Đêm ấy tôi căng mùng nghỉ ở một bờ đìa hoang rậm rạp. Đêm mỗi lúc một khuya, tôi cứ trăn trở mãi không thể nào chợp mắt được. Thỉnh thoảng mò dậy tìm gói thuốc, quấn một điếu sâu kèn, bật lửa hút. Chiếc hộp quẹt tròn, nhỏ xíu sơn màu vàng óng ánh nầy cũng là của Huệ tặng đây. Rồi tôi nằm trở lại. Mỗi một hơi rít thuốc đầu đóm thuốc lóe sáng, là một lần tôi nhận rõ bộ mặt không gian ở đây: một chiếc quan tài năm vách màu trắng hình chữ nhật đang nằm úp trên người tôi. Tôi trăn trở. Tấm vải mũ trãi bên dưới bị hơi người làm nóng, mền nhũn ra, dính sát vào lần đất ướt của bờ đìa. Tất cả đều lặng lẽ, nếu không có con cúm núm kêu đêm ngoài đồng xa và mấy con tôm tít nấp mình trong hang hốc đâu đó búng lên những tiếng khô khan. Thời gian cứ chầm chậm trôi theo nhịp thở của tôi, trôi theo những cuộn khói vo tròn hình dấu hỏi trước mặt tôi sau mỗi lần đầu lửa điếu thuốc được rít lên. Rồi cứ thế...
Lâu lắm! Có cái gì chầm chậm thúc giục tôi. Cái gì đang cựa quậy, đang đòi san sẻ, đòi hỏi gởi gắm cho nhẹ bớt nỗi đeo đẵng dây dưa. Tôi ngồi dậy, mở cây đèn bằng chai rượu cồn, bật lửa lên. Chăm chăm nhìn vào ngọn đèn rồi tôi lại đăm đắm nhìn qua bóng đêm. Đôi mắt! Đôi mắt hơi lộ có vành mi màu chì phơn phớt nó cứ rõ dần. Nó cứ tàn trữ sự mơ hồ và lắng đọng rồi chìm sâu vào tâm tư. Không, đôi mắt của Huệ rực sáng niềm tin, đôi mắt bướng bỉnh và châm chọc bừng cháy nỗi khát khao ngày về giải phóng quê hương. Một ánh lửa vô tình kia bỗng nhiên đốt nóng cõi lòng đã trống trải và thanh thản của tôi bấy lâu, vụt xao động tựa hồ sắp có một cơn biến cố.
Tôi lấy giấy viết thư cho Huệ, “cái viết” nó đã thúc giục tôi đến độ nóng cháy. Viết ngay, viết cho Huệ tất cả. Huệ chẳng đã bảo tôi phải siêng viết thư cho cô kia mà. Tôi viết những gì chân thật nhất. Tôi viết lên tình bạn, tình đồng chí, tình quê hương và... tình đời. Tâm tình tôi cứ xoay cuồn cuộn theo ngòi viết chếnh choáng tựa một con chim non đang tập tành vỗ cánh. Tôi viết cho Huệ những điều hiện tại, những nỗi ước mơ chung của những đưa con xa quê cháy bỏng nhớ thương với ngày về. Bức thư dài đến bốn trang giấy học trò, tôi còn ghi lại một đoạn trong bài hát vu vơ của tôi giữa một đêm mưa gió, lúc xuồng của chúng tôi sắp vượt cửa Cồn Nghêu... “Trong đoàn hùng binh có tôi đi đầu. Trở về Trà Vinh...”
Vừa rạng sáng, tôi gói ghém đồ đạc cho lên lưng, nịt ngang hông hai trái lựu đạn và một bình tong đựng nước uống, tiếp tục đi. Đường đi phải men theo bờ rạch La Gi một đỗi rồi đổ ra ruộng, băng tắt ngang một cánh đồng. Lúc nầy nhằm mùa phát của bà con ở đây. Nước đồng có nơi lên đến đầu gối, có nơi lên đến bụng. Lâu nay các xóm nhà đồng bào ở vùng nầy bị giặc chà đi xát lại, bà con bỏ vườn ra đồng cất chòi ở theo những lùm rậm. Xóm ven rạch không có một ngôi nhà nào. Đường lộ bị bom tạ khoét đứt thành những hố rộng lỗ chỗ. Vườn cây um tùm lau sậy, không một bóng người. Đi bộ qua vài bờ liếp sẽ bị vắt bám đen chân, muỗi bu vàng sống áo. Băng qua hố bom, lội ngang mương vườn nước sâu tới cổ, bèo cám, bèo hoa dâu bám đầy người ngứa ngáy khó chịu.
Tôi cố luồn lủi lội qua mấy khu vườn, nhưng cuối cùng cực quá phải bung ra đồng. Đồng có những miếng đất hoang nhiều năm không canh tác, cỏ nồm, năn ủ sập thành bã phập phều, dày tới gối. Có những khoảng ruộng bà con mới phát xong, ngọn cỏ vừa héo. Băng qua mấy khoảnh ruộng như vậy, tình cờ tôi phát hiện trong một luống cỏ hoang có hầm chông. Chông hầm ở vùng nầy, phải nói là nổi tiếng. Bọn sư đoàn Chín ngụy nhiều lần càn vào bị rơi xuống hầm chông, mũi nhọn xỏ lụi từ háng xuyên lên hang cua, bêu xác đến rũ xương. Miệng hầm chông rộng khoảng hai mét, sâu ngập đầu người, giữa cắm tám cây chông bằng gỗ đước già được chẻ ra, chuốt nhọn. Thân cây chông lớn bằng cườm tay, ngọn mũi vót hình lá hẹ. Người ta còn dùng lửa thui cho đầu mũi chông thật thông và cứng. Cũng là một vùng nguy hiểm, nhưng đối với tôi, chẳng những bãi chông, cả bãi lửa (1) cũng xem thường. Nhiều năm từng ngang dọc trên địa bàn của các tỉnh vùng đồng bằng còn nguy hiểm gấp mấy lần ở đây. Tôi cũng đã từng dẫm bừa lên cạm bẫy của địch trên những tuyến sông, tuyến lộ chiến lược. Có những lần tôi “phá bãi lửa” để chiến thương vượt qua trong lúc bị giặc vây ráp ngặt nghèo. Nhiều lần vượt lộ, để bảo vệ khách đường dây, tôi phải dùng đôi chân mình làm “máy dò mìn” mà quét đường cho khách đi qua.
Tôi men theo những khoảng ruộng đã được phát cỏ xong. Những nơi ấy là vùng canh tác, dù có hầm chông bà con cũng cắm cây làm dấu cho tiện việc tới lui làm lụng. Cứ như thế, tôi băng qua thêm hàng chục khoảnh nữa. Chẳng có gì đáng ngại! Càng lúc tôi càng chủ quan, lơ là việc xem chừng hầm chông nằm ngầm dưới nước.
Đến một khoảnh đất nọ, dấu cỏ phát thả bã còn mới tinh khôi, chứng tỏ người chủ ruộng vừa làm xong lúc chiều tối hôm qua hoặc chưa xong còn bỏ cù dang dở. Cứ với đà đi tới, tôi lội nước ào ào, ngẩng mặt nhìn đâu đâu chẳng còn nghĩ đến chuyện cảnh giác hầm chông nữa. Qua đến giữa khoảng đất cỏ mới phát ấy, bất thần tôi bị sa xuống một cái hố nước sâu tới bụng, dưới lòng hố đầy bùn non trào lên mát lạnh quanh người. Hố thì toàn bùn lỏng nhưng sao đôi chân tôi vẫn không chạm tới phần đất cứng dưới đáy? Tôi đang lơ lửng trong vũng bùn nhão tựa một người làm trò ảo thuật. Định dở chân bườn lên để đi tiếp. Nhưng quái lạ! Nửa thân mình phía dưới của tôi đã bị những vật gì khóa cứng không còn cục cựa được. Tôi đưa tay sờ chung quanh người. À thế, mình đã sa xuống một hầm chông cũ. Có mấy mũi chông đước nhọn hoắt đang chĩa quanh người tôi. Và đây nữa... Tôi giật mình! Thế này được à? Nhưng tại sao mình không một cảm giác đau đớn nào cả? Đây là sự thật hay mộng mị? Một mũi chông đã xuyên ngập vào đùi chân trái tôi thật ư? Tôi lại sờ tiếp. Lại bên nầy, một mũi chông nữa đã xốc ngập vào kẹt dùi chân phải, cạp theo xương vá cắm sâu vào trong bụng. Nghĩa là thân thể tôi đang bị bêu đứng trên đầu hai mũi chông đước của một chiếc hầm. Nhưng tại sao không nghe đau đớn gì cả? Tôi tự hỏi một lần nữa, và cầu mong đó là một giấc chiêm bao hay thường gặp trong những cơn ác mộng. Tôi cố cựa mình vùng vẫy. Nửa thân người phía dưới không còn là của tôi, nó chỉ là một khúc gỗ của ai gắn vào. Tôi bậm môi, thở ra. Dù sao đây cũng là một sự thật, sự thật tai hại đến khủng khiếp mà khó ai lường được nó sẽ đi đến đâu. Tình thế nầy chần chờ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi phải có hành động xử lý ngay. Tôi gồng mạnh chân trái lên, lợi dụng theo mũi chông nằm xeo với xương đùi, dùng hết sức mạnh xeo, nạy cho nó gãy đi. Tôi cắn răng, xeo mấy cái thật mạnh. Cây chông vẫn trơ trơ. Máu bốc lên nóng mặt, tôi dùng hết sức mạnh của đôi tay, xeo, nạy quyết liệt. Cây chông bật ra, gãy lại một khúc nằm trong đùi tôi. Đùi chân trái được giải tỏa, tôi lấy đà dùng cả hai chân đạp mạnh vào thềm miệng hố chông, bật ngửa người lại phía sau. Mũi chông xuyên bên kẹt đùi bên phải của tôi bị sức nặng toàn thân bẻ ngang, nó gãy lìa, cũng bỏ luôn một khúc nữa nằm ngập trong bụng tôi. Hai mũi chông còn ngập trong người tôi không biết sâu và dài đến bao nhiêu, tôi chỉ nghe nửa thân người phía dưới hoàn toàn tê liệt, xương sống ê ẩm. Tôi cố trấn tĩnh, đứng khoát nước rửa bùn bám quanh người mà xem cho tường tận thương thế. Vết ở kẹt đùi phải thì đành chịu, máu tuôn ra tựa đâm họng heo, nhưng bông băng đâu mà cột rịt? Tôi tiếp tục xem vết thương bên đùi chân trái: dạ dưới mở rộng miệng trống hoác, một đùm thịt thòi ra bầy nhầy, tưa tải - vì lúc nãy tôi xeo nạy nhiều quá - trông nó giống như đít một trái bần thối. Tôi khoát nước rửa bùn cho chiếc đùi này. Dường như lúc ấy tôi cảm thấy mình sợ máu. Máu từ trên chảy xuống theo dạ đùi. Ngọn máu xoáy lõm một lỗ bùn chỗ khóe nhượng chân dang co gập rồi nó phún thẳng ra, tôi ngỡ đó là một vết thương lớn, liền móc chiếc khăn thêu của Huệ tặng hôm trước ra, cột rịt lại. Sự thật thương thế của tôi chỉ có hai vết, nhưng tôi hoảng lại băng vào “vết thứ ba” theo sự tưởng tượng của mình.
Xong đâu đó, tôi nhắm về hướng những lùm cây giữa đồng, nơi có chòi đồng bào ở, mà đi. Nửa phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống của tôi lúc nầy cứng đờ, chỉ hơi nhích người tới là nó giật một cái cắm đầu. Không có cách nào đi tới được, tôi đành phải mở sợi dây nịt có đeo chiếc bình tong nước và hai trái lựu đạn ra, quàng vào cổ. Sau đó tôi nằm sấp xuống mặt nước đồng, dùng hai tay nắm gốc cỏ, bườn tới. Lúc nầy tôi chưa thấy người đau đớn gì, chỉ nghe giữa xương sống hơi ê và nửa thân người phía dưới bị tê dại.
Toài đi độ mười lăm phút, tôi nghe có tiếng xuồng ai chống gần, khua sào lụp cụp. Tôi ngẩng đầu lên tiếng gọi. Vừa mở miệng ra bỗng nhiên đầu tôi bị ủi mạnh về phía trước, úp mặt xuống nước. Cái thân dưới thật là bất trị, nó không cho thân trên của tôi động đậy, chỉ chờ cựa quậy nó sẽ giật cho nảy người lên. Đầu tôi không ngóc lên nổi, sắp chết ngộp. Mặc cho thân thể giật thót tôi cố lật ngửa người lên để thở. Khi trở người nằm ngửa được thì những cơn giật lại có ít hơn, nó làm tôi co người lên cao hơn. Tôi lại gọi người chống xuồng kia một lần nữa.
Một anh nông dân độ tuổi trên ba mươi, thân hình vạm vỡ, tóc đầu bờm xờm, đứng trên xuồng nhìn dáo dác. Chợt thấy tôi, anh chống nhanh đến buông sào nhảy xuống xốc nách tôi lôi lên. Anh là chủ miếng ruộng có hầm chông mà tôi mới bị sụp. Hôm qua anh phát cỏ tới tối mới về nên không kịp cắm cây làm dấu chỗ các miệng hầm chông. Anh định sáng ra ruộng thật sớm để làm tiếp, nào ngờ tôi lại ra ruộng sớm hơn anh. Anh lính quýnh, tay chân run lẩy bẩy, bỏ sào nhằm be xuồng mà chống cùm cụp. Trông anh hào hển, lụp chụp, tôi thông cảm, gượng cười khuyên hãy bình tĩnh. Xuồng đến những con bờ chắn ngang, anh nhảy xuống kéo ào qua cho mau, không kịp phải chống vòng theo đường nước.
Một lúc sau anh bình tĩnh lại, tôi vỗ tay vào bòng chỉ anh bức thư tôi viết cho Huệ hồi hôm, nhờ anh đến trao cho tổng trạm “N28”.
Tôi cố cười, nói đùa với anh :
- Có gặp cô ấy, anh bảo là tôi bị sa chân vào bệnh viện nằm xả hơi ít bữa, xin hẹn gặp cô tại thị xã Trà Vinh.
Khi bà con cử hai người chở tôi vào bệnh viện, khoảng hai tiếng đồng hồ sau, trên đường đi chúng tôi bị một chiếc máy bay “đầm già” đến quần đảo. Hai người cặp xuồng lại nép dưới tàn một cây mắm rồi lên bờ. Tôi nằm ở sạp giữa, nửa thân phía dưới cứng đờ. Lúc hai người lên bờ, tôi nghiêng mình để tiểu tiện, vì nghe phần dưới bụng nặng trì trì khó chịu. Nhưng lạ lùng! Khi tôi ráng sức tiểu ra, thấy toàn là máu tươi. Máu ra độ đến gần nửa lít.
Máy bay đi chỗ khác. Xuồng tiếp tục chèo đi. Từ đó về sau, nỗi nhức nhối dồn tới từng chập cách khoảng nhau. Thời gian sau chừng hai tiếng đồng hồ nữa, nỗi nhức nhối ở phần dưới bụng tôi trở nên một vùng rộng, từ ấy nó cứ nhức nhối giục giã không thành cơn như trước. Nỗi nhức nhối cứ cấu xé, hành hạ tôi tới tới. Nước tiểu, nước bùn và máu đọng ứ bên trong bụng, chặn nghẹn niệu đạo, tôi không còn tiểu thoát ra được nữa. Dần dần nây bụng tôi phình trương lên. Tôi quằn quại. Tôi nghiến răng. Ngà răng mẻ ra từng mảnh kêu nghe sào sạo. Toàn bộ da mặt tôi cau vào giữa trán. Từng mảnh màu vàng ngoách đổ xuống tua tủa quanh mặt tôi. Có hàng triệu mũi dao nhọn nung đỏ đâm xoáy vào phần dưới bụng tôi. Bên dưới lưng tôi là một tấm sạp xuồng. Tấm sạp xuồng chỉ nâng cho tôi được phần sọ sau và hai gót chân. Người tôi cứ nảy cầu vồng lên. Hai gót chân tôi cứ chà nghiến xuống tấm sạp xuồng. Hai bàn tay tôi lần bóp theo be xuồng. Bóp theo be xuồng đến chỗ nào tôi nghe chỗ đó đều bị mềm nhũn ra. Bụng tôi càng lúc càng căng phình lên như bị ai độn bên trong một trái sầu riêng, mà trái sầu riêng ấy luôn luôn cào cấu, quậy phá một cách khốc liệt. Vũ trụ mênh mông, vũ trụ không có một điểm tựa nhỏ nhất, dù là lắt léo nhất, chon von nhất để tôi ghé hờ trong một khắc để xả bớt một tí hơi căng ứ ở lồng ngực. Hai hàm răng tôi nghiến sào sạo vào những mảnh răng đã bể ra. Sào sạo... Và răng cứ mẻ thêm. Đầu óc tôi rất tỉnh táo để quằn quại với cơn đau, nhưng đôi mắt bị hoa loạng và đôi tai ù ù, không còn nghe thấy được gì.
Lúc mặt trời gần lặn, hai người đi đưa tôi đến gần trạm thu dung của dân y. Theo nguyên tắc, hai người đưa bệnh phải trở về. Tôi được hai anh em ở trạm sang qua một chiếc xuồng khác, đi thêm đến tối mịt mới tới bệnh viện. Anh em bưng đèn ra và mang cáng xuống khiêng tôi. Họ đem tôi nằm trên một bộ vạc lót bằng cây đước nhỏ. Bệnh viện náo động. Cả bác sĩ, y sĩ cùng anh chị em nhân viên đến vây quanh tôi. Họ dùng loại thuốc chi đó tiêm cho tôi. Mắt tôi tuy còn mờ nhưng tai đã nghe rõ dần. Tôi nghe một người nào đó bảo nhân viên chuẩn bị gấp một ca đại phẫu thuật. Họ bảo tôi có ký tên vào biên bản của ca mổ nầy được không? Tôi lắc đầu. Họ đọc biên bản lớn lên cho tôi nghe. Tôi chú ý một đoạn nhấn mạnh: “Cây chông xuyên đùi trái, gãy một đoạn còn nằm cặp xương. Vết thứ hai: Cây chông xuyên đầu xương vá ở kẹt đùi phải, thủng bàng quang”. Cuối cùng biên bản chỗ bệnh nhân cam kết ký tên nhờ tập thể bệnh viện toàn quyền điều trị, không may có xảy ra chuyện gì coi như ngoài ý muốn của bất cứ thầy thuốc nào. Tôi không ký được, chỉ trả lời hai tiếng thều thào: “Đồng ý...”.
Lúc tôi được đưa lên bàn mổ, nghe trong người rất tỉnh táo. Quanh tôi là những người mặc toàn đồ trắng, đội lúp trắng, mang khẩu trang trắng. Họ có đôi bàn tay thần tiên, sờ vào người tôi đến đâu nghe êm dịu, mát mẻ đến đó. Họ bơm thuốc gì thơm thơm mùi trái thù lù non qua mũi tôi. Họ để tôi nằm dài trên chiếc bàn mổ hơi dốc đầu. Đầu tôi được kê gối cao, nhưng mặt bị đậy úp một chiếc khung vải trắng hình chiếc lồng bàn. Hai tay và hai chân bị cột chặt căng sải ra, ghịt xuống giường thành hình thánh giá. Có một người nịt chiếc máy đo huyết áp vào khuỷu tay trái của tôi, bơm hơi khì khịt. Một người khác đâm mũi kim tiêm vào mạch máu tay phải tôi, nhưng còn để hờ chưa chịu bơm ống thuốc vào. Họ đắp lên người tôi một tấm vải trắng. Bấy giờ ở đây tất cả toàn là màu trắng. Giường trắng, mùng trắng - phòng mổ được bao mùng để chống muỗi - quần áo trắng, dụng cụ mổ xẻ cũng màu trắng. Chiếc đèn măng xông treo trên cũng phả xuống một thứ ánh sáng trắng. Chỉ có chỗ lõm đôi mắt mỗi người tôi thấy loáng thoáng đôi chút màu đen. Họ tới lui, qua lại và cử động một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tôi mơ hồ cảm giác như mình đang nằm giữa một cái hang động của những người tiên trắng.
Họ bắt đầu tiêm thuốc tê và khui thành bụng tôi. Những nhát dao gây nên cảm giác nhồn nhột kéo dài. Tiếng lắc rắc của những chiếc bel bấm đầu tĩnh mạch, tiếng xì hơi khè khè của đèn măng xông, ngoài ra cứ im lặng triệt để. Họ hoạt động đều đều. Họ bảo nhau, trao đổi nhau chỉ bằng ánh mắt và dấu hiệu bàn tay, trông y như một nhóm diễn viên đang biểu diễn màn kịch câm. Tôi cứ nằm xem - bởi mép dưới của chiếc khung đậy mặt tôi có một đường hở rộng. Họ để lên thành bụng tôi mỗi lúc một nhiều chiếc bel, đến nặng trĩu. Tôi không thấy gì thêm, vì trên người tôi được đậy kín một lớp vải trắng. Chiếc đèn măng xông treo trên được ghép giữa tám tấm gương hình chóp nón đầu nhỏ về phía trên để cho ánh sáng phản chiếu chụp xuống. Qua khối tụ quang của gương, ánh sáng chiếu xuống bàn mổ chói chang, thế mà tôi thấy có một người lại cầm phụ thêm cây đèn bấm năm pin soi vào chỗ vết mổ của tôi.
Bỗng một mùi tanh tưởi đến lợm giọng từ trong bụng tôi xì ra làm cho mấy người đang lom khom vào vết mổ phải bật lên, nghiêng đầu né tránh, mặc dù họ đều có mang khẩu trang. Rồi họ lại tiếp tục khom người nhìn vào bụng tôi. Một người dùng tay hốt những bụm máu dơ trong bụng tôi bỏ ra một chiếc thau để cạnh chân bàn mổ. Sau đó họ bắt đầu lôi từng khoanh ruột của tôi để lên thành bụng. Những khoanh ruột đỏ hỏn, giần giật, đun đun một cách kỳ quái. Người ta lại thọc bel mò vào bụng tôi. Tôi bỗng nghe một người kêu lên: “Nó đây rồi”. Đồng nghĩa với một tiếng “cạch” nổ bùng. Chiếc đèn măng xông treo trên trần đảo lộn, rơi lả tả từng mảnh trước mặt tôi. Những con người đang đứng chung quanh tôi cũng quay tròn, đảo lộn. Có phải mũi bel vừa rồi đã xuyên từ bụng tôi tới óc không? Tôi rúm người nấc lên. Cùng lúc ấy, tôi nghe từ mũi kim chích sẵn bên mạch máu tay phải tôi nãy giờ tỏa ra một thứ thuốc mát lạnh. Chất thuốc chạy nhanh vào nách và tràn ngập cơ thể tôi. Một giấc ngủ êm đềm, không mộng mị và cũng không lưu luyến. Nếu như từ ấy tôi cứ “đi” luôn thì người ta gọi đó là “một giấc ngủ nghìn thu”.
Nhưng không biết cõi đời có một thứ phép mầu gì mê hoặc con người mà ai cũng không muốn dứt bỏ nó. Nó muôn ngàn đau khổ, trăm thứ trần tục, vậy mà nhờ có nó con người ta mới thi thố tài năng, biến thiên sáng tạo và minh định chân lý. Cõi đời không bạc đãi bất cứ ai, xin miễn người đó có ý chí sinh tồn quyết liệt và lòng yêu đời tha thiết! Riêng tôi, có phải chăng là một trong những con người ấy? Tôi chưa chịu chết, vì cuộc đời nầy còn bao nhiêu việc phải làm. Bởi vậy tôi lại hé mắt ra, mà khi ấy không biết mình đã bỏ phế bao lâu rồi. Cái đầu tiên tôi tiếp nhận là một tia nắng sơm chiếu sáng long lanh qua mái lá hở trên nóc chòi. Tôi được người ta để nằm quay đầu về hướng mặt trời mọc. Phải nói là một buổi sáng hôm ấy đẹp! Rừng cây bạt ngàn đang đùa giỡn với gió rì rào. Lúc đầu, sự tiếp nhận cõi đời đến với tôi chỉ lấp lánh qua ánh mắt chói chang. Lát sau, những cảm giác khác mới lần lượt trở về. Chung quanh tôi có nhiều người, kẻ cầm bàn tay tôi xoa bóp, kẻ vạch mi mắt tôi, cầm đèn pin soi vào, kẻ cầm bel gắp đầu lưỡi tôi ra đong đưa. Một tấm mền nỉ đắp kín từ ngực trở xuống, hai bên sườn tôi họ xếp dày đặc những vỏ chai đựng đầy nước nóng để ủ ấm cho cơ thể.
Một nụ cười giao thời và vô tư của một kẻ từ cõi chết trở về gặp lại cõi đời, chào nhau vô cùng thân thiết. Tôi cười! Dường như nụ cười ấy lây lan niềm vui xướng cho tất cả những bộ mặt lo âu và phờ phạc vì thiếu ngủ của những người đang quanh tôi. Rồi sau đó với vẻ mãn nguyện, họ lần lượt tản đi. Cuối cùng, còn bên tôi hai cô gái. Một cô tuổi độ hai mươi, vóc người gầy cao, gương mặt thỏn, môi trên vẩu ra. Một cô tuổi độ mười lăm,vóc dáng mảnh khảnh, nước da trắng nhợt, đôi mắt tròn ngơ ngác. Sau đó cô lớn tuổi tiêm cho tôi một mũi thuốc rồi cũng đi nơi khác. Còn lại cô nhỏ tuổi ngồi bên cạnh tôi, em dùng chiếc muổng cà phê múc đổ từng giọt nước chanh vào miệng tôi.
Lâu lắm, khi tôi bập bẹ câu nói đầu tiên đến mấy lần mới bật ra được thành tiếng :
- Em tên gì ?
- Em tên Bé.
- Tại sao người ta xúm quanh anh làm gì đông vậy ?
- Anh mổ tối hôm qua, các anh chị chăm sóc cho anh tỉnh lại.
Tôi hỏi Bé sang chuyện khác :
- Nếu anh nằm võng, chắc khỏe lắm ?
Bé sững sờ và lắc đầu :
- Đâu được! Thành bụng của anh bị khui rộng lắm, khâu hơn hai mươi nuột chỉ, nằm co cóp trên võng đau chịu sao thấu? Với nữa, ruột khoanh lại chưa ổn định là một, bị mất máu nhiều là hai, phải chịu khó nằm ngay ngắn để ủ ấm.
- Cô “bác sĩ” lý thuyết suông quá !
Tôi bật cười, làm Bé đỏ mặt. Nhưng có lẽ Bé thấy nỗi đau đớn của tôi quá mức sau một cái cười bất chợt, em cũng cười theo. Bé cười, làm mất đà, muổng nước chanh tạt đổ vào mũi tôi. Tôi hắt hơi một tiếng. Ơi! Đó là tiếng bom nổ, mà trái bom ai đặt trong cơ thể tôi nó nổ bùng lên tan xác tôi ra. Ruột gan, phèo phổi của tôi có thể đã xé thành bụng tuôn ra ngoài hết rồi! Trong khắp các mạch máu của tôi có hàng triệu hòn than lửa chạy rần rật. Cơn nóng vừa hạ, cơn lạnh lại ập tới khủng khiếp! Tôi nghe tiếng rừng cây đước giũ mình với gió mỗi lúc một nhẹ nhàng xa xa.
Ba ngày sau đó, tôi cứ trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Từ bụng trở xuống, tôi không còn cử động được. Có lẽ trên vạn nẻo đường đi của cuộc sống con người, chưa một đường nào nhẹ hơn con đường đi vào cõi chết. Sức khỏe thỏn mỏn, tinh thần rời rã, đó là lúc ta sắp khởi hành. Ta càng đi sâu vào cõi chết thì thấy mỗi lúc một loại trừ đau đớn, bứt rứt đang hành hạ cuộc sống. Cứ thế, ta đi sâu vào cõi tiêu tan, thoát khỏi ảo ảnh chập chờn của những giấc chiêm bao. Tâm hồn ta đi xa hơn ý thức suy tính và tình cảm vương vấn bao sự đời còn dang dở. Trở lại kiếp sống mới là khó, mới là sự cực hình khắc nghiệt! Từ cõi chết mà ta bắt đầu sống lại, thân xác ta bị dày vò hành hạ cực kỳ khủng khiếp... Trong trạng thái hư không cái sống bắt đầu cựa quậy, nó công phá vào êm đềm, nó nhen nhúm lại sự bức bối, nó tạo nên điều đau đớn, nó khôi phục lại cảm giác, nó đánh thức trí nhớ và xúi giục ta nghĩ ngợi đến bao chuyện ưu tư phiền muộn. Vài mỏi mệt thâm nhập cơ thể. Sự êm dịu phản ứng, sự rời rã bị dồn đẩy khởi động. Thần kinh ta bị chấn động, trí não ngầy ngà nửa tỉnh nửa say, tâm hồn ta chập chờn sợ hãi. Rồi sức ta từ từ gượng gạo trong đau đớn. Cái chết và cái sống, nói đúng hơn là “cái tĩnh” và “cái động” nó cứ quần thảo trong một cơ thể vốn đã rã rời, cùng kiệt của ta một cách cực kỳ quyết liệt. Cuối cùng, sự êm đềm của cái chết bị đẩy lui, sự đau đớn của cái sống chiếm cứ toàn bộ cơ thể tôi...
Những lúc mê đi rồi tỉnh lại tôi cứ ở trong trạng thái chập chờn, lơ lửng hư không. Bé cho biết là vết thương ở đùi trái tôi, chỉ băng hờ lại, vẫn còn để nguyên mũi chông gãy ngậm trong thịt. Cứ để vậy mỗi ngày tiêm một mũi trụ sinh cho nó nằm im, khi nào sức khỏe tôi bình phục mới mổ tiếp. Nhưng sức khỏe của tôi thì ngày càng cạn kiệt, như vậy tôi sẽ được mang một khúc gỗ trong người đi đến muôn đời? Tôi đem ý nghĩ vớ vẩn nầy nói với Bé. Tưởng là nói chơi cho vui, nào ngờ Bé rơm rớm nước mắt :
- Anh đừng nói đến chuyện xui xẻo. Chuyên môn khuyên người bệnh đừng nghĩ ngợi miên man.
- Chuyên môn không cấm được ý nghĩ thầm kín của người bệnh, cũng như không cấm được người ta không có quyền chết.
Tôi nói hơi gay. Bé cười làm lành. Tôi nhờ Bé lục bòng lấy giùm cuốn tập và cây viết bic. Tôi định ghi mấy câu suy nghĩ của mình về cái trạng thái cõi chết. Nhưng tôi nằm ngửa, cây viết bic ghi được mấy chữ nó không chịu ra mực nữa. Tôi nổi giận, để cuốn tập qua một bên, nghẻo đầu sang, ghi tiếp. Tôi ghi thêm được vài hàng nhưng vì nghịch động tác nằm, tôi bị mệt sắp ngất. Bé thấy vậy năn nỉ tôi, em bảo nếu không có gì bí mật lắm em sẽ ghi hộ. Đưa viết cho Bé, nằm nghỉ một chút, tôi ngẫm nghĩ: “Mình ghi chép cái gì đây? Và ghi rồi sẽ gởi cho ai? Trên đời, người quen thì nhiều nhưng người thân thì hiếm. Cha mẹ, chị em tôi đang ở mù mù trong ấp chiến lược của giặc. Gởi ai? Tôi chợt nhớ ra còn có một người cũng có thể tạm gọi là thân: Huệ, đúng! Cô gái giao liên có đôi mắt lồ lộ dưới vành mi nằng nặng màu chì, người cùng quê. Cô ấy hiện giờ chắc đang ở trong một biên đội mới thành lập để chuẩn bị lên đường giải phóng quê hương.
- Bé chuẩn bị viết đi ! - Gởi cô Trần Thị Huệ ở tổng trạm “N28”: Huệ ơi ! - Chờ anh nghỉ một chút. Rồi, viết tiếp - Phải chi đừng có cái đêm mưa gió bão bùng ấy...
Quai hàm tôi như bị khóa chặt, mắt mờ dần. Tiếng gió rừng êm như ru. Hình ảnh Bé, một đứa bé gái nhỏ nhắn với khuôn mặt trắng nhợt dần dần tan biến. Quê hương lại lấp lánh ở một góc trời diệu viễn trong mơ...
Ngày thứ năm sau khi vào bệnh viện, tình trạng hôn mê đến với tôi mỗi lúc một tăng. Nây bụng tôi sưng phồng lên, bên trong có cái gì cắn rứt dữ dội. Bây giờ thì tôi không còn thấy sự mệt mỏi, đau đớn nữa, cứ ung dung say sưa trong những giấc mơ triền miên. Cả khi tỉnh táo nhất trí tuệ tôi còn biết suy nghĩ được mọi sự hoạt động, nhưng cơ thể cũng không thấy gì khó ở.
Có lẽ trận mưa ngày ấy vào độ nửa chiều. Mưa rất lớn hột và dai dẳng. Chân rừng ngập nước, cây rừng ướt át, tiếng gió rừng lẫn trong tiếng sóng biển ì ầm. Nước biển dâng lên, nước mưa đọng lại lênh bênh dưới gầm giường. Mấy con cá thòi lòi bị ngập hang đua nhau lội giỡn. Vài con giương kỳ ngẩng đầu, trợn trừng đôi mắt lộ tựa hạt đậu đen lội loanh quanh nhìn vào giường bệnh và đá lộn lẫn nhau. Chúng chạy nhảy lõm bõm, văng nước tóe đến tận chân tôi. Bịnh tình của tôi luôn trở chứng mấy ngày như vậy. Đồng chí Năm Vụ, người giám đốc bệnh viện còn đi họp ở đâu đó chưa về. Rồi ngày sau nữa, con vật gì cắn rứt, công phá trong bụng tôi nó đã nằm yên và thân thể nó rắn lại tựa một trái dừa khô. Nây bụng tôi căng phình và thẳng cứng. Trí não tôi cứ kéo dài trong trạng thái hôn mê liên miên. Những lúc tỉnh, chân tay tôi cũng rũ riệt không còn cử động mạnh được nữa. Và tôi cũng biếng nói, không buồn uống nước chanh mỗi khi bị Bé bắt ép. Thấy các nhân viên trong bệnh viện mỗi lúc đến thăm tôi một nhiều, và gương mặt người nào cũng hiện rõ nét thất vọng, tôi hiểu đây là một triệu chứng không lành sắp xảy đến cho mình. Riêng Bé, đôi mắt trong xanh ngơ ngác ấy, tôi thấy đôi lúc có pha trộn nỗi buồn rười rượi lẫn lo âu và thường long lanh ngấn nước.
Rồi mấy ngày sau nữa. Qua một cơn mê vừa tỉnh, thấy Bé đang bày biện đồ đạc của tôi để ghi vào một bản thống kê. Tôi hiểu rồi: Mình sắp “ra viện”! Mặc. Tôi mỉm cười chế nhạo và nằm im xem Bé làm cái trò buồn cười. Hầu hết đồ đạc của tôi Bé đã ghi xong và xếp lại cho vào bòng cẩn thận. Còn mấy món lặt vặt cuối cùng, Bé chưa kịp ghi thêm. Bé đang ngồi thừ ngắm một vật gì đó dường như đang suy nghĩ phân vân về nó. Bé lại làm tiếp. Em xé rời một mảnh giấy và cầm viết ghi vào. Tôi liếc mắt xem. Chữ viết của Bé nhỏ nét và ngoằn nghòe :
“Bức thư của chị Trần Thị Huệ vừa đến, xin gởi trả lại đơn vị “N28”- kèm theo: một chiếc khăn thêu và một cuốn sổ tay cả anh Nguyễn Việt Tùng...”
Như thế là hổm rày Bé đọc trộm cuốn nhật ký của tôi nên em mới biết chiếc khăn ấy là của Huệ. Vậy phong thư kia là của Huệ mới gởi đến ? Huệ gởi cho ai ? Nếu Huệ gởi cho tôi thì tại sao Bé không giao cho tôi? Tôi vẫn còn sống đây mà ! Một điều đáng buồn cười hơn nữa là tôi vẫn còn nằm đây nhìn Bé làm bản “án tử hình” cho mình! Họ cho tôi “ra viện” theo cái kiểu anh bộ đội miền Bắc mấy hôm trước? Vô lý! Họ đánh giá mạng sống của tôi rẻ mạt như thế à! Họ không trao thư Huệ cho tôi là hẹp hòi với người bệnh quá đỗi. Dù muốn đem tôi chôn sống đi nữa, họ cũng phải cho tôi được đọc lá thư của người thân của mình lần cuối cùng. Hay là họ cho rằng tôi không còn đủ sức để đọc một bức thư nữa? Họ lầm! Lầm to! nghĩ vậy, tôi nghe nư giận trong người bừng lên làm run rẩy đôi bàn tay. Giận ai? Tôi không giận Bé. Giận mấy thằng cha thầy lang coi mạng sống của tôi thấp quá.
Tôi cười mũi, hỏi Bé :
- Có thư của ai gởi cho anh đó, hả Bé ?
Bé giật mình, vội đùa đồ đạc lại, giấu xuống mép chiếu. Tôi hỏi thêm:
- Ai bảo em làm việc nầy ?
Bé lúng túng :
- Chú Năm Hiên.
- Dẹp! Dẹp đi! Anh không chết đâu. Anh còn nhiều việc cần phải làm trên cõi đời thêm một thời gian dài nữa, chứ không phải cục bộ như sự đoán mò của cái ông bác sĩ “Sâm Linh Tán” ấy.
Bé quay lại nhìn tôi. Đôi mắt em đỏ hoe, đầy ngấn nước. Và em sụt sịt khóc! Bé sờ tay vào trán, vào cổ tôi. Tôi cầm bàn tay nhỏ nhắn của em, áp vào ngực mình. Một lúc sau tôi nói nhỏ nhẹ với Bé :
- Anh không thể chết được, Bé à. Ba, má của anh, hai đứa em của anh còn bị giặc nhốt ngoài ấp chiến lược ấy. Bé có đồng ý với anh không nào ?
Bé gạt nước mắt :
- Có.
Nghỉ mệt một chút, tôi tiếp :
- Trông Bé, anh nhớ em gái út của anh lắm! Nó giống Bé như in.
Thật ra đứa em gái của tôi chỉ giống Bé có cặp mắt trẻ con trong veo ấy. Mặc dù năm nay nó cũng trạc tuổi với Bé, nhưng lúc tôi xa nhà thì em gái tôi chưa tới tuổi học lớp một.
Tôi chợt nhớ mấy hôm nay Bé đánh rơi chiếc hộp quẹt của em xuống rạch, trực đêm, em phải bưng đèn đi mồi lửa nhờ người nầy, người khác. Tôi có chiếc hộp quẹt tròn, nhỏ bằng ngón tay cái của Huệ tặng cho hôm chia tay, thấy lúc nãy Bé có bày ra để kê khai. Tôi quờ cầm chiếc hộp quẹt nhét vào tay Bé :
- Bé giữ lấy mà trực bệnh ban đêm cho tiện. Em không được từ chối.
Bé có ý không dám nhận chiếc hộp quẹt của tôi tặng. Tôi ra một điều kiện:
- Bé đổi cho anh bằng phong thư của chị Huệ mới gởi đến kia !
Bé cười lấy phong thư đưa cho tôi. Tim tôi bỗng nhói mạnh đến đau lồng ngực! Có gì quý hơn là trong lúc nầy mà được người thân gởi thư đến thăm? Người ta bảo có hai trường hợp khao khát tình cảm nhất là khi ở trong tù và lúc nằm bệnh viện, đúng vậy! Ở trong tù thì tôi chưa biết, chứ nằm viện thì tôi thấm thía tận xương tủy rồi. Tôi mượn Bé khui giùm phong thư, còn tôi, thì tự đọc lấy. Tôi nghĩ dù một chút nữa mình có “ra viện” cũng được mang những dòng chữ, mang những ý tứ lời nói của người thân theo đáy mắt, theo linh hồn. Ban đầu tôi rảo mắt lướt qua. Sau đó tôi đọc chậm lại, đọc nghiền ngẫm, và sau cùng tôi đọc nhấm nháp, rỉ rả từng câu, từng chữ trong thư, làm như từng con chữ là mỗi viên thuốc hồi sinh cho cái cơ thể cùng kiệt của mình. Bức thư của Huệ viết cho tôi cũng khá dài, có thể tương đương với bức thư tôi gởi nhờ anh nông dân ở xóm La Gi chuyển cho Huệ hôm nọ. Vào đầu, Huệ viết cho tôi thế nầy: “Anh! Nghe nói tình trạng thương thế của anh rất bi, Huệ lo quá chừng. Phải chi em được ở gần... Nhưng thôi, nói làm gì chuyện không có thể có. Bởi vì chúng mình mỗi đứa một phận sự khác nhau và cao cả hơn mạng sống của chính mình. Anh đã hiểu nhiều điều em nói chớ? Anh ráng dưỡng bệnh cho mau lành, nghe anh! Chiến trường Trà Vinh đang chờ chúng mình...
Và những câu sau trong cùng bức thư, Huệ viết :
“... Em cùng anh Long được xếp vào một biên đội để đưa lên phục vụ chiến trường Trà Vinh, thật là mừng không gì bằng! Ngày giải phóng quê hương mình gần lắm rồi anh à. Sắp tới chắc có đánh lớn tại đó. Anh có vui không? Đời chiến sĩ giao thông vận tải chúng mình, có niềm vui nào hơn là được tung bay như những cánh chim không mỏi ?...”
Huệ nói đúng. Từ tình hình chung cộng với nguyện vọng riêng của mình nó tạo cho tôi niềm khích lệ rất lớn. Tôi vượt mọi chết chóc thương tật ở bệnh viện để tung bay như một cánh chim không mỏi, theo lời Huệ. Bác sĩ Dụ đi họp về tổ chức khui thành bụng tôi lần thứ hai, giải phẫu lại, đặt những ống dẫn dịch... Bảy mươi tám ngày đêm tôi đấu tranh cực kỳ ác liệt với bao nỗi dày vò đau đớn nhất của thể chất, cuối cùng tôi gởi cái gì mà bất cứ ai cũng không ưa thích lại cho bệnh viện, ra đi, cùng tầng tầng lớp lớp người làm cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân.