Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.585
 
Cắm sừng
Đỗ Ngọc Thạch

1. Các tổ chức Hội có tác dụng gì?

 

Khi nghe nói có “Hội những người cô đơn”, người ta ủng hộ rất mạnh và xin vào Hội rất đông với lý do vào Hội sẽ bớt, hoặc hết cô đơn. Nhưng thực ra phải hiểu là: đó là Hội chỉ gồm những người cô đơn và việc vào Hội là để nỗi buồn của “sự cô đơn” ở từng Hội viên đạt đến độ huyền diệu nhất, hoặc nói theo kiểu con nhà võ thì là đạt đến “cảnh giới cao nhất”, hoặc nói theo kiểu nhà văn thì là đến độ “toàn thiện, toàn mỹ”, đến trình độ nghệ thuật bậc thầy!

 

Cũng vậy, khi nghe nói có “Hội những người bị cắm sừng”, người ta cũng ủng hộ rất mạnh và xin vào Hội rất đông với lý do: vào Hội sẽ bớt hoặc hết bị cắm sừng. Nhưng thực ra phải hiểu là: đó là Hội chỉ gồm những người đã bị cắm sừng và việc vào Hội là để nỗi đau của cái sự “bị cắm sừng” kia được xoa dịu đi phần nào mà thôi!

 

Như thế, có thể “định nghĩa” các tổ chức Hội nhằm duy trì trạng thái ban đầu và nâng cấp (nếu có thể)  “bản sắc”, “đặc trưng” của các thành viên cho đến tận cuối đời!

 

2. Người bị cắm sừng có biết mình bị cắm sừng hay không?

 

Đây là loại câu hỏi không có câu trả lời dứt khoát, tức đáp án không chỉ có một: không biết, biết và biết chút ít, không chắc chắn! Đại loại là có tối thiểu ba đáp án, thứ nhất là không biết (đó là trường hợp ông chủ tịch Hội), thứ hai là biết (đó là trường hợp ông Phó Chủ tịch Hội) và thứ ba là biết chút ít và đang phải thuê Công ty Thám Tử Nhị Lang Thần điều tra làm rõ (đó là trường hợp của ông Thư ký Hội).

 

Về trường hợp của ông Chủ tịch Hội, tức không hề biết chút gì về chuyện mình bị cắm sừng: Ngay từ ngày cưới, đã có rất nhiều tiếng xì xào rằng cô dâu đang cắm sừng nhưng chú rể làm sao mà tin được người con gái rất xinh đẹp và đức hạnh kia đang sắp trở thành bà phó Chủ tịch Quận phu nhân lại có thể đang làm cái hành động đê tiện là cắm sừng chồng mình cơ chứ? Rồi những tháng năm hạnh phúc cứ trôi qua vùn vụt, mỗi lần hoa đào nở là đứa con có tên là Hạnh Phúc lại thêm một tuổi. Khi đứa con Hạnh Phúc tới 50 tuổi cũng là lúc song thân của nó làm Đám cưới Vàng, tức kỷ niệm 50 năm ngày cưới! Đám cưới Vàng khiến cho tất cả ai tới dự cũng xúc động mãnh liệt và người vợ, người mẹ là người xúc động mạnh nhất bởi bà không thể giữ kín mãi điều bí mật kinh hoàng này: trước lúc “động phòng” với chú rể chỉ hơn một giờ đồng hồ, cô dâu đã hiến dâng trinh tiết của mình cho Mối tình đầu thơ mộng – anh bạn ngày xưa cùng chung một lớp! Khi đã nói cho người con trai đã 50 tuổi biết rõ sự thật đã giấu kín suốt 50 năm đó, người mẹ đã nói với người chồng bị cắm sừng suốt 50 năm qua: “Tôi đáng bị trừng phạt nặng, đáng bị tùng xẻo (*) tôi cũng không oán thán điều gì!”. Nhưng người chồng bị cắm sừng kia đã nói ngay: “Nếu như tôi biết em đã cắm sừng tôi ngay sau đêm tân hôn thì rất có thể em đã bị băm thành

trăm ngàn mảnh! Nhưng sau 50 năm chúng ta chung sống với nhau thì trên từng xăng-ti-mét cơ thể ngọc ngà của em đều có dấu môi yêu của ta, lẽ nào ta lại phũ phàng với nó! Và bây giờ, ta đang ngất ngây hạnh phúc của Đám cưới Vàng, chẳng một lời nói xấu nào nhằm hại người vợ chung thủy của ta lại lung lạc được ta!”.

 

Tuy nhiên, ngày hôm sau, ông chồng của Đám cưới Vàng nhận được một mảnh giấy: “Ông không xử tội tôi nhưng tôi không thể tha thứ cho mình! Tôi không xứng đáng được nhận danh hiệu “Tiết hạnh khả phong” mà ông và Nhà nước ban tặng! Vả lại, tôi cũng muốn được sống lại với Mối tình đầu bởi ông biết không, trên đời này không có gì đẹp bằng Mối tình đầu!”. Ông chồng không tin là bà vợ tóc bạc của mình đã “bỏ nhà theo giai” và cứ nghĩ là bà vợ sau Đám cưới Vàng muốn tạo “cảm giác mới lạ” cho cuộc sống vợ chồng sau 50 năm nhàm chán cho nên đã “thích đùa” như vậy? Nhưng ông chờ một tuần liền mà không thấy bà vợ về và ông đang tính gọi Cảnh sát nhờ tìm người mất tích thì thấy trên một tờ báo có bài viết nhan đề “Tình già” nói về hai người tình gần 70 tuổi mới cưới nhau vì khi mới yêu nhau, hai người không được hai gia đình đồng thuận, bà phải đi lấy chồng, ông rồi cũng phải đi lấy vợ để đến nỗi sau đúng 50 năm mới được danh chính ngôn thuận “động phòng hoa chúc”! Lúc đầu, nhìn hình người đàn bà tóc đã bạc đang tung tăng bên người tình ở Thung Lũng Tình Yêu trên Đà Lạt, ông không tin đó lại là người vợ đã mất tích của mình. Nhưng khi nhìn bức ảnh thứ hai chụp hai người đang hôn nhau thì ông nhận ra ngay bởi chỉ bà mới có kiểu hôn cuồng nhiệt ấy!...Đó chính là lý do trực tiếp để  “Hội Những người bị cắm sừng” nhanh chóng ra đời!

 

3. Người bị cắm sừng biết mình bị cắm sừng thì thế nào?

 

Đó là trường hợp ông Phó Chủ tịch Hội những người bị cắm sừng. Khi hai người gặp nhau thì mới té ngửa vì hóa ra là người cùng tuổi, cùng quê  (chỉ khác xã), cùng lấy vợ một năm và cùng bị cắm sừng một ngày, chỉ khác một điều là ông Phó Chủ tịch Hội biết mình bị cắm sừng ngay trong đên tân hôn. Quá đau xót, nhưng không muốn bố, mẹ và cả họ nhà trai “mất mặt” ông đã lên đường ra trận ngay sau ngày cưới với hy vọng khói lửa chiến trường xe che lấp đi “vết thương lòng”! Nhưng càng chiến đấu, không những ông không bị thương, bị chết như bao người lính khác mà ngày càng lên chức! Và khi ông đã là “Tướng quân” rồi thì ông không nỡ về nhà để trừng phạt người vợ đã và đang cắm sừng ông gần kín cái đầu sớm hói bóng nhẵn! Sau 50 năm, ông vẫn cho tiến hành Đám cưới Vàng và “cắn răng” chấp nhận những cái sừng của mình với lời biện minh: Con người ta ai cũng phải chịu một nỗi đau, nỗi bất hạnh nào đó! Nếu ta không bị cắm sừng thì thế nào cũng bị què cụt hoặc có bệnh nan y chẳng hạn! Khi gặp ông Chủ tịch Hội những người bị cắm sừng, ông lập tức trở thành Phó Chủ tịch Hội cứ như có sự sắp xếp từ kiếp trước!

 

4. Người bị cắm sừng nửa biết nửa không biết mình bị cắm sừng?

 

Đó chính là trường hợp của ông Thư ký Hội. Ngay sau ngày cưới, chú rể đã phát hiện ra nhiều “dấu hiệu” mình bị cắm sừng nhưng theo dõi hoài, thuê cả thám tử tư mà vẫn không bắt được “quả tang trai trên gái dưới” cho nên vẫn không thể buộc tội! Tuy nhiên, lần nào “chung chăn gối”, người chồng vẫn có cảm giác thấy “mùi lạ” trên người vợ? Chính vì thế, việc điều tra truy tìm thủ phạm của mùi lạ vẫn tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cứ mỗi khi gần bắt được “hung thủ” thủ nó lại biến mất cứ như là thần linh, ma quỷ!... Song, lòng kiên trì đã được đến đáp, sau 50 năm kiên trì mai phục, đúng ngày Đám cưới Vàng, thủ phạm đã bị bắt gọn: tên gian phi nằm

trong ngăn đặc biệt dưới chiếc bàn mà cũng là xe đẩy chở chiếc bánh ngọt khổng lồ 50 tầng, đã không kìm được lòng ham muốn đã chui ra và ôm chặt cứng lấy cô dâu khi cô dâu cầm dao cắt bánh ngọt mời thực khách!

 

Khi ba người cùng cảnh ngộ gặp nhau, họ đã mau chóng đồng cảm và nhờ thế mà Hội những người bị cắm sừng mới được thành lập một cách nhanh chóng và cũng mau lẹ hoàn thiện mọi khâu từ A đến Z. Tuy nhiên, còn một khâu rất quan trọng chưa làm được là tìm ra người “đủ tài đủ đức” phụ trách tờ báo – cơ quan ngôn luận của Hội. Làm Chủ tịch Hội, phó Chủ tịch Hội, rồi Thư ký Hội cho tới các trưởng Phòng, Ban nghiệp vụ đều không khó và ai cũng có thể làm được vì chỉ cần “bề dầy thành tích” và có “lòng thành”. Nhưng làm Tổng biên tập tờ báo của Hội ngoài những tiêu chuẩn như mọi người còn phải có một phẩm chất đặc biệt là có khả năng “dơ đầu chịu báng”, tức sẵn sàng chịu mọi kiểu “búa rìu dư luận” từ bốn phương tám hướng! Nói nôm na là phải có một cái đầu Thép, giống như bên võ thuật, phải luyện thành môn võ “Thiết đầu công”(**)!

 

5. “Bị cắm sừng” hay là “Được cắm sừng”?

 

Nửa năm treo bảng cầu hiền và tung người đi khắp nơi săn đầu người có môn võ “Thiết đầu công”, cuối cùng thì cũng tìm ra nhân tài: đó là một người tuổi còn trẻ, vừa mới tới tuổi “Tam thập nhi nhập”nhưng có những dấu hiệu rất đặc biệt: mái tóc rất dày, rất mượt óng nhưng những sợi tóc không giống như những sợi tóc thông thường mà có hình dáng như những cái sừng trâu, sừng bò! Hỏi kỹ ra mới biết đời cha, cả đời ông và cả đời ông cố của người thanh niên này đã có mái tóc như thế! Người Chủ tịch Hội kinh ngạc thốt lên: “Sừng nhiều bằng tóc!”. Tức thì người Phó Chủ tịch Hội và người Thư ký Hội đồng thanh reo lên: “Sừng nhiều bằng tóc! Người ta cần tìm chính là đây!”. Và sau đó, người thanh niên có sừng nhiều bằng tóc đã bốn đời được chọn vào vị trí Tổng biên tập tờ báo của Hội!

 

Từ ngày Hội những người bị cắm sừng có Tổng biên tập tờ báo của Hội là người có sừng nhiều bằng tóc, tờ báo của Hội nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo có nhiều người đọc nhất hành tinh. Tiền bán báo của Hội đã nhanh chóng tới những con số hàng tỷ, chục tỷ rồi trăm tỷ! Ban lãnh đạo Hội đã có thể thành lập những Quỹ từ thiện lớn, trước nhất là giúp những Hội viên nghèo vươn lên làm giàu, sau đó là góp phần cải thiện cuộc sống của những người nghèo, người tàn tật trong xã hội! Trong một lần làm lễ khai trương một Bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho người nghèo do Hội những người bị cắm sừng tài trợ, một vị lãnh đạo hàng đầu của tỉnh đã xúc động thốt lên: “Nếu không có Hội những người bị cắm sừng, cụ thể là những người chồng bị cắm sừng thì những người nông dân nghèo ở vùng sâu vùng xa này làm gì có cơ hội được chăm sóc sức khỏe bằng những thành quả của Y học hiện đại! Vậy chúng ta hãy cầu cho Hội những người bị cắm sừng phát triển không ngừng, tức sẽ ngày càng có nhiều người bị cắm sừng!”. Lúc tại buổi lễ, người ta nghe trong tiếng ồn ào náo nhiệt nên chưa có thể lĩnh hội trọn vẹn ý tưởng của vị cán bộ lãnh đạo của tỉnh, nhưng khi về nhà bật lại băng ghi hình, máy ghi âm thì quả là có cái gì đó khó giải thích: Chẳng lẽ ta lại cầu cho nhiều người bị cắm sừng? Nếu thế thì việc bị cắm sừng đâu có còn là một nỗi đau, một nỗi buồn mà là một điều tốt lành? Nếu thế thì phải đổi lại tên Hội thành “Hội những người được cắm sừng”?

 

6. Các tổ chức Hội có tác dụng gì?

 

Có những câu hỏi mà câu trả lời không bao giờ thỏa mãn người hỏi. Đó là câu hỏi “Các tổ chức Hội có tác dụng gì?”.

Đem câu hỏi này hỏi một nhà Nho, sẽ được câu trả lời bằng bài Quan Thư (***):

  Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu…”

 

Đem câu hỏi này hỏi một nhà Sư, sẽ được câu trả lời rằng: “Nam mô a di đà Phật… Quay đầu là bờ!”(****).

 

Đem câu hỏi này hỏi những người ở Hội những người bị cắm sừng, sẽ thấy họ làm một động tác như là phản xạ tự nhiên: sờ tay lên đầu rồi xoa xoa nhẹ nhàng đoạn hỏi lại: “Tôi đố ông biết tôi bị đau đầu vì tập Thiết đầu công hay bị cắm sừng?”. Ai mà biết được vì sao?./.

 

Sài Gòn, 7-2010

 (*) Tùng xẻo (còn gọi là lăng trì hay xử bá đao): là một trong những hình phạt tàn khốc và dã man được dùng rộng rãi ở Trung Quốc thời cổ xưa từ năm 900 cho đến khi chính thức bãi bỏ vào năm 1905. Từ ngữ trong tiếng Hán "lăng trì" có nghĩa lấn lên một cách chậm chạp.

Đây cũng là hình thức ghê rợn vào bậc nhất trong các án tử hình, phạm nhân sẽ vô cùng đau đớn vì không được chết nhanh chóng, có trường hợp xẻo tróc nửa phần thịt trên cơ thể mà phạm nhân vẫn còn giãy dụa gào thét. Mức độ tàn bạo của nó thì không có gì có thể sánh nổi; ngoài việc xẻo từng miếng thịt trên người tử tội, đao phủ còn có nhiệm vụ là giữ cho tử tội không được chết một cách nhanh chóng, tức là sau bao nhiêu nhát xẻo thì nạn nhân mới được chết.

Lăng trì đôi khi được dùng như một nhục hình để hành quyết người còn sống, hoặc như một hình thức lăng mạ phạm nhân sau khi bị xử chết. Những kẻ phạm những tội như: phản quốc, nổi loạn chống vua, sát nhân hay giết cha mẹ v.v... đều bị pháp luật thời đó luận án và xử lăng trì.

(**) Thiết đầu công: Với những ai yêu thích kungfu Thiếu Lâm, hẳn không thể bỏ qua những dịp thưởng thức các màn biểu diễn hoặc các pha tỉ thí võ nghệ dùng Thiết đầu công của những võ tăng nơi đây.

Trong khi ở các thế võ, bài quyền, chiêu cước khác, đầu là bộ phận trọng yếu của cơ thể tránh không để đối phương tấn công vào thì Thiết đầu công lại hoàn toàn ngược lại, đầu chính là vũ khí, là một quả trùy thép lợi hại có thể đập vỡ đá tảng, húc chết đối thủ.

Thiết đầu công Thiếu Lâm Tự lấy đầu làm vũ khí tấn công đối thủ, tuy nhiên không có nghĩa là không dùng tới quyền, cước. Thiết đầu công là bài võ lấy đập đầu, đâm đầu, lao đầu vào đối thủ làm nội dung chính, kết hợp với các động tác toàn thân tạo ra 5 thế võ cơ bản: Đồng tử bái Phật, Kim Cương cử đỉnh, La Hán bao đỗ, Kim Đồng kích cổ, Kim Cương chàng chung.

(***) Quan thư :

Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu.

Sâm si hạnh thái. Tả hữu lưu chi.

Yểu điệu thục nữ. Ngụ mị cầu chi.
Cầu chi bất đắc. Ngụ mị tư phục.
Du tai! Du tai! Triển chuyển phản trắc.
Sâm si hạnh thái. Tả hữu thái chi.
Yểu điệu thục nữ. Cầm sắt hữu chi.
Sâm si hạnh thái. Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ. Chung cổ lạc chi.


Dịch thơ:

Thư cưu cất tiếng quan quan
Hòa cùng sóng vỗ vọng vang đôi bờ
Dịu dàng thục nữ đào thơ
Sánh cùng quân tử duyên tơ mặn mà.
Ngắn dài rau hạnh gần xa
Với tay vớt lấy cũng là khó mong
Cầu mong thức lại chờ trông
Cầu mong chi lại khó lòng gặp nhau.
Ngày đêm dằng dặc cơn sầu
Ngày đêm trằn trọc rầu rầu sớm khuya
Hái về, rau hạnh hái về
Cùng nàng thục nữ duyên thề sắt son
Ước duyên cầm sắt vuông tròn
Đêm khua chiêng trống vui lòng mỹ nhân

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)

(****)  Quay đầu là bờ  (Hồi Đầu Thị Ngạn) : Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ giác, chỉ cần anh có thể toàn tâm sửa đổi những lỗi lầm của quá khứ, con đường ở phía trước vẫn sáng ngời và lạc quan ! ...

 

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3153
Ngày đăng: 29.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện cổ tích của người bạn vong niên - Vinh Anh
Những Con Người Gian Dối Đáng Thương. - Đặng thị Thanh Liễu
Tam Thập Lục Kế - Đỗ Ngọc Thạch
Bao Nhiêu Nước Cũng Được. Như Biển Ấy. - Lê Minh Phong
Những Linh Hồn Thức - Phùng Văn Khai
Những Mảnh Vỡ (17) - Nguyễn Thị Hậu
Lão Trạch - Minh Diện
Cò Quăm - Nguyễn Anh Thế
Ma chó - Ngô Nhân Đức
Những Ván Cờ Cuộc Đời - Đăng Lan
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)