Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.204.078
 
Đàn nam Giao Một công trình kiến trúc quan trọng của kinh thành Thăng Long
Trần Anh Dũng

Trong quần thể các công trình kiến trúc của kinh thành Thăng Long, có một công trình kiến trúc mà dù bất cứ vương triều phong kiến Việt Nam nào lên trị vì cũng không thể thiếu nó, đó là đàn Nam Giao.

 

Đàn Nam Giao là một loại đàn tế, lễ tế ở đàn Nam Giao gọi là lễ tế giao. Đàn Nam Giao được dựng ở phía Nam của Hoàng Thành, thẳng trục với cửa thành phía Nam và chỉ cách cửa này vài ba Km đường chim bay. Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ:

- Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lí- Trần - Lê (ở khu vực ngã tư các phố Bà Triệu- Đoàn Trần Nghiệp - Lê Đại Hành-Thái Phiên- Mai Hắc Đế, cách cửa Nam thành Thăng Long chừng 2 km.

- Đàn Nam Giao nhà Hồ (Xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá), cách cửa Nam thành Tây Đô (hay còn gọi là thành nhà Hồ) 2,5 km.

- Đàn Nam Giao ở thành Vạn Lại (Xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) do vua Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng thứ nhất (Năm 1578), khi chạy vào Thanh Hoá để thủ hiểm chống quân Mạc Mậu Hợp, thậm chí còn được dựng ở ngay bên ngoài của luỹ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép : “Lập Đàn tế Nam Giao ở Vạn Lại. Trước kia dựng hành tại  ở Vạn Lại; sau đó lập đàn tế Nam Giao ở phía ngoài cửa luỹ(Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản chế bản điện tử) Tr. 663)...

Đàn Nam Giao và lễ tế Nam Giao ở Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển khá phức tạp.

 

1. Sơ lược về lịch sử phát triển của đàn Nam Giao và lễ tế Nam Giao:

 

1.1. Về tên gọi của đàn Nam Giao:

 

Trước hết, đàn Nam Giao thuộc loại hình đàn tế.

Đàn Nam Giao lúc đầu chỉ để tế trời vào ngày lễ đông chí. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí có dẫn sách Chu lễ như sau: “Ngày đông chí tế Trời ở đàn Viên khâu, ngày hạ chí tế Đất ở đàn Phương trạch, đấy là lễ của vương giả.” (Phan Huy Chú 1992 :29)

 

Phan Huy Chú cũng dẫn theo sách này: “Xét: Theo sách Chu lễ, Viên khâu gọi là Nam giao, Phương trạch gọi là Bắc giao” (Phan Huy Chú 1992 :30) . Trong 2 đoạn dẫn này có 2 điều cần lưu ý:

- Nam Giao là tên gọi khác của Viên Khâu, là đàn tế trời vào tiết đông chí.

- Phương trạch là tên gọi khác của đàn Bắc Giao, là đàn tế đất vào tiết hạ chí.

 

Phan Huy Chú cũng lúng túng, có lúc ông cho rằng lễ tế ở đàn Phương Trạch và đàn Nam Giao được  hợp làm một, có chỗ lại không cho là như vậy.

 

Theo chuyện Công Dương trong Kinh Xuân Thu, vua thân hành đến đàn Nam giao cầu đảo, cho đồng nam, đồng nữ mỗi bên 8 người vừa múa vừa hô to “Vu! Vu! Vì thế gọi là Đàn Vu.

 

Sử sách đều ghi chép 3 đàn Viên Khâu - Vu Đàn - Nam Giao đều nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Chúng tôi ngờ rằng tên gọi của 3 đàn có thể là tên gọi khác nhau của cùng một loại đàn. Tên  gọi đàn Nam Giao xuất hiện lần đầu tiên khi sử sách ghi chép về việc Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao ở Đốn Sơn nhưng không thành.

Trong 1 đoạn khác, Phan Huy Chú cũng dẫn sách Chu Lễ: “Xét: Lễ tế Giao đời cổ có hai nghĩa: một là tế để đón hòa khí, tức như trong sách Chu lễ nói: đông chí tế Trời ở đàn Viên khâu; hai là tế để cầu được mùa, tức là như thiên “Nguyệt lệnh” Kinh lễ nói: Ngày mồng một tháng giêng vua tế Trời để cầu được mùa. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên khâu và đàn Phương trạch không làm nữa, chỉ có đầu xuân tế Giao, hợp tế cả Trời Đất. Khoảng năm Hồng-vũ (1368-1398), nhà Minh định thành điển. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh, làm lễ vào tháng giêng, hơn 300 năm sau vẫn theo không thay đổi” (Phan Huy Chú 1992 : 30,31).

 

ở đoạn dẫn này thì thấy đàn Nam Giao trước đó vốn được dùng để tế trời và cầu được mùa. Từ cuối thế kỷ XIV trở đi ở Việt Nam và Trung Quốc mới có quy định chẽ về đàn Nam Giao và tế Nam Giao:  ở Việt Nam, đàn Nam Giao là nơi tế trời đất, linh vị các tiên đế đương triều vào ngày tốt đầu xuân hàng năm và do chính nhà vua trực tiếp tế. Việc quy định 2-3 năm một lần làm đại lễ tuỳ thuộc vào mỗi vương triều. Tế Nam Giao được quan niệm là lễ tạ ơn, báo cáo với trời đất về sự hiện diện của vương triều, cầu mong sự trường tồn của vương triều, sự thịnh vượng của quốc gia, của “ quốc thái dân an”.

 

Chính vì ý nghĩa quan trọng này mà tế Nam Giao được coi là nghi lễ mang tính cung đình,” là lễ của vương giả”, đàn Nam Giao trở thành một công trình kiến trúc cung đình không thể thiếu của vương triều, ít nhất là từ thời Lí trở đi.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Thăng Long, đàn Nam Giao luôn song hành với kinh thành này.

 

1.2. Về chức năng của đàn Nam Giao:

 

Chức năng của đàn Nam Giao cũng được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài. Ngoài chức năng chính là tế trời, đàn Nam Giao còn có các chức năng khác.

 

Thời Lý, đàn Nam Giao chủ yếu mang chức năng cầu đảo, mưa thuận, gió hoà, chức năng tạ ơn trời đất không thấy được ghi chép. Chức năng của đàn Nam Giao và tế Nam Giao được nhắc đến 3 lần vào các năm 1137 và 1138:

 

- Chức năng cầu mưa:

Năm 1138 : “Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán, nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị. Sai Tả ty lang trung Nguỵ Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở đàn Vu. Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở đàn Vu và chùa Báo Thiên”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư,  Bản kỷ (Bản chế bản điện tử), quyển 4: 142).

Trong đoạn dẫn này thì ở thời Lý vua có thể không trực tiếp cầu đảo mà giao cho các quan trong triều.

Việc tế Nam Giao ở thời Trần, sử sách nước ta đều cho rằng không có, có thể do không được ghi chép lại. Tuy nhiên, khi khai quật đàn tế Nam Giao ở thành Thăng Long (địa điểm 114, Mai Hắc Đế, Hà Nội) thì thấy tại đây có khá nhiều vật liệu kiến trúc, di vật thờ cúng và sinh hoạt của thời Trần. Một điểm nữa là khi Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao ở Đốn Sơn - Thanh Hoá thì sử sách nước ta lại chép rằng: “Theo lệ cũ, cứ 3 năm một lần đại lễ” (Phan Huy Chú 1992 :29). Chúng tôi ngờ rằng lệ cũ ở đây là lệ của thời Trần chứ không phải là lệ của thời Lý.

 

Có lẽ từ thời Lê trở đi, việc tế Nam Giao được triều đình rất coi trọng, vua trực tiếp tế Nam Giao. Trong khi hành lễ tế Nam Giao bất kỳ một sơ sẩy nào cũng được coi là điểm gở. Trong lịch sử tế Nam Giao, có 2 lần sự cố xảy ra trong khi hành lễ. Sự cố thứ nhất là vào năm 1403, khi Hồ Hán Thương dâng rượu tế Nam Giao, tay run đánh đổi rượu xuống đất đã huỷ bỏ lễ tế Nam Giao năm ấy. Sự cố thứ 2 vào năm 1572, vua Lê Anh Tông khi làm lễ tế Nam Giao đã đánh đổ lư hương nên phải đổi niên hiệu từ Chính Trị sang niên hiệu Hồng Phúc.

 

- Chức năng tế trời đất: “Nhâm Thân, [Hồng Phúc] năm thứ nhất [1572], (Mạc Sùng Khang năm thứ 7; Minh Long Khánh năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, vua tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. [35b] Vua biết là điểm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu thành Hồng Phúc năm thứ nhất.” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 4, tr. 617). Với chức năng này, tế Nam Giao nhằm tạ ơn trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu cho vương triều mãi mãi trường tồn, có tạ ơn trời đất thành kính thì mới trị quốc được dễ ràng.

 

Đặc biệt là trong bài ký khắc trên tấm bia Nam Giao điện bi ký được dựng năm 1679 ở đàn Nam Giao Thăng Long đã khẳng định: “Nơi tế giao sao lại gọi là điện Chiêu sự? Bởi vì đây thờ thượng đế vậy. Làm sáng tỏ lễ tế giao thì việc trị nước rõ như coi trên bàn tay. Nước Đại Việt ta được dựng nên, đất đai muôn dặm. Xem việc đặt đỉnh, đắp thành, biết rõ được việc dựng nước. Xem hướng lập điện, biết rõ được sự kính cẩn về việc tế trời. Chọn góc mé nam thành, xây điện Chiêu sự đàn Nam Giao, chính là nơi muôn loài sinh trưởng

 

- Chức năng tế thần và các vị hoàng đế tiền triều: Chức năng này được Phạm Đình Hổ chép lại trong Vũ Trung tuỳ bút. Các vị thần được tế là hậu kỳ thổ địa, các vị tinh tú và các vị thần khác.

 

Ngoài các chức năng trên, ở thời Tây Sơn, đàn Nam Giao còn là nơi công bố, niêm yết khi thay đổi niên hiệu.

 

ở thời Nguyễn việc tế Nam Giao được quy định chặt chẽ hơn, có các bàn thờ trời cúng Ngọc Hoàng thượng đế, các tiên đế tiền triều, bàn thờ đất, cúng các vị thần Mặt trời, các vì sao, thần gió, mây, mưa, sấm, thần núi biển, sông, hồ, thần đồng bằng, thiên binh, thiên tướng...

 

1.3. Về lịch sử phát triển của đàn Nam Giao:

 

Theo hiểu biết của chúng tôi, ngoại trừ việc các chúa Nguyễn có một số lần xây dựng đàn Nam Giao thì đến nay đã có 6 đàn Nam Giao như sau:

- Đàn Nam Giao ở kinh đô Thăng Long được xây dựng từ thời Lý.

- Đàn Nam Giao ở Thanh Hoá do Hồ Hán Thương xây dựng trên dãy Đốn Sơn vào năm 1403.

- Đàn Nam Giao ở Vạn Lại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá do vua Lê Thế Tông (niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, năm 1578) xây dựng.

- Đàn Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân của triều Tây Sơn.

- Đàn Viên Khâu (Nam Giao) thời Tây Sơn do Quang Toản đắp ở ngoài cửa Liễu Thị (Hà Nội).

- Đàn Nam Giao ở kinh thành Huế của vương triều Nguyễn được xây dựng năm 1806.

Lần đầu tiên tên đàn Viên Khâu (đàn Nam Giao) được xuất hiện vào thời Lý. Đại Việt sử ký toàn thư có chép như sau: [Năm 1154], “Tháng 9, vua ngự ra cửa Nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu.” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 4: 142). Trước đó, cũng sách này còn có 2 đoạn chép về Vu Đàn là loại đàn cầu đảo khi hạn hán:

 

- Năm 1137 : “Tháng 6, hạn, xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu Đàn ở phía Nam làm lễ cầu mưa”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 3:133)

 

- Năm 1138: “Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán, nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị. Sai Tả ty lang trung Nguỵ Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở Đàn Vu. Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở Đàn Vu và chùa Báo Thiên”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 3:142).

 

Trong thực tế khi khai quật di tích đàn Nam Giao địa điểm 114, Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện được khá nhiều viên gạch thời Lý in hàng chữ Hán: “Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057) ở lớp văn hoá dưới cùng. Đây là niên hiệu của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Điều này cho thấy nhiều khả năng đàn Nam Giao ở nước ta có từ rất sớm. Tuy nhiên sử sách điều không ghi rõ về sự kiện này. Thông thường là khi một quốc gia, một vương triều được thiết lập thì đàn Nam Giao là một trong những công trình thiết yếu của quốc gia, của vương triều đó phải được xây dựng sau đó ít lâu. Ví dụ triều Hồ được thiết lập năm 1400 thì năm 1403 đã xây đàn Nam Giao ở Thanh Hoá; Triều Nguyễn được thiết lập năm 1802 thì năm 1806 đã xây dựng đàn Nam Giao ô kinh thành Huế.

 

Trong bài viết này chúng tôi không có ý định trình bày tất cả các đàn Nam Giao của các vương triều phong kiến Việt Nam, mà chỉ trình bày những kết quả khai quật khảo cổ học mới nhất về đàn Nam Giao ở Thăng Long nhằm để góp phần làm rõ hơn một công trình kiến trúc  quan trọng nằm trong quần thể các kiến trúc xung quanh kinh đô Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.

 

2. Đàn Nam Giao Thăng Long Thời Lí- Trần- Lê:

 

Đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long có một lịch sử phát triển và tồn tại lâu dài nhất so với những đàn Nam Giao hiện biết. Đàn Nam Giao Thăng Long trải qua các triều đại Lí, Trần, Lê và một phần của thời Tây Sơn, đã được ghi chép trong khá nhiều sử sách, bia kí và địa bạ cổ nước ta như: Đại Việt sử kí toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Lê triều hội điển, Vũ trung tùy bút, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Thăng Long cổ tích khảo, Địa bạ huyện Thọ Xương, Nam Giao điện bi ký...

 

Đặc biệt trong địa bạ của thôn Thịnh Yên, tổng Kim Hoa, huyện Thọ Xương có ghi rằng nền điện Nam Giao cũ có diện tích 308m2, chu vi 42m, cao 0,42m (Phan Phương Thảo 2006: 28 - 35).

 

Tấm bia Nam Giao điện bi ký, dựng năm 1679 được phát hiện ở khu vực số 114 phố Mai Hắc Đế- ngõ Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng với sổ Địa bạ huyện Thọ Xương, những dòng ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí, Vũ trung tùy bút... Những tư liệu thành văn này chỉ mới cho biết rõ vị trí của đàn Nam Giao Thăng Long thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn. Việc xác định Nam Giao Thăng Long thời Lí Trần và Lê sơ còn phải nhờ đến tài liệu khảo cổ học.

 

Đàn Nam Giao Thăng Long chính là khu vực nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (nay là Công ty cơ khí cổ phần Trần Hưng Đạo), số 114 phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đàn này tồn tại từ thời Lý đến thời Tây Sơn. Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tuỳ bút có một đoạn viết như sau: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801) vua Thiếu chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc thành đổi Bắc thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy.” (Phạm Đình Hổ 1972 : 70).

Trong đoạn viết này thì :

 

- Dưới thời Tây Sơn đàn Nam Giao (Viên Khâu) và đàn Phương Trạch lại là 2 đàn khác nhau.

- Năm 1801, trước khi nhà Nguyễn được tạo dựng, đàn Nam Giao Thăng Long đã chính thức bị phế bỏ.

 Nhưng trong thực tế thì ngay từ thời Tây Sơn, đàn này đã không còn giữ vị trí và chức năng như trước chỉ còn là nền cầu đảo mỗi khi có hạn hán, là nơi cáo yết khi thay đổi niên hiệu...Nền đàn được xây ngôi đền nhỏ thờ Liễu Hạnh, tại đây diễn ra các cuộc lên đồng và những chuyện hoang đường khác đã được ghi chép trong Vũ Trung tuỳ bút.

 

 Thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819), đàn đã thì bị phá để lấy gạch xây thành. Năm Tự Đức thứ 11 (1857) ngôi đền chính ở phường Thịnh Yên bị cháy. Điều này đã được ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí: “Bản triều đầu đời Gia Long giỡ lấy gạch đá để xây thành, chỉ còn đền chính ở phường Thịnh An (có sách chép là phường Lương Giang). Năm Tự Đức thứ 11, đền bị hoả tai (Quốc sử quán triều Nguyễn 1997: 193-194 ).

Sau đó khu vực nền đàn Nam Giao bị biến thành khu nghĩa địa của thôn Thịnh Yên, mà trong cuộc khai quật đàn này vào năm 2007 - 2008, Viện Khảo cổ học đã tìm được dấu vết của 21 mộ táng có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Đầu thế kỉ XX, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để xây dựng nhà máy. Năm 1956, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng trên nền đất của đàn Nam Giao. Hiện nay toà nhà thương mại Vincom Tower đã được xây dựng ở một phần của khu vực đàn Nam Giao.

Năm 2006, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát ở khu vực phía Nam, trên phần đất còn lại của đàn Nam Giao, với diện tích đào là 101.06 m2. Tiếp theo, vào các năm 2007 và năm 2008 Viện Khảo cổ học và Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã tiến hành 3 đợt khai quật khảo cổ học trên phần đất còn lại của khu di tích đàn Nam Giao và 1 đợt di dời toàn bộ phần móng còn lại của kiến trúc nhà chữ công thời Lí về kho tạm Đống Thây (quận Đống Đa, Hà Nội), với tổng số diện tích khai quật 1.805m2.

 

2.1. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lí:

 

Trở lại 2 đoạn dẫn từ sách Đại Việt sử kí toàn thư, vào các năm 1137 và 1138 chép về Vu Đàn, mà theo Kinh Xuân Thu, thì Vu Đàn chính là đàn Nam Giao như đã nêu ở trên, chúng ta thấy đàn này đã có từ trước đó, nhưng có từ  bao giờ thì chưa biết.

 

Do đàn Nam Giao Thăng Long đã bị đào sới, san lấp qua nhiều thời, nhà cửa xây cất chồng chéo lên trên và xung quanh nên không thể xác định được các tầng nền đàn và khu vực trung tâm, nhưng kết quả đào thám sát và khai quật di tích đàn Nam Giao ở địa điểm 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, từ năm 2006- 2008, đã góp phần làm sáng tỏ thêm về đàn Nam Giao Thăng Long.

2.1.1. Về địa tầng :

 

Gồm có tầng đất mặt, tầng văn hóa đàn Nam Giao và tầng sinh thổ.

- Tầng đất mặt: Dày từ 1,05m đến 1,94m. Gồm hai lớp đất:

- Lớp văn hoá hiện đại: đất lẫn gạch ngói bê tông, trụ móng nhà, bệ máy được hình thành từ khoảng 1957 đến 1985.

- Lớp văn hoá cận đại: đất san lấp, có chỗ tương đối thuần, màu nâu. Tầng đất được hình thành vào khoảng đầu thế kỉ XX, có thể là khi xây dựng nhà máy diêm thời Pháp thuộc. Các ngôi mộ táng ở thế kỉ XX có miệng huyệt bắt đầu từ tầng  đất này.

 

 - Tầng văn hóa đàn Nam Giao: Gồm 2 lớp:

 + Lớp 1: Lớp đất đắp nền đàn màu nâu xám, lẫn chủ yếu là gạch ngói vụn thời Lê được đầm chặt và phân bố rộng. Đây là lớp đất mặt đàn ở bên trên cùng của di tích đàn Nam Giao. Miệng huyệt của các ngôi mộ thế kỉ XI X đều bắt đầu từ tầng đất này.

+ Lớp 2: Chủ yếu là tầng đất sét vàng xám được đắp tương đối dày với các vết tích của vật liệu kiến trúc thời Lê sơ và thời Lý-Trần. Độ sâu và độ dày của lớp này tùy thuộc vào vị trí của mỗi hố.

 

- Sinh thổ: Là tầng đất gốc, có 3 lớp đất sau:

- Lớp trên cùng, đất màu nâu hồng bị Laterite hóa nên chứa nhiều sạn đầu ruồi. ở một số hố khai quật, trong tầng này vẫn có di tích thời Lý-Trần được đào sâu xuống như các trụ móng và đường móng sành của ngôi nhà có bố cục hình chữ công, còn lại hầu hết là không có hiện vật. Đợt đào thám sát năm 2006, chúng tôi đã chia tầng này thành 2 tầng là tầng 5 và tầng 6. Độ dày của tầng này rất khác nhau. Có những hố tầng này dày hơn 1m.

- Lớp đất ở giữa, tầng sét xám xanh, thuần mịn, hoàn toàn không có hiện vật.  - Lớp đất sét vàng xẫm ở dưới, độ sâu từ 3,90m đến 4,2m trở xuống.

 

 

 

 

Qua các hố đào ở khu vực này thì thấy khu vực đàn Nam Giao có nhiều gò đất nhỏ được san, bạt và đắp nối liên kết với nhau để tạo thành nền, có xu hướng dốc dần về phía Đông, phía Nam.

 

 2.1.2. Di tích kiến trúc thời Lý:

 

Di tích kiến trúc thời Lý đựoc phát hiện gồm có đường móng sành, các móng trụ kiến trúc cũng được làm bằng mảnh sành và mảnh bao nung và nền sân.

 

- Đường móng rải mảnh sành:

Đường móng rải sành xuất hiện tại hố H4, H9, hố 10 Bắc và hố 10 Nam chạy dài theo hướng Bắc Nam, nằm trong lớp văn hoá Lý - Trần. Đợt di dời đã phát hiện được gần như toàn bộ móng nhà đầm bằng đất và mảnh sành của ngôi nhà có bố cục hình chữ Công thời Lý.

Về cấu trúc, đường móng sành rộng trung bình khoảng 0,60m, và được dải bằng nhiều lớp đất sét đầm nện với nhiều lớp mảnh sành thời Lí. Đây là móng của ngôi nhà có quy mô lớn, bố cục hình chữ Công thời Lý.Trong và ngoài nhà, chỉ tính những trụ móng đã phát hiện đựơc, đã có tới 46 trụ móng làm từ mảnh sành và trụ móng làm từ mảnh bao nung . Móng của ngôi nhà có tổng chiều dài là 39m, rộng nhất 22,65m, chia làm 3 phần:

- Nhà ngang phía Nam: chiều Bắc Nam 22,65m, chiều Đông Tây là 8,8m - 9m.

- ống muống: là bộ phận kiến trúc nối 2 ngôi nhà ngang với nhau, chiều Bắc Nam 13,10m - 13,50m, chiều Đông Tây đến 7,20m - 7,80m.

Nhà ngang phía Bắc:chiều dài Bắc Nam là 16,50m, chiều Đông Tây do bị mất nên có thể tham khảo chiều Đông Tây của nhà ngang phía Nam.

Ngoài ngôi nhà này còn phát hiện được 1 kiến trúc nhà khác có trụ móng bằng sỏi, phân bố ở các hố 10 Nam, hố 7, hố 6.

Trên mặt móng sành, một đôi chỗ vẫn còn sót lại những viên gạch bìa hình chữ nhật được xây nghiêng hoặc xếp nằm có lẽ là để bó nền nhà.

- Các móng trụ bằng mảnh sành:

Bên trong và ngoài đường móng sành đã tìm được 46 móng trụ sành và bao nung, cơ bản trụ có dáng hình vuông (90cm x 90cm), cũng có móng trụ gần hình chữ nhật, (116cm x 85cm), có móng trụ có kích thước 90cm x 80cm. Các móng trụ đặt khá ngay ngắn, quy chỉnh.

 

- Nền sân :

Nền sân phía Đông còn tương đối nguyên vẹn, được đắp bằng đất sét, bên trên có dấu tích lát gạch hình chữ nhật hoặc gạch vuông. Trên sân nền có dấu tích vật liệu kiến trúc đổ xuống và gạch lát trên sân bị đào dỡ.

 

Nền sân phía Tây, lớp dưới được đầm nện các mảnh sành, mảnh gốm men và vật liệu kiến trúc thời Lý. Lớp nền bên trên cũng được đầm nện và lát bằng các loại vật liệu kiến trúc thời Trần và Lê sơ.

Như vậy ở sân nền phía Tây lớp dưới thuộc thời Lý, lớp trên được thời Lê tận dụng lại.

 

Trừ phần phía trên của sân nền phía Tây, toàn bộ các dấu tích còn lại được xác định niên đại thuộc thời Lý vì các lý do như sau:

- Về tầng văn hóa: Các dấu tích này ở lớp sâu nhất.

- Về kỹ thuật và vật liệu xây dựng: Về mặt kỹ thuật tại đường móng chạy dài bằng sành và móng trụ bằng sành, mảnh bao nung, các kết cấu tương tự như ở đây đã được khảo cổ học xác nhận thuộc thời Lý ở khu vực đàn Xã Tắc, khu Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Các mảnh sành, mảnh gốm men và vật liệu xây dựng đều có đặc trưng điển hình thuộc thời Lý.

 

2.1.3. Di vật tiêu biểu thời Lý:

 

Đợt khai quật năm 2007 và 2008 tìm thấy 214.521 di vật các loại như mảnh gạch ngói, gốm men Việt Nam và Trung Quốc, đồ sành, vật liệu trang trí kiến trúc như: lá đề trang trí rồng, phượng; gạch lát nền trang trí hoa cúc, hoa  mai, trong đó di vật thời Lý chiếm số lượng lớn, chủ yếu là đồ sành và vật liệu kiến trúc.

 

+ Vật liệu kiến trúc:

-  Gạch bìa: màu đỏ, chất liệu mịn, độ nung cao, kích thước: 38,5cm x 19cm x 5cm; 37,6cm x 19,5cm x 4,5cm. Nhiều viên còn nằm nguyên vị trí bó móng nền nhà chữ Công. Gạch bìa có 2 loại: Loại không trang trí, không có chữ và loại ở mặt phải in nổi 2 hàng chữ Hán theo chiều dọc: “Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057).

-Gạch vuông lát nền trang trí cúc đây hình sin, cuốn thành những đường tròn nổi.

- Ngói trang trí lá đề: Có 2 loại : Lá đề cân và lá đề lệch trang trí rồng và phượng. Diềm lá đề tạo các ngọn lửa rõ ràng, chi tiết. Giữa lá đề trang trí hai hình chim phượng, có 1 hoặc 2 chân, hoặc trang trí hình 2 con rồng, 4 con rồng ở tầng trên và tầng dưới  cùng nâng ngọn lửa thiêng. Các chi tiết  tỷ mỉ, tinh tế mang phong cách thời Lý như đã thấy ở nhiều di tích thời Lý khác. Cuống lá đề lệch chủ yếu là hình mây 3 chẽ cong mềm mại, ôm lấy viên ngọc báu đang toả nhiều quầng sáng.

 Đặc biệt là loại lá đề hình ngọn lửa có niên đại Lý sớm rất điển hình của di tích này.

- Ngói lợp: Ngói ống dài 35cm, đầu ngói 16cm có in nổi hình hoa sen 2-3 lớp cánh, có loại trên lưng ngói gắn lá đề cân trng trí rồng, phượng.

- Đầu chim phượng: Kích thước khá lớn, dài 50cm, rộng 24cm, dày 23cm. Mỏ phượng to khỏe ngậm ngọc mắt thon dài, lông mày cong, má mang xoáy cong, các chi tiết trang trí tỉ mỉ, tinh tế.

-Đầu quái thú:

Màu đỏ tươi, mắt lồi, gờ mày cao, nhe rănh, mồm há rộng, diềm các bộ phận như lông mày, mồm, mang trang trí nổi băng soắn hình dấu hỏi tinh tế.

- Đồ gốm sứ:

Đồ gốm sứ thế kỉ XI-XIII có các dòng men: Men trắng, gốm men ngọc, gốm hai màu men (Trong men trắng, ngoài men nâu).

-Gốm men trắng : Chủ yếu là bát men trắng trang trí văn chải răng lược, quả thuỷ ba với nhiều lớp sóng nước, trang trí tinh tế.

- Gốm Men ngọc:

 Gồm có bát  men ngọc trang trí cúc dây hình lá dương xỉ, đài sen hình lục lăng.

- Gốm hai màu men (Trong men trắng, ngoài men nâu):

Tiêu biểu là 2 chiếc đĩa nông lòng, dáng hình nón, chân đế gần đặc, lòng in nổi cúc dây lá giống với lá cây dương xỉ.

 

- Đồ Sành :

Chiếm số lượng nhiều nhất, tập trung ở đường móng và trụ sành, hầu hết đều không trang trí hoa văn. Một số vò gốm cùng loại đã phát hiện được ở đàn Xã Tắc và hoàng thành Thăng Long.

 

Những dấu tích kiến trúc và di vật khai quật được ở di tích đàn Nam Giao mà chúng tôi đã trình bày ở trên, đã cho thấy giữa tài liệu thành văn và tài liệu khảo cổ học hoàn toàn khớp nhau về sự có mặt của đàn Nam Giao ở khu vực này. Thậm chí ở mức độ nào đó, qua quy mô của ngôi nhà hình chữ Công ở khu vực phụ, cùng với sự trang trọng, cầu kì trong vật liệu và trang trí kiến trúc, đã cho thấy thời Lí đã rất chú trọng tới tế Nam Giao.

 

2.2. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Trần:

 

Sử sách nước ta đều cho rằng thời Trần không có tế Nam Giao. Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã dẫn lời của Ngô Ngọ Phong “ Từ nhà Trần về trước, không làm lễ Giao tế Trời, lễ ý văn vật thiếu sót nhiều vậy”. Nhưng khi chép về việc Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao thì lại viết là: ” Theo lệ cũ, cứ 3 năm một lần đại lễ”. Trong thực tế, tại đây đã phát hiện được một số dấu tích của kiến trúc thời Trần, cùng khá nhiều vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc như tượng uyên ương, lá đề trang trí rồng, phượng. Điều này đã cho thấy thời Trần vẫn xây dựng và củng cố đàn Nam Giao. Điều đó cũng có nghĩa là tế Nam Giao vẫn được tổ chức. Tuy nhiên, cũng như thời Lí, những nghi lễ về tế Nam Giao lại  không được ghi chép, khiến cho các sử gia phong kiến đều hiểu không đúng sự thật. 

 

2.2.1. Di tích kiến trúc thời Trần:

 

Đó là dấu tích các móng trụ bằng sỏi và con đường đi rải ở các hố H1, H2, 6, 7 và H1.

 

- Các móng trụ sỏi:

ở các hố H1, H6, H7 và hố 10 Nam các móng trụ sỏi có dáng hình vuông, kích thước 140cm x 140cm, cũng có trụ nhỏ hơn một chút: 112cm x 120cm. Các trụ móng ở hố 10 Nam chồng lên trên đường sành thời Lí. Các móng trụ ở hố H6 và H7 cùng với các trụ ở hố 10 Nam là của một kiến trúc khác dịch lui về phía Nam so với móng nhà chữ Công. Đây là một kiến trúc khá lớn, nhưng rất tiếc là không thể khai quật được bởi vì một toà nhà hiện đại lớn nằm đè lên trên. Các móng trụ sỏi này đều được đầm nện hết sức chắc chắn: bên dưới có các khối đá xanh, bên trên là sỏi nhồi chặt.

 

Các móng trụ ở H1 đều bị san ra làm nền nhà và chưa tìm thấy các mối liên hệ rõ ràng vì dấu tích còn lại quá ít.

 

- Dấu tích đường rải sỏi:

 

Dấu tích con đường này tìm thấy ở hố H12, đè lên lớp vật liệu kiến trúc thời Lí ở bên dưới. Đường chạy theo hướng Đông Tây, phần đã xuất lộ dài 15m rộng 2,30m đến 2,45m, dày 20cm-27cm. Một nền lát gạch thời Lê và những ngôi mộ thế kỉ XIX- XX đã cắt nát con đường này. Các dấu tích trên đây được xác định thuộc thời Trần vì tại những hố này đã phát hiện được khá nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc và đồ gốm thời Trần.

 

2.2.2. Di vật tiêu biểu thời Trần:

 

+ Vật liệu kiến trúc:

 

Vật liệu kiến trúc thời Trần cũng rất phong phú, gồm có ngói sen, ngói mũi vát, lá đè cân và lệch, gạch lát nền trang trí hoa chanh, trang trí hoa cúc nhiều lớp cánh trong hình lục lăng, các góc có các đường chéo nổi, khi ghép nhiều viên lại sẽ có một băng hoa cúc liên hoàn như đã thấy ở Li Cung, thành Nhà Hồ, đàn Nam Giao Thanh Hoá..., gạch bìa màu đỏ độ nung cao có các đường chải trên cạnh và mặt gạch, gạch lát nền hình vuông không trang trí hoa văn ngói ống trang trí hoa sen...

Đặc biệt là sự có mặt của

 

loại gạch đặc trưng của thời Trần, đó là gạch Vĩnh Ninh Trường. Tượng uyên ương và lá đề trang trí rồng , phượng cũng chiếm số lượng nhiều hơn thời Lí và có mặt ở khá nhiều hố.

 

+ Đồ gốm sứ :

 Chiếm số lượng chủ yếu không phải là đồ gốm sứ thời Lí mà là là đồ gốm sứ thời Trần với khá nhiều dòng gốm như gốm men nâu, men ngọc, men ngà, gốm lam mờ, và gốm hoa nâu, chủ yếu là mảnh thạp, lư hương, bát đĩa..

 

2.3. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lê:

 

Đàn Nam Giao Thăng Long  thời Lê đã được một số tư liệu ghi rõ thời gian xây dựng và sửa chữa qua các thời Hồng Đức (1470-1497), Quang Thuận (1460-1469), Quang Hưng(1578-1599), Cảnh Trị (1663-1671). Tư liệu thành văn ghi chép về đàn Nam Giao thời Lê khá nhiều, tài liệu khai quật khảo cổ học năm 2007-2008, về mặt di vật cũng phù hợp. Nhưng về kiến trúc thì đàn đã bị phá và đào xới nhiều lần nên chỉ còn lại một số dấu vết kiến trúc như trụ móng, chân tảng đá, nền sân lát gạch, cột cờ.

 

2.3.1. Các dấu tích kiến trúc thời Lê:

 

- Móng trụ: Một chiếc có dáng hình tròn (hố H6). Vật liệu xây dựng móng trụ là các mảnh ngói ống, ngói âm dương màu xám, nâu đỏ. Có 2 nền sân lát gạch.Một nền lát toàn bộ bằng gạch vồ, nền còn lại lát bằng nhiều loại gạch khác nhau.

 

- Sân gạch vồ:

Nền sân lát gạch vồ thời Lê Trung Hưng nằm đè lên toàn bộ móng nhà chữ Công ở hố 10. Sân này đã bị phá, chỉ còn lại một số mảng. Đây là một sân rộng, khoảng 30m x 40m, đầu phía bắc của sân có một khối trụ gạch vồ lớn: Cạnh đáy (theo chiều Bắc- Nam) dài 1,33m, chiều Đông- Tây 1,62m. Chiều cao của khối là 0,80m, khối được xây bằng đất sét mịn, đất miết mạch dày 0,03 - 0,04m. Khoảng giữa của trụ gạch có tạo một khe theo chiều Bắc- Nam rộng 0,21m, sâu 0,40m, ở mặt phía Tây cũng tạo một khe. Trụ này có thể là cột cờ.

 

- Sân lát bằng nhiều loại gạch khác nhau:

Nền sân gạch nằm ở hố H11 và H12 được lát bằng gạch vồ và gạch bìa, gạch múi bưởi, gạch vuông nhiều thời được tận dụng lại, thậm chí cả mảnh mái tháp đất nung. Gạch vồ có nhiều cỡ khác nhau, cỡ to 43cm x 19cm x 12cm ; cỡ nhỏ 34cm x 16cm x 9cm. Các viên gạch được xếp nằm theo hướng Bắc Nam. ở một vài vị trí, nền được xếp chen lẫn các viên gạch hoa lát nền thời Lý và thời Trần. Một viên còn lành nguyên in nổi hình hoa mai tròn. Viên gạch này giống hệt với các viên gạch lát ở di tích Li Cung của nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Các vết tích kiến trúc này được xác nhận khoảng thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng vì kiến trúc nằm ở lớp cao nhất của tầng văn hóa. Các vết tích này đều nằm đè lên dấu tích kiến trúc Lý-Trần. Vật liệu xây dựng là các loại gạch điển hình của thời Lê (gạch vồ) và thỉnh thoảng có chỗ sử dụng lại gạch Bắc thuộc, gạch thời Lý, gạch Trần.

Nền sân này cũng bị phá và chia cắt thành nhiều mảng do những ngôi mộ thời Nguyễn và mộ thế kỉ XX chôn vào, cùng với việc cạy gạch ở nền sân để kè bao xung quanh những mộ.

 Ngói âm dương tráng men vàng, đầu ngói in nổi rồng uốn cong 4 góc hình sao, trang trí diềm mái men vàng các loại phát hiện được nhiều nhất tại khu vực này.

 

2.3.2. Di vật tiêu biểu thời Lê sơ và Lê Trung Hưng:

 

- Vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc :

+ Ngói: Gồm có ngói âm dương tráng men vàng thế kỉ XV-XVI, ngói âm dương màu xám từ thế kỉ XVthế kỉ XVII, XVIII, đầu ngói trang trí rồng hoặc hoa cúc.

+ Gạch: gạch vồ xám: 43cm x 19cm x 12cm; 42cm x 21cm x 12cm; 34cm x 16cm x 9cm.

+ Trang trí diềm mái : có 2 loại, loại tráng men vàng và loại không có men, màu xám

+ Đầu tượng nghê-sấu: có 5 con bằng đất nung màu xám đen, trong đó có 3 con còn tương đối nguyên vẹn. Tượng lớn: 45cm x 24cm x 15cm, tượng nhỏ: 39cm x 24cm x 11cm.  Ngoài ra còn khá nhiều di vật khác nữa mà trong khuôn khổ báo cáo này chúng tôi không thể trình bày hết được.

Theo Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, bản dịch NXB sử học năm 1962) thì các đàn tế lễ theo thể chế định trong thời Hồng Đức gồm: điện Chiêu Sự 3 gian, 2 chái, điện Canh y, trai cung, phòng bếp, phòng ăn chay, kho tế khí, cửa giữa, cửa tả, cửa hữu và hai cửa ngoài.

Như vậy chắc chắn trong thời Lê sơ điện Nam Giao đã được sửa lại quy mô ngay trên nền móng cũ của đàn Nam Giao thời Lý và thời Trần.

Thời Lê Quang Thuận sửa lại chính điện 3 gian, đông vu và tây vu mỗi bên 7 gian.

Thời Lê Quang Hưng dựng thêm điện Chiêu Sự.

Thời Lê Cảnh Trị(1664) sửa lại điện Nam Giao. Bia Nam Giao mô tả đây là lần sửa chữa quy mô kiến trúc điện Nam Giao rất rộng.

Tất cả các nguồn tư liệu đã cho biết điện Nam Giao trong thời Lê được xây dựng và sửa chữa rất lớn. Riêng năm 1664, theo văn bia thì việc xây dựng rất quy mô hoành tráng.

 

Tuy nhiên dấu tích trên thực địa thì các dấu tích kiến trúc thời Lê hiện còn không nhiều lắm.

Hiện chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lê sơ mà chỉ tìm thấy các di vật thời Lê sơ như: ngói ống tráng men vàng có trang trí rồng năm móng, dấu tích các lần sửa chữa của năm Quang Thuận và Quang Hưng cũng không rõ ràng lắm. Dấu tích còn khá rõ, có thể của lần sửa chữa năm 1664 qua nền gạch vồ (hố H11 và H12), các di vật ngói, cặp tượng nghê-sấu trang trí trên nóc của kiến trúc.

 

Việc dấu tích kiến trúc điện Nam Giao thời Lê được xây dựng quy mô còn lại ít hơn thời Lý, có thể thấy rõ vì di tích ở gần lớp đất mặt, lại bị gặp nhiều biến cố như: nhà Nguyễn dỡ bỏ, hỏa tai, mộ táng thời Nguyễn và các công trình thời cận hiện đại san bạt xây dựng mới.

Số phận của đàn Nam Giao Thăng Long dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn ra sao đã được chúng tôi nói đến ở phần trên.

Như vậy, chính thức đàn Nam Giao Thăng Long bị phá hủy hoàn toàn sau năm Tự Đức thứ 11, phải mãi đến năm 2006 được khảo cổ học phát lộ ra.

 

3. Vị trí của các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ trong cấu trúc tổng thể đàn Nam Giao

 

Đây là vấn đề rất khó bởi vì không có tài liệu ghi chú sơ đồ cấu trúc của đàn Nam Giao.

Cấu trúc đàn Nam Giao chỉ được biết rất chung chung trong thời Lê qua ghi chép của Kiến văn tiểu lục, Vũ Trung tùy bút, Đại Nam nhất thống chí và Nam Giao điện bi ký.

Theo đó, ta thấy ở đây có đàn và các kiến trúc như sau:

- Điện Chiêu Sự 3 gian, 2 chái.

- Nhà bên cạnh về phía Đông và phía Tây 2 dãy đều có 1 gian, 2 chái.

- Đông vu và Tây vu 2 dãy, mỗi dãy 7 gian.

- Cửa điện Chiêu Sự 3 gian.

- Điện Canh y 1 gian, 2 chái.

- Trai cung 1 gian, 2 chái.

- Nhà bếp 3 gian.

- Phòng ăn chay 1 gian.

- Cửa giữa 3 gian, cửa tả và hữu 1 gian.

- Hai cửa ngoài đều 3 gian, bốn bên đắp tường.

Cấu trúc này có thể thay đổi chút ít theo thời gian nhưng về cơ bản có lẽ nó tồn tại suốt thời Lê.

Như vậy, chúng ta thấy cấu trúc của đàn Nam Giao rất phức tạp và lớn rộng. Tại hiện trường chúng ta mới đào một diện tích rất nhỏ. Các di tích này lại chồng chéo và bị phá hủy nặng nề do việc xây dựng nhà máy, việc xây cất mộ táng do đó rất khó nhận biết được vị trí của nó trong cấu trúc tổng thể của đàn Nam Giao.

 

Hiện nay, chúng ta chỉ có thể nhận định bước đầu là đã chắc chắn tìm thấy một bộ phận của dấu tích đàn Nam Giao qua các thời Lý-Trần-Lê.

 

Bộ phận dấu tích này một phần thuộc về các kiến trúc co mái, một phần thuộc về sân nền của đàn Nam Giao

 

Các bộ phận đó thuộc vị trí nào và là các kiến trúc nào của đàn Nam Giao thì hiện nay chưa thể xác định được

 

 4. Giá trị của di tích đàn Nam Giao

 

Cũng như di tích đàn Xã Tắc, sau hơn một thế kỷ bị mai một chúng ta mới có cơ may chứng kiến được phần nào dấu tích của đàn Nam Giao. Giá trị của di tích đàn Nam Giao là rất lớn.

 

Bia Nam Giao ghi rõ:

“ Nơi tế Giao sao lại gọi là điện Chiêu Sự ?         

Bởi vì đây thờ Thượng Đế vậy. Làm sáng tỏ lễ tế Giao thì việc trị nước rõ như coi trên bàn tay … Chọn góc mé Nam thành, xây điện Chiêu Sự đàn Nam Giao, chính là nơi muôn loài sinh trưởng … Điện này không những chỉ tỏ lòng tôn kính của đương thời, mà còn muốn truyền ngàn đời sắp tới … Phúc trời cho, lộc trời dồi dào, thọ trời cho, tuổi trời khỏe mạnh. Phúc lộc trăm nghìn, con cháu nghĩa cử, nghiệp đế vương muôn đời giữ mãi mệnh trời”

Đọc mấy dòng ghi chú bia Nam Giao ta đã thấy rõ giá trị của di tích. Cũng qua nghiên cứu các dấu tích của đàn Nam Giao chúng ta còn thấy rõ thêm lịch sử Thăng Long Hà Nội trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long-Đại Việt dưới các thời Lý-Trần-Lê.

 

Đối với kinh thành Thăng Long, đàn Nam Giao và lễ tế giao không hoàn toàn mang tính cung đình, là một trọng lễ đầu xuân cầu cho vương triều, nhân dân và đất nước. Nam Giao là một điểm quan trọng nằm trong trục Bắc Nam mà hoàng thành là trung tâm, trên trục này, có thể góp phần xác định hệ thống đàn tế, đàn thờ, đàn coi thiên văn và các kiến trúc khác bao quanh hoàng thành Thăng Long.

 

Qua đây chúng ta cũng có thêm các di tích, di vật quý cho việc trưng bày và phát huy giá trị của đàn Nam Giao và hoàng thành Thăng Long, hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

 

5. Kiến nghị

 

Đây là một di tích quan trọng ở giữa lòng thủ đô, trên một diện tích rất nhỏ các di tích đã xuất hiện khá phong phú và quy mô, để có các phương hướng cụ thể và giải pháp hợp lý Viện Khảo cổ học và Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội trân trọng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền một số điểm như sau:

 

1. Cho phép khẩn trương tiếp tục sắp xếp chỉnh lý và biên soạn, củng cố tư liệu một cách hoàn chính để in ấn phẩm về đàn Nam Giao - một trong những di tích quan trọng trong tổng thể kiến trúc cung đình của kinh thành Thăng Long..

 

2. Hoàn thiện hồ sơ để xếp hạng di tích đàn Nam Giao.

 

3. Chỉ đạo  xây dựng các phương hướng xử lý bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích kỷ niệm đàn Nam Giao./.

 

Tài liệu dẫn

 

1. Phan Huy Chú 1992 : Lịch triều hiến chương loại chí,  phần Lễ nghi chí NXB KHXH Hà Nội 1992, tr.29-34.

2. Phạm Đình Hổ 1972: Vũ Trung tuỳ bút, NXBVăn Học, Hà Nội,Tr 70-72.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn

- Khâm định việt sử thông giám cương mục chính biên (Bản Chế bản điện tử, quyển 4, tr. 162

- Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hoá năm 1996, tr.193-194.

4. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 3:133, quyển 4, Tr.142.

5. Nam Giao điện bi ký.

6. Lê Quý Đôn 1962 :Kiến văn tiểu lục, NXB Sử học, Hà Nội.

7. Phan Phương Thảo 2006: Một số di tích lịch sử văn hoá Hà Nội, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 7, Hà Nội, tr.28 - 35.

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 4486
Ngày đăng: 23.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đại địa mạch quốc gia - Trần Thanh Vân
Khuynh hướng tích hợp kiến trúc – năng lượng - Hoàng Xuân Phương
Nhà trên đường…” kiến trúc của thế kỷ XXI - Trần Đình Bá
Làng Việt cổ Đường Lâm có biến mất? - Nguyễn Thắm
Báo cáo của Hội KTS chưa thể hiện tinh thần hội thảo? - Hoàng Thúc Hào
Về Bình Dương thăm nhà cổ - Nguyễn Thị Hậu
TP Huế: Tan nát những ngôi đình cổ - Quốc Toản
Vật liệu kiến trúc bằng đất nung tại di tích hoàng thành Thăng Long - Nguyễn Thị Hậu
Nước mắt người xuất gia. - Khánh Phương
Kiến trúc sư,họ là ai ? - Nguyễn Trọng Huân
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)