Thầy giáo Bê-li-cốp là nhân vật chính trong truyện “Người trong bao” (bản tiếng Anh có tên là “The man in a case”) của nhà văn người Nga An-tôn Sê-khốp (1860-1904). “Người trong bao” là một truyện ngắn độc đáo, đã phản ánh được lối sống hèn nhát, lẫn tránh thực tại, thực tại ngột ngạt, phi lí dưới ách thống trị của Nga hoàng. Và, qua đó, lên án, đả kích chính cái chế độ đáng nguyền rủa đó.
Truyện có một cốt truyện lồng : truyện của thầy giáo Bu-rơ-kin kể về thầy giáo Bê-li-cốp được lồng trong câu chuyện của nhà văn. Nhà văn giới thiệu với chúng ta hai nhân vật : bác sĩ I-van I-va-nứt và thầy giáo Bu-rơ-kin đi săn, về trễ, phải ngủ lại trong một nhà kho ở cuối làng. Vì nóng nực, không ngủ được, hai người kể cho nhau nghe hết chuyện này sang chuyện khác. Và, thầy giáo Bu-rơ-kin đã kể cho bác sĩ I-van I-va-nứt nghe chuyện về thầy giáo Bê-li-cốp. Câu chuyện, vì thế, có tính khả tín cao, có tính chân thật nghệ thuật cao : thầy giáo kể về thầy giáo, họ lại dạy cùng trường, ở cùng căn hộ, hai phòng ở đối diện nhau.
Qua lời kể trầm buồn của thầy giáo Bu-rơ-kin, hình tượng nhân vật thầy giáo Bê-li-cốp dần dần hiện ra. Cần lưu ý là lúc này thầy giáo Bê-li-cốp đã qua đời hai tháng. Dân gian ta nói : “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Người Nga chắc cũng như thế.
Thầy giáo Bê-li-cốp có cái vẻ bề ngoài không giống ai. Lúc nào thầy cũng đi giày cao su, mặc áo bành tô, đeo kính râm, đội mũ, hai lỗ tai nhét bông, tay cầm dù,… Các vật dụng của thầy đều được để trong bao. Thầy giáo Bu-rơ-kin cho rằng cuộc sống làm cho thầy giáo Bê-li-cốp sợ hãi, khó chịu, thường xuyên lo âu nên thầy giáo Bê-li-cốp phải che chắn mình kĩ lưỡng như thế.
Thầy giáo Bê-li-cốp không thích nghi được với hiện thực xã hội, với cuộc sống đang diễn ra. Thầy giáo Bê-li-cốp đã trốn vào quá khứ, trốn vào tiếng Hi Lạp mà thầy giảng dạy. Cả những ý nghĩ của mình, thầy giáo Bê-li-cốp cũng cố giấu vào “bao”. Đối với thầy giáo Bê-li-cốp,chỉ có những chỉ thị, thông tư, những cấm đoán … mới là điều đáng quan tâm.
Với cung cách sống như thế, thầy giáo Bê-li-cốp đã khiến mọi người e ngại, sợ sệt, xa lánh. Và cuối cùng, có thể vì chấn thương khi bị Cô-va-len-cô xô ngã xuống cầu thang, có thể vì đói khát, có thể vì u uất … mà thầy giáo Bê-li-cốp đã qua đời một cách lặng lẽ.
Như đã trình bày ở trên, thầy giáo Bê-li-cốp vừa là sản phẩm của cái xã hội ngột ngạt, tàn bạo, bất công vừa là nạn nhân đau khổ, bi thảm của cái xã hội ấy. Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng An-tôn Sê-khốp viết truyện “Người trong bao” không chỉ nhằm “phê phán lối sống “thu mình trong bao” của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX” (1) hay “phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX” (2) mà còn - chủ yếu là (tôi nhấn mạnh) - đả kích chế độ Nga hoàng tàn bạo, bất công, ngột ngạt lúc bấy giờ.
Sau cái chết bi thương của thầy giáo Bê-li-cốp, người ta vẫn thấy nhan nhản những “người trong bao” khác. Vậy, vấn đề không phải là chống lại , tiêu diệt những “người trong bao” mà là phải xoá bỏ cái xã hội đã sản sinh ra những “người trong bao” ấy. Chừng nào cái chế độ tàn bạo, thối nát, bất công ấy còn tồn tại thì những sản phẩm và cũng là nạn nhân của nó vẫn không thể mất đi.
Theo tôi, viết truyện “Người trong bao”, An-tôn Sê-khốp không chỉ nhằm phê phán, đả kích giới trí thức hèn nhát, bạc nhược đương thời bởi trong đó có cả nhà văn An-tôn Sê-khốp. Ở nhân vật thầy giáo Bê-li-cốp, có một phần nào đó của chính An-tôn Sê-khốp. Đó có thể là sự hèn nhát, không dám trực diện lên án, chống lại bạo quyền.
Căn bệnh phổ biến của giới trí thức là hèn. Họ biết tất cả, họ hiểu tất cả nhưng để sống còn, để tồn tại, để gia đình, vợ con được yên ổn, họ làm như không biết, họ hèn. Trừ những kẻ xu nịnh nhà nghề, người trí thức còn có lương tâm, họ biết tên vua đó là ngu dốt nhưng đôi khi họ vẫn phải nói : “Bệ hạ thật anh minh !”, họ biết tên vua đó là ác độc nhưng đôi khi họ vẫn phải nói : “Bệ hạ thật nhân từ !”. Có thể sau đó họ chửi thầm : “Thằng vua ngu !”, “Thằng vua độc ác !”.
Những cấm đoán phi lí, bất công của một chế độ độc tài, độc đoán đã khiến người ta phải nghĩ một đàng nói một nẻo, nói một đàng làm một nẻo, nghĩa là ai cũng phải nói láo, làm láo. Vì vậy, nếu nói như sách Ngữ-Văn lớp 11 (tập hai) là qua truyện “Người trong bao”, An-tôn Sê-khốp chỉ “phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX” (3) là chưa thoả đáng.
Đọc truyện, chúng ta thấy thầy giáo Bê-li-cốp vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Cái đáng thương có lẽ nhiều hơn cái đáng trách bởi vì thầy giáo Bê-li-cốp vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân, một nạn nhân bi thảm, của cái xã hội ngột ngạt, ngu xuẩn ấy.
Theo tôi, viết truyện “Người trong bao”, An-tôn Sê-khốp nhằm đả kích, lên án chế độ xã hội ngột ngạt, tàn bạo thời Nga hoàng chứ không phải chỉ để phê phán những nạn nhân bi thảm của cái chế độ xã hội ấy. Và, đấy mới là sự sâu sắc của An-tôn Sê-khốp. Xây dựng hình tượng “người trong bao”, một hình tượng có tính ẩn dụ vô cùng độc đáo để phản ánh bộ phận trí thức bạc nhược, ươn hèn và qua đó lên án, đả kích chính cái đã sản sinh ra bộ phận trí thức bạc nhược, ươn hèn ấy : chế độ xã hội Nga hoàng cuối thế kỉ XIX.
Các chế độ đoán, chuyên quyền thường có xu hướng làm cho nhân dân của nó trở nên hèn nhát. Bởi vì sự ươn hèn, bạc nhược ấy “giúp” nó dễ dàng thống trị, dễ dàng ức hiếp, đễ dàng chà đạp.
Và, thầy giáo Bê-li-cốp, vì thế, thật đáng thương !./.
Ninh Thuận, 11-5-2009
(1) Mục Kết quả cần đạt ở sách Ngữ-Văn 11 (tập hai), trang 65.
(2) (3) Mục Ghi nhớ ở sách Ngữ-Văn 11 (tập hai), trang 70.