Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.987
 
Hoàng Tích Chu, Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu
Lại Nguyên Ân

Một tư liệu về văn phong báo chí - Vài lời của người sưu tầm

 
Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu


Bài viết tôi giới thiệu lại dưới đây thuộc về ngòi bút một nhà báo từng góp công sức đáng kể vào bước trưởng thành của báo chí văn chương tiếng Việt, nhất là báo chí văn chương ở miền Bắc Việt Nam những năm 1920-30: Hoàng Tích Chu (1897-1933). Đây là bài viết mà tác giả buộc phải nói về mình, đáp lại một cuộc tranh luận. Tuy vậy, điều có ích hơn đối với đám hậu sinh chúng ta lại là những quan sát của một người trong cuộc về sự tiến triển của văn chương báo chí tiếng Việt ở những bước đầu tiên. 



Chắc hẳn từ rất xa xưa người Việt đã nói tiếng Việt! Song, viết tiếng Việt thì xa xưa chỉ có thể viết bằng chữ Nôm. Ngay ở thời đại văn chương Hán-Nôm của Việt Nam, thơ Nôm (văn vần) đã đạt đến trình độ bậc thầy, trong khi văn (xuôi) Nôm thì quá ít phát triển và chỉ đạt mức các bài

tập. Cho nên, từ cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ và từ đầu thế kỷ XX ở Bắc Kỳ, tức là mới chỉ cách nay trên một trăm năm, với công cụ mới là chữ Quốc ngữ (viết bằng các mẫu tự Latin abc…), và với phương tiện truyền thông mới là báo chí, người Việt mới thực sự bắt tay vào việc tạo ra các khuôn mẫu viết văn xuôi bằng thứ tiếng đã nói hàng ngàn năm của dân mình. Nói không quá, con-người-nói-tiếng-Việt, chỉ từ đây mới bắt đầu tập nói năng trên giấy, tập suy nghĩ trên giấy! Có hiểu tình thế nêu trên mới hình dung được tầm mức khó khăn của công việc mà các bậc tiên khu của chúng ta đã làm; hiểu tình thế nêu trên còn giúp chúng ta không thấy lạ về sự đồng hành của văn chương và báo chí tiếng Việt suốt những thời gian dài, nhất là từ giữa thế kỷ XX trở về trước. 

Những nhận xét của nhà báo Hoàng Tích Chu về các lối văn thành hình trong thực tế báo chí ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX, xem ra, lại chính là những điều mà các giới nghiên cứu sử học, văn học, ngữ học trong nước lâu nay rất ít đề cập. Vậy mà những nhận xét này lại chạm đến được những dữ kiện có thật của lịch sử báo chí tiếng Việt. Tôi chú ý giới thiệu lại bài báo này là vì thế.


Sau cùng xin nói vắn tắt về khung cảnh xuất hiện bài báo này. 


Những năm 1930-31, báo Đông phương dấy lên luồng dư luận công kích lối văn báo chí của Hoàng Tích Chu; người đeo đuổi việc công kích ấy là Thục Điểu (Ngô Tất Tố) [xem loạt bài này trong sách: Ngô Tất Tố, Tiểu phẩm báo chí, (Cao Đắc Điểm sưu tầm biên soạn) Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn, 2005, tr. 133-178]. Một điểm cũng nên lưu ý là trong khi Ngô Tất Tố chê văn Hoàng Tích Chu thì trên báo Trung lập ở Sài Gòn, Phan Khôi lại khẳng định: “Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là ‘lối văn Hoàng Tích Chu’, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi”, đồng thời cho rằng “Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương […] không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong mới được” (“Văn nghị luận phải viết thế nào”, Trung lập, Sài Gòn, 18/7/1931). 


Hoàng Tích Chu không trả lời những bắt bẻ câu chữ của Thục Điểu, nhưng lại phác hoạ các lối văn viết báo đã hình thành ở làng báo xứ Bắc và kể lại con đường của mình, sự lựa chọn văn phong của mình. 


Đối với hậu thế chúng ta, chính sự phác họa ấy lại là đáng nghe để biết hơn cả. 



Ghi chú thêm về tiểu sử nhà báo Hoàng Tích Chu 


Theo tác giả Chương Đài ("Hoàng Tích Chu, ông tổ văn mới”, Tràng An, Huế, 30/10/1936) thì từ 1921 Hoàng Tích Chu đã làm trong toà soạn Nam phong; năm sau làm cho tờ Khai hoá của Bạch Thái Bưởi, viết bài ký bút hiệu Kế Thương. 1923 vào Nam Kỳ, xuống tàu làm phụ bếp qua Hồng Kông, Thượng Hải, sang Pháp. 1926 cùng Đỗ Văn về nước. 1927 lại đáp tàu thuỷ sang Pháp, chú ý đi dự nghe các buổi diễn thuyết của báo giới và các buổi giảng khoáng đại của một vài đại học. 1929 về nước, giúp việc biên tập Hà thành ngọ báo của Bùi Xuân Học, thời gian này mục “Câu chuyện hàng ngày” của Hoàng Tích Chu được dư luận chú ý. Cuối năm 1929, bộ ba Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính bỏ Ngọ báo, sáng lập Đông tây tuần báo. Tờ này do Hoàng Tích Chu chủ trì, có lúc được coi như là “tờ báo của thanh niên Hà Thành”; đến giữa 1932, khi Đông tây đổi thành báo hằng ngày được gần 2 tháng thì bị rút giấy phép. Hoàng Tích Chu sang làm tờ Thời báo (của Phùng Văn Long) làm sống lại tinh thần của tờ Đông tây, được gần hai chục số thì Thời báo lại bị cấm. Hoàng Tích Chu lâm bệnh và mất vào 30 Tết Quý Dậu 1933. Cuốn hồi ký Mấy chàng trai… thế hệ của Dương Thiệu Thanh (xuất bản 1969 ở Sài Gòn) cũng có một số tài liệu về Hoàng Tích Chu và về điều mà tác giả này gọi là “tập đoàn Hoàng Tích Chu” trong hoạt động báo chí ở Bắc Kỳ những năm 1920-40.

 
Lại Nguyên Ân 

 

Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu

I. [Vào đề] [1] 

Gần đây, một bạn đồng nghiệp xướng lên cuộc “tẩy chay” về văn chương. Trên báo ấy, trong khuôn nho nhỏ để mấy dòng chữ đen, đại khái: Những bài của độc giả gửi đến, nếu viết theo lối văn ông Hoàng Tích Chu (cho phép tôi xoá chữ “ông”) thì bị bỏ vào sọt giấy. 

Cách vận động ấy, tôi cho là không nhã trong tình văn cũng như nhiều điều vu cáo sỗ sàng của lắm kẻ nói mò, đều không thể bắt tôi phải trả lời. 

Nhưng không phải là hạng làm cao, giả cái bộ con người không tẹp nhẹp, tôi vốn mong được dịp phô bày ý kiến với các bạn đồng nghiệp chất vấn nhau một cách chánh đáng. Vì tôi nghĩ: nghề làm báo An Nam đã chẳng được nói nhiều, thì tội gì phí giấy mà vẽ voi, rỗi mồm mà gây chuyện bẩn. Như mới rồi một tờ báo Tây bản xứ cũng phạm cái lỗi nói mò, tôi vừa bắt đầu lên tiếng thì một bạn đồng nghiệp lại hiểu lầm cho tôi đổi thay thái độ. Khá tiếc! Lại vì tôi nghĩ: trong làng báo ta quanh quẩn được mấy lăm người, tình đồng nghiệp đã không gắn bó để kiến trọng với người, lại cứ đăm đăm rình nhau miếng một. 

Còn nữa, vì tôi nghĩ: tờ báo ở xứ ta có thể sớm còn chiều mất. Nó đã không thuộc quyền ta tự chủ thì anh em ơi! với mọi điều gì có ích cho quốc dân, chúng ta nên có kẻ tung người hứng, mở đường sáng tỏ cho dư luận. Cớ sao lại vào hùa với tiếng thị phi vô căn cứ mà tìm cách gièm nhau, để đến nỗi trái cái lẽ tự nhiên: báo quán dẫn đường cho dư luận, Đông tây, ngoài mấy phen to tiếng, bởi vậy vẫn giữ lại cái thái độ hòa bình. Hòa bình không phải là nhút nhát.

Việc đối phó với báo Bạn dân, tôi chưa kịp hết lời, ông chủ báo ấy đã đánh dây nói tỏ ý hiểu nhau, thì đến nay, đọc hai bài ông Thục Điểu phê bình lối văn của tôi. Giọng nói tuy vẫn có tính chất pha trò, […] viết văn khôi hài phải [… ư] ra, ngọn bút […] [2] nghiêm nghị. Đó, cái dịp cho tôi được cùng một bạn đồng nghiệp bàn đến lối viết văn Quốc ngữ ngày nay. Việc trả lời nhà phê bình sẽ nói rõ ở đoạn sau. 

Lối văn Hoàng Tích Chu! Độc giả với các nhà văn tự cho phép tôi cùng ông bạn đồng nghiệp gọi vậy. Mà làm sao được! “Văn Hoàng Tích Chu” đã may thành ra một danh từ, lắm người quen gọi rồi. Ngày nay tôi không thể không nhận có nó, nhưng tôi chẳng khi nào dám nhân tiện khoe môi vì nó. 

Vì sao? Vì thực ra, nó chẳng phải để trong trí sáng kiến của tôi. Vì phiền lắm, nó đã gây nên nhiều cái dở cho nền văn Quốc ngữ. 

Thế thì nó nguyên là của những ai? Thế thì nó sinh ra những chứng dở gì? Tôi sẽ xin lần lượt nói tới ở vài bài sau. 

Ông Thục Điểu cũng hẳn bằng lòng cho tôi nhân câu chuyện “Nói chơi” mà có lẽ viết ra được những bài có ích. Ông hẳn cũng thư cho tôi ít bữa, vì một nách đôi ba con mọn, nhiều việc khác trong Đông tây, tôi chẳng thể để nhờ ai. 


II. Lúc mới xây nền quốc văn 

Lúc chữ Quốc ngữ dùng viết văn xuôi tức là lúc chữ Quốc ngữ đã thịnh hành. Mà chữ Quốc ngữ bắt đầu được thông dụng thật là nhờ từ hồi trong nước có báo chí. 

Nói đến đây, ta không thể không nhớ công những bậc tiền bối. Dù là người có Tây học hay là người có Hán học, bọn lính tiên phong ấy một sớm cầm bút sắt nhảy vào trường văn tự mới, hẳn rằng gặp lắm nỗi khó khăn. 

Trong thành Hà Nội năm 1905 tung ra hai tờ báo. Của dẫu lạ tai mắt người ta, nhưng là thứ thông dụng hơn những quí vật năm xưa của chúa tàu Tây khi đậu cửa Đà Nẵng đem cống hiến nhà vua. Tờ Đại Việt tân báo, phần chữ Hán có cụ Đào Nguyên Phổ, mà cụ Hàn Thái Dương thì coi phần quốc văn. Còn tờ Đại Nam đồng văn có cụ bảng Đa Ngưu coi phần chữ Hán, mà phần Quốc ngữ thì do ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương. 

Cái buổi sơ khai, phần Quốc ngữ trong hai tờ báo ấy phần nhiều là bài dịch các công văn. Dịch công văn tuy không phải là việc khó như ngày nay ta so với việc dịch một bản diễn văn, nhưng hồi bấy giờ ai nào đã quen, cách dùng chữ lối đặt câu thật chưa thuận tiện trên cán bút thì nhà phiên dịch không phải chẳng dụng công. Muôn việc khó ở lúc bắt đầu. Cái chỗ dụng công của người trước há chẳng là cái chỗ chúng ta được hưởng ở ngày nay sao? 

Đến lúc Đăng cổ tùng báo ra đời. Một kỷ nguyên mới trong làng báo. Trên trận bút đã thấy lối văn công kích, trong trường văn mới nẩy ra khách tài hoa. Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính với Phạm Duy Tốn, ba tay róng trống, một tiếng hò nhau. Đối với nền quốc văn, quốc dân như đã có cảm tình từ đấy. Nhưng người viết được hay người ưa viết nó vẫn thấy được về số ít. Mãi đến hồi Đông Dương tạp chí xuất bản (1913) […] thịnh của quốc văn […] đội quân kia dắt […] [3] làm việc, mà người phụ họa, lúc này sao đông thế! Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục,

Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh, nhà quan, nhà giáo với bọn sinh viên trường Sĩ hoạn cùng xô ra góp sức xây nền. Cái nền ấy, như muốn được tốt đẹp vững bền, tất phải cần có nhiều tài liệu. 

 

Thì tài liệu lấy ở đâu ra? Ở văn Tàu với ở văn Pháp. Trong tập Đông Dương giấy nát chỉ long bởi vậy phần nhiều bài thuộc về phiên dịch. Dịch các thứ tiểu thuyết đoản thiên trường thiên, dịch những đoạn thi văn tuyệt tác. Không kể dịch văn Tàu, Phan Kế Bính là một nhà dịch rất lọn nghĩa mà không hủ. Nói đến việc dịch văn Tây, ai nhận kỹ hẳn cũng thấy từ xưa có hai lối khác nhau, lối Nguyễn Văn Vĩnh với lối Phạm Quỳnh. Trong hai lối ấy, lối văn Hoàng Tích Chu chịu một phần ảnh hưởng như thế nào, sau tôi sẽ nói. 

Ngoài văn dịch, trong tạp chí Đông Dương không phải là không có các văn bài khác. Gõ đầu trẻ, lời đàn bà, luận về luân lý, về lý tài, về thời cục, có mục để mua vui giải trí, có mục để bàn bạc sâu xa. Làng báo hồi bấy giờ thật đã biết khéo xoay đủ ngón. “Báo để dạy dân. Nhưng dạy khó thì ít người hiểu, mà dạy sơ thì ai chịu xem. Chúng tôi muốn sự học ấy thành ra một sự chơi không khó nhọc” - Lời tuyên bố đại khái của Đông Dương tạp chí, kể đã là mới lắm rồi vậy.

Nhưng lối văn Quốc ngữ hồi ấy thế nào? 

Tôi nghiệm ra rằng các nhà viết văn bấy giờ thật dụng công hơn sau này nhiều, chịu gọt rũa, chịu suy xét, không có cái thứ văn vu vơ, non nớt. Có lẽ bởi cái quan niệm: Người nào viết báo phải là người có học, thì những nhà mà tôi vừa kể trên kia quả chẳng phải bọn học dốt chỉ nói càn, óc ngu hay cãi bướng. Cái quan niệm ấy, than ôi, không còn giữ đến ngày nay, mà cái giá trị làng báo cũng vì vậy kém sút đi chăng? 

Có điều này ta nên chú ý là: trong buổi mới, mấy nhà viết văn như đã có khuynh hướng muốn thoát ly hẳn chữ Tàu. Xem ngay cái tên đặt cho vài mục trong báo, như: Gõ đầu trẻ, Lời đàn bà, người đặt ra thật bạo đưa cán bút, không sợ nó là “nôm” như sau này có lắm người phải khuân hàng đống chữ Tàu thay vào mới cho là có bề trịnh trọng. 

Công của ai nên trả cho người ấy. Dùng được tiếng nôm khéo, ta nên biết công ấy cho ông Nguyễn Văn Vĩnh. Đọc những bài thơ ngụ ngôn và mấy bộ tiểu thuyết ông dịch ở chữ Tây, ta thấy rằng lối văn Nguyễn Văn Vĩnh đã nhân văn Pháp mà tìm được ra những tiếng mới.

Nhưng sao hồi đó, người ta không kêu văn Nguyễn Văn Vĩnh là mới? Có lẽ vì người ta cho ông chỉ là một nhà Tây học, tuy lời văn trôi chảy, độc giả đã hoan nghênh lắm, mà như có ý coi nó “nôm” quá, hay “chướng” quá. 

Người ta đọc lối văn này như ông Phạm Quang Sán đã viết, cho là thuận tai hơn: 

Trong một hội phải có điều lệ thì mới thành ra tư cách một hội, trong một làng phải có khoán ước thì mới thành ra tư cách một làng, huống chi nước là một đoàn thể rất nhớn của loài người mà lại không có luật lệ ư?” 

Đó thật là lối viết theo thể luận của văn Hán. Nhưng trái lại, lối viết theo văn Pháp, có phần sốc nổi, cứng cáp, nhiều ý mà không rườm lời, như: 

Làm người phải sống, sống để mà sống, sống để mà đem cái viên gạch phần mình vào cái nền công quả xa xôi, huyền diệu. Mà ở thế gian này, có yên vui được trong lòng, họa chăng chỉ ở việc gắng sức mà sống ấy thôi.” 

Lối văn Nguyễn Văn Vĩnh kể ra thật mới, đem so với lối văn trên, cái chỗ khác nhau là ở cách dùng chữ, cách đặt câu và nhất là cách lập luận. 

Kể một thí dụ này, ta thấy rằng hồi bấy giờ, văn Quốc ngữ viết ra đã chia ra ba lối: lối viết theo văn Pháp, lối viết theo văn Tàu, và lối “tham bán” là lối viết theo cả hai thể văn Trung-Pháp, tức là lối viết của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc vậy. 

Trong ba lối, lối tham bán và lối viết theo văn Tàu được nhiều người dùng hơn. Còn lối Nguyễn Văn Vĩnh, không thấy mấy người theo, mà nó đến nỗi không ai biết đến, nhất là từ hồi có báo Nam phong ra đời, ông Phạm Quỳnh tải vào lòng văn lắm chữ Tàu quá ư kỳ quặc.

III. Trong hai lối văn Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh 

Đông Dương tạp chí rồi trút lốt sang Trung Bắc tân văn. Hồi ấy khoa cử dẫu đã gần tàn mà thế lực chữ Tàu còn mạnh lắm. Nhà nho ta ít người đọc viết được chữ Quốc ngữ. Cái lối văn Nguyễn Văn Vĩnh bởi vậy dù đã có nhiều vẻ mới, nhưng thực chẳng mấy người theo. Người ta cho nó là nôm! Cái “nôm” ấy, tôi tưởng là chỗ khó bắt chước cho những khối óc còn chứa đầy khuôn sáo cũ. 

“Phi Hán tự bất thành văn”, cái quan niệm đó, từ mấy ông nhà nho xướng lên rồi thành ra như một điều luật đối với mấy nhà tân học khi sắp cầm bút viết văn mẹ đẻ. Đến sau này mà đến cả ngày nay nữa, người ta còn tưởng lầm thế. Văn Nguyễn Văn Vĩnh nôm na quá, vì văn Nguyễn Văn Vĩnh ít mượn đến chữ Tàu. 

Ra đời gặp lúc chữ Tàu đã nhường ngôi cho chữ Tây, tạp chí Nam phong buổi mới, được độc giả hoanh nghênh lắm, cũng như đối với Đông Dương tạp chí hồi xưa. Mà hoan nghênh vì cớ gì? Một cớ lớn vì ông Phạm Quỳnh đã khéo theo thời thượng dùng thật lắm danh từ mới của chữ Tàu, cũng như hồi đó, bọn nhà nho ta làm luận, làm văn sách (kim văn) ưa dùng nhiều chữ mới như phong trào, chủ nghĩa, phương châm, mục đích, vũ đài, v.v Trong khi nhà nho đang sính chữ mới, lại được nghe thứ văn Quốc ngữ có lắm chữ mới hơn, Nam phong tự nhiên thu được cái giá trị độc nhất trong làng văn tự bấy giờ. 

Đánh trúng chỗ yếu của người đọc, ông Quỳnh khuân ngay chữ Tàu mới vào quốc văn mỗi ngày một nhiều, đến nỗi ăn phải bả có thiếu chi người, người viết văn cũng mỗi ngày đua nhau viết lối Nam phong. Văn Nam phong, người ta hiểu ngầm là lối văn Quốc ngữ có dùng nhiều chữ

Hán. Đã có người trong Nam Kỳ phản đối lối văn khó hiểu ấy, nhưng cũng không lại được với món quà đang thích dụng ở Bắc Kỳ. Lại gặp lúc khoa cử tàn rồi, hạng nhà nho - trừ mấy ông vốn có duyên nợ với quốc văn như Dương Bá Trạc, Phan Khôi, Nguyễn Bá Học – còn hoặc không nhanh chân chạy vào trường sĩ hoạn, hay hết cái nghề đặt trường dạy trò, mà xoay ra cái đời viết báo dịch sách thì mấy ông ấy càng thịnh dùng chữ Tàu lắm. Thường trong một câu, chữ Tàu chiếm đến 7/10, có thế, văn chương mới trịnh trọng! Lối viết văn theo Tàu bởi vậy đắc dụng hơn hết, mà lối văn Tản Đà cũng bởi vậy đã lên tiếng khua đời một dạo. 

 

Cái địa vị viết báo, ai chịu để riêng cho mấy ông nhà nho có học. Bọn thanh niên hồi ấy cũng dần dần đua nhau ra múa bút. Này Dương Phượng Dực, này Nguyễn Mạnh Bổng với tôi đây chính là người trong bọn đó. Một điều đáng mừng nhưng cũng là điều đáng lo cho quốc văn. Đến nỗi trong tòa soạn Nam phong khi còn lẩn lút trên căn gác nhỏ phố Hàng Bông, ông chủ nhiệm đã lên tiếng phàn nàn với tôi: trong bọn thanh niên nhảy vào trường viết văn, trừ kẻ vô học, chỉ quanh quẩn mấy câu sáo vặt, còn một số người có Tây học đang mắc cái tật dùng lầm chữ Hán. Đã không có Hán học lại muốn viết theo lối văn Tàu, văn mấy ông thanh niên ấy không thành ra một lối nào. Nhưng cũng nên tìm cho một tên, thì gọi nó là lối “ba lăng nhăng”. Ấy cũng là cái quả báo trong văn giới đang lúc giao thời. 

Các ngài độc giả đừng thấy tôi nói từ nãy đến giờ mà vội tưởng lối văn Phạm Quỳnh là dở. Chỉ là cái hay của người, ta không biết đó thôi. 

Muốn biết lối văn Phạm Quỳnh, ta phải so sánh với lối văn Nguyễn Văn Vĩnh, mà muốn biết được cả hai lối văn ấy, ta cần phải xem qua cái lối phiên dịch của hai người ấy trước. Hai nhà Tây học này bắt đầu viết văn từ dịch văn. 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch văn Tây chỉ cốt tóm hết ý từng đoạn, rồi xoay xỏa viết ra tiếng ta cho thông để dễ hiểu. Nhưng chớ tưởng thế là dễ. Đã tóm hết ý của nguyên văn, lại giữ làm sao cho không mất mầu mẽ và tinh thần của câu văn. Đọc những bài thơ dịch ở Ngụ ngôn Lã Phụng Tiên [4], ta không thể không nhận là hay được. 

Cái lối văn dịch này bởi có cái hay là cho người dễ hiểu, cho nên có thể gọi là lối văn thông dụng. Nhưng nó có cái dở, dở ở chỗ ông Vĩnh hoặc vì lười hay vì quá chiều độc giả, chỉ lấy nghĩa văn Tây rồi viết theo “óc người mình”. Đã đành ông có đặt ra nhiều tiếng nôm mới, mà thực quả ông không đem vào nền quốc văn được nhiều điệu mới của văn Tây. 

Chính đó là chỗ kém lối văn Phạm Quỳnh vậy. 

Muốn viết quốc văn cho khá, tôi thiết tưởng chúng ta phải chịu tập dịch trước, – lời ông Quỳnh trước đây thường nói với tôi khi bàn đến cách viết văn Quốc ngữ. 

Thực vậy, ông Quỳnh tập dịch đã lâu, ông có thể vừa trông nguyên văn, vừa cầm bút dịch ngay. Nhưng nên biết cái lối dịch của ông có chỗ này khác ông Vĩnh là chỗ ông ít khi chịu làm tội nguyên văn bằng cách xoay lên lộn xuống để câu văn dịch viết ra hợp với óc người mình. Nghĩa là ông rất chịu khó theo đúng điệu văn Pháp mà viết ra quốc văn. Có lẽ ông nghĩ rằng cú pháp của mình ít quá, cho nên khi viết một bài đại luận, ta thường chỉ dùng có một lối thôi. Văn không sinh sắc là bởi người viết văn không biết cái cơ biến hóa. Nếu ta có thể khiến chữ như khiến ngựa, thì ta cũng có thể khiến văn như khiến chiếc thuyền theo lái, – cái lái tức là ý nghĩ của mình muốn đạt ra lời vậy. 

Còn nhớ một hôm, đưa cho tôi xem một câu ông viết, viết dài tới mười lăm dòng, ông có nói:

"Đó, văn Quốc ngữ viết theo cú pháp văn Tây, dùng nhiều điệu khác nhau mà không lạc ý. Sao ta chẳng chịu tập lấy để mở rộng nền quốc văn!" 

Sao ta không tập? Là bởi nhà văn ta thường có chứng lười, lại thêm cái chứng khinh thường văn Quốc ngữ, cho nên đặt bút xuống là ngoay ngoáy viết. Mà muốn tập cú pháp Tây, hẳn phải là người có xem hiểu văn Tây. Hiểu văn Tây chẳng thiếu chi người, sao đến khi viết văn ta, lại chẳng thấy chút gì là Tây cả? Là bởi cái quan niệm như tôi đã nói trên: “phi Hán tự bất thành văn”, các ông không bạo viết, vì sợ văn viết lối Tây có người chê là ngây ngô, ngộ nghĩnh. Nào biết đâu nhà văn tự cũng như nhà chánh trị, có người theo đời để được đời ưa, mà cũng có người đi trước đời cho nên đời ghét. Đi trước đời, xưa nay bao khách đã mang lấy cái vạ vào mình! 

Tóm lại, văn Nguyễn Văn Vĩnh được ở cái chỗ dùng nhiều tiếng nôm mới, viết ra lối văn thông dụng; mà văn Phạm Quỳnh hơn ở cái chỗ dùng nhiều điệu văn Pháp, nhưng tiếc nó quá nệ, nên có vẻ nặng nề, ít người hiểu được. 

Hai người đều có công với nền văn Quốc ngữ. Nhưng ai biết công cho? 

Người ta không biết công cho hai ông, có lẽ vì người ta không trông thấy cái chỗ khổ tâm của hai ông trước khi cầm bút đặt trên mảnh giấy. 

Nhưng người ta không biết mình, mình không nên giận. Văn như còn tiến, hai ông chỉ nên phàn nàn: chửa làm điều gì hơn nữa cho nền quốc văn. 

IV. Văn Hoàng Tích Chu có từ hai quyển sách viết được tại Pháp 

Nghe tôi nói đến hai lối văn Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, những cái óc hẹp vội cho tôi vì ưa hai người mà tâng bốc hai người. Khốn lắm! Ưa người ta với chẳng ưa người ta, cái đó không can thiệp gì đến việc tôi bình phẩm văn người ta. 

Tôi chưa dám chắc đã hay bằng ai, nhưng tôi có thể chắc được nói to: tôi không có thói ấy, – cái thói yêu nên tốt ghét nên xấu, cái thói đê hèn chằng câu chuyện nọ vào câu chuyện kia, cái thói túng lý nói càn, dùng những lời vu cáo nhỏ nhen như để bịt miệng người muốn phân phải trái.

Tôi không có thói ấy… 

Theo ý tôi, văn Nguyễn Văn Vĩnh hay ở chỗ dùng nhiều tiếng nôm, nhưng không có nhiều điệu thì lời văn bê tha và không chững chạc. Đến văn Phạm Quỳnh, tuy điệu văn có biến hóa, mà khổ về nỗi chứa nhiều chữ Hán, nó bệ vệ quá hóa ra nặng nề. 

Hai thứ văn ấy, ta đều chẳng nên dùng để viết báo. Lối làm báo mỗi ngày phải đổi mới, văn viết báo cũng không thể cứ giữ mãi lối xưa. Hai việc đó, tôi đã nghiệm thấy khi còn ở Pháp.

Đến đây, tôi có cần phải nói rằng tôi cũng không có cả cái thói đi xa về tha hồ nói khoác không? Hạng nói khoác là hạng không có đức tự tín, phải già mồm lấn liếp, nỏ miệng khoe khoang, cố dìm cái hay của người, để tỏ mình có giá trị. 

Tôi sang Pháp, học nghề kế toán để đi làm kiếm bánh. Đó, cái đoạn lịch sử ấy của tôi, nó thật chẳng được xán lạn như của mấy ông có tiền sang học mong đậu Cử nhân, Tiến sĩ. 

Trong khi kiếm được thừa miếng bánh, tôi vẫn không quên là tôi phải tập học lấy nghề nhà. Cái nghề làm báo. Nghề làm báo của tôi không học ở trường dạy làm báo mà học được ngay ở các tờ báo tôi đọc hàng ngày. 

Mười tháng sau khi tôi tới Paris, có tờ báo mới ra đời. Một Hội Liên hiệp Báo giới xướng lên cuộc tẩy chay, tẩy chay cái chánh kiến của tờ báo mới bằng những bài công kích trên các báo, với bằng lối cấm các cửa hàng bán thứ báo mới kia. Nhưng có một điều mà tôi để ý nhất, là: trong cuộc xung đột này, tờ báo mới có thứ văn riêng, thứ văn của ông chủ bút chỉ để viết vào mục “Chánh kiến của chúng tôi” (Notre politique). Ông Pierre Bertrand, ngày nay đã là người thiên cổ, có một lối viết câu rất ngắn. Nó hùng hồn làm sao! Nó gọn ghẽ làm sao! Ta đọc xem, có thể tưởng tượng như búa rìu của nhà văn vậy. 

Tôi ưa lối văn của ông, vì tôi cho đấy mới là lối để viết nhật trình, đấy mới là ngòi bút vạch cỏ trừ hoang, để chỉ đường cho dư luận. Ngày qua tháng lại, văn ông Bertrand đã thành ra lối thông dụng ở trên một vài tờ báo, mà hiện cũng còn thấy trên tờ báo Le Quotidien, chính là tờ báo mới đó. 

Thế ra văn chương cũng có quyền đổi mới, tôi nghĩ. Phải, lúc đọc được văn Paul Bourget, ta không còn ưa văn bộ tiểu thuyết Télémaque; mà đến lúc ta thích văn của cụ A. France, ta hết muốn lần đến thứ văn dài mà nặng của quyển Le Disciple. Văn chương cũng như chánh trị, như luân lý, cũng như “mốt”, đã đều là của người nghĩ ra, thì đều là thứ ta có thể thay đổi được. Có gì là lạ! 

Văn Pierre Bertrand cùng với văn Clément Vautel, văn De la Fouchardière đều là ba thứ văn mới trong làng báo nước Pháp ngày nay. 

Văn chương nước người đã theo “mốt” mới, văn chương của mình cũng nên đổi mới cho hợp thời. Trên nền thực hành, tôi bắt đầu bằng viết một cuốn sách Quân chủ với châu Âu sau trận chiến tranh năm 1914. Viết được 350 tờ, tôi đưa cho một người bạn xem. 

"Anh muốn viết theo giọng mới, nhưng còn như thấy vành khuôn cũ vẫn dính chặt trên đầu anh."

Mấy lời bạn phê trên trang sách khiến tôi phải hậm hụi ngồi sửa lại, sửa một lần, viết ra một lần, mà người bạn quá nghiêm vẫn chê rằng rườm: 

"Nghe văn anh vẫn ‘kêu’ lắm!" 

Văn kêu, bạn cho là lối văn cũ rích, ý ít mà lời nhiều, hay lời nhiều mà chưa đạt được gọn ý.

Năm tháng sau, tôi khởi công viết lại. Bạn xem vẫn chưa bằng lòng lắm. Chữa đi sửa lại, tốn giấy mực đã nhiều, tính ra cả thảy sáu lần, quyển sách 350 rút lại chỉ còn trăm rưởi. Tạm cho được, người bạn như muốn cổ lệ tôi về cuốn sách sau. 

Tự do ngôn luận trong hồi cách mệnh nước Pháp là quyển sách tôi cũng viết khi còn làm thân lữ khách bên đất trời Tây. Viết đến quyển này, tôi thấy đã đỡ tốn công, cán bút không đến nỗi thấy nặng nề như trước nữa. 

Tôi nghiệm ra văn Quốc ngữ từ trước viết ra, dùng nhiều lời quá, để che cái chỗ thiếu ý. Chính bởi vậy mà lời văn rườm rà, nó mềm, nó yếu, nó không có “gân” hoạt động. Nghe tiếng đàn bầu, ta chỉ thấy như trong người uể oải, muốn ngồi xuống, muốn nằm ra, rồi thiêm thiếp trong cõi du dương. Cũng vậy, một bài đại luận viết lên trên báo, đọc ra, ta mong được như nghe cành dương rung trước gió. Người đọc văn ưa thế, là bởi người viết văn cũng chỉ ưa thế. Văn chương như vậy, quả là thứ chết đặt trên trang giấy trắng phẳng lì! 

Hai quyển sách của tôi trên kia ấn hành ở Sài Gòn. Ông Diệp Văn Kỳ đã bình phẩm trên tờ Đông Pháp thời báo. Ông Kỳ không ưa nó, vì nó “cộc”, cộc vì có khi một câu chỉ có một, hai, ba chữ. Ông Kỳ cũng lại không ưa nó vì nó “vụn”, vụn vì mỗi câu một ý, đọc ra nó không có thể đưa ông vào giấc ngủ trưa dưới gốc cây me Tàu. 

Ông Kỳ không ưa thứ văn quá gọn, tôi không ưa thứ văn quá dài. Ông Kỳ ưa thứ văn ngâm nga, tôi chỉ ưa thứ văn rắn rỏi. Hai khối óc khác nhau, hai khuynh hướng tự nhiên chẳng giống nhau.

Nhưng tôi tin ở lối viết của tôi. 


V. Văn Hoàng Tích Chu từ hai quyển sách lên trên mặt báo 

Hiện nay, làng văn nước Pháp, từ nhà viết sử đến nhà làm truyện, đều xu hướng về lối ký sự là một lối của nhà làm báo. Bởi vậy ông Gustave Terry, chủ báo L’oeuvre, hồi còn sống, đã xướng lên cuộc đòi mấy chiếc ghế cho báo giới trong Viện Hàn lâm. 

Ký sự là một lối tả chân, trông sự vật, rồi xét đoán theo khoa tâm lý để diễn ra lời văn thiết thực, hoạt động. Ấy báo giới nước Pháp trọng nhất cái ông viết giỏi mục việc vặt. Viết được việc vặt, tức là viết được thời sự, viết được các bài đại luận. Cái đó thật khác hẳn với báo giới bên ta chỉ chuyên trọng các ngài ngồi nặn hàng ngày mới xong một bài xã thuyết viển vông. Lý tưởng các ngài cũ rích, lời văn các ngài dài thượt, cả bài thường chỉ chứa có một ý, mà xoắn vào kéo ra, quanh đi quẩn lại, các ngài tài nặn nên những lời bóng bẩy, đọc nghe kêu gớm! 

Không còn là thời buổi ấy, thời buổi cho các ngài ngồi gẩy móng tay trong tòa soạn, ngồi nghĩ vẩn vơ hàng trăm cái thuyết khó tiêu để kéo dài ra hàng ba bốn cột. Cột báo ngày nay quí lắm, cũng như thời giờ, độc giả không chịu ăn mãi cái bả văn kêu, nó lắm khi vô nghĩa.

Vậy muốn viết theo lối ký sự, hạng văn cổ kia, ta phải bãi đi! Khuôn sáo cũ, ta phải phá đi! 

Tôi xin hiến các ngài một thứ văn khác, vì tôi tin rằng chỉ có thứ văn ấy là có thể dùng để viết theo lối ký sự được thôi. 

Ba số báo đầu, hồi tôi bắt đầu chủ trương tờ Ngọ báo, đã làm nao dư luận. 

"Ô kìa! Văn cộc!"

"Lạ! Cái anh này ngô nghê tệ! Văn gì mà đọc thấy không thông. Văn chó mửa!" 

Thư độc giả gửi đến hàng ngày không thiếu gì lời thống mạ, ông chủ nhiệm đã toan chịu tiền phí tổn tiễn tôi xuống bến Sáu Kho: 

"Văn Khai hóa năm xưa đâu? Xin ông cứ cho nghe lại, còn hơn…" 

"Nó chết rồi. Trong vòng ba tháng, nếu báo ông còn sụt mãi, tôi xin trả lại chỗ ngồi này." 

Chao ôi! Từ ngày tôi làm báo Khai hóa đến ngày tôi làm tờ Ngọ báo, tính ra thấm thoắt đã bảy năm. Bảy năm rồi mà sao văn Khai hóa của tôi, độc giả còn như muốn cho nó có ngày phục sinh

?Không lạ, nghề làm báo của anh em đồng nghiệp, tôi xét ra vẫn không thấy nhúc nhích lên một bước nào trong khoảng bảy năm trời ấy. Xã thuyết viển vông cũ rích vẫn bệ vệ chiếm hai ba cột đầu, mục thời sự vẫn coi rẻ bằng bài bá cáo việc riêng. Cách xếp đặt không thay đổi, lối phô trương chẳng khác xưa. 

Trong khi người ta đương quên thói cũ, ngâm những câu văn kêu: “Gió thét năm châu, mưa gầm bốn bể”, mà tôi, một buổi sớm mai, tải vào những thứ, người ta trông chướng mắt, đọc chướng tai, tôi biết thân phận xin nhận mọi lời phỉ báng. 

Văn cộc! Văn chó mửa! Chưa quen, các ngài riễu thế. Tôi xin nhận, nhưng tôi không chịu cái tiếng “bịp” đời. Theo bổn phận nhà nghề, tôi chân thành cống hiến quốc dân thứ quà mới ấy, vì tôi tin rằng văn tôi không có hại, cũng như lối làm báo của tôi đã thay đổi được nhiều phần, mà anh em làng báo từ Bắc vào Nam đã lắm người theo, hay đã chịu ít nhiều ảnh hưởng. 

Phải chăng? Ở Bắc Kỳ, mấy tờ báo thủ cựu đã thấy canh tân lối xếp đặt, mấy ông nhà văn thủ cựu cũng thấy mạnh bạo đổi lại lối viết giọng văn. Cái chưa quen rồi là cái sẽ quen. Chớ ngại. 

Nói thế, chẳng phải tôi dám khoe công, thời thế với hoàn cảnh có một phần ảnh hưởng lớn với anh em đồng nghiệp. Nói thể chỉ là tôi muốn kể rõ cái lý đương nhiên: nghề làm văn với nghề làm báo phải đi đôi trên đường cải cách. 

Văn Hoàng Tích Chu thấy có người theo, vô số người theo, không phải vì tôi chiều lòng đăng những bài gởi đến cũng viết giọng văn tôi, như ý nhỏ nhen tưởng vậy; chỉ là độc giả đã công nhận cái thứ văn đó nó thiết thực, nó gọn ghẽ hơn thứ văn rườm rà viển vông đó thôi. Mà ngẫm xem, chính những kẻ lên tiếng công kích văn tôi, không những cũng chịu ảnh hưởng của văn tôi, mà cũng phải công nhận văn tôi đã thịnh hành. Bởi nó có thịnh hành, mấy kẻ đó mới tìm đường công kích nó. 

Áo mượn mặc không vừa đã đành là anh lố bịch; như vừa chăng nữa, mà nó cứ nỏ miệng nhận của mình thì nên gọi là gì… cho đúng. Ôi! Cái tính tự phụ của nhà văn. 

Nói đến đây, tôi không thể cầm được tiếng cười từ trong cổ họng. 

Họ chê văn tôi “cộc”. Cái “cộc” đó có dễ đâu! Một hay hai ba chữ, ta dùng làm sao cho đúng chỗ để câu ngắn ấy có sức mạnh nẩy được cái ngữ khí, bao quát được cả ý đáng lẽ diễn ra phải tốn hàng dòng. 

Họ chê văn tôi “chó mửa”, vì nó không kêu. Thứ văn kêu là thứ văn cân nhắc từng chữ bằng trắc, từng nhịp vắn dài, chỉ nên dùng làm văn tế, văn tiêu khiển, không thể dùng để bàn bạc theo lối khoa học cần rõ ràng, chắc chắn… 

Họ lại chê văn tôi “chẳng ra Tàu cũng chẳng ra Tây”. 

Nó là thứ văn lai thật. Vì mỗi khi đọc văn Hán hay văn Pháp, thấy được cái hay, tôi liền tìm cách đem nó vào văn Quốc ngữ. Đại khái nói người Âu tranh nhau sang Mỹ kiếm tiền, trong một câu, tôi có thể dùng được cả hai ngữ từ của văn Hán và văn Pháp: “Bỏ nước mẹ cha để theo đuổi con ‘bò vàng’ xứ khác.” [“bỏ nước mẹ cha” = khứ phụ mẫu chi bang; theo đuổi con bò vàng xứ khác = la poursuite du Veau d’Or] 

Cái lối lai ấy, tôi tưởng có lợi cho văn Quốc ngữ để mỗi ngày một giàu thêm. Đến giọng văn cũng lắm lúc nên cho nó lai, như văn Tàu hiện nay đã thấy lai nhiều rồi đấy. 

Đại khái nói: Đứng cả lên! Người thiên cổ. Tôi nghe nó hùng hơn: Hỡi người thiên cổ, đứng cả lên! 

Không phải để bịp các ngài đâu, lối đặt ngược ấy chỉ là giúp cho lời văn cứng cáp, lắm khi lại để lời văn không đến nỗi buồn teo. 

Muốn cho nhà văn được có “mùi lai” ấy, nhà viết văn phải có học, phải bạo viết, phải khéo dùng.

Trái thế, ta chỉ là hạng vẽ hổ chẳng nên đấy thôi. Cái hại này, tôi đã thấy sinh xuất hàng ngày trên báo trên sách ít lâu nay bởi mấy ông không thuộc lai mà giả lai. /.

Ảnh: Tờ báo do Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đứng ra sáng lập, ra số 1 ngày 15-11-1929 http://www.danang.gov.vn/TabID/65/CID/617/ItemID/1108/default.aspx

Nguồn: Đông tây, Hà Nội, số 84 (27 Juin 1931); số 86 (4 Juillet 1931); số 87 (8 Juillet 1931); số 89 (18 Juillet 1931); số 90 (22 Juillet 1931) 


[1]Kỳ đầu của bài này không có tiểu đề; người sưu tầm tạm ghi là “Vào đề” và đặt trong ngoặc

vuông (chú thích của người sưu tầm).

[2]Các chỗ này báo rách, mỗi chỗ mất 1-3 từ (chú thích của người sưu tầm). 

[3]Như chú thích 2 (chú thích của người sưu tầm)

[4]Ngụ ngôn La Fontaine (chú thích của người sưu tầm)

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 2482
Ngày đăng: 12.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyền Kỳ Mạn Lục – Thiên Cổ Kỳ Bút - Đỗ Ngọc Thạch
Bàn Thêm Về Hình Thức Gắn Bó Với Nội Dung Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Chân dung cái Đẹp -1 - Bùi Đức Hào
Chân dung cái Đẹp -2* - Bùi Đức Hào
Liêu Trai Chí Dị - Nơi Ma Tốt, Người Xấu - Đỗ Ngọc Thạch
Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Hồng lâu mộng – Tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại - Đỗ Ngọc Thạch
Bản Giao Hưởng Số VII Và Không Gian Siêu Hình Của Âm Nhạc - Nguyễn Hồng Nhung
Chức năng của thi ca - Khổng Ðức
Đệ Nhất Danh Tác: Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả