Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.097
123.230.682
 
Thuở Ban Đầu
Phạm Ngọc Hiền

Mùa thu ở miền trung quê tôi không bắt đầu bằng những chiếc lá vàng bay. Nhưng người ta vẫn nhận ra trời vào thu khi những trận gió Nam cuồn cuộn đã hết hẳn, khí trời ôn hòa, không nắng gắt như mùa hè, cũng không mưa dầm rả rích và lạnh lẽo như mùa đông. Và mùa thu cũng được báo hiệu bằng sự kiện khai giảng năm học mới. Trước ngày tựu trường, bao giờ cũng có người cầm ống loa bằng thép cuộn lại đầu to, đầu nhỏ đi khắp thôn để thông báo: “A lô, a lô… làng trên xóm dưới nghe đây, nghe đây. Trường cấp I Hòa Đồng thông báo, đúng vào lúc bảy giờ sáng ngày mai, toàn bộ học sinh phải có mặt tại điểm trường chính để dự lễ khai giảng năm học mới. Riêng những học sinh vào lớp một cũng phải đến để ghi danh nhập học. Đề nghị tất cả học sinh đến trường đúng ngày giờ quy định. A lô, a lô…”. Thế là chín mươi ngày rong chơi đã hết, còn gì vui hơn tiếng gọi của sân trường. Lũ trẻ gặp nhau, tay cầm tay tíu tít chuyện trò. Dẫu rằng sách vở khô như đá nhưng đối với chúng, được gặp nhau để có dịp nô đùa là một niềm vui thú lớn.

 

Đó là vào một sáng mùa thu đẹp trời năm 1979. Những xóm làng vốn quen với các âm thanh đơn điệu nay bỗng rộn ràng hẳn lên khi xuất hiện các tốp học trò nhỏ tíu tít đến trường. Những con đường làng như mới mẻ thêm khi được các cô cậu học sinh tô điểm cho chúng bằng những bộ quần áo sạch sẽ, có vẻ mới  hơn so với ngày thường. Đa số học sinh đi chân đất, một tay cầm hũ mực Thống Nhất và cây bút gỗ có lưỡi thép để chấm mực viết. Tay kia cầm mấy cuốn vở mới làm bằng loại giấy rơm  mà viết mặt bên này thì nhòe chữ sang mặt bên kia. Đi đến trường hôm đó còn có cả người lớn nữa. Tôi với Lân (em kề) và má tôi cũng có mặt trong số ấy. Đây là lần đầu tiên tôi đến trường với tư cách là một… học sinh.

 

Nhà tôi cũng ở gần trường và trước đây, tôi cũng qua lại đó nhiều lần nhưng đối với tôi, nó là một cái thế lạ lẫm và trang nghiêm đến đáng sợ. Nên tôi nấn ná không chịu đi học mà muốn tự học ở nhà. Dạo ấy, quê tôi đang giai đoạn đầu phong trào tập thể hóa nông nghiệp. Sáng chiều tiếng kẻng vang lên đều đặn “beng… beng… beng…” để báo hiệu cho bà con ra đồng làm. Trước khi đi, má tôi xách đầy một thùng nước. Anh em tôi ở nhà tự nấu cơm, giữ em và làm các việc khác. Vậy mà bên cạnh lúc nào cũng mang theo cuốn Tập đọc lớp một. Những chỗ nào khó phải chờ đến trưa hoặc tối để má về chỉ bảo. Nhờ chăm chỉ, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đọc sách báo thông thạo. Vào một đêm nọ gần tới ngày khai trường, ba tôi nói với ông nội: “Năm nay phải đưa bọn trẻ đến trường, thằng Hiền đã quá tuổi rồi còn gì nữa”. Thấy ông nội gật đầu tán thành, tôi giãy nảy: “ Không, con không đi học, con sợ lắm”. Ông nội nghiêm khắc bảo: “Lớn rồi, ai cũng phải đi học để biết, ban đầu sợ sệt, nhưng sau sẽ quen thôi”. Tôi đã từng thấy những thầy giáo dùng roi đánh học trò nên sợ phải đến trường lắm. Nhưng cũng sợ cả cái roi mây của ông nội gắt trên trần nhà nên tôi không giám phản đối cái quyết định quan trọng đó mà chỉ đứng ở góc nhà khóc thút thít.

 

Ngôi trường cấp I Hòa Đồng II (huyện Tuy Hòa) nằm ở rìa làng, đó là một dãy nhà tôn cũ được xây từ trước giải phóng. Do thiếu phòng nên học sinh phải học bốn ca trong ngày. Hồi ấy, mọi thủ tục đều khá đơn giản, má tôi tìm đến một phòng học lớp một và xin ghi tên cho anh em tôi vào học. Cô Lắm dạy lớp này rất ngạc nhiên khi nghe nói anh em tôi đã biết đọc, biết viết thành thạo. Để chứng tỏ điều đó, má tôi lấy ra một cuốn tranh truyện thiếu nhi “Mài kiếm trong thung lũng”. Cô chỉ chỗ nào, chúng tôi đọc vanh vách chỗ đấy. Vẫn chưa thể tin được nên cô lấy ra một tờ báo Nhân dân và bảo tôi đọc phần xã luận. Lũ trẻ ở dưới lớp chạy ùa lên xem, chúng há hốc mồm ra không hiểu tại sao tôi chưa từng đi học mà có thể đọc thông thạo như vậy. Thế là cô viết giấy giới thiệu cho anh em tôi vào học lớp hai, bỏ qua mẫu giáo và lớp một. Sáng hôm sau, má tôi dẫn hai anh em tôi đến đăng ký vào học thẳng lớp hai. Không ngờ, cô Bốn dạy lớp này là bạn học cũ là của má tôi. Hai người ở chung làng, học chung lớp và rất thân nhau. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, má tôi nghỉ nửa chừng, còn cô thì học tới lớp chín. Sau giải phóng cô đi học lớp sư phạm cấp tốc rồi ra dạy trường làng. Sau khi gửi gắm chúng tôi cho cô dạy dỗ, má tôi ra về. Tôi và Lân ngồi trong lớp sợ sệt, ngơ ngác nhìn một thế giới hoàn toàn khác với lúc ở nhà. Mấy đứa trẻ xung quanh tôi cũng không giống với lũ trẻ hàng xóm. Không khí ở đây trang nghiêm quá, khác xa với lối sống tự do chạy nhảy ngoài đồng. Rồi tôi tự hỏi: không biết sáng nay, lũ trẻ trong xóm rủ nhau chơi trò gì đây ?…

 

Những ngày đầu tiên ở trường, tôi giống như một người từ trên trời rơi xuống vì tiếp xúc với vô vàn cái mới mà trước đây chưa hề biết. Trong lúc đó, lũ bạn đã học qua lớp một nên hiểu được nội quy trường lớp. Một hôm, cô giáo gọi tôi lên bảng, cô giở sổ ra và hỏi: “Em họ gì?”. Tôi chẳng hiểu “họ” là gì cả nên đứng im như phỗng. Trong đầu bỗng loáng thoáng câu nói “họ !...”của mấy ông tướng trong tuồng hát bội khi làm tới động tác cưỡi ngựa. Mà ở lớp học thì có liên quan gì tới hát bội hoặc cưỡi ngựa đâu mà cô hỏi nhỉ ? Thấy tôi cứ ngớ ra, cô bảo đứa ngồi cạnh tôi: “Quảng, em lấy quyển vở của trò Hiền ra xem thử ghi họ gì trong đó”. Quảng xem xong đứng dậy thưa: “Thưa cô, trò Hiền họ Phạm ạ, Phạm Ngọc Hiền”. Tôi giật mình, hóa ra là thế. Cả lớp bật cười, khi tôi về chỗ, còn nghe cô lẩm bẩm: “Khờ vừa vừa vậy chứ, chỉ có họ của mình mà cũng không biết”.

Đầu buổi học, cả lớp đứng dậy đồng thanh hát một bài do lớp trưởng hô. Tôi và Lân chẳng thuộc bài nào cả nhưng sợ cô phát hiện nên cũng mấp máy môi. Thế mà thằng Quảng ngồi cạnh tôi cũng không hay biết chuyện đó. Nhưng không bao lâu sau, sự kém cỏi đó bị phát hiện. Vào giờ tập hát, cô gọi tôi lên bảng hát nhưng tôi không chịu hát, mọi người không rõ chuyện gì. Cô gọi tới Lân, nó bước lên bảng, chân run cầm cập. Nó cất tiếng hát: “Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng…”. Tới đây, bỗng nhiên nó im bặt. Cô giáo giục, nó lúng túng và nhớ ra câu cuối: “ Yêu hòa bình, yêu nước Việt Nam”. Cả lớp bật cười như vỡ chợ.

 

Dần dà, tôi và Lân cũng khôn ra đôi chút. Nhưng có một điều vẫn không thể hiểu nổi là tại sao mỗi khi hết một môn học, bọn trẻ đồng loạt bỏ quyển vở này xuống hộc bàn và lấy lên một quyển vở khác. Tôi và Lân nhìn nhau ngơ ngác, nhưng sợ cô phát hiện nên cũng giả vờ đưa quyển vở duy nhất xuống hộc bàn, rồi cũng lấy quyển vở đó lên cùng lúc với những đứa khác. Về nhà tôi suy nghĩ mãi không hiểu vì sao lại như vậy. Một bữa nọ cô gọi tôi đem vở lên chấm thì hết sức  ngạc nhiên: “Trời đất ơi, sao cả vở học và vở bài tập em đều ghi chung một quyển như thế này. Vở gì mà ghi lộn xộn thế. Giơ tay ra !”. Tôi tái mặt, run run giơ tay trái ra. “Đét !”. Tôi đau điếng rút tay lại. Cái thước kẻ trong tay cô lại giơ lên một lần nữa, tôi giơ bàn tay còn lại và nhận thêm một thước thứ hai. Mắt tôi đỏ như sắp khóc. Hôm ấy tuy đau nhưng vẫn thấy nhẹ nhõm cả người vì đã phát hiện ra một đều thú vị. Tôi đã giải đáp được câu hỏi mà lâu nay cứ mãi băn khoăn.

 

Và còn vô số những câu chuyện tức cười nữa nhưng cô giáo và những đứa bạn học vẫn không coi tôi là ngốc được vì tôi có khả năng đọc sách thông thạo mà không có đứa bạn nào trong lớp bì kịp. Tôi nhớ một hôm có các thầy cô giáo trong trường đến dự giờ, cô gọi tôi đứng lên đọc. Tôi đọc to rành mạch cả bài và không vấp chỗ nào. Có lẽ cô rất hài lòng và hãnh diện trước các thầy cô giáo khác. Còn vào giờ ra chơi, các anh chị lớp trên thường bảo tôi đọc sách cho họ nghe. Tôi ngoan ngoãn cầm quyển sách họ đưa cho và cắm cúi đọc to. Mọi người xúm lại quanh tôi và thỉnh thoảng cười rộ lên tán thưởng.

 

Thuở ban đầu cắp sách đến trường của tôi là như thế. Kỷ niệm đó đã lùi vào dĩ vãng quá xa rồi nhưng bài học của nó vẫn nằm trong mớ hành trang vào đời của tôi. Ngày hôm nay, tôi may mắn được trở thành giảng viên đại học, dạy văn, viết báo, làm thơ... Trên bục giảng, đã cố gắng tạo ra được cái vẻ chững chạc, đạo mạo của một ông thầy giáo dạy nhiều năm trong nghề. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần về thăm trường cũ, tôi bỗng cảm thấy mình hóa thành cậu học trò tiểu học khép nép, rụt rè. Mỗi khi gặp lại thầy cô cũ, tim tôi vẫn còn đập thình thịch giống như buổi đầu tiên…cắp sách đến trường làng./.

 

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 1990
Ngày đăng: 17.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài Thơ “Còn Gặp Nhau” Của Tôn Nữ Hỷ Khương - Mang Viên Long
Nay Mới Có Dịp Tỏ Bày - Lâm Bích Thủy
Vài ghi chú với Ngắn & rất ngắn(*) - Lý Đợi
Bức tranh nude art - Huỳnh Văn Úc
Lãng Du Trong Văn Học Pháp - Lương Văn Hồng
Thi Sĩ Với Giai Nhân - Yến Lan
Puerto Princesa City - Nguyễn Xuân Tường Vy
Chuyện Về Người Tạc Tượng - Mang Viên Long
Mưa Đêm - Nguyễn Hồng Nhung
Qui Nhơn Và Chương - Yến Lan
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)