Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.220.530
 
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh hoạ Trần Văn Cẩn (13/8/1910- 13/8/2010): Khúc minuet dành cho “Em Thúy”
Trần Trung Sáng

Em Thúytên gọi một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Bức tranh này được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam TK 20.

 

 

Bức tranh “Em Thúy”

 

Em Thúy - nhân vật trong tranh chính là một bé gái chừng 8 tuổi, với nét đẹp ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Thúy ngồi khép nép trên chiếc ghế mây, hai tay đặt vào nhau ở đùi, đôi vai gầy nhỏ bé,  gương mặt biểu cảm, hướng về phía trước bằng đôi mắt trong veo, ánh lên niềm tin vào cuộc sống... Qua bao nhiêu năm tháng, bức tranh vẫn luôn gây xúc động người xem bởi một tình cảm trìu mến, thiết tha, như vang vọng tiếng nói về lòng nhân ái của con người.

 

Điều thú vị và độc đáo hơn cả, là sau gần 70 năm ra đời, bà Minh Thúy, người đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam với hình ảnh “Em Thúy” vẫn còn đó -  một người đàn bà Hà Nội tóc đã pha sương, song gương mặt vẫn phảng phất nét đẹp thanh lịch, nền nã, tưởng chẳng thể phai nhòa...

 

Theo bà Minh Thúy, vào năm 1943, hồi lên tám tuổi, bà là con gái một gia đình công chức sống ở 23 phố Hàng Cót. Họa sĩ Trần Văn Cẩn, vốn là người bác cùng sống ở đó. Trong mấy đứa cháu, ông đặc biệt yêu quý bé Thúy nhất. Thường ngày, cứ mỗi lần đi học về,  là Thúy phải ngồi vào ghế, làm mẫu cho bác Cẩn vẽ. Và bức tranh “Em Thúy” đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

 

Kháng chiến bùng nổ. Gia đình  “Em Thúy” sau khi từ nơi tản cư trở về Hà Nội thì bức tranh ấy bị thất lạc. Gia đình bà đã phải chuộc lại bức tranh từ một nhà buôn. Trước đó, ông này mua được từ nhà một người thợ cạo. “Em Thúy” trở về với gia đình chủ nhân một thời gian. Cuối cùng  họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật VN, lưu giữ đến tận ngày nay.

 

Trong sự nghiệp của mình, danh họa Trần Văn Cẩn có rất nhiều tác phẩm về đề tài thiếu nữ, nhưng dường như khi nói về ông, người ta lại nhắc ngay đến “Em Thúy”, bởi tác phẩm này chính là thông điệp giản dị về tình yêu, về khát vọng hòa bình, tựa một luồng ánh sáng nhân văn giữa những loạn lạc của tội ác, thức tỉnh cái thiện của lòng người trong cõi u mê, cuồng bạo… Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng cô bé trong Em Thúy phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam.   Ngoài bức chân dung vẽ Minh Thúy năm 8 tuổi, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn có một bức tranh khác vẽ Thúy lúc cô 24 tuổi, nhưng đa giới thưởng ngoạn, kể cả người mẫu trong tranh đều chỉ ấn tượng sâu đậm với “Em Thúy” đầu tiên.

 

 

Caroline Fry phục chế “Em Thúy” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Năm 2003, do Em Thúy bắt đầu tình trạng xuống cấp, các nhà chuyên môn đã đề nghị đưa bức tranh này ra nước ngoài để bảo quản phục chế,  nhưng Bộ văn hóa lúc này không đồng ý. Một năm sau, bức tranh được giao cho chuyên gia phục chế người Úc Caroline Fry tiến hành phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo đánh giá của Fry,  Em Thúy thể hiện một gương mặt giản dị nhưng đáng yêu, hiện thân của tuổi trẻ, với đôi mắt đầy tin tưởng như muốn giao tiếp với mọi người, bức tranh cũng thể hiện ảnh hưởng từ phong cách dùng bố cục không đối xứng của họa sĩ Henri Matisse (người Pháp). Tuy nhiên, bà Caroline nói: "Mặt tranh bẩn do bụi, muội thuốc lá, phân côn trùng, toan không bền chắc, rất dễ rách, sợi vải bị hư hỏng nhiều. Toan chùng, lớp sơn tranh nứt nhiều, có nhiều lớp bong sơn do điều kiện môi trường nóng ẩm làm biến đổi lớp toan, phá vỡ tính liên kết của mặt sơn". Bức tranh đã được phục chế qua bảy bước: Lập hồ sơ về hiện trạng tranh, chụp ảnh; ổn định tranh: củng cố lớp vệ sinh tranh; làm ẩm bằng men tự nhiên, dùng dao cạo bỏ các vết bẩn bám chắc, loại bỏ các lớp sơn bóng bằng hoá chất và các vết phục chế cũ; xử lý vết bong sơn, quét lớp sơn bảo quản, bù đắp phần sơn bị mất, sơn lại bằng mầu nước và sơn bảo quản chuyên dụng; làm khung mới; chụp ảnh và làm báo cáo cuối cùng. Bức tranh  sau khi phục chế hoàn chỉnh đã được chính thức bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật ngày 28/6/2004. Bà Caroline dự kiến,  bức tranh có thể sẽ duy trì tình trạng tốt trong khoảng 20 năm.

 

Trước thời điểm nói trên, nhạc sĩ người Anh Paul Zetter (Phó Giám đốc Hội đồng Anh, người đã giúp mời Caroline Fry bảo quản phục chế lại Em Thúy), lấy cảm hứng từ bức tranh, đã sáng tác bản nhạc Khúc minuet dành cho Em Thúy.  Paul Zetter cho biết, lần đầu tiên nhìn thấy “Em Thúy”, ông như bị “sét đánh”, bị mê hoặc, bởi “Như nhìn thấy tuổi thơ của mình, thấy những xáo động nội tâm của mình…đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh”.. Paul nói rằng, có một điều gì vô cùng bí ẩn trong bức tranh này và anh muốn thể hiện nó bằng âm nhạc. Trong bản nhạc, có những cao trào như một cơn bão, là cảm nhận mãnh liệt của tác giả khi đứng trước ánh mắt nhìn trong trẻo đến diệu kỳ của “Em Thúy”, một gương mặt của cô gái nhỏ Việt Nam trong thời kỳ đất nước chiến tranh, loạn lạc...

 

 

Bà Minh Thúy

 

Khi viết bài hát giản dị theo điệu valse tặng cho bức tranh, Paul ao ước được gặp nhân vật của “Em Thúy”. Lạ lùng thay, Paul tâm sự với một người bạn mà không biết đó chính là người con trai thứ hai của bà Minh Thúy. Do đó, chính Paul lại là người đầu tiên đôn đáo tìm mọi cách quyên góp, vận động bạn bè, và mời nhà chuyên môn sang Việt Nam giúp phục chế lại bức tranh tại bảo tàng.

 

Kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về “Em Thúy”, bà Minh Thúy cho biết: vào năm 1983, trong một lần ghé thăm gia đình một người bạn ở Sài Gòn, tình cờ, có người nói sao gương mặt bà trông rất giống một tranh vẽ trên tờ lịch xuân. Bà nhìn lên trên tờ lịch treo trên tường, thì nhận ra ngay bức tranh “Em Thúy”. Sau đó, người bạn đã tặng bà tờ lịch đem về lưu giữ làm kỷ niệm đến bây giờ.

 

Bà Thúy bộc bạch, bà thật hạnh phúc, nhờ người bác kính yêu, danh họa Trần Văn Cẩn, mà cuộc đời  bà đã được cái “duyên” để bước vào thế giới nghệ thuật đẹp như giấc mơ và đầy tràn cảm xúc./.

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 5825
Ngày đăng: 13.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không gian sống và ngôn ngữ hội họa của Lê Thánh Thư - Hồ Tịnh Tình
Sự cố về bức tranh được giải cuả họa sĩ người Chăm - Dư Thị Hoàn
Vẽ… như… mơ!!! - Phương Giang
Cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam - Nguyễn Thu Thủy
Lặng lẽ, những mảng màu toả sáng - Lê Huỳnh Lâm
Triết lý nhân luân trong tam giác nhân quả của tranh hứng dừa - Vũ Ngọc Tiến
Thế giới kim loại của Vũ Thanh Nghị - Lê Anh Hoài
Ba biến thể trong sơn mài Võ Xuân Huy : Từ trực cảm đến ý thức sáng tạo - Trần Hạ Tháp
Thái Tuấn, 1918- 2007 - Đặng Tiến
Mỹ thuật Tp.HCM trong thời kỳ đổi mới - Uyên Huy
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)