Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.756
 
Tạp Ghi Sau Lần Về Khói Hương Cho Người Bạn Vừa Khuất
Nguyễn Hùng

1. Hai mươi năm sau ngày rời giảng đường Đại học, tôi mới có dịp về Đại Thắng quê Hải. Nhưng chẳng phải để cho một cuộc tương phùng mà là khói hương cho người đã khuất.

 

 Như mới ngày nào đó thôi mà đã âm dương cách biệt. Ôi "cát bụi mệt nhoài!", nên chi rồi thì Hải cũng theo về nơi "quê quán tôi xưa" - nói theo cách của Trịnh Công Sơn.

 

Không biết Hải có mang theo chút nắng mưa và thời gian của Huế; mang theo rơm rạ ruộng đồng và những tháng ngày mây bay của Quảng Trị? Nhưng dù gì thì trong đời Hải cũng đã một lần chọn nơi đó làm miền quê thương nhớ!

 

"Sông lạnh đò vắng neo chờ ai,

Mong đợi người lâu rồi người ơi 

Đây tiếng chuông vọng xa xôi

Đây bến đưa về nơi nơi."

 

Cơ duyên nào đưa Hải về làm rể quê tôi, để tôi có mặt trong tiệc cưới của Hải, đánh đàn và đọc thơ.

 

Hồi còn đi học tôi không chơi thân với Hải lắm, nhưng tôi yêu miền quê Quảng Nam bằng một niềm yêu sinh thành nên tôi xem tình duyên của Hải như một sự bù đắp niềm yêu cho mình.

Vậy mà dọc đường sinh ly Hải dần đánh rơi tất cả.

 

Tôi đứng lặng trước di ảnh người bạn, mắt xè cay bởi khói hương và niềm se sắt; lòng gợn chút trách móc. Nhưng rồi nghĩ lại, ngay cả cuộc sống của mình Hải còn dám "tiêu hoang" nữa là mọi thứ ký sinh. Thôi thì cứ cho là Hải đã ngộ đến sự mong manh ở cõi tạm nên sớm về nơi nguyên quán vĩnh hằng. Nghĩ thế cho nó nhẹ lòng.

 

2. Thì ra miền quê của Hải cũng hao hao bóng dáng như quê tôi vậy. Vẫn tre làng bao bọc lấy khu dân sinh sau những lối dẫn vào hun hút. Vẫn những mái nhà quê kiểng cong vút khói lam chiều, đơn sơ mà tình tự. Vẫn những cánh đồng kham nhẫn mà thủy chung nuôi người một nắng hai sương.  Những miền quê đã làm nên những điệu lý, điệu hò; làm nên những câu chuyện cổ tích; làm nên những dòng ca dao chan chứa yêu thương, làm nên những tình ca đẹp và tha thiết để những người dân quê được tắm mát trong suối nguồn yêu thương:

 

Ðất Quảng Nam, chưa mưa đà thấm, 

Rươụ hồng đào chưa nhấm đà say 

Ðối với ai ơn trọng, nghĩa dày , 

Một hột cơm cũng nhớ , 

Một gáo nước đầy vẫn chưa quên ...

 

Tôi đồ rằng tuổi thơ của Hải chẳng khác gì tuổi thơ tôi, được nuôi lớn  bằng những niềm yêu vô ngần hương đồng gió nội: mãi mê theo những cánh diều no gió, những mùa trăng trốn tìm bát ngát mùi rơm rạ, những tháng ngày chăn trâu, cắt cỏ, ngụp lặn với cánh đồng làng... Chút lao động nhỏ nhoi ấy cũng đủ đem lại niềm vui cho mẹ khi thấy con mình không chỉ biết chơi mà còn biết san sẻ nổi lo toan. Ôi! mẹ sinh thành luôn giúp con tỉnh thức trong cái lẽ vô thường đớn đau.

Vậy mà giờ đây khi "lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây", người mẹ ấy để lộ đến tận cùng đau khổ trong đôi mắt. Tuồng như mẹ đang tìm kiếm một điều gì đó như vừa mới đây thôi nhưng cũng đã xa vời. Xa hơn cả giấc mơ đêm đêm của mẹ :

 

Ôi tuổi thơ thương lắm  

Đêm nằm cứ rưng rưng  

Một cuộc đời tìm kiếm  

Để khi già còng lưng.

 

Tôi muốn nói một điều gì an ủi mẹ, nhưng tôi biết trong lúc này chẳng thể. Chắc là những vui buồn tựa hồ như quanh đây còn bám chặt trong tâm trí mỏi mòn của mẹ ?

 

Thì mẹ ơi, cứ coi sự ra đi của Hải là về cảnh giới khác, là diễn biến tương tục từng sát na không lúc nào ngừng, là chân như, có có, không không, là vô thường, luôn luôn chuyển động để cho sự sinh thành mới - như lời Phật ngộ về quy luật sinh hóa. Giờ đây, trong sâu thẳm của Thức, tôi nói thầm cho mẹ; nhưng cũng để cho bao bạn bè thân yêu và cả cho tôi về chuyến ra đi cuối cùng của đời người mà chẳng ai tránh được.

 

3. Tôi cùng nhóm bạn đến thăm mộ phần của Hải trước khi quay về. Sau một con đường vòng vèo dẫn vào khu mộ chí, mộ phần của Hải được xây cất khang trang, với tấm bia đề đầy đủ thành phần phụng lập. Tôi để ý kỹ điều này và chợt thấy cũng đủ an ủi cho người đã khuất. Vậy là, sau những phong ba của cuộc đời, trước khi nằm xuống Hải vẫn còn nguyên cả một gia đình.

Trời Đại Lộc trưa tháng ba nắng gay gắt như thiêu như đốt, nên chúng tôi hương khói cho bạn thành tâm nhưng cũng thu xếp để mau chóng lên xe trốn nắng. Vậy mà hóa hay. Giữa cái nắng tôi chợt ngộ ra một điều, chẳng phải cao xa gì nhưng thường ngày ít ai nghĩ tới, ấy là cuộc sống thực hữu gay gắt nơi chốn trần gian mà phận người phải đón nhận "một ngày như mọi ngày". Đó cũng chính là cái mà nhà văn Hiện sinh lừng danh Pháp Albert Camus gọi tên là Huyền thoại Sisyphe. 

 

Nhân vật Sisyphe trong tiểu luận triết học của ông bị các vị thần linh xử phạt phải không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh một quả núi để từ đó tảng đá lại tự mình lăn xuống. Họ phần nào có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng đó. Thì mỗi con người trong chúng ta đều là một Sisyphe. Suốt ngày làm một công việc, cả đời làm một công việc. Nhọc nhằn đề hoàn tất rồi bắt tay làm lại. Nhưng bi kịch là Sisyphe đã không tìm cho mình con đường ngắn nhất để chấm dứt chuỗi dài vô nghĩa hàng ngày, dù thấy phi lý. Sisyphe vẫn đủ can đảm để bắt đầu lại từ đầu, mạnh hơn chính số phận và ngoan cường hơn tảng đá. Đó là sự chấp nhận cuộc đời với những buồn vui mang tính phổ quát nhân loại. Trong cái vô nghĩa ấy, con người tồn tại, chấp nhận tính vô nghĩa của cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc trong thân phận phi lý.

 

4. Năm 35 tuổi, tôi bắt đầu đọc Kinh dịch. Tính đến nay đã gần 10 năm, tôi như người tiều phu miệt mài mà Kinh dịch như khu rừng bạt ngàn của chữ nghĩa vừa thâm sâu vừa uyên áo. Người tiều phu tay không là tôi vẫn cần mẫn, khi rảnh là tôi nhặt lấy của quý từ khu rừng ấy mang về làm gia sản cho mình. Vậy mà tôi chẳng mang được gì nhiều. Không phải khu rừng ấy hiếm sản vật mà vì sức vóc mình có hạn. Thế rồi, cũng đến một ngày tôi tìm được điều mà tôi sẽ kể ra đây với những người bạn của tôi.

 

Rằng: trong một ngày đẹp trời tôi đọc đến Quẻ Ký tế (Quẻ thứ 63); nội dung của Quẻ Ký tế là vượt qua sông, là nên; Ký tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành. Như vậy, nhìn lại hành trình của Kinh dịch, người lữ hành cất bước từ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; đến Hàm và Hằng, đạo vợ chồng, gốc của xã hội, gần cuối đương là Ký tế khép lại bằng một chuyến qua sông, coi như một cuộc "hạ cánh" để có thể thở phào nghỉ ngơi.

 

Nhưng hoàn toàn không phải vậy, tôi kinh hãi giật mình đọc đến Quẻ Vị tế (Quẻ 64 sau cùng). Ý nghĩa của Quẻ này chưa xong, chưa hết. Vị tế: chưa qua sông. 

 

Vậy là, người lữ hành phải đối mặt với một dòng sông trước mắt sau khi vừa vượt qua một dòng sông. Việc tưởng đã xong rồi lại chưa xong; như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của loài người, không bao giờ xong, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hoá hoá hoài, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng. Cái gì tới chung rồi lại tiếp ngay tới thủy.

Vậy thì chúng tôi, những người ở lại trần gian còn phải đối diện với những thử thách triền miên vô thủy vô chung của cuộc đời để tìm thấy một cách nhọc nhằn những điều ý nghĩa trong cuộc sống phi lý phận người kiểu Sisyphe .

 

Và chuyến về thăm Hải của tôi sau 20 năm mang ý nghĩa như vậy./.

 

(Bắt đầu có ý tưởng viết tại Đại Lộc trưa 30/4/2010. Viết xong tại Đông Hà chiều 26/5/2010)

Nguyễn Hùng
Số lần đọc: 2024
Ngày đăng: 18.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thuở Ban Đầu - Phạm Ngọc Hiền
Phải chờ đến nửa trăm năm … - Phạm Ngọc Lư
Bài Thơ “Còn Gặp Nhau” Của Tôn Nữ Hỷ Khương - Mang Viên Long
Nay Mới Có Dịp Tỏ Bày - Lâm Bích Thủy
Vài ghi chú với Ngắn & rất ngắn(*) - Lý Đợi
Bức tranh nude art - Huỳnh Văn Úc
Lãng Du Trong Văn Học Pháp - Lương Văn Hồng
Thi Sĩ Với Giai Nhân - Yến Lan
Puerto Princesa City - Nguyễn Xuân Tường Vy
Chuyện Về Người Tạc Tượng - Mang Viên Long