Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.486
 
Do Thái: hành trình của một dân tộc -2
Nguyễn Ước

2. Vùng tản mác

            Thời lệ thuộc Ai Cập, Syria rồi La Mã và các thế kỷ trước và sau Công nguyên, rất đông người Do Thái di dân và sống tản mác tại các thành phố Hi La vùng quanh Địa trung hải. Các cộng đoàn đông đảo nhâát của họ ở Alexandria, Corinth, Ephesus, Antioch, Thessaloniki, Damascus, Philippi, Cyprus, Cyrene, v.v. Những nơi sống đông dân Do Thái nhất là Babylon và Syria, cách riêng tại Antioch và Damascus, với khoảng từ 10.000 tới 18.000 người Do Thái bị tàn sát sau cuộc nổi loạn ở Jerusalem. Tại Ai Cập có khoảng một triệu người Do Thái. Tại thành phố hải cảng Alexandria, họ chiếm một phần tám dân số

            Thuở đó, số người Do Thái sống tản mác ở hải ngoại còn đông hơn ở chính quốc. Hằng năm, vào các dịp hành hương cố quốc, đặc biệt vào dịp lễ Ngũ tuần, lễ Vượt qua, Thành thánh và Đền thánh Jerusalem tấp nập người Do Thái tứ xứ kéo về. Họ là nguồn tài chính lớn nhất của Jerusalem vì rất hào phóng khi cúng tế và hằng năm mỗi người nam Do Thái dù đang ở xứ nào, cũng phải đóng cho Đền thờ một nửa đồng sekel bạc. Theo Phúc âm Luca, một người Cyrene khi về hành hương đã bị lính La Mã bắt vác cây xà ngang thập tự cho Đức Giêsu Kitô.

            Tại Alexandria, vào khoảng thế kỷ 2-3 tr.CN, 72 học giả Do Thái đã hoàn thành cuốn Kinh thánh bằng tiếng Hi Lạp, gọi là bản Bảy mươi (Septuagint). Về sau, trong triết học, nổi bật khuôn mặt của triết gia Philo (20 trCN-50 sCN).

            3. Tản mác hai ngàn năm

            Đây là cuộc tản mác lớn nhất, đi khắùp thế giới và thê thảm nhất. Không kể số người sống ở ngoài Palestine, khi Jerusalem bị san bằng, theo sử gia Flavius Josephus (37-k.100 s.CN), họ có khoảng 1.100.000 người trong đó có 97.000 người bị bán làm nô lệ. Cho đến nay, người Do Thái trên khắp thế giới có khoảng 16 triệu người, sống ở hơn 50 quốc gia, trong đó Israel chiếm khoảng hơn 6 triệu người. Thật không dễ trong chốc lát trình bày hết những nét chính của cuộc tản mác đại trà suốt 2.000 năm lịch sử này, được gọi là thời Talmud này, nhưng chúng tôi cố gắng đưa ra một số nét chính. Nói chung, đây là hai ngàn năm bị trục xuất rồi lang thang vô tổ quốc khắp thế giới, nên kinh Torah, lề luật được triển khai thêm trong sách Talmud, phong tục tập quán cùng ký ức dân tộc trong văn học dân gian trở thành phương cách quan trọng để lưu giữ bản sắc Do Thái của mình.

Sách Talmud Palestine

            Đền thánh Jerusalem bị người La Mã san bằng, kéo theo sự sụp đổ của giới tư tế Saduccee và biến tu viện Qu'ram của người Essene thành nơi hoang phế, nhưng đặc biệt, biến cố ấy làm nổi bật vai trò của hội đường và người Pharisee trong sinh mệnh của Do Thái giáo từ đó cho tới ngày nay.  Thoạt đầu, tại Jerusalem, người Do Thái bị cấm rao giảng và thực hành phụng vu, đặc biệt không được giữ ngày Sabbath. Trung tâm tín ngưỡng từ Jerusalem chuyển lên Galilee phương bắc. Tại đây, uy tín của các thầy cả, các nhà thông thái tăng cao, trở nên tâm linh hơn, bác học hơn, và họ thật sự là những nhà lãnh đạo tinh thần cùng là đối tượng cho dân tộc ngưỡng vọng.

            Kinh Torah suốt ngàn năm qua được giảng dạy với những bài bình giải, những ý kiến và các thí dụ minh hoạ truyền miệng. Thế nên công việc trước mắt, trong thời buổi trầm luận, là phải ghi những thuyết giảng đó thành văn. Thành quả sưu tập những gì liên quan tới các đề mục vừa kể, đặt nặng phần bình giải lề luật, làm thành Mishnah. Tiếp đến là những minh họa, dụ ngôn, chuyện kể, v.v. làm thành Gemara. Cả hai bộ phận đó hợp lại thành sách Talmud Jerusalem, hay đúng hơn, sách Talmud Palestine. Bên cạnh đó, còn phần văn học dân gian được gom chung với cái tên midrash, trong đó có những mẫu chuyện, lời bàn nhằm triển khai hay bổ sung những chỗ chưa được nói rõ hay triển khai trong kinh Torah.

Sách Talmud Babylonia

            Cuộc khởi nghĩa của Bar Kokba (132-135) thất bại đưa tới thiệt hại nghiêm trọng và khôn lường cho người Do Thái ở Palestine. Cùng bị xử tử với thủ lãnh Bar Kokba là nhiều nhà thông thái, trong đó có Đại thầy cả Akiba ben Yosef (Rabbi Akiva), người được xem là kẻ đứng đầu các nhà thông thái và có công đầu trong việc chuẩn bị tập đại thành bản sách Talmud Palestine.

            Khoảng nửa triệu người Do Thái bị giết. Dân số người Do Thái ở Judea giảm hẳn. Người Do Thái bị trục xuất khỏi đất quê hương mình, bị bắt đem bán làm nô lệ khắp đế quốc La Mã. Jerusalem bị đổi tên thành Aetolia Capiotina, một thành phố hoàn toàn ngoại đạo và thuộc điạ trực tiếp của La Mã. Chỉ có người Kitô giáo còn lai vãng, người Do Thái giáo nào héo lánh tới mà bị bắt được, sẽ chịu xử tử.

            Một số học giả Do Thái chạy sang Babylon, cùng làm việc với các học giả ở đó trong thời buổi đồng bào họ càng ngày càng sống tản mác và áp lực của Kitô giáo trong vùng đất Đế quốc La Mã mỗi lúc một tăng mạnh. Sang thế kỷ thứ 5 sau CN, bộ sách Talmud Babylonia ra đời với hơn 2 triệu chữ, trở thành sách kinh điển, được mến chuộng và thông dụng hơn bản Talmud Palestine. Nó cũng gồm hai phần: Mishnah và Gemara, bên cạnh đó là phần văn học dân gian midrash.

            Bản Talmud Babylonia mang tính cách văn học tổng thể gồm các bình giải về luật lệ, thần học, khoa học, văn học dân gian và các ngành tri thức khác. Chính nó, trong bàn tay các thầy cả và luân lưu trong các cộng đoàn Do Thái, cùng với kinh Torah nơi hội đường, là chủ lực duy trì Do Thái giáo và là nguyên tắc hướng dẫn người Do Thái để sống, phương tiện để họ vững tin, chi phối sự hiệp nhất, tính cố kết và đàn hồi suốt 15 thế kỷ trước mặt.

Hồi giáo và Giáo hoàng La Mã

            Truyền bá từ những thập niên đầu của thế kỷ 7, đạo Islam độc thần hàm chứa những yếu tố tương tự với Do Thái giáo như cuộc sáng thế, các tổ phụ từ Abraham (Ibrahim) tới David (Dâwid), Solomon (Suleyman) và các luật về chay tịnh, cầu nguyện, hành hương, v.v.

            Ban đầu, Ngôn sứ Muhammad (k.570-632) muốn thu phục người Do Thái, rồi sau khi bị họ từ khước, ông muốn xúc tiến việc tiêu diệt và đuổi họ ra khỏi Ai Cập. Thế nhưng những thủ lãnh Hồi giáo tại các nước Hồi giáo là Sultan (vua Hồi) hay Caliph kế thừa ông xem luật ấy của Muhammad chỉ có tính danh nghĩa; họ đặt người Do Thái làm công dân loại hai, và tận dụng khả năng ngôn ngữ, tài chánh cùng y thuật của những người lưu vong này.

            Tại các thành thị Hồi giáo, người Do Thái giáo sống trong những khu phố biệt lập nhưng không bị cô lập, kể cả tại Morocco dù có tường cao vây quanh. Ngay cả khi người Hồi giáo xâm chiếm châu Âu vào thế kỷ 7, cai trị Tây Ban Nha thì tình trạng của người Do Thái ở đó được cải thiện hẳn. Dưới sự cai trị của người Hồi giáo tại Tây Ban Nha, kéo dài cho tới thế kỷ 11, người Do Thái có được một Thời đại Hoàng kim (Golden Age) về văn hóa tại Tây Ban Nha, Morocco và các xứ sở khác ở Trung Đông. Người Do Thái giáo, người Kitô giáo và người Hồi giáo sống bình đẳng với nhau. Các học giả Do Thái và A Rập chia sẻ tình yêu toán học, y dược, văn chương, triết học Aristotle. Thời kỳ này kết tinh thành các nhà đại tư tưởng như Judah Halevi (c.1075-1141), Shlomo ben Yitschak (1040-1105), Mose Maimonides (1138-1204), v.v. Mãi tới thời hiện đại, người Do Thái mới tìm lại được không khí này.

            Giáo hoàng La Mã tuy không lên án các chính sách bách hại người Do Thái nhưng ban đầu tương đối có thái độ khoan nhượng với họ, dung chứa họ, không dùng vũ lực với họ. Khi chạy trốn các cuộc thảm sát, họ thường tìm về nước Ý, và dĩ nhiên ở đó họ cũng bị giới cai trị thế tục phân biệt đối xử. Giáo hoàng làm đủ mọi cách bất bạo động để ngăn chận ảnh hưởng của Do Thái giáo lên những vùng dân cư hoặc tư tưởng Kitô giáo, dứt phép thông công những ai có quan hệ với Do Thái giáo, cấm người Do Thái giảng dạy, tịch thu kinh sách và thúc đẩy cải giáo, v.v. Tuy thế, tại Rome, người Do Thái không bị tàn sát hoặc trục xuất. Và hiện thời vẫn còn cộng đồng Do Thái liên tục sinh hoạt suốt 2.000 năm nay.

Tại các nước châu Âu

            Khởi thủy, người Do Thái có mặt khắp nơi tại các thành phố lớn của Đế quốc La Mã. Về sau, tại các nước châu Âu, chữ dùng chính xác cho chính sách đương thời của nhà cầm quyền đối với người Do Thái là bách hại, nghĩa là nếu cần thì tàn sát. Trong bối cảnh văn hóa thời đó, người Kitô giáo nói chung xem Do Thái là một dân tộc bị nguyền rủa vì tội giết Đức Giêsu Kitô, thuộc loại người đáng nghi ngờ, và duy trì nhiều thành kiến xấu về họ, thí dụ cho rằng vào dịp lễ Vượt qua, người Do Thái thường làm bánh không men bằng máu của người Kitô giáo và Hồi giáo, v.v.  Người Do Thái có mặt tại Tây Ban Nha từ đầu thế kỷ 4 và sau đó là tới các vùng đất sông Rhine.

            Trong chỉ dụ của các hoàng đế Kitô giáo đầu tiên, hình ảnh của Do Thái giáo bị thay đổi từ tôn giáo đáng chú ý và hợp pháp rõ ràng, sang tới giáo phái bất chính, và rồi những cuộc tụ tập báng bổ, pháp thuật. Giữ cho người Do Thái ở vị trí thấp kém, còn hơn công dân loại hai, nhà cầm quyền ngăn chận sự xâm nhập của Do Thái giáo bằng cách không cho tín đồ của nó tham gia chính quyền, cô lập các quan hệ xã hội của họ. Vào thế kỷ 5, Hoàng đế La Mã Theodosius ra chiếu chỉ cấm người Do Thái không được làm chủ nô lệ, không được xây hội đường, không được làm viên chức và không được kết hôn với người không phải Do Thái. Giai đoạn ngược đãi trầm trọng trọng này chấm dứt năm 681 khi các đạo binh Hồi giáo có mặt ở châu Âu.

            Sau Thời đại Hoàng kim, khi châu Âu thành Kitô giáo và A rập thành Hồi giáo, người Do Thái không chỉ bị xem là "người ngoại cuộc" mà còn là người ngoại cuộc theo một tôn giáo khác. Số phận của họ biến đổi theo thái độ của các vua chúa vốn nắm sinh mạng của thần dân trong tay. Suốt nhiều thế kỷ, người Do Thái không có sức mạnh chính trị, kinh tế tôn giáo nào, và phải sống bằng tháo vát cùng tư duy nhạy bén của mình.

            Sang tới thời Trung Cổ, với các cuộc Thập tự viễn chinh của người Kitô giáo nhằm đánh chiếm Jerusalem, trong khi người Do Thái ở quê nhà tiếp tay phòng thủ Palestine thì người Do Thái ở châu Âu lại bị tàn sát để tạo khí thế xuất quân hay báo thù rửa hận. Năm 1290, Anh trục xuất 16 ngàn người Do Thái. Pháp năm 1306, trục xuất mười vạn người. Đặc biệt tới cuối thế kỷ 15, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trục xuất khoảng 20 vạn người. Đối tượng của các vụ trục xuất thường là tín đồ Do Thái giáo không chịu cải sang Kitô giáo. Tại Bồ Đào Nha kể từ năm 1497, trẻ em Do Thái bị buộc phải ở lại khiến nhiều bậc cha mẹ cũng phải cải giáo để được sống với con. Nhiều nơi, trẻ em Do Thái bị bắt cóc để chịu phép thanh tẩy làm người Kitô giáo. Đợt bách hại này nằm trong chiến dịch khủng bố của Toà án Dị giáo vốn bắt đầu tung hoành từ năm 1478, có nơi xem một số người Do Thái là phù thủy, pháp sư. Tại Đức cũng có bách hại nhưng ít hơn.

            Giã từ các nước Tây Âu, người Do Thái một số chạy về phương Đông, một số chạy sang Ý và nhất là chạy tới Đông Âu, đặc biệt Ba Lan. Một số chạy sang lập các cộng đồng ở Pháp, vì dưới thời Napoléon, tình hình khá hơn. Thực tế, khi người Do Thái bị Tây Ban Nha và Bồ đào Nha trục xuất trong các năm 1492-1496, trong số các nước châu Âu chỉ có Hà Lan mở cửa đón nhận và cấp cho họ đầy đủ quyền công dân. Quốc gia này có một mạng lưới thương mại lớn rộng với nhiều tàu buôn và thủy thủ đi khắp thế giới. Một số người Do Thái cũng trở thành thương gia, một số làm các ngành nghề mới phát minh như thợ khóa, kính đeo mắt, ống nhòm, v.v.      

            Bên cạnh đó, còn có các cộng đồng Do Thái mới lập ở Anh, Đức và vùng Moravia, nơi có cộng đồng Do Thái vốn đông đúc sẵn ở Nga, và Ukraine, Lithuania, Hungary, Nam Tư, Tiệp Khắc, Roumania, v.v. Chỉ riêng tại Ba Lan năm 1764, số người Do Thái đã lên tới con số 750.000 người, đủ để khởi động Phong trào Hasid của Đại tôn sư Baal Shem Tov (1698-1760) rồi lan khắp Đông Âu. Tại Nga vào giữa thế kỷ 19, số người Do Thái lên tới 2 triệu.

            Suốt nhiều thế kỷ, nhiều xứ sở không cho người Do Thái làm chủ đất đai hoặc có ruộng nương vì họ bị xem là "người ngoại cuộc". Họ cũng bị cấm vào đại học, vì thế phải tìm đủ cách để kiếm sống. Một số trở thành thợ may, thợ đóng giày, thợ kim hoàn, v.v. Triết gia Spinoza sống bằng nghề mài tròng kính. Người không làm thợ thì đi buôn và trở thành thương gia. Các ngành nghề nói chung đều lưu động. Một số làm chủ tiệm trong khi những người khác mang hàng hóa và tiền bạc đi từ thành phố này tới thành phố khác, chỉ biết trông cậy vào trí khôn để tự bảo vệ.

            Do đó, không lạ khi thấy người Do Thái có mặt rất sớm trong các phong trào di dân đi châu Mỹ, từ năm 1654 để tránh Tòa án Dị giáo ở Bồ Đào Nha. Tất cả di dân Do Thái chia thành năm đợt, đầu tiên là tới New York, thành phố bấy giờ là thuộc địa của Hà Lan. Năm 1881, vì Nga ban hành luật chống Do Thái nền từ nằm đó tới năm 1928 người Do Thái ở Nga ồ ạt di dân sang Mỹ là 1.749.000 người. Hiện nay, dân số Do Thái tại Hoa Kỳ khoảng 6 triệu người, và thành phố New York có đông dân Do Thái nhất.

Khu biệt cư ghetto

            Phong trào Phục hưng tại châu Âu khiến người ta nghi ngờ nó chịu ảnh hưởng của Do Thái giáo. Giáo hoàng Paul IV (1476-1555-1559) ra chỉ dụ Cum nimis absuundum năm 1555, thành lập Khu biệt cư ghetto ở La Mã, người Do Thái muốn đi ra ngoài biệt cư phải đeo thẻ màu vàng. Kiểu mẫu này lấy từ ghetto Venice và về sau lan khắp châu Âu và Trung Đông.

            Ghetto nói chung là một khu vực dành cho người Do Thái sống biệt lập với nhau, có vòng rào bao quanh. Ban đêm, khóa mọi cổng, ban ngày, người Do Thái ra ngoài phải đeo thẻ màu vàng, nhiều nơi, thẻ có hình Ngôi sao David. Trong ghetto, dân chúng cử lên hội đồng quản trị mà các quyết định của hội đồng đều qua tay xét duyệt của thầy cả.

            Dựa vào luật lệ Do Thái giáo, có tòa án gồm thẩm phán là thầy cả và các kỳ mục. Ghetto tự thu lấy thuế, lo cho trường học và trả lương cho thầy cả, các viên chức y tế, giáo dục, các quĩ xã hội, v.v. Và nếu cần, các chức việc hội đường như ông từ, người xướng kinh, người giết mỗ súc vật đúng luật kosher. Ghetto còn cử người có quan hệ với chính quyền địa phương. Dân sống trong ghetto thường nghèo túng vì bị hạn chế việc đi lại, mua bán, sinh kế, v.v.

            Ghetto Do Thái xuất hiện vì người Do Thái bị xem là người lạ trong các xứ sở Kitô giáo hay Hồi giáo. Các cổng của ghetto khép chặt vào những đợt có đụng độ sắc tộc hay khủng bố người Do Thái, xảy ra bắt cóc trẻ con Do Thái hay vào các ngày lễ lớn của Do Thái như lễ Vượt qua, Ngũ tuần, v.v.

Hai con dê và một cuốn sách

            Thuở còn Đền thờ Jerusalem, vào ngày thứ mười của tháng thứ nhất đầu năm lịch Do Thái, trong nghi thức ngày Đền tội (Yom Kippur) khi Thượng tế bắt thăm chọn lấy hai con dê, một con tế thần và một con gánh tội, có lẽ ông không ngờ tới một ngày nào đó, dân Do Thái hậu duệ của ông sẽ bị trong một lúc mang lấy thân phận của cả hai con dê ấy.

            Tiền tài, quyền lực và danh vọng là những giá trị trần thế. Nếu sử dụng khôn ngoan, chúng sẽ là phương tiện hữu ích để phục vụ con người. Nếu bị xem là cứu cánh, chúng trở thành phương tiện tuyệt vời để phục vụ tà thần, mà tiêu biểu là con bò vàng nghi ngút khói hương dưới chân núi Sinai hơn 3.300 năm trước, một hình ảnh ô uế của ngẫu tượng được người Israel cùng tư tế Aaron, em ruột của Moses bái lạy, trong tâm trạng dao động. Vào bất cứ thời nào, cũng có những kẻ mưu đồ vị kỷ nhân danh chính trị hay tôn giáo để phục vụ sự dữ của mình nằm trong cái ác muôn đời. Tiêu biểu hơn cả là những cá nhân hay tập đoàn độc tài chuyên chế thường củng cố quyền lực của mình bằng hai chân, một chân dân túy chủ nghĩa và một chân dân tộc chủ nghĩa, hay độc tôn tôn giáo. Cả hai thứ chủ nghĩa đó tạo ra những cơn si dại đồng bóng của quần chúng, đưa tới hoang tưởng và bài xích mang tính hủy diệt dân tộc khác hay tôn giáo khác.

            Người Do Thái là một sắc dân tha hương, với lối sinh hoạt tôn giáo nghiêm ngặt và lối sống cá biệt cộng thêm với sức sống những cá nhân có dân tộc nhưng mất chính quyền và lãnh thổ. Vì thế, khi là thiểu số trong cộng đồng của một dân tộc khác, họ dễ bị các thủ lãnh giả mạo của tôn giáo hay chính trị dùng làm con dê cúng tế thần linh ngẫu tượng của cơ chế. Và đồng thời dùng họ làm con dê gánh tội để đổ lên mình nó những bất lực và xấu xa của cấp lãnh đạo nhằm xoa dịu quần chúng.

            Những cuộc bách hại người Do Thái không chỉ xuất hiện trong bối cảnh cổ đại và trung cổ mà ngay trong thời hiện đại. Năm 1903, tại Nga xuất hiện cuốn The Protocols of the (Learned) Elders of Zion, nói về những âm mưu nham hiểm của các Trưởng lão Do Thái nhằm khống chế thế giới. Tuy cuốn sách được phóng tác từ chất liệu ăn cắp của các tác phẩm trào phúng chính trị trước đó, nhưng chẳng may có nhiều người tin rằng các âm mưu ghê tởm ấy có thật.

            Sau đó cuốn sách được dịch sang tiếng Anh, và đặc biệt tiếng Đức. Rồi nó rơi vào tay Đảng Quốc xã Đức trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng thập niên 30 của thế kỷ 20. Lập tức, qua bàn tay xảo quyệt của những kẻ tà đạo, cuốn sách trở thành chứng cớ để phát động một phong trào bài Do Thái, đặc biệt nhắm vào những đối tượng đang hoạt động trong lãnh vực tài chánh và thương mại, và giới trưởng lão học giả ở châu Âu.

            Dĩ nhiên, những khổ nạn tàn mạt của người Do Thái vào nửa đầu thế kỷ 20 không chỉ do bởi một cuốn sách, nhưng Protocols of (Learned) Elders of Zion cho thấy ảnh hưởng sách báo độc hại của những cây bút bất lương, sự dễ tin của quần chúng và lòng dạ hiểm ác của những thủ lãnh giả mạo, nghĩa là cho thấy sức mạnh của cái ác, của quỉ dữ cùng đường biến thiên của nó. Và hiện nay, trên khắp thế giới, vẫn có vô số sách báo, nhiều trang web thuộc loại hư ngụy và độc dữ như thế, chống lại những nỗ lực của con người trong công cuộc hiệp nhất loài người, vượt qua những dị biệt tôn giáo, chủng tộc và dân tộc.

Holocaust 1939-1945

            Holocaust phát xuất từ một từ ngữ Hebrew là Shoah, nghĩa là thảm họa mang tính chất hủy diệt; nói chung, và nó được dùng riêng cho cuộc Đại tàn sát người Do Thái vào nửa đầu thập niên 40 của thế kỷ vừa qua tại châu Âu. Cho đến nay, rõ ràng chánh phạm là Adolf Hitler với guồng máy Nazi Đức Quốc xã, những kẻ đã xem Holocaust là "Giải pháp sau cùng cho người Do Thái." Tuy thế, nhiều học giả đề nghị mở rông đối tượng của Holocaust vì trong tổng số 11 triệu nạn nhân của nó, người Do Thái chiếm khoảng 5.9T, số còn lại là các tù binh Liên Sô (2-3T), các sắc tộc thiểu số Ba Lan 1.8T, và số còn lại là người các nước khác, kể cả người Đức, thuộc diện tàn tật, đồng tính, tín đồ Nhân chứng Jehovah và các thành phần đối lập chính trị,

            Nạn nhân chủ yếu là người Do Thái với một âm mưu có hệ thống và thực hiện có kế hoạch của Đức Quốc xã nhằm diệt chủng Do Thái, sau khi đã biến họ vừa làm nguyên cớ biện minh vừa làm con dê chịu tôi cho những sai lầm trong các sách lược xã hội, kinh tế và nhất là quân sự của Adolf Hitler và tập đoàn. Nó đi đúng với sách vở chính trị học, trong khi các thủ lãnh dân chủ cần nêu cao lý tưởng để phục vụ thì ngược lại, các nhà cai trị độc tài cần vẽ vời kẻ thù để trấn áp. Từ giữa thập niên 1930, âm mưu diệt chủng Do Thái ấy được tiến hành theo hai giai đoạn: lập cơ sở pháp chế bằng những đạo luật tách người Do Thái ra khỏi xã hội dân sự, và tiếp đó, đưa họ vào cái chết bằng nhiều hình thức, trong đó kinh khiếp nhất là các trại tập trung có phòng hơi ngạt và lò thiêu.

            Địa bàn tàn phá của Holocaust không chỉ ở nước Đức mà còn tại các xứ sở bị quân Đức chiếm đóng như Ba Lan, Hà Lan, Luxembourg, Bỉ, Pháp, Nam Tư, Hungary, Romani, Bulgary, Phần Lan. Hãy lấy Ba Lan làm hình ảnh tiêu biểu. Trước hết, Đức Quốc xã lập Warsaw Ghetto, cô lập khoảng 380.000 người Do Thái, sau đó di chuyển họ đi nơi khác. Tại những xứ sở khác, ban đầu người Do Thái ra đường phải mang huy hiệu có hình Ngôi sao David, kế đó, bị phân tán gia đình theo nam nữ và bị vận chuyển bằng phương tiện cơ giới, thường là các toa tàu chở súc vật, xuyên quốc gia để tới các trại tập trung. Và vào những tháng đầu năm 1945, khi các đạo binh Nga băng qua Ba Lan, càng ngày càng tiến gần tới mục tiêu Bá Linh, thì tốc độ tàn sát tù nhân càng lúc càng nhanh khủng khiếp.

            Ngày nay, người ta dễ tìm thấy tài liệu về các khổ nạn tại hơn 15 trại tập trung của Đức Quốc xã cùng những hồi ký về cuộc sống lẫn trốn bên ngoài nó như của Anne Frank, chờ chết bên trong nó như của Elie Wiesel và vô số tác giả khác. Chỉ xin nêu ra ở đây một ít con số. Tổng số người chết: 11T. Số người Do Thái 5.9 T (Ghi nhận cụ thể và chưa đầy đủ: chết trong các ghetto và nhà tù 800.000 người; bị các đội hành quyết bắn ngoài trời 1.400.000 người; trong các trại tập trung 2.900.000). Tổng số người chết trong ba trại có số lượng cao nhất là Auschwitz 1.400.000 người; Belzec 600.000 người và Chemno 600.000 người.

            Liệu loại tội ác diệt chủng như thế có thể tái diễn dưới hình thức khác không? Không biết. Vì bao lâu con người chưa tích cực pháp chế hóa các giá trị đạo đức, chưa xiển dương cao độ cái thiện của mình để chế ngự cái ác trong mỗi người hoặc chủ động được đường tiến hóa của dân tộc, thì vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy tới cho mình và cho người khác, cho dân tộc và cho loài người.

 

Con đường phục quốc của người Do Thái

            Những khổ nạn của người Do Thái vừa được đề cập sơ lược ở trên không còn là vấn đề tranh luận. Các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả và các sử gia cùng hồi ký của các nhà văn và tiếng nói của những nạn nhân sống sót đã làm chúng ngày càng hiện nguyên hình với đầy đủ vẻ kinh tởm và tàn mạt ngoài sức tưởng tượng. Ngày nay, cái tên Đảng Tân Quốc xã (Neo-Nazi) và những lời phủ nhận Holocaust trở thành ngọn roi quất vào lương tâm loài người và là sự sỉ nhục con người ở mức cao nhất.

            Thảm trạng của Holocaust cũng âm vang trong tiếng nói đầy ân hận sâu xa của Giáo hội Công giáo La Mã. Ngày 16 tháng Ba năm 1998, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân danh toàn thể cộng đồng Công giáo La Mã đưa ra lời xin lỗi vì trong Thế chiến Hai, Giáo hội đã không phát biểu công khai chống lại cuộc Đại tàn sát Holocaust của Đức Quốc xã; trong thư xin lỗi ấy, Giáo hoàng còn nói Holocaust vẫn mãi mãi là vết nhơ nhuốc không tẩy xóa được trong thế kỷ 20. Hai năm sau, ngày 12 tháng Ba năm 2000, cũng chính Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra lời xin lỗi rộng rãi về những tội lỗi mà Giáo hội Công giáo đã phạm suốt các thời đại trong đó có những hành động chống lại người Do Thái.

            Trước đó 140 năm, đã có những tiếng nói vận động phục quốc và phác họa hình ảnh một nước Israel. Năm 1862. Moses Hess (1812-1875), một người cộng sự với Karl Marx (mà thân phụ, Henrich Marx, là một luật sư Do Thái cải giáo sang Tin lành), viết cuốn Rome and Jesusalem, The Last National Question (La Mã và Jerusalem, vấn đề cuối cùng mang tính dân tộc) nhằm kêu gọi người Do Thái thành lập một nước xã hội chủ nghĩa lại Palestine như một phương cách giải quyết vấn đề Do Thái. Năm 1882, sau những đợt đụng độ đẫm máu giữa thủy thủ Hi Lạp và thanh thiếu niên Do Thái tại hải cảng ở Odessa (Ukraine), Bác sĩ Judah Leib Pinsker (1821-1891) đã viết trong một tờ kêu gọi ủng hộ công cuộc phục quốc, trong đó ông phân tích khuynh hướng của người châu Âu xem người Do Thái là người lạ, và ông cay đắng nhận xét rằng:

            "Vì người Do Thái không có nơi đâu là nhà, không có nơi đâu là quê mẹ, nên ở khắp nơi hắn vẫn là người lạ. Tới độ bản thân hắn và tổ tiên hắn dù được sinh ra trong một xứ sở cũng chẳng mảy may biến đổi được thực tế đó... ...đối với sự sống, người Do Thái là xác chết, đối với nơi chôn nhau cắt rốn hắn là người nước ngoài, đối với quê nhà cố định hắn là kẻ rày đây mai đó, đối với quyền sở hữu hắn là gã hành khất, đối với người nghèo hắn là kẻ bóc lột và tên triệu phú, đối với người yêu nước hắn là kẻ không có xứ sở, và đối với tất cả, hắn là kẻ kình địch bị căm ghét."

            Từ năm 1882, người Do Thái đã bắt đầu háo hức di cư về Palestine, trong đó có 45.000 người từ Nga. Họ thành lập một số địa điểm định cư canh tác nông nghiệp với sự giúp đỡ tài chính của những người hảo tâm ở Tây Âu. Sang tới thập niên 1890, Theodor Herzl (1860-1904), một ký giả Áo-Hung vận động cho mạnh mẽ cho việc phục quốc và là cha đẻ của phong trào chính trị phục quốc Do Thái hiện đại (Zionism). Đệ nhất Nghị hội Phục quốc (First Zionist Congress) họp tại Basel, Thụy Sĩ năm 1897 thành lập Tổ chức Phục quốc Thế giới (World Zionist Organization).

            Thế nhưng thời đó, không phải mọi người Do Thái đều đồng ý với giải pháp Phục quốc Do Thái. Một số người Do Thái Chính thống đánh giá nỗ lực của Phong trào Zion là hấp tấp nông nổi, như một hành động vi phạm lề luật của Thượng đế. Nhiều người Do Thái Cải cách chống đối Phong trào Zion, xem nó là hành động đi ngược lại trào lưu lịch sử trong một thế giới đang hướng tới hoà bình và tình huynh đệ. Một số người cho rằng phong trào mang tính dân tộc chủ nghĩa ấy đối nghịch với khái niệm cho rằng Do Thái giáo chỉ là một tôn giáo.

            Thế rồi vụ Holocaust xảy ra, giải quyết mọi tranh luận và hoá giải các quan điểm đối nghịch. Hai ngàn năm trôi dạt với cao điểm là cuộc Đại tàn sát Holocaust, dân tộc tự hào mình được Thượng đế chọn và có sự hiệp thông riêng tư với Thượng đế đó, cuối cùng thấy mình là đoàn người tả tơi sống sót trước sân lò sát sinh của đủ thứ đồ tể. Chọn lựa tốt nhất là xây dựng cho mình một quê hương, để vừa có đất sống, vừa có chỗ hướng về và biến thành hiện thực câu chúc nhau hằng năm trong bữa ăn seder mừng lễ Vượt qua: Sang năm ta về Jerusalem!

            Sau bao nhiêu gian nan, nước Israel được thành lập vào ngày 14 tháng Năm 1948, trên vùng đất Palestine với diện tích 20 ngàn cây số vuông (bằng 1/16 diện tích nước Việt Nam). Dân số tính tới tháng Năm năm 2010 là 7.602.400 người, trong đó người Do Thái chiếm 6.051.000 người. Số còn lại gồm người Hồi giáo, Kitô giáo, Samaria và Duze. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hebrew, và lịch sử kinh thánh được dạy cho trẻ em như là câu chuyện trường thiên của dân tộc.

 

Ai là người Do Thái?

            Đó là một câu hỏi xót xa và rất khó trả lời cho một dân tộc sống chung với hàng chục dân tộc khác suốt hai ngàn năm nay. Với hơn 10 triệu người Do Thái đang sống bên ngoài lãnh thổ Israel, thì cuộc sống chung đó có vẻ kéo dài tới vô tận vì con người thời nay ngày càng mang tính hoàn cầu. Ngày nay câu hỏi thực tế nhất là người Do Thái ấy xuất thân từ cộng đồng nước nào. Người Do Thái hôm nay không còn thuần chủng. Hậu quả chung đụng qua cả trăm thế hệ làm người Do Thái nói chung tương tự với kiểu mẫu thể lý của dân chúng bản địa.

            Người Khương ở Hoa Bắc và người gốc Do Thái ở Hồ Nam trông giống với Hán tộc. Người Do Thái ở Ethiopia trông giống với người Ethiopia không phải Do Thái, có màu da đen và một số đặc điểm của người Caucase cùng người vùng Thượng Sahara. Người Do Thái giáo Yemen và người Hồi giáo Yemen chẳng khác gì nhau, đều có nước da sậm màu ô-liu, vóc người nhỏ, đầu hơi dài. Chủng tộc duy nhất mà người Do Thái ít bị đồng hóa là Bắc Âu bản địa. Thí dụ so với ngươi Do Thái Đức, thì người Đức không Do Thái nước da tương đối sáng hơn, mắt xanh, đầu dài và cao hơn. Đó chỉ mới vài thí dụ trong số hàng chục loại người Do Thái sống với các dân tộc bản địa khác.

            Tới đầu thế kỷ 20, người Do Thái sống ở Đông và Tây Âu cùng Nam và Bắc Mỹ được gọi là người Do Thái Ashkenazi. Trước đó, từ sau năm 1492, người Do Thái rời Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tới sống trong thế giới A Rập - trải rộng từ Bắùc Phi ra khắp Trung Đông tới Ấn Độ - được gọi là người Do Thái Sephardic. Tuy nhiên, tại nhiều nước ở Trung Đông, gồm có Yemen, Iraq, Iran và Ethiopia, người Do Thái được gọi với tên khác. Tại IraqIran, họ được gọi là người Do Thái Babylon. Người Do Thái ở phương Đông được gọi là Edor HaMizrakh.

            Ngày nay, danh xưng Sepharnic trở thành tiếng chỉ chung những người Do Thái không phải là Ashkenazi. Vì tình trạng đa nguyên của người Do Thái nên họ có các phong tục, truyền thống, tên họ, y phục, thức ăn và văn hóa dân gian (kể cả truyện dân gian) khác nhau trong nhiều khía cạnh. May mắn là những dị biệt văn hóa ấy được vượt qua nhờ các giá trị và các chủ đề mang tính Do Thái nhất định.

            Khi nước Israel thành lập năm 1948, ban đầu có một số người tinh nguyện trở về từ Mỹ và Canada. Rồi tới lượt các nạn nhân Holocaust sống sót ở châu Âu. Kế đó, lũ lượt người Do Thái sống tại các nước A Rập; nhiều người rời nơi mình từng sinh sống suốt 2.000 năm nay. Ngày nay, cả hai nền văn hoá của người Do Thái Ashkenazi và người Do Thái Sephanic cùng nhau hình thành bản sắc của nước Israel.

            Và như thế, để giải quyết câu hỏi "Ai là người Do Thái", người ta cho rằng người Do Thái bao gồm ba nhóm. Thứ nhất những người sinh ra trong gia đình Do Thái dù họ theo hoặc không theo Do Thái giáo. Thứ hai, những kẻ có bối cảnh tổ tiên hoặc có dòng dõi Do Thái dù không nghiêm nhặt về mẫu hệ như được qui định theo Lề luật. Thứ ba, những kẻ có bối cảnh tổ tiên hay dòng họ tuy không là Do Thái nhưng đã cải sang Do Thái giáo và nay họ đang là tín đồ của đạo đó, thí dụ trường hợp trước đây của Đại đế Herod.

 

Sống với thế giới ngày nay

            Cuộc tiến hóa đang chuyển biến chóng mặt, từ khoa học tới văn hóa. Để chứng minh mình là người Do Thái, một cầu thủ da đen trong đội tuyển Brasil không cần ôm theo chồng gia phả, mà chỉ rút từ ngực áo ra bản xét nghiệm gen di truyền. Cũng thế, hàm râu rậm rạp không còn được xem như có sức sống nội tâm phong phú và ân sủng dồi dào của Thượng đế. Con người thời nay hiện đại hóa và toàn cầu hóa, và đối với họ, có lẽ như một truyện dân gian trong sách này: Lề luật không ở trên trời. Ấy là chưa kể những kẻ nhiệt thành của phong trào hậu hiện đại, chuyên tìm cách bóc vỏ hoặc gây nhiễu các đại tự sự, tiểu tự sự của các nền văn hoá và tín ngưỡng, chính trị, v.v.

            Cuộc sống hiệp nhất và hợp thành một thể thống nhất của Do Thái giáo dưới quyền dẫn đạo của thầy cả hầu như đã thất lạc đâu đó trong thời hiện đại. Tự do của con người hôm nay mang lại sự chấp nhận thực trạng dị biệt và đa nguyên chủ nghĩa. Không còn tình trạng hết thảy tín hữu Do Thái giáo cất lên tiếng nói đồng nhất về thẩm quyền ràng buộc của kinh Torah. Tuy tín hữu theo khuynh hướng chính thống vẫn quả quyết rằng ý chí của Thượng đế hiện thể trong kinh Torah và sách Talmud, nhưng giờ đây họ thấy rằng sự hiện thể đó phải được thông giải một cách có thẩm quyền bởi các nhóm thầy cả cá biệt theo từng thế hệ.

            Thế nhưng một số người Do Thái khác vẫn khẳng định rằng Kinh thánh từ những khởi hứng thiêng liêng của nó, vẫn là lời giải đáp đầy nhân tính cho sự có mặt của một Thượng đế đang chỉ huy mọi biến cố. Cũng có nhiều người Do Thái không xem mình là người tôn giáo, không thuộc về một hội đường nào tuy vẫn tự hào về di sản của dân tộc. Họ ca ngợi các chiều kích luân lý và văn hóa của Do Thái giáo và bày tỏ niềm hi vọng rằng con cháu họ vẫn tự hào về dân tộc Do Thái cùng các giá trị và lịch sử của nó.

 

Thầy cả thời đại đại mới

            Còn hơn tình trạng phân rẽ giới Pharisee hai ngàn năm trước thành hai trường phái của hai Đại thầy cả Shammai và Hillel, Do Thái giáo ngày nay mang những khuynh hướng khác nhau trong thông giải kinh sách và thực hành thường nhật. Ta có Do Thái giáo ở Bắc Mỹ thực tiễn và năng động, bên cạnh Do Thái giáo Bắc Âu uyển chuyển và phóng khoáng, nằm kề với Do Thái giáo Đông Âu và Nga vẫn đậm màu bảo thủ, ảnh hưởng lên các cộng đồng di dân của họ ở Mỹ và Canada.

            Tình trạng dị biệt đó sẽ còn kéo dài vì như đã thấy, tín đồ Do Thái giáo không có cơ chế trung ương tập quyền như Công giáo La Mã hay Chính thống giáo. Ta có Do Thái giáo phái Hasid với những sinh hoạt bình dân, rộn ràng nhưng vẫn đượm không khí thần bí. Do Thái giáo Cải cách muốn tái phát biểu đức tin vào thuở bình minh của thời đại ngôn sứ với lời hứa "sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc" của con người thời đại. Phong trào Do Thái giáo Bảo thủ khẳng định rằng biến đổi của sự tuân giữ lễ nghi Do Thái giáo phải tăng trưởng trong quan hệ hữu cơ với trải nghiệm cuộc sống của tín hữu. Các thầy cả của phái này vẫn duy trì chiếc khăn phủ đầu khi cầu nguyện và khẳng định tầm quan trọng của luật chay tịnh.  Khuynh hướng Do Thái giáo Chính thống vẫn nhất quyết giữ vững ngày Sabbath và việc phân chia riêng rẽ chỗ ngồi của nam và nữ trong hội đường.

            Sự khác biệt của cả ba khuynh hướng đó tiếp tục đưa tới các quan điểm khác biệt về thẩm quyền của thầy cả. Người Chính thống và người Bảo thủ quả quyết rằng chỉ có hàng ngũ thầy cả được cơ chế hóa mới có thẩm quyền thông giải kinh Torah. Ngược là, người Cải cách cho rằng thầy cả đóng vai trò người hướng dẫn hơn là thẩm quyền tối hậu.

            Thêm nữa, sự lớn mạnh của phong trào nữ quyền trên khắp thế giới cũng tác động sâu xa lên Do Thái giáo. Rất đông nữ tín đồ nhấn mạnh rằng văn bản Kinh thánh cũng như lề luật và các kinh nguyện phụng vụ đã quá chú trọng tới nam giới, để cho nữ giới hầu như đứng bên lề hoặc chỉ là đối tượng phụ. Tình trạng bất bình đẳng đó phải được chấm dứt trong một thế giới mà nữ giới không còn bị thẩm định giá trị dựa trên khả năng sinh sản hay đảm đang nội trợ như thuở xưa, và nam giới không là kẻ duy nhất bôn ba ngoài xã hội.

            Nhiều phụ nữ Do Thái đòi phải thông giải lại giao ước của Thượng đế dành cho loài người, cả nam lẫn nữ, bổ túc cho những bình giải trong Talmud và văn học dân gian midrash, cũng như tìm cách ghi lại các thông điệp trong Kinh thánh một cách phi giới tính, thí dụ tại sao Thượng đế chỉ luôn luôn mang hình ảnh đàn ông, và tiêu biểu bằng đại danh từ giống đực. Trong thực hành cũng thế, có khuynh hướng làm lễ điểm đạo, hay lễ trưởng thành cho thiếu niên 13 tuổi, cả nam lẫn nữ; nhân số mười người hợp qui cách cho một buổi cầu nguyện phải tính luôn cả nam lẫn nữ, các qui định về hôn ước, li thân li dị, quyền gia trưởng, v.v. phải đặt trên sự bình đẳng giới tính.

            Thậm chí một số định chế Do Thái còn tiến hành việc phong thầy cả cho người nữ. Như nữ thầy cả Sally Priesand (1946 - ), thuộc Đại học Hiệp nhất Do Thái Cải cách (Reform Hebrew Union College), kẻ đầu tiên được tấn phong vào năm 1972 ở Hoa Kỳ.

            Thế nhưng nữ thầy cả đầu tiên là Regina Jonas được tấn phong bí mật vào năm 1935 tại Bá Linh; bà chào đời năm 1902 và tới năm 1944 thì bị giết trong trại tập trung Auschwitz. Trước đó, tại Hoa Kỳ có Paula Ackerman (1893-1989) phục vụ cộng đoàn với năng lực của một thầy cả nhưng bà không bao giờ được phong chức.

            Năm 1985, Chủng viện Thần học Do Thái Bảo thủ tại Hoa Kỳ (Jewish Theological Seminary of America) cũng tấn phong Amy Eilberg (1954- ) làm thầy cả. Tính tới năm 2004, Chủng viện này đã tấn phong hơn 150 nữ thầy cả, còn Học viện Thầy cả Ziegler (Ziegler School of Rabbinic Studies), cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ, đã tấn phong khoảng 30 người.

 

*

            Từ lời ca của David trong đoạn Thánh vinh mở đầu bài này đến nay đã ba ngàn năm. Qua bao nhiêu gian khổ và chuyển biến, người Do Thái vẫn mang trong mình hình ảnh Thượng đế giữa cuộc lữ thứ trần thế. Đấng giao ước ấy, dù được thông giải ra sao theo ngôn ngữ thời nay, vẫn là niềm hy vọng nỗi cậy trông và bến đỗ cho thuyền đời lạc loài. Và khi con người bí lối hay cô đơn nhất, vẫn có thể cảm thấy nguôi ngoai nếu có một hình bóng bên cạnh hay trên đám mây trước mặt. Cũng thế, ngày nay, tiếng hát có hình bóng ấy hẳn không còn ở nơi đồng cỏ xanh tươi với đàn súc vật, hay chỉ ở hội đường mà còn trên sân khấu với hàng chục ngàn khán giả đang ngây ngất vươn tay lượn mình và nhiều khi hòa điệu hát theo.

            Ofra Haza, nữ ca sĩ Do Thái, là người thấm đẫm nguồn cảm hứng thiêng liêng ấy. Cô chào đời năm 1957 tại khu phố Hativak ở Tel Aviv, trong một gia đình nghèo gồm chín anh em. Nhạc và lời do chính cô viết và hát, khởi hứng từ tình yêu văn hóa Israel và niềm tin vào Thượng đế, lan khắp Trung Đông, các xứ A Rập cùng châu Âu và Bắc Mỹ. Tiếng hát của Haza cất cao theo thể điệu nhạc pop hiện đại mang lại cho cô nhiều dĩa vàng và dĩa bạch kim cùng nhiều giải thưởng trên khắp thế giới. Năm cô qua đời (2000) vừa khép lại một ngàn năm cũ, nhưng tiếng hát của cô vẫn vang lên dạt dào trong thiên niên kỷ mới. Và tôi xin mượn một bài hát của cô như lời nguyện cầu của kẻ cô đơn lạc loài nơi trần thế, để làm lời kết cho bài này:

 

                                    Trái tim tôi

Những chiếc cổng trời cao mở ra cho nước mắt tôi

Những chiếc cổng trời cao mở ra cho nước mắt tôi

Thượng đế ơi, xin xót thương tôi.

Thượng đế ơi, xin xót thương tôi

Và đây cơn nhức buốt trong trái tim tôi

Và đây cơn nhức buốt trong trái tim tôi   

Ôi tình yêu, làm sao tôi có được?

Ôi tình yêu, làm sao tôi có được?

Người còn biết chăng tôi hiện hữu nơi này?

Làm sao tôi tìm thấy lối đi xuyên qua

tình yêu của người?

Trái tim tôi chỉ khát khao tự do

Không ai có thể khiến tôi yêu cái khác

Chỉ khi tình yêu ấy hiểu nỗi khổ đau này

và tới bên tôi

Ai nguyên nhân của đau đớn không thể tin này

Ai kẻ chẳng biết chút nào sự hiện hữu của tôi? ./.

 

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2411
Ngày đăng: 16.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Tích Chu, Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu - Lại Nguyên Ân
Truyền Kỳ Mạn Lục – Thiên Cổ Kỳ Bút - Đỗ Ngọc Thạch
Bàn Thêm Về Hình Thức Gắn Bó Với Nội Dung Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Chân dung cái Đẹp -1 - Bùi Đức Hào
Chân dung cái Đẹp -2* - Bùi Đức Hào
Liêu Trai Chí Dị - Nơi Ma Tốt, Người Xấu - Đỗ Ngọc Thạch
Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Hồng lâu mộng – Tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại - Đỗ Ngọc Thạch
Bản Giao Hưởng Số VII Và Không Gian Siêu Hình Của Âm Nhạc - Nguyễn Hồng Nhung
Chức năng của thi ca - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)