Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.213.444
 
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay
Khuyết danh

Sân khấu đang vắng khán giả, sân khấu đang càng ngày càng tự đánh mất đi phần lớn khán giả của mình. Muốn thấy rõ thực trạng sân khấu hiện nay, ngoài sự đánh giá một cách khoa học về thời gian, về không gian, về mối quan hệ ràng buộc với hệ thống xã hội còn cần phải có một cách nhìn dũng cảm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sân khấu.

1. Sân khấu đương đại Việt Nam gắn liền với hoàn cảnh lịch sử

Giai đoạn 1945-1975, sân khấu tập trung vào chủ đề đoàn kết dân tộc. Đó là cuộc chiến đấu toàn dân toàn diện, trường kỳ với tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến lớn chống Pháp và chống Mỹ. Sân khấu đã tham gia trực tiếp và là vũ khí đấu tranh chính trị, đấu tranh giải phóng dân tộc nên nó mang một ý nghĩa dân tộc lớn lao và sâu sắc. Nói cách khác, ở giai đoạn lịch sử này, vận mệnh dân tộc, vận mệnh quốc gia được đặt cao hơn đời sống cụ thể của từng cá nhân. Như vậy có thể đánh giá khách quan: Sân khấu trước 1975 đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đi sâu, đi sát phục vụ nhiệm vụ chính trị, phản ánh và động viên kịp thời tình cảm thiêng liêng của cả dân tộc. Sân khấu trước 1975 có lúc đã phát triển mạnh mẽ đến mức náo nhiệt. Nhưng vì nhiệm vụ phục vụ chính trị được đưa lên hàng đầu nên sân khấu trước 1975 không có nhiều tác phẩm có giá trị lâu bền về mặt nghệ thuật. Mặc dầu vậy nó đã đặt cho sân khấu chuyên nghiệp Việt Nam một nền tảng vững chắc.

Giai đoạn 1975-1986, đất nước trải qua một thời kỳ lịch sử phức tạp. Sự biến chuyển lớn của xã hội, sự hội nhập hòa hợp của cả dân tộc trong âm hưởng chiến thắng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn âm vang mạnh mẽ. Những năm cuối của giai đoạn này cả dân tộc, cả xã hội đứng trước những thách thức khách quan, đòi hỏi giải quyết hài hòa giữa ba phạm vi ứng xử của một con người: Cá nhân, gia đình, xã hội. Một số cán bộ bị tha hóa; có sự phân tầng về đẳng cấp, về hưởng thụ, về quan niệm sống. Mỗi cá nhân đều bị chi phối trong một bộ máy quản lý nhà nước vừa cồng kềnh vừa quan liêu. Chính sách kinh tế, chính sách xã hội không theo kịp sự phát triển của thực tiễn thậm chí không muốn nói là lệch. Khi xã hội thiếu sự định hướng kịp thời thì xu hướng phát triển tự phát để thích ứng với quy luật tồn tại là tất yếu; mà tự phát thì có thể đúng, có thể sai. Sân khấu cũng vậy. Những năm có hội diễn, những năm chẵn của các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, sân khấu trở lại đề tài yêu nước đánh giặc. Một vài tác phẩm phản ánh tinh thần hòa hợp dân tộc. Thoáng gặp ít, nhưng đáng mừng, những tác phẩm phản ánh hơi thở của cuộc sống hiện đại, dũng cảm phê phán những cán bộ bị tha hóa, phản ánh trung thực bản chất xã hội trong giai đoạn chuyển biến từ chiến tranh sang hòa bình và xây dựng kinh tế.

Giai đoạn từ 1986 đến nay, xã hội bắt đầu có định hướng mới - cải tổ hệ thống xã hội, đổi mới phương thức quản lý và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. ý nghĩa này có tầm quan trọng quyết định đến vận mệnh quốc gia. Chắc chắn sau này nó sẽ còn được lịch sử ghi nhận như một bước ngoặt lớn với định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Định hướng này đã và đang ảnh hưởng đến diện mạo tích cực của cả dân tộc. Nằm trong công cuộc đổi mới - văn nghệ sĩ nói chung, những người làm sân khấu nói riêng được “cởi trói”. Thời gian đầu, một loạt các tác phẩm gây xôn xao dư luận ra đời, mang những yếu tố tích cực thúc đẩy xã hội, góp phần làm trong sạch xã hội. Nhưng ngay sau đó sân khấu bắt đầu sa sút, thiếu vắng những tác phẩm sâu sắc về mặt nội dung, đẹp đẽ về mặt nghệ thuật. Phần lớn những vở được dàn dựng những năm gần đây nhanh chóng bị nhàm chán, công chúng không xem, ý nghĩa phục vụ cũng chẳng đáng là bao. Do đó phí công, phí của của Nhà nước, phí sức, phí thời gian của tập thể các nhà hát. Bên cạnh nhiều lý do khác, một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng khủng hoảng của sân khấu,làm cho sân khấu thiếu vắng khán giả là: Sự hội nhập với cộng đồng quốc tế, với khu vực đang phát triển theo khuynh hướng không đồng bộ. ở một số lĩnh vực khác của xã hội, tốc độ hội nhập, mở cửa rất nhanh, nhưng tiếc thay sự hội nhập quốc tế trong văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là trong sân khấu lại chưa rõ nét, thiếu phương thức. Mọi hoạt động trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi nhu cầu thông tin nhiều chiều. Thể chế dân chủ, giá trị nhân văn được trả lại đúng tầm của nó. Trong khi đó sân khấu chưa nói được cặn kẽ những nhu cầu cấp thiết đó. Xuất hiện khuynh hướng né tránh mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xã hội, sân khấu dựng những tiết mục mang cái bóng mờ nhạt của cuộc sống, đưa lên sàn diễn những mảng mầu giả tạo của cuộc sống, những cuộc đời lắp ghép không chân thực. Như vậy thì làm sao sân khấu có khán giả được.

2. Những thể loại sân khấu tiêu biểu của Việt Nam

Xác định rạch ròi tính chất của sân khấu là một vấn đề khoa học hết sức phức tạp. Thế nào là dân gian? Thế nào là dân tộc? Thế nào là hiện đại? Đó là câu hỏi gây nhiều tranh luận không chỉ riêng ở những người làm công tác sân khấu mà còn ở tất cả những người quan tâm đến nó. Có thể tạm chia sân khấu theo hai thể loại sau:

Kịch hát dân tộc: gồm chèo, tuồng, cải lương... Kịch hát dân tộc Việt Nam mang đặc thù của sân khấu châu á và ngược lại, nó bổ sung và chịu sự chi phối máu thịt của sân khấu châu á. Tuy chưa có một sự đánh giá khoa học có tính “cầm cân nảy mực” cho toàn bộ sân khấu châu á, nhưng nhận định sau đây của GS.TS Đình Quang là hết sức sâu sắc và tinh tế: “Nói chung kịch hát đã coi sân khấu là một sự trình bày, mà không phải là một sự tái hiện, nó không trực diện mô tả mà chỉ tả, khêu gợi trí tưởng tượng của người xem. Các thủ pháp nghệ thuật của nó không lôi cuốn khán giả hòa theo sân khấu mà vẫn giữ họ ở một khoảng cách nhất định. Trước sau sân khấu châu á không phải là bản thân cuộc đời mà chỉ là một cuộc trình diễn...”. Đối với kịch hát dân tộc, tiết mục cổ được khai thác nâng cao, biểu diễn có tính phổ biến và có sức sống lâu bền qua nhiều năm. Nhiều tiết mục đã được sửa chữa nhưng về cơ bản vẫn là những sáng tạo truyền thống. Những tiết mục mới có giá trị và được kiểm nghiệm qua thời gian đều thuộc về đề tài dân gian. Những tiết mục này được ưa chuộng trước hết ở tích truyện của nó là thành quả văn hóa lâu dài của nhân dân, và phương pháp nghệ thuật phù hợp với đối tượng phản ánh.

Kịch nói: ra đời muộn hơn kịch hát dân tộc và chịu ảnh hưởng đậm nét của sân khấu châu Âu, tiếp thu cơ bản quan niệm về sân khấu của Aritxtote, kịch cổ điển Pháp và thể hệ Stanislapski. Kịch nói xuất hiện ở Việt Nam trước tiên ở thành phố sau đó lan rộng đến nông thôn, và nhanh chóng chiếm được số lượng khán giả rộng rãi thuộc mọi thành phần xã hội, nhờ hình thức mới mẻ, thông qua đó có thể phản ánh những đề tài nóng bỏng của cuộc sống một cách thích hợp và dễ hiểu. ở kịch nói, khoảng cách giữa đời thường và sân khấu gần gũi hơn các loại hình khác. Những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giữa các luồng tư tưởng có bao giờ biến mất, nó luôn luôn là đề tài màu mỡ của kịch nói. Sự xuất hiện của kịch nói dần dần làm công chúng yêu sân khấu bị chia sẻ giữa hai thể loại. Nếu kịch hát dân tộc thiên về phản ánh, trình diễn các vở trong di sản truyền thống thì kịch nói lại đến với công chúng bằng những vở diễn mang hơi thở đương đại. Nếu công chúng đến với kịch nói ngày một đông hơn thì ở kịch hát dân tộc ngày một vắng hơn.

Phải hiện đại hóa sân khấu kịch hát dân tộc. Phải dân tộc hóa sân khấu kịch nói - đó không chỉ là lý luận mà còn là phương châm thiết thực cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu Việt Nam. Nhưng hiện đại hóa sân khấu kịch hát dân tộc như thế nào, dân tộc hóa kịch nói ra sao... còn là một chặng đường hết sức phức tạp và khó khăn. Yếu tố quyết định thành công vẫn là vấn đề muôn thuở, vấn đề Chiến lược con người.

3. Những người trực tiếp làm công tác sáng tạo và quản lý sân khấu

Những năm gần đây những người trực tiếp làm công tác sáng tạo và quản lý sân khấu đang thực sự lúng túng khi đứng trước một thực tế khách quan phũ phàng: Sân khấu ít người xem. Diễn viên đổ lỗi cho đạo diễn, đạo diễn đổ lỗi cho tác giả, tác giả đổ lỗi cho người quản lý, người quản lý đổ lỗi cho cơ chế. Cuối cùng bế tắc vẫn bế tắc... Lỗi nằm ở đâu vẫn chưa có cách tìm ra; hoặc là chưa dũng cảm nhận ra. Thực tế là lỗi nằm ở tất cả các khâu sáng tạo ra tác phẩm sân khấu mà người quản lý có lẽ phải là người chịu trách nhiệm lớn hơn!

Diễn viên: Họ đang sống vất vả bằng đồng lương ít ỏi, phần lớn phải làm thêm nghề thứ hai (mà nghề thứ hai lại chiếm phần lớn thời gian của họ), để tồn tại sinh sống, để làm nghề. Một số đến nhà hát như một địa chỉ để “cư trú” chứ không phải để làm nghề. Vậy thì họ làm sao có thể sáng tạo vai diễn hay được. Số diễn viên có tay nghề thì ngày một già đi, kiến thức của họ ngày một rơi rụng. Học sinh có năng khiếu theo học sân khấu ra trường khó xin việc làm, tương lai của họ chẳng mấy sáng sủa. Chưa kể sự đối xử với đội ngũ diễn viên ở các nhà hát cũng đang có nhiều bất cập. Mặt khác, diễn viên sáng tạo một số vai diễn trong tình trạng không thoải mái, vì vở diễn mà họ không thích, không có hứng thú sáng tạo. Họ phải sáng tạo những nhân vật chỉ là cái bóng chứ không phải là những nhân vật bằng xương bằng thịt của cuộc đời. Thử hỏi liệu có khán giả nào bỏ tiền ra đi xem cái bóng mờ nhạt của mình không?

Tác giả, đạo diễn và những người sáng tạo khác: Đây là những người sáng tạo đầu tiên, những người trực tiếp dàn dựng đánh giá và định hướng, làm nên tác phẩm sân khấu. Trong lịch sử sân khấu của chúng ta giai đoạn nào cũng có những nhà sáng tạo tài hoa. Nhưng những người tài hoa thường rất hiếm, sự ảnh hưởng củ họ đến sân khấu là lớn lao nhưng đáng tiếc vẫn không đủ để vượt qua, để giải quyết được những bế tắc của sân khấu hôm nay. Một số người sáng tạo sân khấu khác có tài, có tâm thực sự thì nay đã già, yếu, tiếng nói đóng góp trở nên yếu ớt. Số khác không nhỏ chiếm được những thành công ở những giai đoạn nhất định, nhưng họ lại chỉ lấy đó làm hành trang hành nghề cho cả hành trình hoạt động sân khấu của họ, mặc cho lịch sử phát triển, mặc cho nhu cầu thẩm mỹ của xã hội thay đổi, mặc cho sân khấu biến chuyển không ngừng. Tệ hại hơn cả là có một số nhỏ khác lạm dụng kinh tế thị trường, lạm dụng cơ chế đổi mới mon men vào nghề bằng những động cơ không trong sáng. Muốn phát triển, xin đừng bắt diễn viên sản xuất hàng giả, đừng bắt khán giả ăn những món ăn sống sít kém chất lượng.

Vẫn còn những gương mặt sân khấu đang hành nghề mà thiếu những kiến thức cơ bản về sân khấu, thiếu lương tâm và trách nhiệm. Sân khấu vẫn tồn tại những gương mặt ấy! Thử hỏi lấy đâu ra vở diễn đúng chưa nói là hay!

Những người quản lý sân khấu: Đây là nguyên nhân sâu xa mang tính bản chất dẫn đến tình trạng sân khấu bế tắc. Thực tế cho chúng ta thấy ở nhà hát nào, ở Sở Văn hóa thông tin nào có người quản lý giỏi về chuyên môn, có lương tâm với sân khấu, thì ở đó sân khấu vẫn sống, vẫn có khán giả. Người quản lý trên thực tế phải là người biết lo toan cho đời sống của anh em diễn viên, biết tận dụng và khai thác khả năng làm việc của những người sáng tạo khác, biết tổ chức định hướng đúng đắn khuynh hướng nghệ thuật của nhà hát và bắt buộc phải có sự hiểu biết về sân khấu. Nhưng những năm gần đây một số những nhà quản lý sân khấu nếu không nói là có lỗi với sân khấu, thì cũng đang có những bước đi sai lầm, bản thân họ là những người yếu năng lực nên họ sợ những người có năng lực, không những họ không khuyến khích những người có năng lực mà còn tìm cách hạn chế những người có năng lực, họ dựng nên những tổ chức, ban bệ để núp vào đó thực hiện những việc làm kém cỏi và thiếu lành mạnh trong sân khấu. Một khi mặt bằng văn hóa - chuyên môn cán bộ quản lý thấp thì làm sao sân khấu phát triển được, làm sao sân khấu có khán giả được.

Thiết tưởng đã là quá muộn để sân khấu gióng lên hồi chuông bắt đầu một cuộc đổi mới mà khâu then chốt là đổi mới quản lý và tổ chức. Tiêu chuẩn hóa cán bộ quản lý sân khấu là biện pháp đầu tiên, không thể thiếu được để đưa sân khấu ra khỏi cơn bĩ cực. Tác giả vĩ đại của sân khấu Anh nói riêng, của nhân loại nói chung đã nhắc chúng ta từ lâu: “Tồn tại hay không tồn tại”!

Thành Nhân

--------------------------------
Bài viết có sử dụng tư liệu của GS, TS Đình Quang và cố NSND Tào Mạt.

 

Khuyết danh
Số lần đọc: 4502
Ngày đăng: 03.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh
Bất ngờ giữa dòng chảy sân khấu kịch - Khuyết danh
Nghệ sĩ Hồng Vân:"Tôi luôn đứng phía sau ủng hộ các diễn viên trẻ" - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Khu di chỉ Óc Eo (khảo cổ)
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI (dân tộc học)
Chợ Việt Nam (dân tộc học)
Bình thơ : (văn hóa)
Phù điêu (nghệ thuật)
Võ Việt Chung và (thời trang)
Tranh dân gian (hội họa)
Dân ca (dân ca)
Văn Thánh Miếu (lịch sử)
Lý Cái Mơn (ca cổ)
Tranh dân gian (hội họa)
Ngày bình yên (thời trang)
Bàn tay (điêu khắc)
Bên nhau (điêu khắc)
Chim lửa (điêu khắc)
Cô gái vuốt tóc (điêu khắc)
Mối quan hệ (điêu khắc)
Ngọc (điêu khắc)