Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.204.330
 
Hòa Giải Và Hóa Giải Ba Lọai Nhà Thơ Hôm Nay hay Thơ như là con đường 2.
Inrasara

1. Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Đã nghe khắp nơi nhiều người kêu như thế, từ hơn chục năm qua(1). Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, hết cả sức nặng. Qua đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm.

 

Vì sao nên nỗi? Hãy thử đẩy tới cùng câu hỏi có tính khái quát hơn: Thơ là gì, cái thực thể mà người ta than vãn rằng nó đang ế, đang lạm phát ấy?

 

Thơ là gì? Câu hỏi lôi cuốn chúng ta về minh nhiên của một trả lời có thể thuyết phục được đại đa số chấp nhận. Ít ra, nó thâu tóm ý nghĩa khả dĩ nhất về thể loại mà lâu nay ta gọi là thơ. Ta lục tìm trong kho sách các định nghĩa sâu sắc nhất, mang tầm bao quát cao và có vẻ khả tín hơn cả của các tư tưởng gia hay nhà phê bình uy tín. - Thậm vô ích. Cả lối làm mang nhiều tham vọng như kiểu L. Ferlinghetti cũng chỉ biểu lộ sự lúng túng hãnh tiến(2).

 

Hoặc, ta lặn sâu vào những thi phẩm lớn của thi hào nhân loại ở nhiều vùng lãnh thổ thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, để sàng lọc, chọn lựa, rút tỉa kết luận cho riêng mình. Cách làm này vẫn không dẫn ta đi xa hơn. Mỗi người mỗi cảm nhận thơ qua tập khí riêng, tùy vào xu hướng, quyền lợi, thế đứng, để đưa ra định nghĩa mỗi khác.

 

Như thế, câu hỏi thơ là gì nguy cơ đẩy thơ ca tan loãng trong vô số quan điểm đầy cảm tính/ lí tính về thơ. Sự thèm khát trên không gì hơn tố giác rằng con người vẫn chưa đi vào trong lòng thơ ca. Ta vẫn mon men hàng rào thơ để tìm hiểu thơ. Cơn khát thèm còn đẩy ta ra xa biệt khỏi tính thể của thơ hơn nữa. Từ đó con người mãi làm kẻ lang thang vô gia cư với cõi miền ta gọi là thơ.

 

Lối nói vô gia cư không phải là sự tình cờ của ngôn ngữ biểu hiện, mà nó nhắm tới sự khai mở về sự đi vắng của con người, qua đó hé ra cánh cửa cho con người nhìn thấy hiện trạng của định mệnh mình. Rằng con người chưa cư trú trên mặt đất như là ở nhà. Một cách cư lưu đầy thi tính.

 

Thơ, ngôn ngữ và ngôi nhà gắn chặt với định mệnh của thi sĩ.

Không có dân tộc nào ở bất kì thời đại nào trong một vùng đất nào lại không có ngôn ngữ và thơ. Truyền miệng hay khắc trên đá, in lên giấy hay đăng lên mạng, còn thô sơ hay đã phát triển cao độ, thơ luôn có mặt. Nó tồn tại cùng với nỗi thăng trầm của lịch sử dân tộc. Khi dân tộc không sinh ra nổi thi sĩ, dân tộc tộc đó sa đọa, mất hồn. Khi một dân tộc đánh mất ngôn ngữ sống, dân tộc đó tiêu vong. Thơ - qua ngôn ngữ - lưu giữ hồn cốt dân tộc xuyên thế hệ. Có thể dân tộc không có chữ viết, không có lịch sử (lịch sử ẩn trong huyền sử, dã sử hay huyền thoại), không hội họa hay kịch nghệ… nhưng nó không thể thiếu thơ. Thái độ chối bỏ thơ mang tính phổ quát của con người hôm nay không gì hơn sự đánh mất chiều kích nhân loại. Chiều kích như là cuống rốn vô hình kết liên con người với mặt đất. Không phải bởi thời hiện đại rộ tràn phương tiện vui chơi giải trí, mà thơ được/ bị xem như một trong những; càng chẳng phải bởi thời hiện đại mở ra nhiều ngành khoa học, trong đó thơ là bộ phận cấu thành. Sự thể phát sinh từ quan niệm của con người về thơ như một đối thể, một món giải trí đơn thuần, hay một trong vô số bộ môn văn hóa được dạy trong nhà trường, được chăng hay chớ. Mà chưa nhận ra một cách nền tảng rằng thơ là thuộc con người. Nghiêm trọng hơn - thuộc định mệnh của con người.

 

Xã hội phát triển, bao nhiêu ngành nghề mới ra đời đòi hỏi chuyên môn hóa đến mức tinh xảo, bao nhiêu sinh phận được đưa vào lò đào tạo để đáp ứng cho tồn tại và tiến bộ cộng đồng. Sự “hi sinh” này thì thiết yếu để đảm bảo an toàn cho nỗi thoáng qua của sinh thể mang tên con người trong dằng dặc thời gian. Trong và cho công cuộc đó, nhà thơ và tư tưởng gia không sắm vai trò như là một trong triệu triệu đinh vít của guồng máy. Nói một cách nghiêm xác: Họ không góp công sức tham gia vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa - văn minh của dân tộc. Họ có mặt với nhiệm vụ độc nhất: Biện minh cho sự hiện hữu của dân tộc trên mặt đất. Có thể nói, xã hội càng phát triển, các trường phái thơ ca càng nở rộ, thì nhà thơ ngày càng hiếm. Hiếm như kẻ canh đêm, khi nhân loại ồ ạt lao về phía trước, hắn vẫn trung thành và kiên định đứng canh thức ngôn ngữ dân tộc, không nao núng bởi bất kì thành công hào nhoáng của bộ môn nghệ thuật nào khác thoáng qua hay sự dọa nạt của giông bão thời cuộc sắp đến.

 

Sẽ không có thơ nếu không có ngôn ngữ, ngôn ngữ như là ngôi nhà cho thi sĩ cư ngụ. Thi sĩ có thể vô sở trú trong không gian và thời gian, nhưng hắn sẽ mãi mãi chịu định phận vô gia cư nếu hắn không cư ngụ trong lòng ngôn ngữ dân tộc, nếu hắn không có ngôn ngữ như là ngôn ngữ để cư ngụ.

 

Thế nào là ngôn ngữ như là ngôn ngữ?

Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện diễn đạt, như cánh tay chỉ mặt trăng hay chiếc bè đưa qua sông; hay quyết liệt hơn, con người sử dụng ngôn ngữ như thể “được cá quên nơm, được ý quên lời”. Các quan niệm siêu hình đầy thực dụng về ngôn ngữ như thế chỉ coi ngôn ngữ là phương tiện không hơn không kém. Suy tư về ngôn ngữ của Heidegger cho ta sợi dây dẫn thiết yếu.

 

Language is the lighting-concealing advent of Being itself Ngôn ngữ là con đường lai hồi vừa soi sáng đồng thời che giấu của chính Tính thể. Hay dịch như Trần Xuân Kiêm: Ngôn ngữ là con đường lai hồi vừa mang tính chất soi chiếu vừa mang tính chất lung linh của chính Tính thể(3).

 

Vài thập niên qua, sự lưu tâm của chúng ta về ngôn ngữ vẫn chưa đủ cho thơ. Sự lưu tâm này nói lên phần nào con người đã ý thức lờ mờ về mối tương quan khắng khít giữa ngôn ngữ và thơ ca, như sự “làm lời”, “thơ con âm” hay “phu chữ”… nhưng nó vẫn chưa đủ cho thể tính của ngôn ngữ. Người làm thơ nhảy cóc từ loại thơ này sang loại thơ khác, từ “ngôn ngữ” này sang “ngôn ngữ” khác; thử nghiệm đủ dạng thơ, chịu khép mình làm tín đồ thuần thành mọi trường phái thơ ca ngoại nhập hay ngẫu nhĩ tìm thấy. Nhưng, các nhà thơ vẫn chưa quy hướng về ngôn ngữ đủ cho ngôn ngữ. Bởi ta chưa ý thức thẳm sâu về ngôn ngữ. Sự quy hướng ấy lộ diện phần nào qua nỗ lực đầy mơ mộng của A. Rimbaud: “Truy tìm một ngôn ngữ… thứ ngôn ngữ trực tiếp từ tâm hồn đi đến tâm hồn” (Trouver une langue… Cette langue sera de l’âme pour l’âme). Dù chàng trai trẻ có thất bại để phải trả giá bằng sự từ bỏ thơ ca, sau đó - bằng chính sinh mệnh mình. Điều đó nói lên ý thức mãnh liệt và quyết liệt của một thi nhân đích thực. Hoặc Bùi Giáng đã dấn thân chịu chơi cùng ngôn ngữ, phó mặc cho ngôn ngữ dồi tung ông trên suốt hành trình thơ và đời. Nhà thơ hôm nay còn chưa hiến mình đủ đầy cho ngôn ngữ, để chính mình bị ngôn ngữ chiếm hữu.

 

2. Giữa bạt ngàn người làm “thơ”, ai là nhà thơ? Và điều gì phân biệt đâu là, đâu không là nhà thơ? Đã không ít người trả lời một cách dễ dãi đầy mơ hồ rằng tiêu chí để phân biệt là sự hay/ dở của sản phẩm do nhà thơ đẻ ra. Nhưng thế nào là thơ hay và không hay? Câu hỏi liên quan đến hệ mĩ học sáng tạo và sự cảm thụ. Theo đuổi nó sẽ đẩy vấn đề đi rất xa. Trong lúc cuộc tìm kiếm ở đây muốn nhấn về chiều nhìn khác, chứ không dừng lại ở thơ hay hay không.

 

Ngay thời Trung cổ, người Pháp hết còn dùng từ rimeur (người gieo vần) để chỉ nhà thơ, mà là poète. Đây là từ có nguồn gốc từ động từ tiếng Hi Lạp là poiein nghĩa là sáng tạo. Nhà thơ từ bỏ nhiệm vụ gieo vần làm bùi tai người nghe hoặc làm kẻ hát rong lang thang từ làng sang làng kể câu chuyên hấp dẫn có tính thơ để mua vui cho người thiên hạ. Nghĩa là nhà thơ hết còn là người làm vần mà phải là một kẻ sáng tạo, như hàm nghĩa của từ poète (nhà thơ).

 

Thế nhưng một khi quá nhấn vào sáng tạo như là làm ra cái mới lạ, nhà thơ vô hình trung đẩy thơ và công việc làm thơ rớt vào cõi riêng, biệt lập, thậm chí lập dị đến quái dị. Nhà thơ và thơ ca ngày càng xa rời quần chúng. Hũ nút, tắc tị, siêu thực, mĩ học của cái xấu ác, tháp ngà, trích tiên, kẻ tiên tri thấu thị, phu chữ, kẻ sinh nhầm thế kỉ… là hạn từ thường gặp của thời hiện đại, nhất là của chủ nghĩa hiện đại.

 

“Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”, Delmore Schwartz nhận ra như thế. Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là khó hiểu với tối nghĩa. Khó hiểu với tối nghĩa đòi hỏi diễn giải, những diễn giải dẫn bài thơ đi đến vô cùng.

 

Ở đâu và bất kì thời đại nào, người làm thơ vẫn đầy ra. Nhưng thơ để làm gì, khi khắp nơi độc giả thơ ngày càng hao hụt? Nhà thơ quay lại đọc nhau, có khi chỉ đọc tác phẩm của nhóm mình, thậm chí đọc chính mình. Từ người làm nhiệm vụ phục vụ công chúng rộng lớn đến kẻ sáng tác cô độc, là cả một sự trượt dài về “quan điểm”. Còn hơn thế, đó là nỗi suy đồi trong sự đánh mất mối tương liên giữa con người và mặt đất, con người và ngôn ngữ. “Cơ chế” tìm dung hòa phổ cập và tinh tuyển, thấp và cao cấp bằng sự tôn vinh Poet Laureate (Nhà thơ nhận Vòng nguyệt quế) hay việc trọng dụng các nhà thơ danh tiếng vào dạy ở các Trường Đại học như tại Anh - Mĩ, cũng ít hi vọng cứu vãn được tình hình. Thơ và nhà thơ, hoặc sống vật vờ hòa cùng dòng chảy nhân loại hay tự dựng ngục tù nhốt mình hoặc dấn thân vào phiêu lưu tìm tòi vô tăm tích. Sự phát triển và khuếch trương của văn hóa nghe nhìn mấy chục năm qua đang đẩy thơ vào ngõ cụt, chỉ là vấn đề làm cộm lên ở bề nổi.

 

3. Vậy làm thế nào để cứu vãn thơ?

Cứ tạm chấp nhận thực tế là hiện trạng thơ đang chịu khốn quẫn trong lòng một xã hội khép kín, để đưa câu hỏi xuống tầm thấp hơn là: Làm thế nào hòa giải các quan điểm khác nhau về người làm thơ và sự viết thơ, để các “loài” thơ cùng tồn tại mà không bị loại trừ hay phải loại trừ nhau?

 

Tình trạng thơ hôm nay, tạm chia ra ba loại nhà thơ khác nhau (hãy loại bỏ tâm phân biệt trong thao tác phân loại này):

Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Loại thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.

 

Nhà thơ tiếp hiện viết phục vụ cho một thể chế chính trị, tổ chức tôn giáo hay một tầng lớp nào đó bất kì. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện, chữ dùng của Nhất Hạnh) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi horizon of expectations của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tựu hôm qua của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.

 

Nhà thơ sáng tạo là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo(4).

 

Có một thời khá dài, chúng ta quyết loại khỏi văn đàn loại nhà thơ thứ ba, nghĩa là kẻ sáng tạo thám hiểm vùng đất mới, mà nhất tề tôn vinh nhà thơ tiếp hiệnngười làm vần, đến nỗi thơ Việt Nam tụt hậu khá xa so với trào lưu chung của thế giới. Ba, bốn thập niên như thế riết rồi trở thành nếp nghĩ khó gột rửa. Để mãi hôm nay, tâm lí ấy vẫn còn tồn đọng trong không ít đầu óc bảo thủ, xơ cứng với quan điểm nghệ thuật lạc hậu, rằng thơ thì phải thế, như vậy mới là thơ. Còn ai làm khác, đi chệch khỏi hệ mĩ học đương thời thì là kẻ phá hoại. Là không phải thơ “đích thực”. Làm như ta đã hiểu thơ là gì rồi! May mắn thay là quan niệm kia đã trở thành lỗi thời và lạc lõng trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới đã trở thành một làng: làng toàn cầu. Các nghệ sĩ mọi nơi đang nỗ lực làm cuộc giải lãnh thổ hóa, giải địa phương hóa trong văn học.

 

Thơ lục bát không thể chết đi, là chuyện không bàn. Hoặc có khờ mới ý định giải tán các câu lạc bộ thơ Đường luật, thơ mực tím, áo trắng các loại. Thơ trên diễn đàn công cộng hay thơ trong chương trình sách giáo khoa tồn tại cũng có lí do của nó. Không hề gì cả. Càng không vấn đề, khi có cá nhân tách đàn, dũng cảm mở ra một trào lưu mới và quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường chọn lựa chưa chắc người đọc hôm nay chấp nhận. Trên con đường sáng tạo mù mờ ấy, họ bước đi cô độc đầy bất trắc. Họ là kẻ từ chối đi theo con đường mòn vạch sẵn. Kẻ tiên phong bao giờ cũng bị hi sinh - Nietzsche.

 

Những thất bại, lầm lẫn trong thể nghiệm chưa bao giờ là vô ích cả. Nó vẫn khả năng dọn lối cho thành tựu của người đi sau. Mỗi loại thơ, mỗi “loài” nhà thơ tồn tại đều có lí do chính đáng. Tùy thế đứng và ý hướng viết, tất cả họ đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mĩ học của cộng đồng đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Khi học biết xử sự công bằng tất cả ba “loài” trên, chúng ta sẽ có cái nhìn khác hẳn về thơ và nhà thơ. Chỉ khi đó, sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ triệt để.

 

4. Trở lại với ba loại nhà thơ vừa nêu, nói một cách hình ảnh, nếu nhà thơ câu lạc bộ tự khuôn định nơi đồng ruộng bản quán quen thuộc để ca hát mua vui cho nhau; hoặc nhà thơ tiếp hiện ở lại thành phố phục dịch cho mục tiêu cụ thể các loại: Giải trí một tầng lớp nào đó, ý đồ thay đổi xã hội hay để thỏa mãn chính mình… thì nhà thơ phiêu lưu giong buồm ra biển cả đi tìm vùng đất mới cho thơ. Hành động phiêu lưu đi tìm phương thức thể hiện là sự phiêu lưu của các quan điểm. Chính là các cuộc phiêu lưu mang tính siêu hình học về thơ.

 

Từ F. Voltaire: Thơ là hùng biện du dương, qua Alfred de Musset: Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình, đến Stéphane Mallarmé: Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bí huyền của cuộc sống; từ J. Riddel: Nhà thơ mở lối đi vào quan hệ giữa chữ và vật, sang Matthew Arnold: Thơ là sự phản biện đời sống, rồi T. S. Eliot: Thơ làm cho chân lí thật hơn nữa, qua Jakobson: Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, cho đến Charles Simic: Làm thơ là phải chịu mâu thuẫn; từ Frost: Thơ là sự trình diễn chữ (a performance in words), Coleridge: Nhà thơ chuyển tất cả tâm hồn con người thành các hoạt động (The poet brings the whole soul of man into activity) đến Allen Ginsberg: Thơ là một cách thiền định (Poetry is a kind of meditation); hay từ Xuân Diệu: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, cho chí Sóng Hồng: Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền... Nghĩa là mênh mông thiên địa, những cuộc phiêu lưu không biết đâu là cùng tận. Chúng làm giàu sang dòng sông thơ ca nhân loại. Lạ là chính sự giàu sang phong nhiêu này khiến con người ảo tưởng mình đang ngày càng tiến gần tới sở hữu toàn diện bản lai diện mục thơ ca. Thế nhưng, sự thể vừa lộ bày đồng lúc che khuất tính thể của thơ như là thơ.

 

Vậy, làm sao có thể cứu thơ ca ra khỏi các cuộc phiêu lưu kia?

Câu hỏi dễ đưa vấn đề đi lệch trọng tâm. Khác đi, câu hỏi cần đặt ra là: Làm thế nào để cứu vãn “những quan điểm” về thơ và nhà thơ? Nghiêm xác hơn nữa: Làm thế nào để giải phóng mọi quan điểm, mọi tư tưởng [bằng] biểu tượng representational thought về thơ, để thơ ca không còn là đối thể, như là một bộ môn văn hóa, mà là thuộc con người? Đó là câu hỏi lớn. Chỉ có một giải minh nền tảng, thơ ca bấy lâu chìm khuất bóng tối mới tìm thấy khoảng sáng chiều kích của nó trong tương quan với con người, qua đó chúng ta mới có thể đặt lại câu hỏi: Thơ là gì?

 

Tra vấn thơ là gì, chúng ta cần đặt câu hỏi ngôn ngữ là gì? Câu hỏi ngôn ngữ là gì cũng phải được đặt trên nền tảng câu hỏi khác nữa: Thế nào là thể tính con người? Và con người cư lưu như thế nào trên mặt đất này? Hay có thể đẩy câu hỏi xuống tầm thấp đầy hàm hồ và quen thuộc hơn nữa: Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Thường thì người ta dễ chấp nhận mục đích được chọn ngẫu nhiên hay đầy tính toán rồi đem gán vào cuộc đời để tạo thành “ý nghĩa”. Càng nhiều mục đích càng tốt, mục đích càng cao cả thì càng có “ý nghĩa”, thành công càng lớn càng quý.

 

Khi tôi nhận biết ra tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ hai mươi và thế kỉ hai mốt, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại và phát triển, công bằng và lành mạnh. Dù vô nghĩa, và vô ích - trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức nhận trắng phớ như thế, nhưng tôi vẫn nỗ lực hết mình. Và vui thú. Cuối cùng thế nào rồi hơn nửa đời hư, tôi cũng có trong tay lưng vốn sự nghiệp. Tuy nhiên…

 

Đầy tràn công danh sự nghiệp

nhưng con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này

Full of merit,

yet poetically, man dwells on this earth.

(Hoelderlin)

 

Một ngày kia tôi hốt nhiên quay lại nhìn mớ sách vở đứng chình ình nơi phòng trưng bày: Chúng có phải công trình của tôi, hay đó chỉ là thứ văn bản được chắp vá nên bởi vô vàn tiền văn bản để chính chúng trở thành tiền văn bản mới, trùng trùng duyên khởi sẵn sàng tạo tác thành các văn bản khác, như thể tuồng ảo hóa vô tận của phận chữ và kiếp người? Tôi là ai? Tôi biết gì? Tôi làm được gì? Không gì cả! Nhưng tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian, nơi vùng đất tôi sinh ra và sống.

 

Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, hệ phái tôn giáo hay đảng phái chính trị, thôi còn đồng hóa tôi với chúng; đồng hóa để làm trương nở tối đa cái tôi. Cái tôi này xung đột với [những] cái tôi khác gây ra bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và yêu thương như là một cư lưu đầy thơ mộng.

 

Hành động trong chân trời khả thể và yêu thương chính là cư lưu thơ mộng. Một cư lưu đầy trách nhiệm nhưng vẫn sẵn sàng lên đường đi mất. Khi cư lưu đầy thơ mộng, tôi mới có thể nói đến chuyện làm thơ.

 

Thấy rồi mới tìm.

“Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không - không vấn đề! Thơ ca nẩy sinh và ở lại trên con đường vừa đi qua đó.

 

Chưa đặt một chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Triết học Ấn Độ hoài nghi ngôn ngữ, cả thứ ngôn ngữ đã được nạo bỏ các thứ lớp sơn giả tạo, ý đồ. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa. Bước sang bờ bên kia, nếu bạn một đi không ngoảnh lại, bạn không thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, vượt bỏ māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Ở lại cùng và yêu thương māyā. Đấy là hành động cao cường của một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!

 

Không sáng tác bằng tiếng dân tộc, bạn không xứng đáng là nhà thơ, một nhà thơ mang cảm thức hậu hiện đại với châm ngôn: Suy nghĩ toàn cầu - hành động địa phương. Nói một cách hình tượng: Dù phiêu du trên đường nhưng đạo sĩ vẫn ưu tư, lo lắng cho kẻ ở lại quê nhà. Ở lại giữa lòng ngôn ngữ dân tộc như là ở lại nhà mình”(5)./.

 

Sài Gòn, 18-3-2009.

 

___________

 

(1) Thử đọc qua hai ý kiến.

Văn học quê nhà, Thotre.com đăng lại, 23-3-2009, Dương Kiều Minh trả lời phỏng vấn: “Chưa bao giờ thơ được quyền ra đời tự do như ngày nay. Hầu như các báo, tạp chí đều có “đất” để in thơ; các nhà xuất bản cũng không từ chối cấp giấy phép để tác giả in thơ. Nếu bị từ chối thì thơ vẫn có đất sống ở weblog của người sáng tác, của bạn bè. Các câu lạc bộ thơ được hoạt động tự do và mọc lên như nấm. Các cuộc thi thơ cũng nhiều… Nghĩa là thơ đang có “mảnh đất” tốt, màu mỡ để “sinh sôi”. Thế nhưng vẫn chưa có thơ hay.  Tuy vậy, tôi vẫn lạc quan. “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, cá tính sáng tạo được phát triển. “Hữu xạ tự nhiên hương”; thơ hay sẽ còn lại, cái dở rồi sẽ bị quên lãng. Tất nhiên, in dễ dàng quá cũng có điều không hay, khiến cho người làm thơ lười suy nghĩ, viết dễ dãi, làm nhiễu loạn văn chương. Tai hại nhất là vô tình hạ thấp thẩm mĩ, hướng “bạn đọc chưa trưởng thành” đến sự nhạt nhẽo, tầm phào để rồi bạn đọc chán thơ, quay lưng lại với thơ”.

Và… Triệu Từ Truyền (lại trả lời phỏng vấn) trên báo điện tử Toquoc, 3-2009.

“Trong thực tiễn, muốn có thơ đổi mới đích thực chỉ cần hai điều kiện sau:

Thứ nhất, người làm thơ phải thật sự cảm thấy mình có thể đánh đổi bằng cái chết để viết ra bài thơ đó; nghĩa là sự tồn tại của thơ còn quan trọng hơn sinh mạng. Điều kiện này sẽ loại bỏ được nhiều thứ rác: như xem thơ là phương tiện để quảng cáo, tuyên truyền, tôn sùng cá nhân; thơ chép lại của tác giả trước (đạo thơ); không có thông điệp trong bài thơ; mô tả vụn vặt hạ thấp thơ thành vè, giãi bày tâm sự bừa bãi, dẫn đến đọc giả chán thơ… Phải tạo được thần khí của bài thơ… Thứ hai, người làm thơ phải có tố chất thi sĩ: óc liên tưởng phong phú, trực cảm hơn đám đông; là người nổi trội về tri thức và tâm thức. Điều kiện này sẽ giúp loại bỏ kiểu làm thơ theo dạng dàn đồng ca, sẽ tạo thể cách mới trong thơ, góp phần làm phong phú ngôn ngữ Việt Nam, sáng tạo độc đáo, nói như Cao Bá Quát là có tự tính trong thơ.

(2) Lawrence Ferlinghetti, “52 định nghĩa thơ cho thế kỷ XXI”: “Thơ là gì? Có bao nhiêu bài thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn bởi vì các giáo sư và các nhà phê bình thơ còn đông hơn các nhà thơ. Riêng tôi mạnh dạn đưa ra một vài định nghĩa cũ và mới của riêng mình…” (Châu Trân dịch từ Litencyc.com, báo Văn nghệ, số 11, tháng 3-2009).

(3) M. Heidegger, Letter on Humanism, bản dịch của Frank A.Capuzzi, trong Basic Writings, Harper San Francisco, USA, 1977, p. 195-197); Thư về nhân bản chủ nghĩa, Trần Xuân Kiêm dịch, Tân An xuất bản, 1974, tr. 26.

(4) Trong tham luận “Thơ hậu đổi mới, và… đang khủng hoảng”, “tại Hội nghị Lí luận - phê bình lần thứ hai, Đồ Sơn tháng 9-2006, tôi đã một lần phân chia nhóm nhà thơ theo “ý hướng tính”:

“Cứ tạm gọi tất cả người viết văn, làm thơ là tác giả đi. Có thể chia họ làm bốn nhóm (tạm thời cho vào ngoặc nhà lí thuyết, nhà nghiên cứu, phê bình văn học). Thứ nhất là Nhóm phục vụ: viết nhằm vào một đối tượng độc giả nhất định, như Nguyễn Nhật Ánh, chẳng hạn. Dẫu ít đóng góp cái mới vào phát triển văn học, nhưng tác phẩm họ vẫn có ích. Nhóm này hoạt động gần như độc lập, ít va chạm hay cãi vã qua lại nhưng lại chiếm “thị phần” cao nhất. Hầu hết tác phẩm best-seller đều sản sinh từ nhóm tác giả này. Thứ hai là Nhóm nhai lại: chiếm số đông trong giới viết lách. Họ cày nát cái cũ mặc dầu vẫn ảo tưởng mình sáng tạo. Đại đa số tác giả thuộc Nhóm nhai lại rất siêng năng canh chừng và tìm mọi cách đẩy Nhóm sáng tạo ra ngoài lề sinh hoạt văn chương. Nhóm kí sinh (hiểu theo nghĩa trung tính) thuộc bộ phận thứ ba, chủ yếu gồm các tác giả viết báo mang hơi hướng văn chương, các bài tạp bút, điểm sách, phỏng vấn… Thỉnh thoảng họ cũng có viết văn, làm thơ. Nhóm này ít tham vọng và ảo tưởng. Chủ yếu họ bám cuộc sống văn chương và các giai thoại văn học. Cuối cùng là Nhóm sáng tạo, gồm những kẻ yêu văn chương đúng nghĩa, trong đó có kẻ mở đường và con người tiếp nhận và thể hiện (“tiếp hiện”, như từ dùng của Nhất Hạnh) bằng nhiều cách khác nhau con đường đó. Sáng tác của họ thúc đẩy sự tiến bộ của văn học đất nước và thế giới.

Đây là nhóm tác giả đang cần đến các nhà phê bình nhạy bén với cái mới, tay nghề cao và dũng cảm đủ khả năng tạo ra một thế hệ hệ độc giả mới. Bởi, chính họ chứ không phải ai khác, làm nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam ngày mai!” (Talawas.org, 2006).

(5) Inrasara, “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & Thơ”, Inrasara.com

 

Inrasara
Số lần đọc: 2699
Ngày đăng: 31.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình thức gắn bó với nội dung trong thơ Nguyễn Vỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa - Trần Văn Nam
“Thơ Hàn Mặc Tử” hay Tản mạn về cõi Đâu Suất và lý thuyết tương đối (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Về vấn đề người đọc cổ điển và người đọc hiện đại... - Yến Nhi
Lý thuyết văn học: Hậu cấu trúc luận / giải kiến tạo - Nguyễn Hưng Quốc
Nghĩ Gì..? - Phạm Tấn Dũng
Loay Hoay Đề Thi Đại Học Môn Văn - Bùi Công Thuấn
Nghĩ Về Tính Mênh Mông Trời Đất, Tính Cục Diện Thế Sự,Tính Vô Thường Của Cấu Tạo Vật Chất - Trần Văn Nam
Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế - 1 - Nguyễn Cung Thông
Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế - 2 - Nguyễn Cung Thông
Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)