẹp mà còn đèo bồng đủ thứ linh tinh, nào chai lọ, rổ rá dọc lối lên xuống, nên việc đi lại rất rầy rà bức bách. Thế mà bác chăm lắm. Việc nước, việc nhà bác đều chu toàn: Được cái nhà gần công viên Thống nhất, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cứ ngày hai buổi sáng, chiều bác tranh thủ ra đó quét lá về đun cho đỡ tốn tiền mua chất đốt. Tối về, bác bảo con sắp hàng lấy nước. Nước đầy, con gọi, bác xuống lầu một, mỗi tay một thùng xách lên tới lầu ba nhà bác...

Tội lắm! rãnh lúc nào bác lại xách cái túi bằng vải thừa đui thẹo, trong có cây bút chì và bút máy Trương sơn, có sổ công tác đã ghi chi chít chữ và dấu gạch bỏ lem nhem, tới với ba tôi để trao đổi. Ba tôi có thơ cho bác:

Tàu điện xa dần phía chợ Mơ

Phòng văn được phút lặng không ngờ

Họa  mi ai nhốt sau lồng trúc

Vọng tiếng rừng sang góp ý thơ

(Họa mi trong lồng- 10-1973)

Ba tôi không phải là họa sĩ nhưng ông biết nhận xét cái thần hồn của họa sĩ phả vào tranh  Thỉnh thoảng tôi nghe hai người vừa cười vừa khen bài thơ của ông này hay, bài thơ của chú kia có chỗ cần sửa lại vài từ. Chẳng là vì hai người làm chung phòng và cùng là biên tập...

 

Đôi lần tôi nghe ba khen thơ bác Dũng có hình ảnh, có nhạc điệu, dung dị nhưng rất sâu đậm tình người. Khiến cho bạn đọc nhìn được tâm can bác trong mỗi câu thơ viết ra    Thật vậy, có người nhận xét nào khác chi ba tôi "Cái ông ấy, viết chữ nào ra chữ ấy. Nó như kẹo bột, như nước chè xanh, đố mà lẫn được!".


 Đấy! Bác Dũng là như thế. Chẳng ai l
ạ lẫm cái cơ cực mà bác đã nếm trong suốt mấy  thâp niên qua. Nhưng có lẽ chưa hoặc ít ai chứng kiến cái duyên hài ở bác. Thế mà tôi vô tình chúng kiến được. Lần nọ, tôi về thăm nhà, đúng lúc bác đến chơi. Vừa bước chân đến cửa ra vào bác vui vẻ khoe:

Anh chị biết không; tôi vừa được uống nước dừa mà không tốn một xu, thế có hay không chứ?” rồi bác cười hà hà kể lại:

Thấy bà gánh dừa đi qua, tôi trêu: Trời ơi! cau nhà bác trồng cách nào mà tốt trái vậy, bác đứng lại cho tôi hỏi thăm chút kinh nghiệm. Ở quê, nhà tôi cũng có vài cây mà quả chỉ bằng ngón chân cái của tôi thôi” Bà ta tưởng tôi là “Anh Pha mới lên tỉnh” nên  chẳng phân biệt được cau hay dừa là phải; chứ ở Hà Nội thì có ai lạ gì thứ quả này, Bà đặt gánh xuống, thật thà phân giải“Thứ quả này không phải quả cau đâu bác ạ, nó là quả dừa từ Miền Nam mới đưa ra đấy! Tôi quyết không chịu nghe:

“Quả này mà bác bảo không phải quả cau, bác chớ thấy tôi quê mùa mà phỉnh nha. Hay bác không muốn phổ biến kinh nghiệm, sợ người khác lấy cắp...   Thế là tôi và bà bắt đầu cuộc cải vả lý thú: “Cau, dừa; dừa, cau Thấy tôi to lớn nhưng có vẻ  ngây ngô chẳng biết gì, bà ta tin tôi.  Cuối cùng để chứng minh mình đúng, bà đành hy sinh. Bà cuối nhặt lên một quả, lấy dao phạt miếng vỏ ở một đầu; khối nước trong vắt lộ ra trông phát thèm. Bà vừa nói vừa ấn nó vào bụng bự của tôi: này! uống đi cho biết thứ quả này. Người miền Nam gọi là quả dừa chứ không phài quả cau, cãi mãi”. Rồi bà nhìn tôi i không chút khách sáo, thưởng thức hết nước của trái dừa với vẻ cảm thông về sự ngây ngô của anh Pha tôi, lần đầu lên tỉnh”

 

Bác Quang Dũng còn là người rât khiêm tốn học bạn. Tới nhà, thấy ba khéo tay, tự làm mọi thứ bằng những nguyên liệu rẻ tiền mà trông sang và nghệ thuật. Bác đi ngang đi dọc để ngắm cái kệ sách ba vừa làm bằng 5 cái porte- bagage xe đạp người ta bỏ và mấy miếng bìa cứng. Bác khen lấy khen để rồi xin tờ giấy vẽ lại kiểu, dáng. Nói với ba “về sẽ làm cho nhà một cái như thế”.  Không biết sau này bác có làm được gì từ việc học ở ba  hay không mà chăm lắm, cái gì cũng ghi ghi, chép chép đầy vào sổ công tác.

 

Mãi sau này, tôi mới được nghe má kể về bức tranh “Đường làng “ của bác tặng ba. Chẳng là thế này: Cuối năm 1957, khi ba tôi có món tiền nhuận bút là 80 đồng, vừa nhận được của tập thơ “Những ngọn đèn”. Không quên hoàn cảnh của bạn, ba tôi đã chia làm hai, cho bác Dũng một nửa là 40 đồng, dặn “Anh cầm về mà mua gạo cho trẻ, đừng để trẻ đói, tội!” Tuy thiếu thốn nhưng cầm tiền của người bạn mà hoàn cảnh không hơn mình là mấy, bác thấy khó xử, lưởng lự mãi. Ba tiếp “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Anh cầm lấy, lúc nào có đưa lại cũng được mà, đừng khách sáo chi”. Cầm khoảng tiền lớn (bằng cả tháng lương hồi ấy), bác không nói được câu nào, chỉ nhìn ba tôi mà ứa nước mắt và từ biệt để về .

Sau đó vài ngày, bác khệ nệ mang đến tặng ba bức tranh “Đường làng”. Có lẽ bác muốn  “Cục đất ném đi, cục chì ném lại” bác mới yên lòng hay sao ấy!

Sau 1975 ba tôi mang bức tranh về Nam, treo tại phòng khách. Bọn trẻ chúng tôi không am hiểu về lĩnh vực hội họa, càng không có thời gian để ngắm cái xa, cái gần của bức tranh. Vì lúc đó, cuộc sống còn nhiều thứ chi phối, lấy đâu thời gian đứng ngắm tranh, thành ra bài thơ “Cảm tác về một bức tranh treo ở nhà” làm bác Dũng buồn.

Treo lâu sơn thủy cảnh thu suông

Bụi bặm thời gian đã phủ dồn

Để đó vào ra không kẻ ngắm

Cất đi còn ngại mặt tường trơn

(8/1975)

 

Bài thơ ẩn chứa tâm trạng của người con xa quê lâu ngày trở về, thông qua nét thâm thúy ở sự hiểu biết về hội họa. Ông viết nó chỉ sau 2 tháng, khi đã thực hiện về ở hẳn tại quê nhà. Thời gian mới về, cảnh xưa người củ không còn mấy! nhiều người lạ ở đâu về thay. Bao năm họ sống trong chế độ cũ chưa hòa nhập được với lối sống của chế độ xã hội chủ nghĩa, khiến tâm trạng ba buồn nhớ Hà Nội; nhớ các con đang sống ở ngôi nhà 37 Hàng Quạt, mà ở đó đã có những người bạn cùng cảnh ngộ, thường viếng thăm để chia sẻ buồn vui trong thời bao cấp.

Còn bức tranh của bác Dũng; nếu ai có óc thẩm mỹ về hội họa thì nhận ra ngay cái tình của  tác giả qua một góc nhìn về cảnh làng quê ở nông thôn. Nhìn tranh ta thấy ở đó có cuộc sống thật êm đềm và thanh bình  với gam màu nõn chuối. Có cánh đồng xanh xanh, con đường dẫn vào làng, xa xa lơ thơ một cây chuối, một bụi tre, một con bò ngẫn ngơ nhai lại. Tuy không thấy bóng người, nhưng nhận ra cuộc sống ở đây vẫn đang tiếp diễn. Càng nhìn càng thấy đam mê vẻ đẹp của làng quê mà chỉ có ở nông thôn Việt Nam mà thôi.

 

Vậy mà con ông, những người khách qua lại, ít ai để mắt tới! Họ chả hiểu gì về bức tranh quí mà ông cất công đem từ Hà Nội về!

 

Tại thủ đô Hà Nội, đọc bài thơ đăng trên báo. Bác Quang Dũng giận lắm, đã tâm sự với bạn. Lời trách móc của bác đến tai ba tôi. Ông vội thư ra giải bày; rằng bây giờ, những người quanh ông it nhận ra cái đẹp ẩn, thờ ơ với nghệ thuật, rằng họ chỉ chăm chăm kiếm tiền, lúc nào cũng chỉ tiền mà thôi!..

 

Qua thư, Bác Dũng đã hiểu được cái tình rất nặng trong lòng bạn xưa. Bác thư vào xin lỗi: “Tôi mùng và hiểu anh, cho dù giờ đây cách núi, sông ngăn, nhưng tình anh đối với tôi vẫn tròn như xưa...”

Lại mới đây, một người bạn thân của ba đột nhiên hỏi “Nhà con còn giữ bức tranh của ông Quang Dũng tặng không?” , “Dạ còn” Tôi hờ hững trả lời. Chú tiếp: “Cố mà giữ con ạ,! Nó quí lắm đấy! nó chứa cái tình của người nghệ sĩ dành cho nhau.” Tôi giật mình và  nhận ra sự thiếu hiểu biết bấy lâu của mình. Tôi chưa hề để ý đến giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bức tranh “Đường làng” trong khi người đời vẫn lưu tâm!

 

Giờ, nhớ tới bác Quang Dũng, tôi thấy tâm đắt vô cùng. Từ khi có nghị quyết V của Bộ chính trị về công tác văn học nghệ thuật thì cách nhìn đối của người đời về bác có khác và rất đậm tình người. Các bạn trẻ đọc thơ bác nhận ra  Cảnh trong thơ Quang Dũng không phải là cảnh khô cứng, nó có sức sống cuồn cuộn ở bên trong: Đôi khi thơ ông làm chấn động đời sống tinh thần của

 tôi.”...
  bài “Tây tiến” đã một thời làm khổ bác lại được xếp vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ. Quê hương của bác tự hào về bác. Tại trường học thuở ấu thơ của bác, nhà trường đã dành nơi trang trọng nhất cho bức tượng bán thân của bác, nhà thơ “Tây tiến” -  Quang Dũng. Tất cả những điều người ta làm hình như để bù đắp lại khoảng trống mà lẽ ra bác đã được đong đầy trước đó vài thập kỷ kia!./.

  

 

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 2399
Ngày đăng: 28.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cám Ơn Đời Mỗi Sớm Mai Thức Dậy… - Mang Viên Long
Ký Ức Phố… - Lê Trâm
Phú Quí Sinh Lễ Nghĩa - Mang Viên Long
Những Miền Qua (4) - Nguyễn Thị Hậu
Mấy suy nghĩ về sáng tác của người viết trẻ - Phùng Văn Khai
Miền đất trầm hương - Trầm Hương*
Bần Cư Náo Thị Vô Nhân Vấn… - Mang Viên Long
Ngốn não - Lê Minh Phong
Cuốn Sách Được Gấp Lại Và Nàng Hoàn Toàn Bẹp Dí - Lê Minh Phong
Học tài, thi phận - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)