Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.203.771
 
Thi Sĩ Với Giai Nhân
Yến Lan

Chúng ta thử ngồi nghĩ thầm: một vườn hoa không có bông hoa, một cảnh non sông gấm vóc lại không có một tia sáng, một hồ biếc mà ngàn năm không có lấy một đêm trăng. Và giữa nhân loại này không tìm thấy một giai nhân? Ôi, Thượng đế! Có lẽ nào! Có lẽ nào trên vườn trần gian này không có giai nhân được? Vì giai nhân là hoa của vườn xuân, là ánh sáng của non sông, là trăng của hồ biếc, là nàng Tiên của tất cả. Nàng tiên của mọi linh hồn.

 

Riêng trong đám thi nhân, giai nhân được họ tôn thờ và ca tụng hơn hết. Người ta phải lợi dung cả danh nghĩa “giai nhân” để làm mồi cho đám thư sinh không ham học nữa. Ngày xưa, người chẳng đã đánh lừa một anh học trò lười rằng “Thư trung hữu mỹ nhân như ngọc” Anh chàng lười mà đa tình này tưởng trong sách có mỹ nhân đẹp như ngọc thật, liền chui đầu đọc sách. Thế rồi mười năm sau anh tỉnh ngộ. Anh thi đỗ và được giai nhân con quan chánh chủ khảo chú ý. Thế rồi từ đó anh ta lấy tài thi văn của anh ra mà ca tụng “người ngọc”của anh và mở đầu một cuộc “luyện” giai nhân vào trong thơ.

 

Rồi người ta đua nhau tìm những tiếng hay, những lời đẹp để tặng giai nhân của mình

Và mỗi buổi sáng kia, những cậu thư sinh còn dưới tuổi mười sáu dã cao giọng “kẻ sách”

 

Quan quan Thư cưu

Tại hà chi châu;

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu

(KINH THI)

 

Dịch

Tiếng chim Thư cưu

Hỏi bên sông sâu;

Có nàng yểu diệu,

Khách quân tử cầu

(V.T.Can)

 

Riêng bốn tiếng “Yểu điệu thục nữ”cũng đủ tả cái cốt cách của một giai nhân rồi. Can chi phải thêm “phù dung như diện, liễu như mi” để cho người yên chí rằng: “mặt nàng” chỉ đẹp bằng hoa phù dung và “mày nàng” chỉ mềm bằng lá liễu. Không “nàng” còn đẹp hơn nữa, đẹp não nùng.

“Người ta” đã giận cụ Tiên điền Nguyễn Du ở những câu này:

 

...trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hao ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

 

“Người ta”còn đẹp lắm cơ, đẹp nhiều cơ. Không một ai nên ví “người ta” với cái gì cả. Vì chả cái gì sánh được với cái đẹp huyền ảo của “Người ta”

 

Núi mùa xuân có đẹp, trăng mùa thu có đầy, hoa có thắm, lá có xanh. Nhưng tất cả những cái ấy đều đẹp có hạn cả. Chớ nhan sắc của “Người ta” nó mơ hồ huyền ảo biết ngần nào. Đừng ví với cái gì nữa mà có tội.

 

Cứ như hai nhà thi sĩ Nguyễn Bính và Nguyễn Nhược Pháp thế mà hóm. Này nhé, “Người ta” của Nguyễn Nhược Pháp chỉ có thế này:

 

Mê nàng bao nhiêu người làm thơ

Khiếp! Bao nhiêu người làm thơ vì “Nàng”. Chắc nàng đẹp lắm. Đẹp hết chỗ nói. Nhưng cái chỗ “hét chỗ nói” ấy nó cho người đọc một hình ảnh mập mờ mà thích lắm, thích lắm.

 

Ba năm trở lại đất Hà Đông,

Người cũ, cô Oanh má vẫn hồng.

Tóc vẫn bỏ lơi răng vẫn trắng,

Vẫn ngồi lơ đãng liếc qua song.

Nhưng vẫn vô tình với khách thơ

Qua đường, hai mắt ngại ngùng đưa.

Mà hai mắt ấy lâu nay vẫn

Riêng để nhìn ai trong giấc mơ.

Nguyễn Bính

 

Thôi nhé, thế là đủ rồi. Một cô gái răng trắng bóng, má hồng hồng, tóc bỏ lơi lại ngồi mơ mộng bên cửa sổ là đủ tài liệu cho một bức vẻ của nhà nghệ sĩ tài hoa rồi.

 

Và anh chàng nghệ sĩ của màu hoàng yến lại càng “hóm” nữa. Cứ đọc mấy câu thơ “lăng nhăng” này của anh ta, mình cũng cảm động:

 

Nếu không trăng

Đêm đông tôi ngâm thơ cùng gió lạnh.

Nếu không gió

Trưa hè tôi tìm vận dưới ao sen,

Mà không trăng, không gió, không ao sen.

Tôi im lặng..., nhìn môi người thiếu nữ

V.T.Can

 

Thế thôi. Không hơn một lời. Không phải nói rằng môi ấy “thắm như san hô”. Vì lắm người có biết san hô là cái quái gì đâu.

 

Cái nhan sắc của giai nhân đã huyền ảo không chừng thì thi nhân cũng phải tìm những vần mơ hồ mà tả. Ta hãy nhắm mắt lại mà đọc câu này:

 

Bóng tiên thấp thoáng trong mành,

Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Rồi ta tưởng tượng, tưởng tượng. Đây là giai nhân của Thế Lữ:

Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ,

Cô nàng cao váy ỡm ờ đứng trông

Tóc cô gió lững lơ chòng

Nắng vàng rỡn cặp má hồng hồng tươi.

Đọc mấy lời ấy còn thú vị hơn mấy câu này:

Đôi mắt xanh đắm đuối long lanh,

Như đôi ngọc huyền, sâu sa, huyền bí

Cặp môi son đằm thắm nét anh đào.

 

Ai thì không biết chứ riêng tôi từ bé tôi không biết “đôi ngọc huyền” và “nét anh đào” là cái quỉ gì để so sánh với mắt “nàng cả”./.

 

TTTN Số 10 tháng 11 năm 1938

 

Yến Lan
Số lần đọc: 2286
Ngày đăng: 07.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mưa Đêm - Nguyễn Hồng Nhung
Qui Nhơn Và Chương - Yến Lan
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều
Nhớ nhà thơ Quang Dũng: Cụ Thợ Vẽ Và Chị Ăn Mày - Vân Long
Lữ Kiều, chàng nho sinh... - Nguyễn Lệ Uyên
Tình Người Trí Thức Nghèo - Lâm Bích Thủy
Cám Ơn Đời Mỗi Sớm Mai Thức Dậy… - Mang Viên Long
Ký Ức Phố… - Lê Trâm
Phú Quí Sinh Lễ Nghĩa - Mang Viên Long
Những Miền Qua (4) - Nguyễn Thị Hậu